Bài viết Dấu Người trên cát của Ngu Yên, nói về Hội Họa Trừu Tượng là bài thơ không lời.
Cuộc sống thi ca mở đầu bằng bài thơ Tình Yêu Trừu Tượng, một loại ngôn ngữ trừu tượng dễ hiểu hơn. Xin mời đọc tiếp.
Tình yêu trừu tượng
Hoa trừu tượng đậm sắc mùi hương khói
Tình yêu trừu tượng ẩn giấu hư vô
Yêu em trừu tượng nhấp nhô sương khói
Trừu tượng bên người quen thói hoang sơ.
Tế Luân
Bài viết đăng trên Việt Báo online.
https://vietbao.com/p301417a317242/dau-nguoi-tren-dat
Dấu Người Trên Đất
20/10/2023 Ngu Yên
Ann Phong
Ann Phong triển lãm tranh ở Quận Cam, tôi bay qua tham dự. Xem tranh trừu tượng là xem tranh bằng tưởng tượng. Tôi là người sống bằng tưởng tượng. Xem tranh Ann Phong, không chỉ xem cái đẹp, xem nét đặc thù của nữ họa sĩ này, nhưng để sau cùng là xem chính “tôi trong quá trình tưởng tượng từ dãy tranh.” Luhraw viết: “Trước đây tôi chỉ có thể đoán chừng mình là ai. Giờ đây, nhờ nghệ thuật, tôi biết mình là ai.” (Quote.)
Có nhiều đêm mất ngủ, tôi thường lên mạng xem tranh, đôi khi, ngủ nhờ trong phòng tranh ảo của Ann Phong. Những khi suy nghĩ về sự hiện sinh của con người, của bản thân, tôi thường tự dẫn mình đến một số tranh của Ann Phong theo quan điểm “Dấu người trên đất.” Tôi yêu thích loạt tranh này, vì Ann Phong nói lên những điều bằng họa, mà tôi chưa thể nói hết những suy nghĩ qua thơ.
[Dấu Người Trên Đất. 2019. Ann Phong.]
Ann Phong và Hội Hoạ.
Họa là thơ không lời. Phải chăng thơ là họa bằng chữ? Họa là thơ vì không nói nhiều như văn, kịch, triết học, khoa học … Họa nói tích lũy, nói lũy thừa về ý nghĩa và thẩm mỹ. Họa và thơ giống nhau ở chỗ: nói ít, hiểu nhiều; mô tả bề mặt, mà thâm trầm bề sâu. Họa và thơ là chất keo để dán lại những nơi đời nứt nẻ; hoặc ở một mức cao hơn, là những tiếng kêu nhắc nhở những người điếc thích nghe súng nổ và những người câm thích hùng biện giá trị bênh vực độc tài. Nói một cách khác, họa và thơ đi đến nhân sinh để phục vụ nghệ thuật và thẩm mỹ; đi với nhân sinh để đấu tranh chống lại cường quyền của bóng tối.
Xem tranh là nghe họa nói. Họa nói cho mắt nghe để lòng liêu xiêu theo tưởng tượng. Trong tất cả các loại tranh, tranh trừu tượng đòi hỏi khả năng tưởng tượng cao của người thưởng ngoạn để có thể nảy sinh những hình ảnh, ý nghĩa; tìm thấy sự thú vị qua màu sắc, hình dạng. Sâu hơn nữa là phong cách tạo hình đặc thù của đường cọ, nét sơn. “Sự trừu tượng cho phép con người nhìn thấy bằng tâm trí những gì anh ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường… Nghệ thuật trừu tượng cho phép nghệ sĩ nhận thức vượt ra ngoài cái hữu hình, rút ra cái vô hạn từ cái hữu hạn. Đó là sự giải thoát của tâm trí. Đó là một cuộc thám hiểm vào những khu vực chưa được biết đến.” Arshile Gorky. (Trích.)
Trong quan điểm này, có nghĩa, khi họa sĩ chọn lựa cách diễn đạt ý muốn bằng trừu tượng, đã đương nhiên cho phép người xem được giải thích qua hư cấu một cách riêng. Không ai giống ai. Có lẽ, nên nói, mỗi người thưởng ngoạn tự nhìn thấy cá tính, ước muốn, xu hướng, suy nghĩ của mình qua cùng một bức tranh trừu tượng. Sự đúng sai, già dặn hay non nớt, cạn hay sâu, có thể đánh giá qua kỹ thuật, hoặc quá trình sáng tác, nhưng không thể đánh giá qua sự trừu tượng đang hiện diện trong tranh. Vì không ai có khả năng và quyền hạn để làm việc đó. Vì vậy, tác giả và người xem tranh hiểu khác nhau, thích khác nhau, giải thích không giống nhau là việc bình thường khi thưởng ngoạn tranh trừu tượng. Còn những nhà phê bình về tranh trừu tượng, họ chỉ là những người phải nói, y như một diễn giả có chức vị được mời lên khán đài, tất nhiên phải nói.
Tranh là cụ thể, họa là trừu tượng, vì họa không vẽ thứ cụ thể mà vẽ thứ cụ thể này qua hình ảnh trong tâm trí. Hội họa là tạo trừu tượng thành cụ thể. Một cụ thể khiến cho người xem phải quan sát từng thành phần nhỏ trong cấu trúc lớn; xem xét sắc màu trong mỗi đặc dị của tâm tư sáng tạo; theo dõi đường nét phẩy phết ngắn dài chấm phá từ bàn tay ngón tay đường gân sớ thịt đã cảm nhận tín hiệu của đam mê. Có nhiều bức tranh của Ann Phong, tôi xem đi xem lại, nhiều thời giờ, vô số tưởng tượng, lắm nghĩ ngợi, liên tưởng thi ca. Rồi một hôm tôi gom góp lại thành tập thơ: Nói Trong Khi Chờ.
Tôi không chắc Ann Phong có nói giống tôi không? Nhưng tôi chắc chắn, cô ta qua hình dạng màu sắc đã sơn phết lên tiếng nói râm rang trong trí tưởng tượng, tranh của cô nói với tôi, đời đẹp hơn chán chường, có ý nghĩa hơn phi lý. Cái tầm thường chính là sự sâu sắc. Trí tuệ ca tụng cảm xúc chính là nghệ thuật hôm nay. Cảm xúc tiết lộ qua đường nét màu sắc là họa tiết; tiết lộ qua chữ tái sinh trong câu là thơ. Tranh của Ann Phong mang những lời nói tích cực dù trình bày nỗi buồn, đau khổ, bất công, phi nhân, kể cả thảm họa… và sâu hơn hết là lời nói của cảm xúc.
Lời nói của cảm xúc?
Bất kỳ là nghệ thuật nào, đều phải nói lên bằng cảm xúc. Ngày xưa, đa số diễn đạt cảm xúc về cảm xúc. Ngày nay, nghệ sĩ diễn đạt cảm xúc về trí tuệ, về tư duy, về luận lý… Căn cơ của sáng tạo là cảm xúc, nhất là trong sáng tác nghệ thuật và văn chương. Không ai có thể dạy ai về cảm xúc. Cảm xúc là hiệu quả của kiến thức, kinh nghiệm, trình độ (nội lực) và vô thức. Vô thức mang đến cảm xúc và kiến thức, kinh nghiệm, trình độ tạo nên giá trị của cảm xúc về điều gì đó nhất định và chỉ trong lúc đó. Nó đặc thù, duy nhất, không bao giờ có lại y hệt, chỉ nhiều lắm là tương tựa.
Cảm xúc trong đam mê (hoặc trong cơn mê) dẫn đưa họa sĩ chọn lấy màu sắc, tạo hình dạng đã định, đa số là ngẫu nhiên, hoặc cái đã định biến hình thành cái đột ngột. Cảm xúc tự động điều khiển, điều chỉnh cánh tay, ngón tay thành hình đường cọ nét sơn. Tay cụ thể tiếp xúc với sơn màu, hình thể trực tiếp hoặc qua cọ, bút, dao, và các phương tiện khác lên khung vẽ. Sự cử động cụ thể này quan trọng. Chính nó là nghệ thuật chủ yếu tạo nên bức vẽ, nơi giá trị của họa sĩ tiếp xúc với giá trị của thành hình. Cảm xúc đó quan trọng hơn cảm xúc trong trí và trong tim.
Bên cạnh hội hoạ bằng sơn màu và đường nét, Ann phong bước vào lãnh vực “Hội họa đa phương tiện.” Ngoài trừ những kỹ thuật và phương tiện thông thường trong hội họa truyền thống, người hoạ sĩ sử dụng tất cả những phương tiện nào có thể, có lý, phù hợp, để hỗn hợp với kỹ thuật hội họa. Với mục đích làm cho đẹp hơn, mới lạ hơn, thích nghi với đời sống hiện tại, để diễn đạt tâm tư, tâm sự, suy nghĩ về một điều gì muốn chia xẻ.
Những phương tiện hỗn hợp có thể là những món đồ chơi, đồ dùng bình thường, hoặc một thứ gì được đặc biệt tạo ra. Những thứ này gắn vào bức tranh, sơn màu, vẽ chồng lên, vân vân, để trở thành một khối hội họa. Một phương diện khác của hội hoạ truyền thống là tấm bạt hay khung vải để vẽ. Kỹ thuật đa phương tiện không quan tâm về khung vải, có thể vẽ lên tường, lên hè phố, lên đường đi, lên bất kỳ thứ gì có thể vẽ. Ngoài ra, họa sĩ dùng những hình thể vật lý sẵn có, như cái giường, cái bàn, vỏ xe hơi, các loại thiết bị lớn nhỏ, vân vân; hoặc tự tạo ra những đồ vật khác để vẽ và trưng bày những phương tiện hỗn hợp với vẽ.
Như Ann Phong và trái địa cầu vỡ đôi:
[Tác phẩm 3D. Triển lãm tại Frank Loyle Arts.]
[Angel. Tác phẩm đa phương tiện. 2014]
[Hangover. Tác phẩm đa phương tiện. 2014.]
Xem tác phẩm họa đa phương tiện là xem tranh và thủ công, hoặc hình thức nào đó mang tính thủ công, tính dàn dựng. Xem sự phối hợp là hỗn hợp hay hòa tan. Xem sự khéo léo của bàn tay cảm xúc theo tâm trí điều khiển. Xem tác phẩm có thật sự cần thiết thủ công, hay thủ công chỉ là sự đính kèm biểu diễn dư thừa. Hội họa truyền thống hay hội họa đa phương tiện đều dẫn đến nghệ thuật thẩm mỹ và giá trị ý nghĩa. Cũng nên nhắc nhớ rằng, trước khi có hội họa, điêu khắc, kiến trúc, vân vân, thủ công là nghệ thuật đầu tiên của con người tạo hình. Cốt lõi của nghệ thuật đó luôn luôn là cơ bản của bàn tay tài hoa đưa vào các nghệ thuật khác. Thủ công vào hội họa có khả năng làm cho hội họa mở rộng ra khỏi khung vải, bút cọ và sơn màu. Thủ công và hội họa phải hài hòa thì mới có cơ hội thành tựu.
Dấu Người Trên Đất.
Sự tiến bộ của con người phải chăng là sự phản bội với những gì từng yêu thích? Rất nhiều thứ vật chất cũng như tinh thần có một thời vàng son, rồi trở thành lịch sử hoặc bị lãng quên, nhưng trớ trêu, là trong thời vàng son đó, nhiều người đã hy sinh những thứ quí báu khác để tìm cách đạt được thứ vàng son, hầu hết đều mang tính phù du.
[Điện Thoại, Hôm Nay Quí Báu, Ngày Mai Rác Rưởi. 2017]
Ann Phong dùng cái điện thoại, cái thứ mà hiện nay không ai có thể thiếu; không thể bỏ xa; cái thứ gắn liền vào tai, mọc dài trên tay, như một phần mới của thân xác, trở thành ẩn dụ cho những gì vật chất hoặc trừu tượng được người đương thời xem trọng, yêu quí, ca ngợi, tranh giành, chiếm đoạt, để rồi khi thời gia qua đi, những thứ đó không còn giá trị. Phải chăng văn minh và xã hội tạo ra nhiều ảo tưởng như thật, mà con người chỉ có thể biết một cách muộn màng, khi trang sử đã lật qua?
[Quí Báu của Quá Khứ, Rác Rưởi của Ngày Mai. 2018]
Trong một bức tranh khác, nhấn mạnh cùng một nội dung: Yesterday’s Precious, Today’s Trash, một quan điểm đáng quan tâm suy xét. Một ý niệm nên đánh thức một số người đang say mê vật chất hơn cả tình người, hơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, bằng hữu như một người ôm mìn nổ chậm mà vui cười hớn hở, tưởng mình sẽ hưởng thụ suốt kiếp. Tất cả những văn minh tiện nghi, những giá trị đương thời, những ước mơ khát vọng, trói buộc con người đến nổi không còn biết mình là ai, rồi sẽ cháy trong lửa. Chiếc iPhone rơi thẳng vào đám lửa, có màu vàng hớn hở, màu sáng mãnh liệt khi đạt đến sức nóng cực độ. Bên dưới những đồ vật lỉnh kỉnh cơ khí, điện tử, chờ đưa vào lò, cho thấy niềm tin của người họa sĩ vào năng lực thiên nhiên.
Thiên nhiên là một trường dạy lớn mà ít người học được. Ai đã có bằng cử nhân, tiến sĩ của trường thiên nhiên? Đa số, chưa có bằng tiểu học. Nhiều bức tranh của Ann Phong đứng vào phong trào bảo vệ trái đất, đại dương và không khí, để gìn giữ, phát triển nơi chúng ta cư ngụ mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Cây cọ và sơn màu của Ann Phong phản đối, nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến nơi chúng ta đang chung sống. Có khi, không phải chiến tranh nguyên tử hủy hoại loài người, mà chính thế hệ đi trước giết chết thế hệ theo sau bằng không khi ô nhiễm, đại dương độc hại, khí hậu gây thiên tai, và những di hại của nền văn minh thiếu kiểm soát.
[2017. Thiên nhiên dễ tổn thương.]
Nếu chúng ta sống trong một căn nhà, dọn quét hàng ngày, trồng hoa, làm vườn; sơn sửa mỗi năm, cho căn nhà riêng của gia đình thật hãnh diện; thì tại sao lại lơ là, thậm chí tàn sát, căn nhà chung của nhân loại? Hoặc vì ‘cha chung không ai khóc’, hoặc vì chuyện xấu chừng nào xảy ra hãy tính; hoặc vì tâm trí ích kỷ, thiếu hiểu biết?
[2021. Thiên Nhiên Trong Môi Trường.]
Nhiều tổ chức quốc tế đang bảo vệ trái đất, không khí, đại dương… Trồng cây xanh chận mưa lụt, lọc không khí ô nhiễm; ngăn chận xả rác, đổ dầu và chất thải xuống biển để đại dương không phải là nơi đại độc; tìm cách giải quyết vấn nạn nhà kính, vấn nạn băng tan; đối phó với thiên tai mỗi ngày mỗi gia tăng… Tranh của Ann Phong xoay quanh đề tài này?
“Điều quan trọng nhất về sự nóng lên toàn cầu là liệu con người có phải chịu trách nhiệm về phần lớn biến đổi khí hậu hay không hoặc chỉ là việc của các nhà khoa học? Tất cả trách nhiệm của chúng ta là để lại hành tinh này trong tình trạng tốt hơn cho các thế hệ tương lai so với những gì chúng ta đã tìm thấy.” Mike Huckabee. (Quote.)
[2022. Ô Nhiễm Từ Đất Đến Nước.]
[2019. Con Cháu Chúng Ta Chỉ Thấy Động Vật Trên Truyền Hình.]
Tại sao vậy?
Vì chúng đã chết hết. Không rừng, không cây, không cỏ; nước độc, sa mạc thay xanh tươi; làm sao sống sót? Rồi liệu con người mai sau, có thể sống sót chăng? Rồi ai sẽ thấy con người trên truyền hình?
Nhiều bức tranh của Ann Phong nói lên vấn nạn của nhân loại hủy hoại trái đất một cách khá rõ ràng, dù trong phong cách trừu tượng, như một người mỗi ngày tự phá hủy căn nhà đang ở đầm ấm với gia đình. Chuyện nghe ra phi lý, nhưng cũng là chuyện đa số chúng ta đang làm.
Khi không vẽ, Ann Phong nói: “Existing on this planet is a privilege. Yet, we, as humans, consistently see it as a right. We build bigger roperties and encroach on more land every day, thinking it's our birthright. To many people, this is the only way to enjoy life. To others, life is entwined with nature. They have worked to find what is most mutually beneficial and thrive alongside the planet. But the rest of us have yet to follow.” (Tồn tại trên hành tinh này là một đặc ân. Tuy nhiên, chúng ta, với tư cách là con người, luôn coi đó là một quyền lợi. Mỗi ngày, chúng ta xây dựng những bất động sản lớn và lấn chiếm nhiều đất đai vì cho rằng đó là đặc quyền bẩm sinh. Đối với nhiều người, đây là cách duy nhất để tận hưởng cuộc sống. Đối với số người khác, cuộc sống gắn liền với thiên nhiên. Họ đã làm việc để tìm ra những gì mang lại lợi ích chung và phát triển cùng với hành tinh này. Nhưng số người còn lại, chúng ta vẫn chưa theo chân họ.)
[Trích: Environment, https://annphongart.com/.]
Ngày nay, thời đại này, mỗi nghệ sĩ, mỗi họa sĩ thành danh, dù lớn hay nhỏ, không ít thì nhiều, phải có trách nhiệm nào đó đối với đời sống và xã hội. Nghe nói, thì lý tưởng và như rao giảng kinh sách, nhưng không phải, thời điểm hôm nay là thời điểm hiểm nghèo. Xã hội sụp đổ, thế giới tàn lụn, liệu một người có thể sống hạnh phúc, bình an với gia đình nhỏ riêng tư không? Chắc chắn là không. Vì vậy, trách nhiệm của nghệ sĩ là báo cáo cái đẹp, cái hay cái tốt và báo động cái xấu, cái nguy cơ. Những gì người nghệ sĩ tạo ra là dấu vết của con người để lại trên trái đất này, nơi chúng ta mong muốn mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Ann Phong đang để lại những dấu vết và còn thời gian khá dài để tiếp tục lưu lại nhiều dấu vết khác. Nói ngắn gọn là dấu người trên đất, không phải dưới đất.
[Dấu Người Trên Đất. 2021.]
Cuộc sống thi ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét