Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Những Tác Phẩm Mới Nhất Của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại



Chia sẻ trang nhà PEN
Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ




Ném Xuống Dòng Sông



Đem hòn đá ném xuống dòng sông

Mặt nước loang tròn những số không

Xô dạt vào bờ tung bọt trắng

Gió lùa bóng nước vào hư không.



Gánh đời tảng đá cõi vô thường

Đè xuống hai vai những đoạn trường

Đất nước đổi thay theo vận hạn

Lòng buồn trĩu nặng nhớ quê hương.



Một trời đất rộng bóng tha phương

Bạt gió chim ngàn vượt trùng dương

Ngang dọc non sông tung vó ngựa

Bụi hồng gió bão khắp cung đường.



Đêm trăng thấp thoáng bóng sao rơi

Gót ngọc gieo hoa khóc giữa trời

Lệ nến đêm khuya người có nhớ

Nén hương đốt cháy buồn chơi vơi.



Tế Luân

https://vbmdhk.org/vbhnvdbhk-blog/




Những Tác Phẩm Mới Nhất Của VBHNVÐBHK

Nếu qúy vị muốn tìm nhũng tác phẩm của Văn Thi Sĩ nào, thì điền tên tác gỉa vào bên phải để tìm (Search)Xin quý ...


Xin quý vị bấm vào chủ đề dưới đây để đọc tiếp


April 24, 2024


Kính gửi Anh Chi Em cùng thưởng thức và phổ biến Tháng Tư Nhớ Mẹ, ca khúc đi vào lòng người qua tiếng hát KaNaRead More »

April 24, 2024


Anh HAI của chúng ta ngoài trăm tuổi mà trí nhớ còn quá sáng suốt. Tất cả QUÁ KHỨ một đời với những chiến tíchRead More »

April 24, 2024


Kình gửi Anh Chi Em trong Văn Bút cùng thưởng thức và phổ biến dòng nhạc & tiếng hát Đi vào lòng người.Kính xin cảmRead More »

April 23, 2024


Dù bạn có là một người tuổi trẻ, tài cao, thông minh, chịu khó trong mọi hoàn cảnh… cuối cùng bạn cũng phải tìm cáchRead More »

April 22, 2024


SAO KHUÊ là hội viên viễn cư của VB Vùng Đông Bắc HOA KỲ, cư ngụ ở CANADA. SAO KHUÊ viết rất hay, thích đọcRead More »

April 22, 2024


Xin mời tất cả quí anh chị em xem lại những hình ảnh tươi đẹp, huy hoàng, hùng mạnh của các chiến sĩ trong quânRead More »

April 21, 2024


Mời quí vị nghe THANH DƯƠNG kể câu chuyện thật hấp dẫn và cảm động: Em 8 LON của chúng ta VƯỢT BIÊN BẰNG ĐƯỜNGRead More »

April 20, 2024


Mời quí vị đọc THƯ GỬI BẠN của anh PHONG CHÂU để biết rõ về những ngày cuối cùng trước khi đất nước thân yêuRead More »

April 19, 2024


Những đề tài viết của THÚY M bao giờ cũng là lạ rất đặc biệt. Ít có khi nào bạn nghĩ viết về cái bànRead More »

April 18, 2024


Xin kính chuyển. Thân mến Hồng Thủy Tháng Tư vẫn còn đây, nỗi niềm thương đau ngày Quốc Hận vẫn còn đây. Những dòng thơRead More »

April 17, 2024


Lâu lắm chúng ta không được đọc Truyện của “Bà Hội đồng”* Tiểu thu. Hôm nay mời quí vị thưởng thức GIÃ TỪ TUỔI THƠRead More »

April 16, 2024


Cứ mỗi lần THÁNG 4 đến hầu như tất cả chúng ta đều ngậm ngùi nhớ lại những kỷ niệm đau thương mà mỗi giaRead More »

April 15, 2024


Cựu Chủ Tịch ĐĂNG NGUYÊN làm thơ rất hay và “Lặn” cũng rất giỏi dù anh không phải là Hải Quân. Muốn đọc Thơ anhRead More »

April 14, 2024


Chúng ta thường nói “Trong cái rủi, có cái may “, hôm nay HT xin thêm ” trong cái buồn có cái vui ” vìRead More »

April 14, 2024


Suốt tuần quí vị đọc thơ, văn về THÁNG 4 BUỒN rồi, xin phép thay đổi một chút, xin gửi đến quí vị những dòngRead More »

April 12, 2024


Mời quí vị nghe anh PHONG CHÂU kể lại những ngày cuối cùng dầu sôi lửa bỏng của THÁNG 4 Ở VN và NHỮNG LỜIRead More »

April 12, 2024


Xin kính chuyển, mời quí vị chia sẻ những cảm xúc về THÁNG 4 ĐEN với Thi Nhạc Sĩ THA NHÂN. Thân mến – HồngRead More »

April 10, 2024


Dù đã 49 năm trôi qua, nhưng hình ảnh oai hùng của các Chiến Sĩ VN Cộng Hòa không bao giờ phai nhòa trong tâmRead More »

April 10, 2024


Thưa các anh chị ngày Chủ nhật 14 tháng 4 năm 2024 là ngày Ra Mắt đứa con tinh thần của văn thi sĩ YRead More »

April 9, 2024


Xin kính chuyển, mời quí vị thưởng thức. Thân mến – Hồng Thủy Xin gửi đến Chủ tịch Hồng thủy và các anh chị nhữngRead More »

April 9, 2024


Để thay đổi không khí, mời quí vị đi vào thế giới MỘNG MƠ của em gái KIM OANH Thân mến – Hồng Thủy GốiRead More »

April 8, 2024


Tháng 4 là tháng của Niềm đau, nỗi nhớ… Xin kính chuyển. Thân mến Hồng Thủy Thân gưi chi Hồng Thủy một bài viết ”Read More »

April 7, 2024


Mời quí vị nghe tâm tình anh HAI của chúng ta khi Tháng 4 về. Thân mến – Hồng Thủy THÁNG TƯ ĐEN Mỗi độRead More »

April 7, 2024


Mời quí vị thưởng thức tài làm Thơ của MỸ HOÀN. 4 bài Thơ, 4 thể loại khác nhau, ” Mỗi bài mỗi vẻ, mườiRead More »

April 6, 2024


Phương Hoa vắng bóng khá lâu vì buồn và bận lo ma chay cho trưởng nam. Rất mừng Phương Hoa đã trở lại sinh hoạtRead More »

April 4, 2024


Thấm thoát chúng ta xa quê hương đã 49 năm. Dù cuộc sống đã ổn định, tinh thần thoải mái, vật chất đầy đủ dưRead More »

April 2, 2024


Mời quí vị đọc truyện và Thơ của KIM LOAN để xót xa thương cảm cho những người thiếu may mắn còn kẹt lại VNRead More »

April 2, 2024


Họp mặt trường xưa của thời Trung học luôn là niềm vui, háo hức thật quí giá của tuổi già. Mời quí vị đọc bàiRead More »

March 31, 2024


Xin thân ái chuyển, mời quí vị thưởng thức. Hồng Thủy Thái Lan xin gởi bài về lễ Phục Sinh Thưa quý anh chị LRead More »

March 29, 2024


Mỗi khi bắt gặp hoặc nghe kể về một truyện có vẻ đặc biệt là cô em THANH DƯƠNG của HT phóng bút thành mộtRead More »

March 28, 2024


Nhà văn Ngọc Cường Nguyễn Tường Cường vắng bóng rất lâu. Sau gần ba năm, hôm nay mới cho chúng ta được thưởng thức truyệnRead More »

March 27, 2024


Xin kính chuyển, mời quí vị theo giõi buổi phỏng vấn để biết về VietNam Film Club và những cuốn phim rất đăc biệt. ThânRead More »

March 26, 2024


Mời quí vị nghe Bài thơ vương vấn sầu của anh ĐĂNG NGUYÊN qua dòng nhạc réo rắt của anh Trần Đại Bản – ThânRead More »

March 24, 2024


Sau 30 Tháng 4 những người kẹt lại không chịu nổi ách thống trị tàn ác của CS đã đua nhau vượt biên. Những ngườiRead More »

March 24, 2024


Tháng 4 Quốc Hận sắp đến, mời quí vị thưởng thức những vần Thơ Vinh danh các Chiến Sĩ Tuẫn Tiết của Thi Sĩ ThaRead More »

March 22, 2024

Cuộc Sống Thi Ca


                        hình minh họa


Sương Khói



Mịt mù sương khói bóng hình

Gặp nhau từ thủa vô minh phận người

Thiên thu ẩn hiện kho trời

Lời em nhả ngọc tiếng đời thiết tha.



Cánh hoa rụng trước hiên nhà

Nhìn trông đôi mắt kiêu sa chợt buồn

Tiếng lòng ngôn ngữ vô ngôn

Lấy bài thơ cũ đem chôn ngoài rừng.



Gặp em tay bắt mặt mừng

Trâm cài mái tóc lưng chừng xõa vai

Gió lay động vạt áo dài

Bóng chiều phố núi dấu hài lối đi.



Giọt buồn vẫn mãi thầm thì

Mảng rêu xanh bám rậm rì tường loang

Lục tìm như loài thú hoang

Đêm trăng thức giấc áo choàng khoác vai.



Nhạt nhòa sương khói bóng ai

Bước ra từ cõi sơ khai đời người

Môi thơm từ thuở đôi mươi

Tay che nắng hạ bước dời gót xuân.



Về thôi sương khói phù vân

Mắt buồn rơi lệ tần ngần nhớ thương

Đời trôi qua mấy đoạn trường

Thì thôi một bóng vô thường bay đi.



Tế Luân
04-25-24

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

Chuyện Tình Của Triết Gia Phạm Công Thiện


Chia sẻ bài viết đăng trên trang nhà Quảng Đức

Chuyện Tình Của Triết Gia Phạm Công Thiện
Do chính vợ ông là bà Lê Khắc Thanh Hoài viết lại



03/08/201608:20(Xem: 34022)


https://quangduc.com/a59080/chuyen-tinh-cua-triet-gia-pham-cong-thien

Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011]

Đọc sách "Chuyện một người đàn bà.. năm con"
của Lê Khắc Thanh Hoài].

Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác viết : anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?

Đâu là sự thật, đâu là huyền thoại ?

Được chị Lê Khắc Thanh Hoài tặng cho quyển tiểu thuyết đầu tiên của chị : Chuyện một người đàn bà năm con, tôi đọc say mê, với lối văn giản dị trong sáng tôi đọc một mạch, tôi không ngờ chị viết hay và hấp dẫn như thế về cuộc đời khổ đau gian truân của chị với một thi nhân, triết gia mà thời niên thiếu tôi đã từng say mê tác giả : Ý thức mới trong văn nghệ và triết học , Phạm Công Thiện.

Sách trang bìa hình tháp Eiffel Paris, nơi xảy ra câu chuyện và bức chân dung chị Lê Khắc Thanh Hoài ký tên Phạm Công Thiện vẽ, ngày anh tỏ tình cùng chị, chị không dấu tên người bạn đời. Người đàn bà có năm con cùng triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện (1941-2011) kể lại cuộc đời mình dẫn nhập bằng cuộc đối thoại với cháu ngoại, mừng sinh nhật bà, trao phong bì : một bài thơ bằng tiếng Pháp và lì xì : 10 Euro cho bà, vì thấy bà ngoại nghèo quá thật là dễ thương, ngộ nghĩnh và cảm động. Từ đó chị kể lại cuộc đời mình qua 13 năm sống chung. Thời gian mà anh sang Pháp năm 1970, từ bỏ áo nhà tu Thích Nguyên Tánh và sau năm 1985 anh sang Mỹ cư ngụ tại Los Angeles và qua đời tại Houston..

Tuổi học sinh Trung học, tôi say mê khi đọc Phạm Công Thiện, tôi biết về thơ Appolinaire, Rimbaud, Pierre Emmanuel..về các triết gia mới Tây Phương qua anh.


Bây giờ thì tôi viết về anh qua truyện kể của chị Thanh Hoài, nhìn anh qua những Vidéo các buổi nói chuyện của anh. Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời Hiện tượng Phạm Công Thiện, một thời làm mưa làm gió tại Miền Nam những năm 1966-1970. Và dư âm những mưa gió ấy tại Hải ngoại từ 1970 đến năm 2011. Tôi muốn hiểu Phạm Công Thiện là ai ? anh là một thiên tài thần đồng, hay một một Trạng Quỳnh của một thời ?. Những kiến thức anh lấy từ đâu ? nguyên do gì anh đã mê hoặc cả một thế hệ tuổi trẻ miền Nam trong thời điểm đó. Đâu là sự thật của đời anh, đâu là huyền thoại do anh và mọi người thêu dệt. Những người Phạm Công Thiện quen biết tôi đều có dịp gặp gỡ : từ chùa Hải Đức Nha Trang, đến Paris, đến Viện Đại Học Vạn Hạnh : Họa sĩ Vĩnh Ấn, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ Nhị Tay Ngàn đến Hoà thượng Minh Châu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Thiền sư Nhất Hạnh, chị Thanh Hoài người bạn đời từng chung sống với anh 13 năm, và có 5 con với anh.

Chị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Huế, con một vị bác sĩ nổi tiếng tại Huế trong Phong Trào tranh đấu Phật Giáo miền Trung, năm 1963 từng bị tù dưới chế độ Ngô Đình. Năm 1969 chị học Triết học Đông Phương tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Năm 1970 chị lên đường sang Bruxelles du học. Gặp và kết hôn với Phạm Công Thiện tại Paris. Chị Thanh Hoài còn là một nhạc sĩ đàn dương cầm, từng học Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, tác giả nhiều CD, và hàng trăm nhạc phẩm.

Trước nhất Phạm Công Thiện là một nhà thơ : tập Ngày sinh của rắn in năm 1988, có những bài thơ đẹp, và lạ lùng :

VI :
tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt.


VIII :
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông

Anh nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đã công tác viết bài cho tạp chí Bách Khoa, một tạp chí nổi tiếng giới trí thức miền Nam thời bấy giờ, anh thông thạo 5, 6 ngoại ngữ, một quyển sách anh được Nguyễn Hiến Lê giới thiệu. Nguyễn Hiến Lê là một học giả tự học viết khoảng 60 quyển sách từ sách : Tự học làm người, Rèn luyện nhân cách, đến Triết Học Trung Hoa. Một kiến thức đáng kính phục. Có lẽ Phạm Công Thiện đã học phương pháp tự học và làm việc của học giả Nguyễn Hiến Lê. Muốn học một ngôn ngữ, học bằng cách dịch quyển sách mình ưa thích, mỗi ngày đều đặn, chỉnh tề, ngồi vào bàn viết.. lúc đầu khó khăn, sau thành thói quen viết dễ dàng nhanh chóng. Tôi hiểu anh không nói ngoa, anh đã viết 20 quyển sách thời niên thiếu và đốt đi. Đó là cách tập luyện viết sách, đọc một quyển sách mình mô phỏng theo, viết một quyển tương tự, ban đầu mình chịu ảnh hưởng nhiều từ từ mình tạo ra một phong cách riêng, tiến đến một sáng tạo hoàn toàn.

Anh giỏi tiếng Pháp. Anh có tài dịch thơ lưu loát và quyến rũ. Anh đọc các triết gia Tây Phương và các Thiền sư Phật Giáo và diễn tả lại gọn gàng dễ hiểu. Anh đáp ứng được nhu cầu giới trẻ đương thời đang muốn mở ra tiếp xúc với Tây Phương, nhưng không đủ vốn liếng ngôn ngữ để đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức văn chương Tây Phương từ sau cuộc tiếp xúc với Văn chương lãng mạn thời Thơ Mới với Baudelaire, Edgar Poe... Các Triết gia Hiện Sinh, hiện đại như thế nào ? Anh đáp ứng được một nhu cầu muốn tìm hiểu của đương thời. Thuở còn học sinh Trung Học tại Phan Thiết, tôi và anh Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ, thường gặp nhau bàn về những điều Phạm Công Thiện viết. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh Việt Nam, thân phận thanh niên rồi sẽ đi lính, rồi sẽ chết trên chiến trường như bao bạn bè. Trong không khí thành thị miền Nam thời đó, thanh niên cần một lối thoát ra khỏi không gian tù túng, mơ ước một chân trời khác , đọc được Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng tên tuổi các triết gia Hy Lạp, triết gia bên Tây tên tuổi nghe mù mờ, có người tóm lược giảng giải nên lấy làm thích thú. Lâu lâu lại khen chữ nghĩa, tâng bốc văn hóa Việt Nam, làm hừng chí tự ti dân tộc. Phạm Công Thiện nổi danh trên mảnh đất trống tư tưởng đó.

Phạm Công Thiện là một người quyến rũ, có sức thôi miên người đối thoại. Chị Thanh Hoài viết tr 167:

« Gặp Chàng là gặp người bằng xương bằng thịt, không phải là người trong văn chương tiểu thuyết. Chàng rất chân thật, không giả dối kệch cởm. Chàng phản ảnh đúng những gì Chàng viết. Thẳng thắn. Táo bạo. Nẩy lửa. Sức hút dữ dội. Quyến rũ lạ lùng. Người đối diện chỉ còn biết buông xuôi và.. trôi theo bấp bênh cùng Chàng !

Phải rồi ! Bấp bênh và.. vô định ! Tự dưng nàng linh cảm mãnh liệt điều đó. Đến với chàng là chấp nhận bấp bênh và vô định. Không chờ đợi, không đòi hỏi. Vô điều kiện. Là quăng bỏ quá khứ và tương lai. Là phiêu lưu không cần địa bàn định hướng. Chỉ có một chiếc kim chỉ nam là tấm lòng, là con tim, là sự thành thật. Đó mới là kho tàng vô giá. »

Thời tôi và chị Thanh Hoài đi du học, số nam sinh viên luôn luôn đông hơn nữ, tỷ lệ có thể đến 1/20. Được một cô sinh viên du học xinh đẹp mới qua là có ít nhất hàng tá chàng trai Việt chạy theo. Các gia đình thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, gửi con gái đi du học với niềm hy vọng : nếu nó học không xong cũng hy vọng có được tấm chồng trí thức, bác sĩ, kỹ sư, tương lai bảo đảm. Con gái nếu không thành công, thì có con rể vinh hiển cũng được nơi nương tựa yên ổn. Chị Thanh Hoài đã từ chối bao kỹ sư, bác sĩ đến với chị để nghe tiếng gọi của trái tim yêu một thi sĩ, một triết gia, âu cũng là một sự lựa chọn cho cuộc đời gian truân của chị.

Phạm Công Thiện là ai ? anh được đào tạo từ đâu ? hay anh là một thiên tài, đã học từ bao nhiêu kiếp trước, nay sinh ra đã trở thành một triết gia không cần học ai ?

Theo tiểu sử anh sinh ra từ một gia đình theo đạo Công Giáo, anh theo học một trường tư thục Công giáo dạy bằng tiếng Pháp, anh được cha mẹ mướn người dạy kèm học tại tư gia, nhưng năm 1963, anh ra Nha Trang quen biết với nhà thơ Quách Tấn. Quách Tấn đưa anh đi thăm viếng chùa Hải Đức, nơi đây anh tập thiền và quy y thọ giới Sa Di pháp danh Nguyên Tánh với Thầy Trí Thủ, một vị cao tăng Phật Giáo.

Phạm Công Thiện không viết hồi ký nên không rõ anh có bằng Tú Tài II hay không, nhưng giỏi sinh ngữ như anh việc thi thí sinh tự do, lấy bằng Tú Tài toàn phần không phải là chuyện khó, rất nhiều học sinh học trường Pháp, thi thí sinh tự do lấy bằng Tú Tài II Ban Sinh Ngữ Văn Chương trường Việt thật dễ dàng. Học sinh trường Pháp thi môn Anh Văn, Pháp Văn kỳ thi Tú Tài Việt được 18, 20 dễ dàng, các môn Triết Học, Sử Địa chỉ cần học một lượt cũng được trung bình là kỳ thi qua trót lọt.Triết Học lại là môn anh Thiện ưa thích lại quen viết bằng tiếng Việt. Để có học bổng tại Viện Đại Học Yale, để đi du học Hoa Kỳ khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện phải có bằng Tú Tài Toàn Phần hạng Ưu hay Bình. Phạm Công Thiện xong B.A (Cử nhân) tại Yale, và chuyển sang Columbia, nơi thầy Nhất Hạnh từng học, thì anh bỏ học ra đời.

Trong quyển Hố Thẳm Tư Tưởng, Lá Bối, Sài Gòn Xuất bản 1968, trong bức thư cho Nhị Tay Ngàn, chương đầu Phạm Công Thiện viết :« Thời gian tao ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học tao học, như trường đại học Yale và Columbia, chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp ta đã sống nghèo đói thế nào, thì mày đã biết rõ rồi, những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris, vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư trường đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hégel, và Heidegger hay Héraclite. »

« Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao cũng không thèm nghe nữa. Tao là học trò của tao, và chỉ có tao là thầy của tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không muốn ai làm thầy của tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lập đi lập lại vô ý thức hay có ý thức, trí thức 15 xu, ái quốc nhân đạo 35 xu, triết lý tôn giáo 45 xu..

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hégel hay Karl Marx. Không cần phải đọc Khổng Tử, Lão Tử. Không cần phải đọc Upanisads và Bhagavad Gita. Chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nội tại tiếng Việt Nam là bổng nhiên nhìn thấy tất cả đạo lý, triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sâu trong ba tiếng Việt đơn sơ như : Con, Cái, Chay, Cháy, Chày, Chảy, Chạy và còn bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta bỏ quên một cách ngu xuẩn.»

Phạm Công Thiện, sang Pháp, anh ghi danh ở Rennes, Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước nhưng rồi không thuận với anh, ông lên Paris khoảng năm 1966. Lúc này tại Paris, Thầy Nhất Hạnh lập Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại, chi bộ Pháp do anh Võ Văn Ái làm Tổng Thư Ký, trụ sở tại Maison Alfort, ngoại ô Paris. Phạm Công Thiện thân thiết với anh Ái và cùng ở nơi này.

Năm 1966, Hòa Thượng Minh Châu đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại Học Vạn Hạnh. Gặp Phạm Công Thiện, thầy thuyết phục anh làm lễ xuất gia, thọ giới Tỳ Kheo cho anh, Đại Đức Thích Nguyên Tánh và đưa anh về Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Phạm Công Thiện phụ trách Khoa Khoa Học Nhân Văn ; Sáng lập tạp chí Tư Tưởng, và soạn chương trình cho Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Niên khoá 1968-1969 ; Thanh Hoài học môn Triết Đông với Thầy Nguyên Tánh.

Năm 1970, Thanh Hoài lên đường đi du học tại Bruxelles. Cũng năm này Phạm Công Thiện đi dự một Hội Nghị Phật Giáo cùng Hoà Thượng Minh Châu, anh xin ở lại ghi tên làm luận án Tiến Sĩ . Tại Paris, Thanh Hoài gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn. Thanh Hoài quyết định bỏ Bruxelles sang Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cuộc sống phiêu lưu đầy gian nan, sống với học bổng của anh trong 4 năm. Sau đó anh xin được một việc làm văn phòng Đại học Toulousse. Nhân có một chân phụ giảng trống anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được giáo sư hướng dẫn giới thiệu ‘ Sinh viên ưu tú xuất sắc hạng nhất, bốn năm cao học đã hoàn tất ‘ (tr 252). Điều này chứng tỏ Phạm Công Thiện đã xong văn bằng tốt nghiệp Ecole Pratique des Hautes Etudes (tương đương với Master) tại Sorbonne, và học xong một năm D. E. A. Diplôme Etudes Approfondies, (theo tổ chức đại học Pháp lúc đó, ngày nay đã đổi thành Master I, Master II và bỏ văn bằng Tiến sĩ Đệ Tam cấp và Tiến sĩ Quốc Gia, chỉ còn một văn bằng Tiến sĩ duy nhất). Anh làm việc này giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là Giảng sư (Maître de Conférence) tại Đại Học Toulousse II... Công việc tạm ổn định, chị Thanh Hoài sinh năm con, bốn cháu trai và một cô gái út, quần quật với bầy con : đưa rước đi học, ăn uống tắm rửa, bếp núp, chị còn làm việc ráp linh kiện cho hãng máy bay Airbus, nhưng Phạm Công Thiện lại rơi vào vòng nghiện rượu, sống cuộc sống đầy bè bạn quên mất chuyện gia đình.

« Và nơi ngôi biệt thự xinh xắn đó, nơi mà đáng lý ra chỉ có hương hoa và sắc màu của một vị ngọt là hạnh phúc, thì trớ trêu thay, nơi đây suốt bảy năm trời chỉ mang một vị đắng. Vị đắng của khổ đau. Vị chua chát của rượu… Chàng đã thỏa hiệp với con ma rượu.

« Anh không thấy gì hứng thú vì cứ phải lải nhải triết lý để kiếm tiền nuôi vợ con ». « Anh chỉ là chiếc bóng đằng sau bầy con. Điều này cũng làm anh đau khổ.. Lải nhải triết lý xong thì anh chỉ còn biết lè nhè . »

« Thì giờ của em dành cho con quá nhiều và em đã bỏ rơi anh.. 
Hay là em.. tránh né anh.. ? »
Tránh né anh vì em ghê sợ mùi rượu. Vậy anh hãy ngừng uống rượu..
Đúng là lẫn quẩn không lối thoát !

Bảy năm trời trôi qua trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát đó, nơi cái biệt thự màu hồng đó. Nàng thì vẫn cứ xoay mòng với bầy con năm đứa. Chàng thì cố gắng làm tròn công việc dạy học, cho dù nỗi chán chường mỗi ngày một chồng chất, nhưng bọn sinh viên vẫn ào ào tới càng ngày càng đông hơn, giới trí thức trong tỉnh lần lần nghe tiếng và bạn bè lũ lượt kéo đến càng nhiều hơn. Những buổi trà dư tửu hậu lại tiếp nối nhau. Khói thuốc vẫn mịt mù lan toả. Mùi rượu vẫn nồng nặc xông lên..

Cho đến cái ngày mà giọt nước đã tràn đầy ly thì cái vòng lẩn quẩn đó tự động ngừng quay. »

Một ngày Thanh Hoài bị suyển nặng, ho vì dị ứng phấn hoa, nhờ anh đi mua thuốc. Anh ra đường gặp bạn bè rủ đi ăn nhậu, quên mất chuyện thuốc cứu cấp cho vợ, sáng hôm sau mới về mang một hộp trứng, hỏi thuốc, anh quên mất.

« Sáng hôm ấy, vì quá mệt, Nàng đưa toa của bác sĩ nhờ Chàng ghé tiệm thuốc mua giùm Nàng. Mười lăm phút, hai mươi phút, ba mươi phút trôi qua, Nàng ngong ngóng Chàng về đưa thuốc cho đỡ nghẹt thở. Rồi một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua.. vẫn không thấy bóng Chàng. Nửa ngày trôi qua. Một đêm trôi qua. Nàng vẫn ngong ngóng. Nhưng vẫn không thấy bóng chàng đâu. Một đêm đã trôi thật quá dài, quá dài tưởng như bất tận. Không ngủ được vì ho, vì nghẹt thở. Nàng đã trải nghiệm cảm giác thế nào là kề cận cái chết. Nàng không đủ sức để tức giận, vì nàng nghĩ nếu chết trong sự tức tối, chỉ tự mình hại mình, sẽ không được đầu thai tốt, lại còn rơi vào đọa xứ nữa không chừng ! Chi bằng cứ thản nhiên, chấp nhận số phận và thanh thản niệm Phật. Đây là điều cần làm trong lúc này, chẳng phải là sự tức giận !

Nàng nhắm mắt chờ thần chết rước đi. Nhưng không, không được ! Nàng sực tỉnh ! Mà kia mình đã quên mất bầy con, mình chết thì chúng sẽ ra sao đây ? Mình có thể bỏ chúng để ‘ tiêu diêu ‘ nơi phương trời nào đó được chăng ? Từ bỏ cái thân thể bệnh hoạn khổ sở thì mình cũng hết nợ với thế gian này, nhẹ nhàng thanh thản cho mình, nhưng không thể chỉ nghĩ đến mình mà quên bầy con. Không được rồi, không đúng rồi.. Không mình phải sống, phải ngồi dậy, đứng thẳng và không còn nghẹt thở. Mình phải tự bảo vệ mình, không thể buông xuôi ! Mình nhớ đã từng được dạy dỗ ‘ thân người khó được ‘, phải bảo vệ nó cơ mà ! Không sát sanh, không hại vật, nhưng khi nguy cơ đến thì cũng phải biết tự bảo vệ để không mất mạng chứ ! Có thể nào chết dễ dàng như vậy được ? Không, ta phải sống !

Khi trời vừa tờ mờ sáng thì Nàng nghe tiếng cửa mở. Chỉ cần thấy dáng bộ xiêu vẹo, ngả nghiêng của Chàng là nàng thừa hiểu tất cả. Trông Chàng còn thê thảm hơn cả Nàng nữa ! Thôi thì chẳng còn gì để hỏi, để nói, để trách nữa. Chắc chắn là không có thuốc cho Nàng rồi.

Dù gì thì Nàng cũng đã quyết định rằng Nàng phải sống, Nàng phải thở, Nàng phải đứng thẳng dậy và đi tiếp.

Nhưng đoạn đường đi tiếp của Nàng chắc chắn là sẽ không đi cùng Chàng. Không vì tức giận hay oán trách, mà chỉ vì không còn giải pháp nào khác hơn.

Thế là Nàng lặng lẽ sắp đặt cuộc ra đi của Nàng. Rồi đến ngày hôm đó, không báo trước, không nói năng. Nàng âm thầm dắt bầy con ra khỏi ngôi biệt thự màu hồng . »

Thanh Hoài quyết định chia tay cùng anh, chị thu xếp cùng năm con ra đi. Phạm Công Thiện cũng mất việc đại học vì khế ước không được gia hạn và ghế giảng sư cũng không còn, anh được Hoà Thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc Tế Phật Giáo, tai Los Angeles. Anh lại trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè.


Lê Khắc Thanh Hoài

Tại xã hội Pháp nuôi nấng năm con không phải là điều dễ dàng, thường mỗi gia đình chỉ dám có 2,3 con. Thanh Hoài vừa làm mẹ, vừa làm cha, khi dạy đàn dương cầm, khi làm quản gia và các công việc khác, nuôi năm con cho đến khi trưởng thành, thành người : Cậu trai đầu , tốt nghiệp École Normal Supérieur rue d’Ulm, Tiến sĩ Vật lý , giảng dạy Vật Lý Viện Đại Học Paris Orsay. Cậu thứ hai Tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại tại Bordeaux, Giám Đốc Thương Mại, cậu thứ ba Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật tại San José Hoa Kỳ, Họa sĩ, cậu thứ tư giống bố ở chỗ thích Triết Học và cô gái út Bác sĩ Nhi Khoa. Chị có đầy đàn cháu nội, cháu ngoại.

Phạm Công Thiện qua đời năm 2011 tại Houston, các con đều sang dự đám tang cha.

« Nhờ âm nhạc, qua âm nhạc, bà luôn luôn đi sát cạnh cuộc đời, ở trong cuộc đời, thăng hoa cuộc đời, biến những nỗi buồn thành niềm vui, những chán chường thành lạc quan yêu đời, cô đơn thành cảm thông chia sẽ. »

Đứa cháu ngoại đã hỏi chị :

-« Bà ơi ! Bà có giận ông ngoại không ?

- Bà chẳng hề giận !

- Thực ra, con cũng thấy thương ông ngoại làm sao ấy..

Cháu bà giỏi lắm, các cậu và mẹ con cũng thế, luôn yêu thương ông ngoại, không hề ghét bỏ hay trách móc.

- Mỗi lần gặp lại ông, con chỉ muốn ôm ông hôn và không cần phải nói nhiều.. Con biết ông không hề có ý làm khổ bà, vì chính ông là người khổ trước tiên nếu phải làm khổ ai…. Ông ngoại vẫn luôn bảo tụi con phải yêu thương bà hết mực, vì nhờ bà mà mẹ con, các cậu con nên người. Có điều.. ông vẫn nghĩ là bà còn giận ông !

- Con có nghĩ như vậy khi bà kể chuyện cho con ?

- Không, Con nghĩ bà vẫn còn yêu ông ngoại !

- Thực ư.. Chính bà cũng không biết ! »




Khép lại trang sách tôi ngẫm nghĩ. Tiếc là sách bằng tiếng Việt, nếu viết bằng tiếng Pháp, các cháu nội, cháu ngoại chị Thanh Hoài đọc được sẽ nghĩ rằng : ông bà mình thiếu thông tin cho nhau. Nếu ông đi đâu, điện thoại cho bà một tiếng, hay nếu có điện thoại di động, bà gọi ông nhắn ông đem thuốc về gấp thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tiếc thay oan Quan Âm Thị Kính nằm ở chổ, thời ấy chưa có dao cạo râu : Thị Kính phải vác con dao phay to tướng cắt râu cho chồng. Bà giận ông : vì thời ấy chưa có điện thoại di động. Nếu không bà sẽ điều khiển từ xa, ông chồng triết gia lãng trí hay quên của mình.

Các cháu Việt Nam sinh ra tại Pháp xem xong vở tuồng Quan Âm Thị Kính thường tức tối và hỏi : Où est sa bouche ?. Cái miệng bà Thị Kính ở đâu ? Sao bà không nói ? Sao ông không nói ? Tiếc thay khi ông bà giận nhau các cháu chưa ra đời !

Khép lại đọc trang cuối bìa tập sách là lời Phạm Công Thiện viết khi gặp nhau lần cuối : « Ở nơi chốn hỗn loạn, ở nơi tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng mà tiếng nhạc của em vẫn có thể vang lên những âm thanh của dịu dàng đầm thắm, bay bổng cao vút tận chân trời, từ cái điều Không Thể mà vẫn Có Thể. Hãy gọi đó là Giai Điệu Của Cái Điều Không Thể. »

Khép lại trang sách chuyện kể một cuộc tình, hai cuộc đời không trọn vẹn cùng nhau đến cuối đời. Nhưng lời kể chuyện trong trẻo, thanh thoát khiến cho chúng ta vẫn còn nghe vang lên một dư âm tiếng đàn dương cầm chị Thanh Hoài.

Xin giới thiệu tiểu thuyết “Chuyện một người đàn bà.. năm con » của Lê Khắc Thanh Hoài do nhà xuất bản Thời Đại xuất bản tại Hà Nội và Sài Gòn cùng đọc giả trong và ngoài nước. Qua câu chuyện một kinh nghiệm sống cuộc đời, chị đã vẽ ra một khung cảnh người Việt trên đất Pháp, nó cần thiết cho các bạn trẻ, cho phụ huynh khi con em lên đường du học. Truyện còn giúp ta hiểu hơn về Phạm Công Thiện một nhà thơ, một triết gia một thời danh tiếng tại miền Nam Việt Nam.


Paris 23-7-2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

Xin mời nghe nhạc phẩm "Xin Trọn Đời Yêu Anh"
của Lê Khắc Thanh Hoài, viết tặng chồng của mình,
Triết gia Phạm Công Thiện



Thôi xin từ giã - Nhạc Sĩ  Lê Khắc Thanh Hoài




Cuộc Sống Thi Ca



Ký Ức



Sợi tóc bạc làm mùa xanh nhức nhối

Ký ức hiện giữa giông tố đời người

Mảng rong rêu mọc lên mầm xanh mới

Vùng đất lạ, tôi chợt thấy chơi vơi.


Có lần tôi lần mò trong dĩ vãng

Tìm hư vô qua lăng kính trần chuồng

Được và mất thoáng qua trong chớp mắt

Tuổi trẻ đi qua, nông nổi vọng cuồng.


Cuộc đời có vui cũng có lúc buồn

Cái được thì ít cái mất thì nhiều

Chỉ tình yêu tồn tại theo ngôn ngữ

Bài thơ hay, còn tiếc nuối dáng chiều.


Lúc nửa đêm tôi gọi em thực dậy

Vì nhìn quanh sợ bóng tối bao vây

Không có tiếng người thầm thì đêm tối

May có em tình vẫn mãi đong đầy.


Tế Luân

Một chút triết lý trong thơ

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Nơi tình yêu bắt đầu - Trang thơ viết cho tình yêu.

Nơi Tình yêu bắt Đầu. Ngôn ngữ của tình yêu, chính là tâm hồn của người nghệ sĩ, đi lang thang trong tâm tưởng. Để viết mãi những vần thơ ca tụng tình yêu.

Tê Luấn




Tranh vẽ sưu tầm trên Google image


Nơi Tình Yêu Bắt Đầu

Anh bước đến ngã ba
ngõ rẽ
không biết lối nào?
đến nhà em
anh nhắm mắt lại
nhìn vào tâm tưởng
thoáng mùi hương
gợi nhớ về nơi chốn.

Mùi hoa lan hoàng gia
hướng dẫn bước anh đi
đến nhà em yêu
ở một nơi có nhiều hoa
mang đậm giấc mơ vàng
vậy là anh đã định hướng
em đang ở nơi đây.
là vương quốc của nữ hoàng?

Em biết biên giới tình yêu ở đâu?
với tình yêu
ai biết được chiều sâu?
bến nơi đâu
thuyền tình về nơi đó
càng xa em
trái tim càng thấm đau.

Anh không giấu em một điều gì
vì những điều ấy
là mối tình si
nếu đời anh chỉ là hoa lá
anh sẽ lót đường
đón bước em đi.

Nếu cuộc sống của an
là viên ngọc quý
nó sẽ được gắn trên
vương miện nữ hoàng
anh sẽ đập vỡ nó
thành trăm mảnh
làm bông tai
chiếc vòng cổ cho em đeo.

Nhưng cuộc đời anh chỉ có một trái tim
nếu trái tim này
đầy đau khổ
nó sẽ lấp lánh như nước mắt
rơi thành những tinh thể như kim cương
một tình yêu thật tĩnh lặng
để phản chiếu nỗi buồn.

Em yêu!
trái tim anh tràn ngập tình yêu
em có biết bất cứ điều gì về tình yêu này?
biên giới của nó ở đâu?
nó ở ngay bên cạnh em
giống như cuộc sống của chính em
đi đến điểm cuối cùng
cho đến khi tóc đã chuyển sang màu trắng.

Lê Tuấn 


Tranh sưu tầm trên Google Image

Có Em

Có ngọn cỏ mới nhú lên
Có em ngồi đó bên thềm cô liêu
Có tiếng đập trái tim yêu
Có ta ôm lấy bóng chiều nhạt phai.

Có cánh hoa rụng trên vai
Dáng em là đóa lan đài nở đêm
Áo em bay vạt lụa mềm
Mùa xuân quyến rũ bên thềm cỏ hoa.

Có tiếng sáo trúc giao hòa
Có vần thơ viết mặn mà câu thương
Có đêm thu ướt mưa sương
Có ta ngơ ngẩn tìm đường về đâu.

Có thêm rượu phá thành sầu
Tuyết rơi ngỡ tưởng hoa cau bay về
Có em chợt nhớ câu thề
Có đêm chìm lắng cơn mê ân tình.

Tế Luân
04-19-24


Hình ảnh sưu tầm trên Google image

Hỏi Đời

Hỏi đời đã quên hết chưa

Hỏi lòng đã trọn câu thưa ân tình

Hỏi chân bước mấy hành trình

Vượt qua mấy ải vô minh đời người.

Hỏi thu nào? Hết lá rơi

Hỏi em còn muốn đổi dời gấm hoa

Hỏi ai đứng giữa giang hà

Chiều rơi đỉnh núi bóng tà huy bay. 

Hỏi tình vương vấn cuối ngày

Nơi đây hoa nở, trao tay đoá sầu

Nhìn con nước chảy bên cầu

Hỏi thăm người ở giang đầu nhớ mong.

Thôi thì hỏi đám bụi hồng

Qua cơn gió thổi hư không là gì?

Hỏi thăm những vết chim di

Dấu chân để lại, bay đi lúc nào. 

Tìm xem dưới gốc cội đào

Có ai rơi lệ nhỏ vào hư vô

Hỏi tâm sao vẫn mơ hồ

Lòng trần vọng động đẩy xô bước vào.


Lê Tuấn

Suy tư bên những dấu hỏi?

 

Tranh sưu tầm trên google image


Em Hỏi Anh Tình Về Đâu


Hoa tàn em lại buồn tênh
Cỏ non thức dậy ngông nghênh giữa trời
Tình riêng ngôn ngữ không lời
Nếu yêu, cứ nói yêu rồi thì sao?

Trăng đêm soi sáng hôm nào
Trộm nhìn hai đứa chìm vào trong nhau
Em hỏi anh tình về đâu?
Áo đang mặc vội còn nhầu vết nhăn.

Tình là một dấu băn khoăn
Niềm vui hạnh ngộ trăm năm đi cùng
Hồn run rẩy bỗng ngại ngùng
Đem sinh khí, đốt lạnh lùng đêm đông.

Tình không là gió bụi hồng
Tình còn ở lại đáy lòng người yêu
Để buồn vương vấn bóng chiều
Để thơ tuôn chảy bao điều nhớ thương.

Tế Luân

 



Tranh vẽ sưu tầm trên Google iamge

Nỗi Buồn Mùa Thu

Buổi sáng tôi vô tình gửi đi một nỗi buồn
nỗi buồn vướng vào hàng cây
một cơn gió vô tình thổi bay
nỗi buồn tan theo đám mây

Ngày nắng thu mới lên
lá còn xanh
bầu trời cũng màu xanh
mà ngọn gió thì hơi lành lạnh.

Bên thềm cửa
em co ro áo ấm
em nay đã
thành màu mây cũ
bức tường xưa loang dấu vết rong rêu.

Buổi sáng sớm
viên thuốc ngủ còn chưa tan hết
em mơ màng
cố vét hết giấc mơ đêm.

Thời gian đẹp như những hoa văn
vẽ vào trang thơ huyền thoại
lời tình tự hôm qua
lời độc thoại hôm nay
bài thơ tình ướt át.

Giọt lệ rơi
làm nhoè câu thơ cũ
những bông hoa đá
rực rỡ nở ven tường.

Mùa thu trải lụa vàng trên thung lũng
ký ức, hoài niệm trong cơn mê
quạnh hiu
hoá đá vật vờ.

Giữa buổi sáng
nồng hương mùi hoa cải dại
tiếng lao xao lá rụng bên thềm
âm vang của nỗi buồn
không bị giới hạn
theo chiếc lá vàng rơi rụng
rồi tan vỡ thành từng mảnh vụn.

Ngồi ráp lại
mảnh đời lận đận
buồn vô cảm
trầm ngâm.

Buổi sáng lê thê theo ngọn gió thu
một bản nhạc buồn vang vọng
tiếng dương cầm thánh thót bên cửa sổ
ngày mộng du
vọng tưởng
để nỗi buồn
tan loãng vào mùa thu.

Lê Tuấn
vần thơ triết học viết cho mùa thu.


Cuộc Sống Thi Ca