Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Thầy Thích Minh Tuệ - Một hiện tượng nổi bật trong mùa Phật Đản 2024


Thích Minh Tuệ
Đang được dư luận chú ý nhất trong nước, mùa Phật Đản 2024.


1- Thầy Thích Minh Tuệ xác nhận "Con không phải tu sĩ Phật Giáo"
    * Nhưng thực chất Thich Minh Tuệ là vị tu sĩ đáng kính phục, là một Phật Tử thuần khiết, tinh túy nhất của Giáo Hội Phật Giáo VN.
2- Con không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa nào, hay cơ sở tu viện nào của Giáo Hội Phật Giáo.
    *Thế nhưng Thich Minh Tuệ có một ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, bất cừ nơi đâu bước chân của ông bước lên, bất cứ nơi đâu ông dừng chân nghỉ ngơi thì nơi đó chính là Ngôi Chùa hay cơ sở Phật Giáo, vì trong tâm hồn của Thấy Minh Tuệ đã là một ngôi đền vĩ đại tôn thờ Phật Thích Ca. 
3- Thích Minh Tuệ xác nhận "con không có sư phụ nào cả" "con chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà"
* Thế nhưng Thích Minh Tuệ là đệ tử chân truyền của Phật Thich Ca.

Tại sao Thích Minh Tuệ bị các Thầy Chùa Quốc Doanh phỉ báng, gièm pha.
Bởi vì Nhà sư Thích Minh Tuệ khác hẳn hình ảnh của sư quốc doanh
Thích Minh Tuệ thích cười . Thích Chân Quang thích tiền.
Thích Minh Tuệ từ chối nhận tiền cúng dường, chỉ nhận một bữa ăn chay duy nhất vào buổi trưa.
Trong khi đó cá sư quốc doanh tìm mọi cách moi tiền cúng dường từ bá tánh thập phương.
Thích Minh Tuệ và Thích Chân Quang là hai hình ảnh trái ngược nhau nhưng có hàng vạn người theo dõi và bình luận.
Thích Minh Tuệ từ chối mọi tiện nghi, không sở hữu bất cứ tài sản nào.
Trong khi các sư quốc doanh đều sở hữu tài sản hàng ngàn tỷ đồng. Đất đai, nhà cửa, hotel, resort, đâu tư nhiều lãnh vực kinh doanh.

Thầy Minh Tuệ bắt đầu tu theo cách hạnh đầu đà từ năm 2018 nhưng ít người biết đến, đột nhiên mạng xã hội sôi sùng sục sau khi thông tin của ông được tung lên mạng, nhất là mùa Phật Đản năm 2024. Thầy Thích Minh Tuệ bỗng dưng “nổi tiếng.” Chính đều này đã làm cho các nhà sư Quốc Doanh so sánh và ganh tỵ  Lo sợ rằng cứ cái đà này thì không ai còn cúng dường nữa, không ai còn muốn nghe những bài thuyết pháp, nhảm nhí, phản lại giáo lý Phật Giáo.

Phật giáo Việt Nam bị phá hoại bởi những xàm tăng, ma tăng đang được hậu hậu thuẫn và dung túng. Chính họ đã lợi dụng thuyết nhân quả, luân hồi để xuyên tạc, bịa đặt, và hù doạ cho những người u mê sợ hãi bằng những viễn cảnh ghê rợn ở kiếp sau. Từ đó tiếp tục lợi dụng cúng dường như một phương cách để giải nghiệp báo, cầu phước báu, tăng trưởng công đức… Tiền càng nhiều càng tốt, và “người mà có tâm đạo cúng luôn cả nhà cho chùa… dọn đi chỗ khác ở, cứ ở cái chòi nào đó, ở bình thường thôi”. Tóm lại là cúng dường… cúng dường…

Do đó khi nào các “ma tử ma tôn”* đang trà trộn vào chùa, khoác áo nhà sư mà bị thanh lọc là lúc Phật giáo Việt Nam được chấn hưng.

Tất nhiên, khi tán thán về pháp hành của sư Minh Tuệ thì không đồng nghĩa với việc hạ thấp các pháp tu khác ở những bậc chân tu trên đất nước này. Mỗi người một căn cơ, một hạnh nguyện khác nhau nên không thể ai ai cũng phải giống nhau. Mỗi cá nhân có mặt ở thế gian này là để hoàn thành một “sứ mệnh” của riêng mình.

13 câu nói của Thầy Thich Minh Tuệ

1. Con đi Tu là để cầu giải thoát.
2. Hàng ngày con chỉ xin ăn một bữa, con không nhận tiền của ai.
3. Y áo con mặc là may từ vải con nhặt từ nơi nghĩa địa, ven đường, thùng rác.
4. Bình bát là con chế từ nồi cơm điện người ta cho con.
5. Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội để tu.
6. Con mong sớm thành chánh quả để con báo hiếu cho cha mẹ.
7. Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.
8. Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.
9. Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.
10. Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.
11. Mọi người hãy cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống bia rượu.
12. Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.
13. Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật - Pháp - Tăng nhỉ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nguyện có ai thấy nghe đều phát tâm bồ đề, khi mãn báo thân này đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!

13 Hạnh Đầu Đà Là Gi?

1- Hạnh mặc y phấn tảo: nghĩa là vải may y nhặt ở lề đường, nghĩa địa, đống rác...

2- Hạnh ba y: nghĩa là sử dụng những miếng vải chắp vá lại thành y. Chỉ dùng ba y không nhận thêm y thứ tư.

3- Hạnh khất thực: nghĩa là dùng thức ăn bằng cách đi xin. Xin ngày nào ăn ngày đó không để dành.

4- Hạnh khất thực từng nhà: nghĩa là đi khất thực theo thứ tự, không phân biệt giàu nghèo.

5- Hạnh nhất tọa thực: nghĩa là ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Hoặc không ăn nhiều lần trong ngày.

6- Hạnh ăn bằng bát: Chỉ ăn những thức ăn xin được trong bình bát, không nhận bát thứ hai.

7- Hạnh không để dành đồ ăn: không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong.

8- Hạnh ở rừng: nghĩa là chỉ ở rừng không ở làng xóm.

9- Hạnh sống bên gốc cây: nghĩa là chỉ ở gốc cây, không sống ở nhà.

10- Hạnh ở giữa trời: nghĩa là chỉ ở ngoài trời không sống trong nhà, dưới tán cây.

11- Hạnh ở nghĩa địa: nghĩa là chỉ sống ở nghĩa địa.

12- Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được.

13- Hạnh ngồi không nằm: nghĩa là chỉ ngồi không nằm, khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.

Thứ nhất về việc mặc: người tu hạnh đầu đà chỉ mặc ba y, không nhận thêm y thứ tư. Vải lượm ở nghĩa địa, ngoài đường, đống rác đem về chắp vá khâu lại thành y để mặc, gọi là y phấn tảo. Không nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường.

Thứ hai về việc ăn: người tu hạnh đầu đà chỉ ăn thức ăn trong bình bát, ăn bằng cách đi khất thực, khi khất thực phải đi tuần tự từng nhà, không phân biệt nhà giàu nhà nghèo, không phân biệt thực phẩm ngon dở, ăn ngày một bữa, ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Không cất chứa hoặc để dành thức ăn qua ngày hôm sau.

Thứ ba về việc ở: người tu hạnh đầu đà ở gốc cây, ở rừng, ở nghĩa địa, ở giữa trời, ở chỗ nào cũng được miễn là an toàn, an ninh, đặc biệt chỉ ngồi không nằm khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.

Công dụng của pháp đầu đà:
Là để rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc và ngăn ngừa lòng tham dục. Trong điều kiện sống ngày nay, khó ai có thể thực hành được mười ba hạnh đầu đà này.
Ông Tú cho hay mình không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi...).

(mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi...).






Thầy Thích Pháp Hòa gửi 1 bài thơ cho Thầy Thích Minh Tuệ.

THƯ GỬI “sư em” MINH TUỆ

Anh và em chưa một lần gặp mặt

Và biết em chưa chắc đọc thư này

Nhưng tâm tình thì cứ gởi liền tay

Nhờ phây lưu biết ngày sau giá thử.

Nhiều năm trước anh cũng từng phát nguyện

Sang Thái Lan đi khất thực dăm ba ngày

Tập quấn y mà cứ mãi trầm trây

Rồi nguyện đẹp cũng dần dà trôi luống.

Nay thấy em tấm hình hài buông xuống

Phấn tảo y ôm lấy chiếc thân gầy

Bước chân trần em rong ruỗi đó đây

Anh cúi đầu với biết bao xúc cảm.

Đang đối mặt với trần gian ảm đạm

Giữa chúng ta ai thoát khỏi phiền ưu.

Em hơn anh ở dám quyết dám liều

Anh thua em vì nhiều duyên nợ khác.

Hành trạng em dù chưa tròn “y bát”

Như Luật Nghi, giáo pháp đề ra,

Theo dõi bước chân, anh thấy thật xót xa

Phải chi quanh em là vô ngôn tuyệt đích.

Chuyện đời thường mặc kẻ ưa người thích

Việc của mình, “muốn nhích” cứ làm thôi.

Mặc cho người chỉ trích hoặc bám, hôi.

Mong em giữ vững sơ tâm bền chí cả.

Xưng thầy, xưng con, chẳng có gì trí trá

Lõi nồi cơm hay ứng lượng khí bàn chi

Như đói ăn, khát uống bất tư nghì.

Khi hết thở, một mảnh đời dừng lại.

Nụ hoa Tuệ em có từng muốn hái?

Cõi Niết mơ hồ em có định hướng chưa?

Hay cực đoan khổ hạnh chốn đời thừa,

Để vớt vát bóng hình đời đang thiếu?!

Hành cước em vốn đặc thù chất liệu

Nhưng bướm ong vo vẻ nhện tơ giăng

Khiến tâm đan bỗng chốc bị phược thằng

Khiến trân phẩm vô tình thành phế phẩm?!

Gửi đến em bằng tình thương sâu thẳm

Như bao người, không phân biệt thân sơ.

Giữa chúng ta tuy bèo nước hững hờ,

Nhưng nguyện sẽ là người đồng lý tưởng.

Dẫu đường đi mỗi người theo mỗi hướng

Gá mộng thân theo cách của riêng mình

Sống hết lòng với cuộc thế phù sinh

Hết hành trình, ta hiện sinh chốn khác.

Anh chúc em giữa mưa chang gió tạt

Thân đủ an và sức khoẻ kiện khang,

Chân đủ lì để tiếp tục lang thang

Vẽ bức tranh nhàn du vô định.

Thích Pháp Hòa



Đọc qua bài thơ của Thầy Pháp Hòa gửi cho Thầy Minh Tuệ.
Chợt nhớ đến bài thơ Thiên Lý Độc Hành của Thầy Tuệ Sĩ.
Tôi xin trích một đoạn ngắn.

Thiên Lý Độc Hành

Thơ Tuệ Sỹ

1.

Ta về một cõi tâm không

Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn

Còn yêu một thuở đi hoang

Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya

2.

Ta đi dẫm nắng bên đèo

Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều

Nguyên sơ là dáng yêu kiều

Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ

Còn đây góc núi trơ vơ

Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao.
Tuệ Sĩ



Tiếp Nối bài Viết Từ Báo Thằng Mõ
Của Nhà Báo Lê Văn Hải.

Đôi nét về 
Ông Lê Anh Tú chia sẻ về hành trình đi bộ suốt 6 năm qua. Ảnh: Đức Hùng

Để theo tu hạnh đầu đà, ông Tú bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành từ năm 2017. Thời gian đầu, đôi lúc ông di chuyển bằng xe khách. Năm 2020 đến nay, ông Tú luôn bộ hành tuyệt đối, chỉ đôi lúc di chuyển bằng đường thủy thì phải dùng thuyền hoặc đò qua sông. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước, chỉ còn ba tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre là chưa tới bởi những địa phương này không nằm trên trục đường chính.

"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi
Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình", ông Tú nói.

Ông Tú chia sẻ trước đây từng nghi ngờ những lời dạy của đức Phật, nay chín chắn hơn nên muốn học tập, làm theo những lời dạy đó để xem có được hạnh phúc, an lạc không. Khi quyết định bỏ nhà, bỏ việc để bộ hành, bản thân ông đã suy nghĩ rất kỹ, sau đó mới xin phép bố mẹ lên đường.

Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ ông Tú luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng.

"Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa", ông nói.

Vàng giả sợ vàng thật! Đảng cũng rung rinh! Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản: ‘Thích Minh Tuệ không phải nhà sư!’

(VOA- 17/05/2024)




(Hình ảnh người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ' trên mạng xã hội. Ông thu hút rất đông người đi theo ở mỗi địa phương ông đi qua).

-Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 16/5 cùng ra văn bản nói rõ quan điểm về vụ việc ông Thích Minh Tuệ, một hiện tượng trên mạng xã hội Việt Nam trong thời gian qua, và đều khẳng định rằng ông ‘không phải nhà sư’.

Ông Thích Minh Tuệ xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook và YouTube trong thời gian qua dưới hình ảnh giống như một nhà sư với chiếc đầu đã cạo tóc, mặc trang phục giống như cà sa nhưng chắp vá, đầu để trần, đi chân đất, tay ôm nồi cơm điện đi bộ từ Nam ra Bắc.

Trong các đoạn video được đăng tải, ở mỗi địa phương ông Thích Minh Tuệ đi qua đều có nườm nượp người kéo tới theo dõi, đi theo, đảnh lễ, cúng dường, quay phim, chụp ảnh… gây náo động cả một vùng.

Nhiều người thậm chí còn tôn sùng ông như một ‘bậc chân tu’, ‘hành giả đích thực’, ‘tu theo hạnh đầu đà’, ‘theo đúng giáo pháp Đức Phật’, thậm chí có người còn gọi ông là ‘Phật sống’.

Nhiều ý kiến đã lấy hình ảnh ông Thích Minh Tuệ để so sánh với cách tu của các vị tăng, ni đang tu hành trong các tự viện ở Việt Nam. Từ đó, họ đả kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam nói chung là ‘suy đồi’ và ‘tha hóa’.

Tuy nhiên, cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ đều khẳng định rằng ông Thích Minh Tuệ ‘không phải là nhà sư’, theo công văn của hai cơ quan này gửi ra được báo chí trong nước đăng tải.

Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này ‘không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam’.

Theo kết quả xác minh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ‘sư Thích Minh Tuệ’ có tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông hiện sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Ông từng là cán bộ đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên, nhưng sau đó đã bỏ việc để đi bộ từ từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Hiện giờ, ông đang đi qua địa phận các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xuôi vào Nam, vẫn theo văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng khẳng định giống như Giáo hội Phật giáo Việt Nam về nhân thân của ông Thích Minh Tuệ, và cho biết ông Lê Anh Tú ‘tự xưng là Thích Minh Tuệ’ chứ ‘không phải tu sỹ Phật giáo’.

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết ông Lê Anh Tú ‘đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập hạnh đầu đà’ và ‘đã ba lần đi bộ từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại’.

Cả hai cơ quan này đều cho rằng sở dĩ có ‘hiện tượng Thích Minh Tuệ’ là do có những Facebooker, TikToker và YouTuber đi theo ông để quay clip đăng tải và phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội nhằm câu view vì những lần trước ông thực hiện hành trình, ‘không có mấy ai quan tâm’.

Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều không chỉ trích hay lên án hành vi của ông Thích Minh Tuệ nhưng cho rằng hình ảnh của ông đã bị lợi dụng ‘để bình luận xuyên tạc về đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam’.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Ban Trị sự các tỉnh, thành thông báo rõ ràng tới Phật tử và nhân dân 'để tránh ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư' và đề nghị chính quyền địa phương 'có biện pháp ngăn chặn những bình luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mạng xã hội'.

Ban Tôn giáo Chính phủ thì cho rằng hành trình của ông Lê Anh Tú ‘làm ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn’ và yêu cầu các cơ quan trực thuộc ở các tỉnh thành khi ông Tú đi tới địa bàn ‘không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật’.

Cơ quan quản lý tôn giáo Nhà nước cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn tăng ni, Phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật đồng thời vẫn ‘tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật’.

Bản thân ông Lê Anh Tú khẳng định ông không phải là tu sĩ Phật giáo, không thuộc bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà.

Trả lời báo chí trong nước hôm 17/5, ông cho biết ông từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa và pháp danh Thích Minh Tuệ được đặt tại ngôi chùa này. “Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này,” ông nói với VnExpress.

Về cách tu ‘hạnh đầu đà’, trên tờ Thanh Niên, Hòa thượng Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, giải thích rằng đó là cách tu khổ hạnh được chế định để ‘thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp’.

Cách tu hạnh đầu đà được quy định rất chặt chẽ và khắt khe, vị hòa thượng này cho biết, chẳng hạn như chỉ mặc y phấn tảo, tức là y được chắp vá từ những mảnh vải nhặt ở lề đường hay đống rác; chỉ đi xin ăn từng nhà không phân biệt giàu, nghèo; chỉ khất thực trước ngọ; chỉ ăn một lần trong ngày; không để dành lại thức ăn; có gì ăn đó không phân biệt ngon, dở; không được ở trong thành thị hay làng xóm mà chỉ được ở rừng, ở nghĩa địa, ở ngoài trời; ngủ trong tư thế ngồi, không ngủ một chỗ quá một đêm và thời gian buổi chiều phải được dành để thiền quán, thiền hành để ôn lại những lời dạy của Đức Phật.

Hòa thượng Thích Chân Tính cho biết mục đích của cách tu hạnh đầu đà là để ‘rèn luyện tính thiểu dục tri túc’. Trong hàng đệ tử của Đức Phật, có tôn giả ‘Ca Diếp’ được Đức Phật chấp thuận cho tu theo hạnh đầu đà và Ngài đã được tôn xưng là ‘Đầu đà Đệ nhất’.

“Trong điều kiện sống ngày nay, khó ai có thể thực hành được mười ba hạnh đầu đà này,” Hòa thượng Thích Chân Tính được Thanh niên dẫn lời nói.

Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khởi thủy tu theo lối khổ hạnh, ép xác trong rừng già suốt 6 năm. Sau đó, Ngài bị kiệt sức và nhận thấy rằng tu khổ hạnh là ‘cách tu cực đoan’, không thể phát huy được trí tuệ nên đã từ bỏ lối tu này để đi theo con đường trung đạo. Sau đó, Ngài đã nhận bát sữa cúng dường, dần dần lấy lại sức khoẻ và đạt được Giác Ngộ sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề.

CSVN sợ sư Thích Minh Tuệ ảnh hưởng, nên ra văn bản ‘cảnh báo hiện tượng’ đang được người dân mến mộ!

- (NV) Trong hai ngày liên tiếp, Giáo Hội Phật Giáo CSVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ phát đi văn bản “cảnh báo” người dân về nhà sư Thích Minh Tuệ.

Từ vài tháng qua, nhà sư Thích Minh Tuệ trở thành “hiện tượng,” được đông đảo người dân mến mộ vì cách ông thực hành “hạnh đầu đà” (tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm) hoàn toàn đối lập với các “sư quốc doanh” như Thích Thanh Quyết, Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang…


(hình: Nhà sư Thích Minh Tuệ chia sẻ về hành trình đi bộ suốt sáu năm qua)

Theo báo Người Lao Động hôm 17 Tháng Năm, văn bản của Ban Tôn Giáo Chính Phủ đề nghị chính quyền các địa phương “quan tâm,” bằng cách khi ông Minh Tuệ đi ngang qua địa bàn thì “không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật.”

Cơ quan nêu trên cũng nhấn mạnh việc chính quyền “định hướng dư luận, không để các đối tượng thiếu thiện chí có cơ hội lợi dụng tuyên truyền, kích động gây mất ổn định xã hội.”

Một ngày trước, Giáo Hội Phật Giáo CSVN bình luận rằng việc người dân cúng dường vật phẩm, đồ ăn cho nhà sư Thích Minh Tuệ “tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”

Đáng lưu ý, tổ chức tôn giáo nêu trên cho rằng nhà sư Thích Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật Giáo” và rằng ông này tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống.

Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài chuyến đi bộ từ tỉnh Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.

Sau khi Giáo Hội Phật Giáo CSVN ra văn bản, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Hoàng Đình Chung, trưởng Phòng Nghiên Cứu Lý Luận Và Chính Sách Tôn Giáo, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, cho biết giáo hội chỉ nên lên tiếng khi người ta nhận nhầm ông ấy với một tu sĩ trong hệ thống mà giáo hội quản lý. Hoặc từ trường hợp này mà có người quay phim, chụp ảnh đưa ra thông điệp trái chiều mà ảnh hưởng đến dư luận xã hội mới cần lên tiếng.

“Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật Giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo Hội Phật Giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật Giáo. Phật Giáo không phải của riêng ai, không phải của riêng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,” Tiến Sĩ Chung bày tỏ.

Báo Pháp Luật TP.HCM viết: “Tiến Sĩ Chung cũng cho rằng bản thân ông Minh Tuệ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, chưa cần đến mức bên ngoài phải can thiệp sâu như thế. Thậm chí, ông ấy nhân thân thế nào, xuất phát thế nào đó là câu chuyện riêng tư và không được phép đem những việc đó để tấn công ông ấy với cuộc sống hiện tại.”

“Theo tôi, văn bản của giáo hội cần phải có nhìn nhận khách quan, giữ khoảng cách tốt hơn chút nữa. Những vấn đề liên quan đến dư luận, giáo hội phải liên tục giữ gìn và chấn chỉnh hình ảnh của tăng sĩ trong giáo hội của mình,” ông Chung được dẫn lời nói.


(Hình: Nhà sư Thích Minh Tuệ.)

Hôm 17 Tháng Năm, báo VNExpress có bài viết về sư Thích Minh Tuệ, khi ông dừng chân nghỉ ngơi tại bãi đất trống ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm người đã vây quanh ông nghe trò chuyện. Khi nói chuyện, ông Tú luôn xưng là “con.”

“Ông Tú cho hay mình không phải là tu sĩ Phật Giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…),” VNExpress viết.

Từ năm 2017 ông Tú bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước. “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình,” ông Tú được trích lời nói.

Ông Tú chia sẻ, khi quyết định bỏ nhà, bỏ việc để bộ hành, bản thân ông đã suy nghĩ rất kỹ, sau đó mới xin phép cha mẹ lên đường.

“Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ ông Tú luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng,” báo VNExpress kể.

Suốt quãng đường ông đi, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo, nhưng “ông Tú nói họ không phải đệ tử của mình, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, ông luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.”

“Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý,” báo VNExpress thuật lời ông Tú nói.

Phản hồi việc Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khẳng định ông Tú không phải là tu sĩ Phật Giáo, ông Tú nói từng đi tu, nhưng chưa có duyên ở chùa và “từ lâu nay ông chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng ‘cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó,’” theo báo VNExpress.

Dù không liên lạc với gia đình suốt sáu năm qua vì không dùng điện thoại, mạng xã hội, song ông Tú chia sẻ lúc nào cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Từ xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, ông Lê Xuân, 84 tuổi, cha của ông Tú, chia sẻ với VNExpress cho biết, gia đình có bốn người con, Lê Anh Tú là con thứ hai, học hết phổ thông thì đi nghĩa vụ. Khi xuất ngũ, Tú chuyển sang học trung cấp rồi theo người bạn về Phú Yên làm đo đạc địa chính cho một công ty tư nhân.

Đến năm 2015, Tú bất ngờ trở về nhà xin cha mẹ xuất gia để “giải thoát.” Sau một đêm suy nghĩ, vợ chồng ông Xuân đồng ý cho con đi tu. Và từ đó đến nay, gia đình không còn liên lạc với con nữa.

Mấy hôm trước người trong làng cho xem các video gây chú ý trên mạng, ông Xuân mới nhận ra con mình.

“Vợ chồng thấy con ăn uống kham khổ, gầy, đen cũng thương, nhưng cái nghiệp cháu vậy thì gia đình luôn ủng hộ. Mong con chân cứng đá mềm, không ham mê tiền bạc, vật chất và tu thành chính quả,” ông Xuân nói.

Trong khi đó, mạng xã hội dấy lên nhiều chỉ trích việc Giáo Hội Phật Giáo CSVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ độc quyền công nhận tu sĩ Phật Giáo là những người tu tập tại các chùa do chính quyền quản lý.

Facebooker Thành Nguyễn, nhà hoạt động, bình luận trên trang cá nhân: “Công văn của Giáo Hội Phật Giáo CSVN về sư Thích Minh Tuệ thể hiện bản chất bị chính trị hóa tổ chức này, nó đi ngược với tinh thần độc lập của một tổ chức xã hội dân sự và tinh thần dung hòa của nhà Phật. Qua đây, ta có thể hiểu hơn thế nào là tính chất toàn trị của chế độ hiện hành, đây là điểm khác biệt của nước mình [Việt Nam] so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.”

Ông Thành dự báo hiện tượng sư Thích Minh Tuệ “sẽ bị dìm xuống trong thời gian tới,” và công văn của Giáo Hội Phật Giáo CSVN “mới chỉ là phát súng đầu tiên.”


Trái ngược nhau: Thích Chân Quang thích tiền, Thích Minh Tuệ thích cười!


-Nhà sư Thích Minh Tuệ khác hẳn hình ảnh của sư quốc doanh

Thích Minh Tuệ và Thích Chân Quang là hai hình ảnh trái ngược nhau nhưng có hàng vạn người theo dõi và bình luận.

Thầy Minh Tuệ bắt đầu tu theo cách hạnh đầu đà từ năm 2018 nhưng ít người biết đến, đột nhiên mạng xã hội sôi sùng sục sau khi thông tin của ông được tung lên mạng.

Cái clip thứ hai xuất hiện vài tuần sau khi thầy Thích Minh Tuệ bỗng dưng “nổi tiếng.” Ông Thích Chân Quang cũng mang họ Thích của Thích Ca nhưng cái thích của ông sư này rất khác hàng vạn sư thầy mang họ Thích khác.

Ông Chân Quang thích tiền, thích hướng dẫn Phật tử theo cách hiểu, cách hành đạo của mình theo những định nghĩa khác với giáo lý Phật Giáo về “nghiệp báo.”

Khi biết thầy Thích Minh Tuệ đang được một số đông Phật tử theo chân khắp nơi, Chân Quang tung ra một cái clip bôi bẩn hình ảnh của thầy Minh Tuệ với những ngôn từ của quỷ, ông ta nói rằng “Ngưỡng mộ một thằng ba trợn cũng là ‘tà tư duy.’ Thí dụ khi thấy một tay ôm bát đi lang thang thì ‘Ô đây nè, thánh nhân cuộc đời của tui, đây là bậc thánh hiền!’ Rất tào lao, ba trợn mà có biết tay đó nó thiệt hay không, nó tu cái gì, nó nói cái gì nó học bao nhiêu kinh điển, nhiếp tâm được chưa, biết giới luật là gì không, lời Phật dạy y học bao nhiêu cái, sửa được cái gì rồi? Thấy y mặc áo rách, ôm cái nồi cơm đi cái là ‘Ồ đây là bậc thánh cuộc đời của tui, đó là ba trợn, là tà tư duy.’ Những cái suy luận bậy, sai cũng là tà tư duy mà tà tư duy rồi thì nó đánh vào phước của ta liền, đánh vỡ tâm hồn ta làm cho ta mất phước.”

Trong khi đó, ngược lại thầy Minh Tuệ chỉ cười, nụ cười hiền lành đậm chất nông dân. Nụ cười mà ai thấy cũng ngạc nhiên vì nó được sở hữu bởi một hạnh đầu đà khô đét, trống không từ tâm tới xác. Thích Minh Tuệ theo chân của Ca Diếp, một hành giả đầu tiên theo chân Phật cách đây 2,500 năm.

Hạnh đầu đà là phép tu khổ hạnh bắt cơ thể phải chịu đói khát đau đớn và tuyệt đối không được thụ hưởng bất cứ thứ gì là nguồn gốc đau khổ của chúng sinh. Thái Tử Tất Đạt Đa trên con đường sáng lập đạo Phật đã từng tu khổ hạnh trong những năm đầu, sau khi Phật Giáo hình thành tăng đoàn thì Đầu Đà Ca Diếp là người đứng đầu tăng đoàn đã tu theo phép tu khổ hạnh của Phật.

Vì cách hiểu này, trên trang của thông tin Phật Giáo có bài viết tố cáo thầy Thích Minh Tuệ là gian dối khi không có tên trong tăng đoàn mà dám lừa gạt chúng sinh theo thầy tu tập. Giống như Thích Chân Quang tố cáo thầy là không biết giới luật, không học kinh điển, không theo lời Phật dạy.

Mạng xã hội cười khẩy trước những cách xuyên tạc thô thiển và đầy ác ý này, họ tiếp tục tung những clip theo dõi bước chân của thầy trên con đường thầy đang đi. Cái clip mới nhất của Thành Phúc TV có 500,000 người theo dõi cho thấy tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, khi thầy đi ngang với hàng chục ngàn người bao vây, theo sau một cách bộc phát. Đám đông trở thành mối lo toan cho sự an toàn của thầy. Đám đông quần chúng ấy không thể bảo vệ được một nhân cách yếu ớt như thầy, nó vừa minh chứng sự bầy đàn, vừa báo trước một kết quả tồi tệ phía trước khi dòng người ngày càng đông hơn, khó kiểm soát hơn và nhất là hỗn tạp hơn.

Trong đám đông ấy không xuất hiện những khuôn mặt Phật tử giàu có với quần áo tư trang, mà là những nông dân tay lấm chân bùn, những bà hàng rong bỏ gánh chạy theo, những chú xe ôm tay dắt chiếc xe cà tàng của mình mắt chăm chăm nhìn thầy đang trên đường thiên lý. Bên cạnh đó là những chiếc nón cối, những ngôn ngữ gây gổ, những tiếng cười, tiếng quát tháo thậm chí chửi thề cùng hàng trăm chiếc điện thoại vây chung quanh thầy làm thành một quang cảnh hỗn loạn hơn là một đám rước của một tăng nhân nổi tiếng.

Trên con đường chính của thành phố chỉ thấy đám đông hỗn tạp và cuộc tuần hành gây mất trật tự như thế không thể chấp nhận bởi bất cứ một chính phủ nào huống chi là Cộng Sản, một chính thể luôn dị ứng với đám đông mà nhất là đám đông ấy hình thành từ tôn giáo. Hai yếu tố tử huyệt của Cộng Sản đang cùng lúc xuất hiện sau lưng thầy Minh Tuệ.

Diễn tiến này cho thấy nhiều mặt của một vấn đề mà mặt thứ nhất khi đám đông phản ứng một cách phức tạp như vậy cho thấy lòng tin vào Phật pháp của họ nhiều năm bị bóp méo bởi những khuôn mặt tu hành giả dối từ Thích Trúc Thái Minh tới Thích Nhật Từ, Thích Thanh Cường tới Thích Chân Quang… tất cả đều là giả tu, tu vì tiền cúng dường vì cái ngã vị lợi mà phản chiếu rõ nhất là những bài thuyết giảng của những ông này hoàn toàn trái lại với tự nhiên nói chi tới giáo lý Phật dạy.

Từ mất niềm tin dẫn tới tôn sùng vượt khuôn phép là điều hiển nhiên vì trong cái đám đông ấy không mấy ai hiểu rõ hạnh đầu đà là gì và từ đó hình ảnh bình thường của một người tu theo khuynh hướng này trở thành đóa sen trong đám bùn của nhóm tu sĩ giả hiệu.

Mặt thứ hai là đám đông ô tạp trong đó rất nhiều người tò mò tìm hiểu thầy Minh Tuệ là ai hơn là theo chân thầy như một cách tu tập. Những câu hỏi như: “Thầy nghĩ sao khi giáo lý Phật dạy không cho phép sát sinh vậy thì giết sán lãi trong bụng ta có sát sinh không?” Dĩ nhiên cách trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này dành riêng cho việc chứng ngộ hơn là chứng minh thực chứng.

Trong cái đám đông ấy với hàng trăm máy chụp ảnh, quay phim chung quanh một người không có tài diễn thuyết thì hình ảnh của thầy Minh Tuệ khó mà thuyết phục được một số lớn đệ tử thích nghe lời mê hoặc ngọt ngào hơn là hình ảnh một ông sư trẻ teo quắt lại vì sương gió tha nhân.

(Theo Người Việt- May 16, 2024)





Cả Đảng Cũng Phải Sợ! Tội Nghiệp! Phật Cũng Phải Vào Biên Chế!

(Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn. Đài Á Châu Tự Do (RFA) - 19/5/2024)

*

(Hình: Sư Thích Minh Tuệ trò chuyện với người qua đường.)

-Hôm qua mưa to mát mẻ. Rảnh hơi, tôi ra vườn bứt một đám bông cúc, ngồi xếp bằng đình huỳnh chơi trò bói hoa.

Người ta hay bói tình yêu, còn tôi là công dân Việt Nam gương mẫu, tất nhiên tôi chơi trò bói thời sự.

Bứt một cánh cúc: Sư quốc doanh.

Bứt cánh thứ hai: Sư ngoài quốc doanh.

Sư ngoài, sư trong

Sư ngoài quốc doanh thì dễ rồi. Mấy tuần nay cả thế giới người Việt chộn rộn lên với ông thầy Thích Minh Tuệ, cái ông ốm teo nhưng rắn như sắt nguội, bận cái y phấn tảo đủ màu, ôm bình bát DIY bằng lòng nồi cơm điện cưa vành, đi bộ du hành học Phật từ Bắc vào Nam. A cái ông thầy này mới thiệt là kỳ: trước giờ thọ thực thì chỉ nhận cơm chay đủ ăn, ăn xong bữa trong ngày rồi thì Phật tử quỳ lạy năn nỉ cũng không nhận nữa. Người ta mang vật thực tới chờ đợi cho thầy thì chỉ nhận một phần, còn nói có các thầy khác cùng đi với mình, chia ra đi cho mỗi thầy một phần. Phật tử tặng tiền thì cười, dứt khoát không nhận, đã vậy sẵn dư một chai nước trong bình bát cầm ra tặng lại cho người ta một chai rồi bỏ đi lập tức. Ngủ thì vô nghĩa trang, cánh đồng, nhà hoang, gió mưa thì quấn y quấn bạt chịu đựng.

Lại còn thêm không xưng là sư, là thầy của bất cứ ai, cũng không tu trong chùa nào, chỉ là một công dân đang tu tập theo Phật. Không giảng pháp cũng không thuyết pháp, chỉ nói chuyện hồn nhiên như đứa trẻ nhưng Phật tử lẫn người ngoài đạo Phật cứ nhìn cách thực hành tu tập của thầy thì một mực đi theo, quét đường, rắc hoa, đảnh lễ, thắp nến, treo bạt che mưa. Thầy ngồi trong nghĩa trang, dân đi theo thắp nhang cầu nguyện cho tất cả các phần mộ quanh đó. Thầy ngồi trên đống sỏi, dân đứng ngồi xung quanh nghe thầy nói chuyện. Thầy ngồi giữa cánh đồng trơ chân rạ, dân xúm xít mang nước, che ô. Khung cảnh thực sự y hệt những gì được viết, vẽ trong các sách Phật về ngày Phật ra đời. Là sự ngưỡng vọng, yêu thương, thành kính và tận tụy một cách tự nhiên, từ trong đáy lòng, không thể dùng cách bắt buộc nào mà tạo ra được.

Không chỉ mình Thích Minh Tuệ mà còn một nhóm các sư, các thầy từ những phái tu học khác nhau trên đường bộ hành học Phật. Họ cùng gặp nhau ở một điểm: dốc lòng muốn trải nghiệm lại những gì Đức Phật đã trải và đã dạy. Họ từ chối những khả năng sở hữu vật chất và cả lời ca tụng.

Còn sư trong quốc doanh?

Dĩ nhiên con số các tăng, các ni có tên chính thức trong các chùa, các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là bậc chân tu hay vừa vừa tu thôi, vẫn là chiếm đa số. Các sư, thầy, tăng, ni đang sống đạo hạnh, chuyên cần tu tập và chăm lo cho đời sống tâm linh an lành của một vùng đất, là chỗ dựa tinh thần của Phật tử là rất nhiều, không thể kể hết.

Xin kính cẩn đảnh lễ họ.

Nhưng…

Các sư to, sư lớn nhưng càn rỡ, xảo quyệt, lừa gạt, dâm dê, tham-sân-si đủ combo, sao mà đếm cũng mỏi tay.

Sư xin tí khí: Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, từng dẫn nữ Phật tử vào thất định giở trò đồi bại.

Sư thích đập hộp: Đại đức Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, xã Tân Hưng, TP Hải Dương đăng hình đập hộp iPhone 6 (năm đó mới ra, rất oách) và khoe dùng điện thoại Vertu giá 600 triệu đồng mới "sứng tầm" (thôi thì tha cho sư cái tội khoe của, nhưng viết trên mạng xã hội còn sai chính tả thì nhất quyết không thể tha được). Vẫn trên mạng xã hội, Sư Cường còn khoe ảnh đội mũ bộ đội, mặc áo rằn ri, cầm súng, ngồi ăn bên một bàn tiệc ê hề…

Sư cúng sao giải hạn: Thượng tọa Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Phúc Khánh, chùa Non Nước (Hà Nội) và chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Chùa làm giàu bằng cách nhận tiền của Phật tử để cúng sao giải hạn. Chùa nổi tiếng từ một lần từ chối cúng sao giải hạn cho một phụ nữ vì chị này thiếu 50.000 đồng so với mức giá chùa đưa ra.

Sư oan gia trái chủ: Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Sư Minh luôn luôn rao giảng kiếp trước của mỗi con người đều từng gây vô số oan gia, cho nên tất cả các biến cố, bệnh tật hay điều không mong muốn của kiếp này đều do các trái chủ trả thù. Muốn chữa bệnh hay giải trừ mọi điều bất như ý chỉ có một cách duy nhất là cúng dường tiền bạc của cải cho chùa Ba Vàng, cúng càng nhiều càng đạt được ý nguyện. Nếu chưa đạt thì là do cúng vẫn chưa đủ hoặc chưa thành tâm.

Sư giả danh trí thức: Thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương ở tỉnh Đồng Nai. Lập công ty bán nước tương, gạo lức, muối mè với giá thăng thiên, tuyên bố chữa khỏi hẳn tất cả các bệnh từ viêm gan, ung thư, đến HIV, COVID chỉ với nước tương gạo lức bột sắn dây… do công ty của sư bán ra.

Sư thích tiền chẵn, giảng nhân quả theo kiểu quả táo nhãn lồng: Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Sư giảng:

- Khi còn trẻ mà ham mê du lịch nhiều nơi về già sẽ bị liệt nằm một chỗ.

- Nếu hàng xóm hát karaoke làm mình khó chịu thì dán một cái băng rôn trước cửa nhà họ ghi dòng chữ "Sống hát karaoke, chết làm ma câm".

- Vong ở Tây đang rất khổ. Họ chỉ muốn qua Việt Nam thôi.

- Nằm võng thì tổn phước.

- Phật tử lấy tiền mệnh giá thấp nhét vào tượng Phật thì năm đó sẽ gặp xui. Lấy tiền mệnh giá cao đưa tận tay thầy trụ trì thì năm đó sẽ gặp hên.


Dân mạng quý thương các vị sư ấy quá, bèn ưu ái tặng thêm nhiều pháp danh có thể xài chung cho (cùng một hạng): Thích Tí Khí, Thích Chuyển Khoản, Thích Tiền Chẵn… Riêng sư Thích Trúc Thái Minh thì tôi xin đặt thêm tên nữa: Thích Sám Hối. Bởi, sau khi bị phạt sám hối đại tăng vì dọa dẫm người dân để kiếm tiền giải oan gia trái chủ cách đây mấy năm, sư Minh lại tiếp tục bày ra trò "xá lợi tóc Phật tự chuyển động" lừa cả đám đông dân chúng u mê khóc rưng rức. Báo chí và truyền thông xã hội làm um lên, buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể làm ngơ. Sau vụ đó, sư Minh lại… xin sám hối!

Không hiểu phong thủy ra sao mà vài năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam gặp nhiều ca sư hàng độc như vậy. Cũng chẳng hiểu nhân sự thiếu thốn đến mức nào mà các sư bị kỷ luật xong lại tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ cũ, để rồi lại … sư quen chùa cũ rất chóng vánh!

Phật Thích Ca Mâu Ni không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Vào buổi tối 16/5, đùng phát có công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát ra liên quan đến Thích Minh Tuệ. Chính cái công văn bị dân mạng chê là đầy sân si vì nó nói ông Thích Minh Tuệ không có tên trong nhân sự của bất cứ chùa hay cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho nên ông không phải là tu sĩ. Giáo hội cẩn thận căn dặn các chi nhánh địa phương nhắc nhở người dân để đừng nhầm lẫn ông Thích Minh Tuệ là nhà sư.

Công văn này rất xách mé, gọi tên tục của Thích Minh Tuệ chứ không gọi pháp danh của ông để tỏ rõ thái độ bề trên của kẻ đi tu có thẻ với người chỉ một mực xưng mình là một công dân đang trên đường tu học, một lòng học theo Đức Thích Ca.

Nhưng mà dân không chịu nghe theo cái công văn. Người ta cứ quét đường, rải hoa, đảnh lễ, hỏi pháp, chào đón và đi theo Thích Minh Tuệ.

Và đừng nhìn cái bề ngoài lúc nào cũng tươi cười hay cách nói chuyện hồn nhiên của Thích Minh Tuệ mà lầm. Ông không ăn nói trơn tru bóng bẩy, không lên giọng xuống giọng bổng trầm du dương hay nhấn mạnh vào các trọng tâm như nhiều Thích Chuyển Khoản thực hành rất thuần thục khi giảng pháp. Ông nói nhiều khi ngắt quãng, từ ngữ bình dân đơn giản khiến một đám Thích Tiền Chẵn bám vào đấy cười rú lên miệt thị "thằng ba trợn ôm nồi cơm điện đi lang thang", như Thích Chân Quang lồng lộn lên bôi nhọ.

Thế nhưng hãy nghe ông đáp trả công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào sáng 18/5/2024:

"Con không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và cũng không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam... Con cũng cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó (…).

Con chưa từng nhận mình là sư hay là thầy. Con không có thị giả, cũng không nhận đệ tử. Con chỉ là một người cố gắng thực hành tu học theo Đức Phật. Đức Phật, Phật pháp không của riêng ai cả (mà) là của nhân loại (…) Phật Thích Ca Mâu Ni không phải của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Trời ơi trời ơi, nốc ao chưa? Thật sướng khoái, thật chí lý, đã đời vô cùng! Nổi sóng từ mạng đến đời, rất nhiều người dẫn lại câu nói này của Thích Minh Tuệ.

Đang không tự dưng thổi gió thành bão khiến nó quật ngược lại tối tăm mặt mũi, chiều 17/5, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải (lật đật) quánh chánh. Ý quánh chánh rằng, Giáo hội tôn trọng quyền tự do và thực hành tín ngưỡng của tất cả mọi người, tuy nhiên, "qua sự việc ông Minh Tuệ, nhiều người đã có hành vi xúc phạm, miệt thị đối với một số chư tôn đức tăng ni cũng như đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Thế nên phải mách mẹ để xử lý bọn chúng.

Hên ghê, tới lần quánh chánh này Giáo hội đã chịu công nhận cái tên Minh Tuệ chứ không (dám) tiếp tục xách mé gọi là người đàn ông tên Lê Anh Tú nữa.

Túm lại, cuối cùng ý định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn Phật cũng phải vào… biên chế, đã thất bại toàn tập.

Giá như Giáo hội Phật giáo Việt Nam minh tỉnh nhìn lại sự thật là có (rất không ít) sư trụ trì các chùa, là nhân sự chính thức, là tu sĩ cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng vào rất nhiều giới luật và pháp luật. Sự thật là họ chẳng hề sám hối, sửa chữa bất cứ điều gì mà vẫn tiếp tục sắm vai các bậc chân tu đạo mạo, tiếp tục lừa gạt Phật tử và người dân.

Nói theo ngôn ngữ đang thịnh hành thì họ đã vi phạm quy định về những điều tu sĩ không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của trụ trì các chùa, cơ sở thờ tự, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đạo Phật, và chùa.

Rồi học tập các vị trụ cột trong giới lãnh đạo Việt Nam vừa qua, làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ, nghỉ công tác.

Thế có phải đã tốt đời đẹp đạo, Phật tử tán thán vang lừng không?

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Cuộc Sống Thi Ca




Thầy Thích Minh Tuệ


Bước chân dẫm nắng trên đường
Trăm năm trong cõi vô thường chiếu không
Nguyên sơ là đám bụi hồng
Bỗng đâu gió thổi phiêu bồng viễn du.

Ta về chắp nối đường tu
Thân phơi muôn dặm xa mù bụi bay
Bình bát cơm chay ngàn mây
Đường chiều vui bước tháng ngày đi qua.

Tối nghĩa địa bãi tha ma
Bóng người cô độc mình ta ngủ ngồi
Quanh ta cây cỏ đâm chồi
Tâm hồn xao xuyến bồi hồi xót đau.

Gió lùa ngọn cỏ bông lau
Từ hồng hoang đến ở đâu bây giờ
Ngồi thiền trầm lắng trong mơ
Kiếp sau ta lại bơ vơ chốn nào.

Thân này nhận mấy cơn đau
Chiều nghiêng ngả mũ chào nhau đợi chờ
Trầm luân từ thuở ban sơ
Sau này đừng vội hững hờ bước đi.

Mảnh vải rách tà áo ni
Đầu đà khổ hạnh xá gì xác thân
Khi nào hiện hóa phù vân
Phật quang chuyển thế xoay vần đường tu.

Tế Luân
Viết Tặng Thầy Thích Minh Tuệ













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét