Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Vị trí của Việt Nam trên bàn cờ các nước lớn

Đây cũng là một bài viết rất hay của Nayan Chanda biên tập viên của trang YaleGlobal Online, cựu phóng viên và biên tập viên tờ Far Eastern Economic Review và tác giả cuốn sách Brother Enemy: The War After the War.
Đã được dịch ra tiếng Việt từ tạp chí (AMERICAN REVIEW MAGAZINE)
Lịch sử 2 nghìn năm mối quan hệ lúc ấm lúc lạnh của Việt Nam với người khổng lồ láng giềng Trung Cộng.
Trong lịch sử, Việt Nam luôn là trở ngại lớn nhất ngăn cản Bắc Kinh tiến xuống phía Nam.

Vị trí của Việt Nam trên bàn cờ các nước lớn

image
Người Mỹ e ngại chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng và họ biết, trong lịch sử, Việt Nam luôn là trở ngại lớn nhất ngăn cản Bắc Kinh tiến xuống phía Nam.
Bài viết của Nayan Chanda biên tập viên của trang YaleGlobal Online, cựu phóng viên và biên tập viên tờ Far Eastern Economic Review và tác giả cuốn sách Brother Enemy: The War After the War.

Những ngày sau khi chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi sân bay đại sứ quán Mỹ, bầu trở Sài Gòn trở nên tĩnh lặng và những người chiến thắng hân hoan cắm lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên cột cờ các tòa công sứ nước ngoài.

Chỉ riêng đại sứ quán kiểu pháo đài của Mỹ không có lá cờ nào của quân giải phóng tung bay. Khi được hỏi về lý do tại sao họ lại để một trường hợp ngoại lệ như vậy, một quan chức tại Hà Nội nở nụ cười và quả quyết rằng: "Người Mỹ sẽ sớm quay trở lại". Ông giải thích: "Người Mỹ e ngại chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng và họ biết, trong lịch sử, Việt Nam luôn là trở ngại lớn nhất ngăn cản Bắc Kinh tiến xuống phía Nam".

image
Đầu năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm lịch sử tới Vịnh Cam Ranh nổi tiếng đang được đề cập đến rõ ràng trong toan tính chiến lược của người Mỹ. Điều đó không có nghĩa Việt Nam và Mỹ đã tiến gần đến sự hợp tác chiến lược mà người đối thoại với tôi (Nayan Chanda - biên tập viên của trang YaleGlobal Online, cựu phóng viên và biên tập viên tờ Far Eastern Economic Review - người dịch) từng mường tượng ra vào thời điểm năm 1975, nhưng hành trình hòa giải và thiết lập tình hữu nghị đầy giữa hai nước vừa mới đây còn là kẻ thù của nhau vẫn là một câu chuyện đáng quan tâm.

Câu chuyện cũng mang đến những bài học giá trị trong sự tác động qua lại lẫn nhau giữa ba nhân tố - địa chính trị, chủ nghĩa dân tộc, và hệ tư tưởng - biến ảo như kính vạn hoa.

image
Lịch sử 2 nghìn năm mối quan hệ lúc ấm lúc lạnh của Việt Nam với người khổng lồ láng giềng Trung Cộng, tham vọng quốc gia cùng nỗ lực đảm bảo vai trò cầm quyền có thể giải thích tại sao nó lại mở đường cho cho công cuộc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Vào thời điểm chiến tranh hoàn toàn chấm dứt năm 1975, phía Việt Nam hân hoan trong chiến thắng lịch sử, háo hức tái thiết đất nước sau những năm bom đạn tàn phá, nhưng cũng đầy âu lo với những dấu hiệu khiêu khích lộ liễu của Trung Cộng. Việt Nam có cơ sở để lạc quan mau chóng khôi phục lại quan hệ với Washington, do những tính toán địa chính trị của cả 2 bên, nhưng cơ sở logic ấy lại dựa trên sự hiểu biết nhầm lẫn về động cơ chính sách của Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Jimmy Carter mong muốn nối lại quan hệ với tất cả các bên từng là kẻ thù ở châu Á, bao gồm cả Trung Cộng, thì việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vẫn tỏ ra là không thể. 

Carter không có chung quan điểm dài hạn với Việt Nam và về phần mình, ViệtNam đã đánh giá chưa đúng về vết thương chiến tranh còn hằn sâu những ảnh hưởng tâm lý tại Mỹ.

Trong khi muốn mối quan hệ với Washington sẽ giúp tạo đối trọng với sức mạnh của Trung Cộng, Việt Nam đã quá tự hào với chiến thắng nên không thể bỏ qua các khoản bồi thường chiến tranh - các khoản viện trợ tái thiết mà Mỹ cam kết theo Hòa ước Paris 1973. Sau khi các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ đổ vỡ vào năm 1978, bối cảnh địa chính trị đã trải qua những thay đổi quan trọng kéo dài gần 2 thập niên không có lợi cho Việt Nam.

Bốn năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ, Việt Nam lại bước vào cuộc chiến mới bảo vệ biên giới phía bắc và phía tây. Năm 1977-1978, các cuộc tấn công của lực lượng Khmer Đỏ dưới sự giật dây của Trung Cộng vào biên giới phía tây đã khiến Việt Nam phải đáp trả, đẩy lùi và đưa quân sang hỗ trợ nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng. Trung Cộng đã ngay lập tức có phản ứng với cuộc đổ bộ vào biên giới phía bắc của Việt Nam vào năm 1979 để "trừng phạt". Từ đây, Việt Nam rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở trong nước và bị bên ngoài cô lập.

image
Việt Nam vừa phải chịu áp lực từ liên kết thực tế giữa Mỹ và Trung Cộng cùng sự ủng hộ của họ cho liên minh do Khmer Đỏ dẫn đầu vừa mất đi ủng hộ từ phía Liên Xô do đang tiến hành những cải cách kinh tế, chính trị.

Các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ bị sa lầy bởi Mỹ luôn yêu cầu trách nhiệm đối với tù nhân và những người mất tích (MIA) trong chiến tranh của họ. Những người bảo thủ trong chính quyền và quân đội, không bao giờ "tha thứ" cho Việt Nam vì đã làm nước Mỹ bẽ mặt, họ muốn lấy lại danh dự bằng cách cố gắng đưa trở về hài cốt của các lính Mỹ tử trận và tiếp tục duy trì lệnh cấm vận thương mại áp đặt từ năm 1975 làm tê liệt nền kinh tế Việt Nam.

Để vượt ra khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế và sự cô lập ngoại giao của bên ngoài, Việt Nam đã phát động công cuộc đổi mới và bắt đầu lên kế hoạch đến năm 1989 rút hết quân đội khỏi Campuchia.

image
Đến lúc Việt Nam sắp hoàn tất việc đưa quân về, theo đúng như yêu cầu của phía Mỹ và ASEAN, và bước vào các cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Campuchia, bối cảnh địa chính trị lại một lần nữa thay đổi. Việc Trung Cộng và Liên Xô lập lại quan hệ và sự cô lập quốc tế đối với Bắc Kinh sau sự kiện Thiên An Môn không chỉ làm thay đổi môi trường bên ngoài mà còn đặt ra những quan ngại sâu sắc về sự an nguy của chế độ.

image
Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Trung Cộng đã kết thúc bằng bạo lực tại Quảng trường Thiên An Môn và sự sụp đổ như một hiệu ứng domino của chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở một loạt các nước Đông Âu diễn ra ngay sau đó đã rung lên hồi chuông báo động ở cả Bắc Kinh - và Hà Nội. Trong hoàn cảnh hết sức cần những sự hỗ trợ và mối quan hệ thương mại với phương Tây, Việt Nam vẫn rất mực cảnh giác với chiến lược "diễn biến hòa bình" và lật đổ hệ thống Xã hội Chủ nghĩa dưới chiêu bài viện trợ. Cái gọi là lộ trình bình thường hóa quan hệ của chính quyền George H.W. Bush bị đặt trong sự hoài nghi sâu sắc. Việc Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch không thể hoàn tất nỗ lực bình thường hóa, dù đã có nhiều nhương bộ trong vấn đề MIA và đã rút quân khỏi Campuchia, đã khiến Việt Nam thay đổi quỹ đạo chống Trung Cộng. Một hội nghị cấp cao bí mật giữa lãnh đạo Đảng hai nước Trung Cộng và Việt Nam đã đặt nền móng cho sự từng bước xuống thang xung đột của Trung Cộng với Việt Nam và thỏa thuận thành lập một chính phủ liên minh ở Phnom Penh dưới sự bảo đảm của Liên hợp quốc.

Với việc bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, mục tiêu chính của Việt Nam khi tìm kiếm mối quan hệ với Washington là hợp tác kinh tế. Trớ trêu thay, chính quyền đảng Dân chủ dưới thời Bill Clinton tỏ ra gay gắt với Việt Nam hơn chính quyền Cộng hòa. Dưới áp lực của các chính trị gia cánh hữu, chính quyền Clinton đã gây thêm sức ép lên vấn đề MIA và nhân quyền. Giới doanh nghiệp, mặc dù vậy, nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam và cuộc vận động chung của họ cuối cùng đã buộc Washington phải đồng ý lập trường mềm mỏng hơn. Tháng 2/1995, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấp vận thương mại đối với Việt Nam, và tháng 7 đi đến tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

image
Vậy là đến ngày 5/8/1995 (tròn 30 năm cuộc chiến tranh kết thúc), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher đã cắm quốc kỳ nước mình lên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, mối quan tâm chính của Việt Nam đã thay đổi. Việt Nam không còn hào hứng với một mối quan hệ chiến lược với Mỹ như với việc mở cửa nền kinh tế ra với thế giới, và đặc biệt là, giành chế độ đãi ngộ thương mại quốc gia nữa.

Tình cảm này của Việt Nam đối với việc xây dựng một mối liên kết sâu sắc hơn với Mỹ để đề phòng Trung Cộng thể hiện rõ trong tháng 3/2000. Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen trở thành quan chức nội các Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam, nhưng Hà Nội sau đó đã thẳng thắn tuyên bố không hề đàm phán xây dựng quan hệ chiến lược. Trong cuộc gặp với Clinton, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã giảng giải cho vị Tổng thống Mỹ về lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của Việt Nam, nhưng không thảo luận mối quan hệ với Mỹ ở thời điểm hiện tại hay thương lai. Vì lẽ đó, Việt Nam đã phải đợi đến 3 năm sau, cùng với một môi trường bên ngoài đã thay đổi.

image
Nhiệm kỳ thứ hai của Bush dường như đã từ bỏ thái độ dễ dãi đối với Trung Cộng sau sự kiện máy bay gián điệp EP-3. Ngay cả trước khi căng thẳng liên quan đến chiếc máy bay do thám này xuất hiện, những tiếng nói quan trọng tạiWashington cũng đã thể hiện quan ngại về khả năng Trung Cộng sẽ phô trương sức mạnh. Một trong các tác giả viết báo cáo của RAND Corporation  - một tổ chức chuyên nghiên cứu và phân tích chính sách R&D nước Mỹ, Zalmay Khalizad, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, đã lưu ý rằng Mỹ nên tăng cường sự hiện diện quân sự tổng thể tại châu Á để đối phó với sức mạnh đang gia tăng của Trung Cộng. Báo cáo chỉ ra, "điều hợp lý cơ bản là cần phải xây dựng quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để ngăn chặn nỗ lực bá quyền khu vực của Trung Cộng". Khi Washington bắt đầu quan tâm thay đổi cán cân tại Đông Á, lợi ích của Mỹ tại Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược.

Việt Nam cũng lo ngại Trung Cộng sẽ tiếp tục tiến ra Biển Đông và can dự vào những quốc gia lân bang với Việt Nam. Tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành trung ương tháng 6/2003, Đảng đã dự đoán tình hình Đông Á đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi và cần phải cố gắng phát triển mối quan hệ với Mỹ. Khi Việt Nam nói với các quan chức Mỹ, "Tam giác đang mất cân bằng". Quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam đang ở thế yếu trong khi quan hệ với Trung Cộng đã cải thiện rõ rệt và ảnh hưởng của Trung Cộng trong khu vực tiếp tục gia tăng. Nhận thức chung này đã dẫn tới cuộc viếng thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đến Washington vào tháng 11/2003.

image
Tiếp sau đó là chuyến dừng chân đầu tiên của tàu Hải quân Mỹ Vandergrift tới thành phố Hồ Chí Minh.
Cao điểm của mối quan hệ đang nồng ấm dần này là vào tháng 6/2005, khi Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên được chiêu đãi tại Nhà Trắng. Trong tuyến bố chung, George W.Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết hai người "chia sẻ tầm nhìn hòa bình, thịnh vượng và an ninh tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và nhất chí hợp tác song phương cũng như đa phương để thúc đẩy các mục tiêu này". Việc đưa cụm từ "khu vực châu Á - Thái Bình Dương" trong bản tuyên bố chung là tín hiệu công khai duy nhất rằng mối quan hệ sẽ vượt qua phạm vi các quan ngại song phương hay thậm chí cả đa phương - Đông Nam Á. Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký một hiệp định thông tin tình báo với Mỹ cho phép hợp tác trong hoạt động chống rửa tiền và cùng chia sẻ thông tin tình báo với Washington.

image
Trong tình thế sức mạnh cũng như sự quyết liệt của Trung Cộng bộc lộ rõ trong vấn đề Biển Đông, quan hệ Việt-Mỹ đã ngày một thêm sâu sắc. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton tới Hà Nội trong một Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2010, nơi bà bày tỏ quan ngại của Mỹ đối với cách ứng xử của Trung Cộng trên Biển Đông, đã đánh dấu một mức độ hợp tác mới đối với Việt Nam. Năm sau, Việt Nam và Mỹ bước vào cuộc đàm phán nâng tầm quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ quân sự cũng phát triển. Trong chuyến viếng thăm của  Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tớiWashington năm 2003, hai bên đã tán thành tiến hành các cuộc trao đổi ở cấp tương tự 3 năm một lần. Hai vị lãnh đạo quốc phòng Việt Nam và Mỹ từ đó đã có 4 cuộc gặp gỡ trao đổi. Chuyến thăm của ông Leon Panetta hồi tháng 6/2012 đã thu hút sự quan tâm hơn bình thường do bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi. Panetta cũng có chuyến thăm tới Vịnh Cam Ranh, nơi các tài sản và những máy bay ném bom tầm xa của Hải quân Liên Xô từng đặt tại đây.

Trong khi mối quan hệ này đã và đang có những bước phát triển quan trọng trong thập niên qua, sự tương tác giữa 3 nhân tố như đã nêu ở trên tiếp tục tạo ra những điều chỉnh. Một Trung Cộng mạnh về quân sự sẽ tạo ra mối đe dọa đối với chủ quyền của Việt Nam lớn hơn bất kỳ khi nào trong lịch sử gần đây. Nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng giống như Đảng Cộng sản Trung Cộng đều cảnh giác với mối đe dọa từ phương Tây, và đều tìm kiếm sự hợp tác kinh tế với phương Tây để xây dựng một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh.

image
Năm 1978, một nhà ngoại giao Việt Nam đã giải thích logic việc Việt Nam khi vun đắp quan hệ với Moskva: "Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng tôi chỉ có được an ninh trước Trung Cộng trong 2 điều kiện. Một là khi Trung Cộng yếu và nội bộ chia rẽ. Hai là khi Trung Cộng bị đe dọa bởi những nguy cơ phương Bắc". Lý do tương tự cũng được áp dụng cho nhu cầu xây đắp mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ ngày nay - một người bạn đủ mạnh để ngăn chặn Trung Cộng trở nên quá hiếu chiến. Như các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn thường nhắc nhở, một quốc gia chỉ có thể chọn bạn bè chứ không thể chọn láng giềng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn luôn từ chối liên minh quân sự với Washington để tránh khiêu khích hành động thù địch từ người khổng lồ láng giềng và tránh bị tổn thương do áp lực từ phía Mỹ trong các vấn đề dân chủ và nhân quyền. Quá trình nối lại tình hữu nghị giữa hai nước là có thực nhưng cũng còn nhiều hạn chế.



AMERICAN REVIEW MAGAZINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét