Bản tin theo báo Thằng Mõ San Jose. Nhà báo Lê Văn Hải
Hôm nay, ngày 7 tháng 12, nước Mỹ tưởng niệm trận Trân Châu Cảng: gần một thế kỷ, mà dấu ấn lịch sử đau thương khó phai trong trái tim người Mỹ!
Hôm nay, toàn nước Mỹ đã kỷ niệm 82 năm kể từ ngày Nhật Bản tấn công vào căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng, quần đảo du lịch thần tiên tọa lạc tại Hawaii, trong bối cảnh "thế hệ vĩ đại nhất", số người Mỹ lớn lên và chiến đấu trong Thế chiến thứ hai đang giảm dần.
Theo các nhà sử học, cuộc tấn công vào ngày 7/12/1941 đã làm rung chuyển một quốc gia vốn chỉ tập trung nguồn lực vào Thế chiến thứ hai diễn ra ở châu Âu, dẫn đến sự sơ hở trước mối đe dọa từ Nhật Bản. Cuộc thảm sát lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 2.390 người Mỹ, nguồn cơn tức giận của màn “trả đũa" thả bom nguyên xuống Hiroshima và Nagasaki, gây chấn động địa cầu lúc bấy giờ!
Theo tờ US News, vụ máy bay phát xít Nhật bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, nhiều chiến hạm bị đánh chìm hoặc hư hại. Một ngày sau, Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản và mở ra một cuộc chiến tàn khốc trên mặt trận Thái Bình Dương.
“Sáng 7/12/1941, chỉ vài phút sau khi cuộc tấn công nổ ra, tàu USS Utah đã bị trúng hai quả ngư lôi, khiến nhiều khoang bị ngập nước. Sĩ quan Peter Tomich khi đó đang ở trong phòng động cơ, đã cố làm động cơ hơi nước ổn định, để các thủy thủ có cơ hội thoát khỏi con tàu. Sau đó, sĩ quan Peter Tomich đã anh dũng hy sinh. Chiến hạm USS Utah chìm đã khiến 58 thủy thủ tử nạn”, chỉ huy Hải quân Mỹ Jason Adams nói trong buổi lễ tưởng niệm năm 2021
Các thành viên của Hải quân Mỹ, các cựu chiến binh, bạn bè và gia đình các nạn nhân đứng lên tưởng niệm khi tên của những người đã khuất vang lên cùng với một hồi chuông. Tiếng kèn "Taps" sau đó được phát gần nơi xảy ra vụ chìm tàu.
Mỹ sau đó đã để lại một dấu ấn kinh hoàng không chỉ Nhật Bản, mà cả thế giới cho tới ngày hôm nay. Vào tháng 8/1945, vài ngày sau trận chiến Trân Châu Cảng, 2 quả bom nguyên tử “Little Boy" và “Fat Man" lần lượt được thả xuống bầu trời Hiroshima và Nagasaki, tạo ra một “mồ chôn" của hàng trăm nghìn thường dân!
Những Hình Ảnh Không Quên!
Nhắc Nhở: Chủ Nhật Tuần Này, Ngày 10 Tháng 12, Kỷ Niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền!
(Trần Đức Tường)
Ngày Quốc Tế Nhân Quyền cốt là để nhắc nhở mọi người sống trên Trái Đất này, đều có quyền bình đẳng hưởng những quyền tự do căn bản con người. Nó cũng là dịp để những ai chưa có đủ các quyền tự do căn bản đó, sống trong những chế độc tài, hãy đứng lên đấu tranh đòi hỏi quyền căn bản này!
Riêng Việt Nam, kể từ Tháng Tư, 75, cả gần nửa thế kỷ, những quyền này, hoàn toàn bị cấm đoán! Muốn có, phải can đảm đứng lên lật đổ bạo quyền Cộng Sản! (Hoa Tự Do, phải tưới bằng...Máu!)
-Sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai gây ra bởi chủ thuyết quốc gia cực đoan, kỳ thị chủng tộc, và tham vọng thống trị thế giới, giết hại hàng chục triệu người, Tổ Chức Liên Hiệp Quốc bao gồm 51 quốc gia sáng lập đã chính thức ra đời ngày 24/10/1945. Mục đích của Liên Hiệp Quốc là đoàn kết các dân tộc để bảo vệ hòa bình, phát triển, trên những nguyên tắc công bằng, nhân phẩm và hạnh phúc cho mọi con người. Nhằm phòng ngừa sự tái diễn của thảm họa một chủ thuyết đầy đọa con người và cũng đồng thời nhằm chấm dứt chế độ thuộc địa vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, vào ngày 10/12/1948, tại điện Chaillot, Paris, thủ đô nước Pháp, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã ký kết và phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Năm 1950, nhân kỷ niệm 2 năm ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quóc tế Nhân Quyền, Đại Hội Dồng LHQ đã kêu gọi các quốc gia thành viên, lúc đó đã lên đến con số 60, lấy ngày 10/12 mỗi năm làm NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN.
Từ đó đến nay, mỗi năm người ta kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân Quyền vào ngày 10/12. Đưa ra ý niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền là để nhắc nhở mọi người sống trên Trái Đất này đều có quyền bình đẳng hưởng những tự do căn bản. Nó cũng là dịp để những ai chưa có đủ các quyền tự do căn bản đó, có dịp đấu tranh đòi hỏi. Nó còn là dịp để các quốc gia đẩy mạnh những nỗ lực tôn trọng và thực thi các nhân quyền và dân quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng thực tế cho thấy, số người trên thế giới không biết đến ngày Quốc Tế Nhân Quyền không phải là ít. Có thể có hai thành phần quần chúng không để ý gì đến ngày này và cũng không biết đó là ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Thành phần thứ nhất sống ở trong những nước dân chủ, tiến bộ, nơi hầu hết các quyền tự do căn bản của con người đề được tôn trọng và được hiến pháp, luật pháp bảo đảm thực hiện. Nhân quyền, đối với họ là điều tự nhiên. Từ lúc họ sinh ra cho đến khi họ lìa đời, họ sống và sinh hoạt trong một môi trường đầy đủ nhân quyền. Nhân quyền không còn là mối ưu tư của họ. Vì thế cho nên họ không để ý đến Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Thành phần thứ hai không biết đến Ngày Quốc tế Nhân Quyền là những người sống trong những chế độ độc tài. Trước hết, chính những người cầm quyền bưng bít không cho người dân biết những quyền tự do căn bản của mình. Thậm chí, người dân không hề biết được nội dung Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Trong lúc đó, họ tuyên truyền và mô tả Nhân Quyền một cách sai lạc để người dân đang bị chà đạp Nhân Quyền mà cứ tưởng mình đang có Nhân Quyền. Về phía nhân dân thì vì bị bưng bít thông tin, vì bị cấm đoán, vì bị tuyên truyền lừa dối nên không có ý thức gì về Nhân Quyền và cũng không dám đòi hỏi, nói gì biết đến Ngày Quốc Tế Nhân Quyền?
Tình trạng này đã và còn đang diễn ra tại Việt Nam dưới chế độ độc tài cộng sản. Tuy CSVN đã gia nhập Liên Hiệp Quốc từ năm 1977, tuy họ ghi trên hiến pháp của họ những Nhân Quyền và Dân Quyền dựa theo tinh thần Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, nhưng thực sự người dân không hề được hưởng bất cứ một quyền tự do nào ghi trên hiến pháp. Thực tế này đã được thế giới biết rất rõ và CSVN luôn bị khuyến cáo phải tôn trọng Nhân Quyền. Tất cả các chính khách kể cả nguyên thủ các quốc gia Tây Phương tới công du Việt Nam đã nêu thẳng vấn đề này với tập đoàn lãnh đạo chóp bu của CSVN. Nhưng CSVN vẫn biện bác là Việt Nam khác với các nước khác. Luận điệu này hoàn toàn mang tính ngoan cố. Khi áp lực về Nhân Quyền của thế giới lên chế độ CSVN lên đến mức cao độ, qua tờ báo Nhân Dân, họ đã cho đăng một bài gọi là ‘Điều ra giá trị: Đánh giá cao dân chủ và quyền con người ở Việt Nam’. Trong bài này, họ đã lập lờ đánh lận con đen với câu: ‘Dân chủ và quyền con người gắn liền với giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới’. Bây giờ ai cũng thấy rõ, cộng sản cướp chính quyền không nhằm mục đích đem lại cho dân Nhân Quyền, tự do và cho đất nước một nền dân chủ thực sự. Họ cướp chính quyền để thiết lập chế độ chuyên chính vô sản. Đã nói đến chuyên chính, tức là không hề có tự do của con người. Ngày nay, nhiều người đã thấy rõ dân chúng tại Việt Nam còn cực khổ hơn dưới thời thuộc địa.
Ngày Quốc tế Nhân Quyền năm nay, cũng như mọi năm, trên toàn thế giới, các cộng đồng người Việt hải ngoại xuống đường, biểu tình để nói lên với thế giới rằng ở Việt Nam, dưới chế độ độc tài CS hiện nay không có tự do, Nhân Quyền bị chà đạp, đặc biệt là là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội, tự do nghiệp đoàn vv…
TUYÊN CÁO CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI
VỀ NGÀY ‘VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN, TỰ DO DÂN CHỦ VÀ VẸN TOÀN LÃNH THỔ’ CHO VIỆT NAM
XÉT RẰNG
Sau khi kiểm soát hoàn toàn Việt Nam kể từ ngày 30/4/1975, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam’ đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam cho đến ngày hôm nay như sau:
1- Chỉ có một đảng độc quyền cai trị là đảng Cộng Sản. Xã hội hoàn toàn bị kiểm soát bởi đảng này. Cái được gọi là ‘Quốc Hội’ và ‘chính phủ’ hoàn toàn do đảng Cộng sản chỉ định và kiểm soát. Cuộc bầu cử chỉ là bình phong, người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, hoặc lựa chọn..
2- Các quyền tự do căn bản của người dân đều bị tước đoạt, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo v.v…
3- Hệ thống tư pháp hoàn toàn bị kiểm soát bởi đảng CSVN. Những vụ án đều được xét xử một cách tùy tiện, bất công, không có tiêu chuẩn quốc tế, kết quả được quyết định bởi đảng cầm quyền. Các luật sư đều bị đe dọa, đàn áp, truy đuổi.. Nhiều luật sư bào chữa cho dân oan hoặc những nhà tranh đấu, đã phải trốn ra nước ngoài.
4- Hiện nay có trên 200 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ một cách bất công. Nhiều vụ bắt ềbớ, giam cầm, xét xử các bloggers, các nhà văn, nhà báo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo một cách tùy tiện, vô căn cứ, không theo tiêu chuẩn tối thiểu của pháp luật quốc tế. Nhiều vụ án tử hình đã bị thế giới lên án vì thiếu minh bạch. Các thẩm phán, chánh án, nhân sự tư pháp đều do đảng chỉ định và thiếu khả năng về luật pháp.
5- Nhà cầm quyền đã đồng lõa để cán bộ đảng viên cấu kết, công khai tham nhũng, đòi hối lộ của người dân, thâm lạm và cướp đoạt tài sản công, đời sống nhân dân gặp khó khăn, ngân sách quốc gia cạn kiệt, xã hội bị suy đồi, văn hóa biến chất…
6- Nhà cầm quyền không hoàn trả tài sản, cơ sở tôn giáo bị tịch thu từ năm 1975, không cho mở lại các trường học, tu viện, cơ quan từ thiện. Đặc biệt thành lập các tổ chức tôn giáo quốc doanh, đàn áp các tôn giáo chân truyền, phá bỏ Chùa Liên Trì và các cơ sở thờ phượng của Phật giáo; cướp đoạt tài sản của giáo hội Công Giáo tại Hà Nội và nhiều nơi khác, tịch thu Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh, Thánh thất tại Phú Yên…; tịch thu tài sản và đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo ở Miền Tây, đàn áp Tin Lành sắc tộc ở Tây Nguyên và khắp nơi..
7- Nhà cầm quyền bất chấp những khiếu nại của các dân oan từng bị cướp đất, cướp tài sản,
bị bắt oan, xử án oan..
8- Nhà cầm quyền xem thường những sự lên án, khuyến cáo của các cơ quan và tổ chức nhân quyền quốc tế hoặc của chính phủ các nước tự do về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam
XÉT RẰNG
Nhà cầm quyền CSVN lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng về nhiều lãnh vực:
1- Về ý thức hệ: đảng CSVN hiện thân là đảng đàn em của Trung Cộng, hoàn toàn lệ thuộc về ý thức hệ và được đặt dưới hệ thống kiểm soát của đảng cộng sản Bắc Kinh. Rất nhiều cán bộ đảng viên được huấn luyện và đào tạo tại Trung Cộng.
2- Về nợ chiến tranh: đảng CSVN đã mắc nợ Trung Cộng về chiến tranh. TC đã giúp Việt Minh (tức cộng sản trá hình) về tiền bạc, vũ khí, đạn dược kể cả người trong chiến tranh, nhất là ở biên giới Bắc Việt Nam, trận Điện Biên Phủ và sau này trong cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam
3- Về kinh tế: CSVN lệ thuộc TC nặng nề về kinh tế, tài chánh, từ những hiệp ước bí mật, những ràng buộc của nước lớn lên nước nhỏ, do đó CSVN khó thoát khỏi cái tròng nô lệ này. CSVN sẽ bị trừng phạt nếu không nghe theo lệnh của Bắc Kinh.
4- Nhà cầm quyền CSVN đã không dám phản ứng về những xâm phạm chủ quyền đất liền, biển đảo do Bắc kinh áp đặt, mà chỉ lên tiếng lấy lệ, trong khi Hà Nội khước từ những sự giúp đỡ của khối các nước dân chủ tự do về quốc phòng để có thể hồi phục và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Vì những lý do trên, nhân ngày QTNQ lần thứ 75, người Việt tại hải ngoại long trọng tuyên cáo:
1-Cực lực phản đối nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm nhân quyền trầm trọng, áp đặt một chính sách độc tài toàn trị, đàn áp người dân một cách thô bạo, cướp đoạt tài sản của nhân dân để làm giàu đảng thống trị.
2-Phản đối nhà cầm quyền CSVN lệ thuộc và nhu nhược trước sự xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam của Trung Cộng.
3-Đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, các Công Ước Quốc Tế về quyền tự do chính trị và dân sự do LHQ chủ trương mà chính họ đã cam kết thi hành khi gia nhập.
4-Bảo đảm các quyền tự do căn bản của công dân, chấp nhận các tổ chức xã hội dân sự. Thả ngay các tù nhân chính trị, tôn giáo, các ký giả, các nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt giữ. Trả lại các tài sản của các giáo hội đã bị cướp đoạt trước đây. Phải để cho các tôn giáo được tự do hành đạo không có sự can thiệp của nhà cầm quyền.
5-Chấp nhận một hệ thống tư pháp độc lập, hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bãi bỏ điều 4 hiến pháp, một điều khoản phi dân chủ mà nhà cầm quyền xử dụng để thống trị nhân dân, hoàn toàn trái ngược với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
6-Tổ chức bầu cử tự do thật sự với sự giám sát của quốc tế.
7-Phải cương quyết chống lại những xâm phạm chủ quyền của Việt Nam từ Bắc Kinh. Hợp tác với quốc tế để bảo vệ chủ quyền đất nước.
8-Thỉnh cầu quốc tế và Liên Hiệp Quốc áp lực buộc nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng quyền tự do của người dân, tuân thủ các định chế quốc tế về nhân quyền. Buộc nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của quốc gia Việt Nam.
Toàn thể người dân Việt Nam trong và ngoài nước cần ý thức được trách nhiệm của người công dân yêu nước chân chính trong thời đại hiện nay nhằm đưa đất nước đến dân chủ, tự do, thịnh vượng, hạnh phúc, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia.
Làm tại New York ngày 8 tháng 12 năm 2023
(Ký tên)
San Jose: Cầu Nguyện và Thắp Lửa Nhân Quyền Cho Quê Hương Việt Nam
Người Việt và Các Cộng Đồng Bạn: Hồng Kông, Phi Luật Tân, Tây Tạng, Ngô Nhĩ,…Biểu Tình Trước Sứ Quán Trung Cộng Tại San francisco, Đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền!
Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam & Biểu Tình
Quốc Tế Đó Đây
***
Syria: Hàng Trăm Chiến Binh Thân Iran Khai triển Sát Cao Nguyên Golan Do Do Thái Kiểm Soát
(Hình: Binh sĩ Do Thái đứng gần bệ phóng phi đạn ở cao nguyên Golan do Do Thái chiếm đóng. Ảnh chụp ngày 6/11/2023.)
-Trong những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy một số nhóm vũ trang thân Iran khai triển lực lượng xung quanh cao nguyên Golan, của Syria, hiện do Do Thái kiểm soát. Việc khai triển nói trên được Đài Quan sát Nhân quyền Syria và một số nguồn tin độc lập Syria xác nhận.
Mục tiêu có thể là để sẵn sàng mở một mặt trận mới chống Do Thái, để giảm bớt áp lực cho tổ chức Hamas, hiện đang bị quân đội Do Thái tấn công tại miền Nam dải Gaza. Thông tín viên RFI Paul Khalifeh gửi về bài tường trình từ Beirut (Lebanon) ngày 4/12/2023:
"Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, một số lực lượng thân Iran đã "kiểm soát" nhiều khu vực thuộc lãnh thổ Syria, bao quanh cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ của Syria bị Do Thái chiếm đóng và sáp nhập. Trong những tuần gần đây, khoảng 700 "chiến binh tinh nhuệ" đã được khai triển theo từng nhóm nhỏ ở Quneitra, phía nam thủ đô Damas, và Deraa, phía nam, hai tỉnh giáp với cao nguyên Golan.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết cụ thể là đa số các chiến binh này thuộc về phong trào mang tên "Cuộc kháng chiến Syria giải phóng Golan". Họ được lực lượng Hezbollah Liban và Vệ binh Cách mạng Iran huấn luyện, và có thể đã được khai triển dọc đường giới tuyến mà không có sự cho phép của chính quyền Syria. Các chiến binh này chủ yếu là người Syria, nhưng trong hàng ngũ họ cũng có cả người Irak hoặc người Palestine.
Cao nguyên Golan là một mặt trận mà các đồng minh của Iran có thể mở ra, để giảm nhẹ áp lực cho Hamas ở dải Gaza. Tại khu vực này, kể từ ngày đầu chiến tranh 07/11, đã diễn ra chiến sự ở cường độ thấp, với một số cuộc oanh kích bằng pháo và rốc-kết diễn ra khá đều đặn.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria ghi nhận 37 chiến binh thân Iran thiệt mạng tại Syria trong tháng 11 do các cuộc không kích hay pháo kích của quân đội Mỹ hoặc Do Thái".
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, hôm 4/12, đặc phái viên về Yemen, ông Tim Lenderking, sẽ tới vùng Vịnh trong tuần này, để thúc đẩy đối thoại giữa các phe phái xung đột tại Yemen, nhằm giảm bớt nguy cơ xung đột bùng phát trở lại, trong bối cảnh phe nổi dậy Houthi gia tăng tấn công vào Do Thái. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, đặc phái viên về Yemen sẽ tìm cách "một mặt không để xung đột Do Thái-Hamas lan rộng ra khu vực, mặt khác ưu tiên thúc đẩy đối thoại chính trị giữa các phe phái tại Yemen nhằm chấm dứt chiến tranh ở quốc gia này".
Chiến Tranh Do Thái-Hamas: Người Dân Gaza Bị Mắc Kẹt Dưới Bom Đạn của Do Thái
(Hình: Người Palestine di tản tới bệnh viện Nasser ở Khan Younis, phía Nam Gaza, nhận khẩu phần thức ăn. Ảnh chụp ngày 1/12/2023.)
-Hôm 5/12/2023, Do Thái tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào Hamas ở miền Nam dải Gaza, nơi trú ẩn của hàng trăm ngàn người Palestine từ đầu cuộc chiến. Bất chấp các cảnh báo về rủi ro đối với thường dân, quân đội Do Thái đã huy động hàng chục xe tăng, xe vận tải quân đội hay các máy ủi vào khu vực này.
Tại miền nam Gaza, theo thông tấn xã AFP, hàng trăm ngàn người bị mắc kẹt gần biên giới với Ai Cập hiện đã đóng cửa với người dân Gaza, và phải đối mặt với các cuộc tấn công từ Do Thái. Điều phối viên về Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc phụ trách vùng lãnh thổ Palestine, Lynn Hastings, cảnh báo rằng "một kịch bản thậm chí còn khủng khiếp hơn sắp xảy ra mà các hoạt động nhân đạo khó có thể ứng phó được".
Sáng nay, bệnh viện Nasser lớn nhất ở miền nam Gaza, gần Khan Younes, rơi vào tình trạng hỗn loạn, sau cuộc tấn công vào đêm qua. Quá nhiều người bị thương nhưng lại thiếu nhân lực cũng như phương tiện chữa trị. Bệnh viện cũng là nơi trú ẩn của hơn 17.000 người tị nạn. Khi bị tấn công từ bắc chí nam, nhiều gia đình muốn di cư rời Gaza nhưng họ bị mắc kẹt, không biết nơi nào để đi. Thông tín viên RFI Sami Boukhelifa tường trình từ Jerusalem:
Ở lại Gaza để làm gì? Ông Khamis than thở: "Ở lại thì chết thôi!" Ông nói: "Tôi là chủ doanh nghiệp nhưng công ty của tôi đã bị phá hủy. Tôi có những dãy nhà cho thuê ngắn hạn, theo mùa nhưng giờ đây tất cả đã bị phá hủy. Tôi đã mất tất cả, tôi không còn bất cứ nguồn thu nhập nào. Ở Gaza, tôi không sống mà cố gắng tồn tại. Hiện giờ tôi chẳng còn gì cả".
Vợ của Khamis, bà Manel đặt câu hỏi "tương lai của lũ trẻ sẽ ra sao?". Bà cho biết "chúng tôi đã quyết định, chúng tôi muốn sống xa nơi này". Bà nói thêm: "Tôi chưa bao giờ rời khỏi Gaza nhưng cuộc chiến này, nỗi sợ, nỗi kinh hoàng mà chúng tôi phải trải qua mỗi ngày, không đứa trẻ nào có thể chịu đựng được. Tôi đã xây dựng gia đình từ 12 năm qua và giờ tôi rất sợ cho các con tôi. Tôi muốn rời đi bằng bất cứ giá nào. Ở đây không có cuộc sống, tất cả là hư vô. Xung quanh tôi, mọi thứ đã bị phá hủy. Cuộc chiến này đã khiến chúng tôi phải chịu đựng rất nhiều. Nhà của chúng tôi đã bị phá hủy".
Hiện ở miền trung Gaza, hai vợ chồng cùng những đứa trẻ đang tìm cách di chuyển xuống miền nam để đến biên giới với Ai Cập, nhưng cửa khẩu này đã chính thức bị đóng lại đối với những người dân Gaza. Một nguồn tin từ Gaza cho biết, "nếu có quen biết thì trả trung bình khoảng 5.000 Mỹ kim mỗi người thì phía Ai Cập để cho qua cửa khẩu"
Cả Ukraine Lẫn Nga Đều Nói Đã Diệt Hàng Chục Máy Bay Không Người Lái của Nhau
(Hình: Binh sĩ Ukraine bắn máy bay không người lái, ngày 30/11/2023.)
-Thông tấn xã Reuters dẫn nguồn tin từ chính quyền Ukraine hôm 5/12/2023 cho biết quân đội Ukraine bắn hạ 10 trong số 17 máy bay không người lái tấn công do Nga phóng đi trong đêm,.
Thống đốc vùng Lviv, miền tây Ukraine, cho hay 3 máy bay không người lái đã tấn công một mục tiêu cơ sở hạ tầng không được nêu tên, nhưng thiệt hại là rất nhỏ và không có thương vong nào được ghi nhận.
Lực lượng Không quân Ukraine thông báo rằng các máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên "nhiều khu vực khác nhau" của đất nước.
Họ cho biết 6 phi đạn S-300 đã phóng vào các mục tiêu dân sự ở khu vực Donetsk ở miền đông và Kherson ở miền nam.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy hoặc đánh chặn tổng cộng 41 máy bay không người lái do Ukraine phóng trong đêm hôm trước và sáng sớm hôm 5/12, vẫn theo thông tấn xã Reuters.
Trong một tuyên bố trên kênh Telegram, Bộ này cho biết 26 máy bay không người lái đã bị diệt trên lãnh thổ Nga và 15 chiếc bị chặn trên Biển Azov và Bán đảo Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga không cho biết liệu có bất kỳ thiệt hại nào do vụ tấn công hoặc các mảnh vỡ rơi xuống gây ra hay không.
Thông tấn xã Reuters không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố này. Chưa có bình luận ngay lập tức từ Ukraine.
Nga nhiều lần phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine nhưng nói rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này là mục tiêu quân sự chính đáng.
Tổng Thống Zelenskyy, Giới Chức Hàng Đầu của Mỹ Cùng Vận Động Xin Tài Trợ Thêm Cho Ukraine.
(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước Quốc hội Mỹ qua video, ngày 16/3/2022.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay Tổng thống Ukraine, ông Volodomyr Zelenskiy và các Phụ tá hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trình bày quan điểm của họ trước các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 5/12/2023, về lý do tại sao cần có một đợt viện trợ quân sự mới để giúp Ukraine đẩy lùi quân xâm lược Nga.
Các viên chức Mỹ nói rằng Mỹ sẽ chi tất cả những gì có thể cho Ukraine vào cuối năm nay, đây là một dự báo ảm đạm được đưa ra khi Kyiv đang nỗ lực đạt được những tiến bộ lớn trong cuộc phản công trước quân Nga trong năm 2023.
Hồi tháng 10, chính quyền của Tổng thống Biden đề nghị Quốc hội cấp gần 106 tỉ Mỹ kim để chi cho các kế hoạch đầy tham vọng đối với Ukraine, Do Thái và an ninh biên giới Hoa Kỳ, nhưng đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với thế đa số sít sao đã từ chối gói này.
Lãnh đạo khối đa số trong Thượng viện Chuck Schumer, một đồng minh thân cận của ông Biden, thông báo vào tối 4/12 rằng chính quyền Biden đã mời ông Zelenskyy phát biểu trước các thượng nghị sĩ thông qua đường truyền video bảo mật trong khuôn khổ cuộc họp bí mật vào 5/12 "để chúng tôi có thể nghe trực tiếp từ ông ấy để biết điều gì có tính quyết định trong cuộc bỏ phiếu này".
Ngoài ra, nhiều viên chức hàng đầu của ông Biden, gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken, dự kiến sẽ trình bày tóm tắt với các thượng nghị sĩ vào ngày 5/12.
Ông Schumer cũng bắt đầu quá trình thúc đẩy dự luật viện trợ khẩn cấp Ukraine-Do Thái tại Thượng viện.
Ông Schumer nói trong bài phát biểu tại Thượng viện rằng: "An ninh quốc gia của Mỹ đang bị đe dọa trên toàn thế giới" với số phận của viện trợ Ukraine đang rất bấp bênh. Ông nói thêm: "Những kẻ chuyên quyền, những kẻ độc tài đang tiến hành chiến tranh chống lại nền dân chủ, chống lại các giá trị của chúng ta, chống lại lối sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao việc thông qua phần bổ sung này lại rất quan trọng. Nó có thể xác định quỹ đạo của nền dân chủ trong nhiều năm tới".
Ông Zelenskyy nói với thông tấn xã Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 rằng mặc dù diễn ra chậm chạp, Ukraine sẽ cố gắng đạt được kết quả trên chiến trường vào cuối năm nay và ông vẫn chắc chắn rằng Kyiv cuối cùng sẽ thành công trong cuộc chiến bất chấp những khó khăn ở mặt trận.
Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy việc Mỹ cấp viện trợ đã bị đình trệ, khiến Tòa Bạch Ốc thấy đáng báo động, họ lo ngại rằng không giúp đỡ Ukraine hơn nữa sẽ làm tăng khả năng chiến thắng cho Nga.
Tổng Thống Nga "Lấy Làm Tiếc Vì Quan Hệ Giữa Nga và Châu Âu Xấu Đi"
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi lễ nhận quốc thư của các Ðại sứ ngoại quốc, tại Cung điện Grand Ðiện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 4/12/2023.)
-Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine vẫn tiếp diễn, hôm 4/12/2023, tại buổi lễ tiếp đón các Ðại sứ châu Âu mới được bổ nhiệm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu lấy làm tiếc vì mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và các nước phương Tây "ngày càng xấu đi".
Trong buổi lễ tại Ðiện Cẩm Linh, theo thông tấn xã AFP, ông Putin đã bày tỏ "thời gian qua quả là không dễ dàng", khi Nga bị các nước phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. Trước Ðại sứ Anh tại Nga, ông Putin nhắc lại rằng hai nước đã có thể vượt qua những khác biệt sau Đệ Nhị Thế Chiến, thiết lập mối quan hệ, và hy vọng tình hình có thể thay đổi. Quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Luân Đôn đã bị đóng băng từ khi Nga xâm lược Ukraine. Anh Quốc hỗ trợ nhiều nguồn lực quân sự cho Ukraine.
Về phía Đức, ông Putin lấy làm tiếc rằng Berlin đã chọn từ bỏ năng lượng của Nga. Nguyên thủ Nga cũng cho biết gần như không có liên lạc nào với Thụy Điển, quốc gia vốn đang muốn gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trở nên phức tạp từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Về tình hình chiến sự tại Ukraine, Nga vẫn tiếp tục tấn công vào miền nam nước này. Kyiv cho biết 2 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom gần Kherson vào sáng nay. Còn tại miền Đông, vùng Donbass, viên chức Ukraine cho biết Nga đang dồn lực tấn công vào thị trấn Avdiivka và cho biết tại đây gần như không có tòa nhà nào còn nguyên vẹn. Từ Kyiv, thông tín viên RFI Pierre Alonso cho biết thêm thông tin:
Một thị trấn chìm trong đống đổ nát, gần như không còn ai sinh sống. Các cuộc giao tranh diễn ra không ngừng nghỉ. Đó là tình trạng của Avdiivka, thành phố có hơn 35.000 dân trước chiến tranh, nay chỉ còn chưa đến 1300 người.
Nằm gần chiến tuyến từ năm 2014, Avdiivka vẫn trụ được vào mùa xuân năm 2022 khi Nga cố chiếm đóng thành phố này. Thế nhưng lực lượng Ukraine không thành công trong việc nới lỏng gọng kìm đang đe dọa thành phố từ các sườn núi phía đông, bắc và tây nam của Avdiivka. Hiện quân đội Nga đang tiến lên. Những ngày qua, quân Nga đã chiếm đóng được các vị trí ở phía bắc tại làng Stepove, và tiến dần về phía nam.
Các cuộc tấn công từ những hướng mới khiến thị trưởng của thành phố, Vitaly Barabach phải cảnh giác. Ông Vitaly Barabach xem đó là một dấu hiệu cho thấy Mạc Tư Khoa muốn chiếm lấy Adviivka bằng mọi giá. Và cái giá đó quá cao khi phải trả bằng sinh mạng của con người.
Vào tháng 11, theo như số thống kê từ Kyiv, Nga đã mất khoảng 931 lính ở Ukraine. Kể từ đầu cuộc xâm lược, số thương vong, dù không thể kiểm chứng bằng các nguồn tin độc lập, nhưng có thể còn cao hơn. Tình báo Anh cho rằng số lính Nga bỏ mạng nói trên là hợp lý và chủ yếu liên quan đến cuộc tấn công ở Avdiivka.
Khoảng 2.500 Nhà Vận Động Hành Lang Cho Năng Lượng Hóa Thạch Tham Gia COP28
(Hình: Nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước tới hội trường thượng đỉnh COP 28, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngày 1/12/2023.)
-Hôm 5/12/2023, mạng lưới coalition Kick Big Polluters Out, một mạng lưới hiệp hội về môi trường, cho biết có ít nhất 2.457 nhà vận động hành lang cho năng lượng hóa thạch tham dự COP28., số lượng nói trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi đây chỉ là tổng hợp số liệu cho chính quyền các nước cung cấp.
Cũng hôm 5/12, COP28 công bố dự thảo văn bản đàm phán cuối cùng của Tuyên bố chung. Về các năng lượng hóa thạch, mọi kịch bản đều được giữ lại, bao gồm từ bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch đến giảm dần, và kể cả kịch bản không đưa vấn đề này vào tuyên bố chung. Ả Rập Saudi và Trung Quốc không muốn đưa vấn đề này vào tuyên bố chung, theo một số nguồn tin của thông tấn xã AFP.
Theo giới quan sát, đàm phán hứa hẹn sẽ rất cam go, đặc biệt với sự hiện diện đông đảo của giới vận động hàng lang bảo vệ các năng lượng hóa thạch. Đặc phái viên RFI Jeanne Richard tường trình từ Dubai:
Chưa bao giờ lại có nhiều nhà vận động hành lang về năng lượng hóa thạch tại một hội nghị về khí hậu như năm nay, cao gấp 4 lần so với COP trước, nhiều hơn tất cả các phái đoàn của 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Hầu hết các nhà vận động hàng lang đều đến từ phương Tây, và nếu như họ có thể được cấp phép vào hội nghị thường là dưới danh nghĩa các hiệp hội thương mại, hiếm khi trực tiếp đứng tên công ty của mình. Một số nhà vận động hành lang cũng đi cùng các phái đoàn quốc gia, như Pháp đến với đại diện của tập đoàn Total Energie và EDF. Ý Ðại Lợi với đội ngũ từ tập đoàn năng lượng ENI, còn Liên Hiệp Châu Âu với các nhân viên từ BP, ENI và Exxon Mobil.
Tuy nhiên lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do than, khí đốt và dầu mỏ đang phá nhiều kỷ lục trong năm nay. Và các nhà khoa học đã chỉ rõ: Cần hạn chế năng lượng hóa thạch, nếu muốn hãm lại đà hâm nóng Trái đất với các hậu quả thảm khốc. Nỗi lo lớn của các nhà hoạt động khí hậu là chứng kiến cảnh thông điệp của giới vận động hành lang này tác động đến các cuộc đàm phán, và làm suy yếu các mục tiêu của Hội nghị khí hậu này.
Bắc Hàn: "Bậc Thầy" Lách Trừng Phạt Về Buôn Lậu Dầu Khí
(Hình: Tàu chở dầu Ocean Ruby thuộc chi nhánh một công ty bị nghi ngờ bán nhiên liệu cho Bắc Hàn vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đang neo đậu ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của Nam Mỹ, ngày 23/7/2021.)
-Để lách các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do tiến hành chương trình nguyên tử và phi đạn, Bắc Hàn dường như đã tổ chức các mạng lưới buôn lậu dầu khí qua việc sử dụng các tàu đăng ký hoạt động tại các nước nhỏ ở quần đảo Thái Bình Dương.
Từ Hán Thành, thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình:
Từ năm 2017, Bắc Hàn chỉ được phép nhập cảng dưới nửa triệu thùng dầu mỗi năm, như vậy không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. Nếu như dữ liệu của mỗi giao dịch cần phải được báo cáo cho Liên Hiệp Quốc thì Bình Nhưỡng trên thực tế được cho là bậc thầy "lách trừng phạt".
Các cuộc điều tra đã cho thấy cách mà Bình Nhưỡng tiến hành chuyển, nhận dầu ở vùng biển quốc tế. Theo báo cáo từ các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, các con tàu được phép chở dầu thô đã bom dầu sang các tàu nhỏ hơn để đưa về Bắc Hàn. Thế nhưng, theo thông tấn xã AFP, 17 tàu có liên kết với các hoạt động này, trên thực tế đăng ký tại các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, ví dụ quần đảo Cook hoặc quốc đảo Tuvalu. Việc theo dõi các tàu mang cờ của các nước nhỏ này thường không được thực hiện một cách có hệ thống. Điều này cho phép Bình Nhưỡng có thể che đậy dấu vết. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra rằng các tàu Anni, tàu An Hai 6, được đăng ký ở quốc đảo Niue, khẳng định là đi đến Nhật Bản, nhưng lại cập cảng Nampo ở Bắc Hàn và hiện đã được đăng ký hoạt động ở nước này.
Các phương pháp lách trừng phạt tinh vi của Bình Nhưỡng cho thấy các giới hạn của các trừng phạt mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành. Và việc thực thị các trừng phạt này phụ thuộc vào mong muốn và phương tiện của các nước thành viên.
Chỉ Huy Lục Quân Mỹ-Nhật-Úc Lần Đầu Tiên Luyện Tập Phối Hợp Bảo Vệ Nhật Bản
(Ảnh: Lính Mỹ và Nhật theo dõi mô phỏng máy điện toán về một cuộc tấn công trong cuộc tập trận "Yama Sakura", căn cứ Kengun, Kumamoto, Kyushu, Nhật Bản, ngày 27/1/2010.)
-Quân đội ba nước Mỹ, Nhật, Úc Ðại Lợi bắt đầu "cuộc tập trận chỉ huy chung" (Command Post Training Exercise) nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Úc Ðại Lợi tham gia vào cuộc tập trận thường niên Yama Sakura, kéo dài từ ngày 4/12 đến 13/12/2023.
Theo đài Nhật NHK, lễ khai mạc diễn ra tại căn cứ Asaka của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, thuộc đảo Hokkaido, phía bắc nước Nhật. Hơn 6.000 binh sĩ Mỹ và Nhật tham gia tập trận. Về phía Úc Ðại Lợi, tổng cộng khoảng 200 người tham gia cuộc diễn tập nói chung, trong đó có 30 binh sĩ. Tướng Úc Ðại Lợi Scott Winter, tư lệnh Sư đoàn 1, cho biết: "Việc Úc Ðại Lợi lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Yama Sakura 85 là một bước tiến đáng kể trong hợp tác ba bên nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng".
Theo Quân đoàn I Lục quân Mỹ, lực lượng tham gia tập trận, trọng tâm của cuộc tập trận này là phối hợp và liên lạc giữa các sở chỉ huy quân đội ba quốc gia và các đơn vị chiến đấu. Cuộc tập trận liên quan đến việc điều động các lực lượng từ Mỹ và Úc Ðại Lợi để đối phó với việc quần đảo Nhật Bản bị tấn công. Quân đội Úc Ðại Lợi được đặt dưới sự chỉ huy của lực lượng Mỹ.
Trang mạng quân sự Mỹ Stars and Stripes dẫn lời tư lệnh Quân đoàn I Lục quân Mỹ, tướng Xavier Brunson, cho biết trong buổi khai mạc hôm qua, đây là một trong những cuộc tập trận chỉ huy chung "lớn nhất và phức tạp nhất ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương". Cuộc tập trận Yama Sakura lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Mỹ Truy Tố Cựu Đại Sứ Làm Gián Điệp Cho Cuba Hơn 40 Năm
(Hình: Đại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia, Manuel Rocha, nói chuyện với các thành viên báo chí ở La Paz vào ngày 11 tháng 7 năm 2001.
-Ngày 4/12/2023, Hoa Kỳ buộc tội một cựu Ðại sứ Mỹ tại Bolivia tội làm gián điệp cho Cuba trong hơn 40 năm. Bộ Tư pháp Mỹ nói đây là một trong những vụ xâm nhập vào chính phủ Mỹ quy mô nhất và lâu dài nhất của một đặc vụ làm việc cho ngoại quốc.
Ông Victor Manuel Rocha, từng là Ðại sứ Hoa Kỳ tại Bolivia từ năm 2000 đến năm 2002, bị buộc tội vi phạm nhiều quy định liên bang, bao gồm hoạt động như một đặc vụ ngoại quốc bất hợp pháp và sử dụng sổ thông hành có được một cách gian lận, Bộ Tư pháp cho biết.
"…Trong hơn 40 năm, ông Victor Manuel Rocha đã làm việc với tư cách là đặc vụ của chính phủ Cuba, tìm kiếm và giành được các vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ để giúp ông có quyền truy cập các thông tin không công khai cho công chúng và giúp ông có khả năng tác động đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Merrick Garland, nói.
Ông Rocha, 73 tuổi, đã bị bắt và dự kiến xuất hiện trước thẩm phán liên bang ở Miami ngày 4/12.
Bộ Tư pháp cho biết ông Rocha làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1981 đến năm 2002, phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc từ năm 1994 đến năm 1995 và làm cố vấn cho Tư lệnh của Bộ Tư lệnh miền Nam, quân đội Hoa Kỳ, từ khoảng năm 2006 đến khoảng năm 2012.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller, cho biết: "Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trong cộng đồng tình báo để đánh giá bất kỳ tác động an ninh quốc gia lâu dài nào của việc này".
Trong văn kiện tòa án, Mỹ tố cáo ông Rocha đã bí mật hỗ trợ Cuba và hậu thuẫn sứ mệnh thu thập thông tin tình báo bí mật của nước này chống lại Hoa Thịnh Ðốn kể từ năm 1981.
Vẫn theo văn kiện này, ông Rocha thừa nhận đã làm việc hàng chục năm cho Cuba trong một loạt các cuộc gặp hồi năm 2022 và 2023 với một đặc vụ chìm của FBI, người đóng giả là đại diện bí mật của Tổng cục Tình báo Cuba.
Miến Điện: Tập Đoàn Quân Sự Kêu Gọi Các Nhóm Nổi Dậy Sắc Tộc Thiểu Số Đàm Phán
(Hình: Chiến binh Quân đội Giải phóng Nhân dân giao tranh với quân đội Miến Điện gần Sagaing, Miến Điện, ngày 23/11/2023.)
-Hôm 5/12/2023, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện kêu gọi các lực lượng vũ trang một số sắc tộc thiểu số đàm phán để tìm "giải pháp chính trị". Đối lập vũ trang Miến Điện bác bỏ kêu gọi của tập đoàn quân sự.
Theo cơ quan ngôn luận chính thức của tập đoàn quân sự Global New Light of Miến Ðiện, lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing, cảnh báo "nếu các tổ chức vũ trang tiếp tục hành xử bất cẩn, dân cư các khu vực liên quan sẽ phải gánh chịu hậu quả", "như vậy điều cần làm là chú ý đến sinh mệnh của người dân, và các tổ chức này cần phải giải quyết các vấn đề của họ thông qua đàm phán".
Theo thông tấn xã Reuters, ông Kyaw Zaw, phát ngôn viên của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (National Unity Government - NUG), lực lượng kháng chiến chống đảo chính, ngay lập tức đã bác bỏ kêu gọi của lãnh đạo tập đoàn quân sự. Phát ngôn viên của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc khẳng định: "Tập đoàn quân sự đang thất bại nặng trên thực địa vì vậy họ phải cố gắng tìm lối thoát. Sẽ có đối thoại thực sự, nếu quân đội bảo đảm không còn đóng vai trò gì trong chính trị nữa, và chấp nhận dưới quyền một chính phủ dân cử".
Theo giới quan sát, tướng Min Aung Hlaing đưa ra lời kêu gọi vào lúc giới tướng lĩnh Miến Điện đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc đảo chính đầu 2021. Liên minh ba lực lượng vũ trang của một số sắc tộc thiểu số ("Three Brotherhood") - mở nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn từ cuối tháng 10, chủ yếu là ở một số khu vực biên giới với Trung Quốc – đặt mục tiêu đánh đổ tập đoàn quân sự, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính.
Lực lượng Tự vệ của Nhân dân (FDP), của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, nhân bối cảnh này, cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào quân đội tại miền bắc và miền đông. Hồi tuần trước, các thành viên của FDP cho thông tấn xã AFP biết đã kiểm soát được một phần thủ phủ tỉnh bang miền đông Kayah, giáp biên giới với Thái Lan. Hãng tin Anh Reuters, dẫn một số nguồn từ Liên Hiệp Quốc, cho hay tổng cộng hơn 500.000 người dân đã phải di tản trên khắp cả nước, do chiến sự. Hơn 250 dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng kể từ đầu chiến dịch quân sự nói trên.
Báo Thắng Mõ San Jose
Trích dẫn bản tin từ báo Thằng Mõ San Jose
Cuộc Sống Thi Ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét