Chúng ta thích đọc thơ rồi làm thơ nhưng ít khi để ý đến Thơ Là gì? vì đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Tôi chia sẻ bài viết Thơ Là Gì? đây là một dạng biên khảo hay một tài liệu đúc kết về thơ, tôi sưu tầm, đã đọc rất nhiều trang tài liệu rồi tóm lược lại viết thành. Nếu có điểm gì sai sót xin độc giả bỏ qua.
THƠ LÀ GÌ?
Louis Tuấn Lê
Thơ là hình thức sáng
tác văn học đầu tiên của loài người, một hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
làm chất liệu và sự chọn lựa ngôn từ rồi sắp xếp theo vần điệu của thi ca, dưới
dạng cô đọng, trừu tượng một cách hợp lý nhất (logic) để tạo ra hình ảnh, mang
tính thẩm mỹ cao và âm thanh thể hiện cái hồn trong thơ đem đến một cảm xúc làm
rung động tâm hồn người đọc.
Một câu thơ là một
hình thức cô đọng mang nhiều ẩn ý, để truyền đạt một tư tưởng mang nhiều hình ảnh
tạo nhiều cảm xúc cho người đọc, ngôn từ và ngữ pháp sử dụng trong thơ sẽ được
hoàn chính theo cấu trúc tạo thành bài thơ.
Tính chất cô đọng
trong ngôn từ, tính tượng hình và tiếng nhạc trong thơ, biến nó thành một hình thức
nghệ thuật độc đáo, mang một sắc thái riêng biệt đứng bên cạnh các hình thức
nghệ thuật khác.
Thơ tạo cảm hứng
có một giá trị tinh hoa, đó cũng là một dạng đời sống khác biệt của thi nhân, tâm
hồn rất dễ bị xúc động để rồi chọn lựa những từ ngữ rất ấn tượng mang tính
chất trừu tượng (nửa thật nửa hư) để diễn tả cảm xúc, như một loại "mật ngữ"
cúa các vị thần ban cho.
Tôi tìm hiểu thêm
về đề tài Thơ Là Gì? Càng đi sâu càng thấy mênh mông như biển cả, không biết bắt
đầu từ đâu và kết thúc ở điểm nào.
Tôi mạnh dạn bước
vào xem thử ra sao, vì vậy bài viết này như một dạng biên khảo rồi đúc kết lại,
tôi phải lục tìm rất nhiều trang tài liệu trên hệ thống Google Search nhận ra có
nhiều nhà văn nhà thơ đã viết về chủ đền này, mỗi bài đều có sắc thái riêng. Tôi
đọc rất nhiều, rút tỉa những điểm có ý nghĩa nhất về chủ đề Thơ Là Gì? Để nêu
ra những điểm chính trong bài viết này. Nếu có sai sót xin quý độc giả bỏ qua
cho.
Thơ có một lịch sử lâu dài nhất. Thơ có một định nghĩa sớm nhất tại Châu Âu qua sự nhận xét của nhà triết học Hy Lạp Aristotle (384-322 TCN). Aristotle sinh ra vào khoảng năm 384 TCN tại Macedonia thời Hy Lạp cổ đại nơi cha ông từng là một bác sĩ hoàng gia. Ông được xem như nhà triết học, có ảnh hưởng nhất với biệt danh khiêm tốn được mọi người gọi là “Thầy” hay chỉ đơn giản là “triết gia”.
Đối với Aristotle, những khuôn mẫu đặc thù
của âm thanh và nhịp điệu, văn phong và thi pháp, chỉ có tầm quan trọng thứ yếu.
Cái chính đối với ông là những gì bài thơ nói tới, nó là một chuỗi nối tiếp những
động thái có quan hệ hỗ tương của con người.
Ông nói tiếp:
Tôi muốn biết yếu
tính của thơ là gì, cái gì làm cho nó khác với các loại trước tác khác. Có phải
nó là vấn đề những giá trị vững chãi, vấn đề sắc thái và nhịp điệu của âm tiết,
từ ngữ, và các dòng chữ? Hay yếu tính của thơ nằm trong một cảm tưởng, một sự
nhạy cảm, hoặc một thái độ nào đó đối với sự vật?
Aristotle,
trong tiểu luận của mình về thơ, nói rằng thơ là sự mô phỏng động thái con người,
được biểu hiện trong ngôn ngữ, với sự trợ giúp của hòa âm và nhịp điệu. Từ ngữ
“mô phỏng” ông không có ý nói là bản sao của những biến cố thực tế, như cái máy
ghi âm hay máy quay phim có thể đem lại. Ông muốn nói đến việc trình bày lại của
những phương diện phổ quát của kinh nghiệm nhân sinh được tâm trí nhà thơ thu
nhận.
Nhà thơ khác với
nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sĩ và các nghệ sĩ khác, nhà thơ làm việc với từ ngữ
sử dụng ngôn ngữ để sáng tạo.
Nhà thơ, đối với
Aristotle, căn bản là người kể chuyện, người sáng tác huyền thoại, người viết
truyện mang tính chất hư cấu.
Tuy nhiên, Plato ông cho rằng thơ mang lại sự thích thú và sự thanh thoát cảm xúc đáng ao ước. Mặt khác, ông nói rằng thơ tượng trưng cho những phương diện phổ quát của hiện hữu. Sự tưởng tượng của thơ, đối với Aristotle, trình bày những thực thể thiết yếu nên phải hết sức coi trọng nó.
Nhà phê bình Nga
Bielinski từng nói: "Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật."
Quả thật một bài thơ có giá trị là khi nó thể hiện được tư tưởng tình cảm của
người nghệ sĩ, là khi nó viết lên bằng những dòng thơ, những câu thơ chân
thành, bắt nguồn từ thẳm sâu trái tim người viết.
Tuy nhiên nếu muốn
thơ là cầu nối giữa tác giả và bạn đọc thì "nội dung và hình thức luôn đồng
nhất chặt chẽ với nhau".
Trở về với quan niệm
Đông Phương vể thơ. Chúng ta không thể bỏ qua nền văn học Trung Hoa
Bàn về giá trị của
thơ, trong tập thơ cổ "Trung Hoa Cổ kim hoàn ca tập", Viên Mai đã viết:
“Thơ bắt rễ từ
lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.”
Bạch Cư
Dị, sinh ngày 28 tháng 2 năm 772 SCN tại Hà Nam, tên tự là Lạc Thiên. Ông là một
trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc, đời nhà Đường. Đối
với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch, Đỗ Phủ.
Bạch Cư Dị, cùng với
Nguyên Chẩn, Trương Tịnh, Vương Kiến, chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống,
phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức.
Ông nói: "Làm
văn phải vì thời thế mà làm. Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục
đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được
tình cảm của nhân dân.
Ông chủ trương thơ
ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được. Không những thế, tình cảm, tư tưởng
phải giầu tính nhân bản, nói lên được nỗi lòng của mọi người trước thời thế, phản
ánh được nổi thống khổ của người dân sống trong xã hội.
Bạch Cư Dị, nổi tiếng
qua hai bài thơ Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã đủ chứng tỏ tài làm thơ của Bạch
Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác nhau, hai bài thơ dài của
ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm lắng, ý ngoài lời, ca tụng,
mỉa mai đều kín đáo.
Có
thể nói rằng nếu không có một cuộc đời gian truân, hẳn là Bạch Cư Dị khó mà cảm
thông với muôn sự éo le của mỗi số phận. Và nhiều khi, đọc thơ ông, ta còn thấy
rõ cả tâm sự của ông khi ông kể và tả về người khác. Bài "Tỳ bà hành"
là một ví dụ. Trong bài thơ dài này, khi thuật lại hành trạng đáng thương của
người kỹ nữ, Bạch Cư Dị cũng đã giãi bày nỗi phiền muộn xót xa cho chính thân
phận mình là người có tâm đức, tài năng mà bị bọn quyền thế gạt bỏ. Thơ của ông
chính là sức mạnh lên án, tố cáo thực trạng vô nhân đạo của xã hội phong kiến
trong sáng tác thơ ca Bạch Cư Dị chính là ở đó.
Bạch Cư Dị tiễn chân
người bạn ra bến sông Tầm Dương lên thuyền về nhà, tại đây ông tình cờ nghe tiếng
đàn tỳ bà của một kỹ nữ về già, ông liên tưởng đến thân phận mình, vì ông lên
tiếng phản đối quan lại, nên bị bọn quyền thế lưu đầy. Ông đã gửi gấm tâm sự của
mình qua bài thơ Tý Bà Hành.
Trong thời gian tù
tập trung cải tạo tại trại 6 Nghệ Tĩnh. Tôi bị tập trung cải tạo cùng trại tù số
6 với Cụ Hà Thượng Nhân tức Trung Tá Phạm Xuân Ninh, ông có nhắc đến bài thơ nổi
tiếng của nhà thơ Bạch Cư Dị, đó là bài Tỳ Bà Hành.
Bài thơ diễn tả tâm trạng của hai người bạn,
tiễn đưa khách tại bến Tầm Dương, chắc có lẽ vì (Bến Tầm Dương), cùng âm với
Huyện Thanh Chương, (nơi đây có dòng sông Lam) cụ Hà đang bị giam cầm tập trung
cải tại tại đây, cho nên cụ Hà đã viết:
Thông qua giao tiếp giữa các nền văn hóa khác
nhau trên thế giới. Thơ đã chuyển biến từ những cấu trúc đơn giản đến những cấu
trúc phức tạp. Những xu hướng gần đây cho thấy, cấu trúc không còn là yếu tố
quan trọng trong thơ.
Trong các thể loại thơ ở Việt Nam, chúng ta có
thể kể đến vài thể thơ như:
Lục bát, Song thất lục bá, thơ Đường luật
Thất ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn bát cú rồi đến các
loại thơ mới và thơ tự do.
Ngoại trừ thơ tự do, một hình thức hầu
như không có một cấu trúc rõ rệt, các loại thơ khác đều phải tuân theo một cấu
trúc nhất định.
Nhà thơ giống như
một con ong biến trăm hoa thành mật, tha về một giọt mật trong một chuyến bay của
hàng ngàn con ong. Chính là những ngôn từ được chọn lựa cho một bài thơ.
Cho dù bất cứ thể
loại nào của thơ cũng cần phải có hồn. Hồn thơ làm cho nội dung tư tưởng và
hình thức nghệ thuật của tác phẩm sinh động, có sức sống và mang một bản sắc riêng
của nhà thơ.
Hồn thơ là mẫu số
chung:
Hồn thơ chính là
nguồn cảm xúc đầu tiên của một tác phẩm. Hồn thơ chính là mẫu số chung cho toàn
thể các loại thơ khác nhau. Hồn thơ không chỉ hàm chứa bên trong một nội lực, sáng
tạo nhiều cảm xúc cho thi nhân, mà hồn thơ còn là yếu tố tạo thành điểm đặc trưng,
nét đặc biệt của người nghệ sĩ thể hiện qua từng trướng phái khác nhau của thơ.
Tiếng nhạc trong
thơ:
Ngoài ra trong thơ
phải có tiếng nhạc, đây chính là yếu tố làm cho bài thơ dễ được cảm nhận
bởi người nghe hay người đọc. Câu chữ trong thơ văn, hay trong ngôn ngữ, giúp
con người tái tạo lại hình ảnh mà nó miêu tả, song âm thanh và vần điệu của các
từ lại gây cảm xúc về âm nhạc.
Hình ảnh trong thơ:
Tính chất hội họa trong
thơ, hay còn gọi là tính tạo hình, là một tính chất cơ bản. Người làm thơ, trước
khi viết thơ, thường rơi vào tình trạng mà người ta gọi là "cảm hứng".
Trong tình trạng này, các hình ảnh thu được trong trí nhớ, có thể bao gồm tất cả
những khung cảnh ở bên ngoài quan sát được, liên kết với nhau, tạo nên một bức
tranh trong một thế giới nhỏ bé. Hình ảnh có thể rõ đến mức người ta gần như cảm
thấy như có thể động vào những vật thể, hay ngửi thấy mùi vị, thấy được màu sắc
và sự chuyển động thật sự trong bài thơ.
Bạch
Cư Dị đã nêu lên những yếu tố then chốt trở thành điều kiện, để sáng tác một bài
thơ và giữ được cái hồn của thơ đó là:
Cái cảm
hoá được lòng người:
-
Chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm,
-
Chẳng gì đi trước được ngôn ngữ,
-
Chẳng gì gần gũi bằng âm thanh,
-
Chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa”
Có bốn
nguồn gốc gắn bó cấu tạo cho thơ:
1-
Gốc là tình cảm,
2-
Mầm lá là ngôn ngữ,
3-
Hoa là âm thanh,
4-
Quả là ý nghĩa.
Quan
niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn
chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả, gắn
liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi
là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển
Trung Hoa.
Nữ văn hào Emily
Dickinson là cây bút thơ đặc sắc nhất của Mỹ thế kỉ XIX. Bà đã để lại cho
hậu thế tới 2000 bài thơ với nhiều bài có ý tưởng hết sức độc đáo. Trong quan
điểm về thơ ca, bà cũng có cách nhìn rất ấn tượng.
“Nếu một cuốn sách
làm cho tôi cảm thấy giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết
đó là thơ”
“Nếu tôi cảm thấy
mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ. Đó là cách duy nhất để tôi biết những
điều này, liệu còn cách nào khác nữa không?”
Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu viết rằng:
“Triết
lý khô như vách đá. Thi ca ướt như sương đẫm. Vách đá nhuốm hơi
sương. Sương đẫm tươi vách đá, cả hai hỗ tương nhau tạo thành sức sống
như năng lượng phù trầm, tương dung tương nhiếp, một mực không rời.”
Thơ ướt át nhiều tình
cảm mang đậm nét trữ tình
Thơ trữ tình phản
ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Thế giới nội tâm của nhà thơ
không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu
của từ ngữ ấy. Nếu như trong văn xuôi, các đặc tính thanh học của ngôn ngữ (như
cao độ, cường độ, trường độ…) không được tổ chức thì trong thơ, trái lại, những
đặc tính ấy lại được tổ chức một cách chặt chẽ, có dụng ý, nhằm tăng hàm nghĩa
cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không nói hết.
Bởi thế, đặc trưng
tính nhạc trong thơ, được coi như điểm trọng yếu nâng cao hồn thơ lên tầm mức
thi ca làm rung động lòng người.
Hiện nay, thơ trở
thành hình thức nghệ thuật hầu như ai cũng biết đến. Không
một ai đã từng ngồi ghế nhà trường thông
qua giáo dục mà không biết vài câu thơ.
Thơ còn trở nên
hình thức để bày tỏ tâm tư và chứa đựng tính sáng tạo của con người. Có thể
nói, sự tồn tại của thơ đi song song với sự tồn tại của ngôn ngữ.
Thơ bắt nguồn và
đơm hoa kết trái từ sự rung động của tác giả, chuyển hóa tư tưởng qua vần điệu
thi ca gửi đến người đọc bằng cảm xúc mãnh liệt.
Tiếng lòng chính là
nội dung của bài thơ, được ví như gốc rễ, phần nằm sâu trong lòng đất, là
bộ phận quan trọng, hút dinh dưỡng nuôi sống thân cây. "Rễ” quan trọng như
vậy nhưng nó lại khó thấy, vì nằm sâu trong lòng đất.
Do đó thơ bắt nguồn
từ thẳm sâu trong trái tim người viết, từ những xúc cảm ngọt ngào, êm ái khi hấp
thụ chất phù sa, sau khi hút chất dinh dưỡng ấy, nó sẽ dơm hoa kết trái.
Đó là sự thăng hoa
của nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là “từ ngữ”. Từ ngữ trong thơ ca cũng chính là
chất liệu được thi sĩ mã hóa, sàng lọc từ cuộc đời để tạo ra những câu thơ tinh
túy nhất. Chính nhờ những ngôn từ bay bổng, cảm xúc từ tận đáy tâm hồn của tác
giả mới được thăng hoa.
Trong thang bậc
giá trị nghệ thuật, thơ đứng vị trí đầu tiên. Thơ tạo cảm hứng, sự rung động
có một giá trị tinh hoa, đó cũng là một dạng đời sống khác biệt của thi nhân.
Họa sĩ giúp ta
nhìn bằng chất liệu là màu sắc, nghề cầm bút thì chất liệu giúp ta nhìn là ngôn
từ.
Có thể nói ở Việt Nam khi bất kỳ ai
đó cất lên vài câu nghe có vần có vè thì mọi người cho đó là thơ. Vậy làm thơ dễ
dàng như thế sao? Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ cao cấp, là tinh túy của
ngôn ngữ.
Có rất nhiều người làm thơ mà không
hiểu thơ là gì, thậm chí ngay cả những người phê bình thơ, cũng
không hiểu thơ là gì. Ngày nay thơ đã trở nên bội thực vì có quá nhiều nhà thơ,
tuy nhiên nếu xem xét trên thực tế, thì liệu có bao nhiêu tác phẩm được
cho là thơ đúng với khái niệm mà nó hàm chứa?
Không phải ai muốn
viết cũng viết được, không phải ai có vốn sống phong phú cũng có thể viết được,
nhưng tất nhiên, nếu họ muốn viết thì một ngày nào đó họ cũng sẽ viết được và
cũng không phải ai cũng cứ ngồi xuống là có thể viết được (đó là những người
siêu đẳng).
Điều quan trọng nhất
đối với người cầm bút, là không được tách rời giữa việc viết với đời sống thực
sự. Nhờ sự tiếp xúc, cọ sát thường xuyên mà ý tưởng mới căng tròn, và một lúc
nào đó thích hợp, ta vui sướng viết ra ý tưởng đó.
Nhà thơ người Mỹ (W.
H. Auden) nêu ra ý tưởng mang tính chất định nghĩa này đối với Thơ:
“Thơ là biểu đạt
trong sáng của những cảm xúc rối bời”
(Poetry is the
clear expression of mixed feeling).
Chúng ta có thể chứng
minh định nghĩa này qua bài thơ Ru con của tác giả vô danh có lẽ đây là một người
đàn bà đang nuôi con nhỏ ở một vùng thôn quê nào đó tại Việt Nam. Chúng ta thử tìm
hiểu qua bài thơ này để chứng minh một cảm xúc rối bời được viết ra như thế nào.
Ru con
Bồng bồng con nín
con ơi
Dưới sông cá lội, ở
trên trời chim bay.
Ước gì mẹ có mười
tay
Tay kia bắt cá,
còn tay này bắn chim.
Một tay chuốt chỉ
luồn kim
Một tay đi làm ruộng,
một tay tìm hái rau.
Một tay ôm ấp con
đau
Một tay vay gạo, một
tay cầu cúng ma.
Một tay khung cửi
guồng xa
Một tay lo bếp nước,
lo cửa nhà nắng mưa.
Một tay đi củi muối
dưa
Còn tay để van lạy,
để bẩm thưa, đỡ đòn.
Tay nào để giữ lấy
con
Tay nào lau nước mắt,
mẹ vẫn còn thiếu tay.
Bồng bồng con ngủ
cho say
Dưới sông cá vẫn lội,
chim vẫn bay trên trời.
Người đàn bà vô danh tác giả của bài
thơ Ru con, đang muốn nói điều gì trong cảm xúc rối bời đó. Có muốn nhăn nhủ gì
đó với người chồng của minh, hay với mẹ chồng, em chồng hay không?
Người
đàn bà chân quê tác giả bài ru con, có biết chữ hay không? Hay chỉ là một cảm xúc
rối bời, buột miệng nói lên những suy nghĩ của mình, bài thơ như một câu vè hay
lời ru con trong ca dao tục ngữ.
Hay giống như người
cổ đại xa xưa vẽ tranh trong hang động mà họ không cần biết chữ, những bức
tranh trong hang động có thể là một bài thơ nhắn nhủ cho hậu thế.
Đại thi hào Nguyễn
Du đã viết lên tác phẩn Truyện Kiều qua hình thức thi ca dài hơn 3000 câu thơ,
cậu chuyện như một tiếng kêu xé ruột, đau lòng. Khi viết xong tập thơ Truyện Kiều,
Nguyễn Du chưa thấy ai có thể đồng cảm với mình.
Ông đã viết:
“Bất tri tam bách
dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
“Ai biết hơn ba
trăm năm nữa, liệu có ai thầm khóc thương Tố Như này?”
Tố Như chính là
Nguyễn Du
Chưa thấy ai đồng
cảm với mình, Nguyễn Du vẫn viết, cũng như người đàn bà vô danh không biết chữ
vẫn hát lên bài Ru con.
Như vậy chúng ta
thấy rằng người làm thơ khi nói ra hoặc viết ra bài thơ thường là nói cho chính
mình và viết cho chính mình, nói ra hoặc viết để làm vơi đi nỗi lòng đang thôi
thúc trong tâm hồn của mình.
Thơ
là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những
cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ cô đọng đầy cảm xúc, giàu hình ảnh và nhất là có
nhịp điệu mang tính âm nhạc trong thơ.
Qua
kinh nghiệm của chính tôi, dường như tôi có một cơ duyên đến với thơ. Khi tôi bị
tập trung cải tạo tại trại tù số 6 huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ Tĩnh, trong giai đoạn này tôi ở chung đội tù với nhà thơ Tô Thùy Yên tức Thiếu Tá Đinh Thành Tiên,
hơn nữa tôi lại nằm cạnh ông, tôi thấy ông làm thơ, và tôi cũng bắt trước làm
thơ nhờ ông đọc qua và nhận xét.
Tô
Thùy Yên đã nhân xét, ông nói với tôi:
- Tuấn à! Anh thấy thơ em viết cũng rất có hồn, nên viết nhều hơn nữa.
Tôi không phải là
nhà phê bình và cũng không tự nhận là nhà thơ, tôi chỉ là người thích thơ và muốn
tìm hiểu thêm về thơ, tự mình đi tìm tài liệu rồi viết lại như một dạng biên khảo
hay dạng tài liệu để từ đó người đọc có thể tìm hiều thêm.
Trong bài viết này
chắc chắn có nhiều sai sót rất mong độc giả bỏ qua cho. Tôi xin dừng lại ở đây
và mượn bài thơ Ngôn từ trong thơ do tôi viết để kết thúc bài biên khảo này.
Ngôn Từ Trong Thơ
Chữ trong thơ chợt ngoi lên
Bồng bềnh ngôn ngữ nằm bên cuộc tình
Thả trôi theo khóm lục bình
Hỏi em che dấu bóng hình nơi đâu.
Gió đưa dải yếm qua cầu
Hương thơm tơ lụa tầm dâu ngỡ ngàng
Soi nghiêng vạt áo lụa vàng
Dáng em quyến rũ dịu dàng bước đi.
Dấu chân hoa nở xuân thì
Môi xinh cười nụ tình si lạ thường
Đồng xanh bát ngát quê hương
Cỏ mền ướt đọng giọt sương bàng hoàng.
Nhớ em thung lũng hoa vàng
Thương nhau ôm cả hành trang vào đời
Dù mai góc bể chân trời
Theo em phố núi rong chơi tháng ngày.
Tóc em thơm ngát hương say
Môi em mềm mại ngất ngây đậm đà
Khói trầm hương phủ bóng tà
Mắt xanh liếc nhẹ mặn mà trao duyên.
Vai nghiêng suối tóc tơ huyền
Đôi gò bồng đảo hai miền tuyết băng
Đêm huyền ảo dưới bóng trăng
Tay em dài nụ búp măng gợi tình.
Tình yêu không phải vô hình
Chạm môi mới biết chân tình thật hư
Yêu là hiện hữu thiên thu
Quanh co dấu hỏi trầm tư mập mờ.
Tế Luân
Xin kết thúc bài viết nơi đây.
Louis Tuấn lê
Viết xong 08-06-23
Ghi chú:
Tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn trên Google
Search
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét