Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Những vần thơ Mùa Xuân Gíap Thìn 2024


Lê Tuấn Những Vần Thơ Mới viết cho mùa xuân, trong tháng 1 năm 2024.




Mở đầu là bài thơ Ngày Vu Quy, Con gái lớn của cô em gái đi lấy chồng. Gia đình hai bên sui gia, muốn tổ chức lễ cưới theo truyền thống Việt Nam, phải có ngày lễ Vu Quy trước khi đến (Thánh Đường) nhà thờ và nhà hàng tiệc cưới. Theo yêu cầu của bên nhà trai, mong muốn tôi viết tặng một bài thơ, do đó tôi đã viết bài thơ: 
Ngày Vu Quy, để tặng cho hai cháu. Victoria Huỳnh & Wilson Vũ.


Ngày Vu Quy

Em là tiên nữ của mùa xuân
Loài hoa biết nói cõi hồng trần
Bên em hương tình thêm ngây ngất
Nghe xôn xao, rạo rực tiếng xuân.

Em mang cho anh, những ngày xanh
Qủa hồng duyên đỏ, vướng trên cành
Bước lên đồi cỏ, còn in dấu
Tửa vào vai nhau mái đầu xanh.

Đã mấy xuân qua nhớ nhau hoài
Đường tình chung lối đến tương lai
Tình vẫn hẹn hò, thêm nỗi nhớ
Anh đợi chờ em suốt đêm dài.

Anh thấy em cười đôi mắt vui
Tình trong duyên nợ đã định rồi
Hẹn ước cùng nhau đi đến cuối
Anh nắm tay em bước lên ngôi.

Lê Tuấn
Lễ Vu Quy
01-12-24




Nhớ Một Chiều Xuân

Một nhánh mai vàng lên tiếng gọi

Mù sương thoáng hiện khói lam chiều

Mái ngói nhà ai làn khói xám

Nhìn về quê cũ nhớ nhung nhiều.



Một cánh chim bay nắng tháng giêng

Hoa đào chớm nở buổi chiều nghiêng

Ngày Tết đang về trên phố núi

Hồn thơ mang nặng mối tình riêng.



Đôi lúc lòng mình nghe thổn thức

Thời gian thắm thoát lắm gian truân

Xa vắng lâu rồi quên ngày tháng

Muốn về thăm lại bóng chiều xuân.



Thổn thức lòng buồn như chợt đến

Nhớ người con gái tuổi yêu thương

Đôi lúc tìm về trong trí nhớ

Hoa vàng thung lũng nhớ quê hương.


Tế Luân



Càm Xúc Hương Xuân



Chạm vào cảm xúc thêm niềm nhớ

Tìm lại xuân xưa thoáng chạnh lòng

Nỗi nhớ hương tình thêm ý nghĩa

Hồn thơ xúc động chảy theo dòng.



Cỏ nằm sương ướt hoa lay động

Hồng nở hoa tươi thấm máu hồng

Hồn chạm linh thiêng cành trúc biếc

Lộc non mới nhú nở xanh đồng.



Thân cây gỗ mục nằm phơi nắng

Đón gió xuân thì chợt nhớ nhung

Lá rụng cội già tâm lắng đọng

Xuân về chợt nhớ mối tình chung.


Tế Luân
Mùa Xuân Giáp Thìn 
01-19-24

 



Mong Xuân



Xuân đến nơi này ta mới hay

Trời mây phố núi nhớ mong thay

Thảo nguyên bát ngát xanh màu nhớ

Sương khói trong chiều cánh nhạn bay.



Nắng mới tô hồng thắm đỏ môi

Gió lay động nhẹ tóc buông dài

Màn sương trắng phủ khung trời rộng

Hoa nở ngày xuân chợt nhớ ai.



Nhìn ngắm mây trời đón bướm xinh

Mượt mà áo lụa thoảng hương trinh

Em cười môi đỏ trông xinh quá

Khoe dáng tình xuân soi bóng mình.



Tế Luân






Hình ảnh minh họa sưu tầm trên internet
Cuộc sống thi ca.

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Trong đôi mắt của nàng đã nói lên tất cả - Đôi mắt nói.

 Đôi mắt nói 

Vẻ đẹp của một người phụ nữ được tìm thấy trong đôi mắt của nàng, bởi vì đó là cánh cửa dẫn đến trái tim, là nơi tình yêu ngự trị.
Tôi viết bài thơ Đôi mắt nói để thay cho tiếng nói từ con tim.



Đôi Mắt Nói

Tôi không nghe những lời em muốn nói

Nhưng đôi mắt em cho biết thật nhiều

Như ngọn lửa đam mê thèm cháy bỏng

Lòng ngại ngùng e thẹn những đăm chiêu.

Đôi mắt em đang nói những lời yêu

Vì tình yêu mơ mộng biết bao điều

Thoáng nhìn nhau, như ngàn lời đã nói

Đôi mắt em trong sáng đẹp yêu kiều.

Mắt em long lanh như ánh sao trời

Trong câm nín tình riêng đã gọi mời

Làm xao xuyến mối tình đầu thầm kín

Đôi mắt buồn, để hồn ta chơi vơi.

Đôi mắt em đăm chiêu buồn đến thế

Bóng chiều thu, mây trắng sớm bay về

Làm e thẹn hoa cúc vàng chớm nở

Chợt ngập ngừng, lòng rung nhẹ đam mê.

Đôi mắt khóc, làm tan nát lòng nhau

Giọt lệ sầu, rơi nhẹ trái tim đau

Nghe tiếng nấc, nghẹn ngào theo nhịp thở

Nhớ yêu ơi! Đôi mắt thật nhiệm mầu.

Đôi mắt huyền, hồn ngây dại ngẩn ngơ

Cho ngôn từ bối rối những vần thơ

Xóa tan đi lần thẹn thùng bỡ ngỡ

Đôi mắt nói, niềm khao khát đợi chờ.

Lê Tuấn




Eyes confessing love

I do not hear what you want to say
But your eyes tell me some way.
Like a burning fire of passion
Accompanied by embarrassment and uncertainty during the day

Your eyes are telling me words of love
Love always dreams of many things as so far
Just a glance at each other is like a thousand words spoken
Your eyes are bright and beautiful

Your eyes sparkle like starlight
In silence, the voice of love called
Has disturbed the secret first love
Your sad eyes, let my soul wander.

What makes your eyes so sad?
When the afternoon shadow falls, white clouds soon fly back
The yellow chrysanthemum suddenly blooms shyly
Makes my heart hesitate and tremble with passion

Your crying eyes broke each other's hearts
Tears of sadness, falling softly from an aching heart
Both heard sobbing and choking along with their breathing
Honey! Your eyes are magical.

Your loving eyes make my soul bewildered
Let the poem's words become confused with the verses
I want to erase the sadness and confusion
Your loving eyes deserve the love I give you.

Louis Tuấn Lê
Tạm dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh

 



Hình ảnh minh họa

Cuộc sống thi ca

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Câu chuyện con rồng Tết Giáp Thìn 2024

Tết Giáp Thìn 2024.
Tân Mão đã qua, Nhâm Thìn đang đến. Mèo Tân Mão 2023, sắp bàn giao cho Rồng Nhâm Thìn 2024
Tết Giáp thìn 2024 rất thuận lợi cho những người Việt tại Hải ngoại đang còn phải đi làm, vì ngày Tết âm lịch, rơi đúng vào cuối tuần (weeken).

Đón giao thừa đúng vào ngày thứ sáu tức ngày 9 tháng 2, 24 (dương lịch) ngày mùng một Tết đúng vào ngày thứ Bảy 10 tháng 2, 24


Giáp Thìn 2024 (năm con Rồng)

Năm 2024 theo lịch phương Đông là năm con Rồng hay còn được gọi là năm Giáp Thìn. Năm này bắt đầu từ ngày 10 tháng Hai năm 2024 và sẽ kết thúc vào ngày 28 tháng Một năm 2025 theo lịch Dương.
        Dựa trên lịch vạn niên, năm 2024 là năm của Thiên can Giáp và Địa chi Thìn.
Những người thuộc tuổi rồng thường sở hữu khát vọng mạnh mẽ và đặt ra những mục tiêu vĩ đại. Trong truyền thống văn hóa của các quốc gia phương Đông, hình tượng con rồng đại diện cho quyền lực và khao khát thống lĩnh. Ngoài ra, rồng cũng là biểu tượng của sự thiêng liêng và tâm linh. Do đó, người tuổi Thìn thường được mô tả là có sự năng lượng cao và mạnh mẽ, thu hút, lôi cuốn cũng như sở hữu quyền lực và sang giàu.

        Chúng ta cũng nên điểm lại giai thoại của Rồng, dân Việt mình vốn giòng dõi "Con Rồng cháu Tiên" , nói về rồng thì vô số các biểu tượng tốt đẹp mượn danh rồng, ai viết mà nét chữ đẹp thì được gọi là " Nét bút đẹp như rồng bay phượng múa", những người tài hoa mà gặp nhau thì thiên hạ cho rằng "Rồng mây hội ngộ". 
        Rồng là một con vật trong tứ lính được trưng bày trong thờ cúng ngày xưa là " Long, Lân, Quy, Phụng". Còn để ví và so sânh giữa người Khôn và người ngu thì dân gian mình có câu:
" Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình".

        Dân gian mình từ ngàn xưa mỗi khi di chuyển trên vùng sông nước thì dùng ghe xuồng tàu bè. Còn các bậc đế vương thì như trên chiếc thuyền rồng có đội nhạc lễ theo giúp vui cho vua chúa giải trí khi thả thuyền trên sông, ngày nay nơi cố đô Huế các bô lão cho phục dựng lại các con thuyền rồng để phục vụ cho du khách, các nghệ sỹ múa tách uống trà rất điêu luyện, trên tay họ là những tách trà nhỏ, các tách trà này nằm trên những ngón tay, họ gỏ nhịp theo cung đàn của các nghệ sỹ khác ngồi chung quanh, rồi các cô cất liên những điệu hò Máy đẩy, Nam ai V.v..nghe qua các câu hò này khiến hồn du khách như đang quay về thời vài trăm năm trước, lúc thì thật bị ai sầu thảm, cũng có lúc réo rẳt mê hồn, rồi thỉnh thoảng gió thổi từ mặt sông Hương lên, tưới mát tâm hồn du khách, khiến bao nhiêu phiền muộn tan biến tự bao giờ.

        Ngày xưa khi sỹ tử lên kinh đô ứng thí, các anh học trò nào làm bài tốt được chánh chủ khảo chấm đậu coi như " Cá chép vượt vũ môn hoá rồng".

        Rồng biểu tượng cho sự cao quý của các vương quyền ngày xưa, chỉ có vua chúa mới được tôn vinh là "Rồng" , dân chúng mà lạm dụng hình ảnh con rồng chắc chắn sẽ bị mang tội khi quân có khi gây hoạ cho tam, cữu tộc.

        Khi chế độ quân chủ lập hiến suy tàn, dân gian mới được hưởng ké hình hài con rồng, các nhà đòn họ trang trí chiếc xe đưa đám tang chạm khắc đôi rồng vàng rất đẹp trải dọc hai bên thân xe, chiếc xe nhà vàng này đưa tiễn những ai tạ từ dương thế, ngồi trên chiếc xe nhà vàng cùng cổ quan tài của người quá cố cũng " ớn chè đậu" lắm, vì có dạo họ dùng những chiếc xe quá đát, lắp thêm cái nhà vàng và cặp rồng vô và trang trí thật bắt mắt với cả một khối vàng choé, di chuyển chậm chậm thì không sao, nhưng một khi di quan về tỉnh, đường xa dịu vợi thì nguy hiểm vô cùng, đó xe chạy tốc độ nhanh họ đạp thắng gắp thì cả cái giàn nhà vàng trên theo quán tính nó rời các "sắt xi" của chiếc xe mà lao xuống ruộng khiến cho người chết hai lần, thịt đã nát tan y như bài hát của ông Trịnh Công Sơn sáng tác, còn thân nhân hên thì xây xát xui thì có khi đi thăm ông bà ông vãi luôn không chừng.

        Rồng theo truyền thuyết là con vật được con người tưởng tượng ra, chưa ai chứng kiến con rồng ở ngoài đời thường, có chăng trên phim ảnh, trên các đèn chiếu 3D trong thời buổi kỹ thuật điện tử lên ngôi.

        Thôi thì rồng có hay không cũng không sao, vì nó đã hiện diện trong tâm trí con người từ lâu lắm rồi, mình là người Việt thuộc con rồng cháu tiên như cha ông mình từng nói, mình phải hãnh diện với điều này, nên gát lại những tị hiềm khác biệt, thật lòng đối đãi tôn trọng nhau để cùng đưa Việt Nam mình cất cánh bay cao, để sánh vai cùng các quốc gia giàu mạnh , hy vọng đất nước mình hoá rồng thật sự trong tương lai, mong lắm thay.

Nói tới rồng thì thường nhắc đến mây. Hình như con Rồng làm nên mây
Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa.
Cho nên chúng ta không lạ gì trong nghệ thuật tạo hình dân gian, làm nền cho rồng là những cụm mây. Như vậy, Rồng đem lại hy vọng về mây mưa để cho dân cư làm ruộng sinh sống.

Bài ca dao nói về rồng - mây:
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Hoặc:

Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng
Rồng gặp mây, bán văn bán vũ
Cá gặp nước, con ngược, con xuôi
Chồng Nam, vợ Bắc anh ơi
Sao anh chẳng lấy một người như em?

Nhìn chung, rồng là quý, là đẹp. Vì thế ai sinh vào năm rồng, có tuổi rồng thì được coi là tốt số, cuộc đời sẽ có nhiều cơ hội bay nhảy và thành đạt.
Ai mà có “mả táng hàm rồng” thì thật là phúc to bằng cái đình, tha hồ mà sung sướng, giàu sang, phú quý. Nhưng nếu chẳng may “long mạch” (mạch đất tốt, theo hướng rồng nằm) mà bị động, thì đời thật là khốn đốn đủ điều.

Tản mạn rồng Việt Nam
Người Việt hãnh diện là "con Rồng cháu Tiên". Truyền thuyết kể: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con.
Ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ. Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn khanh là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được một trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi con lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi đứa xuống biển.

Từ truyền thuyết này mà người Việt Nam tự hào có "long phụ tiên mẫu".

Sưu tầm trên google Search.


Lê Tuấn kính chúc toàn thể qúy vị
Văn Thi Hữu. Một năm mới sức khỏe dồi dào, tâm hồn tươi vui trong sáng.
Hồn thơ lai láng văn chương chữ nghĩa như rồng múa phượng bay.
Xuân sang cội phúc thêm cành lộc
Tết về phúc đức nở thêm hoa.

Kính chúc qúy vị An Khang thịnh Vượng – Vạn Sự Như Ý.

Trân Trọng
Louis Tuấn Lê
Xuân Giáp Thìn 2024.


Sưu Tầm trên google.






Cung chúc tân xuân

Cung nữ khoe sắc mỹ miều
Chúc xuân vui bước đường chiều lả lơi
Tân niên hoa bướm tuyệt vời
Xuân khoe sắc mới rạng ngời hoa tươi.

Vạn lời nói, vạn tiếng cười
Sự đời lắm lúc rối bời đau thương
Như mây giăng mắc khói sương
Ý trời trong lẽ vô thường hiện sinh.

Yêu đi cho hết chân tình
Nếu mai hai đứa chúng mình xa nhau
Thì đời buồn lắm cơn đau
Ngày xuân xin hãy, cho nhau nự cười.

Tình đời cứ thế đầy vơi
Ân tình trả mãi, vạn lời ước mong
Cuộc đời vẫn mãi thong dong
Xuân về hoa nở, cõi lòng hân hoan.

Lê Tuấn




Xuân về trên thảo nguyên

 

Thảo nguyên xanh ngát cánh đồng

Hoa vàng lấp lánh tình nồng men say

Lòng xôn xao hương gió bay

Ngày xuân vừa đến trên tay nhẹ nhàng.

 

Nắng hong khô sợi tơ vàng

Nghe bâng khuâng nhớ mơ màng ý xuân

Bên đời một bóng giai nhân

Lãng du mấy độ phong trần ước mơ.

 

Đời chia đổi hướng hai bờ

Nghìn trùng xa cách hững hờ chia ly

Quê hương độ tuổi xuân thì

Bây giờ tóc bạc xá gì dáng xưa.

 

Hồn đau biển gọi cơn mưa

Bờ xa còn đợi đò đưa người về

Khi xưa để mất câu thề

Lời thơ ngưng đọng bộn bề suy tư.

 

Tâm vừa nhập bóng thiền sư

Hồn đang trong giấc mời hư không về

Thảo nguyên xanh ngát dòng mê

Gió xuân mang đến hương quê chân tình.

 

Tế Luân

Mùa xuân trên thung lũng hoa vàng

San Jose 12-30-23



Xuân nhớ


Chim trời ríu rít gọi nhau

Khúc giao mùa đã đổi màu sang xuân

Rộn ràng lòng thấy bâng khuâng

Nghe như hơi thở tình nhân tìm về.


Bồi hồi nhớ cảnh Tết quê

Nhớ thời son trẻ đam mê tình đầy

Mới ngày nào tuổi thơ ngây

Hồn xuân hớn hở xum vầy vui chơi.


Bên hiên nghe tiếng Mẹ cười

Nụ cười Mẹ chứa cả trời gian nan

Bên Mẹ nồng ấm chứa chan

Mùa xuân có Mẹ lòng tràn đắm say.


Ngậm ngùi sợi tóc màu mây

Mẹ về sương núi đồi tây hững hờ

Chiều nghiêng bóng nguyệt đêm mơ

Vô thường nhân thế xóa mờ ước mong.


Con thuyền buông lái bến sông

Dòng xuôi gợn sóng mây hồng giăng ngang

Bãi sông một nhánh mai vàng

Mùa xuân chợt đến huy hoàng chiêm bao.


Ước gì Mẹ hóa vì sao

Từng đêm con ngủ rơi vào giấc mơ

Cho con tìm lại tuổi thơ

Mùa xuân bên Mẹ. Bài thơ ân tình.


Tế Luân

01-02-24




Mơ Ước Ngày Xuân


Đóa hoa chớm nở lá xanh

Giọt sương còn đọng long lanh sắc màu

Đêm qua sương lạnh trăng thâu

Em vào múc cạn mạch sầu đổ đi.


Ngoài sân bãi cỏ xanh rì

Có loài cỏ lạ xuân thì nở hoa

Tóc dài hương gió bay xa

Em thay áo mới bóng tà huy bay.


Đóa hồng hoa nở trên tay

Ngây thơ chờ đợi đến ngày xuân sang

Trước sân cúc nở hoa vàng

Đào, mai, rực rỡ huy hoàng đón xuân.


Sao em ngơ ngẩn bâng khuâng

Như chờ như đợi đường trần nối duyên

Trong mơ em thấy bà tiên

Mong sao gặp được người hiền thi nhân.


Bao giờ em gặp người thân

Tình chàng ý thiếp đường trần thênh thang

Bài thơ ngôn ngữ nhẹ nhàng

Tình thơ ý đẹp ngập tràn yêu thương.


Xôn xao tiếng gọi bên đường

Mơ xuân hiện hóa thiên đường rong chơi

Tơ hồng giăng mắc ý trời

Em mong xuân đến một đời bình an.


Tế Luân

Mùa xuân miền bắc California
02-03-24


Bài thơ này đã được 
Nhạc Sĩ Phạm Đức Huyến phổ nhạc




Những vần thơ mùa xuân



Khai bút đầu năm

Đầu năm khai bút viết vần thơ

Đất Trời rực rỡ đẹp như mơ

Hồn xuân phơi phới! Già . . . mặc kệ

Sức khỏe bình an. Tình vẫn chờ.

Chúc mừng bạn hữu ở gần xa

Rộn rã niềm vui tiếng xuân ca

Văn thơ trào phúng vui ngày Tết

Vạn Sự Bình An đến mọi nhà.

Sức khỏe, tuổi già đẹp lão ra

Xuân về dạo khúc nhạc tình ca

Đón chào năm mới. Tình xuân mới

Vui với nàng thơ tuổi không già.

Chúc xuân
AET. Lê Tuấn



Mùa xuân mở cửa

Xuân vừa mở, ngày vui về đón Tết

Vẫy chào nhau, tay nắm lấy bàn tay

Xin chúc nhau trăm tuổi trời xuân mộng

Cùng chung vui nâng chén vị men say.

Gió xuân nào vang tiếng nhạc du dương

Cho âm điệu lãng quên cõi vô thường

Ta lại say với muôn ngàn cung điệu

Để hồn thơ tuôn chảy suối vấn vương.


AET. Lê Tuấn


Đời Đã Quen

Đời đã quen rồi sống tha phương
Quê người chợt nhớ đến quê hương
Những buổi chiều thu mây đỉnh núi
Như khói lam chiều, toả hơi sương.

Lặng lẽ ngày đi, gió mưa tan
Ta ở nơi đây trọn kiếp tàn
Tóc bạc theo từng năm Tết đến
Mà mùa xuân qua, tình chứa chan.

Hoa cúc nở vàng trên lối đi
Một nhánh đào khoe nét xuân thì
Tình xuân duyên đỏ thêm sắc thắm
Tiếng nhạc còn vang khúc biệt ly.

Đời như thoáng hiện bóng hư không
Ta đã quên rồi chuyện viễn vông
U uẩn niềm đau về qúa khứ
Trời đất mùa sang, vẫn quay vòng.

Em có nghe xuân đến nơi đây
Điểm dáng hồng thêm, nét thơ ngây
Thương nhau giữ trọn hương tình ấm
Đừng để tình xuân vội xa bay.

Lê Tuấn
Ngày xuân trên thung lũng hoa vàng



Xin bấm vào link anyflip.com để đọc trang thơ mừng xuân
Văn Bút VN Hải Ngoại

https://anyflip.com/almib/jfvm/










Ngày xuân xin mời thưởng thức ca khúc
Xuân Vẫn Mang U Hoài



Nhạc và lời Lê Tuấn. Đây là ca khúc tôi viết năm 1979
trong thời gian này chúng tôi đang bị tù tập trung tại trại 6
huyện Thanh Chương - tỉnh Nghệ Tĩnh
Đây là mùa xuân thứ 4 trong tù. 
Do đó tất cả anh em đếu có một tậm trạng chung đó là 
(Nỗi nhớ gia đình)






Cuộc Sống Thi Ca




Chuyện Ông Đồ Vũ Đình Liên

Chuyện Ông Đồ 
        Tình cờ tôi đọc được bài viết trên trang google.com/vuonxuandinhdau, của tác giả Nhật Thịnh.
        Nhận thấy đây là bài viết hay mang tínhh lịch sử văn học về một bài thơ nổi tiếng, một bài thơ gần như tiêu biểu cho ngày Tết, đó là bài thơ (ngũ ngôn) Ông Đồ tác giả Vũ Đình Liên.             
        Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên viết năm 1936 được coi là một bài thơ xuất sắc biểu hiện niềm hoài cổ, tình thương và lòng trắc ẩn. Ông đồ biểu tượng “cái học ngày nay đã hỏng rồi“ như nhà thơ Tú Xương đã than thở, buồn bã muốn “vứt bút lông đi giắt bút chì".
        Thật đáng tiếc Vũ Đình Liên đã tự mình làm lu mờ đi bài thơ Ông Đồ. Năm 1977 gửi cho báo Đòan Kết của đảng công sản, ông đã viết một đoạn cuối thêm vào bài thơ để ca tụng bác Hồ và đảng cộng sản. làm mất đi giá trị văn học của bài thơ, tên tuổi Vũ đình Liên tư đó cũng đi xuống
        Vũ Đình Liên lại đem ông đồ ra, kéo cái vạt áo the đen đã sờn, nhưng còn đẹp của ông ra, vá thêm một miếng vải thô. Vũ Đình Liên thêm vào bài thơ cũ ba đoạn, bốn câu năm chữ, viết tặng cho báo Đoàn Kết số Xuân năm 1977 ở Paris:
Năm nay đào nở rộ
Mừng Hội Đảng Hội Dân
Bút ông đồ lại họa
Những nét chữ đẹp, thân
Nghiên bút xưa vẫn đợi
Từ ngàn năm bài thơ
Từ ngàn năm câu đối
Đảng sáng tác bây giờ

Nghệ sĩ với ông đồ
Tình nước non vô tận
Như Đảng với Bác Hồ
Hương đất trời cộng sản.

        Vũ Đình Liên không để lại công trình trước tác đồ sộ, nhưng được người ta nhắc nhở nhiều tới bài Ông Đồ giữ mãi được chút hoài niệm biểu tượng của quá khứ. Tiếc rằng trong một cố gắng mới Vũ Đình Liên muốn tự mình tái sáng tạo, không ngờ đã tự mình đốt cháy tên tuổi mình, đặt ông đồ bên cạnh Đảng, bên cạnh Bác Hồ làm cho bài thơ mất hết cái hay của nó.
        Từ đó tên tuổi của Vũ Đình Liên không được tôn trọng cho đến khi lìa trần

Cuộc sống thi ca 



Chuyện Ông Đồ

Nhật Thịnh

        Trong phong trào thơ mới khởi đầu bằng bài “Tình già“ của Phan Khôi [1887 – 1959], nếu Nguyễn Nhược Pháp [1914 – 1938] có cái nhìn hồn nhiên của tuổi trẻ, thích tìm kiếm những hình ảnh trong sáng, vui tươi, ghi những nét cổ xưa thì Vũ Đình Liên lại trái ngược, tỏ ra tiếc thương những gì đã qua và hoài cổ, mơ tưởng những gì mong manh, tan rã bị lãng quên trong tiềm thức trổi dậy tưởng mình sống dậy từ quá khứ.
        Mỗi khi nhắc tới ông đồ người ta lại hình dung đến một ông già choàng trên người chiếc áo the thâm, chiếc quần trúc bâu trắng, đầu chít chiếc khăn đen, chòm râu thưa dài, khơi gợi thời Nho học suy tàn, đang phủ phục trên chiếu hoa viết câu đối thuê. Thời vàng son cũ nay chỉ còn vang bóng nơi một ông đồ dốc hết tàn lực phô diễn nét tinh hoa:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.“

        Ông tựa ngọn đèn dầu sắp tắt chợt lóe sáng lên cố làm đẹp những tâm hồn hoài cổ. Người qua lại thuê viết trước kia nay như bắt kịp nhịp sống mới, nặng vật chất, hững hờ không chú ý tới.
        Ông ngồi đấy mà dường như tách biệt hẳn mọi người. Giấy hồng nay ngả màu, mực trong nghiên đọng buồn, chiếc bút lông khô mực tự bao giờ, vài chiếc lá khô rơi rụng, bay bay trong mưa phùn. Năm nay hoa đào lại nở đỏ ối trên cành, nhìn cánh hoa chạnh nghĩ tới ông. Chỗ ông đồ ngồi trước đây nay trống rỗng buồn tênh:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thấm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đây,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi ba
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

        Người ta không khỏi bùi ngùi đớn đau khi bỗng dưng trở thành chứng nhân trước sự mòn mỏi của một thế hệ, biểu tượng bằng hình ảnh ông đồ ngồi viết câu đối thuê trên vỉa hè vào dịp cuối năm trong tình cảnh quạnh hiu, buồn bã, Vũ Đình Liên thay họ diễn tả những nghĩ suy tàn lụi một thời, xót xa số phận của “những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ". Vũ Đình Liên sáng tác bài Ông Đồ vào dịp Tết, in lần đầu tiên trên tờ Kim Hoa. Lai lịch bài thơ được Vũ Đình Liên tiết lộ:

        “Vào năm 1936, khi bài thơ “Ông đồ“ trình làng, các bạn văn bảo rằng tôi đã tìm được con đường riêng, chứ không phải đi theo con đường tiên, thế giới bồng lai của Thế Lữ. Con đường của tôi là tình thương của mọi người. Con đường tôi tìm gọi là mới ấy, thực ra lại là con đường truyền thống của dân tộc, cái mới trong cái cũ. Cho nên bạn bè viết giới thiệu tôi trên báo chí là nhà thơ của nhà nghèo, nhà thơ của nông dân, nhà thơ của tình thương." Bài thơ được chuyển ngữ sang hơn mười thứ ngôn ngữ như: Anh, Pháp, Trung Hoa, Đức, Nga, Thụy Điển, Ả Rập, Đan Mạch...Đặc biệt một tờ báo ở Châu Phi đã một lúc in bài thơ này bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Ả Rập. Ba dịch giả chuyển bài Ông Đồ sang Pháp ngữ, người dịch đầu tiên là một phóng viên của tờ “Humanité“ [Nhân Đạo].


        Thời bấy giờ ở phố Hàng Bồ Hà Nội có một ông đồ ngồi viết thuê câu đối. Phố này chuyên bán hàng xén có đầy đủ các mặt hàng giấy, bút, mực. Ông đồ nghèo không trữ sẵn giấy, chờ khi đông khách đặt hàng mới vào bên trong cửa hiệu mua giấy. Nhạc mẫu của Vũ Đình Liên trực tiếp bán giấy cho ông đồ. Nhiều lúc Vũ Đình Liên suy nghĩ nếu không tỏ tình cô hàng xén xin cưới làm vợ chưa chắc đã sáng tác nổi bài Ông Đồ mà ngày nay mỗi năm vào dịp Tết bài thơ ấy lại được nhiều báo nhắc nhở tới và làm rung động nhiều người.
        Bùi Xuân Phái (họa sĩ) sáng tác họa phẩm Ông Đồ khi chưa quen biết Vũ Đình Liên. Tới lúc biết tin này bạn bè đưa Vũ Đình Liên tới nhà của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu ở phố hàng Bông Hà Nội để xem bức tranh của Bùi Xuân Phái. Ngắm nhìn kỹ họa phẩm một hồi, Vũ Đình Liên lặng người đi trong giây lát, ngạc nhiên tự hỏi lý do nào một người chưa quen biết ông đồ lại có thể phóng bút vẽ một bức tranh gợi cảm đến thế.


                                                     Chân dung nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996)

        Vũ Đình Liên tự thấy mình chưa lột tả hết được nét độc đáo của ông đồ trong bài thơ mới hoàn thành, bèn sáng tác một bài thơ nhan đề “Gửi Bùi Xuân Phái“ tặng Bùi Xuân Phái. Bài thơ này được Bùi Xuân Phái viết bằng thư pháp, và mượn câu kết “Đốt trái tim trầm gửi gió hương" làm tựa đề bài khi viết thư pháp. Sau Bùi Xuân Phái vẽ một cái nhãn [vignette] hình quả tim bốc lửa, được Vũ Đình Liên lấy làm biểu tượng cho mình và đặt tên căn gác nhỏ ở phố Trần Nhân Tôn Hà Nội là gác Hương Lửa.

        Vũ Đình Liên [1913 – 1996] quê gốc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng sinh ra tại Hà Nội ngày 12.11.1913 trong một gia đình làm nghề kim hoàn có nề nếp gia phong ở phố Hàng Bạc. Thân mẫu Vũ Đình Liên xuất thân từ con một ông đồ, bởi vậy Vũ Đình Liên đã chịu ảnh hưởng và thừa kế tinh thần của mẹ. Trong một bài thơ gửi mẹ Vũ Đình Liên viết:

Tôi nhớ mẹ tôi xưa
Vất vả như bà Tú
Nuôi chồng và con nhỏ
Quanh năm miệng vẫn cười...

        Thuở nhỏ Vũ Đình Liên theo học trường Bưởi tức trường Trung học Bảo Hộ [Lycée du Protectorat]. Năm 1932, khi thi đỗ Tú tài, Vũ Đình Liên ghi danh theo học trường Luật, và dạy tư tại các trường Thăng Long, Gia Long, Hoài Đức...Một thời gian làm quản lý báo Tinh Hoa, chủ trương tờ Revue Pédagogique [Tạp chí Sư Phạm], Kim Hoa và làm tham tá Sở Thương Chính, Hà Nội. Vũ Đình Liên làm thơ năm 13 tuổi, sau này hồi tưởng lại:

Từ thuở mười ba thuộc truyện Kiều
Câu thơ tài mệnh bóng hình yêu
Tú Xương ngày trước là tri kỷ
Công Trứ cây thông cũng muốn trèo

        Năm 1927, khi 14, tuổi Vũ Đình Liên viết bài Hồn Xưa tỏ ra đắc ý trong suốt đời người, hơn cả bài Ông Đồ. Thơ của Vũ Đình Liên in rải rác trên những báo Loa, Tinh Hoa, Phong Hóa, Ngày Nay, Phụ Nữ Thời Đàm, Trung Bắc Chủ Nhật. Bài thơ đầu tay "Đứa Trẻ Ăn Mày“ được in năm 1932. Vũ Đình Liên viết không nhiều và từ giã thi đàn khá sớm, văn thơ lưu lại ít nhưng đều giá trị, trong đó bài Ông Đồ viết năm 1936 được coi là một bài thơ xuất sắc biểu hiện niềm hoài cổ, tình thương và lòng trắc ẩn. Ông đồ biểu tượng “cái học ngày nay đã hỏng rồi“ như Tú Xương đã than thở, buồn bã muốn “vứt bút lông đi giắt bút chì".


        Từ thập niên 50 trở đi đã không một ai còn trông thấy ông đồ bầy giấy bút ra viết giữa phố phường, họa hoằn rơi rớt một hai cụ lạc lõng trường thi, ngơ ngác trải bàn ra ngồi viết thuê. Mấy chữ đại tự các cụ dùng bút nhỏ vẽ và tô lại cho đậm, nét sổ, ngang, chấm không còn bay bướm, linh hoạt. Không còn những người hiếu kỳ đứng trầm trồ khen ngợi. 
        Vũ Đình Liên đáng lẽ ra nên chấm dứt bài thơ Ông Đồ như cũ, bởi ít ra nó còn khơi gợi cho người ta cái cảm giác bâng khuâng, buồn lắng đọng, thương tiếc một dĩ vãng êm đềm, cổ kính đảm bảo cho mình một chỗ đứng trong văn học. Đó là sự nghiệp của một nhà thơ nhiều khi làm nên chỉ cần một bài thơ. 
       
        Bùi Bảo Trúc mai mỉa chua chát: “Và do đó, đúng 40 năm sau, ông đồ đã chết, lại được lôi cổ dậy, một con mèo được leo qua người ông, cái xác ướp vì chưa được các chuyên viên Liên Xô dùng kỹ thuật tẩm ướp, đã biến thành một con quỉ nhập tràng kinh khủng ra mừng Đại hội Đảng lần thứ 4. Nhà thơ vì áo cơm và những tập tem phiếu đã phải thêm những câu thơ ngớ ngẩn, cho Đảng biết làm thơ, làm câu đối và nghiên bút đợi cả ngàn năm nay mới có dịp viết xuống. Ông đồ quỉ nhập tràng không còn thảo được những chữ như “phượng múa rồng bay“ nữa. Ông là ông đồ giả hiệu không biết viết, ông chỉ biết “vẽ“ chữ, một hình thức thất học nhất mà chỉ những kẻ không biết viết chữ Hán mới làm: “Bút ông đồ lại họa – Những nét chữ đẹp, thân.“ Rõ là bậy.“
        Việc làm này xảy ra khi Vũ Đình Liên đã nghỉ hưu. Năm 1954 ở hậu phương trở về Hà Nội, Vũ Đình Liên dạy ở trường Đại Học Sư Phạm cho tới năm 1975, lần lượt xuất bản các tập: Đôi mắt thơ 1957, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, biên khảo 1957 và Nguyễn Đình Chiểu biên khảo 1958, đồng thời dịch văn học Pháp.

        Vũ Đình Liên trân trọng bà mẹ và người vợ chung thủy, suốt đời lặng lẽ hy sinh cho chồng con theo đuổi chí hướng riêng. Thú mê thơ chi phối tâm hồn Vũ Đình Liên khiến không còn để ý tới những gì khác, thậm chí tới cả chuyện vợ chồng, dường tựa Tú Xương trước kia bởi đam mê thơ phú ít nhớ tới bà vợ lặn lội ở mom sông. Bởi thế khi bà vộ đột ngột qua đời Vũ Đình Liên mới sực tỉnh nhưng đã trễ, thường tâm sự: “Nếu không có mẹ sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn; không có vợ chăm lo cho cái ăn cái uống, thì không ai thành nhà thơ, thành lãnh tụ. Muốn thành thần thánh thì cũng phải nhờ mẹ, nhờ vợ. Khi vợ tôi còn sống, tôi với nhà tôi ăn riêng. Đến giờ làm cơm cho tôi, bận gì thì bận, bà ấy cũng gác lại. Tôi đi đâu về trễ, nhà tôi cũng đợi. Và vừa thấy tôi về là bà liền chạy đi hâm nóng cơm. Thế mà tôi về thì lên gác ngay để làm thơ. Bà ấy liền gọi: “Ông ơi ông! Cơm chín rồi, xuống ăn cơm!“

        Vũ Đình Liên không để lại công trình trước tác đồ sộ, nhưng được người ta nhắc nhở nhiều tới bài Ông Đồ giữ mãi được chút hoài niệm biểu tượng của quá khứ. 
        Tiếc rằng trong một cố gắng mới Vũ Đình Liên muốn tự mình tái sáng tạo, không ngờ đã tự mình đốt cháy tên tuổi mình, đặt ông đồ bên cạnh Đảng, bên cạnh Bác Hồ làm cho bài thơ mất hết cái hay của nó.

Chia sẻ bài thơ 5 chữ (ngũ Ngôn) viết cho mùa xuân



Xuân Về Chưa

Xuân về trên phố chưa?
Em đi viếng cảnh chùa
Nụ biếc tầm xuân nở
Lòng em nhớ xuân xưa.

Áo lụa hồng trinh nguyên
Lòng em bao nỗi niềm
Ôm một trời nỗi nhớ
Vấn vương tuổi thần tiên.

Xuân đến cửa nhà em
Rực rỡ bên bực thêm
Cánh mai vàng chớm nở
Đợi tình về thâu đêm.

Khoe dáng nhiều sắc hoa
Dài thêm dòng thái hoà
Nguyện ước mừng năm mới
Bình an đến mọi nhà.

Rót đầy ly rượu mừng
Xuân về chúc người thương
Đời thêm nhiều hưng phấn
Tiếng pháo vang phố phường.

Khách du xuân tìm về
Phố núi tình say mê
Khói lam chiều mây trắng
Mang theo khối tình quê.

Lê Tuấn
Một ngày chớm xuân.

Cuộc Sống Và Thi Ca - Sưu tầm





Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024