Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Chuyện Ông Đồ Vũ Đình Liên

Chuyện Ông Đồ 
        Tình cờ tôi đọc được bài viết trên trang google.com/vuonxuandinhdau, của tác giả Nhật Thịnh.
        Nhận thấy đây là bài viết hay mang tínhh lịch sử văn học về một bài thơ nổi tiếng, một bài thơ gần như tiêu biểu cho ngày Tết, đó là bài thơ (ngũ ngôn) Ông Đồ tác giả Vũ Đình Liên.             
        Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên viết năm 1936 được coi là một bài thơ xuất sắc biểu hiện niềm hoài cổ, tình thương và lòng trắc ẩn. Ông đồ biểu tượng “cái học ngày nay đã hỏng rồi“ như nhà thơ Tú Xương đã than thở, buồn bã muốn “vứt bút lông đi giắt bút chì".
        Thật đáng tiếc Vũ Đình Liên đã tự mình làm lu mờ đi bài thơ Ông Đồ. Năm 1977 gửi cho báo Đòan Kết của đảng công sản, ông đã viết một đoạn cuối thêm vào bài thơ để ca tụng bác Hồ và đảng cộng sản. làm mất đi giá trị văn học của bài thơ, tên tuổi Vũ đình Liên tư đó cũng đi xuống
        Vũ Đình Liên lại đem ông đồ ra, kéo cái vạt áo the đen đã sờn, nhưng còn đẹp của ông ra, vá thêm một miếng vải thô. Vũ Đình Liên thêm vào bài thơ cũ ba đoạn, bốn câu năm chữ, viết tặng cho báo Đoàn Kết số Xuân năm 1977 ở Paris:
Năm nay đào nở rộ
Mừng Hội Đảng Hội Dân
Bút ông đồ lại họa
Những nét chữ đẹp, thân
Nghiên bút xưa vẫn đợi
Từ ngàn năm bài thơ
Từ ngàn năm câu đối
Đảng sáng tác bây giờ

Nghệ sĩ với ông đồ
Tình nước non vô tận
Như Đảng với Bác Hồ
Hương đất trời cộng sản.

        Vũ Đình Liên không để lại công trình trước tác đồ sộ, nhưng được người ta nhắc nhở nhiều tới bài Ông Đồ giữ mãi được chút hoài niệm biểu tượng của quá khứ. Tiếc rằng trong một cố gắng mới Vũ Đình Liên muốn tự mình tái sáng tạo, không ngờ đã tự mình đốt cháy tên tuổi mình, đặt ông đồ bên cạnh Đảng, bên cạnh Bác Hồ làm cho bài thơ mất hết cái hay của nó.
        Từ đó tên tuổi của Vũ Đình Liên không được tôn trọng cho đến khi lìa trần

Cuộc sống thi ca 



Chuyện Ông Đồ

Nhật Thịnh

        Trong phong trào thơ mới khởi đầu bằng bài “Tình già“ của Phan Khôi [1887 – 1959], nếu Nguyễn Nhược Pháp [1914 – 1938] có cái nhìn hồn nhiên của tuổi trẻ, thích tìm kiếm những hình ảnh trong sáng, vui tươi, ghi những nét cổ xưa thì Vũ Đình Liên lại trái ngược, tỏ ra tiếc thương những gì đã qua và hoài cổ, mơ tưởng những gì mong manh, tan rã bị lãng quên trong tiềm thức trổi dậy tưởng mình sống dậy từ quá khứ.
        Mỗi khi nhắc tới ông đồ người ta lại hình dung đến một ông già choàng trên người chiếc áo the thâm, chiếc quần trúc bâu trắng, đầu chít chiếc khăn đen, chòm râu thưa dài, khơi gợi thời Nho học suy tàn, đang phủ phục trên chiếu hoa viết câu đối thuê. Thời vàng son cũ nay chỉ còn vang bóng nơi một ông đồ dốc hết tàn lực phô diễn nét tinh hoa:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.“

        Ông tựa ngọn đèn dầu sắp tắt chợt lóe sáng lên cố làm đẹp những tâm hồn hoài cổ. Người qua lại thuê viết trước kia nay như bắt kịp nhịp sống mới, nặng vật chất, hững hờ không chú ý tới.
        Ông ngồi đấy mà dường như tách biệt hẳn mọi người. Giấy hồng nay ngả màu, mực trong nghiên đọng buồn, chiếc bút lông khô mực tự bao giờ, vài chiếc lá khô rơi rụng, bay bay trong mưa phùn. Năm nay hoa đào lại nở đỏ ối trên cành, nhìn cánh hoa chạnh nghĩ tới ông. Chỗ ông đồ ngồi trước đây nay trống rỗng buồn tênh:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thấm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đây,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi ba
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

        Người ta không khỏi bùi ngùi đớn đau khi bỗng dưng trở thành chứng nhân trước sự mòn mỏi của một thế hệ, biểu tượng bằng hình ảnh ông đồ ngồi viết câu đối thuê trên vỉa hè vào dịp cuối năm trong tình cảnh quạnh hiu, buồn bã, Vũ Đình Liên thay họ diễn tả những nghĩ suy tàn lụi một thời, xót xa số phận của “những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ". Vũ Đình Liên sáng tác bài Ông Đồ vào dịp Tết, in lần đầu tiên trên tờ Kim Hoa. Lai lịch bài thơ được Vũ Đình Liên tiết lộ:

        “Vào năm 1936, khi bài thơ “Ông đồ“ trình làng, các bạn văn bảo rằng tôi đã tìm được con đường riêng, chứ không phải đi theo con đường tiên, thế giới bồng lai của Thế Lữ. Con đường của tôi là tình thương của mọi người. Con đường tôi tìm gọi là mới ấy, thực ra lại là con đường truyền thống của dân tộc, cái mới trong cái cũ. Cho nên bạn bè viết giới thiệu tôi trên báo chí là nhà thơ của nhà nghèo, nhà thơ của nông dân, nhà thơ của tình thương." Bài thơ được chuyển ngữ sang hơn mười thứ ngôn ngữ như: Anh, Pháp, Trung Hoa, Đức, Nga, Thụy Điển, Ả Rập, Đan Mạch...Đặc biệt một tờ báo ở Châu Phi đã một lúc in bài thơ này bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Ả Rập. Ba dịch giả chuyển bài Ông Đồ sang Pháp ngữ, người dịch đầu tiên là một phóng viên của tờ “Humanité“ [Nhân Đạo].


        Thời bấy giờ ở phố Hàng Bồ Hà Nội có một ông đồ ngồi viết thuê câu đối. Phố này chuyên bán hàng xén có đầy đủ các mặt hàng giấy, bút, mực. Ông đồ nghèo không trữ sẵn giấy, chờ khi đông khách đặt hàng mới vào bên trong cửa hiệu mua giấy. Nhạc mẫu của Vũ Đình Liên trực tiếp bán giấy cho ông đồ. Nhiều lúc Vũ Đình Liên suy nghĩ nếu không tỏ tình cô hàng xén xin cưới làm vợ chưa chắc đã sáng tác nổi bài Ông Đồ mà ngày nay mỗi năm vào dịp Tết bài thơ ấy lại được nhiều báo nhắc nhở tới và làm rung động nhiều người.
        Bùi Xuân Phái (họa sĩ) sáng tác họa phẩm Ông Đồ khi chưa quen biết Vũ Đình Liên. Tới lúc biết tin này bạn bè đưa Vũ Đình Liên tới nhà của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu ở phố hàng Bông Hà Nội để xem bức tranh của Bùi Xuân Phái. Ngắm nhìn kỹ họa phẩm một hồi, Vũ Đình Liên lặng người đi trong giây lát, ngạc nhiên tự hỏi lý do nào một người chưa quen biết ông đồ lại có thể phóng bút vẽ một bức tranh gợi cảm đến thế.


                                                     Chân dung nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996)

        Vũ Đình Liên tự thấy mình chưa lột tả hết được nét độc đáo của ông đồ trong bài thơ mới hoàn thành, bèn sáng tác một bài thơ nhan đề “Gửi Bùi Xuân Phái“ tặng Bùi Xuân Phái. Bài thơ này được Bùi Xuân Phái viết bằng thư pháp, và mượn câu kết “Đốt trái tim trầm gửi gió hương" làm tựa đề bài khi viết thư pháp. Sau Bùi Xuân Phái vẽ một cái nhãn [vignette] hình quả tim bốc lửa, được Vũ Đình Liên lấy làm biểu tượng cho mình và đặt tên căn gác nhỏ ở phố Trần Nhân Tôn Hà Nội là gác Hương Lửa.

        Vũ Đình Liên [1913 – 1996] quê gốc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng sinh ra tại Hà Nội ngày 12.11.1913 trong một gia đình làm nghề kim hoàn có nề nếp gia phong ở phố Hàng Bạc. Thân mẫu Vũ Đình Liên xuất thân từ con một ông đồ, bởi vậy Vũ Đình Liên đã chịu ảnh hưởng và thừa kế tinh thần của mẹ. Trong một bài thơ gửi mẹ Vũ Đình Liên viết:

Tôi nhớ mẹ tôi xưa
Vất vả như bà Tú
Nuôi chồng và con nhỏ
Quanh năm miệng vẫn cười...

        Thuở nhỏ Vũ Đình Liên theo học trường Bưởi tức trường Trung học Bảo Hộ [Lycée du Protectorat]. Năm 1932, khi thi đỗ Tú tài, Vũ Đình Liên ghi danh theo học trường Luật, và dạy tư tại các trường Thăng Long, Gia Long, Hoài Đức...Một thời gian làm quản lý báo Tinh Hoa, chủ trương tờ Revue Pédagogique [Tạp chí Sư Phạm], Kim Hoa và làm tham tá Sở Thương Chính, Hà Nội. Vũ Đình Liên làm thơ năm 13 tuổi, sau này hồi tưởng lại:

Từ thuở mười ba thuộc truyện Kiều
Câu thơ tài mệnh bóng hình yêu
Tú Xương ngày trước là tri kỷ
Công Trứ cây thông cũng muốn trèo

        Năm 1927, khi 14, tuổi Vũ Đình Liên viết bài Hồn Xưa tỏ ra đắc ý trong suốt đời người, hơn cả bài Ông Đồ. Thơ của Vũ Đình Liên in rải rác trên những báo Loa, Tinh Hoa, Phong Hóa, Ngày Nay, Phụ Nữ Thời Đàm, Trung Bắc Chủ Nhật. Bài thơ đầu tay "Đứa Trẻ Ăn Mày“ được in năm 1932. Vũ Đình Liên viết không nhiều và từ giã thi đàn khá sớm, văn thơ lưu lại ít nhưng đều giá trị, trong đó bài Ông Đồ viết năm 1936 được coi là một bài thơ xuất sắc biểu hiện niềm hoài cổ, tình thương và lòng trắc ẩn. Ông đồ biểu tượng “cái học ngày nay đã hỏng rồi“ như Tú Xương đã than thở, buồn bã muốn “vứt bút lông đi giắt bút chì".


        Từ thập niên 50 trở đi đã không một ai còn trông thấy ông đồ bầy giấy bút ra viết giữa phố phường, họa hoằn rơi rớt một hai cụ lạc lõng trường thi, ngơ ngác trải bàn ra ngồi viết thuê. Mấy chữ đại tự các cụ dùng bút nhỏ vẽ và tô lại cho đậm, nét sổ, ngang, chấm không còn bay bướm, linh hoạt. Không còn những người hiếu kỳ đứng trầm trồ khen ngợi. 
        Vũ Đình Liên đáng lẽ ra nên chấm dứt bài thơ Ông Đồ như cũ, bởi ít ra nó còn khơi gợi cho người ta cái cảm giác bâng khuâng, buồn lắng đọng, thương tiếc một dĩ vãng êm đềm, cổ kính đảm bảo cho mình một chỗ đứng trong văn học. Đó là sự nghiệp của một nhà thơ nhiều khi làm nên chỉ cần một bài thơ. 
       
        Bùi Bảo Trúc mai mỉa chua chát: “Và do đó, đúng 40 năm sau, ông đồ đã chết, lại được lôi cổ dậy, một con mèo được leo qua người ông, cái xác ướp vì chưa được các chuyên viên Liên Xô dùng kỹ thuật tẩm ướp, đã biến thành một con quỉ nhập tràng kinh khủng ra mừng Đại hội Đảng lần thứ 4. Nhà thơ vì áo cơm và những tập tem phiếu đã phải thêm những câu thơ ngớ ngẩn, cho Đảng biết làm thơ, làm câu đối và nghiên bút đợi cả ngàn năm nay mới có dịp viết xuống. Ông đồ quỉ nhập tràng không còn thảo được những chữ như “phượng múa rồng bay“ nữa. Ông là ông đồ giả hiệu không biết viết, ông chỉ biết “vẽ“ chữ, một hình thức thất học nhất mà chỉ những kẻ không biết viết chữ Hán mới làm: “Bút ông đồ lại họa – Những nét chữ đẹp, thân.“ Rõ là bậy.“
        Việc làm này xảy ra khi Vũ Đình Liên đã nghỉ hưu. Năm 1954 ở hậu phương trở về Hà Nội, Vũ Đình Liên dạy ở trường Đại Học Sư Phạm cho tới năm 1975, lần lượt xuất bản các tập: Đôi mắt thơ 1957, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, biên khảo 1957 và Nguyễn Đình Chiểu biên khảo 1958, đồng thời dịch văn học Pháp.

        Vũ Đình Liên trân trọng bà mẹ và người vợ chung thủy, suốt đời lặng lẽ hy sinh cho chồng con theo đuổi chí hướng riêng. Thú mê thơ chi phối tâm hồn Vũ Đình Liên khiến không còn để ý tới những gì khác, thậm chí tới cả chuyện vợ chồng, dường tựa Tú Xương trước kia bởi đam mê thơ phú ít nhớ tới bà vợ lặn lội ở mom sông. Bởi thế khi bà vộ đột ngột qua đời Vũ Đình Liên mới sực tỉnh nhưng đã trễ, thường tâm sự: “Nếu không có mẹ sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn; không có vợ chăm lo cho cái ăn cái uống, thì không ai thành nhà thơ, thành lãnh tụ. Muốn thành thần thánh thì cũng phải nhờ mẹ, nhờ vợ. Khi vợ tôi còn sống, tôi với nhà tôi ăn riêng. Đến giờ làm cơm cho tôi, bận gì thì bận, bà ấy cũng gác lại. Tôi đi đâu về trễ, nhà tôi cũng đợi. Và vừa thấy tôi về là bà liền chạy đi hâm nóng cơm. Thế mà tôi về thì lên gác ngay để làm thơ. Bà ấy liền gọi: “Ông ơi ông! Cơm chín rồi, xuống ăn cơm!“

        Vũ Đình Liên không để lại công trình trước tác đồ sộ, nhưng được người ta nhắc nhở nhiều tới bài Ông Đồ giữ mãi được chút hoài niệm biểu tượng của quá khứ. 
        Tiếc rằng trong một cố gắng mới Vũ Đình Liên muốn tự mình tái sáng tạo, không ngờ đã tự mình đốt cháy tên tuổi mình, đặt ông đồ bên cạnh Đảng, bên cạnh Bác Hồ làm cho bài thơ mất hết cái hay của nó.

Chia sẻ bài thơ 5 chữ (ngũ Ngôn) viết cho mùa xuân



Xuân Về Chưa

Xuân về trên phố chưa?
Em đi viếng cảnh chùa
Nụ biếc tầm xuân nở
Lòng em nhớ xuân xưa.

Áo lụa hồng trinh nguyên
Lòng em bao nỗi niềm
Ôm một trời nỗi nhớ
Vấn vương tuổi thần tiên.

Xuân đến cửa nhà em
Rực rỡ bên bực thêm
Cánh mai vàng chớm nở
Đợi tình về thâu đêm.

Khoe dáng nhiều sắc hoa
Dài thêm dòng thái hoà
Nguyện ước mừng năm mới
Bình an đến mọi nhà.

Rót đầy ly rượu mừng
Xuân về chúc người thương
Đời thêm nhiều hưng phấn
Tiếng pháo vang phố phường.

Khách du xuân tìm về
Phố núi tình say mê
Khói lam chiều mây trắng
Mang theo khối tình quê.

Lê Tuấn
Một ngày chớm xuân.

Cuộc Sống Và Thi Ca - Sưu tầm





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét