Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

Những câu chuyện ngắn thật ý nghĩa. Giá Trị Của Hòn Đá

 Những câu chuyện ngắn thật ý nghĩa.



Giá trị của hòn đá

Có một học trò hỏi thầy mình rằng:
Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?
Người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn:
- Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.
Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá về và than thở:
- Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. 
Cũng may có người hỏi mua với giá một đồng thầy ạ.
Người thầy mỉm cười và nói:
- Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.

Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:
- Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.
Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:
- Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.

Bài học: Mỗi người có một cách “định giá” khác nhau về thành công hay hạnh phúc. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người và làm cho đời mình trở nên giá trị theo cách của mình. Chỉ có bạn mới quyết đinh được cuộc sống của bạn.



Câu chuyện quả táo

Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ em bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”

Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay phải, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo bên tay trái.

Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.

Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”.




Câu chuyện hạt lúa

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy,...
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Bài học: Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai. Trước cánh đồng cuộc đời bao la này tôi hy vọng chúng ta mỗi người sẽ có những sự lựa chọn cho riêng bản thân mình.




Chàng trai trẻ và cô gái

Một chàng trai trẻ ở khu du lịch trông thấy một cô gái vừa xinh đẹp lại rất có khí chất, liền đi theo cô gái hết một đoạn đường rất dài. Cuối cùng cô gái này không chịu được nữa, liền quay người lại hỏi: “Sao anh cứ mãi đi theo tôi vậy?”.

Chàng trai bộc bạch rất chân thành: “Bởi em là người con gái xinh đẹp nhất, có khí chất nhất mà anh từng gặp, mong em hãy nhận lời làm bạn gái anh, có được không?”.
Cô gái trả lời: “Nếu anh nói tôi xinh đẹp, thế thì anh đã nhầm rồi, bây giờ chỉ cần anh quay đầu lại nhìn, sẽ thấy được cô bạn thân của tôi, cô ấy còn xinh đẹp hơn tôi nhiều!”.

Chàng trai đó nghe xong, lập tức quay đầu lại, nhưng nhìn thấy đâu đâu cũng chỉ là những cô gái tầm thường đâu đâu cũng gặp.
“Sao em lại lừa anh chứ?”, anh chất vấn cô gái.
“Là anh đang dối gạt tôi mới phải! Nếu anh thật sự thích tôi, thì sao lại còn ngoảnh đầu lại ngắm nhìn người con gái khác?”
Cô gái nói xong, liền cất bước bỏ đi thật nhanh.

Bài học rút ra: Con người ta đều là ăn cơm trong bát, nhìn cơm trong nồi, có những lời thề thốt chỉ có thể nghe cho có mà thôi!





Cái kết cho sự khinh thường

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người. Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:

“Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”.
Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
“Tôi cũng không biết!“, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:
“Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi.” Học giả vô cùng sửng sốt.

Bài học rút ra: Chẳng ai sinh ra đã hoàn hảo, càng tỏ vẻ khinh thường người khác thì càng chứng tỏ bạn là một người ngu dốt. Chẳng ai dám vỗ ngực nhận mình biết nhiều thứ bởi lẽ còn vô vàn thứ mà chúng ta vẫn chưa được biết đến. Càng tỏ ra thông minh thì sẽ càng bị thông minh hại. Cũng như người tiều phu trong câu chuyện mặc dù không học nhiều như học giả nhưng lại biết cách tính toán để cho mình có thể vẫn kiếm được một chút. Còn về phía học giả đã bị chính sự khinh thường và chấp tiều phu mà mất đi một khoản tiền oan. Đừng khinh thường người khác vì cái kết nhận lại lúc nào cũng rất đau đớn.




Cảm ơn bố đã cho con thấy 
chúng ta nghèo như thế nào!

Một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai của mình thăm thú một ngôi làng. Người bố muốn cho con trai của mình thấy một người nghèo có thể nghèo đến mức nào. Họ đã dành thời gian tham quan cánh đồng của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, người bố hỏi cậu con trai:
– Con thấy chuyến đi thế nào?
– Rất tuyệt bố ạ!
Người bố hỏi:
– Con đã thấy người nghèo sống thế nào chưa?
– Vâng con thấy rồi ạ!
– Vậy nói cho bố nghe, con học được gì từ chuyến đi này?

Cậu bé trả lời: “Chúng ta có 1 con chó, họ có 4. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, còn họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV, còn họ dành thời gian cho gia đình và họ hàng.”
Người bố không nói lên lời. Cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”.

Ý nghĩa câu chuyện: Chúng ta không giàu có chỉ vì có nhiều tiền. Tình yêu, lòng trắc ẩn, tình bạn, những giá trị đích thực, gia đình mới khiến bạn là người thực sự giàu có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét