Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Mừng Ngày Lễ Tạ Ơn 2023! Happy Thanksgiving Day!

Hôm Nay, Mừng Ngày Lễ Tạ Ơn 2023! Happy Thanksgiving Day!



Ngày Lễ Tạ Ơn



Tạ ơn người cho ta nơi nương tựa

Trời tự do một sức sống an lành

Đón nhân sinh vượt qua bao khổ nạn

Ngọn đuốc nhân quyền bừng sáng long lanh.



Tạ ơn nước Mỹ, đất lành chim đậu

Cho muôn sinh, nương tựa an bình

Tình thương đó, tựa núi cao biển rộng

Vượt Thái Bình Dương bao nỗi hy sinh.



Tạ ơn vùng đất cho ta sống lại

Từ bạo quyền cộng sản lắm tang thương

Vượt đại dương về nơi đây chung sống

Sự sống vươn lên từ những đoạn trường.



Tạ ơn hoa, vì chúng sinh bừng nở

Ơn đất lành nuôi sống những kiếp người

Tạ ơn vòng tay ân tình rộng mở

Đời phong ba mưa gió đã mỉm cười.



Lễ tạ ơn, những chân tình vô lượng!

Chỉ một lần, không đủ nghĩa biết ơn

Người chân chính hãy thành tâm nhận diện

Vùng đất này nơi thay thế giang sơn.


Lê Tuấn


Lời Chúc

Xin được Trân Trọng Kính Chúc:

Tất cả Quý Vị, Niên Trưởng, Chiến Hữu, Gia Đình, Bạn Bè, Thân Hữu:

Một Ngày Lễ Tạ Ơn, với những gì tốt đẹp nhất. Nhiều ơn lành từ Trời cao, an lành, vui vẻ, khỏe mạnh, chan hòa hạnh phúc, đến với tất cả Quý Vị và Gia Quyến.

Có những giây phút yêu thương, tình mến, bên cạnh Gia Đình, Bạn Bè và Người Thân, trong suốt Mùa Lễ Tạ Ơn 2023, năm nay.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!



Hôm Nay: Người Mỹ và Những Hoạt Động Mừng Truyền Thống Trong Ngày Lễ Tạ Ơn

Dưới đây là một số hoạt động truyền thống phổ biến trong ngày lễ Tạ Ơn:

•Ăn tối cùng gia đình: Lễ Tạ Ơn là ngày lễ của gia đình, vậy nên mọi người thường về nhà cùng nhau chế biến các món ăn truyền thống, ăn uống và chia sẻ những điều đã qua trong một năm.

•Xem bóng bầu dục: Bóng bầu dục Mỹ là một phần không thể thiếu của lễ Tạ Ơn. Gia đình thường xem trận bóng trên TV, cổ vũ cho đội bóng yêu thích của mình.

•Mua sắm vào Black Friday: Thứ Sáu đen tối (Black Friday) diễn ra ngay sau lễ Tạ Ơn, là dịp giảm giá lớn trong năm, thu hút lượng người mua sắm đông đảo.

•Làm từ thiện: Nhiều người dân tham gia vào các hoạt động từ thiện vào Lễ Tạ Ơn. Họ thường tình nguyện tại các bếp ăn xã hội để phục vụ thực phẩm cho người vô gia cư và người kém may mắn.

•Diễn hành Macy's ở New York: Cuộc diễu hành nổi tiếng của Macy's ở New York là một phần không thể thiếu của Lễ Tạ Ơn. Cuộc diễu hành với các bóng bay khổng lồ và tiết mục biểu diễn thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!



Không phải chỉ có Hoa Kỳ, phong tục mừng Lễ Tạ Ơn trên khắp thế giới!

-Năm nay, lễ Tạ ơn được tổ chức ngày 23/11 tại Mỹ và nhiều quốc gia với phong tục khác nhau.

Lễ Tạ ơn (hay còn gọi là Thanksgiving) là ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia với ý nghĩa mừng mùa màng bội thu, tạ ơn Chúa đã ban cuộc sống no đủ, an lành. Đây cũng là dịp nghỉ lễ chính thức cho người lao động tại Mỹ và Canada. Ngày lễ này được cho là có nguồn gốc châu Âu từ thế kỷ 16-17 nhưng dần trở nên phổ biến hơn ở Mỹ, được tổ chức vào ngày thứ Năm, tuần thứ tư của tháng 11, nhưng không cố định ở mỗi quốc gia.

•1. Mỹ

Lễ Tạ ơn được Tổng thống Franklin D.Roosevelt thiết lập thành luật năm 1939, sau đó được Quốc hội Mỹ phê chuẩn ngày 26/11/1941. Nếu như người dân Mỹ coi trọng lễ Tạ ơn như lễ Noel, thậm chí còn ăn mừng lớn hơn thì ở Anh - nơi được coi là quê hương của Thanksgiving, lễ Tạ ơn chỉ là dịp khởi động mùa Giáng sinh.

Đây được xem là ngày lễ quan trọng để gia đình sum họp, người ở xa trở về đoàn tụ. Thông thường, người dân được nghỉ 4 ngày. Bữa tiệc lễ Tạ ơn được tổ chức vào buổi tối tại nhà với món ăn không thể thiếu là gà tây. Tại Mỹ, ước tính hơn 50 triệu con gà tây được đưa lên bàn ăn mỗi năm và hầu hết phục vụ cho lễ Tạ Ơn. Sau ngày này, họ sẽ tổ chức ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday) là lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm.

(ảnh: Các món ăn truyền thống ngày lễ Tạ ơn ở Bắc Mỹ.)

•2. Canada

Trên thực tế, lễ Tạ ơn ở Canada được tổ chức sớm hơn ở Mỹ khoảng 40 năm. Năm 1578, một đoàn thám hiểm do nhà hàng hải người Anh Martin Frobisher dẫn đầu đã tổ chức một buổi lễ tại Nunavut để tạ ơn vì hạm đội của họ đã đến nơi an toàn. Đây được coi là lễ Tạ ơn đầu tiên ở Bắc Mỹ.

Quốc hội Canada chính thức ghi nhận ngày lễ Tạ ơn quốc gia (6/11) năm 1879. Từ năm 1957, ngày được đổi thành thứ Hai, tuần thứ hai tháng 10, khác với ở Mỹ do mùa thu hoạch ở quốc gia này diễn ra sớm hơn nước láng giềng. Tuy nhiên, truyền thống lễ Tạ ơn ở Canada vẫn khá giống Mỹ, bao gồm ăn gà tây và xem bóng đá cùng gia đình. Liên đoàn bóng đá Canada thường tổ chức giải thi đấu hàng năm dịp này.

•3. Đức

Lễ tạ ơn trong tiếng Đức gọi là "Erntedankfest", có nghĩa "Lễ hội thu hoạch tạ ơn". Ngày này thường được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Mỗi địa phương lại có một ngày khác nhau nhưng đều trong tháng 9 và 10. Bên cạnh các nghi thức truyền thống ở nông thôn mừng mùa màng, lễ Tạ ơn ở Đức được tổ chức ở các nhà thờ. Người dân tham gia Erntedankfest, trong đó có đám rước Erntekrone (vương miện thu hoạch) gồm ngũ cốc, trái cây, hoa đến nhà thờ và tổ chức bữa tiệc thịnh soạn gồm món Masthähnchen hoặc Kapaun, đều là các món thịt gà.

Lễ Tạ ơn kiểu Bavaria (Đức).

•4. Liberia

Nước cộng hòa Tây Phi này có mối liên hệ với nước Mỹ do những người nô lệ được trả tự đo, trở về vào đầu những năm 1820 và thành lập quốc gia này. Đầu những năm 1880, chính phủ Liberia thông qua đạo luật tuyên bố ngày thứ Năm đầu tiên của tháng 11 là ngày lễ Tạ ơn quốc gia. Ngày nay, đây là dịp lễ chủ yếu của người Thiên Chúa giáo tại Liberia. Các nhà thờ bán đấu giá những giỏ đựng đầy trái cây như đu đủ và xoài sau buổi lễ và các gia đình đều rất hào hứng tham gia vì tin rằng chúng sẽ đem lại may mắn. Thay vì gà tây và bí ngô như ở Mỹ, bàn tiệc lễ Tạ ơn ở Liberia có các món như gà nướng cay và sắn nghiền. Ngoài ra, lễ hội luôn có nhạc sống và khiêu vũ.

•5. Nhật Bản

Người Nhật tổ chức lễ hội Kinro Kansha no Hi (ngày lễ Tạ ơn Lao động) phát triển từ một lễ hội thu hoạch lúa cổ xưa mang tên Niinamesai, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ bảy sau Công nguyên. Trong thời đại Meiji (1868-1912), ngày này được ấn định là 23/11 và trở nên phổ biến hơn vào năm 1948.

Ngày nay, người Nhật coi đây là ngày lễ trên cả nước nhưng không tổ chức các bữa tiệc lớn như ở Mỹ. Thay vào đó, các tổ chức lao động làm sự kiện tôn vinh nét đẹp lao động, sự chăm chỉ và đoàn kết cộng đồng. Trẻ em thường làm thiệp cảm ơn lực lượng cảnh sát, lính cứu hỏa hoặc các nhân viên công ích.

(Ảnh: Lễ Tạ ơn ở Nhật là dịp tôn vinh nét đẹp lao động.)

•6. Đảo Norfolk

Hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương này từng là thuộc địa của Anh và hiện là lãnh thổ thuộc Australia. Lễ Tạ ơn ở đây bắt đầu từ giữa những năm 1890, khi thương nhân người Mỹ Isaac Robinson quyết định tổ chức lễ Tạ ơn kiểu Mỹ tại nhà thờ All Saints ở Kingston để thu hút một số thợ săn cá voi Mỹ đến tham dự. Từ đó, ngày lễ trở nên quen thuộc hơn. Các giáo dân mang trái cây, rau và thân cây ngô đến trang trí nhà thờ và hát những bài thánh ca Mỹ vào thứ Tư cuối cùng của tháng 11 hàng năm.

•7. Grenada

Ngày 25/10 hàng năm, người dân trên hòn đảo phía Tây Ấn Độ này tổ chức ngày lễ Tạ ơn của riêng mình, đánh dấu sự xuất hiện của quân đội Caribe và Mỹ vào Grenada năm 1983, lập lại trật tự sau cuộc đảo chính. Khi đóng quân trên hòn đảo này, lính Mỹ mang ngày lễ truyền thống của quê hương mình tới đây. Người dân địa phương cũng mang nhiều sản vật, tổ chức tiệc tiếp đón và không thể thiếu các món truyền thống Thanksgiving ở Mỹ như gà tây, nam việt quất và khoai tây.

•8. Puerto Rico

Sau khi Puerto Rico trở thành lãnh thổ của Mỹ vào cuối thế kỷ 19, cư dân ở đây đã được truyền bá nhiều lễ hội của người Mỹ. Họ ăn mừng lễ Tạ ơn cùng ngày với ở Mỹ và cũng tổ chức ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday) tương tự ngày hôm sau. Tuy nhiên, người Puerto Rico đã tạo ra phong cách riêng trong bữa tiệc như có thịt lợn nướng, gạo và đậu, bên cạnh các món gà tây nướng tẩm gia vị hay gà tây nhồi chuối nghiền.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!




Du lịch bằng xe hơi, máy bay trong ngày Lễ: Bất chấp nhiều trở ngại, dân Nam California, xa lộ chật cứng, nườm nượp đi chơi Lễ Tạ Ơn 2023!

-Bất chấp nhiều trở ngại, như giá cả cao, đường đông nghẹt hoặc hàng loạt cuộc biểu tình của người lao động, cư dân California vẫn nườm nượp đi chơi lễ Tạ Ơn năm nay, theo nhật báo San Gabriel Valley Tribune hôm Thứ Hai, 20 Tháng Mười Một.

Theo Câu Lạc Bộ Xe Hơi Nam California (ACSC) ước tính, cư dân vùng này sẽ đi chơi lễ Tạ Ơn đông nhất từ trước tới nay.'



(Hình: Hành khách xếp hàng chờ gửi hành lý tại phi trường quốc tế Los Angeles ở Los Angeles, California, hôm 21 Tháng Mười Một.)

Phần lớn cư dân – khoảng 4.6 triệu người – đi xe hơi, 566,000 người đi phi cơ, và 120,000 người đi xe buýt, xe lửa hoặc du thuyền, ACSC dự đoán.

Theo kết quả thăm dò không chính thức các bà mẹ ở Nam California trên một nhóm Facebook nổi tiếng, nơi cư dân vùng này thích đi chơi là Utah, Nevada và Bắc California.

Giá xăng dịp lễ Tạ Ơn năm nay dù vẫn cao nhưng thấp hơn năm ngoái trung bình 30 cent một gallon, ACSC cho hay. Giá xăng giảm đều đặn từ Tháng Mười qua, giá xăng trung bình ở California hiện chỉ trên $5 một gallon đôi chút.

Giá xăng tuần này giảm đáng kể tại một số trạm xăng, như Sam’s Club ở Long Beach chỉ bán $4.29 một gallon, theo LosAngelesGasPrices.com.

Bà Marie Montgomery, phát ngôn viên ACSC, cho biết cư dân Nam California giờ đã quen với giá xăng cao.

“Tôi nghĩ sức chịu đựng của người ta đã tăng,” bà Montgomery nói.

Theo dữ liệu của công ty phân tích giao thông vận tải INRIX, khoảng thời gian xa lộ Nam California đông xe nhất là trưa và chiều tối Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một, một ngày trước lễ Tạ Ơn. Chẳng hạn, thời gian chạy xa lộ 5 từ Los Angeles tới Bakersfield có thể lâu hơn bình thường 88%, trung bình ba tiếng.

Giá thuê xe trung bình hiện tại là $590, giảm 20% so với năm 2022, và giá trung bình đi chơi du thuyền ở Mỹ là $1,507, giảm 12% so với năm ngoái, theo Hiệp Hội Xe Hơi Hoa Kỳ (AAA).

Bà Montgomery cho hay giá thuê xe giảm vì có nhiều xe hơi.

“Năm ngoái, có nhiều vấn đề về sản xuất, như thiếu chip điện tử cho xe hơi, nên thiếu xe cho thuê,” bà nói.

Cũng theo AAA, giá vé máy bay nội địa Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai là $681, tăng 5% so với năm 2022. Nhưng giá vé máy bay đi ngoại quốc trung bình $1,231, giảm 5.7% so với năm ngoái.

Người nào dự tính đi phi cơ cũng nên chuẩn bị đối phó với tình trạng đông đúc ở phi trường.


(Hình: Xe cộ đông đúc trên xa lộ I-5 ở Los Angeles, California.)

Giới chức phi trường quốc tế Los Angeles (LAX) dự trù đón tới 2.5 triệu hành khách từ ngày 16 tới 27 Tháng Mười Một, tăng gần 300,000 người so với năm ngoái.

Cần lưu ý rằng AAA coi thời gian đi chơi lễ Tạ Ơn là từ ngày 22 tới 26 Tháng Mười Một.

“Số lượng hành khách ở LAX hiện bằng khoảng 91.5% của năm 2019,” bà Victoria Spilabotte, phát ngôn viên LAX, cho hay Thứ Tư tuần trước. “Chúng tôi dự trù ngày đông nhất dịp lễ này là 17 Tháng Mười Một với khoảng 226,900 hành khách, ngày 19 Tháng Mười Một với khoảng 230,000 hành khách, và ngày 26 Tháng Mười Một với khoảng 225,000 hành khách.”

Giới chức phi trường John Wayne ở Santa Ana và phi trường Hollywood Burbank cũng dự đoán sẽ có rất đông hành khách.

“Chúng tôi muốn thông báo với mọi người rằng cả năm nay rất đông đúc,” bà AnnaSophia Servin, phát ngôn viên John Wayne, cho biết. “Chúng tôi khuyên hành khách kiểm tra tình trạng chuyến bay trước khi ra phi trường và cũng nên để ý chỗ đậu xe.”

John Wayne không dự đoán sẽ đón bao nhiêu hành khách dịp lễ Tạ Ơn năm nay, nhưng theo dữ liệu năm 2022, phi trường này đón 411,000 hành khách từ Thứ Sáu trước lễ Tạ Ơn tới Thứ Ba sau lễ, tăng gần 100,000 so với năm 2019, trước khi có đại dịch COVID-19.

Hành khách nên tới phi trường trước giờ bay một tiếng rưỡi tới hai tiếng nếu đi nội địa và trước ba tiếng nếu đi ngoại quốc, để tìm chỗ đậu xe, gửi hành lý và đi qua cổng an ninh.

Theo phúc trình mới đây của Upgraded Points, thời gian đi qua cổng an ninh ở LAX mùa lễ mất trung bình 4.3 phút, ở John Wayne mất 6.8 phút, còn ở Hollywood Burbank mất 5 phút.

Airlines for America, hiệp hội đại diện American Airlines, United Airlines Delta Airlines và nhiều hãng hàng không khác, dự đoán sẽ có 29.9 triệu người đi phi cơ từ ngày 17 tới 27 Tháng Mười Một, nhiều nhất từ trước tới nay và tăng 9% so với 27.5 triệu người đi phi cơ cùng thời gian này năm ngoái, và tăng 1.7 triệu người so với trước đại dịch COVID-19.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!



Cẩn thận! Cảnh Sát Tiểu Bang California (CHP), mở nhiều nút chặn xe kiểm tra, gia tăng tuần tiễu chặn tài xế say xỉn dịp lễ Tạ Ơn 2023!

(Th.Long)

-Cảnh Sát Tiểu Bang California (CHP) gia tăng tuần tra tuần tiễu khắp tiểu bang trong năm ngày dịp lễ Tạ Ơn để chặn tài xế say xỉn và lái ẩu, theo City News Service.

Trong “giai đoạn thi hành luật tối đa,” từ 6 giờ 1 phút chiều Thứ Tư, 22 Tháng Mười Một, tới 11 giờ 59 phút tối Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Một, toàn bộ cảnh sát viên CHP sẽ tuần tiễu xa lộ và đường nội thành để chặn tài xế vi phạm luật giao thông, CHP loan báo.

Cảnh Sát Tiểu Bang California chặn xe kiểm tra.



(Hình minh họa: CHP)

“Lễ Tạ Ơn là dịp tạ ơn và vui chơi, nhưng vào kỳ lễ này, xe cộ thường đông đúc nên rủi ro tai nạn tăng,” ông Sean Duryee, người đứng đầu CHP, cảnh báo.

“Cảnh sát viên của chúng tôi sẽ tuần tiễu để thi hành luật nếu cần thiết và để giúp đỡ tài xế mắc kẹt hoặc cần hỗ trợ bên lề đường,” ông Duryee cho hay.

Trong năm ngày này năm ngoái, 37 người thiệt mạng do tai nạn xe cộ khắp California, và CHP bắt giữ 1,016 người bị nghi say rượu lái xe, đồng thời ghi hơn 8,600 giấy phạt lái quá tốc độ cho phép và không cài dây an toàn.

“Hãy nhớ ưu tiên an toàn khi lái xe mùa lễ,” ông Duryee khuyên. “Tuân thủ tốc độ cho phép, tránh sao lãng, và bảo đảm mọi người trên xe đều cài dây an toàn. Lái xe có trách nhiệm góp phần giúp ngày lễ được vui vẻ và an toàn.”

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!

Nhớ Về Một Mùa Tạ Ơn…

(Nguyên Nhung)



-Tôi đến Mỹ vào một chiều mùa Đông năm 1992. Đối với tôi lúc ấy, cảm giác lạnh lùng trống vắng khi nhìn thấy những rừng cây trơ trụi hai bên xa lộ nằm thiếp ngủ, thành phố về đêm nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ dưới cơn mưa phùn mùa đông rét mướt.

Buồn, cảm giác buồn thay cho bao háo hức thường ẩn hiện trong những giấc mơ khi còn ở Việt Nam, hiện tại một nước Mỹ buốt lạnh và buồn rầu khi chiếc xe chạy qua những đoạn đường ướt át. Lúc ấy đã gần nửa đêm, người bảo trợ đưa cả nhà về căn chung cư một phòng ngủ, ngổn ngang vài món cần thiết xin được của hội từ thiện. Nhà hàng xóm người Kampuchia đêm khuya vẫn còn thức, nghe có tiếng xê dịch ngoài hành lang vội mở cửa nhìn ra, rồi biết có người mới qua cũng tíu tít chạy ra hỏi thăm, bưng cho ngay thùng mì gói và hộp sữa.

Đối với chúng tôi lúc ấy tình người quý biết bao, nỗi nhớ quê còn đầy nhưng sự chia xẻ ấy khiến lòng tôi ấm lại. Phải đến năm sau, một năm dài làm quen với khí hậu và phong tục của nuớc Mỹ, tôi mới hưởng được không khí ấm áp cuả mùa lễ Tạ Ơn vào tháng 11 năm 1993.

Đẩy lùi vào quá khứ những ngày vất vả khó khăn ở quê nhà, chỉ một năm thôi cơ hội đã mở toang cánh cửa đón gia đình tôi hòa nhập vào đất nước tự do. Hình như quanh tôi có một điều khó diễn tả được khi cảm nhận được hai chữ tự do, những ngày đầu tôi vẫn tưởng mình đang nằm mơ, nhưng giấc mơ ấy đã thành sự thật, bước ban đầu còn lạc lõng, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nước Mỹ, mặc dù chưa đóng góp được gì cho xứ sở này.

Mỗi ngày, điều thích thú nhất với tôi là được đi học, ở cái tuổi ngoại tứ tuần mà còn cắp sách đến trường, tung tăng như một nữ sinh trung học làm tôi sống lại cảm giác thời thanh xuân mà tôi đánh mất từ lâu. Dù đấy chỉ là lớp học dạy ESL, dành cho những người chân ướt chân ráo mới được định cư tại Hoa Kỳ, nhưng không khí của một lớp học thì dường như ở đâu cũng vậy. Một, hai bác cao niên dở dang sự nghiệp, vài người trung niên, cùng những bạn trẻ từ nhiều quốc gia học chung một lớp. Chúng tôi đã thật sự đến gần với nhau qua những tâm sự bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, kể cho nhau nghe về xứ sở của mình và lý do đến được xứ sở này, cảm thông với nhau về hoàn cảnh hiện tại, và niềm hy vọng tốt đẹp ở tương lai

Khi chuẩn bị mùa lễ Tạ Ơn, ông thầy trẻ đã dạy cho chúng tôi học bài học mùa Tạ Ơn, để hiểu tại sao xứ sở này người ta duy trì ngày Lễ Tạ Ơn hằng năm. Bài học “The First Thanksgiving” ngày hôm ấy là một đề tài hấp dẫn cho cả lớp, và tôi đã cố học thuộc lòng như cháo vài câu cảm ơn cho bữa tiệc trước ngày lễ Tạ Ơn năm đó.

“Theo câu chuyện kể lại. Một ngày, những người Pilgrims đầu tiên sống ở nước Anh, họ là những người bị bắt buộc theo giáo phái của nhà Vua, gọi là King’s Church, nhưng họ lại chỉ muốn được tự do cầu nguyện theo truyền thống thờ phượng riêng của họ mà thôi.

Những người Pilgrims này đã tìm cách rời nước Anh, và họ tìm đến một quốc gia nhỏ có tên là Holland, họ đã hòa nhập vào sinh hoạt tôn giáo của người địa phương, sự tư do của tôn giáo chỉ đúng nghĩa nhất khi mỗi người được thực sự cầu nguyện theo con đường mà họ thích. Người Holland được gọi là người Dutch, ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Dutch. Thế là một lần nữa, những người Pilgrims lại lên đường tìm về miền đất mới, đó là Châu Mỹ xa xôi.

Tại xứ sở này, họ có được sự tự do tôn giáo, con cháu họ được nói tiếng Anh. Năm 1620, năm đánh dấu 102 người Pilgrims, những người đầu tiên đi tìm đất mới, rời Holland và con tàu mang tên Mayflower đã mang họ đi trong thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa và khí hậu lạnh lẽo, nhiều người đã nhiễm bệnh nên con tàu không thể tiếp tục lênh đênh trên biển.

Sau hai lần thất bại, trong mùa đông đầy bão tố để đến Virginia, các hành khách ở lại thuyền này qua mùa đông tại vịnh Cape Cod. Vì chỗ ở chật chội và tình trạng vệ sinh rất kém nhiều người đã chết vì bị sưng phổi hay bị bệnh lao, trong số người chết có nhiều trẻ em. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1621 người ta bắt đầu định cư tại vùng biển mà bây giờ gọi là Plymouth.

Cuộc hành trình của tàu Mayflower là một trong những thí dụ nổi tiếng cho những cuộc di dân tới Hoa Kỳ từ Âu Châu, tuy nhiên đó là một lầm lẫn khi cho đó là một khởi đầu. Thật ra việc thuộc địa hóa Bắc Mỹ đã bắt đầu vào giữa thế kỷ 16, với việc di dân tới Newfoundland. Thành phố St. John's với sự chiếm đóng của vương quốc Anh vào năm 1583 được xem là thuộc địa của đế quốc Anh lâu đời nhất.

Nhưng mùa đông năm đó, khí hậu nơi này cũng vô cùng khắc nghiệt, nhiều người đã chết, họ sống lây lất bằng ít lương thực thật nhỏ nhoi, cầm cự mãi nếu không có sự giúp đỡ của những người địa phương, đó là những người da đỏ được gọi là người Indians.

Những người dân địa phương tốt bụng này đã hướng dẫn cho họ hòa nhập vào đời sống mới, dạy cho họ cách trồng trọt và bắt cá để làm thức ăn, chỉ cho họ cách trồng bắp, một loại ngũ cốc dễ ăn và dễ cất giữ để làm lương thực trong đời sống hằng ngày. Bắt đầu từ đấy, người di dân xây được nhà thờ của họ, bắt đầu xây dựng nhà cửa, và họ đã rất hạnh phúc khi có một đời sống no ấm trong một xứ sở tự do.

Tháng 11 năm 1620 là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên được hình thành cho cộng đồng người da đỏ bản xứ và người di dân đến từ nước Anh. Họ tổ chức một buổi tiệc Tạ Ơn để người Pilgrims có dịp bày tỏ lòng tri ơn của họ, cảm ơn Thượng Đế đã cho họ được gặp những người địa phương đầy lòng từ tâm, đã giúp họ một cuộc sống mới nơi mà họ đã phải đánh đổi bao nhiêu gian nan để tìm kiếm."

Bài học về ngày Lễ Tạ Ơn cũng chấm dứt, tiếp theo đó mỗi người trong lớp đã bày tỏ lòng biết ơn của mình với những người xung quanh, mở đầu cho một party mang nhiều màu sắc dân tộc. Trước mấy ngày, giờ ra chơi những học sinh đã hỏi nhau về những món ăn mà mọi người mang đến lớp học mừng lễ Tạ Ơn, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được làm quen với những món ăn truyền thống của từng dân tộc.

Martha người Mễ Tây Cơ còn trẻ và rất vui tính, trên tay cô là một khay thức ăn đậm đà hương vị Mễ Tây Cơ, bánh bột bắp cuộn món bò hầm với rau đậu ăn lạ miệng và khá ngon. Cô đến lớp đỏm dáng với chiếc váy hoa sặc sỡ, đôi chân như nhảy nhót theo điệu nhạc. Martha là người đã dạy tôi hát bản “Besame Mucho” bằng tiếng Spanish, mỗi dân tộc đều thể hiện dân tộc tính của mình qua các món ăn hay cách sinh hoạt, người Mễ Tây Cơ thích âm nhạc, thích hưởng thụ khác với tính chuyên cần, chăm chỉ và kín đáo cuả người Việt. Vốn tính trung thực, Martha giản dị chỉ cho những người mắt kém đi chọn một cái kính đeo mắt tương đối trong cửa hàng Walgreen, cô hóm hỉnh nói:

“Mình chưa đủ tiền đến bác sĩ đo mắt và mua một cái kính đắt tiền, đến đó (ý cô nói là cửa hàng Walgreen) có vô khối các loại kính đeo mắt cho mình chọn lựa. Tạm thời thôi, mai mốt khi nói giỏi tiếng Anh, có việc làm tốt, các bạn tha hồ đi khám mắt và mua một cái kính hoàn hảo.”

À thì ra trong câu chuyện nhỏ, Martha đã đem đến cho mọi người ý nghĩa cuả sự tương đối, trong khi tôi biết một vài người quen diện tỵ nạn, sau khi thoát khỏi cảnh nghèo ở quê hương, sang đây vẫn hay ta thán bất mãn cho rằng cuộc sống của họ vẫn chưa được những điều vừa ý. Đó là sự đòi hỏi một cách quá đáng,khi chính bản thân họ vẫn đang sống nhờ vào cộng đồng xã hội. Đáng lẽ thế này, đáng lẽ thế nọ, toàn những đáng lẽ để phàn nàn mà không nghĩ mình đang chịu ơn những người chả hề mắc nợ mình, họ cũng phải một nắng hai sương đi làm đóng thuế, và nhờ sự đóng góp của họ mà mình được san xẻ.

Trong bữa tiệc, bác Bích Huệ người Việt cao niên nhất của lớp học, đã làm nguyên một ổ bánh kem thật lớn, với hàng chữ Tạ Ơn viết thật nắn nót. Bác tiêu biểu cho một cụ già VN mà còn hiếu học, tinh thần Tạ Ơn và luôn nghĩ đến người khác đã được thể hiện dài dài trong đời bác. Gần 80 tuổi, bác vẫn mở lớp dạy làm bánh tại nhà, không hề nhận một đồng thù lao để dạy cho các người Việt trẻ tuổi thích trổ tài nội trợ khi có dịp họp mặt trong gia đình, hoặc cho những người cần học một nghề để làm cần câu cơm. Ai cũng ái ngại cho việc tuổi già vác ngà voi của bác, nhưng bác nói:

“Tôi già rồi, không đóng góp được gì với đời. Bao nhiêu năm kể từ năm 75, dẫn cả nhà sang đây tỵ nạn, gia đình tôi đã làm lại từ đầu nhờ xứ sở này rộng rãi mở cửa cho chúng tôi vào. Nay con cháu đã thành đạt, tôi chịu ơn xứ sở này và của cuộc đời cũng nhiều, không biết cách gì để trả ơn, thôi thì đây cũng là một cách giúp chị em phụ nữ như tôi biết thêm nghề gì hay nghề nấy. Đó cũng là lý do làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc.”

Bác thật hạnh phúc, tôi luôn nhớ đến những gì bác làm cho mọi người và từ đó tôi nghiệm ra hai chữ tri ơn cuộc đời của bác. Tháng Chín năm trước, bác đã thênh thang đi về bên kia thế giới, hành trang mang theo là những gì bác đã làm cho mọi người khi còn sống. Ngày tang lễ của bác thật đông người đến đưa tiễn, trong tấm ảnh, khuôn mặt hiền từ, đôn hậu của một cụ già suốt đời chỉ thích làm việc thiện vẫn nở nụ cười nhân từ với những bông huệ trắng muốt.

Những người Mỹ tôi quen còn dạy cho tôi một bài học về sự tự tin và lạc quan trong cuộc sống của họ. Khi về già, họ không ngồi ta thán sự hẩm hiu của mình trong bốn bức tường, không bi quan sầu luỵ quá về bệnh tật. Viết đến đây tôi lại nhớ đến bà Naomi, một phụ nữ da trắng khuôn mặt tròn, da nhăn nheo xếp lớp với thời gian, tuổi già đã làm cho bà nhỏ bé lại nhưng toàn khuôn mặt toát lên thần sắc yêu đời tha thiết. Thế mà bà đang bị ung thư thời kỳ cuối cùng đấy, nhưng tôi không thể nào biết được người đàn bà cao niên ấy đang phải chống chỏi với căn bệnh trầm kha này như thế nào.

Bữa ăn cuối cùng với bà NaoMi cũng vào dịp lễ Tạ Ơn, bác Huệ và tôi được mời khi cùng đi với nhóm bạn già của bà NaoMi đến thăm một nhà dưỡng lão. Viện Dưỡng Lão vào một ngày mùa đông buồn ảm đạm, một cụ gìa ú ớ gọi tên hết người này đến người khác, bà đang lẫn lộn dĩ vãng với hiện tại. Một cụ ông đẩy chiếc xe lăn cho bà vợ tóc xoã rũ rượi, ông nói:

“Mỗi ngày, tôi đi bộ 3 miles từ nhà đến đây để gần gũi vợ tôi, dù bà không nhớ tôi là ai, nhưng tôi thì nhớ bà là vợ mình.”

Một câu nói thật hay mà đâu cần phải tìm trong những lời hay ý đẹp của các vĩ nhân trên thế giới. Vật lộn với thần chết đến giây phút cuối cùng, lạc quan yêu đời để lướt qua những cơn đau là tính lạc quan của bà NaoMi. Một ngày thứ bảy cùng năm đó, tôi lại đến dự tang lễ tiễn bà NaoMi trong ngôi thánh đường êm ả, nhìn tấm ảnh nụ cười bà thật rạng rỡ.

Những người bạn cao niên này còn dạy cho tôi tinh thần tự nguyện làm công tác xã hội, không rụt rè vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Bà Linda gầy gò ngày ngày lái xe đến trường tiểu học để sắp xếp những cuốn sách của các em học sinh bừa bãi trên bàn vào các kệ sách của thư viện, dạy cho các em học tính ngăn nắp và biết cách giữ gìn những cuốn sách. Một hôm đang lơn tơn tìm gặp cô giáo của con tôi thì bất ngờ bị chận lại bởi một giọng trẻ con thật dễ thương:

“May I help you?”

Ôi chao! Chắc chỉ có xứ sở này trường học mới dạy cho trẻ con câu hỏi ấy, nó đơn sơ và đầy tình người, được thốt ra từ đôi môi hồng của một cô bé 7, 8 tuổi trong ngôi trường tiểu học, khiến tôi phải suy nghĩ và cảm động rồi tự hỏi, đến khi nào tôi mới biết hỏi ai đó câu này mà giúp đỡ họ.

Đâu cần phải tìm ở đâu xa mới thấy được tình yêu thương. Trên mảnh vườn nho nhỏ của tôi, vài con chim cu gọi đàn kêu gù gù nghe buồn da diết, xen lẫn là vài chú chim sẻ nhỏ nhít nhảy xung quanh, chúng sống chung một cách hòa bình và tương trợ lẫn nhau, một con sẻ nhỏ đã giúp cho con sáo non lạc bầy ăn những mẩu bánh vụn một sớm mai sau cơn bão. Ở một trạm xe bus giờ đông người, ông già da màu đã luống tuổi khi qua đường đã ngồi thụp xuống đất cột sợi dây giày cho một anh chàng tàn tật người da trắng, họ có quen nhau đâu. Một người khác không nề hà khi dắt một người mù lên xe rồi vội vã trở lại con đường đi bộ của ông ta. Tôi không nghe được lời “Cảm Ơn” nho nhỏ họ dành cho nhau, nhưng chắc chắn đã hiểu được sự cảm động trong đáy lòng người được giúp đỡ.

Mỗi năm khi đến mùa Tạ Ơn, tôi lại để lòng mình chìm đắm trong tưởng nhớ để nghĩ về những khuôn mặt thân quen mà tôi gặp gỡ trong dòng đời. Như một cuộn phim tình cảm ấm áp đang quay lại để tôi nhớ đến họ, loại trừ đi những đoạn phim buồn, tôi có nguyên một cuốn phim đầy tình người, mang theo biết bao nhiêu kỷ niệm.

Mùa Tạ Ơn năm nay mưa nhiều, đã hơn hai mươi năm tôi đón mùa Tạ Ơn trên đất nước Hoa Kỳ, cùng hoà nhập vào cuộc sống nơi xứ sở mà ngày xưa đối với tôi nghe như chuyện huyền thoại. Bước chân nào đã đưa gia đình tôi tới đây, cùng chia xẻ với biết bao thăng trầm của một đất nước, nơi tôi đã sống và xem như quê hương thứ hai của mình.

Nhìn tấm ảnh gia đình chụp mùa Giáng Sinh năm ngoái, từ con số vỏn vẹn 5 người nay đã nhân lên thành một đại gia đình đầm ấm có thêm những đứa cháu ngoan, đem tiếng khóc tiếng cười cho không khí mùa Tạ Ơn được ấm áp hơn. Mưa vẫn rơi đều trên mảnh sân ướt át, đàn chim sẻ và bồ câu mỗi ngày về đây nhặt hạt cỏ nuôi thân, hôm nay cũng vắng bóng. Có lẽ lũ chim cũng đang ủ ấm cho nhau trên một mái hiên nào đó. Cảm ơn Trời đã cho tôi một đời sống bình lặng và êm ả qua hình ảnh tổ chim chiu chít gọi đàn.

Ngoài kia, trời vẫn đang mưa và đang trở lạnh, có lẽ sau vài cơn mưa lút đầu ngọn cỏ, những cây ngò non sẽ cùng nhau vươn lên mang màu xanh hy vọng trong mảnh vườn mùa đông tàn tạ.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!



Chuyện thường xảy ra, làm mất vui: Cách ‘né’ tránh gây xung đột trong những bữa tiệc tùng mùa lễ

(Sam Nguyễn)

(Ảnh: Một bữa tiệc gia đình trong ngày lễ Tạ Ơn.

-Thanksgiving và các ngày lễ sắp tới là dịp để các gia đình tụ họp, ăn uống, vui chơi, nhưng không phải nhà nào cũng có được không khí vui vẻ.

“Tui hận, tui căm thù lão ấy, dù tui thương chị tui lắm, nhưng với lão anh rể đó, tui thề không bao giờ gặp mặt,” chị Kimberly Phạm, cư dân thành phố Anaheim, CA., nói với giọng bực tức. Không biết lý do gì gây ra thù hằn này, chỉ thấy trước mắt, nếu trong gia đình dịp tụ họp, sẽ một là không có chị, hoặc không có mặt người anh rể.

Những kỳ nghỉ lễ có lẽ là khoảng thời gian vui vẻ nhất, nhưng cũng có khi là khó khăn đối với một số người, đặc biệt là nếu họ có những thành viên trong gia đình không hòa hợp, như chị Kimberly, và mặc dù cũng có giải pháp né tránh, nhưng không phải lúc nào cũng đơn giản.

Có nhiều lý do khiến mọi người chọn cách chịu đựng những thành viên khó tính trong gia đình, cho dù đó là ở bên nhà chồng hay nhà bố mẹ ruột.

Vậy, bạn sẽ làm gì nếu không thể dành thời gian cho những thành viên trong gia đình mà bạn không thoải mái khi nói chuyện, hoặc “thề không gặp mặt”?

Theo một cuộc thăm dò gần đây của USA Today, gần 85% người dân tránh tụ tập gia đình trong kỳ nghỉ lễ. Đó chắc chắn là một trong những cách để tránh xảy ra những chuyện không hay, nhưng điều đó không phải ai cũng làm được.

Vì vậy, đối với những người phải tiếp xúc với những thành viên trong gia đình mà họ không đặc biệt yêu thích, có ba điều đơn giản mà bạn nên làm để giữ bình tĩnh và vui vẻ trong ngày họp mặt gia đình.

Không ai thích bị mắc kẹt ở một nơi nào đó để phải chịu đựng khó chịu suốt cả một buổi. Vì vậy, nếu bạn có người đi cùng, hãy bảo đảm rằng cả hai đều biết rõ mình sẽ ở lại trong bao lâu.

Vì những ngày nghỉ lễ thường được coi là ngày dài dành cho gia đình, nên sẽ có ai đó hỏi tại sao bạn về sớm thế. Hãy chuẩn bị cho tình huống đó bằng cách nghĩ ra một nơi nào để đi. Hãy lên lịch cho chuyến thăm kế tiếp đó trước, để bạn có thể vừa tận dụng thời gian dành cho gia đình, vừa “được” ra về một cách lịch sự.

Điều này không có gì là phức tạp, chỉ cần bạn cảm thấy hợp lý. Nếu không có người yêu, vợ hoặc chồng và con cái đi cùng, bạn luôn cần lên kế hoạch để ghé thăm nhà một người bạn sau thời gian dành cho gia đình.

(Hình: minh họa)

Bạn chỉ cần thông báo một câu: “Xin lỗi cả nhà, tụi em phải đến thăm bạn đang bị bệnh lúc 2 giờ trưa nay. Hôm nay vui quá, cám ơn mọi người!” và thế là… chuồn.

Ngoài ra bạn cũng có thể thỏa thuận trước dấu hiệu bí mật để người đi cùng biết đã đến lúc họ phải chuồn. Điều này về cơ bản cũng giống như dùng cửa thoát hiểm. Ví dụ, bạn như chợt nhớ ra: “Ối, mình quên đóng cửa garage rồi, để mình chạy đi tí nhe, sẽ quay lại.” Mọi người sẽ hiểu, nếu garage mở toang hoác sẽ nguy hiểm như thế nào, và thông cảm cho bạn. Còn việc bạn có quay lại hay không, lại là chuyện khác.

Nếu bạn thấy mình tham dự một buổi họp mặt gia đình có một hoặc hai người mà bạn không ưa, hãy né đi nơi khác để tránh chạm mặt. Sau những chào hỏi ban đầu, hãy chuyển sang một phòng khác trong nhà, hoặc ra ngoài sân ngắm cây ngắm cảnh với các thành viên khác. Không ai buộc bạn phải “giả vờ” vui vẻ khi lòng không vui chút nào.

Nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó về mặt cảm xúc và tinh thần với những tình huống trớ trêu có thể xảy đến, hãy giữ mức xã giao với người mà bạn không thích. Nếu ai đó cố gắng làm bạn nóng lên, hãy chuyển hướng bằng cách nói rằng bạn đã nghe về điều đó nhưng chưa thực sự hiểu, sau đó đổi chủ đề.

Có nhiều cách mà một số người sử dụng để điều khiển cuộc trò chuyện, nhưng hãy nhớ rằng, bạn luôn có khả năng tạo khoảng cách giữa bản thân và người mình không ưa, nếu cần.

Nói tóm lại, các chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên kiểm soát cảm xúc của mình, đừng để những ngày họp mặt gia đình, bạn bè trở nên tệ hơn, vì những cảm xúc bốc đồng khác không muốn có.

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!

Happy Thanksgiving Day 2023!


Mùa Tạ Ơn Viết Về Nước Mỹ!

Cám Ơn, Không Phải Dễ!

(Xuân Nguyễn)

-Cám ơn là bày tỏ sự biết ơn bằng lời nói hay bằng chữ viết qua những lá thư và cánh thiệp.

Hằng ngày bước chân ra khỏi nhà là chúng ta nghe người Mỹ chào hỏi nhau (greet), cám ơn (thank you) và xin lỗi (apology, sorry) gần như lạm dụng trong đời sống. Không phải đợi đến mùa Tạ Ơn vào tháng 11 người ta mới tỏ lòng biết ơn. Cám ơn được diễn tả bằng nhiều thành ngữ như thank you, thanks, thanks a lot, thanks a million hay thank you very much... Khi được một ai đó giúp cho một việc gì dù nhỏ hay lớn như đưa một quyển sách, mở hộ một cái cửa, nhường một lối đi, nhận một lời khen hay lời mời thì người Mỹ nói cám ơn bằng một giọng nói đầy chân tình với những cử chỉ ân cần đi kèm với một nụ cười xã giao. Người nhận được lời cám ơn không thể im lặng mà còn phải trả lời bằng một câu ngắn gọn như: you are welcome (không có chi), it's my pleasure (đó là niềm vui của tôi), don't mention it (xin đừng quan tâm), think nothing of it (xin đừng nghĩ gì cả) mà người Việt mình thường dịch chung là: không có chi.

Ngoài việc cám ơn trực tiếp bằng miệng hay qua điện thoại, người Mỹ còn có hình thức cám ơn trân trọng bằng thư hay thiệp như trường hợp nhận quà sinh nhật, quà cưới, quà kỷ niệm thành hôn, quà Giáng Sinh... mà người gửi là thân nhân hay bạn bè ở xa không tiện gặp nhau và cũng không tiện nói chuyện qua điện thoại.

Theo phép xã giao ở Mỹ thì thư hay thiệp cám ơn nên viết tay, chỉ đánh máy trong trường hợp chữ viết của bạn khó đọc. Nội dung cám ơn ngắn gọn nhưng đủ ý và chứa đựng tình cảm thành thực. Khổ giấy thư cám ơn (note paper) chỉ bằng nửa khổ giấy viết thư thường (letter size). Chúng ta có thể mua giấy viết thư và thiệp cám ơn ở chợ, ở các cửa hàng tiết kiệm hay các tiệm chuyên bán thiệp như Hallmark hay B. Dalton vv...

Cám ơn coi vậy mà không phải dễ. Nội dung một thư cám ơn thường gồm ba phần: Lời cám ơn, lời chú thích ngắn về món quà nhận được và cuối cùng là một lời phát biểu chân thành. Không nên cám ơn suông như thank you for your gift (cám ơn về món quà của bạn) chứng tỏ mình không quan tâm đến món quà mà người bạn đã mất công lựa chọn khi nghĩ đến mình và mua cho mình. Do đó chúng ta nên bày tỏ sự thích thú đối với món quà và cho nó một lời khen. Nhưng chúng ta cũng không thể khen nếu chưa biết nó là cái gì. Vì vậy mà khi nhận được món quà sinh nhật hay Giáng Sinh người nhận thường xin phép mở quà để nói lên những lời cám ơn chân thành, sự quan tâm thích thú về món quà đó nhưng cũng không phải quá thích đến nổi phải nói: thank you again như có ý mong quà lần tới.

Cũng vì lạm dụng từ ngữ cám ơn, sử dụng như một thói quen mà nhiều người khi nhận một giấy phạt về luật lệ giao thông của Cảnh Sát vẫn cám ơn mặc dầu không cần thiết. Người Mỹ còn cám ơn ngay cả những người thiếu bổn phận hay không làm gì cho họ bằng thành ngữ: Thanks anyway (dù sao cũng cám ơn) hay thanks for doing nothing (cám ơn dù không làm được gì). Dù sao đi nữa thì việc cám ơn đối với người Mỹ cũng dễ vì ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ nói (verbal language). Nhưng đối với người Việt chúng ta thật không dễ chút nào mặc dầu chúng ta ai cũng biết:

Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Do ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ không diễn đạt (non-verbal) nên người Việt mình nhất là những người ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương thường diễn đạt tư tưởng tình cảm bằng ký hiệu như bằng nụ cười và sự im lặng để người đối diện tự hiểu ngầm. Vì vậy mà chúng ta không lấy làm lạ khi đưa một quyển sách, mở hộ cái cửa cho một người Việt, khen một phụ nữ Việt mặc chiếc áo đẹp thì họ không cám ơn mà chỉ nở một nụ cười. Nụ cười có thể mang nhiều ý nghĩa: nhận lời khen, từ chối lời khen, là chuyện nhỏ không đáng nói lời cám ơn. Thái độ của người Việt mình đã làm cho người bản xứ hiểu lầm cho là chúng ta kém xã giao, thậm chí thiếu tư cách và thô lổ. Người mình chỉ cám ơn và xin lỗi khi nhận được một ân huệ lớn, một cảm xúc hay một ấn tượng mãnh liệt.

Nhiều người Việt ở Mỹ thường phàn nàn bà con bên nhà về việc nhận quà. Nếu món quà mà người nhận cho là không có ữgiá trị kinh tếữ thì người gửi thường chỉ nhận sự im lặng rồi có thể đi lần đến ch ữnghỉ chơiữ. Chúng ta, người gửi, có thể hiểu ngầm sự im lặng có nghĩa là quà đã đến tay nhưng ít quá không cần thiết phải cám ơn. Bên nhà đâu có hiểu là bên này phải ữcày sâu, cuốc bẩmữ mới có tiền gửi về và không biết gửi bao nhiêu mới vừa lòng người nhận.

Một người bạn thân của tôi mới gọi điện thoại hỏi thăm: sống ở Mỹ gần một thập niên, đã hội nhập cái văn hóa Mỹ đến đâu rồi" Tôi thành thật trả lời ngày nào mà tôi chẳng chào hỏi, cám ơn, xin lỗi cứ nhặng cả lên như là một phản xạ tự nhiên nhưng chỉ đối với người Mỹ thôi chứ với người Việt tôi thú nhận là chưa làm được.

Hằng ngày vào chổ làm tôi không chào đồng nghiệp Việt bằng từ ngữ Good morning, Good afternoon, Good evening như khi gặp các đồng nghiệp Mỹ hay Mễ.

Một người bạn Việt mời tôi một cái bánh, một cục kẹo, có khi cho tôi quá giang xe về nhà thì tôi ăn tự nhiên, lên xe đi mà quên cám ơn thì người bạn ấy cũng không giận. Họ khen tôi mặc chiếc áo làm cho thân hình thon gọn tôi mỉm cười hưởng ứng chứ bảo tôi nói thank you for your compliment hay cám ơn bạn đã khen thì tôi không nói được.

Hình như cái phong tục tập quán nước tôi đã dạy tôi rằng nói như vậy thì có cái gì khách sáo giả tạo vì đó là "õchuyện nhỏư" mặc dầu tôi chưa biết "chuyện lớn" là chuyện gì để tôi nói cám ơn. Tối đến trước khi vào giường ngủ tôi cũng xem con cái đã vào chưa nhưng không đợi chúng nói: "I love you, Mom" để trả lời "We love you, honey" và chờ chúng cám ơn và chúc good night.

Thật cám ơn mới xem qua tưởng dễ mà thật không dễ đối với tôi.

Bạn tôi, một người bạn thân qua Mỹ từ năm 75 hiện là một giáo sư khải đạo (counselor) cho một Đại Học Cộng Đồng ở Bắc Cali thấy gần đến mùa Tạ Ơn, gọi điện thoại nhắc nhở tôi:

- Sắp đến mùa Tạ Ơn, đã mua thiệp để tạ ơn "ai" chưa"

Tôi đáp: Tạ ơn là một lễ của người Mỹ nên mình đã mua mấy tấm thiệp sale để cám ơn bà "thủ trưởng" (boss), bà giáo dạy Anh ngữ và mấy đồng nghiệp Mỹ chứ không gửi thiệp cho bạn Việt Nam.

Bạn tôi cười: như vậy vẫn còn thiếu sót lắm. Bây giờ là công dân Mỹ rồi thì phải biết thanks anyway, thanks for doing nothing hay thanks for doing something chứ!

Tôi chợt hiểu bà ta định ám chỉ gì rồi nhưng cứ giả vờ như bí vận. Thì bạn tôi với suy nghĩ nhạy bén cộng thêm với kinh nghiệm nghề nghiệp đã mau miệng:

- Gần 10 năm rồi, hận tình nên cho qua đi, nên suy nghĩ một cách tích cực lạc quan để sống, nên cám ơn người tình phụ.

Rồi bà ta phân tích bốn trường hợp "xuất khẩu" chồng:

* Có bảo lãnh và có nuôi vợ con

* Có bảo lãnh mà không nuôi

* Không bảo lãnh và không nuôi

* Ông xã đi nhưng mất tích

Bà bảo tôi ở vào trường hợp thứ hai vẫn còn khá, không nên cầu toàn trách bị mà nên mua tấm thiệp gửi để tạ ơn ổng vì dù sao cũng nhờ ổng con cái được sang Mỹ du học miễn phí, mẹ còn được đi theo để lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Giá như ông không lãnh thì giờ này còn ở bên nhà với đồng lương chết đói, 20 đô một tháng ăn chưa đủ 10 ngày nói chi chuyện du học là không tưởng.

Chà, bà này đi 75 nên đã Americanized (Mỹ hóa) quá rồi! Tôi nghĩ thầm.

Thấy tôi có vẻ lừng khừng chưa chấp nhận cái lý luận đó, bà bồi thêm:

- Nên viết thư hay thiệp để cám ơn "người ta" đi vì kể ra "õngười ấy" cũng làm được "õchuyện lớn" đó chứ! Hơn nữa cũng nhờ "đem con bỏ chợ", mấy mẹ con bà tức giận tình đời đen bạc, kẻ cố làm, người cố học mới có một cuộc sống tự lập như ngày hôm nay. Theo mình thì phúc đức không có nghĩa đi ra khỏi nhà một bước có chồng con đưa đón để rồi về nhà làm chủ cái bếp, làm những việc không tên nhưng không lương, không bảo hiểm.

- Cám ơn Kim đã phân tích một cách hợp lý về hoàn cảnh ái ngại của mình và an ủi mình.

Rồi chúng tôi cúp điện thoại.

Thế là mùa Tạ ơn năm nay tôi phải mua thêm hai tấm thiệp để tặng và nhớ ơn bạn vàng cùng người tình phụ.

Đêm nằm tôi suy nghĩ và vẫn cảm thấy cám ơn không phải dễ đối với tôi.

Tôi không muốn sử dụng ngôn từ cám ơn một cách lạm phát, bừa bãi mà phải thận trọng. Nếu phải chọn quà, mua thiệp, nói hay viết vài lời cám ơn bằng Anh ngữ với những người bạn bản xứ thì tôi vẫn còn "dị ứng" vì Anh ngữ là một ngôn ngữ thứ hai của tôi.

Tôi cũng chưa "giác ngộ" hay Mỹ hóa đến độ xem người tình phụ là bạn là người ân mà những người đàn bà Mỹ có thể làm sau bản án ly dị.

Trước sau tôi vẫn là một người mẹ Việt Nam thuần túy với đầy đủ những đức tính rộng lượng, biết tha thứ nhưng cũng biết ghen tuông và ích kỷ.

Xuân Nguyễn


Đất nước Hoa Kỳ trong tôi: Vẻ Đẹp Đất Nước Hoa Kỳ

(Tố Yên)

-Ở Mỹ càng lâu, tôi càng nhận ra rằng đất nước này quả không hổ danh với hai chữ “cường quốc”. Không phải tôi mang một ý nghĩ phiến diện hay phủ nhận sự văn minh cũng như sự phát triển đang ngày một lớn mạnh của quê hương tôi, nhưng phải công nhận một sự thật hiển nhiên rằng – Việt Nam mình còn cách rất xa Mỹ trên con đường chinh phục sự văn minh của loài người (xét về cả hai phương diện vật chất và nhận thức).

Thứ nhất, người Mỹ có ý thức rất cao trong việc tuân thủ quy tắc giao thông. Sống ở đây cũng đã 10 tháng hơn, chưa bao giờ tôi thấy một chiếc xe nào vượt đèn đỏ. Ở Mỹ, hầu như chưa bao giờ thấy bóng cảnh sát giao thông ở các cột đèn, vậy mà đôi lúc trời mưa tầm tã, trên đường chỉ có một chiếc xe, họ vẫn dừng khi có tín hiệu. Người Mỹ rất hay nhường nhau khi lưu thông và người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất. Cứ như ở Việt Nam là mạnh ai nấy chạy, tai nạn cứ nườm nượp là do thế.

Thứ hai, ở xứ này không hề có những việc như hối lộ, đút lót. Tất cả mọi thủ tục giấy tờ đều được giải quyết như nhau cho tất cả mọi người, cứ theo thứ tự mà làm, xứ tự do là vậy. Kể cả tổng thống chạy xe vượt quá tốc độ cũng bị phạt như thường, không phân biệt. Tôi có dùng dịch vụ Triple: Wifi, Cable và Home Phone tại nhà, cứ có vấn đề, lại điện thoại nhân viên đến tận nhà sửa chữa. Họ luôn vui và nhiệt tình, đến đúng giờ và cũng chẵng hề có chuyện “bồi dưỡng” ở xứ này, đó là cái hay.

Thứ ba, ở Mỹ, cái qui tắc xếp hàng là một bài học thuộc lòng lòng ở bất kì nơi nào bạn đến. Từ tiệm thuốc tây, siêu thị, cho đến các tiệm ăn nhanh như KFC, Burgerking – đâu đâu cũng phải xếp hàng. Nhớ lúc mới qua, tôi chưa quen với việc đó nên cứ đi đứng loạn xạ cả lên. Có lần bị nhắc nhở, quê quá trời. Từ đó trở đi tôi đã chú ý hơn.

Thứ tư, tôi rất thích đi mua sắm khi có thời gian. Nhân viên ở Mỹ không khi nào không thấy nụ cười trên môi, mua hàng rồi nếu không vừa ý có thể hoàn trả sau 30 ngày (tuỳ cửa hàng). Có lần, tôi để lạc mất chiếc máy ảnh đúng dịp rất cần có nó. Vậy là, a-lê-hấp, “mượn xài tạm” chiếc camera của cửa hàng gần nhà, xong việc đem trả lại không quên kèm thêm 4 chữ “Thank you so much”, người bán vẫn vui vẻ cười tươi như hoa. Tôi cũng rất thích mua hàng online ở Mỹ, chỉ cần lập 1 tài khoản online, bạn có thể shopping một cách thoải mái. Ở Mỹ hay có chương trình trả góp nên chuyện mua sắm thường không thành vấn đề đối với những cô nàng không có sẵn nhiều tiền. Thanh toán thường bằng credit/debit cards và hàng sẽ được gửi đến tận nhà. Cái hay là gói hàng đươc đặt ngay trước cửa nhà nhưng chẳng bao giờ bị mất. Ý thức cao của người Mỹ là ở đó.

Thứ năm, xứ này là xứ tôn trọng phụ nữ (cái này văn minh trong mắt tôi). Mỗi lần vào siêu thị, đàn ông đôi lúc nhiều hơn phụ nữ bởi ở đây chuyện nội trợ chưa bao giờ là của riêng ai. Nhớ có lần tôi vào tiệm bánh, thấy có ông cụ đi sau, tôi mở cửa và nhường cụ vào trước, đằng này, cụ lại giữ cửa và cười tỏ vẻ “cháu vào trước đi”. Nghĩ cũng hài, ở nước này, quan niệm “Kính lão đắc thọ” lại nhẹ ký hơn 2 chữ “Lady first”.

Cuối cùng, bạn chắc chắn sẽ thích nếu có cơ hội học tâp tại Hoa Kỳ. Giáo dục ở Mỹ luôn đưa ra một tiêu chí hàng đầu, đó là khuyến khích học tập cho tất cả mọi người. Tôi có một người quen ở Mỹ khoảng 50 tuổi, bác ấy đăng ký học ESL (English as Second Language – Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai). Mang tiếng là đi học nhưng lại nhận được 2000USD mỗi khoá (3 tháng) là tiền trợ cấp của chính phủ để mua sách vở, đóng học phí. Nếu bạn là thường trú nhân hay công dân Hoa Kỳ, bạn sẽ được hưởng giáo dục miễn phí cho đến hết trung học phổ thông (tiền học phí trích từ thuế của dân). Học lên đại học, học phí hơi cao, tuy nhiên, bạn lại có thể làm đơn xin trợ cấp tài chính từ chính phủ. Có 3 hình thức:

1- Chính phủ sẽ tài trợ toàn phần học phí của bạn

2- Chính phủ sẽ cho bạn vay tiền nộp học phí với lãi suất 0%

3- Vay Chính phủ với lãi suất thấp.

Tất cả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Điều này để nói lên sự quan tâm của Chính phủ Mỹ trong việc tạo điều kiện tối đa và cơ hội học tập ở đây. Cuối cùng, nói một cách chân thật, Mỹ không phải là thiên đường như mọi người vẫn thường mường tượng (trong mắt tôi, Việt Nam mãi là thiên đường – ít nhất là trong việc ăn uống), nhưng tôi vẫn yêu thích đó đơn giản vì đất nước này đầy mới lạ và tôi thích khám phá. Sẽ có một ngày, tôi kể cho các bạn nghe vì sao Mỹ không hắn là thiên đường, nhưng bây giờ chưa phải lúc, vậy hãy yêu trước đã nhé!

(Tố Yên, là học sinh ngành Advanced English tại Union County College tại New Jersey.)

Bản tin từ báo Thắng Mõ San Jose
Cuộc sống thi ca chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét