Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Tiễn Đưa Ông Táo Về Trời - Báo Thắng Mõ San Jose



Bước Vào Không Khí Mừng Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024! Sửa Soạn Cho Ngày Mai, 23 Tháng Chạp: Tiễn Đưa Ông Táo Về Trời!


-Tết ông Táo là một trong những nét đẹp truyền thống văn hóa qua hàng ngàn năm của người Việt Nam. Vào 23 tháng Chạp hàng năm ngày Ta, năm nay, ngày Tây là Thứ Sáu, 2 tháng 2/ 2024. Nhiều gia đình Việt từ trong nước, ra đến hải ngoại sẽ bày cỗ tươm tất để cúng tiễn ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.

Ngày Tết ông Công ông Táo diễn ra vào 23 tháng Chạp hàng năm. Vào ngày này, nhiều hoạt động đặc biệt được diễn ra như bày mâm cúng ông Táo, hóa vàng, thả cá chép,...

Theo quan niệm dân gian, ông Táo là người quản lý chuyện bếp núc, đảm nhận nhiệm vụ ghi chép lại những chuyển biến của gia đình, những điều tốt hay xấu của gia chủ, để về chầu báo cáo lại Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ cho cả Năm Mới!

Với ý nghĩa đó, nhiều gia chủ cũng sẽ nhắn gửi những lời chúc ngày ông Công ông Táo đến gia đình họ hàng, bạn bè với mong muốn những cuộc sống ấm no sẽ đến với họ.


Lời Chúc Nhân Ngày ông Táo Về Trời:

-Hôm nay đưa ông Táo về trời, kính chúc Đồng Hương gia đạo êm ấm, thuận hòa và đón chờ một năm mới với nhiều điều thuận lợi, hạnh thông.

-Năm qua hạ giới nhiều xoay chuyển, kinh tế bết bát, chiến tranh nhiều nơi. Hôm nay ông Công ông Táo trên đường về trời, xin cho thế giới an bình, mọi người, năm mới sẽ có nhiều khởi sắc, thịnh vượng toàn gia.

-Ngày ông Táo, còn gọi là Tết ông Công ông Táo, Kính chúc một năm mới sự nghiệp vươn cao, tiền vô ào ào. Mọi nhà đều luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười.

-Hôm nay ngày cúng tiễn ông Táo về Trời, cũng vào ngày Thứ Sáu cuối tuần, kính chúc cho mọi người sẽ có những phút giây thư giãn hạnh phúc bên gia đình và những người mình yêu thương.

-Hôm nay 23 tháng Chạp, không khí Tết Giáp Thìn 2024, đang đến gần, kính chúc đến Quý Vị và Gia Đình sẽ có ngày vui vẻ, thảnh thơi bên cạnh những người thân yêu.



Lời nhắn của Người trần thế, gởi Ông Táo để trình với Trời!

Một: Từ Việt Nam

Hăm ba tháng chạp Táo về trời.

Báo cáo Thiên đình ít việc thôi.

Hối lộ tham ô chưa diệt được!

Cửa quyền hách dịch lại nhân đôi!

Nợ công cũng sắp vượt qua ngưỡng.

Kinh tế xem ra yếu thật rồi!



Hai: Cũng từ VN

Hôm nay Cụ Táo đã về thiên

Cưỡi chép bay nhanh báo cáo liền

Khắp chốn từng người luôn khổ ải

Nhiều nơi lắm kẻ mãi buồn phiền

Nhân dân phải chịu vì cay mắt

Xã hội đành cam bởi khóc tiền

Cúi lạy Trời cao trừ oan nghiệt

Cho đời được sống cảnh bình yên



Ba: Nhờ Táo tấu với Trời gái cần chồng!

Hôm nay ông Táo về trời

Xin cho con gửi mấy lời ước mong

Tết này con muốn có chồng

Ai ngờ ổng bảo... không, không... con à...

Tết này cận quá rồi nha!

Lấy chồng sao kịp, thôi ta không trình!

Chuyện khác thì ta sẽ xin

Còn chồng đó hả... thiệt tình bó tay...

Ông Táo còn nói thế này

Tìm chồng thì hãy lên “phây” mà tìm!

Mà thôi con hãy cố kìm

Nay ta trình trước, không dìm con đâu!

Tết sau, con sẽ làm dâu

Nhưng mà nhớ đãi một chầu cho ta!



Bốn: Xin Ông Táo nhớ báo cáo, đời sống người dân dưới XHCN

Hôm nay Táo sẽ về trời

Để mau tấu đối chuyện người Trần gian

Cuộc đời vất vả gian nan

Năm nay mưa gió lạnh đan rét lòng

Táo buồn cưỡi cá đi Đông

Thương cho miền núi đắng lòng người dân

Rất nhiều em nhỏ cực thân

Trời thì rét buốt mà chân không hài

Táo tấu những chuyện hàng ngày

Quan tham nhiều quá dãi bày làm sao

Cả năm những ước cùng ao

Chờ ngày lên tấu với bao nhiêu điều

Rồi đây Táo phải bám diều

Mọi đường ô nhiễm Chép nhiều đắng cay

Bây giờ biết nói sao đây

Mà lòng buồn quá! Táo hài tấu vui!


Hình ảnh Việt Nam: 
Nhộn nhịp chợ cá trước ngày tiễn ông Táo về trời

-Cứ vào dịp trước và trong ngày tiễn ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch), chợ cá Yên Sở - chợ đầu mối ở Hà Nội - lại nhộn nhịp cảnh mua bán tấp nập những “ông cá chép” để đưa ông Táo về trời.



(Ảnh: Vào dịp trước và trong ngày tiễn ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch), tiểu thương và người tìm mua buôn cá chép cúng ông Công, ông Táo nhộn nhịp khắp chợ đầu mối Yên Sở.)



(Ảnh: Cá năm nay từ các tỉnh Phú Thọ, Nam Định và Hải Dương được đưa về chợ Yên Sở.)



(Ảnh: Ngoài cá chép đỏ và cá chép vàng, năm nay các tiểu thương ở chợ Yên Sở còn cung cấp ra thị trường một số loại cá có màu sắc rất bắt mắt (cá Tam Dương).

(Ảnh: Trung bình 1kg cá chép loại nhỏ được khoảng 15 - 20 con, loại to từ 8 - 15 con).

(Ảnh: Giá cá chép năm nay dao động từ 60.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg tuỳ kích thước, rẻ hơn rất nhiều so với năm ngoái khoảng 280.000 đồng/kg.)

(Ảnh: Các tiểu thương đến mua cá lựa chọn những con khoẻ mạnh, đồng đều nhất về kích cỡ để chuyển đi bán lẻ lại các chợ dân sinh.)



(Ảnh: Tiểu thương lựa chọn những chú cá khỏe, đồng đều.)

(Ảnh: Những tiểu thương vui mừng vì năm nay bán được nhiều cá chép.)


(Ảnh: Từ lâu việc chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép vàng còn sống thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác đã trở thành tín ngưỡng, niềm tin của người Việt.)


Không phải chỉ có Việt Nam, 
Cúng Ông Công Ông Táo được thực hiện ở nhiều nước Á Châu!

(DIỆU HUYỀN)

-Không chỉ Việt Nam, một số quốc gia Châu Á khác cũng có tục lệ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.


(Ảnh: Cúng ông Công ông Táo được thực hiện thế nào ở các nước Châu Á?)

-Đã từ rất lâu, tục cúng ông Công ông Táo đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các gia đình sẽ sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn, đồng thời phóng sinh cá chép vàng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng nghi lễ cúng ông Công ông Táo không chỉ tồn tại ở Việt Nam. Tại một số quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, người dân cũng đã duy trì truyền thống này. Song, ở mỗi quốc gia, nghi lễ này sẽ có một số điểm khác biệt đặc trưng.

*Việt Nam

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo. Nhưng qua nhiều thời kỳ, Táo Quân được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà", vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Trong quan niệm của người dân Việt Nam, ông Táo là vị thần bảo vệ và mang lại may mắn cho gia đình. Vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, ông Táo sẽ về trời để báo cáo mọi điều tốt xấu với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, ông Táo mới quay trở về trần gian, tiếp tục bảo vệ chuyện bếp lửa của gia đình.


Để được ông Táo phù trợ, người dân Việt thường soạn mâm cỗ chỉn chu để tiễn ông Táo về trời.

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, các gia đình sẽ sắm sửa mâm cúng thịnh soạn để tiễn ông Táo về trời. Một mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo thường có: Ba mũ ông Công ông Táo hai mũ ông Táo có cánh rồng, một mũ bà Táo không chuồn chuồn, 1 tập giấy tiền, vàng mã, 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối.

Ngoài ra mâm cúng còn có hoa quả, trầu cau, ấm trà sen, 3 chén rượu, một vài món mặn như thịt luộc (gà luộc), đĩa xôi gấc, canh, đồ xào, giò... Một số gia đình còn cúng cả cá chép sống, sau đó đem đi phóng sinh.

*Trung Quốc

Nghi lễ cúng ông Táo tại Trung Quốc khá giống với Việt Nam. Tại đất nước hơn một tỉ dân, họ gọi đây là Táo Vương, là người trông coi bếp lửa và bảo vệ gia đình.

Theo quan niệm, Táo Vương của người Hoa chỉ có 1 ông, 1 bà. Họ thường lập bàn thờ trong bếp với tranh hoặc tượng ông Táo, bà Táo



Mâm cúng Táo Vương điển hình tại Trung Quốc.

Mâm cơm cúng ông Táo của người Trung Quốc thường có nắm gạo nếp, bánh đường, bánh rán chiên giòn và súp đậu. Họ quan niệm rằng nếu dâng những món ngọt trong ngày tiễn Táo Vương về trời thì ông Công, ông Táo khi lên chầu Ngọc Hoàng sẽ chỉ nói những lời ngọt ngào về gia chủ trong một năm qua.

Khác với Việt Nam, ở Trung Quốc thay vì cúng cá chép, họ thường cúng nước và một ít cỏ khô cho ngựa đưa Táo lên trời.

Ngày nay, các gia đình ở miền Bắc Trung Quốc thường tổ chức lễ ông Táo vào đúng hôm 23 tháng Chạp và người miền Nam Trung Quốc thì làm vào ngày 24.

*Hàn Quốc

Người dân ở xứ sở kim chi cũng ăn Tết âm lịch và có ngày lễ cúng ông Công ông Táo. Song không giống người Hoa hay người Việt, người Hàn cúng ông Táo vào ngày 29 tháng 12 âm lịch hàng năm. Họ gọi vị thần bếp của mình là Jowangshin


Những vật phẩm cúng Jowangshin gần như đều có trong những mâm cúng thông thường.

Theo truyền thuyết, Jowangshin là phụ nữ. Bà là nữ thần mang dáng hình của nước, giúp các gia đình rửa trôi mọi sự đen đủi để đón chào những may mắn, an lành trong năm mới.

Chính vì vậy, Táo quân tại Hàn Quốc tồn tại trong một chén nước nhỏ mà các gia đình đặt dưới bếp. Cứ vào ngày mồng 1 và rằm hàng tháng, chén nước này sẽ được người phụ nữ trong gia đình thay mới thường xuyên.

Vào ngày 29 tháng Chạp hàng năm, người Hàn cũng sắm sửa một bữa cơm cúng bao gồm hoa quả và các loại bánh gạo, đồ chiên để tỏ lòng tôn kính đến thần Jowangshin.

*Nhật Bản

Trong văn hóa Nhật Bản, Daikokuten là vị thần cai quản việc nhà, bếp núc và vận may của gia chủ. Ông là một trong 7 vị thần may mắn mà người dân xứ sở hoa anh đào tôn thờ.

Hình ảnh thần Daikokuten điển hình tại Nhật Bản.

Vị thần Daikokuten có khuôn mặt to, nụ cười rạng rỡ, tượng thờ Daikokuten thường được sơn màu nâu sẫm.

Daikokuten thường mang một chiếc vồ vàng. Người dân tin rằng đây là chiếc vồ may mắn mang lại tiền bạc.

Theo dân gian, vị thần thường được miêu tả đang ngồi vo gạo, xung quanh là chuột. Hình ảnh này để miêu tả về sự giàu có, sung túc của chủ nhà. Chủ nhà có nhiều thức ăn, chuột biết nên kéo đến "xin ăn".

Singapore

Giống người Việt, người Singapore cũng tổ chức lễ cúng bài thần bếp vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Họ có tục đốt tượng ông Táo để tiễn ông Táo về trời.

Về cơ bản, mâm cúng tiễn ông Táo của người Singapore khá giống với người Việt nhưng họ thường phết thêm mật ong, đường hoặc rượu ngọt lên môi tượng ông Táo với cùng một ý nghĩa mong muốn ông Táo sẽ phù trợ cho gia đình.


Việt Nam: Ăn tiết canh mừng Tất Niên, người đàn ông khỏe mạnh sốc nhiễm vi khuẩn, tử vong! mất Tết!
(Minh Sơn)


-Một ngày sau khi mổ lợn, làm tiết canh liên hoan tất niên, người đàn ông 50 tuổi tại Giao Thủy (Nam Định) đau mỏi khắp người, sốt cao rét run, nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch.

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Ăn tiết canh, nguy cơ tử vong rất lớn do nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngày 25/1 đưa thông tin cảnh báo nguy cơ tử vong từ việc ăn tiết canh giải đen trong liên hoan cuối năm.

Bệnh nhân nam, T.V.H (SN 1974, quê huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có tiền sử khỏe mạnh. Ba ngày trước khi vào viện, ông H. mổ lợn, làm tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè.

Sang hôm sau, ông H. thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy. Do tình trạng quá nặng, bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, các bác sĩ chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis), được chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy, và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Thời gian từ khi bệnh nhân đến bệnh viện huyện và chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa đầy 5 giờ. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh trong tình trạng thở oxy FiO2 100%, đồng tử 2 bên giãn 4mm, mạch bẹn không bắt được, huyết áp không đo được, toàn thân nổi vân tím, ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, tay và chân. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim có đập trở lại.

Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện, xác nhận tử vong trong ngày 23/1.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Phương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân H. tử vong do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng – toan chuyển hóa – rối loạn đông máu nặng.

Bác sĩ Phương cho biết liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người.

Do các thói quen ăn máu sống (tiết canh), nội tạng lợn sống hoặc chưa nấu chín… khá thường gặp ở Châu Á, đặc biệt Việt Nam, Thái Lan…, gây nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Ngoài ra, người chăn nuôi lợn, bác sĩ thú y, công nhân chế biến và vận chuyển thịt, người bán thịt và đầu bếp có thể bị nhiễm liên cầu lợn khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn mang mầm bệnh khi có có vết thương ở da.

Khi người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau như: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn với suy đa cơ quan, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Các khớp thường gặp: hông, khuỷu tay, cổ tay, xương cùng chậu, cột sống và ngón tay cái.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, Nếu được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Mất thính lực vĩnh viễn (điếc) và rối loạn tiền đình là những di chứng thường được ghi nhận của những bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn.

Hiện tại, chưa có vắc-xin phòng bệnh liên cầu lợn ở người. Vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo an toàn lao động trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, ăn các sản phẩm của lợn được chế biến chín, không ăn tiết canh, lợn ốm, chết…

Bác sĩ Phương khuyến đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ở một số vùng nông thôn vẫn duy trì phong trào “đụng lợn”, chia nhau thịt mang về. Còn cuống họng, phổi lợn, lòng lợn được băm chặt, đặt trên bát máu đông làm tiết canh. Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Người dân không nên ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống dưới mọi hình thức cho dù là lợn khỏe nhà nuôi.


Đời Sống: Tết Miệt Vườn!

(Dạ Ngân)


-Không khí bắt đầu từ những gốc mai ấy đấy. Khoảng giữa tháng Chạp là người ta dứt lá cho mai và sau đó, cành nhánh trơ trụi của nó có cái gì trọng đại sắp bắt đầu.

Một gốc mai ở giữa sân, đó là nhu cầu, thói quen và cũng là biểu hiện của văn hoá và may mắn. Ngày thường, mai chỉ là loại cây xanh uốn nắn được, nhưng ngày tết, ánh vàng và sức nở tưng bừng của nó mới thật bất ngờ. Những nhà có cụ ông nhìn vào rất dễ biết, vì gốc mai của họ được chăm sóc công phu, trông chúng y như một ông chủ điệu nghệ: tỉa gọt đấy nhưng vẫn xù xì một cách phong sương và khí phách.

Nước trong sông rạch đầy dần sau mỗi con triều. Đã qua mùa lụt, phù sa đã nằm sâu ở vị trí mà thiên nhiên đền bù cho con người, nước trong vắt leo lẻo gọi là mùa nước bạc. Thế rồi, cùng với thứ gió se se ngọn dừa, với màu nắng tươi như mật loãng, với tiếng trống lân sập sận chuẩn bị, Tết đã áp sát một bên.

Thật ra, Tết đã đến rục rịch đến từ sau mùa gặt, khi lúa hạt đã vào bồ nhường sân cho những chiếu bánh phồng san sát. Tuần bánh nhộn lên trước lúc đưa ông táo về trời và kéo dài cho tới ngày giáp cuối. Nếp hạt hoặc khoai mì (sắn) sẵn trong nhà, xôi chín lên trong nước cốt dừa rồi đưa vào cối, những chiếc cối của thời gạo giã được giữ lại chuyên cho bánh phồng. Cả xóm thức liên miên cùng với nhịp chày và tiếng giỡn hớt thả cửa của cánh chị em đi cán bánh vần vông. Đấy là dịp duy nhất họ quây quần bên nhau náo nức với cái gì đó rất chung nhưng hoàn toàn không giống với việc cấy gặt ngoài đồng. Cánh đàn ông cũng bị dựng dậy thay phiên cầm chày, trong lúc chờ đến lượt, họ lặng lẽ hút thuốc, thỉnh thoảng độp vào câu chuyện ngồi lê của cánh đàn bà bằng những câu đùa độc địa khiến con nít cũng bị lôi cuốn ra khỏi mùng. Thế là chúng biến thành cánh chạy bánh đắc lực từ người cán tới người phơi bánh. Không có loại việc nào lôi kéo được tất cả mọi người như việc làm bánh phồng.

Đã nhìn thấy vết thâm quầng đáng yêu trên mi mắt các bà các cô. Nhưng nào họ đã thôi trò thi đua bánh mứt. Nếu các đức ông coi việc chăm sóc cửa nhà, mai kiểng, lân pháo là nghĩa vụ đối với Tết thì cánh đàn bà ra sức làm sống lại nghề bánh khéo đã từng mai một bởi chiến tranh. Bánh kẹp cuốn ống ngậy hương vị nước cốt dừa nầy, bánh gatô cải biên đúc bằng khuôn mỏng hình trái tim nầy, bánh thuần nướng trong nồi cát này, bánh bưa kem đường nàỵ.. để đề tài bánh trái sẽ đậm đà hương vị thăm hỏi nhau của cánh chị em trong ba ngày Tết, để tếng khéo đồn xa”, để được “tết thì tết cả xóm”.

Còn có một loại bánh dân tộc không thể thiếu với người miệt vườn. ấy là bánh tét cải tiến từ bánh chưng thời Nguyễn Huệ thần tốc trên lưng ngựa. Đòn bánh tét là lễ với tổ tiên, là chữ hiếu với cha mẹ, là nghĩa thày trò, là miếng điểm tâm sáng ngày mồng một, là quà quê cho con cháu ở xạ Gói bánh tét không dễ vì không phải ai cũng đặt đúng cái nhân đậu mỡ ở giữa và phải niềng sao cho hai đầu cân nhau và các nuộc lạt bóng lên tăm tắp. Qua đòn bánh, người phụ nữ nhà đó được xem xét, không chỉ việc khéo vụng mà còn xem có nền nã, chặt chẽ hay không bao giờ ra bánh, người ta cũng treo thành sào cạnh bồ lúa trông thật ấm áp. Có nhà còn gói thật nhiều bánh, ngâm chúng trong nước sạch để ra giêng ăn dần.

Vẫn còn thiếu nghiêm trọng nếu như Tết ở miệt vườn chưa có mét dừa, thứ vật liệu cây nhà lá trời mênh mông. Dừa được chọn kỹ như thể chọn dâu: dừa cứng, mứt có mùi dầu, khô và vô duyên, dừa ướt, mứt ỉu, ăn thấy chán. Những nhà có thẩm mỹ tinh tế thường chỉ pha vào mứt hai màu, hồng phấn và trắng tinh, trông chúng gợi cảm như thiếu nữ. Chưa đủ, chỉ mỗi thứ mứt dừa thì hộp mứt tết sẽ nghèo nàn lắm, vì vậy họ còn thi nhau làm mứt bí, mứt me, mứt cà, mứt gừng, mứt khế, và cả những thứ tưởng không thể nào thành mứt được như trái khổ qua (mướp đắng) chẳng hạn. Cầm chúng lên, dù thực khách là gã đàn ông kiêu ngạo, bất cần hay chai sạn cũng phải mềm lòng trước sự kỳ diệu của đôi tay, khối óc và tâm hồn người đàn bà.

Thời gian đã chạy bứt lên khiến con người lao muốn đứt hơi theo nó. Người ra chợ, quả cây ngũ sắc đầy ắp ghe thuyền, tiếng máy đuôi tôm dào dạt bờ sông. Người ở nhà gấp rút đưa tất cả những thứ cần giặt giũ ra sông, tiếng đập chiếu trên mặt nước âm âm nghe thật thúc hồi. Có tiếng réo nhau vào hội, cứ mươi nhà thì hùn nhau vật một con heo sẵn trong chuồng của nhà ai đó, ai không tiền mặt cứ việc đưa thịt về ăn tết đã, ra năm tìm cách tính sau. Trẻ con bưng bê gì mà xuôi ngược hấp hởi vậy? Thì ra, nhân ngày áp chót, người ta tranh thủ đưa biếu nhau những thứ quả chỉ có ở vườn mình để sau ngày ba mươi thì không ai động đến cây và trái nữa, chính là để chúng được yên lành hưởng chọn lộc xuân như con người .

Bữa cơm chiều ba mươi thật hệ trọng với từng nhà như khắp mọi nơi trong đất nước. Chỉ khác là tổ tiên luôn được ở trong vườn nhà, vì vậy, trước khi rước ông bà vào mâm cỗ thì nấm mộ phải sạch cỏ, phải khang trang. Bận rộn đến mấy, nghĩa cử này thường không được chậm trễ và, khi nén nhang cong trên bàn thờ, con cháu mừng hơn được vàng vì thế là ông bà đang về đấy, đang phù hộ cho con cháu đấy, nhất định năm mới sẽ may nhiều dữ ít. Như con người vừa được an ủi.

Công việc của cánh đàn bà nào đã xong. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét bên góc sân, còn phải quét sân trước sân sau để ra ngoài mồng thì đố dám động chổi. Còn phải tắm táp cho lũ nhỏ để chúng được ngủ trong mùi vải mới. Trong ý tưởng trẻ thơ, tối giao thừa được mặc quần áo mới thì năm sau sẽ mau lớn.

Cuối cùng việc nhà cũng phải chấm hết. Trong mệt mỏi ngọt ngào, các bà các cô mang đèn dầu xuống bờ sông, giấu chúng vào bụi cây để hé ra ánh sáng mập mờ, ấy là bữa tắm chậm rãi nhất, long trọng nhất của họ trong vòng mấy trăm ngàỵ Họ ngụp sâu trong nước mát, nhẩn nha giữa quá khứ và tương lai, bởi tâm tư họ đang bước đến giao thừa. Họ bước lên, quần áo tóc tai cẩn trọng trong căn nhà bỗng như mới bừng lên, trên chiếc gối còn thơm mùi xà bông mùi nắng, bên cơ thể thơm tho của lũ trẻ, họ thả lưng thư giãn một cách trang nghiêm. Có biết bao điều ập đến, biết bao nỗi buồn được tiễn đưa và cũng biết bao mơ ước được gọi dậy, ấy là lúc họ tẩy trần đầu óc và tâm hồn vốn bình dị của họ.

Rồi bước chân tới gian như vừa khởi động và đang tràn sầm sập qua xóm vắng. Người già dậy trước bật hết đèn lên, chốc sau đã nghe mùi bánh phòng toả ra từ bếp lửạ Giao thừa bao giờ cũng phải có phồng trên bàn thờ. Không khí bắt đầu ngầy ngà khắp xóm trẻ con bật dậy sà ngay vào trò chơi pháo chuột, như chùng chưa hề chợp mắt, còn các cụ bà thì lần ra sân bái lạy đủ bốn phương tám hướng. Đêm đen sóng sánh, cây trong vườn trầm mặc và con sông như bát ngát rạ Có cái gì đang dừng lại trong mỗi con người, bịn rịn ngậm ngùi, rưng rưng. Buổi giao thừa ở quê thường không có mấy truyền hình, người nhà ai nấy tụm vào quanh ông bà mình nghe chuyện xửa chuyện xưa chờ cho nhang tàn để đưa lộc từ trên ban thờ xuống bắt đầu nhấm nháp. Bấy giờ người ta mới thấm mệt như có cái gì đó ghê gớm xuyên qua, xâu chuỗi người ta lại và cũng đặt người ta vào vòng quay chóng mặt nhưng vô cùng thú vị.

Sáng mồng một nhà nào cũng dậy muộn, trừ một vài người lớn phải cúng kiến cho ông bà. Trẻ con lăng xăng với bộ quần áo đẹp nhất, nhẩm trong đầu những câu chúc thọ người lớn sao cho được khen và được cả tiền lì xì. Xống áo thanh niên bắt đầu chộn rộn đường quê, cũng chừng ấy mẫu mã thời trang thị thành, chỉ khác là màu nổi hơn để chứng tỏ với chung quanh sự hiện diện của mình. Người đứng tuổi ra đường vào buổi xế, bấy giờ rượu mới là thứ được việc để người ta nhìn nhau thoải mái sau bao nhiêu va chạm ngày thường, để những câu chúc nhau cháy đượm.

Mồng hai Tết mới thực sự là ngày của hỉ xả. Thường người ta góp nhau sắm lân sắm trống từ rất sớm, mỗi xã một đội.

Người thủ vai lân phải khỏe, phải có bước nhảy mang tinh thần thượng võ, còn ông địa thường là cậu bé con sôi nổi, cũng có khi là một bà goá có tính chọc trời khuấy nước. Cả xóm được một ngày vui, một ngày cười, cả lân, cả địa thường được thưởng rượu để bước chân tròng trành hơn.

Ngày mồng ba đánh thức mọi người dậy sớm như nhau. Sau khi cúng tất niên bằng chú gà giò, người ta săm soi bộ chân nó để xem thời vận và treo nó ở hàng hiên để khoe với hàng xóm. Cũng là ngày bọn trẻ đổ ra đường khệ nệ mang lời chúc của gia đình và bánh trái đến mừng tuổi thầy cộ Phong tục cổ truyền ấy đã làm cho ngày cuối cùng của dịp tết bừng lên một lần nữa, thiêng liêng rộn rịp không kém gì ngày ba mươi vừa qua.

Hết Tết, xóm ấp rã rượi một cách ngọt ngào như cô dâu sau tuần trăng mật. Đó là sự kỳ diệu mà tổ tiên và thiên nhiên cùng bạn tặng để mỗi năm một lần con người trở lại với giá trị hằng của mình: thanh sạch, vị tha, giao hoà và mơ ước.

Văn Nghệ: Nàng Xuân Chẳng Của Riêng Ai!

(Như Y Crystal H. Vo)


Giới thiệu tác giả: Tháng Năm 2018, Việt Báo có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H.Vo tức Võ Như Ý. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt với người Việt, cô tự hứa, phải tập viết bài bằng tiếng Việt. Và sau đây là một bài văn của cô:

***

-Dạo trước mỗi lần nàng Xuân đến, đôi tay tôi khép kín lại như thầm bảo: "Đi cho khuất mắt!" Dù muốn dù không nàng vẫn điềm nhiên bước đến để rồi ra đi trong lặng lẽ. Hằng năm tôi gặp nàng Xuân tôi chỉ biết buồn rầu vì thương nhớ nàng Xuân xưa ở tận nửa vòng trái đất. Cho tới năm Quý Mùi, 2003 tôi đã quyết định thay đổi. Tôi đã không còn buồn rầu thương nhớ nàng Xuân xưa nữa mà hai tay đã mở rộng hân hoan tiếp đón nàng Xuân mới.

Có lẽ tình cảm của tôi đối với nàng Xuân xưa như một chuyện tình dang dở, thời gian dài rồi cũng phải phai nhòa để vui sống với những gì đang có trong tầm taỵ

Kể từ ngày đặt chân đến xứ người, 1986, tôi chưa hề cảm thấy nôn nao chào đón Xuân. Nhiều đêm ba mươi tết, tôi đã quá buồn nhớ đến gia đình mà lòng đau như cắt! Tôi chẳng màng thức khuya để đón giao thừa, vì đối với tôi có tết đâu mà đón! Tết đến nghĩ chỉ thêm buồn vì nó cũng chẳng khác gì mọi ngày....vẫn đi học, đi làm. Nhưng ý nghĩ đó giờ đây đã khác hẳn vì sau khi tôi tham gia vào chương trình thi Hoa Hậu Hội Chợ Tết LA 2003 tại Rosemead, California.

Thật mỉa mai thay vì có người đã gán cho tôi bốn chữ "Hoa Hậu Can Đảm." Chắc có lẽ họ đã nói đúng vì tôi không có một dung nhan xinh đẹp mà dám ghi danh đi thi hoa hậu, nhưng họ đã lầm về môn thi này, bởi vì ngoài nét đẹp bên ngoài, ban giám khảo còn chấm điểm về cách cư xử nữa. Vả lại ngày Tết Nguyên Đán là ngày cổ truyền của dân tộc ta. Hội chợ Tết Los Angeles cũng như nhiều hội chợ khác ở khắp nơi trên thế giới tổ chức cuộc thi này, trước là các vị thí sinh có cơ hội để khoe nét đẹp đông phương đến người bản xứ và sau là dịp để cho các thí sinh khuyến khích các bạn nữ khác tham gia vào cuộc thi để gìn giữ và bảo tồn văn hoá Việt Nam. Vì ngày nào chúng ta còn bảo trì văn hóa của mình là ngày đó chúng ta vẫn còn gìn giữ nguồn gốc mà không bị người bản xứ đồng hoá.

Lần đó đi thi đa số các cô trang sức rất lộng lẫy. Còn tôi chỉ trang điểm sơ sài. Cuộc chấm điểm lần đầu là áo dài, áo dạ hội và cách trả lời câu hỏi. Tôi mặc chiếc áo dài màu mạch đô có hoa in từ trên cổ xuống tà áo. Đến màng thi áo dạ hội tôi mặc chiếc áo đầm máu tím lợt hoa cà. Câu hỏi đầu tiên của ban giám khảo cho tôi là: "Xin cô cho biết ý nghĩa của câu nói 'Cái nết đánh chết cái đẹp?'" Lúc đó tôi cảm thấy hơi run nhưng có thể trả lời hết những gì mình muốn nói. Tôi trả lời rằng: "Trước khi trả lời câu hỏi của ban giám khảo, Như Ý xin kính chào quí ban giám khảo và quí khán thính giả. Câu nói, 'Cái nết đánh chết cái đẹp' nói đến một người phụ nữ cho dù có một nhan sắc đẹp kiêu sa, mỹ miều cách mấy mà nết na không được tốt, tính tình ganh tị, hay bủn xỉn thì mọi người thân hoặc bạn bè của cô sẽ xa lánh cô vì họ cho cô là một người phụ nữ không tốt."

Sau lần trả lời xong, chúng tôi tình nguyện lên giúp vui với tài năng khác nhau. Có cô kể chuyện vui với giọng Huế thật duyên dáng. Có cô cất lên tiếng hát thanh như chim hót. Còn tôi giúp vui bằng cách đọc bài thơ "Chúc Xuân." Trước khi đọc tôi có nói sơ về mình rằng: "Như Ỳ sang hoa Kỳ từ khi mới tròn 16 tuổi. Gần đây Như Ý rất ham mê học văn chương Việt Nam với nguyện vọng sẽ trở thành một nhà văn trong tương lai." Trong lúc đọc bài thơ tôi rất bình tỉnh và như vậy tôi có thể diễn đạt tâm tư của mình đến khán giả.

Phần đầu cuộc thi có kết quả. Từng cô, từng cô một được gọi tên vào vòng chung kết. Tên tôi thế là bị lọt sổ. Xuống sân khấu tôi thay lại chiếc quần jean, áo sơ mi xanh và đôi giày tennis. Khi tôi chuẩn bị ra về thì ban tổ chức gọi tôi lại. Họ gọi thí sinh số bốn lên nhận giải Á Hậu Duyên Dáng. Tôi ngần ngại bước lên sân khấu trong bộ đồ bình dân. Lên đó, một cô trong ban tổ chức đã nói với khán giả cũng như ban giám khảo là tôi đã tham dự qua. Cô nói cô công nhận tôi cũng có sắc đẹp như ai nhưng có lẽ vì số hên tôi chưa đến nên không như ý. Nghe cô nói, tôi rất cảm động và ôm cô thay cho lời cảm ơn.

Kể từ năm Quý Mùi 2003 tôi đã thay đổi rất nhiều bằng cách tham dự nhiều tiệc tất niên cũng như tân niên ở trong sở làm và những nơi có cộng đồng người Việt. Có năm tôi tham dự từ ba đến bốn buổi tiệc mừng Xuân.

Những năm đầu làm trong sở xã hội, tôi đứng ra tổ chức tết Nguyên Đán. Tôi giới thiệu cho những người bản xứ biết về những chiếc áo dài, khăn đóng, chiếc áo bà ba và quần đen. Tôi yêu lắm khi mặc bộ đồ này vì nó gợi lại hình ảnh bà mẹ hiền của tôi và cũng như những hình ảnh của các bà mẹ hiền lành chất phát trong các vùng thôn dả. Ngoài giới thiệu trang phục ra, tôi còn giới thiệu cho họ biết về bánh tét, bánh chưng, mứt, kẹo và bao lì xì đỏ. Trước khi đến nhà hàng, tôi dán nhiều bao lì xì trên cây hoa mai. Sau đó tôi nói họ trước khi rời nhà hàng, hái lộc để được may mắn trọn năm. Nhiều năm tôi đứng ra tổ chức như thế trong sở làm, nhưng rồi vì lý do bận rộn nào đó tôi ngưng tổ chức lớn. Những người bạn đồng nghiệp thân với tôi, họ nói họ rất quí bao lì xi` của tôi cho và nghĩ nó mang nhiều may mắn cho họ. Thế nên tôi vẫn tiếp tục lì xì cho họ hằng năm cho đến bây giờ.

Mấy năm gần đây tôi có một truyền thống mới ở tại gia vào ngày tết Nguyên Đán đó là tổ chức ăn uống, chúc tết và phát bao lì xì. Tôi giới thiệu cho phu quân người bản xứ của tôi cũng như gia đình của ảnh biết về phong tục tập quán của người Việt. Họ rất thích.

Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi sắp đến, tôi sẽ mời gia đình anh ba của tôi cũng như nhiều người bên chồng đến nhà chung vui đón Xuân.

Hạnh phúc của tôi rất bình thường và đơn sơ. Tôi không tha thiết ở nhà lầu, chạy xe mới hay trở thành triệu phú. Tôi chỉ mong sao có sức khỏe để lo cho gia đình. Nhìn con cháu vui vầy trong căn nhà vào những dịp lễ lớn đó là niềm hạnh phúc vô giá đối với tôi.

Từ nàng Xuân Quý Mùi 2003 cho đến nàng Xuân Mậu Tuất 2018 đã như ánh sáng ban mai đem lại những niềm vui mới chan hoà tràn ngập lòng tôi. Các nàng đã cho tôi một lần nữa nhìn lại màu sắc đẹp rực rỡ của mai cúc vàng óng ả. Các nàng đã thì thầm bảo tôi hãy lắng nghe tiếng pháo nổ dòn vang dội khắp bốn phương, và đã cho tôi nếm lại bánh tét dẻo thơm với cải dưa mặn mà.

Nàng Xuân chẳng phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Nàng Xuân sẽ đến, sẽ ôm chầm lấy ta, sẽ ca hát huyên thuyên và sẽ sưởi ấm lòng ta nếu ta vui vẻ, dang tay đón nhận nàng.


Việt Nam: Giáp Thìn 2024, Sẽ Là Tết Nghèo của 
Người Lao Động!

(Diễm Thi)

*

(Hình: Một công nhân lau chùi đầu rồng bằng gỗ tại tỉnh Bắc Ninh.)

-Đối với mọi người Việt, theo truyền thống tự bao đời, Tết đến, dù nghèo khó mấy cũng phải cố gắng dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ với ít bông hoa; cũng mua sắm thức ăn, bánh mứt cho ba ngày Xuân….

Thế nhưng năm nay, dù chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán nhưng sức mua yếu, dù hàng hóa được bày bán không thiếu, cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.

Theo truyền thông nhà nước, sức mua Tết năm nay giảm là do người dân cắt giảm chi tiêu; do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao.

Chị Tha ở Trà Vinh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) chuyện mua sắm Tết năm nay của gia đình chị:

"Nói thiệt tình với em là Tết năm nay nhà chị chưa mua sắm gì hết. Bữa nay ông xã chị bán vé số bị người ta thiếu lại 200 ngàn (đồng) nữa. Thiếu hụt quá trời. Không có dư dả gì hết. Bữa nào hết bữa đó thôi. Bán một ngày 168 tờ vé số lời được 168 ngàn đồng. Bên phường họ cho phiếu đi lãnh quà Tết trị giá 200 ngàn đồng. Họ cho 4 trứng vịt; 3 trái khổ qua; 5 ký gạo; 10 gói mì tôm; nửa ký đường; 2 bịch muối; 3 đôi dép. Ăn Tết vậy đó".

Cô Tuyết quê Tây Ninh lên Sài Gòn làm công nhân thì cho hay:

"Chưa mua sắm Tết gì hết. Năm nay khó khăn quá không chuẩn bị gì hết. Tiền không có nhưng cũng phải mua ít bánh mứt ngoài chợ về để có khách tới thì lấy ra mời khách thôi. Anh em trong nhà hùn vô người một miếng thôi chứ không sắm sửa đầy đủ trong nhà ăn Tết đâu.

Chỉ những người giàu, có của ăn của để mới sắm sửa đầy đủ trong nhà thôi. Nhiều người còn bị mất việc về quê hết luôn. Năm nay ai cũng khó khăn chứ không chỉ gia đình em đâu. Nhiều người nói năm nay không ăn Tết luôn. Xóm em chẳng thấy ai chưng bày gì hết vì tình hình chung là nghèo. Không ai mua bán gì được. Ngoài tháng lương 13, năm nay không có thưởng, bổng gì hết".

Một số người dân chia sẻ với RFA rằng, chuyện mua hoa trang trí nhà cửa là chuyện xa xỉ, thôi thì chờ đến chiều tối 30 ra "lượm" vài chậu về cho có không khí Tết.

Anh Thiệu ở Sài Gòn nói với RFA rằng, đến hôm nay, nhà anh chưa sắm gì cho Tết:

"Tình hình Tết năm nay thì buồn nhiều hơn vui rồi đó. Tôi có người bạn thân trồng mai ở làng mai Thủ Đức để bán. Năm nay chỉ dám thuê xe chở 1/10 số mai đi bán so với mọi năm vì biết sức mua rất kém. Những ngành khác cũng đìu hiu lắm. Các mặt hàng đều ế, tình hình kinh tế khó khăn chung. Tôi cũng bình thường như mọi ngày, không sắm sửa Tết gì hết. Tình hình chung ảm đạm lắm. Mà tôi nghĩ, nếu theo cái đà này thì năm 2024 này còn ảm đạm hơn nữa".


(Hình:Buôn bán hoa Tết.)

Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, trong tháng 1 năm 2024, số doanh nghiệp khó khăn, rời bỏ khỏi thị trường là 54.000 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 8.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 2.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Cũng theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố cuối tháng 12 năm 2023, trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân, một tháng có gần 14.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Đảng bộ Tp. HCM chiều 2 tháng 12 năm 2023, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Tp. HCM Lê Văn Thinh đưa ra con số người lao động nghỉ việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 11 tháng năm 2023 ở Tp. HCM là 156.300 người, thuộc 3.671 doanh nghiệp.

Con số cả trăm ngàn doanh nghiệp ngưng hoạt động chỉ trong 2 năm qua kéo theo con số công nhân mất việc không nhỏ, ảnh hưởng chung đến tình hình mua sắm, kinh doanh trong nước.

Cậu Ba, chủ 2 nhà hàng ở Sài Gòn và có nhà cho công nhân trọ, chia sẻ nhận định của mình với RFA sáng 30 tháng 1 về tình hình mua sắm Tết ở Sài Gòn:

"So với năm 2023 thì không bằng. Năm 2023 là vẫn còn bình thường. Tháng 3, tháng 5 năm 2023 khách tiệm em còn đông, sau đó giảm dần. Bây giờ ế "banh càng" luôn. Ai cũng than hết. Từ những người bán những món ăn bình dân như cơm tấm, bún gạo. Quán cơm tấm đông nổi tiếng hồi trước 8 giờ tối là hết, bây giờ phải 10 giờ tối mới hết; bún gạo xào cũng than ế. Quán em giờ đang có 3 bàn khách. Như vậy là đông, nhưng chỉ bằng 1/10 so với hồi trước. Hồi trước thời điểm này là khách đầy 30 bàn, có khi hơn. Bây giờ là ế. Có nghĩa là tình hình tệ lắm.

Công nhân trả nhà hàng loạt, vì họ không biết sau Tết quay lại có việc làm hay không. Còn 10 ngày nữa Tết nhưng không có không khí Tết; không có một chút sắc Xuân. Không có cái gì hết!"

Một nhà quan sát tình hình kinh tế, chính trị ở Sài Gòn (giấu tên vì lý do an toàn) nhận định với RFA:

"Nhìn chung các doanh nghiệp làm ăn cũng bết bát. Người đi xem chợ hoa, chợ Tết thì nhiều nhưng người mua chẳng bao nhiêu. Hàng hóa dồi dào nhưng ế ẩm. Theo tôi, qua đại dịch, tâm lý người Việt thay đổi. Họ không đổ tiền vào cái Tết để rồi ra Giêng thiếu hụt.

Nhìn vào sức mua năm nay cho thấy, về phía nhà nước thì rất phấn khởi trên tivi; thấy tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam nhất nhì thế giới. Nhưng nhìn con số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 chỉ có 430 tỉ Mỹ kim mà thôi. Không bằng ai hết.

Đừng ru ngủ người dân bằng những con số. Khi tư bản đầu tư vào Việt Nam, họ đem tiền lãi về chính quốc, để chỉ số lại cho lãnh đạo phát biểu trên tivi. Đó là thực chất nền kinh tế Việt Nam hiện nay".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước đạt 10.221 ngàn tỉ đồng, tương đương 430 tỉ Mỹ kim. Trước đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận đạt mốc 400 tỉ Mỹ kim là vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000.

Tương Lai Năm Mới, Có Thể Thê Thảm Còn Hơn Năm Cũ: 2.000 Doanh Nghiệp Bất Động Sản Đóng Cửa Đầu Năm 2024!

(RFA)

*

(Hình: Một công trình xây dựng ở Hà Nội năm 2021.)

-Chỉ trong tháng 1/2024 đã có 2.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, bằng 138% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu mới được công bố của Tổng cục Thống kê được báo Nhà nước trích đăng.

Theo báo cáo, số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể trong tháng một là 149 doanh nghiệp, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo báo cáo, trong tháng 1, số doanh nghiệp bất động sản mới được thành lập là 342 doanh nghiệp, bằng 101,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động là 645 doanh nghiệp, bằng 129,3% so với cùng kỳ.

Báo Nhà nước trích lời ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, vào năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thị trường bất động sản của Việt Nam đã bùng nổ trong các năm trước và nhiều đại gia bất động sản đã tìm cách huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đổ xô vào việc phát triển các dự án chung cư, biệt thự sang trọng, trung tâm thương mại. Các đại gia bất động sản cũng có quan hệ với các viên chức cấp cao để kiếm đất Nhà nước với giá rẻ để bán lại hoặc phát triển các dự án kể trên.

Việc bắt giữ một loạt các đại gia bất động sản trong năm 2022 bao gồm vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC và Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh nằm trong chiến dịch của Chính phủ trong công cuộc chống tham nhũng và chấn chỉnh thị trường bất động sản, tài chánh.

Theo số liệu của Chính phủ, tính đến cuối tháng 5/2023, khoảng 1.200 dự án phát triển bất động sản, trị giá ước tính 34 tỉ Mỹ kim, trên khắp đất nước đã bị đình chỉ.

Trong bài báo mới đây của VietNamNet về tình trạng thị trường bất động sản trong nước, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn và nhỏ đang cắt giảm nhân sự.

Nhiều ông lớn bất động sản phải cắt giảm nhân sự trong nửa đầu năm 2023 như Tập đoàn Đất Xanh hơn 1.380 nhân sự, Đất Xanh Services hơn 1.240 nhân sự…, bài báo cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, thị trường đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản ty nhà và thị trường bất động sản - được VietNamNet dẫn lời cho biết, những thay đổi liên quan Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội chính thức thông qua cuối tháng 11/2023 sẽ là bước tiến lớn về chính sách và là một trong những khung pháp lý quan trọng, với nhiều quy định tác động tốt đến thị trường, chủ đầu tư và khách hàng.

Tin Quốc Tế Đó Đây

***

Liên Hiệp Âu Châu Yêu Cầu Thực Hiện Kiểm Toán Tại Cơ Quan UNRWA


(Hình: Logo của cơ quan Liên Hiệp Quốc đặc trách về Người tị nạn Palestine (UNRWA) trên một chiếc xe vận tải tại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và dải Gaza, ngày 27/11/2023.)

Cuộc sống thi ca





Cuộc Sống Thi Ca
Sớ Táo Quân


Hai Ba Ông Táo Về Trời
Để dâng tấu hết chuyện đời trần gian
Đời người vất vả gian nan
Gió mưa bão tố tràn lan trắng đồng.


Ngập trời tuyết phủ gió đông
Thương người rét buốt đắng lòng cơn đau
Không nhà biết ở nơi đâu
Lang thang hè phố cúi đầu tủi thân.


Tấu xa rồi lại tấu gần
Táo liền đem chuyện văn nhân ra bàn
Văn Thơ Lạc Việt xoay vần
Hàng năm tổ chức bốn lần Birthday.


Ngoài ra in ấn liền tay
Đặc san, sách mới trình bày hơn xưa
Văn thơ nhạc hội như mưa
Hội nhà khởi sắc có thừa niềm vui.


Lượn vòng Táo đến xứ người
Việt Nam Văn Bút vùng trời hướng đông
Trang nhà Văn Bút điểm hồng
Mỗi ngày, độc già càng đông người vào.


Nhạc, thơ, văn bút tự hào
Thêm nhiều tác giả dâng trào văn chương
Bảo tồn văn hóa quê hương
Việt Nam Hải Ngoại con đường tự do.


Thôi thì cắt bỏ sầu lo
Cùng chung tay nắm làm cho oai hùng
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”


Đời người lắm mối gian nan
Xuân về cây lá trên ngàn nở hoa
Chiều xuân soi bóng ánh tà
Hồn văn chương giữ ngọc ngà trên tay.


Tế Luân
Ngày 23, 2024. Đưa Ông Táo về trời

 

 

 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét