Những chú chim mà ta nhìn thấy thường là các con già, chân bước khập khiễng, gật gật cái đầu trên vỉa hè trên những bức tường, những hốc nhà, cất tiếng gù gù.
Bí mật về loài bồ câu hoang nơi đô thị
Có lẽ đến thăm bất cứ thành phố nào bạn cũng dễ nhìn thấy chúng ở khắp nơi: bồ câu – loài chim thường gặp nhất nơi thành thị.
Nhưng có điều gì đó lạ lùng về loài chim này.
Những chú chim mà ta nhìn thấy thường là các con già, chân bước khập khiễng, gật gật cái đầu trên vỉa hè trên những bức tường, những hốc nhà, cất tiếng gù gù.
Có vẻ như ta không bao giờ nhìn thấy những con chim non.
Tại sao? Nhất là khi số lượng bồ câu nhiều như vậy.
Chúng tôi đã hỏi độc giả trên mạng xã hội, và cũng tự mình thực hiện nghiên cứu. Dưới đây là những gì mà chúng tôi đã phát hiện.
Tập quán xa xưa
“Những con chim bồ câu gia thế, có điều kiện thường thuê những chuồng gà hạng sang để làm nơi sinh nở,” một người có tên là Thomas Keith trả lời.
Thật là một cách giải thích thú vị!
Bồ câu hoang hiện diện ở rất nhiều thành thị trên toàn thế giới
Tuy nhiên, như Jennifer Austin, Kelly Mahan và một số người khác chỉ ra thì câu trả lời nằm trong chính nguồn gốc của chim bồ câu.
Bồ câu hoang dã – loài bồ câu mà chúng ta thấy ở các thành phố – có nguồn gốc từ loài bồ câu đá và chúng về bản chất vẫn cùng một loài.
Thức ăn của chúng mang hơi hướng thành thị nhiều hơn nhưng trong vấn đề sinh sản thì chúng vẫn làm theo tổ tiên của chúng là loài bồ câu đá hoang dã, vốn rất cẩn trọng trong việc chọn nơi làm tổ.
Loài bồ câu đá Columbia liva thích xây tổ trên trên rìa của mặt vách đá.
“Trong lãnh thổ tự nhiên và hoang dã của chúng,” William Yarrell viết trong cuốn ‘Lịch sử các loài chim của nước Anh’, “loài bồ câu đá cư trú ở những vách đá cao ở gần bờ biển trong những hang hốc nơi mà chúng sống phần lớn thời gian trong năm.”
Trên hòn đảo Orkney của Scotland, hồi thế kỷ 19 các nhà điểu học đã quan sát thấy loài bồ câu đá “rất đông, chúng sinh sản trong những khe nứt của vách đá và tổ của chúng nằm sâu đến mức chúng ta không thể nào với tới được.”
Trên hòn đảo Shetland lân cận, những người khác đã thấy bồ câu đá trú ẩn trong “những hang hốc sâu dưới mặt đất và miệng hang mở ra phía biển”.
Hai bồ câu non nằm gọn trong tổ
Món ăn của con người?
Trở về thời xa xưa khi mà con người còn ăn lông ở lỗ trong các hang động thì có lẽ không ai chớp mắt khi nhìn thấy chim bồ câu con.
Thật vậy, khi khai quật một hang động ở Gibraltar các nhà khảo cổ đã tìm thấy rằng người Neanderthal rất thích ăn thịt chim bồ câu ngay cả trước khi người hiện đại di cư tới châu Âu.
Sau đó rất lâu, sau khi người Neanderthal biến mất và người thông minh (Homo sapien) chiếm lấy nơi này thì đến lượt họ lại cũng ăn thịt chim bồ câu.
Nhiều khả năng là vào thời tiền sử thì chim bồ câu non không chỉ được nhìn thấy thường xuyên mà còn thường xuất hiện trong bữa ăn của con người.
Tuy nhiên ngày nay khi không còn những vách đá hiểm trở, những núi đá dựng đứng hay những hang động tối om ở các thành phố thì loài bồ câu phải xây tổ tại bất cứ chỗ nào kín đáo không có người lui tới mà chúng tìm thấy, chẳng hạn như tháp nhà thờ, các ngôi nhà hoang hay dưới những gầm cầu.
Alison Goggin chỉ từng thấy chim bồ câu con được một lần, “trong khe nứt ở những bậc thang đá” ở Lâu đài Carmarthen ở xứ Wales, Anh quốc.
Bồ câu non không có những vệt xanh lá cây và tía thấp thoáng quanh cổ và phần da gốc mỏ có màu xám hồng chứ không phải trắng sáng như ở chim bồ câu trưởng thành.
“Có lẽ chúng thích sự an toàn của những nơi không có ai lui tới, nơi rất khó để nhìn thấy và bắt được chúng,” cô viết trên trang Facebook.
Do chúng ta không thường bước vào những nơi đó, chúng ta không thường thấy được tổ chim bồ câu có những gì.
Khó để phân biệt
Vậy còn những chim bồ câu non vừa mới ra ràng thì sao? Chắc chắn là chúng ta nhìn thấy chúng chứ?
Vâng, chúng ta có nhìn thấy. Bồ câu vừa ra ràng có ở khắp nơi, thế nhưng không dễ để nhận ra chúng.
Đó là bởi bồ câu con có vẻ như rất xấu hổ về dáng vóc bản thân, cho nên chúng nấn ná ở lại trong tổ rất lâu.
Thời gian 'cố thủ' trong tổ kể từ khi trứng nở ra cho đến khi chim non đủ lông cánh kéo dài tới trên 40 ngày, gần gấp đôi thời gian của đa số các loài chim thông thường khác.
Trong suốt thời gian này, chim bố mẹ nuôi chim non bằng một loại ‘sữa’ mà chúng ợ ra, rất giàu protein và chất béo.
Do đó, khi chim non cuối cùng cũng rời tổ thì chúng gần như đã phát triển đầy đủ và trông gần như không khác gì, không thể phân biệt được chúng với những chim bồ câu đã trưởng thành.
Chim bồ câu trưởng thành này có lớp da trắng phía trên mỏ
Tuy nhiên, nếu chịu khó quan sát thì chúng ta vẫn có thể nhận ra một con bồ câu đã đủ lông cánh nhưng thật sự vẫn là chim non.
Nó sẽ không có những vệt xanh lá cây và tía thấp thoáng xung quanh cổ và phần da gốc mỏ của nó sẽ có màu xám hồng chứ không phải trắng sáng như ở chim bồ câu trưởng thành.
“Khi bạn nhìn thấy một chim bồ câu đậu trên thành cửa sổ hay dưới băng ghế trong công viên, bạn sẽ không bao giờ biết được đó có thể là một con chim non,” Brian Waas viết.
Mặc dù rất hiếm nhìn thấy một chim bồ câu non, nhiều người trong số chúng ta có thể may mắn nhìn thấy chúng.
Chẳng hạn như chị của Gwen Obertuck có một đôi bồ câu làm tổ trên ban công nhà cô ở Đức.
Amy Dunkley đã nhìn thấy toàn bộ vòng đời của chim bồ câu từ cửa sổ phòng ngủ của cô ấy. “Điều đó thật tuyệt vời,” cô nói.
Rìa cửa sổ rộng bên ngoài thư viện ở Đại học Texas ở Austin, Hoa Kỳ, là nơi lý tưởng để bồ câu làm tổ, Toni Salazar Loftin cho biết.
Và chỉ mới hồi tháng Tám 2015, Judi Mcintosh đã bắt gặp một chim bồ câu non – ‘chỉ mới mọc lông phân nửa, còn phân nửa vẫn đang là lông tơ’ – ở gần nơi ủ phân xanh ở cuối vườn nhà cô ở Hampshire, Anh quốc.
“Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thầm lặng và sau đó tôi rời đi để bố mẹ nó có thể chăm sóc cho nó,” cô viết. “Nó đã biến mất khi tôi quay lại nhiều giờ sau. Hy vọng là mọi thứ vẫn ổn cho nó.”
Henry Nicholls
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét