Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Hồ Trường

Ngày xuân tản mạn về loại rượu Hồ Trường và bài thơ Hồ Trường.

Hồ Trường đã trở thành một tên gọi, để ám chỉ một loại bình đựng rượu. Hồ Trường cũng là tên của một bài thơ rất nổi tiếng của Tuần Phủ Nguyễn Bá Trác.
Hồ trường là nậm rượu, hay bầu rượu mà hình dáng như trái bầu người xưa hay dùng để đựng rượu.
Trong văn chương thi phú, người ta thường viết nhiều về bình rượu túi thơ, và trong các bức tranh thủy mạc thường vẽ những Tiên Ông cầm trên tay một cây thiền trượng có treo một bầu rượu thắt một giải lụa mầu, trông rất phong lưu và lãng mạn. Trong nghệ thuật tạo hình, trải dài qua thời gian hàng ngàn năm, con người đã sáng tạo ra biết bao loại bình đựng rượu, những vật dụng đươc chế biến từ đất nung, như: sành sứ, thủy tinh và kim loại vân vân. 
Bầu rượu mang một phong cách riêng biệt vẫn là những bình rượu làm ra từ thiên nhiên, như ống Tre, sừng Trâu, sừng Bò, vỏ ốc, mà điển hình nhất vẫn là qủa bầu (hồ lô) phần thắt lưng eo được buộc thêm một giải lụa mầu rất đẹp.
Trong dân gian có một loại rượu lấy tên là rượu Hồ Trường. Hồ Trường là một loại rượu dược thảo, được ngâm và chế biến từ 32 loại thảo mộc khác nhau. Sau khi chế biến và chưng cất, loại rượu này sẽ được cho vào các thùng gỗ lớn, rồi đem vào các hầm ủ rượu từ 3 đến 5 năm mới đem ra đóng chai. Như vậy Hồ Trường chắc chắn phải là một loại rượu ngon.
            Hồ Trường là một bài ca của dân gian Trung Hoa. Sau này nó đã trở nên một bài thơ rất nổi tiếng. Khi đọc hay ngâm bài thơ này ta nghe một âm điệu rất bi thương mà hung tráng, rất khẳng khái và kiên cường, như được đốt cháy bởi ngọn lựa bi hùng của tráng sĩ. Trong văn chương Việt nam, bài thơ Hồ Trường được gắn liền với tên tuổi của thi hào Nguyễn Bá Trác.
Tuần Phủ Nguyễn Bá Trác, biệt hiệu Tiêu Đẩu. Ông sinh năm 1881 (năm Tân Tỵ). Tại làng Bảo An, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Ông thi đỗ Cử Nhân năm Bính Ngọ 1906. Sau đó ông theo phong trào Đông Du, do Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng. Ông đã sang Tầu sang Nhật để làm cách mạng và cuối cùng lại trở về Việt Nam (1916-1918). Ông phụ trách tờ báo tiếng Hán, tờ Cộng Thị báo. Năm 1917 ông làm việc với Phạm Quỳnh, phụ trách phần chữ Hán cho tờ Nam Phong Tạp Chí.
Sau này đường công danh của ông thăng tiến. Ông được bổ nhiệm làm Tuần Phủ Quảng Ngãi. Rồi lên chức Tổng Đốc Thanh Hóa và Bình Định. Tháng 8 năm 1945 khi Việt Minh lên nắm chính quyền, ông bị bắt và bị xử bắn tại Quảng Ngãi.

Nguồn gốc bài thơ Hồ Trường:
Bài thơ Hồ Trường lần đâu tiên được đăng trên Tạp Chí Nam Phong, trong phần chữ Hán. Số tạp chí từ 32 đến 35 (1919-1920) Tác giả viết bài này là Nguyễn Bá Trác. Thời bấy giờ 1919. Tạp Chí Nam Phong có đăng thiên phóng sự viết bằng chữ Hán, với tựa đề Hạn Mạn Du Ký của Nguyễn Bá Trác. Sau này thiên phóng sự đã được chính tác giả dịch ra tiếng Việt, tiếp tục đăng trên Tạp Chí Nam Phong, từ số 38 đến số 43 (1920-1921).
Trong thiên phóng sự này Ông Nguyễn Bá Trác đã kể lại câu chuyện bài thơ Hồ Trường.
Ông đã viết vào khoảng năm 1912. Khi ông lưu lạc từ Nhật (Đông Kinh) chạy sang Trung Hoa. Ông sinh sống tại Thượng Hải, trong thời gian này ông đã gặp một người bạn đồng hương là Nguyên Quân, người có chung một chí hướng, người bạn này có giọng hát rất hay, hát đúng giọng Quảng Đông. Một hôm hai người rủ nhau vào quán nhậu, cả hai khi rượu đã ngà say. Nguyên Quân đứng dậy vỗ bàn mà hát vang một bài thơ rất hay. Khi đó ở bàn tiệc kế bên, có một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát qúa hay nên bước sang hỏi là điệu gì mà hay qúa vậy
-Nguyên Quân trả lời, đây là điệu đặc biệt ở Phương Nam.
-Họ Lựu lại nói bài ca nghe rất bi thương mà hùng tráng, rất khẳng khái đầy nghĩa khí. Nam Phương mà có một điệu hát hay thế ư. Sau đó họ Lưu xin người hát chép lại bài hát này, Họ Lưu hỏi tên bài hát và tên tác giả nhưng người hát trả lời không biết, đây chỉ là bài hát lưu truyền trong dân gian. Vì không biết tên bài hát nên ban đầu bài này lấy tên là Nam Phương Ca Khúc.
Ông Nguyễn bá Trác đã viết lại bài này bằng tiếng Hán.
Trong thiên ký sự Hạn Mạn Du Ký, chính ông đã viết lại câu chuyện này. Sau này cũng chính tác giả Nguyễn Bá Trác dịch sang tiếng Việt. Khi dịch sang tiếng Việt, Nguyễn Bá Trác đã dịch rất thoát ý, ông dựa trên ý của bài mà lấy tên là Hồ Trường.
Chữ Hồ Trường lấy ý từ chữ Thương trong bài ca, chữ Thương được lập lại nhiều lần trong bài ca, mà chữ thương có thể đọc là chữ Trường.
Chữ hán Thương có nghĩa là ly rượu đầy, mời rượu cũng gọi là thương, ví dụ câu nói (Quản Tử thương Hoàn Công) nghĩa là Quản Tử kính cẩn mời rượu Tề Hoàn Công.
Tư uống rượu một minh cũng gọi là thương, ví dụ câu nói (Bá tửu bất năng thương) nâng ly khó uống một mình. Ông Nguyễn bá Trác đã mượn ý từ chữ thương đọc là trường, rồi dựa theo ý thơ. Nguyễn Bá Trác đã sáng tác thành Hồ Trường, một tên gọi rất hay cho bài thơ.  

Bài Hồ Trường phiên âm theo Chữ Hán.
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phú cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử thương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương.
Lập công bất thành, học bất lực, thiếu tráng hữu cơ thời hề, tọa thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng Đông minh thủy, Đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan.
Dư thương trịch hướng Tây sơn vũ, Tay sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trích hướng bắc phong khứ, Bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trích hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử.
Bản dịch sang tiếng Việt.
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về Nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối mầu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm,
thân đuổi cuộc sớm chiều
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu,
Thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển Đông, nước biển Đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi Tây, mưa núi Tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió Bắc, gió Bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời Nam, trong mây mù có người há miệng
điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngan đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa Nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Sau này có rất nhiều bài viết lại, nhưng mỗi bài đều có một vài điểm không giống nhau, ví dụ chữ (bẻ cột) có bài viết là (bẻ cật) Thật ra chữ bẻ cột mới đúng nghĩa. Bẻ Cột là một thành ngữ, vào thời Hán Thành Đế, có Chu Vương là người trung hiếu, giám khuyên can vua, nhà vua nổi giận sai chém đầu, trong lúc bị bắt lôi đi, Chu Vân uất ức bám tay vào cột trong cung điện mà vặn gẫy cột. Chu Vân được Tân Khánh Kỵ giải cứu, sau đó Hán Thành Đế biết Chu Vân là trung thần, nên tha tội, Thành Đế ra lệnh giữ nguyên cây cột gẫy để làm biểu tượng cho lòng trung hiếu của Chu Vân. Từ điển tích này nên mới có từ ngữ bẻ cột.
Tất cả những bài Hồ Trường dịch ra tiếng Việt. Tôi thích nhất là bản dịch của Nguyễn Bá Trác.
Bài này ông đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt như sau:
Hồ Trường
Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường.
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời Nam nghìn dặm thẳm, mây nước một mầu sương
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát, nghiêng đầu mà hỏi
Trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút, đá chạy cát giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người qúa chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Tôi đọc bài thơ Hồ Trường của dịch giả Nguyễn Bá Trác. Tôi chợt nghĩ tại sao tôi không viết lại bài này qua một thể thơ khác và thể hiện nó qua ngôn từ của hiện tại để mà diễn đạt những ý tưởng của một thời xa xưa. Từ suy nghĩ này tôi đã viết lại bài thơ Hồ Trường qua thể thơ 8 chữ, tôi mượn ngôn từ của của hiện tại để diễn đạt, nhưng vẫn giữ nguyên ý thơ và hào khí của bài thơ. Xin mời các bạn thưởng thức bài thơ 8 chữ do tôi phóng tác từ ý thơ Hồ trường.
Hồ Trường
Trượng phu sao không vung tay múa kiếm
Xé tâm gan, đứng dậy phù cương thường
Cớ sao còn ngao du cùng bốn biển
Trời phương Nam, mây nước một màu sương.
Học không thành, công danh buồn quên lãng
Sống bao lâu mà phung phí tháng ngày
Trăm năm sự nghiệp, chìm theo bóng xế
Vỗ gươm mà say, hãy uống cạn ly này.
Trời đất mang mang. Ai người tri kỷ?
Đến cùng ta uống cạn mấy hồ trường
Hồ Trường! Hồ Trường! rượu nồng cứ rót
Rót về đâu? Cho non nước bốn phương.
Rót về Đông phương! Biển Đông cuồng loạn
Rót về Tây phương! Mưa đổ chứa chan
Rót về Bắc phương! Ngọn Bắc phong vi vút
Rót về Nam phương! Trời Nam hoang tàn.
Nào ai say, ai tỉnh chí ta biết
Nào ai tỉnh, ai say lòng ta hay
Nam nhi dựng nghiệp, đứng giữa Trời Đất
Cớ sao buồn than vãn với cỏ cây.
Ctsq. Lê tuấn
Phóng tác theo ý bài thơ Hồ Trường.

 Ngày xuân chúng ta tự cho phép mình thả hồn vào những giây phút lãng mạn, nhâm nhi chén rượu ngày Tết cùng nhau thảo luận những đề tài về rượu, ngâm nga một vài câu thơ hay, như nhà thơ Quang Dũng viết “Thoáng hiện em về trong đáy cốc. Nói cười như chuyện một đêm mưa” 
hay Vũ Hoàng Chương viết. “Em ơi lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai”. 
Hay bài thơ mà tôi đã viết “Em là bóng đổ chiều rơi. Là chai rượu cạn chơi vơi lối về”. 
Chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Hồ Trường.


Ctsq. Lê Tuấn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét