Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Thơ Và Thiền

Thơ Và Thiền

Thơ và Thiền gặp nhau trong lẽ tự nhiên của đời sống, cả hai cùng  cảm nhận từ trí tuệ, và qua tri thức để thể hiện. Thơ và Thiền là hai mối duyên gặp gỡ để hòa nhập, để cho tâm hồn bình an, tĩnh lặng, khai mở tâm trí vô minh, để cảm nhận được sự huyền diệu trong cuộc sống.
Thơ không cần phải có nghĩa, vì tự nó đã thật sự hiện hữu, cái hồn của thơ đã thật sự hoà nhập với thiền tính mà chính người thơ không hay biết. Thơ không lý tưởng hóa mọi suy tư, mà thơ trở nên thi vị hóa, vì tính chất lãng mạn của thơ, vì thế thơ chính là sứ giả đem thông điệp của chân thiệm mỹ, của lòng từ bi, bác ái, đến với đời sống một cách nhẹ nhàng, êm dịu, để giải thoát
con người ra khỏi vô minh, lầm lạc. 
Những triết ly của Thiền định, ngay cả những kinh kệ của Phật Pháp, đều sử dụng thơ để thi vị hóa, làm cho người đọc dễ cảm thụ hơn, dễ đi vào tâm hồn hơn.

Thiền là tĩnh lặng, trầm lắng, để lý trí vượt ra ngoài sự vướng bận, suy tư, để đi về cõi không tánh, suy tư về những điều không thể thấu hiểu được. Thơ và Thiền có một điểm chung đó là tính chất siêu nhiên, vì thơ cũng có những điều không thể lý giải và có những điều thật dễ hiểu, cũng như Thiền có những điều không thể hiểu được. Thiền tạo cho tâm lắng động để từ đó, sẻ khai mở tâm trí vô vi. Thơ cũng thế, đôi khi nó trở thành vô ngôn, nhưng đến một lúc nào đó, thi nhân chợt nhận ra một từ ngữ để viết thành một câu thơ, khi đó nó trở nên hiện hữu. Thiền và Thơ gọi là Ngộ và Nhận, cả hai cùng dung nạp một tâm thức, và trí tưởng tượng của ta, đủ khả năng tạo ra một tư tưởng riêng biệt.
Thiền là suy tư, mượn trí tuệ để xóa đi tri thức, cho đến khi đạt đến cảnh giới của tánh không, một sự trống rỗng. Ngôn từ cũng như ngón tay đang chỉ lên mặt trăng, thực tế mặt trăng đang hiện hữu, không cần ngón tay để chỉ ra sự hiện hữu của mặt trăng. Thiền cũng vậy, vốn dĩ là tánh không, do đó không cần ngôn từ để định nghĩa.

Thơ khác với Thiền, cũng là suy tư, nhưng mượn trí tuệ để sáng tạo, không xóa bỏ mà xác nhận một thực tại, rồi thi vị hóa trí tư tưởng, viết ra thành ngôn từ. Thơ chính là sự hiện hữu, được diễn tả bằng vần điệu của thi ca.

Trọng tâm của Thơ là sáng tạo một cảm xúc. Trọng tâm của Thiền là thức tỉnh để nhận thức. Thơ và Thiền là hai mối trợ duyên bên nhau.

Thơ là một hình thức sáng tạo trong văn học, đầu tiên của loài người. Thơ cũng mang một tính chất nghệ thuật, dùng từ ngữ được chọn lựa từ ngôn ngữ để làm chất liệu, tổng hợp và sắp xếp thành câu văn, thi vị hóa qua vần điệu, thẩm thấu qua tâm tư người đọc hay nghe.

Điểm qua lịch sử từ mấy ngàn năm trước.
Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn (Văn Tâm Điêu Long). Lưu Hiệp đã đề cập đến ba yếu tố cơ bản cấu thành một bài thơ đó là:
1- Tình cảm, (ý nghĩa của bài thơ)
2- Ngôn ngữ (ngôn từ chọn lựa của bài thơ)
3- Âm thanh (giai điệu, trong thơ có tiếng nhạc).
Kế thừa quan niệm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ:
"Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa”
Với thơ, nguồn gốc là 4 yếu tố:
A- Gốc, là tình cảm
B- Mầm lá, là ngôn ngữ
C- Hoa, là âm thanh
D- Quả, là ý nghĩa".


Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả gắn liền với nhau trong một thể thống nhất, hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển.
Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy, đang biểu hiện trong toàn diện bài thơ.
Cội nguồn của thơ, chính là cá tính tự nhiên, của người làm thơ, ngoài yếu tố bản tính tự nhiên, nó còn chịu ảnh hưởng và chi phối bởi ngoại cảnh, địa lý, và quan trọng hơn đó lá yếu tố văn hóa của từng giai đoạn lịch sử. 
Tôi không có tham vọng, để viết về một đề tài quá trừu tượng, quá rộng lớn của hai lãnh vực, Thiền và Thơ, tôi chỉ mạo muội thu tóm lại ý tưởng chính yếu, sự đồng dạng và khác biệt của Thiền và Thơ.
Tôi xin mượn bài thơ “bước chân thiền hành” để kết thúc bài viết ngắn. Mong quý đọc giả bỏ qua những điều thiếu xót.


Bước Chân Thiền Hành

Bước chân theo lối hành thiền
Tâm linh tĩnh lặng cõi phiền qua nhanh
Cuộc đời hữu hạn hư danh
Thế nhân sao lại tranh dành cùng nhau.

Tâm không day dứt sao đau
Người không tham vọng sao cầu thứ tha.
Sinh ra trong cõi người ta
Tài hoa hứng trận phong ba lẽ thường.

Mình ta ôm lấy đoạn trường
Đôi vai gánh cõi vô thường mà đi
Hoàng hôn khép bóng tà huy
Thời gian nhuộn nét xuân thì héo hon.

Một thời khi tuổi còn son
Suối đam mê chảy bào mòn tâm hư.
Tuổi già khởi niệm suy tư
Thiền Tông góp tiếng ngôn từ Hư Vô.

Rừng xưa thay lá vàng khô
Trăng soi bóng nước, mặt hồ lặng im
Thế nhân sao vẫn đi tìm
Bóng trăng huyền ảo, đắm chìm trong mơ.

Lòng Thiền (Lê Tuấn)














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét