Ông Đạo Nhỏ
Năm 1968, sau trận Tết Mậu Thân, vị Tư Lịnh Quân Đoàn IV bấy giờ là Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh có rước một ông Đạo từ trên Hồng Ngự xuống. Ông Đạo nầy lúc đó chỉ 8 tuổi nên được gọi là Ông Đạo Nhỏ. Ông là con của ông Trần Kim Qui, hiệu trưởng một trường học ở quận Hồng Ngự, người theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Buổi chiều nọ, khi tới dự bữa cơm tối tại tư dinh Thiếu Tướng Tư Lịnh Quân Đoàn IV tôi thấy ngồi ở đầu bàn là một người còn nhỏ tuổi, quanh đó có mặt các ông Đại Tá và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh Tư Lịnh phó lãnh thổ của Quân Đoàn. Trong chín ông Đại Tá có cả Đại Tá Nguyễn Văn Ánh là Tư Lịnh Sư Đoàn 4 Không Quân. Ông nầy sau đó lên Thiếu Tướng và bị tử nạn máy bay.
Khi mọi nguời vào bàn ăn thì được ông tướng Tư Lịnh Quân Đoàn giới thiệu: “Đây là Ông Đạo Nhỏ ở Hồng Ngự được mời tới đây để ăn cơm với chúng ta.” Tiếp theo, ông giới thiệu từng thực khách với Ông Đạo Nhỏ một cách hết sức trân trọng. Chỉ với người khoảng 8 tuổi mà tôi thấy Tướng Nguyễn Viết Thanh đối xử trang trọng lắm.
Mọi người đều dùng cơm chay vì Ông Đạo Nhỏ không ăn mặn. Sau khi cơm nước xong xuôi, mỗi người được phân phát một tờ giấy và một cây viết chì. Tướng Thanh nói rằng: “Ông Đạo Nhỏ biết rất rành quá khứ vị lai (tức chuyện về trước, chuyện về sau) nhưng vì không nói chuyện được nên chỉ trao đổi bằng giấy viết.” Vậy là mỗi người viết câu hỏi mà mình muốn hỏi lên tờ giấy rồi chuyền tay đưa tới Ông Đạo Nhỏ. Đầu tiên là ông Tư Lịnh Quân Đoàn Nguyễn Viết Thanh viết một câu hỏi đưa qua. Ông Đạo Nhỏ cầm viết, viết rào rào (nghĩa là viết rất nhanh) bằng chữ Quốc Ngữ, xong rồi đưa lại cho ông Thanh. Ông Thanh coi xong bèn úp tờ giấy xuống mặt bàn.
Sau đó là tới lượt ông Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, vì ông và ông Thanh ngồi hai bên Ông Đạo Nhỏ. Ông Đạo Nhỏ viết câu trả lời toàn bằng thơ. Tôi ngồi gần nên liếc thấy hầu hết là thơ ngũ ngôn (mỗi câu năm chữ). Sau ông Đại Tá Ánh, Tư Lịnh Sư Đoàn 4 Không Quân là các ông Đại Tá khác trong đó có Đại Tá Huỳnh Văn Lạc Tham Mưu Trưởng (sau nầy cũng lên Tướng và đang sống ở Sacramento, California). Tôi nhường hết cho mọi người, chờ đến lượt cuối cùng, tôi viết trong giấy là: “Xin Ông Đạo Nhỏ cho biết tương lai vận mệnh của tôi trong cuộc chiến tranh nầy?” Tôi đưa cho ông Thanh. Ông Thanh coi qua một chút rồi chuyển cho Ông Đạo Nhỏ. Ông Đạo Nhỏ viết xuống mấy chữ chuyền tới lui, thì ra ông viết rằng: “Đưa về nhà rồi sẽ cho sau.” Ông không cho liền trong khi mấy ông kia thì trả lời ngay.
Sau đó, Ông Đạo Nhỏ tỏ ý muốn đi ra đằng sau chơi. Ông Tướng Thanh đích thân dẫn Ông Đạo Nhỏ ra phía sau hàng ba để Ông đi lại nơi cái bàn có cái ghế và ngồi chơi một mình. Số người còn lại trong nầy chuyền tay nhau những tờ giấy có câu trả lời của Ông Đạo Nhỏ, không ai dấu diếm. Tôi đọc bài thơ của Tướng Thanh thì câu cuối cùng mà Ông Đạo Nhỏ viết là: “Tu mau đi kẻo muộn!” Còn bài thơ của ông Đại Tá Ánh, của ông Đại Tá Trưởng Phòng Nhì cũng viết là: “Tu mau đi kẻ muộn!” Điều trùng hợp là cả ba ông này đều có một câu kết như nhau. Và sau đó không lâu, cả ba ông này đều chết vì tai nạn máy bay.
Riêng của ông Hạnh thì Ông Đạo Nhỏ cho một bài thơ Đường Luật gồm 8 câu 7 chữ, câu cuối cùng là: “Thân bại danh liệt tướng miền Tây.” Tôi chỉ nhớ câu chót thôi, không thể nhớ hết nguyên bài. Mấy người còn lại trong đó có một ông Đại Tá người Huế làm bên Tiếp Vận Vùng 4 cũng được một bài thơ nhưng bình thường thôi, không có gì đặc biệt. Sau khi bàn luận qua lại một hồi rồi giải tán. Thiếu Tướng Thanh nói với tôi là Ông Đạo Nhỏ muốn về nhà của tôi và sau đó nhờ tôi đưa Ông Đạo Nhỏ về Hồng Ngự, vì tôi có một chiếc trực thăng riêng muốn xử dụng lúc nào cũng được. Tôi chở Ông Đạo Nhỏ về nhà rồi kêu chú lính trực đem một cái ghế bố với đầy đủ mùng mền cho ông nghỉ ngơi ngay tại phòng khách. Ban tối, chú lính mở ghế bố ra rồi đến sáng thì thu dọn lại sạch sẽ.
Khi tôi xuống Cần Thơ làm việc, vợ tôi giao cho tôi đứa con gái lớn đang học lớp Bảy nên phải xin chuyển trường cùng với ba đứa con trai nhỏ nhứt; gồm đứa 7 tuổi, 6 tuổi và 5 tuổi; còn mấy đứa lớn đang học ở Sài Gòn. Mỗi ngày, hai đứa con 7 và 6 tuổi thì đi học, còn đứa 5 tuổi vẫn còn ở nhà chơi với Ông Đạo Nhỏ. Nhưng Ông nầy lại không thích chơi giỡn. Sáng dậy, tôi và Ông Đạo điểm tâm bằng cháo trắng. Trong khi tôi ăn với đường hay thịt cá, thì Ông ăn ba chén đàng hoàng nhưng với muối. Đặc biệt là dù trời lạnh hay nóng Ông cũng đều thích ra ngồi phía sau nhà. Nơi nầy tôi có che một cây dù nhà binh, Ông ngồi yên lặng, hướng mắt về phía Nghĩa Trang Quân Đội, không nói gì cả cho tới trưa khi tôi đi làm về thì vào ăn cơm chay với tôi. Sau bữa ăn cơm tối, tôi viết mấy câu nhắc lại câu hỏi của tôi lúc trước thì Ông trả lời là: “Hãy đợi đến ngày Rằm.” Tức là khoảng 7, 8 bữa nữa. Trong thời gian lưu ngụ đó, nhiều khi con tôi đi học về đến nắm tay, nắm chân kéo ra ngoài chơi giỡn, nhưng Ông cứ ngồi im thin thít không nói, không rằng, và không thích vui đùa như mấy đứa con nít cùng trang lứa.
Đến ngày Rằm, tôi cho mấy đứa con đi ngủ sớm, đóng cửa phòng không cho ra ngoài, rồi chuẩn bị vào phòng khách để đàm đạo với Ông Đạo. Ông Đạo viết lên giấy biểu tôi đốt hai cây đèn cầy đỏ thật lớn để trên hai cái chân đồng và tắt hết đèn điện. Sau đó, Ông biểu tôi lấy ra một tập giấy học trò 200 trương và một cây viết nguyên tử. Ông bắt đầu viết lên tờ giấy: “Ông cứ đặt câu hỏi, và viết lên đây mỗi trang giấy là một câu hỏi!”
Tôi còn nhớ, khi Ông cho mấy ông Tướng Tá kia thì mỗi người chỉ được một bài thơ còn riêng tôi thì cả một cuốn tập 200 trương. Đại ý những điều Ông viết về vận mệnh cho tôi như thế nầy là: “Khi tôi về già, cái mệnh của tôi cũng như Ông Khương Thượng (tức KhươngTử Nha) đời nhà Châu giúp vua Châu diệt nhà Thương (hoàn toàn được viết bằng những bài thơ). Về già, tôi sẽ đảm nhận vai trò giống như ông Khương Tử Nha ngồi câu trên sông Vị Thủy chờ Châu Văn Vương tới rước làm đại tướng quân cầm quân đánh vua Trụ chớ không phải như lúc còn trẻ.” Ông còn viết thêm là: “Ông có quyền hỏi tất cả những gì mà ông muốn biết..”
Thế là, tôi lật trang kế tiếp, tôi hỏi về chuyện quốc gia, đến khi hết chuyện quốc gia là đã lên tới 100 trương rồi nhưng ông cứ cho hỏi hoài từ 7 giờ tối tới 12 giờkhuya. Tôi hỏi đâu, ông cho đó. Đặc biệt, tất cả đều trả lời bằng một bài thơ chớ không phải văn bình thường. Tôi không hiểu tại sao một người chỉ mới 8 tuổi mà làm thơ đủ vần, đủ điệu như vậy. Tôi thử ông tới những bài thơ Đường Luật thất ngôn bát cú luôn cả bài toàn chữ B. Ông cũng cho tôi bài thơ Quốc Ngữ khởi đầu toàn là chữ B mà lại viết liền không cần suy nghĩ. Thật là một người có bộ óc thông minh kinh hồn, không thể tưởng tượng được. Về chuyện trong nước thì cuối cùng ông phán trong một bài thơ, đại ý là: “Miền Nam không đứng vững, không đủ khả năng đánh bại Miền Bắc.”
Kế đó tôi hỏi về chuyện thế giới thì được trả lời đến gần 100 bài nữa, trong đó có hai bài hỏi về Hội Long Hoa. Tôi hỏi: “Hội Long Hoa thành lập ở đâu, do ai chủ trì và giải quyết chuyện gì?” Vấn đề nầy ông không trả lời, nhưng ông vẽ một cái hình lên trên tờ giấy. Ông vẽ một khán đài rồi vẽ một cái vòng tròn. Ông vẽ một mũi tên chỉ vô để “người” tức là nhiều người ngồi trên đó.. Rồi phía dưới ông vẽ hình người mà cả hàng ngàn, hàng ngàn người ngồi ghế bên dưới. Còn vùng đó là vùng có núi, mà là núi thấp. Ông không nói địa điểm chỗ nào, nhưng nhìn xa xa thấy toàn là núi. Còn chỗ hội họp là giữa hai cái núi, ông vẽ sơ sơ vậy thôi. Sau đó, ông vẽ cái dấu tròn phía trước, kế đó là cái dấu tròn thứ hai. Cái dấu đầu tức là có người ngồi trước. Rồi ông vẽ một mũi tên chỉ vào dấu thứ hai đó, ông viết chữ “ông” tức là tôi sẽ là người thứ nhì ngồi ở Hội Long Hoa. Đến nay, khi tôi kể lại tôi còn cảm thấy run cả người bởi vì Hội Long Hoa là một chuyện trọng đại và phi thường giải quyết cả một vận hội thế giới chớ không phải cho riêng nước mình thôi đâu.
Rồi khi tôi hỏi đến chuyện thế giới chiến tranh thứ III thì ông cho bài thơ trả lời, đại ý là chuyện đó sẽ phải xảy ra và thế giới cũng bị tận diệt rồi sau đó mới lập Hội Long Hoa. Nghĩa là khi chiến tranh thế giới thứ III chấm dứt mới có Hội Long Hoa. Sau đó tôi kêu chú lính chạy đi lấy cho tôi một bản đồ thế giới rất lớn mang đến, và cả bản đồ Việt Nam. Tôi phải trải từng khúc lên bàn, theo ý muốn của ông. Ông cầm cây viết mỡ lên sẵn sàng giải đáp.
Đầu tiên, tôi hỏi: “Xin Ông cho biết ảnh hưởng về Việt Nam và Tàu sẽ đi tới đâu?”
Ông cầm cây viết mỡ vẽ một lằn từ bên Tàu phía trên Hồng Kông từ ngoài biển kéo vô một lằn tới dãy Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) rồi ông kéo trở lại cắt ngang phía Bắc Việt Nam từ miền thượng du Bắc Việt tức vùng Cao Bằng, Lạng Sơn ra tới phía Bắc của Hải Phòng. Rồi ông lấy viết xanh ông gạch gạch rồi cho biết “tất cả chỗ đó sẽ trở thành biển.” Ông viết một chữ “BIỂN” lên đó. Nguyên phần đất nầy sẽ tan biến, tức là ranh giới giữa Tàu và Việt Nam sẽ thành một cái biển lớn. Hồng Kông không còn rồi qua đến phía Bắc của Lào, một phần của Thái Lan, một phần của Miến Điện rồi vô tới dãy Himalaya sẽ bị sụp mất hết, Việt Nam chỉ mất có bấy nhiêu đó thôi. Cái vạt Bắc Kinh, Thượng Hải được ông gạch nát hết, Đài Loan cũng lặn mất.
Xong rồi, tôi để bản đồ trước mặt Ông, chỉ vào từng vùng, từng vùng thì ông cho thấy quốc gia nào cũng bị khó khăn hết. Nước Mỹ nầy thì ông vẽ tiểu bang Washington, Oregon, California đi xuống biển. Còn ở phía miền Đông thì bể nhiều lỗ. New York không còn nữa tức cũng thành biển. Nước Mỹ chỉ bị mất mấy vùng hai bên bờ biển phía Đông và phía Tây. Rồi ông làm một bài thơ cho biết địa cầu chuyển trục. Nước Mỹ trở thành một vùng nằm ngay giữa đường xích đạo. Đường xích đạo đi ngang qua nước Mỹ, biến nước Mỹ trở thành một quốc gia bị nóng như sa mạc.
Còn bên Âu châu thì quốc gia nào cũng bị thiệt hại một phần hết. Nước nào ông cũng bôi bỏ chỗ nầy, chỗ kia rồi chỗ kia, chỗ nọ. Cuối cùng chỉ còn lại hai chỗ là Úc châu và Tân Tây Lan. Tôi hỏi ông về phần đất Úc châu thì ông cho một bài thơ cho biết đó là thánh địa không có bị động chạm gì tới và Tân Tây Lan cũng như Úc châu đều còn nguyên vẹn. Các quốc gia con con ở gần Bắc Băng Dương và Nam Băng Duơng thì nơi nào cũng bị đánh phá, chỉ trừ có Úc Châu và Tân Tây Lan mà ông cho là thánh địa.
Đến đây, tôi nói với ông là cũng đã khuya rồi, chú lính đã giăng mùng sẵn, mời Ông đi nghỉ. Về chuyện hậu vận của tôi, tôi cũng có hỏi và được giải đáp đầy đủ nhưng vì thuộc về cá nhân nên tôi không thể nói được, ngoại trừ việc về già giống trường hợp ông Khương Thượng như đã nói ở phần trên. Bởi vì tin vào vận mệnh đó mà tôi mới dám qua Campuchia ở 10 năm và chiến đấu bên đó từ năm 1984 đến năm 1994.
Sáng hôm sau ông viết lên giấy đòi về nhà. Tôi cho gọi trực thăng tới để đưa ông đi. Ông viết cho tôi là “Tôi biết ông có đủ khả năng để xây cất một cái miếu đường cho tôi để tôi có chỗ ở mà thờ phượng.” Tôi trả lời: “Được, tôi sẽ giúp Ông Đạo Nhỏ.” Ông cầm tờ giấy đó xếp lại và bỏ vào túi.
Tôi đưa Ông ra trực thăng bay lên núi Sam, Châu Đốc, kiếm ông Thiếu Tá Công Binh của tôi đang bắn đá ở đó. Tôi gọi radio trước cho ông nầy nên trực thăng vừa tới là ông leo lên cùng bay về Hồng Ngự với tôi và Ông Đạo Nhỏ. Khi trực thăng đậu ngay sân Chi Khu là có sẵn chiếc xe Jeep chờ sẵn chở chúng tôi đến nơi mà Ông Đạo Nhỏ muốn xây cất miếu. Nhà ông ở cũng gần chợ Hồng Ngự. Ông viết giấy đưa cho tôi nói đây là đất nhà của ông. Tôi nói với ông Thiếu Tá: “Thiếu Tá cố gắng giúp Ông Đạo Nhỏ xây cái miếu ở đây còn phương tiện hay cần vật liệu gì, Thiếu Tá cứ viết giấy về Liên Đoàn lãnh vật liệu lên làm,” tức là tôi cung cấp toàn bộ và cho các anh em Công Binh gồm cả một tiểu đội để việc xây cất càng nhanh càng tốt. Ông Đạo Nhỏ lấy giấy viết, vẽ sơ sơ ra cái nền vuông rồi ngăn vách phân biệt nơi nào để thờ phượng, nơi nào là chỗ ngủ của ông, chỗ để quần áo, nơi thay quần áo, rồi chỗ ở của người tu chung với ông, rồi cái bếp, cái nhà tắm, cầu tiêu. Nơi nào ông cũng có viết chữ trong đó, ông vẽ khéo lắm như một kiến trúc sư vậy. Ông còn cho cả chiều ngang khoảng 12 thước còn chiều xuôi chừng 16-18 thước. Diện tích cũng giống như một căn nhà chớ không nhỏ lắm, còn trên cái nóc thì muốn làm sao cứ làm. Riêng phía trước chỗ phần thờ phượng thì chiếm 1/3 căn nhà có xây một cái trang ở trên, rồi có cửa trước và có cửa ra vô hai bên hông.
Công việc nầy do anh em Công Binh hoàn thành khoản 20 ngày dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Hoàng Bá Hải. Ông nầy có lẽ là người Nha Trang nhưng nói giọng miền Nam, rất lanh lợi, làm giám đốc hầm đá núi Sam khoảng 7-8 năm. Sau khi hoàn tất, ông Thiếu Tá Hải có mời tôi lên ăn Khánh Thành nhưng lúc đó rất bận nên tôi không thể đến dự. Chính ông và Ông Đạo Nhỏ cùng mọi người làm lễ Khánh Thành trước khi Ông Đạo Nhỏ dọn vào ở. Còn tên miếu là gì thì tôi không biết.
Tôi cứ cầm tập thơ viết đầy 200 trương nầy coi đi coi lại hoài, nghiền ngẫm những điều ghi trong đó. Sau đó tôi cầm về Sài Gòn cẩn thận cất vô tủ sắt trong nhà. Tôi có người bạn là bác sĩ Nguyễn Bá Khả (có người em là bác sĩ Nguyễn Bá Tín), người Bắc di cư năm 1954, cha mẹ vẫn còn sống và đang ở chung với ông ở cư xá Lữ Gia, Sài Gòn. Ông bác sĩ nầy rất đàng hoàng và nhân ái. Trước cửa phòng mạch của ông ở đường Gò Công, Chợ Lớn có dán tờ giấy ghi là: “Kẻ nghèo khổ và người tu hành được khám bịnh miễn phí.”
Ông làm Tổng Trưởng Y Tế trong thời gian Nguyễn Cao Kỳ là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Khi ông đi họp bên Phi Luật Tân thì ở bên nhà ông Chánh Văn Phòng của ông là người miền Nam bị ông Kỳ ra lịnh cho Đại Tá Liễu, Giám Đốc Cảnh Sát bắt đem giam trong khám Chí Hòa. Nhóm trí thức và dân biểu gốc miền Nam chống ông Kỳ về vụ bắt giam nầy. Ông Kỳ đổ thừa là bác sĩ Khả ra lịnh. Ông Khả đang họp ở Phi Luật Tân có người gọi điện thoại báo cho ông. Ông liền bỏ họp trở về Việt Nam. Ông vô văn phòng ông Kỳ mạt sát ông nầy dữ dội: “Ông làm như vầy là sai! Tại sao Đổng Lý Văn Phòng của tôi mà ông ra lịnh bắt? Tại sao ông không nhận lại đổ thừa là tôi ra lịnh?” Sau khi xỉ vả ông Kỳ một hồi rồi ông đưa thơ từ chức, không làm nữa. Ông còn nói rằng: “Tôi muốn giúp ông để làm việc nước, nhưng ông đã làm trái với nguyện vọng của tôi nên tôi không chấp nhận làm việc chung với ông nữa. Tôi muốn trở về làm dân.”
Sau đó, bác sĩ Khả trở về nhà và buồn bực lắm. Thấy vậy, tôi mới mời ông tới nhà tôi chơi và cho ông xem quyển sách đó. Ông ngồi với tôi vừa uống nước vừa xem hết 200 bài thơ trong đó. Ông là một bác sĩ có bằng cấp của Pháp, du học bên Pháp nên thuộc loại bác sĩ giỏi. Xem xong, ông không nói năng gì và ra về. Trước khi về lại Cần Thơ, tôi đem cuốn sách đó cất vào tủ sắt. Lúc bấy giờ ông William Colby đang làm Cố Vấn cho chương trình Phụng Hoàng.
Đến tháng sau, tôi trở về Sài Gòn thăm vợ con, tôi mở tủ sắt ra coi lại thì quyển sách của tôi đã bị mất, luôn cả bản đồ vẽ đủ thứ trên đó cũng bị mất. Tôi nhớ bác sĩ. Nguyễn Bá Khả cũng có coi qua bản đồ nầy! Tôi hỏi bác sĩ Khả có nói với ai về quyển sách nầy không, ông trả lời: “Tôi với anh là bạn mà, tôi coi xong rồi thôi, có nói với ai đâu!” Tôi cố tình tìm kiếm vẫn không ra, rồi từ từ cũng không còn nhắc tới nữa, nhưng tôi tiếc lắm. Lâu lâu tôi cũng muốn giở ra coi để biết thời cuộc, vì đây là sách thiên cơ mà tôi tin tưởng.
Đến năm 1975, khi tôi sang được Hoa Kỳ, ở thành phố Roseville, California, thì được ông William Colby gởi lời mời lên nhà chơi. Lúc đó, ông Colby đang là giám đốc CIA của chánh phủ Hoa Kỳ. Khi tôi đến nhà thì được bà vợ ra tiếp đón còn ông thì đi làm, trưa đó mới về gặp tôi. Ông lấy cho tôi một cái Hotel bên ngoài, và một tài xế để tôi tiện việc đi chơi đây đó, nhứt là đi vòng vòng thăm Washington cho biết.
Trong lúc ăn cơm, tôi kể lại câu chuyện về Ông Đạo Nhỏ cho ông William Colby nghe. Nghe xong, ông Colby chỉ cười và nói ông biết rồi. Tôi hỏi tại sao ông biết. Ông trả lời chính bác sĩ Khả báo cáo với ông. Hóa ra là bác sĩ Khả làm việc cho CIA mà tôi đâu có biết! Colby nói là ông đã cho người lúc ban đêm mở cửa vào nhà tôi và mở tủ sắt lấy hết hồ sơ đó. Tôi hỏi ông lấy để làm gì. Ông nói sau khi lấy xong thì cho người mang tay về Hoa Kỳ, vì ở CIA có một ban chuyên môn nghiên cứu về chuyện đó và để tại đây cho họ nghiên cứu.
Tôi nói: “Thôi bây giờ đã nghiên cứu xong rồi, cho tôi xin lại dù là bản sao cũng được.”
Ông nói: “Không được! Nó đã thành một văn kiện mật, rất tối mật. Chính Tổng Thống Mỹ cũng không được xem chớ đừng nói việc trả lại cho you!” Nên tôi đành chịu thôi.
Đầu năm 1978, có hai vợ chồng ông Thiếu Tá gốc Phật Giáo Hòa Hảo ở Nam Cali lên Sacramento thăm bà con ở đây. Ông có gặp và kể cho tôi nghe về chuyện Ông Đạo Nhỏ. Ông Thiếu Tá nầy quê ở Rạch Giá có vợ ở Hồng Ngự, ông là Tiểu Đoàn Trưởng, Sư Đoàn 9 Bộ Binh nhưng sau biến cố 1975, vợ chồng ông trở về Hồng Ngự trốn lánh. Nhờ bà con chung quanh che chở không ai tố giác thành ra ông không phải đi tù cộng sản. Nhà bên vợ có một miếng ruộng ở giữa đồng nên vợ chồng ra đó làm ruộng từ năm 1975 đến năm 1977 mà không bị bắt. Ông nói, ông có đến gặp và biết Ông Đạo Nhỏ ở Hồng Ngự. Ông Đạo ở đó lo tu hành và chữa bịnh. Những bịnh nhẹ và ma quỷ thì ông làm hay lắm, còn về nóng lạnh hoặc sốt rét thì chữa không được khá. Đặc biệt, bịnh thuộc về ma hành quỷ bắt hay điên loạn thì ông chữa được hết.
Vào một buổi sáng sớm vào năm 1977, trong lúc vợ chồng ông đang nhổ mạ để sửa soạn cấy thì thấy có một người mặc áo dài đen, mặc quần trắng, đầu trần tóc hớt chải coi trẻ lắm và mang dép da từ trong chợ Hồng Ngự đi ra (từ đó cách chợ Hồng Ngự mấy cây số). Sau đó, hai vợ chồng đứng dậy chào vì biết người vừa tới đó là Ông Đạo Nhỏ. Ông Đạo lúc bấy giờ đã 17 tuổi rồi. Thấy hai người đứng dậy chào thì ông chỉ vô thúng xôi (khi họ đi ra đồng thì thường đem theo một cái thúng trong đó có đựng cơm nếp, muối mè và nước uống). Ông chồng hiểu ý, lấy một chén xôi rắc muối mè rồi đưa cho ông Đạo. Ông Đạo ngồi xuống bờ đất ăn ngon lành. Ăn xong chén xôi, ông chỉ hũ nước. Ông chồng lấy cái chén sạch rót cho một chén nước đưa cho Ông. Uống xong, Ông đứng lên chắp tay xá một xá, rồi băng ngang đồng đi về hướng Cao Lãnh. Hai vợ chồng lui cui nhổ mạ để kịp cấy nên lơ là, lúc đó chỉ độ 8 giờ sáng, nên Ông Đạo mất dạng lúc nào cũng không ai hay biết. Từ đó, Ông Đạo Nhỏ không còn trở về ngôi miếu của ông nữa.
Sự việc nầy, theo tôi nghĩ là do cái linh ứng của Đức Phật Thầy đã chuyển kiếp qua Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, rồi sau đó lại chuyển qua Ông Đạo Nhỏ. Sở dĩ tôi nghĩ như vậy vì khi tôi hỏi Sư Phụ của tôi, ông đã cho tôi biết. Sư Phụ tôi là một vị hòa thượng người Quảng Ngãi. Năm 1974, ông đã được 104 tuổi rồi. Lúc còn trẻ, ông tu ở Quảng Ngãi rồi sau đó đi ra Hà Nội và qua bên Tàu. Ông lại đi theo các ông sư Miến Điện về tu ở Miến Điện 5 năm, học ngôn ngữ và chữ viết Miến Điện rồi lại đi theo mấy ông sư nầy hành hương qua Nepal rồi đến Tây Tạng ở đó tu suốt 30 năm nữa. Sư Phụ tôi có thể nhịn đói 3, 5 năm mà không chết, và có thể chết 100 ngày hay 50 ngày rồi sống lại. Ông đã biểu diễn nhiều việc làm tôi phải hết hồn.
Bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới ông đều biết cả. Tôi đã đưa một ông Đại Tá người Đức tới thăm ông. Lúc đó ông đang ở trong Chợ Lớn được mấy người Tàu cất cho một cái am nho nhỏ để tu hành cùng với một tiểu đồng. Khi ông Đại Tá người Đức tới hỏi tiếng Đức thì ông cũng trả lời ngay bằng tiếng Việt. Lúc trước, tôi có dẫn một đồng bào người Thượng gốc Rhadê biết nói tiếng Việt tới hỏi chuyện với ông bằng tiếng Rhadê thì ông trả lời bằng tiếng Việt liền. Người nầy hỏi cái gì ông lền trả lời ngay cái nấy.
Có lần, tôi đem ông Đại Úy người Anh đến thì cũng được trả lời rất rành rẽ bằng tiếng Việt. Khi ông nghe thì hiểu ngay nhưng không nói được thứ tiếng đó mà trả lời bằng tiếng Việt. Tôi đưa nhiều người ngoại quốc tới gặp ông đều được trả lời bằng tiếng Việt rồi tôi thông dịch lại bằng tiếng Anh và đều được thỏa đáng. Sau đó tôi còn đưa một ông Đại Úy Ấn Độ tới thì cũng như mấy lần trước. Nghĩa là khi hỏi bằng tiếng Ấn thì được trả lời bằng tiếng Việt. Sau đó ông khuyên tôi là đừng mắc công đưa người ngoại quốc tới nữa.
Ông tu đến mức đọc được ngôn ngữ xuất phát từ tư tưởng con người. Người ta nói gì mặc kệ, nhưng ông đọc được tư tưởng của họ, nên biết họ muốn hỏi về việc gì vì tư tưởng họ phát ra lời nói ấy. Rõ ràng là Sư Phụ tôi đã tu đến cái mức cao thâm rồi. Sư Phụ đã chỉ dạy cho tôi cái pháp gọi là “ngũ hành tương sanh tương khắc” để đỡ đạn, không bị đạn vô trong người. Sư Phụ còn cho tôi biết, khi mình khấn vái cái gì mình không cần phải nói ra bằng miệng. Mình chỉ nghĩ trong tư tưởng rồi chấp tay làm thinh, khấn vái thì cái lời khấn cầu của mình sẽ tới người nghe liền, chỉ nhìn cái tư tưởng của mình là người ta biết ngay chớ không cần phải nói ra bằng lời. Luyện pháp “ngũ hành tương sanh tương khắc” là để khi đạn bắn vô người thì nó bị trợt ra ngoài. Nhưng muốn luyện cái pháp môn nầy phải mất công phu nhiều lắm.
Sư Phụ tôi là người không những biết pháp mà còn biết bùa chú nữa. Chẳng hạn như có hôm, đang ngồi nói chuyện trong bàn tròn trước sân am của ông thì có một anh du đãng người Tàu say rượu bước vô nói bậy, nói bạ rồi tự kéo ghế ngồi. Sư Phụ tôi nói: “Chú đi ra ngoài chơi!” Nó nói: “Ngộ không có li!” Ông đưa cái tay lên như vầy (giống như tung chưởng ra) tức thì tên nầy bật ngửa ra sau lăn mấy vòng, hoảng hồn chạy tuốt ra ngoài. Còn bên trong am, tôi có cho ông một cái bàn viết bằng sắt của Mỹ với cái ghế còn rất mới, ở phía sau lưng ông có một cái tượng Phật bằng vàng do người Tàu đem cúng, nặng năm lượng để lộng trong một cái hộp bằng kiếng, khiến ai nhìn cũng ham muốn. Nhiều đứa ăn trộm tới định đánh cắp nhưng khi vừa đưa tay ra thì đứng ngay tại đó luôn cho tới sáng, đợi ông thức dậy xin tha mạng. Ông đưa tay giải bùa cho nó. Nó té xỉu xuống đất nằm một hồi, rồi tỉnh dậy chạy đi, nên thấy ông Phật bằng vàng mà không ai ăn cắp được.
Còn tiền của ông để hai bên hộc bàn không bao giờ khóa mà không ai dám ăn cắp. Ông chuyên môn chữa bá bịnh, bịnh nào ông chữa cũng hết. Tuy nhiên, bịnh nào không chữa khỏi thì ông nói chữa không được. Ông nhìn mặt bịnh nhân là biết chữa được hay không. Người Tàu trong Chợ Lớn tin ông ghê lắm. Bịnh mà mấy bịnh viện chê đều đem tới cho ông. Tôi đã chứng kiến việc nầy nhiều lần. Ông hỏi người bịnh đang nằm ngáp ngáp, ông vừa hỏi vừa lấy tay rờ lên trán, rồi ông để hai ngón tay dưới lòng bàn chân bấm vô một lúc là thấy hết ngáp ngáp. Ông nói: “Ngồi dậy!” là bịnh nhân tức thì ngồi dậy. Kế đó, ông hỏi thẳng bịnh nhân bịnh tình thế nào rồi viết cho mấy toa thuốc, căn dặn kỹ lưỡng cách cho uống như thế nào. Nhưng trước khi chữa bịnh, ông thường đặt vần đề tiền, ông bảo đảm bịnh nầy có thể chữa sống hai năm nữa hay sáu tháng nữa hoặc một năm nữa.
Ông thường nói thẳng vấn đề tiền bạc nếu thân chủ đồng ý là ông chữa, tùy theo căn bịnh mà ra giá. Có thể là năm trăm ngàn hay tám trăm ngàn hoặc hơn nữa và cũng tùy theo kinh tế của gia đình người đó. Mà hễ khi nói đến tiền là phải chạy ngay về nhà đem tiền đến thì ông mới chịu chữa. Thường thì người giàu lấy nhiều còn người nghèo thì lấy ít. Khi nhận tiền, ông không cần đếm lại cứ thẩy vô hai hộc tủ đó. Số tiền nầy ông không xài. Ông có một lô đệ tử nghèo khổ đang làm thuê vác mướn, nếu vợ con gặp đau yếu thì tới ông, ông chữa trị giúp cho mà còn đưa tiền để về nhà lo chạy gạo hoặc mua thuốc. Đám nghèo khổ tới chữa bịnh đều được ông cho tiền.
Có một việc ông làm cho tôi sợ là từ năm 1970 đến 1974, mỗi sáng sớm ngày Rằm tháng Bảy là tôi phải đi vô am của ông, đem ông vô nhà sau tắm rửa cho ông. Lúc bấy giờ ông già lắm rồi, người của ông còn chừng hơn hai mươi ký lô còn cái vòng bụng của ông từ đằng trước ra phía sau lưng thì không bằng một gang tay. Thân thể ông chỉ như bộ xương vì từ năm 1970 đến năm 1974 ông không còn ăn gì nữa nhưng đi đứng vẫn bình thường, mỗi ngày chỉ uống mấy tách nước trà vậy thôi.
Mỗi sáng sớm ngày Rằm tháng Bảy từ năm 1970 tới năm 1974 là tôi phải vô tắm cho ông (mỗi năm chỉ tắm một lần). Tôi kỳ rửa bằng sà bông sạch sẽ rồi đưa quần áo cho ông mặc vô. Sau đó ông nằm lên “đi văn” đặt ở phòng khách rồi đắp mền lên người. Ông nằm dài ngay ngắn ra đó, thẳng hai tay hai chân, rồi niệm “Nam mô A Di Đà Phật” ba lần, rồi từ từ làm thinh luôn. Ông đã dặn tôi trước đó, là: “Thầy sẽ chết giả 49 ngày.” Việc nầy bắt đầu từ năm 1970, thành ra tôi phải cho người nhà tới canh chừng 24 trên 24 giờ và giữ nhà cho ông. Tôi sợ bị chuột cống lên cắn ông nên phải lấy mùng giăng cho ông trong thời gian nằm đó. Khi ông nằm như vậy một lúc, tôi rờ thử lỗ mũi thì thấy ông đã hết thở, còn thân thể tới chiều thì xám xịt và đến ngày hôm sau là lạnh ngắt như cái xác chết.
Đúng 49 ngày sau lúc 12 giờ trưa thì người trực ở đó cuốn mùng lên, lấy mền ra thì xác ông vẫn nằm nguyên đó, nhưng từ từ tôi thấy mấy ngón tay ngón chân của ông bắt đầu nhúc nhích. Sau đó, ông ngồi bật dậy, lấy hai bàn tay chà lên mặt mấy cái rồi cười “ha hả” trở lại tươi tỉnh bình thường như cũ. Lúc ông chết giả, tôi có đưa bác sĩ Khả tới thử nghiệm. Ông Khả đem máy móc y khoa tới, ông dùng máy đo áp suất máu (tâm động đồ) thì chỉ thấy một đường chạy ngang tức là tim không còn đập, nhưng khi dùng máy đo Encephalogram kiểm soát bộ óc coi có còn làm việc hay không thì thấy nó chạy bình thường giống như người đang nằm ngủ. Bác sĩ Khả lúc bấy giờ cũng là đệ tử của ông.
Tới tháng Giêng năm 1974 thì ông nói trước: “ Ngày Rằm tháng Bảy nầy, Thầy sẽ về núi.” (về núi tức là chết thiệt). Ông nhắn cho 12 người đại đệ tử phải có mặt đầy đủ ở bên ông. Đến chừng đó, tôi mới biết tôi là người đại đệ tử thứ 12. Ông hẹn 10 giờ mới được gặp mặt, ai tới trước cũng không được vô. Đúng 10 giờ, chúng tôi bước vô thì ông ngồi dậy với tư thế xếp bằng. Ông nhắn nhủ rằng: “Cái đời khổ sắp tới rồi! Các con phải rán giữ gìn tâm ý, làm điều thiện và lo tu hành.”
Ông còn nói thêm một câu nữa: “Trước khi đi về thế giới khác, các con nên biết là 49 ngày của 4 năm sau cùng nầy, Thầy đã đi về cõi khác. Thầy để cái xác nằm ở đây nhưng linh hồn về cõi khác. Đường đi nước bước là Thầy rành lắm, nơi cõi khác đó, nơi thế giới khác đó đều có mặt những vị đã tu thành chánh quả. Qua sang năm (tức năm 1975) thì miền Nam sẽ gặp đại nạn. Người nào tiền nhiều thì tội nhiều, người nào chức trọng quyền cao chừng nào thì tội càng nặng chừng nấy. Hòa thượng, sư sãi, ni cô, cha cố, dì phước tất cả mọi người đều phải tự cày cấy, trồng trọt mới có cái ăn. Dân chúng không còn có khả năng cúng dường nữa và cái đại nạn nầy sẽ trên dưới 30 năm rồi cơ trời mới chuyển, tự nhiên cái nạn nó mới hết.” Khi Thầy tôi nói “trên dưới 30 năm” thì phải hiểu theo toán học: trên 30 năm là 35 năm, dưới 30 năm là 25 năm, khoảng 10 năm đó là con số “du di” lên xuống cho nó chẵn. Năm nay là 32 năm rồi thì hy vọng 3 năm nữa mới hết cái đại nạn. Cũng có thể là trên 30 năm, dưới 30 năm; cộng lại là 60 năm.
Sau khi nói xong câu nầy thì Thầy cho phép đệ tử mỗi người được hỏi một câu hỏi. Bắt đầu là đại đệ tử thứ nhứt được lên hỏi, mà muốn câu hỏi không cho người khác biết nên phải kê miệng vô lỗ tai ông nói nhỏ rồi kê lỗ tai vô ngay miệng ông để nghe câu trả lời. Người đại sư huynh của tôi là một ông Lục người Campuchia. Ông ở đâu dưới miền Nam đến khi ông tới đây, tôi mới được biết. Lúc đó ông đã hơn 80 tuổi rồi, vì là người Việt gốc Miên nên nói được tiếng Việt. Sau khi nghe Thầy trả lời, ông chắp tay xá một cái rồi đi xuống ngồi yên lặng ở đó. Kế đó, tất cả mọi người tuần tự đi lên. Bữa đó, bác sĩ Khả được ông Thầy cho phép nên cũng có mặt. Bác sĩ Khả chỉ là đệ tử người sư huynh của tôi vì cũng muốn học môn nhịn đói.
Tôi là người đại đệ tử cuối cùng nhưng nhường bác sĩ Khả lên trước. Ông Khả lên đặt miệng vô lỗ tai ông Thầy hỏi một câu. Sau đó định kê lỗ tai vô miệng Thầy để nghe trả lời thì ông Thầy lấy tay đỡ mặt bác sĩ Khả ra rồi nói lớn lên câu: “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du.” Ông Khả nghe xong quỳ xuống xá một xá rồi đi xuống ngồi yên. Đến lượt tôi lên, tôi hỏi nhỏ: “Thưa Thầy! Nếu cái chuyện nó xảy ra như Thầy nói, con phải làm sao?” Ông nói nhỏ trong lỗ tai tôi rằng: “Con nghĩ sao, con làm vậy.” Có nghĩa là lúc cái đại nạn nó tới, tôi nghĩ sao thì tôi làm vậy.
Vì vậy, khi gần tới ngày 30 tháng Tư năm 1975 tôi đã cho vợ con tôi lên máy bay đi Mỹ trước theo đám cố vấn Mỹ mà không cần giấy tờ gì hết, vì lúc đó tôi đang làm Thứ Trưởng của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách cứu trợ nạn nhân định cư. Tôi nghĩ, tôi có khả năng nhịn đói cả tháng nên có thể vô rừng ở hoặc đi bộ qua Thái Lan cũng dễ dàng nên quyết định ở lại. Cuối cùng, như một phép lạ tôi được đưa lên trực thăng tại DAO ở Tân Sơn Nhứt bay ra hạm đội Mỹ vào giờ thứ 25 với tư cách là một mục sư Tin Lành chớ không phải là một Thiếu Tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét