Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Winter Break 2023 - Lake Tahoe

 Winter Break 2023



Mấy hôm nay tôi cùng gia đình đi Lake Tahoe vui chơi mùa đông.
Tôi có thực hiện đoạn phim ngắn 3 phút xin chia sẻ, mời qúy vị xem cho vui.
Kính chúc qúy vị mùa Giáng Sinh tràn đầy hồng ân từ Thiên Chúa. Một mùa lễ hội nhiều niềm vui và bình an.
Trân trọng
lê tuấn

Vài nét về Lake Tahoe

Lake Tahoe là tên gọi của một biển hồ nước ngọt, phải dùng từ ngữ biển hồ vì hồ nước ngọt này rộng mênh mông đứng bờ bên nay không thấy bờ bên kia. Hồ Tahoe là một hồ nước ngọt lớn ở dãy núi Sierra Nevada, nằm giữa biên giới California và Nevada. Nó được biết đến với những bãi biển (bãi cát ven hồ) và khu trượt tuyết. Trên bờ hồ phía tây nam, Công viên tiểu bang Vịnh Emerald có dinh thự Vikingsholm theo phong cách Bắc Âu năm 1929. Dọc theo phía đông bắc của hồ, Công viên Tiểu bang Hồ Tahoe Nevada bao gồm Bãi biển Sand Harbor và Hồ Spooner, cửa ngõ dẫn vào Đường mòn Tahoe Rim đường dài.
Để đi thăm hết bờ hồ Lake Tahoe thì phải mất nhiều ngày.
Chúng tôi chỉ lái xe ngang qua một đoạn ngắn ven hồ và dừng lại chụp vài tấm hình lưu niệm.






Mừng Chúa Giáng Sinh

Hai ngàn năm trước Chúa sinh
Dang tay đón nhận tội tình thế gian
Tâm hồn cao thượng chứa chan
Người mang thân phận nghèo nàn thường dân

Hai ngàn năm tiếng chuông ngân
Đêm đông tăm tối sáng ngần ánh sao
Vinh Danh Thiên Chúa Trời cao
Bình An Trần Thế dạt dào yêu thương.

Hai ngàn năm cõi vô thường
Ánh đèn rực rỡ cung đường đêm thâu
Thánh đường vang tiếng nguyện cầu
Cây thông lấp lánh đèn màu Giáng Sinh.

Lê Tuấn


Cuối Năm Tháng Mười Hai

Mở cửa gặp tháng mười hai
Một luồn gió lạnh, thấm vài giọt mưa
Thèm vòng tay ấm cho vừa
Lòng như chợt nhớ hương xưa tìm về.

Tháng mười hai đầy đam mê
Trong mùa lễ hội bộn bề ước mơ
Giáng sinh thánh lễ nhà thờ
Cầu xin Thiên Chúa đón chờ hồng ân.

Tháng mười hai đã xoay vần
Gặp nhau ta lại ân cần hỏi han
Tình còn đầm ấm chứa chan
Cuối năm tình vẫn nồng nàn yêu thương.

Tế Luân


Theo Gió Xuân

Bước theo ngọn gió xuân
Gặp em tà áo đỏ
Đứng chờ ai nơi đó
Lòng ta lại phân vân.

Em đang tuổi thần tiên
Chúa xuân hẹn đón chờ
Em ngây thơ ngần ngại
Thời con gái mộng mơ.

Hồn xuân thật nên thơ
Đôi mắt em ngây tròn
Môi hồng như muốn nói
Nghe tiếng em cười giòn.

Tặng em cả mùa xuân
Hoa thơm cài trên tóc
Gió lùa hương lúa mới
Trời xuân đẹp muôn nơi.

Từ thôn quê phố thị
Hương xuân mối tình si
Hòa cùng theo tiếng hát
Đùa vui nét xuân thì.

Một mùa xuân an lành
Cuộc đời mãi tươi hồng
Một tình yêu nồng thắm
Hồn quê đẹp trong lòng.

Tế Luân




Xin mời xem phim









Winter Break in Lake Tahoe - Sinh hoạt mùa đông 12-17-23

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Hôi họa là thơ không lời - Dấu người trên đất - Ann Phong

Bài viết Dấu Người trên cát của Ngu Yên, nói về Hội Họa Trừu Tượng là bài thơ không lời.
Cuộc sống thi ca mở đầu bằng bài thơ Tình Yêu Trừu Tượng, một loại ngôn ngữ trừu tượng dễ hiểu hơn. Xin mời đọc tiếp.


Bức tranh trừu tượng Cô Gái - Sưu tầm trên Google 

Tình yêu trừu tượng

Hoa trừu tượng đậm sắc mùi hương khói
Tình yêu trừu tượng ẩn giấu hư vô
Yêu em trừu tượng nhấp nhô sương khói
Trừu tượng bên người quen thói hoang sơ.

Tế Luân


Bài viết đăng trên Việt Báo online.
https://vietbao.com/p301417a317242/dau-nguoi-tren-dat

Dấu Người Trên Đất
20/10/2023 Ngu Yên


Ann Phong

Ann Phong triển lãm tranh ở Quận Cam, tôi bay qua tham dự. Xem tranh trừu tượng là xem tranh bằng tưởng tượng. Tôi là người sống bằng tưởng tượng. Xem tranh Ann Phong, không chỉ xem cái đẹp, xem nét đặc thù của nữ họa sĩ này, nhưng để sau cùng là xem chính “tôi trong quá trình tưởng tượng từ dãy tranh.” Luhraw viết: “Trước đây tôi chỉ có thể đoán chừng mình là ai. Giờ đây, nhờ nghệ thuật, tôi biết mình là ai.” (Quote.)

Có nhiều đêm mất ngủ, tôi thường lên mạng xem tranh, đôi khi, ngủ nhờ trong phòng tranh ảo của Ann Phong. Những khi suy nghĩ về sự hiện sinh của con người, của bản thân, tôi thường tự dẫn mình đến một số tranh của Ann Phong theo quan điểm “Dấu người trên đất.” Tôi yêu thích loạt tranh này, vì Ann Phong nói lên những điều bằng họa, mà tôi chưa thể nói hết những suy nghĩ qua thơ.


[Dấu Người Trên Đất. 2019. Ann Phong.]

Ann Phong và Hội Hoạ.

Họa là thơ không lời. Phải chăng thơ là họa bằng chữ? Họa là thơ vì không nói nhiều như văn, kịch, triết học, khoa học … Họa nói tích lũy, nói lũy thừa về ý nghĩa và thẩm mỹ. Họa và thơ giống nhau ở chỗ: nói ít, hiểu nhiều; mô tả bề mặt, mà thâm trầm bề sâu. Họa và thơ là chất keo để dán lại những nơi đời nứt nẻ; hoặc ở một mức cao hơn, là những tiếng kêu nhắc nhở những người điếc thích nghe súng nổ và những người câm thích hùng biện giá trị bênh vực độc tài. Nói một cách khác, họa và thơ đi đến nhân sinh để phục vụ nghệ thuật và thẩm mỹ; đi với nhân sinh để đấu tranh chống lại cường quyền của bóng tối.

Xem tranh là nghe họa nói. Họa nói cho mắt nghe để lòng liêu xiêu theo tưởng tượng. Trong tất cả các loại tranh, tranh trừu tượng đòi hỏi khả năng tưởng tượng cao của người thưởng ngoạn để có thể nảy sinh những hình ảnh, ý nghĩa; tìm thấy sự thú vị qua màu sắc, hình dạng. Sâu hơn nữa là phong cách tạo hình đặc thù của đường cọ, nét sơn. “Sự trừu tượng cho phép con người nhìn thấy bằng tâm trí những gì anh ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường… Nghệ thuật trừu tượng cho phép nghệ sĩ nhận thức vượt ra ngoài cái hữu hình, rút ra cái vô hạn từ cái hữu hạn. Đó là sự giải thoát của tâm trí. Đó là một cuộc thám hiểm vào những khu vực chưa được biết đến.” Arshile Gorky. (Trích.)

Trong quan điểm này, có nghĩa, khi họa sĩ chọn lựa cách diễn đạt ý muốn bằng trừu tượng, đã đương nhiên cho phép người xem được giải thích qua hư cấu một cách riêng. Không ai giống ai. Có lẽ, nên nói, mỗi người thưởng ngoạn tự nhìn thấy cá tính, ước muốn, xu hướng, suy nghĩ của mình qua cùng một bức tranh trừu tượng. Sự đúng sai, già dặn hay non nớt, cạn hay sâu, có thể đánh giá qua kỹ thuật, hoặc quá trình sáng tác, nhưng không thể đánh giá qua sự trừu tượng đang hiện diện trong tranh. Vì không ai có khả năng và quyền hạn để làm việc đó. Vì vậy, tác giả và người xem tranh hiểu khác nhau, thích khác nhau, giải thích không giống nhau là việc bình thường khi thưởng ngoạn tranh trừu tượng. Còn những nhà phê bình về tranh trừu tượng, họ chỉ là những người phải nói, y như một diễn giả có chức vị được mời lên khán đài, tất nhiên phải nói.

Tranh là cụ thể, họa là trừu tượng, vì họa không vẽ thứ cụ thể mà vẽ thứ cụ thể này qua hình ảnh trong tâm trí. Hội họa là tạo trừu tượng thành cụ thể. Một cụ thể khiến cho người xem phải quan sát từng thành phần nhỏ trong cấu trúc lớn; xem xét sắc màu trong mỗi đặc dị của tâm tư sáng tạo; theo dõi đường nét phẩy phết ngắn dài chấm phá từ bàn tay ngón tay đường gân sớ thịt đã cảm nhận tín hiệu của đam mê. Có nhiều bức tranh của Ann Phong, tôi xem đi xem lại, nhiều thời giờ, vô số tưởng tượng, lắm nghĩ ngợi, liên tưởng thi ca. Rồi một hôm tôi gom góp lại thành tập thơ: Nói Trong Khi Chờ.

Tôi không chắc Ann Phong có nói giống tôi không? Nhưng tôi chắc chắn, cô ta qua hình dạng màu sắc đã sơn phết lên tiếng nói râm rang trong trí tưởng tượng, tranh của cô nói với tôi, đời đẹp hơn chán chường, có ý nghĩa hơn phi lý. Cái tầm thường chính là sự sâu sắc. Trí tuệ ca tụng cảm xúc chính là nghệ thuật hôm nay. Cảm xúc tiết lộ qua đường nét màu sắc là họa tiết; tiết lộ qua chữ tái sinh trong câu là thơ. Tranh của Ann Phong mang những lời nói tích cực dù trình bày nỗi buồn, đau khổ, bất công, phi nhân, kể cả thảm họa… và sâu hơn hết là lời nói của cảm xúc.

Lời nói của cảm xúc?

Bất kỳ là nghệ thuật nào, đều phải nói lên bằng cảm xúc. Ngày xưa, đa số diễn đạt cảm xúc về cảm xúc. Ngày nay, nghệ sĩ diễn đạt cảm xúc về trí tuệ, về tư duy, về luận lý… Căn cơ của sáng tạo là cảm xúc, nhất là trong sáng tác nghệ thuật và văn chương. Không ai có thể dạy ai về cảm xúc. Cảm xúc là hiệu quả của kiến thức, kinh nghiệm, trình độ (nội lực) và vô thức. Vô thức mang đến cảm xúc và kiến thức, kinh nghiệm, trình độ tạo nên giá trị của cảm xúc về điều gì đó nhất định và chỉ trong lúc đó. Nó đặc thù, duy nhất, không bao giờ có lại y hệt, chỉ nhiều lắm là tương tựa.

Cảm xúc trong đam mê (hoặc trong cơn mê) dẫn đưa họa sĩ chọn lấy màu sắc, tạo hình dạng đã định, đa số là ngẫu nhiên, hoặc cái đã định biến hình thành cái đột ngột. Cảm xúc tự động điều khiển, điều chỉnh cánh tay, ngón tay thành hình đường cọ nét sơn. Tay cụ thể tiếp xúc với sơn màu, hình thể trực tiếp hoặc qua cọ, bút, dao, và các phương tiện khác lên khung vẽ. Sự cử động cụ thể này quan trọng. Chính nó là nghệ thuật chủ yếu tạo nên bức vẽ, nơi giá trị của họa sĩ tiếp xúc với giá trị của thành hình. Cảm xúc đó quan trọng hơn cảm xúc trong trí và trong tim.

Bên cạnh hội hoạ bằng sơn màu và đường nét, Ann phong bước vào lãnh vực “Hội họa đa phương tiện.” Ngoài trừ những kỹ thuật và phương tiện thông thường trong hội họa truyền thống, người hoạ sĩ sử dụng tất cả những phương tiện nào có thể, có lý, phù hợp, để hỗn hợp với kỹ thuật hội họa. Với mục đích làm cho đẹp hơn, mới lạ hơn, thích nghi với đời sống hiện tại, để diễn đạt tâm tư, tâm sự, suy nghĩ về một điều gì muốn chia xẻ.

Những phương tiện hỗn hợp có thể là những món đồ chơi, đồ dùng bình thường, hoặc một thứ gì được đặc biệt tạo ra. Những thứ này gắn vào bức tranh, sơn màu, vẽ chồng lên, vân vân, để trở thành một khối hội họa. Một phương diện khác của hội hoạ truyền thống là tấm bạt hay khung vải để vẽ. Kỹ thuật đa phương tiện không quan tâm về khung vải, có thể vẽ lên tường, lên hè phố, lên đường đi, lên bất kỳ thứ gì có thể vẽ. Ngoài ra, họa sĩ dùng những hình thể vật lý sẵn có, như cái giường, cái bàn, vỏ xe hơi, các loại thiết bị lớn nhỏ, vân vân; hoặc tự tạo ra những đồ vật khác để vẽ và trưng bày những phương tiện hỗn hợp với vẽ.

Như Ann Phong và trái địa cầu vỡ đôi:

[Tác phẩm 3D. Triển lãm tại Frank Loyle Arts.]

[Angel. Tác phẩm đa phương tiện. 2014]

[Hangover. Tác phẩm đa phương tiện. 2014.]

Xem tác phẩm họa đa phương tiện là xem tranh và thủ công, hoặc hình thức nào đó mang tính thủ công, tính dàn dựng. Xem sự phối hợp là hỗn hợp hay hòa tan. Xem sự khéo léo của bàn tay cảm xúc theo tâm trí điều khiển. Xem tác phẩm có thật sự cần thiết thủ công, hay thủ công chỉ là sự đính kèm biểu diễn dư thừa. Hội họa truyền thống hay hội họa đa phương tiện đều dẫn đến nghệ thuật thẩm mỹ và giá trị ý nghĩa. Cũng nên nhắc nhớ rằng, trước khi có hội họa, điêu khắc, kiến trúc, vân vân, thủ công là nghệ thuật đầu tiên của con người tạo hình. Cốt lõi của nghệ thuật đó luôn luôn là cơ bản của bàn tay tài hoa đưa vào các nghệ thuật khác. Thủ công vào hội họa có khả năng làm cho hội họa mở rộng ra khỏi khung vải, bút cọ và sơn màu. Thủ công và hội họa phải hài hòa thì mới có cơ hội thành tựu.

Dấu Người Trên Đất.

Sự tiến bộ của con người phải chăng là sự phản bội với những gì từng yêu thích? Rất nhiều thứ vật chất cũng như tinh thần có một thời vàng son, rồi trở thành lịch sử hoặc bị lãng quên, nhưng trớ trêu, là trong thời vàng son đó, nhiều người đã hy sinh những thứ quí báu khác để tìm cách đạt được thứ vàng son, hầu hết đều mang tính phù du.

[Điện Thoại, Hôm Nay Quí Báu, Ngày Mai Rác Rưởi. 2017]

Ann Phong dùng cái điện thoại, cái thứ mà hiện nay không ai có thể thiếu; không thể bỏ xa; cái thứ gắn liền vào tai, mọc dài trên tay, như một phần mới của thân xác, trở thành ẩn dụ cho những gì vật chất hoặc trừu tượng được người đương thời xem trọng, yêu quí, ca ngợi, tranh giành, chiếm đoạt, để rồi khi thời gia qua đi, những thứ đó không còn giá trị. Phải chăng văn minh và xã hội tạo ra nhiều ảo tưởng như thật, mà con người chỉ có thể biết một cách muộn màng, khi trang sử đã lật qua?


[Quí Báu của Quá Khứ, Rác Rưởi của Ngày Mai. 2018]

Trong một bức tranh khác, nhấn mạnh cùng một nội dung: Yesterday’s Precious, Today’s Trash, một quan điểm đáng quan tâm suy xét. Một ý niệm nên đánh thức một số người đang say mê vật chất hơn cả tình người, hơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, bằng hữu như một người ôm mìn nổ chậm mà vui cười hớn hở, tưởng mình sẽ hưởng thụ suốt kiếp. Tất cả những văn minh tiện nghi, những giá trị đương thời, những ước mơ khát vọng, trói buộc con người đến nổi không còn biết mình là ai, rồi sẽ cháy trong lửa. Chiếc iPhone rơi thẳng vào đám lửa, có màu vàng hớn hở, màu sáng mãnh liệt khi đạt đến sức nóng cực độ. Bên dưới những đồ vật lỉnh kỉnh cơ khí, điện tử, chờ đưa vào lò, cho thấy niềm tin của người họa sĩ vào năng lực thiên nhiên.


Thiên nhiên là một trường dạy lớn mà ít người học được. Ai đã có bằng cử nhân, tiến sĩ của trường thiên nhiên? Đa số, chưa có bằng tiểu học. Nhiều bức tranh của Ann Phong đứng vào phong trào bảo vệ trái đất, đại dương và không khí, để gìn giữ, phát triển nơi chúng ta cư ngụ mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Cây cọ và sơn màu của Ann Phong phản đối, nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến nơi chúng ta đang chung sống. Có khi, không phải chiến tranh nguyên tử hủy hoại loài người, mà chính thế hệ đi trước giết chết thế hệ theo sau bằng không khi ô nhiễm, đại dương độc hại, khí hậu gây thiên tai, và những di hại của nền văn minh thiếu kiểm soát.

[2017. Thiên nhiên dễ tổn thương.]

Nếu chúng ta sống trong một căn nhà, dọn quét hàng ngày, trồng hoa, làm vườn; sơn sửa mỗi năm, cho căn nhà riêng của gia đình thật hãnh diện; thì tại sao lại lơ là, thậm chí tàn sát, căn nhà chung của nhân loại? Hoặc vì ‘cha chung không ai khóc’, hoặc vì chuyện xấu chừng nào xảy ra hãy tính; hoặc vì tâm trí ích kỷ, thiếu hiểu biết?

[2021. Thiên Nhiên Trong Môi Trường.]

Nhiều tổ chức quốc tế đang bảo vệ trái đất, không khí, đại dương… Trồng cây xanh chận mưa lụt, lọc không khí ô nhiễm; ngăn chận xả rác, đổ dầu và chất thải xuống biển để đại dương không phải là nơi đại độc; tìm cách giải quyết vấn nạn nhà kính, vấn nạn băng tan; đối phó với thiên tai mỗi ngày mỗi gia tăng… Tranh của Ann Phong xoay quanh đề tài này?

“Điều quan trọng nhất về sự nóng lên toàn cầu là liệu con người có phải chịu trách nhiệm về phần lớn biến đổi khí hậu hay không hoặc chỉ là việc của các nhà khoa học? Tất cả trách nhiệm của chúng ta là để lại hành tinh này trong tình trạng tốt hơn cho các thế hệ tương lai so với những gì chúng ta đã tìm thấy.” Mike Huckabee. (Quote.)

[2022. Ô Nhiễm Từ Đất Đến Nước.]


[2019. Con Cháu Chúng Ta Chỉ Thấy Động Vật Trên Truyền Hình.]
Tại sao vậy?

Vì chúng đã chết hết. Không rừng, không cây, không cỏ; nước độc, sa mạc thay xanh tươi; làm sao sống sót? Rồi liệu con người mai sau, có thể sống sót chăng? Rồi ai sẽ thấy con người trên truyền hình?

Nhiều bức tranh của Ann Phong nói lên vấn nạn của nhân loại hủy hoại trái đất một cách khá rõ ràng, dù trong phong cách trừu tượng, như một người mỗi ngày tự phá hủy căn nhà đang ở đầm ấm với gia đình. Chuyện nghe ra phi lý, nhưng cũng là chuyện đa số chúng ta đang làm.

Khi không vẽ, Ann Phong nói: “Existing on this planet is a privilege. Yet, we, as humans, consistently see it as a right. We build bigger roperties and encroach on more land every day, thinking it's our birthright. To many people, this is the only way to enjoy life. To others, life is entwined with nature. They have worked to find what is most mutually beneficial and thrive alongside the planet. But the rest of us have yet to follow.” (Tồn tại trên hành tinh này là một đặc ân. Tuy nhiên, chúng ta, với tư cách là con người, luôn coi đó là một quyền lợi. Mỗi ngày, chúng ta xây dựng những bất động sản lớn và lấn chiếm nhiều đất đai vì cho rằng đó là đặc quyền bẩm sinh. Đối với nhiều người, đây là cách duy nhất để tận hưởng cuộc sống. Đối với số người khác, cuộc sống gắn liền với thiên nhiên. Họ đã làm việc để tìm ra những gì mang lại lợi ích chung và phát triển cùng với hành tinh này. Nhưng số người còn lại, chúng ta vẫn chưa theo chân họ.)
[Trích: Environment, https://annphongart.com/.]

Ngày nay, thời đại này, mỗi nghệ sĩ, mỗi họa sĩ thành danh, dù lớn hay nhỏ, không ít thì nhiều, phải có trách nhiệm nào đó đối với đời sống và xã hội. Nghe nói, thì lý tưởng và như rao giảng kinh sách, nhưng không phải, thời điểm hôm nay là thời điểm hiểm nghèo. Xã hội sụp đổ, thế giới tàn lụn, liệu một người có thể sống hạnh phúc, bình an với gia đình nhỏ riêng tư không? Chắc chắn là không. Vì vậy, trách nhiệm của nghệ sĩ là báo cáo cái đẹp, cái hay cái tốt và báo động cái xấu, cái nguy cơ. Những gì người nghệ sĩ tạo ra là dấu vết của con người để lại trên trái đất này, nơi chúng ta mong muốn mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Ann Phong đang để lại những dấu vết và còn thời gian khá dài để tiếp tục lưu lại nhiều dấu vết khác. Nói ngắn gọn là dấu người trên đất, không phải dưới đất.

[Dấu Người Trên Đất. 2021.]

Cuộc sống thi ca



Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Trò chơi con mực - Squid Game


Trò chơi con mực - Squid Game. Do Netflix thực hiện.
Theo kịch bản của đạo diện Hàn Quốc Hwang Dong-hyuk sáng tạo cho Netflix.



Tôi đã xem bộ phim truyền hình này (Trò Chơi Com Mực) trên Netflix, bộ phim hấp dẫn lôi cuốn, đầy kịch tính,  từ khi khởi đầu cho đến khi kết thúc.

Không thể tin được có chuyện này: Một người Việt tỵ nạn. Bà Mai Whelan Nhân viên Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, người đã  chiến thắng giải Squid Game, vượt mặt 455 đối thủ, giành giải thưởng 45,6 tỷ Yên tương đương gần $5 triệu đô la!


(Hình: Mai Whelan – người chơi mang số áo 287 - tự hào khi là người giành chiến thắng chung cuộc Squid Game: The Challenge)

Ngày 7 tháng 12, tập cuối cùng của Squid Game: The Challenge – show thực tế mượn sức hút từ “bom tấn” Hàn Quốc Trò chơi con mực đã chính thức lên sóng. Sau hàng loạt nhiệm vụ, chương trình cuối cùng cũng tìm ra được người chơi chiến thắng. Đó là Mai – người phụ nữ 55 tuổi gốc Việt mang số áo 287.

Mai xuất hiện chớp nhoáng trong các tập phát sóng đầu tiên nhưng dần “chiếm spotlight” ở những màn thi đấu cuối cùng. Bà thể hiện được sự thông minh, nhạy bén, dễ dàng loại bỏ đối thủ trong các trò chơi cần tính quan sát.

Trong tập 10 vừa lên sóng, Mai đã dễ dàng vượt mặt 2 người chơi trong top 3 nhờ sự may mắn của mình bởi 2 thử thách cuối cùng đều là trò chơi may rủi. Ở nhiệm vụ đầu tiên, top 3 sẽ nhấn các nút ngẫu nhiên có hình dạng vuông – tròn – tam giác. Theo luật, nếu người chơi nhấn phải nút đỏ sẽ lập tức bị loại. Trong chặng đua này, Mai xung phong đi đầu và an toàn “vượt ải”.

Trong nhiệm vụ quyết định, 2 người chơi cuối cùng phải chơi trò kéo – búa – bao lựa chọn chìa khóa ngẫu nhiên mà ban tổ chức cung cấp xem ai là người mở được két sắt đựng chiếc thẻ có giá trị gần $5 triệu. Sau những giây phút hồi hộp nhiều kịch tính, người phụ nữ gốc Việt bật khóc khi két sắt sáng đèn. Mai đã trở thành người chiến thắng chung cuộc! với phần thưởng gần 5 triệu đô la!

Mai là người khám xét của Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, chuyên xem xét visa cho những sinh viên không nhập cư muốn đến Mỹ để theo học tại các trường đại học. Mai đã kết hôn và có 2 cô con gái. Theo như chia sẻ của Mai ở những tập đầu, nếu giành giải thưởng khủng này, bà sẽ nghỉ việc, tìm ngay một ngôi nhà để nghỉ hưu! dành giờ du lịch! Giờ thì bà đạt được mọi mộng ước! Lời ước Giáng Sinh đã thành tựu, không cần đến...Ông Già Noel!

Trò chơi con mực (tiếng Hàn: 오징어 게임) là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc do Hwang Dong-hyuk sáng tạo cho Netflix. Dàn diễn viên bao gồm Lee Jung-jae, Park Hae-soo, Wi Ha-joon, HoYeon Jung, O Yeong-su, Heo Sung-tae, Anupam Tripathi và Kim Joo-ryoung.
Bộ phim xoay quanh một cuộc thi bí mật trong đó 456 người chơi, tất cả đều đang gặp khó khăn về tài chính, mạo hiểm mạng sống của mình để chơi một loạt trò chơi chết người dành cho trẻ em để có cơ hội giành được giải thưởng 45,6 tỷ Yên. Tiêu đề của bộ truyện được lấy từ một trò chơi trẻ em có tên tương tự của Hàn Quốc. 
Hwang hình thành ý tưởng này dựa trên những khó khăn kinh tế của chính mình, cũng như sự chênh lệch giai cấp ở Hàn Quốc. 
Mặc dù viết câu chuyện này vào năm 2009 nhưng Hwang không thể tìm được công ty sản xuất nào tài trợ cho ý tưởng này cho đến khi Netflix quan tâm vào khoảng năm 2019 như một phần trong nỗ lực mở rộng các chương trình nước ngoài của họ.

Squid Game được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 17 tháng 9 năm 2021, nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình và sự chú ý của quốc tế. Nó trở thành loạt phim được xem nhiều nhất của Netflix và là chương trình được xem nhiều nhất ở 94 quốc gia, thu hút hơn 142 triệu hộ gia đình thành viên và 1,65 tỷ giờ xem trong bốn tuần đầu tiên, vượt qua Bridgerton để trở thành chương trình được xem nhiều nhất trên dịch vụ. Phim đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải Quả Cầu Vàng cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất - Phim truyền hình nhiều tập, phim ngắn tập hoặc Phim truyền hình cho O Yeong-su, và Giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim truyền hình dài tập và Diễn xuất xuất sắc của một diễn viên chính. Nữ diễn viên chính trong phim truyền hình dài tập lần lượt là Lee Jung-jae và HoYeon Jung; cả ba cũng là những diễn viên Hàn Quốc đầu tiên giành chiến thắng ở các hạng mục đó. Phần đầu tiên đã nhận được 14 đề cử Giải Primetime Emmy, bao gồm cả Phim chính kịch xuất sắc, trở thành tác phẩm không nói tiếng Anh đầu tiên được đề cử ở hạng mục này; Lee đã giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong phim truyền hình dài tập, lần đầu tiên một diễn viên châu Á giành được giải thưởng cho một vai không phải tiếng Anh.

Phần thứ hai được chính thức công bố vào tháng 6 năm 2022, cùng với loạt cuộc thi thực tế mang tên Squid Game: The Challenge. Quá trình sản xuất phần thứ hai bắt đầu vào tháng 7 năm 2023.

Bà Mai Whelan người mang số 287 đứng giữa 
đã chiến thắng giải nhất với tiền thưởng gần 5 triệu đô


một vài hình ảnh trong Squid Game






Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Những vần thơ ngày Tết Giáp Thìn 2024

Những vần thơ Ngày Tết. 

Tết Giáp Thìn 2024


Tết Nguyên đán với ý nghĩa tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những lời cầu chúc về một năm mới An Khang Thịnh Vượng.
Theo lịch vạn niên, ngày 30 Tết năm 2024 sẽ rơi vào thứ sáu, ngày 09/02/2024 dương lịch và mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 10/02 dương lịch, rơi vào thứ bảy.



Tết Nguyên đán 2024 vào ngày nào dương lịch? Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 rơi vào thứ bảy ngày 10/2/2024. Twe61 năm nay 2024 rơi vào 3 ngày cuối tuần Weekend rất vui cho người Việt nam tại Hoa Kỳ nhất là những ai còn bận đi làm.



Ngày Tết Đến

Năm tháng qua rồi xuân vấn vương
Quê người chợt nhớ đến quê hương
Những ngày Tết đến thêm lòng nhớ
Làn khói lam chiều, thổi gió sương.

Lặng lẽ ngày đi, mưa gió tan
Nơi đây ta sống hết hơi tàn
Mừng xuân vừa đến vui năm mới
Tóc bạc nhưng tình vẫn chứa chan.

Hoa cúc nở vàng trên lối đi
Mai vàng, đào thắm, nét xuân thì
Tình xuân duyên đỏ thêm màu nhớ
Tiếng nhạc âm vang, rượu chạm ly

Ta đã quên rồi chuyện viễn vông
Đời như thoáng hiện bóng hư không
Bên em tình vẫn còn hưng phấn
Điểm dáng yêu thương một đoá hồng.

Thiếu nữ vui xuân áo lụa đào
Trời xanh én lượn cánh nghiêng chao
Cây nêu chót vót treo mừng Tết
Rực rỡ hoa xuân mai, cúc, đào.

Em có nghe xuân đến chốn này
Môi hồng má đỏ nét thơ ngây
Thương nhau giữ trọn hương nồng ấm
Đừng để tình xuân thoáng gió bay.

Lê Tuấn



Khói Lam Chiều Xuân


Vấn vương làn khói lam chiều
Cho bao dư lệ tiêu điều cõi mê
Chiều vàng tâm trạng não nề
Bâng khuâng xuân đến nhớ về quê hương.

Chợt buồn nhìn ra bốn phương
Phương nào cũng thấy nỗi buồn một nơi
Ở nơi xa tận chân trời
Tình quê nơi ấy một đời hoài mong.

Nhìn lại mình vẫn long đong
Tìm xem dấu vết tuổi hồng nơi đâu
Khi xưa tình mới bắt đầu
Hàng cau đi hỏi lá trầu có không.

Em xưa bẽn lẽn má hồng
Hoa cau trắng rải ngoài đồng gió bay
Chớm đông sương lạnh hoa gầy
Em ra ngõ đợi đến ngày xuân sang.

Ướt đêm mưa đọng mai vàng
Ngoài trời hoa lạnh sương tàn trăng thâu
Cánh hoa nằm dưới cội sầu
Ngày xuân gieo quẻ lòng cầu bình an.

Tình xuân vang khúc cung đàn
Lời em tiếng hát ngút ngàn vang xa
Bài thơ nối nhịp lời ca
Câu yêu thương vẫn mặn mà tơ duyên.

Chiều xuân sương phủ trên miền
Chiều không khói bếp tơ huyền bay cao
Lam chiều bếp ấm dạt dào
Lòng như nhớ lại, ngày nào xuân xưa.

Thuở trời thay đổi bão mưa
Xa nhau tử dạo sông chưa bắc cầu
Về thăm hoa nở đóa sầu
Gặp nhau ngần ngại cau trầu rụng rơi.

Trời xuân xanh biếc da trời
Gió đông em lại thay dời áo hoa
Ngoài trời hạt bụi mưa sa
Bướm đùa theo dải đôi tà lụa bay.

Trao nhau tấm thiệp xuân này
Thương nhau tay lại cầm tay thẹn thùng
Nào ngờ mắt lệ rưng rưng
Tình thêm tha thiết mấy từng cơn mơ.

Thắp đôi nến trắng làm thơ
Môi em in dấu đỏ tờ thơ tôi
Đôi chim câu trắng bay rồi
Tiếng kêu tha thiết bên trời xuân sang.

Lê Tuấn

Cảm nhận mùa xuân trên thung lũng hoa vàng
Nhà ở nơi đây không khói bếp. Một làn khói lam chiều
thương nhớ về quê hương Khi mùa xuân đang trở về.




Thiếu Nữ Vui Xuân

Thiếu nữ du xuân áo lụa vàng
Khoe tà áo mỏng nắng xuyên ngang
Vu vơ ngọn gió đùa ve vuốt
E thẹn sao tình bỗng chứa chan.

Thiếu nữ đôi mươi má ửng hồng
Đôi tà yếm thắm lắm người trông
Môi hồng mắt biếc như tiên nữ
Ngọn gió xuân tình đầy ước mong.

Lê Tuấn



Thẹn Thùng Ngày Xuân

Em còn mắc cỡ thẹn thùng
Mùa xuân trước cửa ngại ngùng làm ngơ
Phố xuân lộng lẫy đang chờ
Ông Đồ thảo chữ vẽ tờ hoa xuân.

Bốn mùa lặng lẽ xoay vần
Trời xuân hoa nở sáng ngần dáng hương
Đèn treo khắp nẻo phố phường
Em đi dạo phố bụi đường nhẹ bay.

Nắng xuân soi mắt em say
Má hồng môi đỏ đón ngày Tết vui
Mừng xuân chai rượu mới khui
Nâng ly uống cạn thơm mùi hương nho.

Xuân về mang lại ấm no
Được mùa lúa chín đầy kho an bình
Gió xuân nồng ấm chân tình
Nụ hôn trao vội chúng minh hòa ca

Mùa xuân về khắp mọi nhà
Khoác thêm áo mới mượt mà thanh tân
Ngoài vườn hoa nở trước sân
Bướm ong là lướt quây quần mê say.

Én bay lượn khắp trời mây
Mai vàng, đào nở cỏ cây đón mừng
Trời xuân mây nước tưng bừng
Bên cầu hoa rụng mấy từng đào mơ

Văn nhân thảo bút đề thơ
Tặng nhau câu đối bàn thờ gia tiên
Ngày xuân mái ấm Mẹ hiền
Khói nhang nghi ngút linh thiên sum vầy

Bánh chưng Mẹ gói vuông dầy
Nhìn mâm ngũ quả trưng bày cầu duyên
Ngày xuân trời đất trinh nguyên
Mùa xuân mang cả nỗi niềm hiển linh.

Em về trang điểm thật xinh
Ngày xuân ấm áp chân tình yêu thương
Bao lời hẹn ước vấn vương
Vui ngày xuân mới uyên ương hợp bày

Xuân về duyên thắm tình đầy
Xuân về ấm áp trong tay Mẹ hiền
Cả nhà vui cúng tất niên
Mọi người sum họp đoàn viên chúc mừng

Lê Tuấn




Thuyền Hoa Xuân

Thuyền có chở em về thăm bến cũ
Xin hãy cho tôi rực sáng đêm trăng
Hãy nói lời yêu ngọt ngào say đắm
Khoảng trống hồn tôi bóng tối vắng tanh.

Thuyền có chở mùa xuân hoa đào nở
Cánh mai vàng rơi rụng dưới bước chân
Vòng tay ôm choàng vai bao nỗi nhớ
Những nụ tầm xuân rực rỡ muôn phần.

Tôi thả hồn tôi mùa xuân vừa đến
Đôi cánh nhẹ bay lặng lẽ hư vô
Em đón hồn tôi nụ hôn thần thánh
Dưới bóng trăng, tình nổi sóng nhấp nhô.

Hẹn mai nhé em về thăm phố cũ
Ánh trăng rằm soi sáng lối em xưa
Hai bóng bên nhau nhảy điệu luân vũ
Tiếng nhạc xuân tình đẫm ướt như mưa

Lê Tuấn



Nỗi Nhớ Ngày Xuân

Nhà ở nơi đây không khói lam chiều
Xuân ở nơi đây thiếu mai vàng nở
Bóng chiều xuân trở về từ muôn hướng
Mỗi hướng lòng còn vương vấn giấc mơ.

Ngày xuân đến ngàn hoa sắc pháo hồng
Sao ta vẫn thấy nỗi lòng thương mến
Nhớ quê nhà bếp ấm vui ngày Tết
Nhớ Mẹ già, nỗi nhớ càng buồn thêm.

Bóng thời gian thì quen dần chuyển tiếp
Mà lòng ngưới tâm tưởng vẫn chưa phai
Nhiều dấu mốc còn đi theo nhịp bước
Mỗi độ xuân về thương nhớ u hoài.

Ký ức thì vẫn còn như trọn vẹn
Kỷ niệm thành mảnh phế liệu thời gian
Ngồi ghép lại cho muôn trùng thương nhớ
Để hồn ta thương mắt lệ tuôn tràn.

Lê Tuấn


Bài Thơ Tết Cho Em


Chưa đoá hoa nào vương mắt anh
Vì môi em nở nụ cười xuân
Đôi môi mật ngọt, say ong bướm
Chứa cả hồn xuân, tình đến gần.

Ngày Tết trưng bày bao kẹo mứt
Nhưng không ngọt lịm bằng môi em
Môi hồng thấm đậm trong tình ái
Lưu luyến hương say, rượu ướp sen.

Ngày Tết người ta đốt pháo mừng
Nhưng anh hờ hững chẳng buồn xem
Vì em rực rỡ hơn hoa Tết
Và tiếng em cười rỗn rã thêm.

Ngày Tết thường hay chơi đánh bài
Bầu cua, xì dách đánh bài cào
Nhưng anh chẳng thích trò đen đỏ
Vì có em hơn cả ngọc ngà.

Ngày Tết không thèm dạo phố đông
Không thèm nhạc hội hay vui đùa
Vì em bên cạnh lòng chan chứa
Quên hết lo buồn chuyện gió mưa.

Đã có em mang lại mộng đời
Cần gì những thứ ở xa xôi
Cần gì hoa nở cho ngày Tết
Xuân đã thua rồi, em nối ngôi.

Lê Tuấn
Viết cho vui ngày Tết
Bài thơ cảm tác theo ý nhạc (Bài Ca Tết Cho Em)




Nhớ Xuân Về

Chợt tỉnh giấc, xuân về thơ mộng quá
Hạt sương đêm còn đọng cánh hoa xuân
Cành hoa mai đâm chồi thêm nụ mới
Áo em bay, dịu dàng theo bước chân.

Phố xá đã quen thăng trầm dịch Covid
Mặt nạ còn đeo che dấu môi son
Tưởng nhan sắc sẽ tàn theo dịch bệnh
Nào ngờ đâu xuân tình vẫn măng non.

Thung lũng vàng hoa xuân về gặp lại
Một trời hoa, hoà nhịp tiếng xuân ca
Lòng bồi hồi tình như còn say đắm
Xin gửi niềm riêng, nỗi nhớ quê xa.

Lê Tuấn
Mùa xuân trên ‘Thung lũng hoa vàng’



Lời Chúc Đầu Năm Mới

“Song thất lục bát”

Mượn giấy bút viết thơ tặng bạn
Chúc năm mới vạn sự yên vui
Dịch covid sớm bị đẩy lùi
Quên buồn lo, lấy ngọt bùi yêu thương.

Nhâm Dần, Tết đến mừng thọ
Mọi nhà xum họp hết sầu lo
Cầu mong hạnh phúc ấm no
Bình an, như ý, đầy kho bạc tiền.

Mùng Một Tết nâng ly rượu uống
Cùng hân hoan quên hết chuyện đời
Chúc nhau cuộc sống tuyệt vời
An Khang Thịnh Vượng, xa rời khó khăn.

Hãy vững tin tương lai rực sáng
Tâm bình an, như gió thoảng bay
Thời thế có lắm đổi thay
Tâm không chao đảo, mộng đầy hoa xuân.

Chúc người Việt Nam khắp năm châu
Nhâm Dần năm mới, sáng mọi điều
Niềm vui hoà thuận thương yêu
Cho đời xuân mộng, mỹ miều gấm hoa.

Lê Tuấn




Theo Gió Xuân

Bước theo ngón gió xuân
Gặp em tà áo đỏ
Đứng chờ ai nơi đó
Lòng ta lại phân vân.

Em đang tuổi thần tiên
Chúa xuân hẹn đón chờ
Em ngây thơ ngần ngại
Thời con gái mộng mơ.

Hồn xuân thật nên thơ
Đôi mắt em ngây tròn
Môi hồng như muốn nói
Nghe tiếng em cười giòn.

Tặng em cả mùa xuân
Hoa thơm cài trên tóc
Gió lùa hương lúa mới
Trời xuân đẹp muôn nơi.

Từ thôn quê phố thị
Hương xuân mối tình si
Hòa cùng theo tiếng hát
Đùa vui nét xuân thì.

Một mùa xuân an lành
Cuộc đời mãi tươi hồng
Một tình yêu nồng thắm
Hồn quê đẹp trong lòng.

Tế Luân
Viết cho mùa xuân
12-11-23



Thung Lũng Chiều Thu

Chiều thu trên thung lũng
Thảm hoa vàng mông mênh
Nghe nồng nàn hoa cải
Vạt áo nàng hớ hênh.

Phải chăng em mùa thu
Một thời vẫn đợi chờ
Hương thơm mùi cỏ dại
Ánh mắt đầy ước mơ.

Em đẹp nét thơ ngây
Vàng phai dáng hao gầy
Thu và em là một
Cùng hoa lá nhẹ bay.

Hương cải vàng nồng cay
Màu vàng hoa đắm say
Đón em về lễ hội
Cho nhau niềm ngất ngây.

Ai về qua thung lũng
Bâng khuâng trải nỗi niềm
Tôi xin bó hoa cải
Tặng em nỗi niềm riêng.

Em! Nồng nàn hơi thở
Đôi môi ấm nụ hôn
Thung lũng tràn nỗi nhớ
Tiếng chuông ngân gọi hồn.

Lê Tuấn
Buổi chiều thu trên Thung Lũng Hoa Vàng.


Chỉ còn anh và em

Đời đã yên những mùa bão tố
Tuổi đã già yên nghỉ thong dong
Nghe trời đất hát đời vang vọng
Ngỡ như tiếng sóng vỗ trong lòng.

Đường nào đo chiều dài nỗi nhớ
Hàng cây nào che kín yêu thương
Vui từng gang tấc trong kỷ niệm
Để những tàn phai còn vấn vương.

Chỉ còn anh và em ở lại
Cùng tình yêu phủ kín đời nhau
Nhớ thương trời đất còn chan chứa
Vét cạn đời nhau những cơn đau.

Hai đầu nỗi nhớ trong đêm vắng
Lặng lẽ nằm nghe những cơn mê
Mơ màng một cõi hồn xiêu lạc
Đêm xuân, quên mất lối đi về.

Nhớ xưa thế sự gây ly tán
Nước loạn, cuồng điên chủ thuyết gì
Ngọn bắc phong tràn về nhiễu loạn
Người gọi người bỏ nước ra đi.

Anh cùng em chúng mình trôi nổi
Vui đồng hành đến xứ tự do
Nổi trôi, sóng gió đời tuôn chảy
Ơn trời cuộc sống cũng ấm no.

Chỉ cho con chỗ xưa khổ lụy
Đời trưởng thành từ những thương đau
Vấp ngã đừng chờ ai níu kéo
Tự đứng lên, vững bước đi mau.

Đời yên, sóng lặng đêm thiu ngủ
Giường cũ, nằm nghe những tàn phai
Chợt nhìn sợi tóc già rơi rụng
Mà nghĩ thương về bóng tương lai.

Bật khóc tạ ơn đời hiến tặng
Phận người may mắn đã đi qua
Tha phương xứ lạ con thành đạt
Năm tháng còn đi bước thật xa.

Đun nước pha trà ngồi độc ẩm
Xem tình nhân thế bóng phù vân
Viết bài thơ, ngâm câu đắc ý
Chỉ còn anh và em chí thân.

Lê Tuấn
(Người nghệ sĩ lang thang trong tâm tưởng)








cuộc sống thi ca