Mậu Thân 1968 xảy ra cuộc tổng công kích của MTDTGPMNVN vào các thành phố của miền nam VNCH vào đêm Giao thừa 29.12.1968 (dương lịch ngày 30.1.1968).
Năm Khỉ nói chuyện Khỉ
Trong 12 con giáp, khỉ đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi. Giống Khỉ thuộc loài có vú, sanh con, thường sống từng đoàn ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, thông minh hơn các thú vật khác, thường bắt chước các hoạt động của con người.
Học thuyết tiến hoá của Charles Darwin, gây ra nhiều cuộc bút chiến sôi nổi đối với những nhà thần học và tôn giáo, vì ông ta cho rằng khỉ (Vượn) là thủy tổ của loài người. Năm 2016 là năm Bính Thân, chúng ta cùng tìm hiểu về đời sống của khỉ.
Khỉ có tên trong Khoa học
Giới (regnum) Animalia
Ngành (phylum) Chordata
Lớp (class) Mammalia
Bộ (ordo) Primates
Họ (familia) Cercopithecidae
Chi (genus) Macaca
Khỉ sống từng vùng khác nhau trên thế giới, bởi vậy đời sống tập tính có nhiều điểm khác biệt. Có loại khỉ ăn thịt cá, ăn mối, ăn trái cây, lá, vỏ cây… Hình dáng lớn nhỏ màu lông khác nhau:
Khỉ đuôi dài (Macaca nemestia) sống ở Đông Nam Á. Tùy theo loài, chiều dài con trưởng thành từ 38–55 cm với tay và chân ngắn. Đuôi dài hơn thân với chiều dài từ 40–65 cm. Con đực lớn hơn con cái, nặng từ 5–6 kg so với con cái nặng từ 3–6 kg.
Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina), trọng lượng khoảng 14 kg. Bộ lông màu vàng nhạt, đỉnh đầu có đám lông đen, đuôi giống đuôi lợn.
Khỉ Mốc (Macaca fascicularis) dài 50 cm đến 73 cm với đuôi dài 19 cm đến 38 cm. Con đực nặng 10 kg đến 14,5 kg, con cái nặng 8 kg đến 12 kg. Thức ăn của khỉ mốc là trái cây, lá, ngũ cốc và một số động vật không xương sống.
Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) có màu lông sẫm pha đỏ, nâu hoặc đen ở phần trên của cơ thể. Chúng có mặt đỏ và đuôi gần như không có.
Khỉ mặt vàng (Macaca mulatta) có thân màu nâu, phần mông, hai bên hông và đùi màu nâu đỏ.
Khỉ voọc xám (Presbytis pheyrei crepusculus) lưng có màu sẫm, thân trước và tay có màu xám bạc, chân màu đen, mặt màu xanh, xung quanh mắt có viền tròn mầu kem, trán có mầu xám đen và đuôi trắng.
Vượn trắng (Nomascus leucogenys). Tất cả các loài vượn đều có tay dài hơn chân và không có đuôi. Vượn cái và vượn con có màu nâu vàng, hoặc xám vàng. Vượn đực toàn thân màu đen.
*Đười ươi (Orang Utang) Đười ươi (Pongo pygmacu), Khỉ muôn (Chimpanzee), những con tinh tinh (Pan troglodytes) Khỉ lùn (Bonobo) Khỉ đột mỏ dài (Pavian) …
Có 22 loài khỉ đuôi dài, trong đó một số được sử dụng thường xuyên trong các thí nghiệm khoa học. Chúng là một trong những động vật linh trưởng được giới khoa học quan tâm bởi trí thông minh và khả năng thích nghi với môi trường sống. Khỉ thích quay trở lại những cây quen thuộc nơi chúng từng tìm thấy hoa quả, bầy khỉ thích tìm thức ăn khi thời tiết nắng ấm áp hơn là lúc trời đầy mây và lạnh giá. Tiết trời ấm và sự kết hợp của bức xạ mặt trời làm chín muồi của trái cây cũng như sự tăng trưởng của các ấu trùng sống ẩn trong một số loại quả, món ăn mà Khỉ rất ưa chuộng. Mỗi khi phát hiện thức ăn, khỉ luôn thông báo cho đồng loại bằng những tiếng kêu đặc trưng.
Khỉ đột và Tinh Tinh, dù ở trong rừng rậm được các nhà Động vật học quay phim chiếu lại trong các chương trình Tivi về đời sống của chúng. Phần lớn khỉ ăn trái cây và lá cũng như ăn các động vật nhỏ. Tinh Tinh có nhóm máu và gen cũng trùng hợp với chúng ta, là loại thông minh biết dùng vũ khí như đá, cây để chống lại kẻ thù, biết dùng đá để đập những loại hạt có vỏ cứng như hạt dẻ để ăn, biết dùng lông chim để ráy tai, dùng những cọng hoặc cành cây để xiả răng. Để tránh khát nước biết nhai những lá cây nát làm thành “miếng xốp” nhúng vào nước rồi vắt vào miệng để uống, biết dùng cành cây làm cần câu để móc mồi từ những ổ mối lớn để ăn. Tinh tinh được huấn luyện để mặc áo quảng cáo, đeo kính mát và làm tài tử đóng phim như trong phim Tarzan. Tinh tinh cao chừng 170 cm con lùn 90 cm, trọng lượng nặng khác nhau từ 45 kg đến 60 kg, thời gian thụ thai từ 225 ngày đến 240 ngày. Khỉ con bú sữa mẹ 2 đến 4 năm. Tinh tinh mẹ rất yêu thương và chăm sóc con nhỏ đi đâu cũng mang con con bên cạnh. Tuổi thọ khoảng 40 năm
King Kong thời đại
Phim (Film) King Kong làm cho nhiều người say mê, người dựng phim cho con khỉ Gorin là giống tàn bạo vì sức lực phi thường của nó. Những bộ phim King Kong diễn tả con khỉ Gorin này chuyên khủng bố tàn phá nhà cửa.
Đó là xảo thuật dàn dựng tưởng tượng, nhưng thật sự con khỉ Gorin sống dịu dàng điềm đạm thân thiện. Bà Diana Fossy từng sống giữa bầy Gorin chưa bao giờ bị chúng tấn công.
Khi gặp người lạ chúng thường đứng thẳng trên hai chân sau, hai chân trước (2 tay) đập vào ngực nó và phát ra tiếng rống thật to để đe dọa đối phương. Khỉ Gorin cố gắng tránh các cuộc ẩu đả và chỉ giương oai, diễu võ thôi, Chúng thường chạy lướt qua nhau nhổ bật rễ các cây con để thị uy. Gorin loại khỉ đột này cao 1,80 m; nặng 180 Kilô hoặc nhiều hơn (nhưng những con sống ở bờ biển lông ngắn màu nâu không to lớn bằng những giống ở rừng) mỗi ngày 3 giờ tìm thức ăn, 4 giờ để ăn, thì giờ còn lại vui chơi hay ngủ. Khỉ đực Gorin nặng tới 275 kg con cái nặng 100kg thời gian mang thai 251 đến 289 ngày, sanh con con nặng 2 kg. Tuổi thọ 60 tuổi. Gorin chỉ ăn thảo mộc, măng, rễ, bẹ non, trái và lá cây.
Gorilla sống ở những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Châu Phi. Hai loài Gorilla hiện nay là Gorilla núi rất quý hiếm sống trong rừng trên núi Albertine Rift cao 2225 đến 4267 m, thuộc dãy Virunga phía đông Châu Phi.
Loài thứ 2 là Gorilla đồng bằng sống tại những khu rừng rậm rạp, đầm lầy và các vùng ngập nước xấp xỉ mực nước biển. Thức ăn của chúng là các loại thực vật như cây mọng nước, chồi non… Gorilla thường sống trong rừng rậm, nơi có nhiều cây cối và đó là nguồn thực phẩm quan trọng của chúng. Gorilla thường sống dưới mặt đất, đi bằng bốn chân và chỉ đi bằng hai chân khi chuẩn bị đánh nhau. Về đêm, chúng có thể ngủ trên cây. Gorilla dù có thân hình to lớn những có thể leo cây khá tốt. Chúng sống theo đàn dưới sự chỉ huy của một con đực to khỏe nhất. Nhiệm vụ của con đực là lãnh đạo và bảo vệ cả đàn khỏi bị thú dữ tấn công. Kẻ thù nguy hiểm nhất của Gorilla là loài báo hoa mai rất hung dữ.
Khi bị đe dọa, con đực sẽ đứng thẳng người và dùng 2 tay đấm thình thịch vào bụng để cảnh báo trước khi chiến đấu. Gorilla được biết đến như một dã thú đầy sức mạnh với ngoại hình to lớn, khỏe hơn nhiều so với người, đôi tay mạnh mẽ, và thông minh và một cú đấm của gorilla có thể khiến mọi vật đối diện phải biến dạng. Dù có thân hình to lớn đồ sộ, Gorilla có tốc độ chạy ở mức trung bình, khoảng 40 km/h. Tuy có thân hình to lớn và dữ tợn nhưng thực tế các con khỉ Gorilla ăn thực vật và ít khi gây hại cho những con thú khác.
Khỉ đột di chuyển bằng đốt ngón tay, mặc dù đôi khi chúng có thể đứng thẳng khi mang theo thức ăn hay trong tình trạng phòng ngự. Khỉ đột trưởng thành hoang dã nặng 135 đến 180 kg trong khi con cái thường chỉ nặng bằng nửa con đực 68–113 kg. Con đực trưởng thành cao 1,7 đến 1,8 m với sải tay 2,3 đến 2,6 m. Con cái có sải tay ngắn hơn. Khỉ đột đực trưởng thành được biết đến như “lưng bạc” do vùng lông màu bạc trên lưng của nó. Đôi khi, một con lưng bạc lớn hơn 1,8 mét nặng đến 230 kg trong hoang dã, những con khỉ đột béo phì trong tình trạng nuôi nhốt nặng đến 270 kg
Khỉ Capuchin nổi tiếng vì sự thông minh biết sử dụng các viên đá để đập vỡ hạt, đào đất và thăm lỗ… Không giống các loài khỉ khác, các con cái thuộc giống Khỉ Capuchin không có bất kỳ dấu hiệu cơ thể nào cho thấy chúng đang trong thời kỳ “động đực”. Các con khỉ cái thường thu hút sự chú ý của con đực bằng khuôn mặt hờn dỗi, những tiếng kêu rên rỉ hoặc bằng cách chạm vào “chàng” và chạy đi chỗ khác, thậm chí còn ném đá về phía con khỉ đực nó khao khát yêu đương. Hành động ném đá của khỉ cái như một cách thăm hỏi, chào mời.
Với những loài linh trưởng khác, con cái thể hiện đầy đủ mọi hành vi ve vãn, ‘động đực’. Khỉ đực thường chải lông, bắt rận cho khỉ cái trước khi giao hoan với chúng. Khỉ cái cũng chải lông cho khỉ đực…
Đười ươi (Dryopithecus) là ẩn sĩ trong rừng?
Đười ươi thường bện các cành lại làm ổ trên cây cao, nơi chúng không cảm thấy nguy hiểm, để ngủ đêm và nghỉ ngày, chúng thích ngủ và chỉ rời ổ khi mặt trời lên cao. Đười ươi đực ngồi trong ổ ca khúc ban mai, nó vươn vai, giơ rộng cánh tay dài, từ họng phát ra âm thanh nhát gừng, càng lúc càng to và kết thúc bằng một tiếng kêu dài rộn ràng. Thường vợ chồng đười ươi ở cách xa nhau, chỉ gặp nhau những lúc có cây to trái chín rộ hoặc những lúc giao hợp. Đươi ươi sống trên cây không di chuyển dưới đất như khỉ Gorin và Tinh tinh.
Đười ươi ăn trái cây trong rừng, ngoài ra cũng ăn lá vỏ cây mối và kiến. Trước khi ăn thường nếm thử. Đười ươi cao 97 cm, con đực nặng 90 kg con cái nặng 50 kg, thời gian mang thai từ 260 đến 270 ngày, và cho con bú 2 đến 3 năm. Tuổi thọ đến 40 năm. Đười ươi đực do các bướu cổ rộng tạo thành mô sụn liên kết mà mặt bẹt như cái đĩa, tuổi già có thêm râu ria dài, và lưng cũng bạc như khỉ Gorin. Đười ươi sống trên cây các rừng vùng nhiệt đới ẩm thấp, phần lớn ở ở Đông Nam Á trong rừng Calimantan và Bắc Sumatra, ở Mã lai và Nam Dương, có giống Orang Utann gọi là người rừng cao khoảng 1,50 m, nặng 90 Kilô, ăn trái cây, trứng chim, chuột, côn trùng, ngoài ra cũng thường bắt khỉ con, heo rừng, linh dương nhỏ để ăn, con đực hay săn mồi hơn con cái.
Thói quen của các loại khỉ đều chải chuốc bộ lông cho nhau, hoặc bắt chí, rận hay tìm những miếng da khô bị tróc trong bộ lông. Thường đàn khỉ có một con đầu đàn to lớn với trách nhiệm lo cho cả đàn. Khỉ đầu đàn cũng thuộc hạng “sư phụ” không thua gì Dê đực về việc chăm lo thỏa mãn cho mấy chục Khỉ cái trong đàn. Khỉ đực có thể giao phối liên tục cả ngày, kéo dài quanh năm suốt tháng và sẵn sàng quyết chiến nếu khỉ đực khác dám bén mảng quyến rũ các bà vợ của mình.Khỉ thường ngủ trong ổ do chúng đan mỗi ngày bằng cành cây, sợ các thú dữ như hổ báo, mèo rừng và rắn độc
Vượn có phải là thủy tổ của loài người không?
Vượn thông minh, nhanh nhẹn, chúng có thể nhảy xa 20m, qua giòng sông nhiều cá sấu, nhảy từ ngọn cây này sang ngọn cây bên kia, chúng thường suy tính khi giải quyết vấn đề khó khăn. Để lấy được món ăn hấp dẫn trên cao, thường biết chồng các khối gỗ lên cao và dùng gậy khều thức ăn, vượn không nói được, nhưng những gì quan trọng chúng đều báo tin cho nhau bằng cử chỉ và nét mặt. Gần đây qua nhiều cuộc thí nghiệm, nó có thể sử dụng Computer, biết dùng sơn để vẽ…
Học thuyết tiến hoá của Charles Darwin (1809-1882)
Darwin bỏ thì giờ nghiên cứu về học thuyết này từ năm 1842 đến năm 1844, nhưng chưa dám phổ biến sau khi nhận bản thảo về học thuyết tiến hoá của Alfred Russel Wallance gốc người Anh sống ở Đông Ấn. Năm 1859 cuốn “Nguồn gốc của các loài” được xuất bản tạo ra nhiều cuộc tranh cãi đến năm 1871 Darwin xuất bản cuốn “Nguồn gốc loài người và sự lựa chọn trong quan hệ giới tính”tác phẩm này với học thuyết về sự tiến hoá của loài người có nguồn gốc từ Vượn. Người tiền sử Neandertalien cách đây 5 triệu năm. Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Neanderthal không hề có đóng góp gì về gen đối với loài người hiện nay và giống người này đã tuyệt chủng (Vượn 20 triệu năm, Đười ươi 20 triệu năm, Tinh tinh 10 triệu năm (tài liệu dẫn chứng tác giả Witus B. Droscher). Gây ra nhiều cuộc bút chiến sôi nổi đối với những nhà thần học và tôn giáo, học thuyết của Darwin làm thoái hóa lòng tin. Con Vượn muôn đời vẫn là con Vượn, ngày nay sự tiếp xúc của con người với các loài vật do tạo hoá sinh ra, vẫn như thời nguyên thuỷ con rắn sinh ở sa mạc có màu của cát, con rắn sinh ở trên cây có màu xanh, đó là sự biến đổi sinh tồn hòa nhập vào đời sống.
Con người do Thượng Đế tạo ra đã có trí khôn từ muôn thuở sinh tồn hàng triệu năm trên trái đất này.
Các nhà Khoa học chứng minh có thể loài Vượn có những yếu tố nào đó giống con người về nhóm máu một số Gene? So sánh bộ gene của người và Tinh tinh cho thấy một sự khác biệt gene liên quan đến thính giác đã cho phép con người phát triển giọng nói trong khi Tinh tinh không nói được. Bộ gene của con người và Tinh tinh 99% giống nhau. Nhưng một số quá trình phát triển như thính giác và khứu giác của con người lại có tốc độ nhanh hơn.
Những gene liên quan tới quá trình này có thể giải thích một phần vì sao Tinh tinh và con người lại có sự khác biệt đó. Nhà nghiên cứu Andrew Clark tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, cùng cộng sự đã lập nên bản đồ gồm hơn 7.000 gene của Tinh tinh trước khi so sánh với con người. Không thể vội vã kết luận Vượn là thủy tổ loài người.
Chuyện hoang đường về khỉ
Chuyện Tây Du Ký, kể chuyện ba thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc đường xa vời vợi thời đó hạ giới còn yêu quỷ, nhiều tài năng biến hoá cản trở việc đi thỉnh kính của Tam Tạng.
Tôn Hành Giả là con khỉ ở núi cao được sinh ra từ lòng một hòn đá, biết nói tiếng người muốn sống trường sinh bất tử, rời động Thủy Liêm xuống núi đi tìm thuốc trường sinh, may mắn gặp Tô Sở Thần thâu nhận làm đệ tử, truyền dạy võ thuật và các phép thần thông biến hóa. Thành tài, Tôn Ngộ Không không trở về cố quận, xuống thủy cung của Long Vương chiếm được vật báu Như Ý kim Cổ Bổng (làm cây thiết bảng), lên Thiên đàng uống rượu trộm loại trường sinh bất tử của Thái Thượng Lão Quân. Phá rối khắp nơi nổi danh là Tề Thiên Đại Thánh lộng hành. “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”, Phật Tổ Như Lai chứng minh cho họ Tôn thấy sự mênh mông vô lượng của các pháp mà những kẻ ở cõi này không bao giờ vượt nổi, nếu chỉ loay hoay với tham vọng.
Tề Thiên Đại Thánh dù thần thông biến hoá cũng không chạy khỏi bàn tay của Đức Phật Như Lai úp bàn tay xuống tạo Ngũ Hành Sơn ngàn cân giam cái tham vọng của họ Tôn lại. Nhưng Ngài cũng biết rằng, chẳng có núi cao biển sâu nào giam được tham vọng của con người nếu con người không tự tu thân. Ngài cũng để một lối thoát cho sự ăn năn hối cải cho Tề Thiên.
Một ngày đẹp trời thầy Đường Tăng Tam Tạng đi ngang qua đã thâu nhận Tề Thiên làm đệ tử, cứu ra khỏi ngũ hành đè trên lưng, nhưng Ngài phòng ngừa tính khỉ thích vui chơi, phá rối nên gắn trên đầu vòng Kim cô để dễ trị tội.Trên đường đi thỉnh kinh có thêm đệ tử gốc heo là Trư Bát giới và Sa tăng...
Những năm Thân trong lịch sử
Giáp Thân 1884, triều đình Huế ký hòa ước với Pháp công nhận sự bảo hộ của Pháp. Ông Patenôtre hội cả các quan, bắt đem huỷ bỏ Ấn của Tàu phong cho vua Việt Nam, nghiã là từ đó nước Nam thuộc về nước Pháp bảo hộ, không còn thần phục nước Tàu. Pháp chia nước ta ra làm hai khu vực Trung Kỳ và Bắc Kỳ để dễ cai trị. Dần dần Hòa ước đó mất đi ý nghĩa, Pháp chiếm hết quyền lực để đô hộ,triều đình Huế chỉ giữ cái hư vị mà thôi. Cho đến ngày 08.03.1949 thỏa ước Elysée (điện Elysée, Paris) Quốc trưởng Bảo Ðại sang Pháp ký với tổng thống Vincent Aurio Pháp thừa nhận Việt Nam, có nền ngoại giao, kinh tế, tài chánh, tư pháp giáo dục riêng.
Giáp Thân – Ất Dậu nạn đói từ mùa thu năm 1944 đến mùa đông năm 1945 các tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam và Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, số người chết gần 2 triệu người! Tài liệu mô tả trên khắp các nẻo đường đều có xác người chết vì quá đói!
Mậu Thân 1968 xảy ra cuộc tổng công kích của MTDTGPMNVN vào các thành phố của miền nam VNCH vào đêm Giao thừa 29.12.1968 (dương lịch ngày 30.1.1968). Thảm cảnh diễn ra chỉ 25 ngày đêm trên có 41 tỉnh. Thành phố, Thị trấn, thị xã miền Nam Việt Nam, gây nhiều tổn thất về nhân mạng và tài sản, ca dao một thời được nhắc lại, để nhớ những đau thương mang đến trong dịp Tết Mậu Thân (1968) với niềm vui không trọn!
Khỉ trong văn học
Khỉ đi vào đời sống văn hóa người Châu Á qua năm Thân, tháng Thân, ngày Thân, giờ Thân. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng được người đời nhắc đến, Ở miền Nam, chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch ở vùng sông nước được gọi là cầu khỉ. Đời Hán bên Trung hoa trong chuyện Tô Vũ chăn dê, đã nhờ con vượn cái cứu sống trong những đêm đông giá lạnh, trong 10 năm Tô Vũ đã sống với vượn như tổ ấm gia đình.
Ngày nào khỉ lìa qủa xanh
Thì anh mới bỏ em ngày ấy
hoặc
Khỉ bồng con lên non cắn trái
Cảm thương nàng phận gái mồ côi
Những câu thơ trào phúng ví von chuyện của gia cầm - thường nuôi mèo chó, ít người nuôi khỉ - chỉ còn ít người tin nuôi khỉ trước sân hay trong chuồng bò để chống bệnh phong.
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ mới trả lời cả họ mầy thơm!
Con chó chê khỉ lắm lông
khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài
Đời sống của chim trời tung cánh bay xa, vượn thì thích sống trong rừng có hoa trái, mỗi ngày di chuyển không xa khu vực núi rừng, chỉ trong phạm vi 1 km.
Nhạn lạc bầy kêu thảng thốt
Vượn lạc bầy cắn trái khóc than
Đêm nằm lụy nhỏ chứa chan
Tôi nhớ đến câu tình tự
Tôi băng ngàn tới đây!
Khỉ sống trong rừng ở trên cây nhưng lo ngại sự tấn công cuả thú dữ như báo, hổ, mèo rừng, khỉ thường báo động cho nhau biết mỗi khi đánh được mùi của cọp đến gần.
Chớ mượn hơi hùm run nhát khỉ
Trần Trọng Kim dịch bài thơ của Vương Xương Linh khi bị đày lên vạn Tuế Lâu với đời sống cô đơn để nhìn đời sống cuả khỉ, chim muông:
Núi chiều vượn khỉ yên vui
Bãi kia chim cốc tới lui từng bầy
Ai lên trong đám khói mây
Chiều hôm man mác lại gây nỗi sầu.
Khi nào cho vượn lià cành
Cho chim lià tổ, thiếp hoạ may lià chàng
Con vượn có mặt trong văn chương truyền khẩu của người Việt như trong bài dân ca “Lý qua đèo” ở Huế hay “Ăn ở trong rừng” thuộc Quan họ Bắc Ninh. Ca trù có điệu xẩm huê tình cũng nhắc đến vượn. Ca dao thì có câu nhắc đến vượn để trỏ ý xa xôi, hoang dã như trong câu ca dao miền Nam:
Má ơi! Đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Tục ngữ về vượn có câu:
Vượn lìa cây có ngày vượn rũ.
Trong văn học thì hai tác phẩm lớn là Truyện Kiều và Lục Vân Tiên đều có nhắc tới vượn, nhất là tiếng hú (còn gọi là hót) của chúng. Trong tín ngưỡng Tứ phủ, hình bóng con vượn hiện ra biểu tượng cho miền núi hoang sơ khi vượn ra mắt dâng cúng hoa quả.
Từ ngữ về con khỉ chủ yếu xuất hiện trong văn hóa của các dân tộc Á Châu. Một số thành ngữ, tục ngữ như:
Khỉ ho cò gáy: Chỉ chốn hoang vu
Giết gà dọa khỉ. Rung cây nhát khỉ
Làm trò khỉ: Chế giễu những người hay pha trò, bắt chước, làm trò hề:
Trời sinh con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông
Khỉ bồng con lên non kiếm trái
Cảm thương nàng phận gái mồ côi
Mặt nhăn như khỉ
Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà
Khỉ gió, khỉ khô, khỉ mốc: những câu rủa, câu mắng; đồ khỉ hay đồ khỉ gió: Ám chỉ người không đứng đắn, nghiêm túc, hay nghịch ngợm.
Khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo….
Dân tộc nào thường ăn thịt khỉ?
Nhiều quốc gia ở Phi Châu và Nam Mỹ, họ săn bắn các loại khỉ để ăn thịt, đe doạ làm khỉ mất giống. Ở Á Đông cho rằng thịt khỉ bổ máu, cường dương. Đông y còn dùng xương khỉ để nấu cao khỉ chữa trị được nhiều bệnh (?). Thời Từ Hi Thái Hậu (Kaisserin witwe Cixi), Thái Hậu lựa chọn thức ăn đại bổ như “Trảm mã trà” và “Não hầu / múc óc khỉ”. Bọn Thái Giám múc nước sôi tạt vào đầu con khỉ. Con khỉ bị nóng lấy tay gãi tuốt hết lông đầu, và họ bỏ con khỉ vào thùng có khoét lỗ tròn vừa đầu con khỉ nhô lên, lấy dao bén vạt ngang, óc khỉ lòi ra, lấy thìa múc óc bỏ một thứ thuốc dâng cho Thái hậu (trong tác phẩm Từ Hi Thái Hâu của Mộng Bình Sơn).
Món ăn dã man này ngày nay còn lại trong giới nhiều tiền ăn chơi tại Trung Hoa cũng như Việt Nam! Ở Tây phương giới y khoa chỉ dùng khỉ trong các việc thí nghiệm, nuôi khỉ trong sở thú để mọi người chiêm ngưỡng, không có bán thịt khỉ.
Các loài khỉ đột, Tinh tinh và Đười ươi hoang dã đang trong nguy cơ bị tuyệt chủng vì vừa bị săn bắt, vừa chịu ảnh hưởng của việc tàn phá rừng. Loài tinh tinh đã biến mất tại ba nước Tây Phi và sẽ sớm biến mất tại ba nước khác.
Khỉ ăn ớt
Thuyết tiến hoá đã được bàn cãi qua nhiều thế kỷ, nhưng sự đổi đời sau 30.4.1975 cũng nhiều chuyện về khỉ như “khỉ đội mũ cối ngồi xe, bắt chước như khỉ, nói như vẹt”.
Tôi có người anh con cậu, sau khi đi “học tập cải tạo” về không được phép ở lại Sài Gòn, bị gọi đi xây dựng vùng kinh tế mới, đi thủy lợi đào kinh trồng thơm ở Lê Minh Xuân. Vì thế mẹ tôi mua một khu vườn ở Gia Rây gần Ngã ba Ông Đồn cho anh tự lập nghiệp, nuôi sống tạm thời để khỏi bị đi kinh tế mới trước khi tìm đường vượt biên.
Vườn rộng gần một mẫu, thời đó giá chỉ một vài cây vàng 24K - để canh tác. Vườn có nhiều chuối xanh tươi - những buồng chuối dài trái lớn, chôm chôm lọai tróc vỏ cao hơn đầu người, những loại trái cây như đu đủ, mít, tố nữ…; những khu đất trống có thể trồng đậu xanh, bắp tùy theo mùa.Nhờ những năm trong trại cải tạo anh đã canh tác thành công. Những lúc anh về Sài Gòn thường mang trái cây về cho chúng tôi như mít, chuối, đu đủ thơm ngon nhờ chín cây.
Nhưng không lâu những mùa trái cây bị đàn khỉ hàng trăm con từ trên núi về phá hoại ăn hết chuối bắp, nhưng không thể nào đánh đuổi “rung cây nhát khỉ”, nó chạy đi nhưng cứ trở lại kiếm ăn. (Vì trên núi bộ đội khai thác gỗ để bán, và săn bắn khỉ để ăn thịt). Anh về Sài Gòn tìm mua sơn các màu đỏ, xanh và vải đỏ. Chúng tôi tưởng anh đổi nghề đi vẽ quảng cáo chăng? Nhưng không phải vậy, anh mua các dụng cụ trên để trị bầy khỉ ngoan cố ăn trộm trái cây! Anh kể lại kinh nghiệm người bạn chỉ cách trị khỉ “cho khỉ nó ăn ớt”.
Anh đào cái hố rộng hình vuông hay tròn, rộng sâu hơn 1,5 m để khỉ không thể trèo lên, từ trên hố xuống đáy để một cái cây làm thang, dưới hố để chuối và ớt hiểm giã nhỏ để chung với nhau. Lúc yên tĩnh đàn khỉ kéo nhau xuống kiếm ăn, thấy chuối nó cùng nhau trèo trên cây để sẵn xuống hố, tranh nhau ăn chuối và ăn luôn cả ớt. Ớt dính vào tay, vào mắt mũi cay quá!
Chúng tranh nhau bỏ chạy nhưng dưới đáy hố không còn đường nào thoát hiểm, con này trèo lên cái cây con khác kéo lại, cứ tranh nhau như vậy con trèo con kéo lại, cuối cùng đều ở lại dưới hố. Chỉ cần lấy cái cây đi thì khỉ hết đường chạy trốn. Bắt từng con cột lại cạo lông đầu, lấy sơn trét lên đầu và mặt khỉ, làm cho nó trở thành con khỉ lạ, cột trên cổ nó cái khăn đỏ làm “khỉ ngoan của Bác”. Bôi thêm ớt lên trên mình khỉ rồi thả chúng chạy vào rừng. Đàn khỉ cùng đàn không thể nhận ra là bạn, sợ bỏ chạy xa, đôi khi cắn nhau chí tử, gặp ớt cay bỏ chạy quên cả khu vườn nhiều hoa trái…
Không có bài học nào giống nhau, kinh nghiệm cuộc đời khó có thể tưởng tượng. Nếu đàn khỉ không tranh nhau kéo nhau khi bị nạn ăn ớt, để từng con chạy trốn thì con người không thể bắt được để cạo đầu bôi sơn, để rồi tự quay trở lại cắn nhau không nhận ra là bạn và thù.
Bốn thập niên cộng đồng chúng ta làm kiếp người lưu vong, dù hội nhập đời sống mới, phát triển và thành công trên nhiều lãnh vực về khoa học, thương mãi vv.. Cạnh tranh với người bản xứ khắp năm châu bốn bể, nhưng nhìn lại sinh hoạt cộng đồng thường thiếu đoàn kết…
Nguyễn Quý Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét