Triết Học Và Thiền
Biên Khảo: Louis Tuấn Lê
Triết lý xuất hiện từ lúc nào? Phải chăng nó bắt đầu từ khi loài người có ngôn ngữ? Con người chỉ được gọi là người, khi con người biết nói, con người biết nói là con người biết nghe. Nói được là nghe được, nói là hỏi, hỏi là trả lời. Lúc con người biết nói là lúc triết lý xuất hiện, vì biết nói là biết hỏi, hỏi là triết lý. Đứng trước sự vật, con người nguyên thủy bắt đầu ngạc nhiên.
Chính sự ngạc nhiên tạo ra ngôn ngữ, thi ca và triết học, chính sự ngạc nhiên sinh ra tư tưởng, sự ngạc nhiên chính là câu hỏi. Triết học chính là lời giải đáp cho sự ngạc nhiên.
Sự ngạc nhiên xuất hiện cùng lúc với ý thức và ý thức có nghĩa là hỏi. Hỏi thì phải hỏi về vấn đề gì? vì nếu không hỏi về điều gì? thì không phải là câu hỏi, nghĩa là không phải là ý thức. Hỏi là triết lý, đặt câu hỏi về điều gì? sự hỏi này chính là triết học. Triết học là hỏi về triết lý, mà nói gọn là “Triết lý là gì?”.
“Triết lý là gì?” là hỏi về điều muốn hỏi, nghĩa là cái đó “Là gì? Cái ấy là gì?” nói gọn lại cũng chung một ý “Là Gì? ”. Như vậy ý thức quay ngược trở lại ý thức, hay nói cách khác là ý thức tự hỏi ý thức. Bởi vì triết lý là ngạc nhiên, mà triết học là ngạc nhiên về sự ngạc nhiên này.
Tôi đang tìm tòi trong kho tàng văn chương của triết học, cố tìm xem có điều gì để định nghĩa về tính chất của Thiền Định. Nhưng hoàn toàn không thấy, khi tìm hiểu thêm về lãnh vực triết học tôi lại khám phá ra một điều thú vị. Triết học chỉ là trò phân tích ngôn từ.
“Triết học đã chết”. Ai dám nói câu này? Đó chính là Stephen Hawking, người có bộ óc thông thái nhất của thời đại chúng ta. Trong cuốn (The Grand Design) tạm dịch “Đại Thiết Kế”, ông khẳng định triết học đã chết “Philosophy is dead!”
Thật ra không phải một mình Stephen Hawking xác nhận về điều này, mà trước đó Voltaire từng nói: “Triết học chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người”. Ngoài ra những triết gia lớn khác cũng đều có chung một nhận định tương tự về triết học.
Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) cho rằng: “Hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với một dòng tư duy sáng sủa. Cái hồn ấy bị Socrates “Triết gia Hy Lạp cổ đại” bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh triết mà xua đuổi năng lực ẩn tàng bên trong. Socrates chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm bởi năng khiếu biện lý đã được vun tưới đến mức cực đoan nên đã cắt đứt với dòng truyền thống.”
Tóm lại, ba triết gia Nietzsche, Jaspers, Heidegger nhận ra rằng vì những sai lầm của các bậc tiền bối Socrates, Plato, Aristotle mà Triết cổ điển Phương Tây bị cắt đứt với truyền thống tâm linh, tức cội nguồn Minh Triết, để trở thành duy lý, một tri thức luận, một lĩnh vực chuyên môn hẹp không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống.
Do tính chất tư duy phân tích nên Châu Âu hình thành quan niệm Nhị Nguyên, chia thế giới thành hai mặt đối lập: sáng và tối, tốt và xấu; thiện và ác. Từ đó nảy sinh những trường phái triết học để lý giải cho một quan niệm riêng.
Phân chia thành nhiều trường phái, triết lý khác nhau, một sự đối kháng trong triết lý rồi nẩy sinh ra trường phái thứ ba nhầm để dung hoà hai trường phái đối kháng. Cứ như thế, triết học ngày càng duy lý, duy niệm, ngày càng xa rời cuộc sống, trở nên kinh điển khô cứng mất sức sống, dẫn đến cái chết không tránh khỏi. Đó là sự thật mà phải sau 2200 năm con người mới nhận ra.
Trong khi đó ở phương Đông, mang tính chất tư duy tổng hợp và quan niệm Nhất Nguyên nên trí tuệ không đi theo hướng hình thành khoa học thực nghiệm và triết học duy lý. Triết lý Phương Đông, phát hiện ra năm dạng vật chất làm nên vũ trụ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. “Five Elements”.
Nhưng nền tư tưởng phương Đông không đi vào tìm hiểu bản chất của những thành tố đó để tạo ra khoa học thực nghiệm, mà cố công tìm hiểu về sự quan hệ giữa chúng. Từ đó khám phá khái niệm ngũ hành với nghĩa rộng lớn hơn, tìm hiểu sâu hơn về tính chất ngũ hành tương sinh, tương khắc để làm ra Dịch lý.
Có thể nói rằng, tương sinh & tương khắc là hai quy luật luôn tồn tại song hành cùng với nhau, có tác dụng duy trì sự cân bằng trong vũ trụ. Nếu chỉ có sinh mà không có khắc thì sự phát triển cực độ sẽ tạo nên nhiều tác hại. Ngược lại nếu chỉ có khắc mà không có sinh thì vạn vật sẽ không thể nảy nở, và phát triển. Do đó sinh - khắc tạo ra quy luật chế hóa không thể tách rời.
Đó chính là Kinh Dịch, một trước tác kinh điển và lâu đời nhất của phương Đông. Kinh Dịch ẩn chứa một tư tưởng triết lý uyên bác và thâm sâu nhất, đó là quan niệm Nhất Nguyên – Vạn Vật Đồng Nhất Thể.
Mỗi vật thể là một khối thống nhất của hai mặt đối lập. Nó như hai mặt khác biệt của đồng tiền, chính vì sự khác biệt “không đối kháng” mà đồng tiền mới mang một giá trị nhất định. Từ quan niệm Nhất Nguyên không cho phép sự đối lập trong cùng một vật thể, do dó không nẩy sinh ra những triết lý đối lập cạnh tranh nhau. Do đó triết học Phương Đông có phần khác biệt với triết học phương Tây.
Trong đoạn mở đầu của bài viết, tôi đã trình bày muốn đi tìm một triết lý để định nghĩa về Thiền Định. Nhưng tôi đã bị khựng lại, vì nhiều triết gia lỗi lạc của nhiều thời kỳ đã chứng minh (Triết học Tây Phương đã chết). Tôi chỉ còn biết quay về với triết học Đông Phương bởi vì nền triết học Phương Đông vẫn còn giữ được cái hồn của sự vật.
Tôi tiếp tục đi vào kho tàng văn học để tìm hiểu, và chợt nhận ra một nguồn tư tưởng phù hợp để định nghĩa về Thiền Định.
Thiền định không hề là một dạng của sự tư duy có tính tâm linh mà là một tình trạng vắng bặt tư duy. Mọi triết lý để cố định nghĩa về thiền định, có thể ví như những lời to tiếng bàn luận về sự lặng yên, còn thiền định là bản thân chính là sự lặng yên. Đó chính là nguồn tư tưởng của triết gia OSHO
Tên thật của ông là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Người ta biết đến ông với tên Bhagwan Shree Rajneesh. Tháng 2 năm 1989, ông tự đổi tên là Osho. Osho vốn là danh xưng tiếng Nhật Bản cổ, có nghĩa là “đạo sư” của một dòng Thiền
Theo quan niệm của Osho. Đối với đời người, giá trị cao cả nhất của cuộc đời là lòng yêu thương, sự vui cười và thiền định. Niềm ân thưởng vô giá nhất của cuộc đời là trải nghiệm được sự giác ngộ tâm linh (spiritual enlightenment).
Osho (1931-1990)
Sự giác ngộ đó được ông miêu tả là “nằm yên trong trạng thái bình thường của sự hiện hữucủa tất cả mọi vật đang dựng xây vũ trụ”. Con người chúng ta lẽ ra ai cũng có thể trải nghiệm được trạng thái giác ngộ đó, nhưng sự thực là con người bị đánh lạc hướng do hoạt động tư duy cũng như do mong ước và dục vọng sinh ra bởi sự ràng buộc của xã hội.
Vì thế, thay vì hưởng được niềm vui cao cả của sự hữu hiện, con người rơi vào một tình trạng của sợ hãi và ức chế.
Osho (1931-1990) là một vị thiền sư hết sức kỳ lạ của thế kỷ hai mươi. Triết gia Osho cũng có lời giải thích về Thiền. Theo nhận định của ông. Thiền có nghĩa là nhận biết bất kỳ điều gì, khi bạn làm với sự nhận biết thì đó là thiền. Không phải là hành động mà chính là phẩm chất của bạn mang vào hành động, điều đó mới là vấn đề của suy tư và Thiền Quán Chiếu.
Đi bộ có thể là thiền nếu bạn bước một cách nhận biết. Ngồi có thể là thiền nếu bạn ngồi với nhận biết. Nghe chim hót có thể là thiền nếu bạn nghe với nhận biết. Nghe tiếng ồn bên trong tâm trí bạn có thể là thiền nếu bạn giữ nguyên nhận biết và tỉnh táo. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ: con người không nên hướng vào mơ ngủ. Thế thì bất kỳ điều gì bạn làm cũng là thiền.
Osho vốn là một con người “nổi loạn”, luôn luôn chống lại qui tắc của xã hội. Không những ông không hề sợ bị xã hội lên án, xưa nay ông chuyên khiêu khích sự ổn định của một định chế có sẵn, kể cả một nền đạo lý chung của con người. Nhất quán với quan niệm thiền định tích cực của mình, khoảng cuối những năm 60, ông bắt đầu thuyết giảng một số bài về tình dục, được ghi lại dưới nhan đề
Từ tình dục đến ý thức siêu việt (From Sex to Superconsciouness), trong đó ông cho rằng “đối với phép Tantra thì mọi thứ đều thiêng liêng, không có gì không thiêng liêng” và mọi sự đè nén tình dục đều là sự tự huỷ vì người ta không thể chuyển hoá tình dục nếu không nếm trải nó “một cách đích thực và đầy ý thức”.
Thật ra quan niệm của ông không có gì sai. Bởi vì thực tế mỗi người đi tìm đạo tu thân, nếu đi đến chỗ tích cực và muốn chuyển hoá, đều phải tìm một phương cách riêng cho chính bản thân mình, để chuyển hoá năng lực của tình dục.
Đó là một con đường chứa nhiều hiểm nguy. Nhưng muốn “chuyển hoá” thì đó là con đường không thể tránh né, cũng như hoa sen không thể toả hương thơm nếu không bám chặt vào bùn đất để rút tỉa tinh hoa của năng lực nằm trong bóng tối. Và đó chính là con đường Kim Cương Thừa mà từ thế kỷ thứ 8, con người đã thực hành để đạt đến sự thành tựu.
Osho chỉ là người muốn thực hiện rộng rãi Kim Cương Thừa trong thế kỷ 20 tại Phương Tây, nhưng có lẽ ông đã phạm một sai lầm. Đó là Kim Cương Thừa chỉ dành cho những bậc thượng căn, không phải cho quần chúng.
Nếu Osho nghe những lời này, hẳn ông sẽ không nói “tất cả là thượng căn” vì ông quan niệm ai cũng là Thượng Đế cả, không có gì là không thiêng liêng. Chính điều này ông đã ngộ nhận và dẫn đến nhận xét sai về chúng sinh.
Theo quan niệm của riêng tôi. Con người được chuyển tiếp từ nhiếu kiếp khác nhau, có người đến từ Thượng Căn, những bậc cao quý, có người đến từ Hạ Căn, một cấp thấp hơn, có người đến từ Ngã Quỷ (loại người hung ác), có người đến từ Súc Sinh, loại người mà bản chất còn mang nhiều thú tánh. Nói chung con người đến từ nhiều kiếp khác nhau, cùng đến với trái đất này, để trải nghiệm và học hỏi thêm kinh nghiệm làm người. Do đó mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm với nhân qủa do chính mình tạo nghiệp.
Trở lại với triết gia Osho. Ông quan niệm thế nào về tình yêu?
"Tình yêu không có ranh giới. Tình yêu không thể ghen tị, bởi vì tình yêu không thể sở hữu. Tình yêu là xấu xa bởi chính ý tưởng rằng bạn có ai đó bởi vì bạn yêu. Bạn có ai đó, có nghĩa là bạn đã giết ai đó và biến họ thành hàng hóa. Chỉ có điều có thể được sở hữu đó là tình yêu mang lại tự do. Tình yêu là tự do."
Ông bị kết tội môi giới làm giả hôn nhân cho những đệ tử mang quốc tịch Ấn kết hôn với những đệ tử mang quốc tịch Hoa Kỳ, để hợp pháp hoá việc định cư. Osho cũng bị truy tố về tội khai man trên những giấy tờ di trú. Ông bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ trở về Ấn Độ.
Osho qua đời vào năm 1990, nhưng công việc và những tác phẩm của ông vẫn tiếp tục được xuất bản bởi hơn 200 nhà xuất bản trên toàn thế giới và hơn 60 ngôn ngữ.
Đúng ra trước khi nhắc đến triết gia OSHO, tôi phải nhắc đến Jiddu Krishnamurti, bởi vì Krishnamurti (1895-1986) sinh ra và trưởng thành trước Osho, nhưng tôi nhắc đến những gì gần nhất rồi mới đi đến cái xa hơn.
Jiddu Krishnamurti (1895-1986)
Được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông dành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập.
Tờ báo “The New York Times” gọi ông là người "từ bỏ mọi loại hình tôn giáo". Tờ báo “The Guardian” đặt cho ông danh xưng "bậc thầy không tin vào những bậc thầy". Ông tuyên bố rằng những tổ chức, với những tư tưởng vốn có làm lu mờ đi sự hiểu biết của mỗi cá nhân.
Chính vì quan niệm từ bỏ mọi loại hình tôn giáo, nên ông xem niềm tin vào Thượng Đế chỉ là cách con người né tránh nỗi khổ và một hình thức lệ thuộc độc hại, giả tạo: "Bởi vì trái tim chúng ta đã héo tàn, nên Thượng Đế trở nên vô cùng quan trọng".
Ông coi các đạo sư hay bậc thầy tinh thần là không cần thiết. "Đạo sư cũng trở nên vô ích khi bạn chỉ biết có chút ít về chính mình. Không có đạo sư, không có sách vở hay kinh điển nào có thể giúp bạn tự biết mình".
Ông nói. "Chân lý là vùng đất không lối mòn" (Truth is the pathless land) đây cũng là câu tuyên ngôn nổi tiếng của ông, cho rằng nếu chạy theo một ai hay điều gì đó, dù là đạo sư hay Thượng Đế, dù là một hệ thống, tổ chức hay phương pháp, con người sẽ không bao giờ tìm thấy sự thật. Ông dành hơn 65 năm để diễn thuyết về tự do tâm lý dành cho bất cứ ai trên thế giới muốn lắng nghe mình.
Ông quan niệm. Trong mọi phương diện cuộc sống, chúng ta dễ "nghiện công thức" và những thứ gì có sẵn, vì chúng dễ nắm lấy và mang lại cho ta sự an toàn, làm dịu những cảm giác bấp bênh.
Bởi vì mỗi người đều có khả năng vô biên về sự tự thức tỉnh này, nếu họ không bị những xiềng xích của truyền thống về sự sợ hãi, không bị những "đạo sư" che mất ánh sáng của chính họ tự chiếu.
(This Light in Oneself). Ánh sáng này không ai có thể "cho" người khác, không thể nhận được từ người khác truyền qua như truyền lửa từ ngọn nến này qua ngọn nến khác. Nếu ánh sáng mà có được nhờ sự từ người khác truyền qua thì chỉ là ánh sáng của ngọn nến, nó sẽ tắt. Chính sự tĩnh lặng, quán chiếu thâm sâu nội tâm, người ta sẽ thức tỉnh, sẽ xuất hiện ánh sáng của chính bản thân.
Ông luôn luôn nhắc nhở sự tĩnh tâm, tự thanh lọc những kiến chấp đã tích lũy trong tâm trí qua thời gian, để tự giải thoát.
Trong “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, Krishnamurti nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thoát khỏi mọi định kiến, quy định, thoát khỏi mạng lưới tư duy, mọi hệ thống, uy quyền, để có được sự tự do tuyệt đối.
Krishnamurti: (Tự do đầu tiên và cuối cùng). Con người là kẻ tự giải phóng bản thân. Triết gia Phạm Công Thiện đã dịch quyển sách này. Ông đã viết về Krishnamurti như sau.
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.
Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.
Krishnamurti đã được nhân loại nhận là hậu thân của Phật Thích Ca và Chúa Giê Su. Krishnamurti đã được mấy trăm triệu người ở thế giới tôn lên ngôi vị đấng Đạo Sư, bậc Giáo Chủ của nhân loại, thế mà Krishnamurti đã giải tán hết mọi tôn giáo, tổ chức, đã phủ nhận tất cả tín điều, đã phá hủy hết mọi triết lý và ý thức hệ, đã đập vỡ hết mọi thần tượng và, trên năm mươi năm trời đã một mình bước đi lang thang khắp nẻo đường trần gian, không tiền, không bạc, không hành lý, không gia đình, không quê hương, không truyền thống, chỉ một mình và chỉ đi một mình, cô đơn, cô độc, sống tràn trề, sống bất tận, sống vỡ bờ như một thác nước ào ạt, tuôn chảy mãnh liệt nhưng vẫn trầm lặng, nói rất nhiều mà vẫn im lặng, đi rất nhiều mà vẫn tịch nhiên bất động, gắn kết đời sống mà vẫn cưới hỏi sự chết, chết và sống giao nhau.
Điều làm nổi bật Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất: một con người, với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người. Mang lấy xác thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.
Chúng ta hãy cùng ca hát với Krishnamurti bài ca tình yêu:
Trong những hải đảo xa xôi xanh thẫm
Trên giọt sương mong manh
Trên con sóng vỡ bụi
Trên ánh nước lung linh
Trên cánh chim tung trời
Trên lá non đầu xuân
Người sẽ nhìn thấy nét mặt Người Yêu của ta
Trong đền điện linh thiêng
Trong vũ trường mê đắm
Trên nét mặt thánh thiện của tu sĩ
Trong bước đi lảo đảo của người say rượu
Nơi những gái điếm giang hồ và những trai tân trinh nữ
Ngươi sẽ gặp Người Yêu của ta.
Điều làm nổi bật tư tưởng Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông.
Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất, là một con người, với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người. Mang lấy xác thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.
Ông chỉ giữ lấy một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả mọi hình thức chống đỡ con người, để trả con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính.
Người ta thường gọi ông là “Đấng Đạo Sư của Thế Gian”. Nếu có người xứng đáng được gọi danh hiệu như thế thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể.
Krishnamurti đem đến một khái niệm mới là “Thực tại sáng tạo” đó là khi chúng ta lãnh hội với một nhận thức không chọn lựa, định kiến, so sánh.
Khi “thực tại sáng tạo” đi vào bản ngã và tiềm thức, con người sẽ xuất hiện tình thương và sự hiểu biết đích thực. Đó là sự tự do hoàn toàn trong tâm trí, khi sự thật hiện hữu trong từng khoảnh khắc.
Đó là tình yêu thương không mang tính cá nhân hay phi cá nhân, không thể định nghĩa hay mô tả bằng tâm trí, dù riêng biệt hay bao hàm.
Chỉ khi có được sự “tự do đầu tiên và cuối cùng” này, thì con người mới loại bỏ những hoạt động vị ngã như những xung đột, những mối nguy hại, lừa dối có mục đích. Khi quá trình này dừng lại, tình yêu thương và nhận thức đúng đắn xuất hiện, con người mới có thể giải quyết được các vấn đề gây khủng hoảng, chấm dứt chiến tranh, đau khổ, suy sụp…
Đây là tư tưởng trọng yếu và bao quát trong tất cả các tác phẩm của Krishnamurti.
Có thể nói, trải nghiệm đọc sách Krishnamurti không hề dễ chịu. Người đọc nôn nóng, không chịu tư duy sẽ dễ nản chí và gấp sách lại sau vài trang đầu.
Dịch giả Nguyên Phong (người phóng tác Hành trình về phương Đông, Dấu chân trên cát) có lần nhận xét:
"Nếu anh đọc kỹ sách của Krishnamurti thì ông ấy không hề khuyên bảo dạy hay trả lời gì hết, mà bắt anh phải tư duy suy nghĩ chiêm nghiệm để tự tìm ra câu trả lời".
Cũng như trong những buổi nói chuyện khi ông còn sống, người ta hỏi Krishnamurti một câu, ông lập tức xoay vấn đề và hỏi ngược lại, để người hỏi phải suy luận và tự tìm ra lời giải.
Nhưng với ai thật sự nghiền ngẫm, tư tưởng Krishnamurti có thể thay đổi hoàn toàn góc nhìn của họ về cuộc đời, về cách họ làm mọi việc.
Kết luận Jiddu Krishnamurti là bậc hiền nhân, một triết gia, nhà tư tưởng, nhà giáo lãng du, nhà khoa học và nhà tâm lý học đột phá, song ông còn được xưng tụng là “người bài trừ thần tượng”, thậm chí được gọi là “kẻ nổi loạn”. Bởi những lời dạy của ông luôn dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị khuôn định của con người, chứ không dựa trên những hiểu biết thuộc sách vở, hay kinh sách.
Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Thánh phố cổ kính Ojai, California.
Hai triết gia nổi tiếng và gần gũi nhất với thời gian hiện tại, đó là Krishnamurti và Osho. Hai luồn tư tưởng gần như phá vỡ mọi trật tự của những khuôn định Triết Học và Tôn Giáo. Cả hai bị gán tội là “Kẻ nổi loạn”, nhưng cả hai được người đời tôn vinh như là hậu thân của Phật Thích Ca và Chúa Giê Su. Tuy nhiên cả hai vị triết gia đều phủ nhận mọi tước vị, chỉ muốn là một con người bình thường.
Chúng ta tiếp tục đi tìm những tư tưởng có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới liên quan đến Thiền Định. Mọi người sẽ dễ dàng nhận ra Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai miền tây nam nước Pháp.
Triết lý sống của ông là hãy quan tâm đến Thời Gian hiện tại.
Ông chủ trương: “thông qua chánh niệm, chúng ta có thể học sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, cách duy nhất để phát triển hòa bình, cả trong bản thân và toàn xã hội.”
Vài nét về tiểu sử Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Ông xuất gia theo Thiền Tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Thiền sư tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại Thừa của Phật Giáo và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Ông vừa là thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người tiên phong trong việc đưa Phật Giáo qua Phương Tây, thành lập sáu tu viện và hàng chục trung tâm tu tập ở Mỹ và Châu Âu, cùng với hơn 1.000 cộng đồng thực hành chánh niệm được gọi là “sanghas”.
Ông đã xây dựng một cộng đồng rộng lớn, gồm hơn 600 nhà sư và nữ tu trên toàn thế giới, cùng với hàng chục ngàn sinh viên đang theo học, áp dụng các giáo lý về chánh niệm, hòa bình và xây dựng cộng đồng trong các trường học, nơi làm việc, kinh doanh và thậm chí là cả nhà tù trên khắp thế giới.
Đối với Thiền sư Thích Nhất Hạnh yếu tố thời gian chính là tư tưởng trọng yếu bao quát nhất trong triết lý của ông.
Theo ông thời gian thật sự vô giá. Đôi khi, chính vì nhịp sống vội vã, chúng ta để vụt mất đi những phút giây dành cho chính bản thân, gia đình và những giá trị khác trong cuộc sống của mình.
Ông mời gọi chúng ta hãy:
“Chậm lại một chút, sống trọn từng phút giây và cảm nhận sự hiện hữu của vạn vật trong từng khoảnh khắc, ta sẽ biết được mình đã bỏ lỡ những vẻ đẹp gì của cuộc đời trong những tháng ngày chạy đua với nhịp sống”.
Cuộc sống hiện đại luôn đi liền với những lo toan. Chúng ta luôn bị ám ảnh bởi ngày mai, không biết mọi thứ sẽ đi về đâu hay chuyện gì sẽ xảy đến. Chính vì lẽ đó, chúng ta đánh mất đi biết bao cơ hội để trải nghiệm hiện tại, được làm những thứ mình thích và ở cạnh những người ta yêu thương.
Lời nhắn nhủ của ông đến với mọi người, hãy tập trung, sống hết mình và tạo ra hạnh phúc ở ngay thời điểm hiện tại.
Sự vội vã tất bật của cuộc sống khiến chúng ta di chuyển quá nhanh, để rồi ta không còn thời gian để tận hưởng những khoảnh khắc dù chỉ là nhỏ nhất của cuộc đời.
Đôi khi, thiền định không chỉ là phương pháp duy nhất để đạt được sự an bình thư thái, chỉ cần chúng ta đưa ý thức của bản thân về hiện tại, bước đi chậm hơn, thở đều, nhìn ngắm xung quanh với tâm thái rạng rỡ, cũng đủ để bản thân ta thấy bình yên hơn mà tiếp tục hành trình cuộc sống. Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể làm tâm mình lặng đi để cảm nhận sự chuyển động của vạn vật xung quanh:
Đi mà không tới
Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, ta không bị một áp lực thúc đẩy đi về phía trước. Ta thường phải “rảo bước”. Rảo bước để đi đến đâu, ta ít khi tự hỏi mình. Thiền hành cũng như đi bách bộ, không có mục đích đi tới một địa điểm nào trong thời gian cũng như trong không gian.
Mục đích của thiền hành là thiền hành. Cái quan trọng là đi chứ không phải tới. Thiền hành không phải là phương tiện. Thiền hành là cứu cánh. Mỗi bước chân là sự sống mỗi bước chân là sự an lạc. Vì vậy ta đi mà không cần phải rảo bước. Vì vậy ta sẽ đi chậm lại. Đi mà như không đi; đi mà không bị một mục đích nào kéo ta về phía trước. Vì vậy mà khi ta đi, ta có thể nở một nụ cười.
Bước chân thanh thản
Trong cuộc sống hằng ngày, bước chân ta trĩu nặng lo âu, thấp thỏm và sợ hãi. Có khi cuộc đời của chúng ta chỉ là một chuỗi năm tháng lo âu.
Bước chân ta vì thế không được thanh thản. Trái đất của chúng ta thật đẹp, trên trái đất có biết bao nhiêu nẻo đường tuyệt đẹp. bạn có biết quanh ta có bao nhiêu ngõ trúc quanh co, bao nhiêu con đường lúa thơm tho, bao nhiêu bìa rừng xanh mát, bao nhiêu lối đi đẹp màu lá rụng, nhưng ít khi ta thưởng thức được, cũng bởi vì lòng ta không thanh thản, bước chân ta không thanh thản.
Thiền hành là tập đi trở lại với những bước chân thanh thản. Hồi ta một tuổi rưỡi, ta tập đi những bước chập chững. Bây giờ đây thực tập thiền hành, ta cũng sẽ lại đi những bước chập chững như thế. Sau nhiều tuần lễ tập đi, ta có thể bước những bước vững chãi, an lạc, vô ưu.
Theo quan niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chánh niệm là một nghệ thuật tập trung tư tưởng vào ngay thời điểm hiện tại, là một cách để phát triển sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta.
Qua tư tưởng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tôi liên tưởng đến tư tưởng của triết gia Osho, ông mời gọi chúng ta sự sáng tạo, làm bừng cháy một sức mạnh tiềm ẩn bên trong, sáng tạo từ những bước đầu tiên.
Ông khiến chúng ta nhận ra rằng, bản chất cuộc sống là một vũ điệu, một bài thơ mỹ miều, chứ nó không trơ trọi như một cục đá sừng sững trước mặt bạn. Và vũ điệu đó, bài thơ đó, là do chính bạn viết nên. Không ai có thể làm hộ bạn điều đấy. Và dĩ nhiên, nếu muốn sáng tạo, điều đầu tiên bạn cần làm là tự mình bước ra khỏi đám đông. Bạn phải tự vạch ra cho mình hướng đi riêng, và tự mình giải mã những bí ẩn mà không để tư tưởng bị tác động bởi bất kỳ một yếu tố nào. Kết quả là dần dần, bạn sẽ được tận hưởng cuộc sống một cách đúng nghĩa và trọn vẹn nhất.
Osho cũng nhận biết về hạnh phúc xuất phát từ tâm hồn. Ông cho rằng con người vẫn hay ước mơ về điều mà họ luôn muốn có, nhưng chưa có được.
Cũng giống như vậy, ai càng đau khổ, người ấy càng khát khao được hạnh phúc. Bất hạnh càng nhiều, nỗi khát khao ấy càng lớn.
Tuy nhiên, hạnh phúc không có nghĩa là chối từ sự khổ đau. Cũng không phải là chịu đựng sự âm ĩ và mãi khóc than cho nỗi đau đó.
Trong Hạnh phúc tại tâm, Osho không định nghĩa hạnh phúc, cũng chẳng chỉ ra lý thuyết hạnh phúc. Osho không chỉ cho ta cách khước từ đau khổ để kiếm tìm hạnh phúc.
Osho cũng không khuyến khích chịu đựng và khóc than đau khổ. Osho muốn chúng ta chăm sóc nỗi khổ đau, đối diện và vượt qua nó. Trong những bài viết đầu tiên ông đã viết.
Khi bạn làm với sự nhận biết thì đó là thiền. Không phải là hành động mà chính là phẩm chất của bạn mang vào hành động, điều đó mới là vấn đề của suy tư và Thiền Quán Chiếu.
Tôi đã miên man trình bày, biên khảo một chủ đề quá rộng lớn, vượt ra ngoài sự hiểu biết nhỏ bé của tôi, mặc dù ngôn từ không thể nào đủ sức dẫn đưa luồn tư tưởng vào sự mênh mông của Tiết Học và Thiền Định, nhưng ít ra chúng ta cũng nhận biết một khái niệm bao quát về hai nguồn tư tưởng này.
Để từ đó mỗi người trong chúng ta có thể tìm thấy một lối đi riêng cho chính mình, ung dung tự tại. Hãy bước đi mà không đến, vì nơi đến chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Tôi xin mượn bài thơ ngắn do tôi viết, để kết thúc bài viết bao la như biển rộng, mây trời, biết bao giờ mới đến nơi. Thôi thì xin kết thúc nơi đây qua bài thơ (Nhìn vào tâm)
Nhìn Vào Tâm
Hướng vào tâm hồn, ta nhìn thấy
Phật nằm trong thánh địa tâm này
Đáy hồn ta báu vật gìn giữ
Thiện tánh trong ta khối lượng đầy.
Ta còn tìm đến tận nơi xa
Mà quên khó báu, trong hồn ta
Nơi đây hiện diện chân hoàn mỹ
Đừng kiếm nơi nào ngoài chính ta.
Trân trọng
Louis Tuấn Lê
San Jose October 7, 2021
Trích dẫn trong tác phẩm triết Học và Thiền Bên Dòng Văn Thơ
Ấn bản tại USA.2021
Ghi chú:
Đây là bài viết tham khảo dựa trên nhiều tài liệu sưu tầm trên trang Google Wikipidia. Và những tác phẩm của Triết gia Osho. Krishnamurti. Thích Nhất Hạnh.
Cuộc sống thi ca. Lê Tuấn
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét