Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Những mật mã trên đồng bảng Anh

Những ký hiệu những mật mã ẩn dấu trong những đồng tiền giấy.
Đây là một bài viết hay để mở mang thêm kiến thức tổng quát.

Những mật mã trên đồng bảng Anh

http://baomai.blogspot.com/
Bạn có thường xuyên nhìn vào những tờ giấy bạc trong ví không? Nếu xem kỹ, bạn sẽ phát hiện ra những ký hiệu bí mật, có chức năng chống nạn làm bạc giả. Chris Baraniuk tìm hiểu chi tiết.

image
Chiếc máy photocopy màu hiệu Xerox vừa được đưa tới một trong các phòng thí nghiệm công nghiệp của đại học Cambridge. Đó là thời kỳ đầu thập niên 2000; lời đồn đại về một chiếc máy kỳ quặc đã nhanh chóng được lan truyền khắp nơi, đến tai khoa học gia chuyên về ngành điện toán Markus Kuhn, khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Ông nhanh chóng kiểm tra tính năng của máy. "Chúng tôi là sinh viên," ông cười và nhớ lại. "Chúng tôi đã thử bằng cách photocopy tiền." (Nhưng bạn đừng có thử nhé - photocopy tiền giấy ở Anh và ở nhiều nước khác là bất hợp pháp).

Kuhn đặt một đồng 20 bảng Anh lên mặt kính, đậy nắp lại, ấn nút và chờ trong giây lát. Chiếc máy kêu ro ro. Trang giấy in ra không có màu sắc gì. Chỉ có dòng cảnh báo bằng nhiều thứ tiếng, giải thích rằng photocopy tiền là bất hợp pháp.

Chòm sao lặp lại


Thật bất ngờ. Sao máy có thể phát hiện được nó đang photocopy tài liệu gì?

image
Một tập hợp đầy đủ mẫu EURion gồm năm vòng tròn; một số người cho rằng máy photocopy phân tích, xác định cả khoảng cách giữa các vòng tròn với nhau
"Khi đó đồng Euro cũng vừa ra mắt," Kuhn nói. "Tôi có một tờ 10 euro trong ví. Trên đó, tôi phát hiện ra một dấu hiệu đặc biệt, gồm những vòng tròn nhỏ tập hợp thành nhóm như những chòm sao. Nhìn thật kỹ, tôi thấy các chòm sao này xuất hiện lặp đi lặp lại."

Kuhn xem lại các tờ 20 bảng Anh. Các vòng tròn cũng có trên đó, nhưng ở mặt trước của tờ tiền và ẩn dưới dạng nốt nhạc; chúng được in thành phần đầu tròn các nốt nhạc. Vậy là các mẫu hình, mỗi mẫu gồm tập hợp năm vòng tròn, đều hiện diện ở trên cả hai tờ tiền Euro và bảng Anh, cả ở mặt trước lẫn mặt sau.

Hoá ra nhiều loại tiền tệ khác trên thế giới cũng được in với cùng mẫu hình này.

Thế nhưng các tờ tiền khác nhau thì có màu sắc khác nhau, và mẫu hình các vòng tròn cũng được đặt theo những hướng khác nhau. Thậm chí các tờ có mệnh giá khác nhau của cùng một loại tiền cũng thế. Vậy làm sao máy photocopy màu có thể phát hiện ra?

'Hiệu lệnh' cảnh cáo

Kuhn bắt đầu tìm hiểu.

Đầu tiên, ông vẽ lại những mẫu này trên một tờ giấy trắng, in nó ra và thử photocopy. Nếu mẫu chỉ có màu đen trắng, máy photo sẽ sao chép lại bình thường.

Nhưng khi Kuhn thêm màu sắc vào các vòng tròn, các cảnh báo chống sao chép được in ra. “Có vẻ như máy được mã hoá để nhận dạng các vòng tròn có màu chứ không phải là các vòng đen trắng,” Kuhn gọi các ký hiệu này là chòm sao EURion - ghép giữa từ đồng Euro và Orion, tức chòm sao Lạp hộ - do có hình dáng tương tự.

image
Các tập hợp hình tròn được sắp xếp theo cùng một quy tắc hiện diện ở nhiều loại tiền tệ khác nhau; trong hình mẫu đồng 10 bảng Anh, với các tập hợp 'chòm sao' được in ở phía bên phải.
Kuhn cho rằng màu sắc đóng vai trò quan trọng, nhưng một số người khác nói máy photocopy cũng kiểm tra cả khoảng cách giữa năm vòng tròn được sắp xếp trong bộ mã. Kuhn chưa kiểm chứng được giả thuyết này một cách độc lập.

Việc làm sao để máy photocopy và máy quét nhận ra các dấu hiệu mã hoá vẫn còn là điều bí ẩn.
Theo một tài liệu do Ngân hàng Maharashtra của Ấn Độ công bố thì có một số cơ chế để máy 'đọc' được trong các vòng tròn những màu sắc khác với màu mà mắt thường nhận biết được.

“Ở phần chứa mã hiệu [...] trong tờ giấy bạc, khi sao chụp sẽ cho ra màu sắc khác hẳn so với màu ở tờ tiền thật," tài liệu này viết.

Thật khó mà lấy được lời xác nhận về cách thức hoạt động của mô hình mã code này, kể cả chỉ cần xác nhận xem những gì mà các nhà nghiên cứu nêu ra có đúng hay không.

Từ các nhân viên ngân hàng đến các hãng sản xuất máy photocopy, không một ai muốn lên tiếng.
Ngân hàng Trung ương Anh quốc chưa bao giờ bình luận công khai về cái được gọi là Chòm sao EURion.

Thay vào đó, trong một lần phỏng vấn, giám đốc phát hành tiền giấy Victoria Cleland giải thích rằng mối quan tâm của ngân hàng là tìm cách gây khó khăn càng nhiều càng tốt cho hoạt động làm tiền giả.

image
Các 'Chòm sao EURion' xuất hiện trên tờ 50 bảng.
“Nếu bạn có một đồng 20 bảng Anh giả, chắc chắn là nó vô giá trị,” bà nói. “Bạn sẽ mất 20 bảng - tin xấu cho những ai có trong tay những tờ tiền giả. Nếu sử dụng, bạn sẽ bị người khác nghi ngờ, mất lòng tin."

Ai là người đầu tiên nêu ra “chòm sao EURion”?

Mặc dù từ chối bình luận về bài viết này, nhưng công ty Omron của Nhật đã được nhắc đến trong một thông cáo báo chí hồi 2005 của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ - liên quan tới các dấu hiệu bí mật trên các tờ tiền giấy.

Hồi tháng Giêng năm nay, một bài blog có vẻ như do một quan chức chính phủ Ấn Độ đã về hưu tên là NR Jayaraman viết, cho rằng mẫu thiết kế, mà ông gọi là mô hình Omron, đã được sử dụng trên tiền giấy trên toàn thế giới từ năm 1996.

Chống làm giả bằng ký hiệu 'bánh doughnut'

Một loạt bằng sáng chế được công bố công khai cho thấy Omron là công ty đứng sau “Chòm sao EURion”.

Chẳng hạn như một sáng chế được đăng ký hồi 1995 nói đến “các dấu hiệu được phát hiện ra nhờ có cách sắp xếp, kết hợp với nhau theo một quy tắc nhất định trên những hình ảnh được in ra, chẳng hạn trên tiền giấy hoặc các loại giấy tờ chứng khoán có thể mua bán giao dịch được”. Hình ảnh nộp kèm hồ sơ đăng ký sáng chế này có mẫu hoàn toàn giống “Chòm sao EURion”, chỉ duy nhất thiếu đi vòng tròn ở giữa.

Người có thể làm sáng tỏ các ký hiệu bí mật là Steve Casey, Giám đốc tiếp thị của Innovia Films, hãng sản xuất phôi in tiền.

image
Các "Chòm sao Orion" xuất hiện rõ trên đồng tiền euro.
"Những vòng tròn nhỏ được gọi là "bánh doughnut" trong ngành in ấn tiền", ông giải thích. "Đó là một trong những tính năng bảo mật đầu tiên từng được sử dụng trên tiền in trong thời kỹ thuật số."
Trước câu hỏi liệu máy photocopy và máy quét Xerox có được thiết kế để nhận dạng các “Chòm sao EURion” hay không, một phát ngôn viên của công ty trả lời qua email:

"Xerox, cũng giống như các nhà sản xuất thiết bị in ấn khác, tham vấn với cơ quan thi hành pháp luật toàn cầu và Tổ chức Chống làm Tiền giả (CBCDG - Central Bank Counterfeit Deterrence Group), tức tổ hợp gồm 32 ngân hàng trung ương và các cơ quan có thẩm quyền in tiền, trong việc đánh giá các mối đe mà tờ giấy bạc có thể gặp phải, và thúc đẩy, hỗ trợ việc sử dụng các công nghệ để đối phó với việc sản xuất giả tiền."

"Để phòng chống, công nghệ phát hiện tiền giả đã được chuẩn hoá.” Tuy nhiên, "Xerox không bình luận về phạm vi triển khai công nghệ này," Xerox nói thêm.

Bí mật máy kiểm tiền

Ngay cả khi có thể biết tường tận về “Chòm sao EURion” thì lại vẫn còn bí ẩn khác: chắc chắn là có một mã bí mật nào đó trên đồng tiền giấy.

Casay từ Innovia Films nói rằng cũng có những ‘Bảo mật cấp 3’ trên tờ tiền, thậm chí còn bí hiểm hơn cả Chòm sao EURion.

“Các bảo mật cấp 3 không được thảo luận. Không ai biết về chúng, ngoại trừ các ngân hàng trung ương”, ông nói. "Đó là kỹ thuật mà máy phân loại tiền tốc độ cao dùng để quét và ngay lập tức xác định được có tờ tiền giả nào trong số vừa quét hay không.”

Cleland từ Ngân hàng Trung ương Anh quốc cho biết tiền giả được phát hiện nhiều nhất là nhờ các máy chuyên xử lý, phân loại lượng tiền giấy thu, chi từ các nhà bán lẻ, các ngân hàng và các máy rút tiền tự động (máy ATM).

image
Máy phân loại tiền tốc độ cao có khả năng phát hiện tiền giả

Phần mềm giám sát

Lại có những mã code chuyên chống việc dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh như Adobe Photoshop để sửa đổi các hình in trên tờ tiền.

Bí mật này đã được Steven Murdoch, một khoa học gia chuyên về điện toán đồng thời là cựu sinh viên của Kuhn Steven tìm ra.

Murdoch tin rằng các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đã phát hiện ra một mã nào đó khác với Chòm sao EURion: đó là một ký hiệu kỹ thuật số mà mắt thường không nhìn được.

Phương pháp này được trình bày trong một đăng ký sáng chế của Digimarc, công ty được cho là đã phát triển kỹ thuật này. Digimarc cũng đã đăng ký nhiều sáng chế khác trong cùng lĩnh vực, chẳng hạn như giải pháp bí mật ghi lại việc người dùng chỉnh sửa hình ảnh trên tờ tiền bằng một phần mềm chỉnh sửa ảnh. Các dữ liệu này sẽ được cơ quan thực thi pháp luật lấy ra kiểm tra nếu máy tính của nghi phạm bị thu giữ.

http://baomai.blogspot.com/
Có điều chưa rõ là liệu các phần mềm thương mại hiện tại đã được nhúng các công nghệ này chưa. Digimarc cũng từ chối bình luận về bài viết này.

Nhưng Pierre Laprise, Giám đốc Tổ chức chống làm giả tiền, nói rằng CBCDG chưa phát triển các kỹ thuật ghi lại việc chỉnh sửa bất hợp pháp. "Chúng tôi không theo dõi ai cả," ông nói, "vì đó là quyền riêng tư cá nhân."

Tuy nhiên, Laprise xác nhận rằng họ đã phát triển các công nghệ chống photocopy và chỉnh sửa hình ảnh trên tiền - nhưng không cho biết chi tiết hơn.

Ông thừa nhận rằng những nỗ lực trên đã đạt được kết quả khả quan. “Thật sự là rất hiệu quả”, ông bình luận. "Liệu chúng ta có bao giờ có thể ngăn chặn hết nạn làm giả tiền? Có lẽ là không, nhưng chúng tôi đang cố gắng để giảm thiểu việc đó, và cũng đã làm khá tốt trong những năm qua."



Chris Baraniuk

http://baomai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét