Đây cũng là một ý tưởng hay, nếu có một cá nhân hay một tổ chức nào đó có thực lực đứng ra thực hiện nhiều cuốn phim nói về những người lính QLVNCH và những người dân Việt Nam bị bắt bớ lưu đầy trong các trại tù tập trung cải tạo của cộng sản để phơi bầy hết sự thật về sự bạo tàn của cộng sản cho cả thế giới biết đến.
Cũng như người Do Thái họ đã thực hiện những bộ phim rất có giá trị lịch sử về những trại tập trung chủa Đức quốc xã.
Xin có lời cám ơn gửi đến tác giả bộ phim, nhà văn, nhà báo, người sáng lập kiêm đạo diện của Potbelly Pig Films, cô Diễm Thúy
Cám ơn tác giả bài viết Thanh Trúc và blogpost BM đã cho phổ biến bài viết này.
Unforgotten: Phim tài liệu về tù cải tạo
Đó là bộ phim tài liệu mang tên Unforgotten, Không Bao Giờ Quên, như một đóng góp nhỏ nhoi nhưng cần thiết vào kho tài liệu về tù binh miền Nam trong những trại tập trung của miền Bắc sau 1975, để những người trong cuộc có thể trình bày những nỗi oan khuất họ phải chịu, và để thế hệ trẻ hiểu được suy nghĩ của cha chú là những người lính buộc phải buông súng với nỗi đau có thể không bao giờ phai nhòa.
Tâm tư và ước muốn
Tác giả bộ phim, nhà văn, nhà báo, người sáng lập kiêm đạo diện của Potbelly Pig Films, cô Diễm Thúy
Đến Mỹ năm 1992 theo chương trình HO với thân phụ là cựu quân nhân miềnNam , Diễm Thúy tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh doanh và nghệ thuật tại đại học Ohio State , tiểu bang Ohio :
Đồng ý là cha của Thúy cũng đi tù ở ngoài Bắc nhưng cái động cơ mà Thúy làm là Thúy muốn những người đã bị tù có tiếng nói của mình. Những người đó, nếu nói thẳng ra, là phải phơi bày tội ác của cộng sản ra đó.
Thúy chỉ muốn thế hệ sau biết được những gì người cộng sản làm mà họ không bao giờ nhận. Thúy muốn giới trẻ ở Việt Nam hay ở hải ngoại hãy tìm hiểu vấn đề và thông qua phim của Thúy thì họ thấy được bằng chứng xác thực.
Một trong những tội ác đó, Diễm Thúy nói, đã in hằn trong trí nhớ non nớt của một đứa trẻ trong ngày mà tưởng không còn ai phải chết vì bom đạn:
Lúc Thúy còn nhỏ, mẹ chở Thúy từ Sài Gòn về quê nội là Hậu Nghĩa. Về ngày 29 thì trưa hôm sau, ngày 30 tháng Tư, có lịnh đầu hàng. Chiều 30 tháng Tư, khoảng năm sáu giờ chiều, có một người lính Việt Nam Cộng Hòa từ ngoài đường chạy vô cửa ngỏ nhà bà nội Thúy, chạy vô cái bồ lúa để trốn. Nội với bác của Thúy mới lấy những cái tấm che lại để mà dấu ông ta.
Khi những người cộng sản rượt tới, tìm hoài không được, thấy cái bồ lúa thì chạy vô bồ lúa rồi lôi ông ta ra. Khi lôi ông ta ra, họ bắt bà nội với bác của Thúy quì xuống, bắt người lính quì xuống, hỏi là “bây giờ một trong hai người chết cho cái thằng này hay là cái thằng này chết cho hai người này?” Thì ông lính đó tội nghiệp cho bác với bà nội Thúy, ông nói là do ông chứ hai người này không dính líu gì hết. Lúc đó nó lôi người lính này ra xử bắn .
Dù còn nhỏ nhưng Thúy nghĩ ngày đó là ngày người ta được, theo lời của mấy ông, là được hưởng sự hòa bình, ngày đó là không ai được giết ai. Nhưng mà họ vẫn giết một người oan ức như vậy thì Thúy nghĩ những người đi tù cải tạo, họ đưa vô rừng sâu, thì họ có thể giết bằng bất cứ giá nào mà họ muốn. Thành ra Thúy mới quyết tâm, dù là bất cứ giá nào, nếu được thì Thúy phải làm cho được cái phim này.
Diễm Thúy đang đạo diễn cho một người được mời phỏng vấn trong phim Unforgotten.
Đầu tháng Năm vừa qua, bộ phim Không Bao Giờ Quên, thời lượng chỉ 50 phút, được trình chiếu lần đầu tiên và chiếu miễn phí tại nhà hàng Paracel ở Nam California. Sau đó, do khá đông người yêu cầu, phim được chiếu lần thứ nhì tại trụ sở đài phát thanh VNCR cũng tại miền Nam California.
Những khó khăn
Thực hiện một cuốn phim, dù là phim tài liệu dài chỉ 50 phút, là chuyện rất khó khăn dù như vốn liếng do mình tự trang trải:
Thúy đã liên kết với những người làm phim của Mỹ ở Hollywood . Mặc dù nói là phim tài liệu nhưng tốn tiền nhiều vì những tài liệu đó phải có thời gian, rồi những người bạn Mỹ đó không biết tiếng Việt Nam, thành ra rất là mất thời gian, phải ngồi với họ để chỉ cho họ làm thế nào thế nào, rồi coi như họ cũng mất nhiều thời gian với mình. Thành ra tiền chi phí lên cao chứ không phải vì phim tài liệu mà nó không tốn so với những phim chuyện khác.
Cái khó thứ hai là tìm người cộng tác, người quay, người đóng và nhất là những nhân chứng được phỏng vấn. Chính vì thế mà dự định từ 2008 nhưng trải bao nhiêu thay đổi và trở ngại thì mãi đến tháng hai năm 2012 mới có thể bấm những thước phim đầu tiên tại Michigan. Đây là lúc cô đã có người đồng sản xuất, trợ giúp những bước đầu:
Những năm đó là Thúy đã viết Script nhưng chưa quay được. Bắt đầu quay vào năm 2012, người co-producer, Ian Taylor, không thích chính trị, không thích cái gì dính dáng đến chiến tranh. Cậu ta từ chối rất nhiều nhưng mà Thúy vẫn mời thì cuối cùng cậu ta đồng ý giúp. Nói chung cũng rất là khổ, chính vì lẽ đó thời gian chuẩn bị cho phim rất là lâu.
Diễm Thúy đang đạo diễn cho một thanh niên làm nền trong phần cuối của phim Unforgotten
Đến lúc quay phim thì cũng không dễ dàng do là vì phải di chuyển nhiều:
Nhiều tiểu bang chứ không phải một. Mỗi lần đi thì những người quay phim có bận quay chỗ khác thì Thúy phải tìm cameraman khác rồi nhóm ê kíp khác. Những người đó phải đi với Thúy, xuống đó chờ cho đúng thời điểm, ngày giờ, tập trung được mọi người rồi thời tiết… Nói chung rất là khổ, Thúy chỉ kể một ví dụ như vậy thôi.
Trong nhóm của Thúy lúc đầu có Ian Taylor rồi có Tuấn Nguyễn ở Chicago , Tú Nguyễn ở Minnesota .
Từ Michigan , đoàn làm phim Unforgotten và đạo diễn là cô Diễm Thúy, bay sang California . Năm 2013, đoàn quay kéo xuống Savannah , Georgia :
Có những chú những bác lúc đầu thì họ nhận lời, sau đó vì lý do gia đình họ phải từ chối. Hoặc là có những cô có chồng đi tù cải tạo, lúc đầu họ cũng nhận lời nhưng sau đó họ từ chối. Có nhiều người sau khi suy nghĩ họ nói họ không muốn tham dự tại vì sợ về Việt Nam hoặc ảnh hưởng tới thân nhân của họ ở Việt Nam .
Có người khi mà mình được giới thiệu thì họ không hiểu, không biết Thúy đang định làm gì, họ nghĩ có thể Thúy là người mà Việt cộng gài vô hay như thế nào… Có người đồng ý thì vẫn giữ, có người sau đó lại đổi ý. Thành ra công đoạn tập họp mọi người rất là khó.
Một phần của lịch sử
Vấn đề thứ ba, Diễm Thúy trình bày tiếp, là hoàn cảnh tù cải tạo của quân nhân miền Nam ít nhiều giống nhau, vì thế phải lắng nghe để:
Câu chuyện của họ có những chi tiết tư liệu mà mình thấy rất bổ ích. Thúy không có tiền để mời họ về một ngày, họ cũng không có thời gian để mà về một ngày, thành ra Thúy phải đi qua những tiểu bang nào mà người đó đã sẵn sàng thì Thúy mới đến để phỏng vấn họ.
Coi như chỉ có Ian là người Mỹ thôi, lúc đầu thì Ian không có hiểu . Ian học về Journalism and Camera, Thúy giảng cho anh ta biết là những người đó đi tù như thế nào, trong Tết Mậu Thân người Việt Nam chết như thế nào, sau đó thì Ian có cảm xúc. Khi mà Thúy viết script và đưa ra thì Ian cũng như mọi người đều cùng một hướng với Thúy hết. Họ nghĩ đó là một đề tài có giá trị lịch sử tại vì những người Thúy phỏng vấn là những người đứng mũi chịu sào, coi như ở lại Việt Nam để đánh những trận cuối cùng rồi phải chịu tù tội sau ngày 30 tháng Tư.
Đó là cảm tưởng của một người Mỹ như anh phóng viên Ian Taylor, đồng sản xuất phim Unfogotten với Diểm Thúy, còn những người chưa hề nếm mùi chiến tranh và bom đạn thì sao.
Hoặc cảm tưởng của người đã xem bộ phim tài liệu này tại miền Nam California, luật sư Nguyễn Quốc Lân, cựu ủy viên giáo dục học khu Garden Grove:
Về phương diện giáo dục thì phim Unforgotten đóng một vai trò rất tốt rất quan trọng để cho thế hệ trẻ cũng như thế hệ tương lai hiểu được những gì xảy ra sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Trong cuốn phim không ai có thể đặt nghi ngờ là những cái này có thật hay không có thật, không ai có thể phủ nhận được những chuyện như vậy.
Nó đóng góp và trình bày sự thật chứ không phải để thuyết phục chính quyền Việt Nam công nhận hay không công nhận. Tại vì họ biết chuyện này nhưng mà họ vẫn nhắm mắt làm ngơ, họ vẫn từ chối những thực tế của vấn đề từ bao lâu nay.
Hoặc là cảm nghĩ của cô Bri Demattio, được đạo diễn mời làm co-host buổi trình chiếu premiere của phim tài liệu Unforgotten:
Tôi thật hân hạnh có mặt ở đó, tôi hiểu tầm quan trọng của một cuốn phim tài liệu như Không Bao Giờ Quên, đặc biệt trong dịp tưởng niệm ngày Sài Gòn thất thủ.
Đó là một cuốn phim đặc sắc. Người Mỹ biết về Việt Nam, biết về cuộc chiến Việt Nam nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ những gì đã xảy ra cho quân đội miền Nam Việt Nam khi đã im tiếng súng, thí dụ những trại tù tập trung lính miền Nam chẳng hạn. Những câu chuyện trong phim không chỉ làm người ta sáng mắt ra mà còn khiến người ta ngậm ngủi khôn tả.
Điển hình câu chuyện một phụ nữ cùng mấy con nhỏ lặn lội cả ngày đường từ trong Nam ra ngoài Bắc để thăm chồng đang bị giam trong trại tập trung. Trên đường đi, bao nhiêu thức ăn gói ghém mang ra cho chồng bị đánh cắp sạch, quần áo giỏ xách của bà và mấy đứa nhỏ cũng bị lấy cắp, mẹ con phải ngủ bờ ngủ bụi và chờ sáng mai vào trại xin thăm nuôi. Bà đã phải chờ đợi tới 4 ngày mà vẫn không được gặp mặt chồng. Cuối cùng, khi biết bà có đứa con nhỏ 4 tuổi, cán bộ trại giam đồng ý cho vợ chồng cha con gặp nhau trong 10 phút rồi đuổi bà về.
Những chuyện như thế làm mọi người khóc, khi phim chấm dứt tôi thấy nhiều cựu quân nhân đến bắt tay đạo diễn với đôi mắt đầy lệ, còn những người trẻ sau khi xem đã không dấu được nỗi xúc động. Với tôi, phim Không bao Giờ Quên là một đề tài sống động cho tuổi trẻ thế hệ hai và ba muốn tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam .
Vào tuần lễ thứ ba của tháng này, bộ phim tài liệu Unforgotten, Không Bao Giờ Quên, sẽ được trình chiếu tại San Jose, Bắc California.
Cũng như ở miền Nam , đây là buổi chiếu thân hữu và hoàn toàn miễn phí. Một trong những người đang vận động cho buổi trình chiếu Không Bao Giờ Quên, Những Ngảy Không Quên, cô Hoàng Mộng Thu, thành viên của Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn:
Bắc Cali có bà Lê Đình Vọng, sáng lập viên của chương trình Huynh Đệ Chi Binh, cô Cẩm Vân, ủy viên học khu, và đồng thời Biệt Đoàn Lam Sơn. Tinh thần của Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn là lúc nào cũng nhớ trong thời chiến Việt Nam có rất nhiều, rất nhiều chị em mình là vợ lính hoặc là người yêu của lính. Thành ra khi chúng em kêu gọi chương trình này thì có rất nhiều chị hoan nghinh và sẵn sàng yểm trợ , tham dự,. Sẽ có một buổi tiện trà nhỏ để cô Diễm Thúy có thể tiếp tân cũng như giới thiệu bộ phim của mình.
Bộ phim Unforgotten la một phần của lịch sử sau chiến tranh mà không ai có thể chối bỏ, là lời cô Chi Hoàng, giám đốc Công Ty Dược Mỹ Phẩm LaBelle ở thanh phố San Jose, người đầu tiên không do dự đứng ra bảo trợ cho buổi trình chiếu Không Bao Giờ Quên ngày 20 sắp tới:
Chính ba của Chi đã từng bị đi tù cộng sản, những người chú ruột của Chi cũng chết ở ngoài Bắc. Khi mà nói tới cái này thì giống như một phần của gia đình mình mà được nhắc nhở tới. Chi còn nhớ lúc đó Chi mới có 8 tuổi thôi, Chi phải theo mẹ 3 giờ sáng lên một chiếc xe chạy bằng than đi ra thăm bố ở ngoài Bắc. Mất hai ngày để đi thăm bố nhưng thời gian thăm chỉ được 3 tiếng thôi và mẹ con lại lầm lũi đi về, rất buồn, nước mắt cứ chảy ra.
Những thước phim này rất quan trọng, để cho thế hệ sau biết được một sự thật mà chế độ cộng sản không bao giờ muốn chấp nhận và không bao giờ muốn cho ai biết hết. Đây là một phần lịch sử không ai có thể chối bỏ được.
Và cô Cẩm Vân, chủ tịch học khu East Side của San Jose :
Học khu East Side học sinh Việt Nam chiếm hàng nhì học khu. Vừa rồi Cẩm Vân được hân hạnh đem cuốn phim The Last Days In Vietnam của KQED vào trong học khu. Lần này , biết chị Diễm Thúy và phim Unforgotte, Cẩm Vân cũng muốn đem phim đến với trường học trong học khu East Side . Mục đích là cho các em hiểu được lịch sử, điều thứ nhất. Thứ hai là hiểu được làm sao các em qua được bên Mỹ để có một nền tự do cũng như nền học vấn tốt hơn là ở ViệtNam .
Thanh Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét