Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Bức Tranh - Tiếng Nói Cuối Cùng - Tùy Bút

Chia sẻ Tùy Bút hay của tác giả Lê Chiều Giang.
Bài đang trên trang Việt Báo.

Tranh, tiếng nói cuối cùng

Tùy bút


                                              Tranh Nghiêu Đề [1939-1998].


Ta chôn chồng ta

Một lần.

Duy nhất.

Ở giữa rừng gai không hoa trái mọc

Đất. Đá.

Rực cháy những lửa điêu tàn

Ta đứng giữa trời

Lặng thinh.

Không khóc.

– LCG

Làm thế nào để giải nghĩa về cái chết? Những điều nằm bên ngoài tất cả mọi sự hiểu biết của nhân gian, nhưng lại nằm bên trong những bí ẩn muôn đời của vị Thượng Đế ở mãi trên trời cao kia. Lại càng không thể bàn tán gì, khi cơn đau ốm, bịnh hoạn đó đang không phải là của chính mình.
Tôi, một kẻ đứng bên ngoài sự lâm chung.
Sau khi được vị Bác Sĩ trưởng khoa phân tích, giải thích chi tiết về những điều không còn gì có thể cứu vãn với căn bịnh ngặt nghèo cùa chồng, tôi mang cảm xúc của một cô gái bé nhỏ, biết trước mình sẽ chơ vơ, sợ hãi nằm im dưới đáy sông chờ chết.
Tôi đang ngộp thở, tôi mới là người sắp chết, tôi đang vẫy vùng trong tuyệt vọng, tôi không biết bơi...
Anh vẫn ngồi ngoài phòng đợi với niềm tin rằng, đây chỉ là căn bịnh đơn giản, mọi thứ rồi sẽ qua đi, sẽ chỉ như cảm cúm thường tình.
Thẳng lưng vào thành ghế, tôi thở, nhịp thở hụt hơi nhưng vội vã.
Không khí ở khắp đất cùng trời, đã chẳng ai thèm quan tâm, nhớ đến. Nhưng khi đụng tới chút hơi hướm của nỗi chết, chúng ta thở rất vội vàng. Chúng ta sợ không khí sắp cạn, sợ nó sẽ hết… Rất nhanh, tôi xếp đặt những lời nói dối. Làm sao tôi dám nói ra sự thật kinh hoàng như vị Bác Sĩ vừa nói với tôi bằng cái giọng lạnh lẽo của thuốc men và kim chích kia?
Anh cười rất tươi khi thấy tôi, nhưng sao mắt tôi nhìn ra nhiều ai oán? Bây giờ tôi mới hiểu ra sự tài tình của các họa sĩ, khi diễn đạt qua mầu sắc: Những môi cười bi thảm, méo mó giữa khổ đau trùng trùng, hoặc sự sợ hãi triền miên, nhãn tiền của nỗi chết. Những nụ cười trầm luân thoát ra khỏi niềm vui mê dại, đụng chạm tới sự bàng hoàng của một chấm hết không ngờ.
Và tôi cũng đang ráng cười, cười như thật. Nói huyên thuyên với anh về một chứng bịnh bình thường, chẳng có gì phải lo lắng, quan tâm. Nếu chỉ cần nói dối mà đối phó được với những tai ương, hoạn nạn, thì tôi đang là kẻ nói dối rất chuyên nghiệp. Đời sống, có phải đôi khi chúng ta cần đãi đằng, an ủi nhau, dù chỉ bằng những lời dối trá, chẳng cần gì đến sự chân thật chết người, những chân thật chất chứa đầy muộn phiền, đớn đau và bi thảm.
Anh muốn vui bằng một bữa ăn tối ngoài trời, như hét ra niềm tri ân cùng thế giới. Lòng tôi dù tê tái, hoang mang, vẫn nồng nàn với rất nhiều ly rượu đỏ, cười vui chan hoà cùng chút nắng chiều hắt lên khuôn mặt anh sáng rỡ niềm hy vọng, chứ không thể là những tăm tối, u hoài của một nỗi chết. Chúng tôi ngồi trong đêm, với mịt mù không lối thoát của tương lai, nhưng anh chẳng hề biết. Tôi bỗng thấy quí từng giây từng phút khi ngồi bên anh, những điều tôi đã phí phạm, vung vãi một cách hào sảng trong suốt bao năm dài. Lòng tôi nhủ thầm sẽ không còn bao giờ nữa. Vậy mà sao tôi cười, tôi nói và tôi giả ngây ngô?
Trên đường về qua nhiều Freeway vào phố. Tôi dừng xe lại ở đèn xanh, vượt qua hết mọi đèn đỏ. Với tâm trạng náo loạn, tôi lái xe như điên khiến anh hoảng hốt. Tự trấn an mình, run run tôi hát. Hát miên man bài anh thích nhất: “Chiều về trên sông”.
“Sông”, trước hiên nhà xưa của chúng tôi. Dòng nước trôi theo cùng với những hạnh phúc, gian nan và khốn khó… Sông hiền hòa êm ái, nhưng chẳng phải đã không có những chìm nổi, lao đao, và nhiều sóng dữ.

… Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca
Cho lòng thôi khô héo…
Chiều buông,
Trên dòng sông cuốn mau
Thương đời, thương lẫn nhau…
Trong chiều
Về đâu?


Bọt bèo tuôn khắp nơi…
– Phạm Duy

Đường về nhà mà tôi quanh co lạc lối. Lan man tôi rẽ trái, rẽ phải cho đến khi cầm trong tay tấm giấy phạt của cảnh sát, tôi mới biết rằng mình đã đi lạc rất xa.
Tôi muốn mau về nhà.
Tôi muốn nhìn lại từng góc, từng xó, mỗi góc vuông trong căn nhà mà mới sáng nay thôi, vẫn ôm ấp nhiều niềm vui và hy vọng. Tôi thèm tìm ra những khác lạ nào đã thay hình đổi dạng, những bàn ghế, chiếu chăn… Hay chỉ có mình tôi đang nhìn ra một đổi thay lớn lao, đầy sợ hãi?
Khóc giấu.
Câu nói như thơ, đã chẳng “thơ” chút nào những lần tôi dấm dúi khóc. Khóc ngoài đường, khóc khi lái xe và khóc cả lúc một mình ngồi với cafe nơi quán nhỏ.
Nhưng chỉ sau vài tháng, Bác Sĩ đã không để chút bình yên cho chúng tôi. Mọi thứ giấu giếm đã được tung ra, như ngọn lửa thiêu đốt trên mặt mũi tôi cười gượng gạo. Riêng anh. Im lặng.
Chúng ta im lặng khi giận dữ, lúc chán nản, hay ngay khi ngời ngời, chói lòa cùng hạnh phúc. Nhưng trước niềm tuyệt vọng này, sự im lặng đang ẩn chứa những gì?
Suốt những năm dài tuổi nhỏ, rồi thơ mộng tuổi thiếu nữ, khi lập gia đình... Tôi may mắn với nhiều hân hoan của đời ban phát. Cũng chẳng có nghĩa tôi đã thờ ơ được với những đớn đau. Nhưng trong sự im lặng này của anh, im lặng mà như đã nói nhiều hơn những điều cần nói. Cái âm thanh của “không nói gì hết”, khi đối diện với điều tận diệt trước mắt, đã làm tôi chới với, đã làm tôi hãi sợ…
Lặng lẽ, anh sắp xếp lại những cọ vẽ, sơn dầu. Tôi ngồi im nhìn như quan sát một tử tội, đang xếp muỗng nĩa cho ngay ngắn trước bữa ăn cuối cùng.
Có phải khi luyến tiếc một cõi đời, Anh có ý trở lại từ những bắt đầu?
Anh muốn vẽ.
Từ ngày rất nhỏ, Anh dùng đũa vót nhọn, vẽ muôn hình trên những tàu lá chuối mướt xanh. Khi mê man cùng màu sắc, khó khăn lắm Anh mới đủ tiền mua được tấm canvas. Vậy mà khi nhận được giải Hội Họa Quốc Gia 1961 cùng với anh Nguyễn Trung và Cù Nguyễn, Anh đã chân tình đưa tấm huy chương đó tặng người bạn vừa rời bỏ Huế, sống lang bạt ở Sài Gòn. Chỉ để Bạn bán đi, đổi lấy những bữa ăn và những ly nước mía ở Quán Cơm Xã Hội. Anh trao niềm vinh dự cho Bạn, cái vinh dự mà Anh cho là bọt bèo, phù phiếm.
Bây giờ Anh thèm vẽ, vẽ bức tranh cuối cùng. Anh muốn nhận chân ra đời sống qua từng hơi thở. Dù có đang thoi thóp, tàn hơi, Anh cố thở những hơi dài, đứt quãng…
Hơi Thở. Phải chăng mới là tấm Huy Chương miên viễn của đời người?
Sơn dầu, một mùi hương gay gắt nồng, mà tôi đã thở cùng trong những năm dài chung sống.
Với tôi, nó như một biểu hiện của sự thủy chung, lòng yêu mến và những gắn bó không rời.
Suốt bao năm dài, Anh hay dùng những màu âm u, lạnh lẽo, những màu tái ngắt, lạnh tanh. Bức tranh cuối cùng anh dùng màu hoàng kim, rực rỡ và ấm áp.
Sự im lặng của anh đang dàn trải trong tranh.
Nhưng xô giạt trong tĩnh lặng, tôi nghe ra những âm thanh ầm ỹ, đầy cuồng nộ. Tôi nghe ra hết những đắng cay, nghiệt ngã, những buồn phiền, điên đảo của đời người. Buồn hơn thế, tôi nghe ra trong tranh lời nỉ non, van vỉ của một níu kéo, trì hoãn thảm thương.
Và qua nét cọ, sắc như những vết dao. Vết dao chém dọc, chém ngang, chém quyết liệt, kinh hoàng trên mặt của nỗi chết.
Bức tranh đã không được hoàn tất.
Anh buông rơi những cây cọ, những tuýp màu, và mùi dầu sơn vương vãi.
Suốt bao năm dài, tôi đã không thu vén dọn dẹp. Tất cả còn nguyên đó như có thêm bức “Tĩnh Vật” trong căn phòng tối tăm. Căn phòng không bao giờ cần có đèn thắp sáng.


– Lê Chiều Giang

(Tưởng niệm 25 năm ngày giỗ Nghiêu Đề, 1998-2023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét