Ở vào thời đại văn minh khoa học tiến bộ như hiện nay, vậy mà vẫn có những số phận con người phải sống cùng bầy thú hoang
Một đằng là đứa trẻ rốt cuộc đã sống trong rừng, còn một đằng là đứa trẻ thực ra vẫn đang ở nhà nhưng bị bỏ rơi và hành hạ đến mức chúng cảm thấy được những con thú chăm sóc nhiều hơn chính con người,"
Những bi kịch cuộc đời "người sói"
Oxana Malaya, Ukraine, 1991
Vừa đẹp vừa ghê rợn, những bức ảnh trong dự án của nhiếp ảnh gia Julia Fullerton-Batten như đem đến cho người xem một thế giới cổ tích và bí ẩn. Tuy nhiên, các nhân vật trong ảnh đều là người thật, việc thật ngoài đời.
"Có hai bối cảnh khác nhau. Một đằng là đứa trẻ rốt cuộc đã sống trong rừng, còn một đằng là đứa trẻ thực ra vẫn đang ở nhà nhưng bị bỏ rơi và hành hạ đến mức chúng cảm thấy được những con thú chăm sóc nhiều hơn chính con người," nữ nhiếp ảnh gia nói với BBC Culture.
Bức ảnh này tái hiện lại câu chuyện về cô bé người Ukraine, Oxana Malaya.
Theo Fullterton-Batten, "Oxana được tìm thấy khi cô bé đang sống với bầy chó trong chuồng hồi năm 1991. Khi đó cô bé tám tuổi và đã sống với chó được sáu năm."
"Cha mẹ Oxana nghiện rượu. Một đêm nọ, họ đã đã bỏ cô bé ở ngoài nhà. Trời lạnh, em bé ba tuổi bò về phía chuồng chó ở nông trại."
"Cô bé đã được những chú chó lai trong chuồng ủ ấm, và có lẽ nhờ vậy mà cô bé đã không bị chết vì lạnh cóng."
"Oxana chạy bằng bốn chi, thè lưỡi ra ngoài, nhe răng và sủa. Vì thiếu khả năng giao tiếp như một người bình thường, cô chỉ có thể nói được vài từ đơn giản như "có", "không".
Nay Oxana sống trong một phòng mạch tại Odessa (Ukraine), cô giúp chăm sóc gia súc, gia cầm trong nông trại của bệnh viện.
Shamdeo, Ấn Độ, 1972
"Không hề giống như trong truyện Tarzan," Fullerton-Batten nói. "Những đứa trẻ này đã phải chiến đấu với bầy thú để có được thức ăn, chúng phải học cách sinh tồn. Khi tôi đọc những câu chuyện về các em, tôi bị sốc và cảm thấy kinh sợ."
Có 15 em nhỏ được những con thú nuôi dưỡng được thể hiện trong "Những đứa trẻ hoang dại", dự án nhằm kể lại bằng hình ảnh câu chuyện về những con người bị tách rời khỏi thế giới loài người từ khi các em đa phần còn rất non nớt.
Bức ảnh này chụp Shamdeo, một cậu bé được tìm thấy trong rừng ở Ấn Độ hồi 1972, khi cậu được đoán là chừng bốn tuổi.
"Cậu bé đang chơi với lũ sói non. Da của bé rất sậm màu, hàm răng sắc nhọn, móng tay cong dài, tóc bết lại, có vết chai ở lòng bàn tay, khuỷu tay và đầu gối."
"Cậu bé rất thích bắt gà, ăn đất và thèm mùi máu. Cậu bé thân thiết với bầy chó."
Shamdeo không bao giờ nói gì nhưng đã học và có thể dùng một số ngôn ngữ ký hiệu. Cậu mất vào năm 1985.
Marina Chapman, Colombia, 1959
Nữ nhiếp ảnh gia cảm thấy muốn thực hiện dự án này sau khi đọc quyển "Cô gái không tên" viết về một phụ nữ người Colombia tên là Marina Chapman.
Fullerton-Batten kể lại câu chuyện: "Marina bị bắt cóc hồi năm 1954 tại một ngôi làng hẻo lánh ở Nam Mỹ khi mới năm tuổi."
"Cô bé bị bọn bắt cóc vứt lại trong rừng. Cô bé đã sống với một gia đình khỉ thầy tu (khỉ capuchin) trong khoảng năm năm, rồi được các thợ săn tìm thấy trong rừng."
"Cô bé ăn các loại quả mọng nước, rễ cây và chuối do bầy khỉ thả xuống cho. Cô ngủ trong các hốc cây và đi bằng bốn chi giống như khỉ."
"Nhưng không phải bỗng dưng bầy khỉ cho cô thức ăn; cô phải tự học cách sinh tồn, cô biết cách thích nghi và biết cách ứng xử phù hợp. Cô bắt chước các hành vi của bầy khỉ và khỉ trở nên quen với sự có mặt của cô. Chúng bắt chấy cho cô và coi cô như một con khỉ."
Hiện Chapman sống ở Yorkshire với chồng và hai con gái. "Bởi câu chuyện quá bất thường, rất nhiều người không tin cô. Họ đã chụp X-quang cơ thể, quan sát xương để xem cô bé có bị suy dinh dưỡng không, và kết luận có lẽ câu chuyện đã xảy ra đúng như vậy.”
Fullerton- Batten đã liên hệ với Marina và kể lại: "Cô ấy vui vẻ đồng ý cho tôi dùng tên của cô và chụp bức ảnh này.”
John Ssebunya, Uganda, 1991
Nhiếp ảnh gia đã được nhà nhân chủng học người Anh Mary-Ann Ochota, đồng thời là người dẫn trong loạt chương trình "Những đứa trẻ hoang dại", tư vấn.
"Cô ấy đã đến Ukraine, Uganda và Fiji để gặp ba trong số những đứa trẻ còn sống," Fullerton-Batten nói.
"Điều đó rất hữu ích khi cô ấy chỉ dẫn cho tôi về cách chúng đặt bàn tay, cách chúng đi lại, rồi về việc chúng đã sinh tồn ra sao. Bởi tôi muốn có được những bức ảnh chân thực, trông đáng tin."
Bức ảnh này kể về John Ssebunya.
"John bỏ trốn khỏi nhà năm 1988 khi cậu bé ba tuổi chứng kiến cảnh cha cậu giết chết mẹ cậu," Fullerton-Batten kể.
"Cậu bỏ chạy vào rừng và sống với bầy khỉ. Cậu bé được tìm thấy năm 1991, khi đã sáu tuổi, và được đưa vào trại trẻ mồ côi. Cậu bé có nhiều vết chai trên đầu gối vì tư thế đi giống khỉ."
John đã học nói và trở thành thành viên ban hợp xướng thiếu nhi Viên ngọc Châu Phi (Pearl of Africa).
Dù câu chuyện về những đứa trẻ sống hoang dại thường đầy huyền thoại xen lẫn thực tế, nhà nhân chủng học Ochota tin câu chuyện của Ssebunya là có thật.
"Đây không phải là một dạng chuyện lừa đảo về trẻ con sống hoang dại thông thường," cô viết trên tờ The Independent năm 2012. "Chúng tôi đang xem xét một trường hợp có thật."
Madina, Nga, 2013
Mary-Ann Ochota viết trên website của mình: "Những đứa trẻ hoang dại, lạ lùng này thường là nguồn cơn của một bí mật hay điều xấu hổ bị che giấu trong gia đình hoặc cộng đồng."
"Đây không phải những câu chuyện rừng xanh trong sách vở, mà thường là những trường hợp bi thảm bị bỏ rơi hoặc bạo hành."
"Những đứa trẻ này thường là hệ quả bi thảm của nhiều nguyên nhân kết hợp như nghiện ngập, bạo lực gia đình và đói nghèo."
"Đó là những đứa trẻ đã phải trải qua những rạn vỡ, chúng bị lãng quên, bỏ mặc hoặc bị che giấu."
Theo Fullerton-Batten, "Madina đã sống với chó từ khi chào đời cho đến khi lên ba, ăn cùng bầy chó, chơi và ngủ với chúng trong mùa đông giá lạnh."
"Khi nhân viên bảo trợ xã hội tìm thấy cô bé năm 2013, Madina trong tình trạng trần truồng, đi lại bằng bốn chi và gầm gừ như một chú chó."
"Cha của Madina đã bỏ đi ngay khi cô bé vừa chào đời. Mẹ cô bé là một phụ nữ 23 tuổi nghiện rượu."
"Người mẹ thường say xỉn không thể chăm sóc con gái và... thường ngồi vào bàn, ăn một mình mặc cho đứa con gái gặm xương trên sàn với mấy con chó."
Madina đã được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội và các bác sĩ nhận thấy cô bé khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, bất chấp những gì cô đã phải trải qua.
Sujit Kumar, Fiji, 1978
"Sujit tám tuổi khi được phát hiện thấy đứng giữa đường, kêu cục tác, đập đập cánh tay và có những hành vi như một con gà," Fullerton-Batten nói.
"Sujit mổ thức ăn, đứng trên ghế như thể để gáy, và dùng lưỡi tạo ra những tiếng chép chép liên tục."
"Cha mẹ cậu bé nhốt cậu trong một chuồng gà. Mẹ em tự tử và cha bị sát hại."
"Ông nội trở thành người nuôi dưỡng, nhưng lại bỏ mặc để cậu bé tiếp tục bị nhốt trong chuồng với bầy gà."
Với trẻ con, việc thay đổi sau khi được tìm ra cũng khó không kém gì so với thời gian chúng bị tách khỏi đời sống con người
"Khi được phát hiện, đó thực sự là một cú sốc - những đứa trẻ đã học được các hành vi của động vật, ngón tay chúng giống móng vuốt và chúng thậm chí không thể cầm muỗng ăn được. Đột nhiên mọi người lại muốn chúng phải thay đổi để có thể biết đứng ngồi đúng cách, biết nói chuyện."
Kumar hiện được chăm sóc bởi Elizabeth Clayton, người đã cứu cậu khỏi một khu nhà dưỡng lão và mở nhà từ thiện cho những đứa trẻ cần mái ấm.
Ivan Mishukov, Nga, 1998
Dù có rất nhiều hoàn cảnh bi thảm xuất hiện trong loạt câu chuyện của mình, nhưng những tấm ảnh Fullerton-Batten chụp đều kể về câu chuyện của sự sống sót.
"Mọi con người đều cần được giao tiếp với người, nhưng với những đứa trẻ này, cả đời của các em đã phải dành tập trung vào bản năng sinh tồn," cô nói, và đặt câu hỏi "phải chăng những đứa trẻ sống với động vật hoang dã là bởi thà như thế còn hơn là trở thành những đứa bé suốt tuổi thơ ấu không có ai bầu bạn bên cạnh."
Ivan bỏ trốn khỏi nhà khi lên bốn, bới thức ăn thừa chia cho bầy chó hoang và cuối cùng trở thành "đầu đàn".
Cậu bé sống trên đường phố hai năm trước khi được đưa vào một ngôi nhà nuôi trẻ.
Trong cuốn "Những cô bé man rợ và những cậu trai hoang dã: Lịch sử của những đứa trẻ hoang dại", tác giả Michael Newton viết rằng "Mối quan hệ đó đã diễn ra một cách hoàn hảo, tốt hơn nhiều so với bất kỳ những gì Ivan từng có được từ những con người khác."
"Cậu xin thức ăn rồi chia sẻ với bầy chó. Đổi lại, cậu ngủ với chúng trong những đêm đông lạnh lẽo và bóng tối sâu thẳm, khi nhiệt độ xuống cực thấp."
Fullerton-Batten tin rằng “những đứa trẻ hoang dại” có thể tiết lộ rất nhiều về những bí mật ẩn giấu đằng sau những xã hội có vẻ văn minh, nơi mà một thành phố cũng có thể tàn khốc như chốn rừng thẳm.
"Ivan chạy trốn vì cậu muốn thế, thay vì ở lại nhà. Nhưng hẳn là nhà của cậu phải quá tệ đến mức cậu thà lang thang trên đường phố với đàn chó còn hơn," cô nói.
"Tôi cố gắng không khai thác lợi dụng câu chuyện của họ. Ba trong số các trường hợp đã tạo cảm hứng cho người làm từ thiện. Tôi muốn mọi người ý thức về những gì vẫn đang diễn ra."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét