10 cây cổ thụ có tuổi thọ cao trên thế giới
Cây cối là một trong những loài có tuổi thọ cao nhất thế giới, kết nối từ thế kỷ nọ sang thế kỷ kia, thậm chí từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Dưới đây là 10 cổ thụ đặc biệt nhất hành tinh.
10. Cây sồi tiên
Nằm ở Nam Carolina, trên đảo Johns, cây sồi tiên đến nay đã 1.500 tuổi. Tàn cây của nó bao phủ trên một diện tích là 1.597 m2. Cây sồi tiên có vẻ đẹp đáng kinh ngạc này là một trong những sinh vật sống lâu nhất về phía đông sông Mississippi. Với chu vi hơn 8,5m và các nhánh phụ dài tới 30,5 m, cây sồi tiên đã hứng chịu và trải qua nhiều thảm họa tự nhiên như trận động đất Charleston năm 1886, bão lũ Hugo năm 1989.
9. Cây ô liu già nhất thế goo
Các nhà khoa học thuộc ĐH Crete cho biết, cây ô liu Vouves đã có tuổi thọ từ 3.500 tới 4.000 năm tuổi và nó vẫn đâm hoa kết trái hàng năm. Cây này nằm ở làng Ano Vouves, đảo Crete, Hy Lạp. Mỗi năm có khoảng 20.000 người trên khắp thế giới về đây chỉ để chiêm ngưỡng độ kỳ vĩ của nó.
8. Cây máu rồng
Được xếp vào loại quý hiếm, cây máu rồng (còn gọi là cây long huyết) góp phần tạo nên điểm độc đáo và sự quyến rũ riêng cho đảo Socotra của Yemen.
Sở dĩ cây máu rồng có tên gọi như vậy là vì nó có hình giống chiếc ô, nhựa cây có màu đỏ, được người dân địa phương so sánh như máu rồng. Nhựa cây ngày nay được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh, thuốc nhuộm và cả làm sơn, véc ni. Các cư dân địa phương trên đảo Socotra tự hào tuyên bố: “Chỉ người đảo Socotra mới hiểu hết công dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong khi đó, người Arab lại dùng cây máu rồng trong các môn ma thuật, cúng tế.
7. Cây bách Montezuma, Mexico
Cây bách cổ thụ trong ảnh cao hơn 35 m nằm ở Oaxaca, Mexico. Chu vi gốc cây là 58 m và đường kính thân là 36 m. Mỗi nhánh chính của nó có thể là một cây độc lập. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng, cây cổ thủ Montezumabao gồm nhiều cây đơn lẻ dính vào nhau. Nhưng kết quả xét nghiệm ADN đã chứng minh rằng, nó là “một cá thể duy truyền duy nhất”.
6. Cây baobab ấm trà
Cả 8 chi của baobab, có tên khoa học là Adansoniađều là những thực vật tuyệt đẹp. Baobab châu Phi có nguồn gốc ở lục địa Phi nhưng cũng có thể được tìm thấy ở châu Á và bán đảo Arab. Loài cây này có phần thân phình ra như vỏ chai hoặc ấm trà có thể dự trữ tới 120.000 lít nước đủ sức để chống chọi trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Trong đó, Baobab Madagascar thường có hình dạng ấm trà. Cây baobab ấm trà trong hình trên đã có tuổi thọ 1.200 năm tuổi.
5. Cây bông gòn ở Ta Phrom, Campuchia
Cây bông gòn khổng lồ tuyệt đẹp trong hình sinh trưởng và phát triển trên đống đổ nát của ngôi đền Ta Prohm, Campuchia. Những cái rễ khổng lồ của nó trườn dài trên mặt đất và thậm chí ăn sâu cả vào ngôi đền. Có cây bông gòn này, Ta Phrom trở thành điểm thu hút hàng nghìn khách du lịch hàng năm khi họ tới Campuchia. Đây cũng là một trong những địa điểm nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
4. Cây thông Methuselah
Methuselah thuộc loài thông Bristleconeở sa mạc miền Tây nước Mỹ Great Basin cũng là một trong những thực vật sống thọ nhất thế giới. Chúng có mặt ở Utah, Nevada và California nhưng không nhiều. Loài cây này phát triển rất chậm và điều thú vị là những chiếc lá hoặc kim của chúng vẫn giữ được màu xanh trong hơn 40 năm.
Methuselah là cây thông có tuổi thọ lên tới 4.789 năm khi hai nhà khoa học Tom Harlan và Edmund Schulman lấy mẫu của nó để xét nghiệm năm 1957. Như vậy, hiện nay nó đã được 4,845 tuổi. Cây mọc trên núi Trắng, California. Nhằm bảo vệ cây tránh khỏi sự tọc mạch từ các đoàn du khách hiếu kỳ, chính quyền địa phương đã hạn chế việc chụp ảnh về cây nhằm tránh các hành động phá hoại.
3. Cây tơ sồi (Ceiba Speciosa)
Cây tơ sồi có nguồn gốc ở những cánh rừng cận nhiệt đới Nam Mỹ và ngày nay chúng sống ở khắp miền Nam bang Florida, Mỹ. Một cây trưởng thành có thể đạt chiều cao 24,6 m. Nét đặc trưng độc đáo của loài này là có gai nhọn tua tủa đáng sợ chi chít thân và cành cây.
Những gai này có nhiệm vụ giữ nước cho cây để chống chọi với thời tiết khác nghiệt. Tuy nhiên, hoa của chúng lại rất đẹp, thường có màu đỏ, hồng hoặc màu tía.
Bên trong hoa của cây tơ sồi này có một dạng bông và chúng được dùng để nhồi vào gối, đệm. Gỗ của cây tơ sồi có thể được dùng để làm giấy hoặc dùng trong công nghiệp đóng gói.
2. Cây bạch đàn cầu vồng
Bạch đàn cầu vồng (Eucalyptus deglupta) là một cây thường xanh khổng lồ, có thể đạt đến chiều cao 75m. Bạch đàn cầu vồng còn được biết đến với tên gọi Gum Mindanao, thường sinh trưởng ở khu vực địa lý kéo dài từ quần đảo Indonesia tới Philippines.
Một điểm đặc biệt và độc đáo của loài cây này chính là những sọc đầy màu sắc như vàng, xanh lá cây, hồng, đỏ, tím, da cam nổi bật ở trên thân của chúng và các nhánh cây. Đó cũng chính là lý do tại sao nó được gọi là bạch đàn cầu vồng.
Ông LariAnn Garner, một nhà thực vật học chuyên nghiên cứu về bạch đàn cầu vồng cho biết, màu sắc trên thân cây là hoàn toàn tự nhiên. Vỏ cây rất mịn và trơn và trong quá trình cây trưởng thành, các lớp vỏ này lần lượt tróc ra. Quá trình này xảy ra không theo một quy tắc nào vào những thời điểm khác nhau. Các lớp vỏ mới từ từ phát triển và trong quá trình này, chúng chuyển từ màu xanh tươi tới màu xanh thẫm, sau đó từ xanh tím tới hồng cam.
Vì quá trình này tiếp diễn liên tục trên toàn bộ thân cây, trong những thời điểm khác nhau nên màu sắc của cây cũng liên tục thay đổi, không bao giờ lặp lại khiến nó trông như một tác phẩm nghệ thuật sống động.
1. Cây sinh mệnh
Cây sinh mệnh xấp xỉ 400 năm tuồi và cao 9,75 mét sống ở Bahrain. Cây này nổi tiếng với khả năng sinh tồn ở các sa mạc hoang vắng, cằn cỗi và thiếu nước trầm trọng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, những cây Mesquite hay Khejri đã phát triển hệ thống rễ cây cực sâu nhằm tìm tới nguồn nước ngầm sâu trong lòng đất để sinh tồn. Tuy nhiên với cây sinh mệnh thì vẫn chưa có lời giải thích cụ thể nào về khả năng sinh trưởng không cần tới nước của nó.
Cây sinh mệnh thu hút lượng khách du lịch lên tới 50.000 người tới Bahrain mỗi năm. Nhiều người dân địa phương tin rằng, địa điểm này chính là Vườn địa đàng trong truyền thuyết. Cây sinh mệnh được nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
Phương Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét