Cuộc di cư này nếu không bị cộng sản ngăn cấm thì có lẽ người dân miền Bắc đã bỏ đi gần hết.
May ra chỉ còn lại những người ngu ngơ nhẹ dạ tin vào những điều láo khoét của bọn cộng sản, và sau đó ngay cả những thành phần bộ đội hy sinh vì bác vì đảng cũng bị đem ra làm vật tế thần thờ Mao chủ tịch và thờ Sitalin.
Hà Nội 1954 sau Hiệp định Genève. Xin làm nô lệ cho Nga, Tầu
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt. (thơ Tố Hữu)
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt. (thơ Tố Hữu)
Những ngày cuối cùng tại Hà Nội
Nhìn cảnh này sao giống như cảnh người dân Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4. 1975.
Tháng Tư nhớ Bà
Posted on October 23, 2015 by editor — 1 Comment
Quốc Việt
“Bà dặn con điều này, phải nhớ cho kỹ nhé con, đánh không nổi nữa thì thà tự tử mà chết chứ không để cho chúng nó bắt… Nhớ nhé, nhớ bà dặn nhé, thà tự tử hơn là để chúng nó bắt, nó làm nhục rồi cũng chết đau chết đớn con nhé…”
DCVOnline: Lên khung bài vào cuối tháng Mười mà cứ ngỡ vẫn là cuối tháng Tư.
Khi mới vào Nam, bà ở với chú và cô tôi. Còn mẹ con tôi thì theo bố và đơn vị di chuyển vài nơi (Rạch Giá, Ban Mê Thuột, rồi Quán Tre, Xóm Bến Cỏ – Đakao) trước khi về ở chung với bà.
Tuổi thơ của tôi có bà nội là ở xóm chợ Bàn Cờ.
Ông nội tôi thứ tư, ở ngoài Bắc người làng, họ hàng vẫn gọi bà tôi là bà Tư. Vào Nam bà sống bằng nghề làm vàng mã nên lối xóm quen gọi là bà Tư vàng mã. Mỗi sáng trước khi đi học tôi dậy sớm, phụ bà mở cửa hàng (gọi là mở cửa hàng nhưng chỉ là tháo mấy tấm phản gỗ đứng làm vách che mặt trước của căn nhà, kê ngang thành kệ, sắp xếp đủ loại giấy tiền, vàng bạc, nhang đèn, treo mấy con ngựa giấy…) Chiều về trước khi ăn cơm tôi lại phụ bà dọn dẹp hàng, đóng cửa.
Bà tôi vấn tóc, răng đen, ăn trầu và hút thuốc lào. Bà ngồi đâu là phải có chiếc điếu bát kế cận. Thuốc lào của bà hút quanh năm do một ông cụ người Bắc cứ một hai tháng lại từ Cái Sắn, Rạch Giá đem lên giao một lần hàng chục bánh. (Sau năm 1975, khi tôi vào tù, mẹ tôi còn vét được ít bánh tiếp tế cho con mấy kỳ thăm nuôi mới hết. Đám bạn bè đồng tù đứa nào cũng mê thuốc lào mẹ tôi tiếp tế. Tôi bảo “đó là gia tài của bà nội để lại cho cháu đích tôn, hút vào được lộc của bà phù hộ.)
Bà tôi tính nghiêm khắc, ít cười nhưng như tất cả mọi người bà, thương các cháu nội ngoại hết mực.
Cô tôi lấy chồng ở xa, mỗi năm chỉ vào dịp Tết mới đem con về thăm bà. Chú tôi ở hẳn nơi tiệm may áo dài của ông, còn con gái chú ở chung nhà với chúng tôi. Nhớ thuở anh em chúng tôi còn bé, lúc nào bà cũng có sẵn những thứ quà vặt cho cháu. Buổi trưa ngủ dậy, nếu không được bà cho vài hào ăn chè thì cũng có cái kẹo lạc hay chiếc bánh ngọt. Sau này lớn lên tôi mới biết, bánh kẹo là do chú tôi thường mua biếu bà, nhưng bà ăn rất ít, còn thì để dành cho lũ cháu. Phần bà, ăn cơm xong thỉnh thoảng quả chuối là xong. Họa hoằn tôi mới được bà sai chạy ra chợ, cách nhà mươi mét, mua cho bà miếng bánh đúc. Ăn cơm, có miếng thịt bà cũng chỉ cắn một miếng, còn lại bỏ bát cho cháu. Bố mẹ tôi mà cằn nhằn:
– Bà cứ xơi đi, chúng nó có rồi…
Bà bảo:
– Thịt con gà trong Nam này nó nhàn nhạt thế nào ấy, không như miếng gà ngoài Bắc mình… Cho chúng nó ăn hết đi, tôi chẳng ăn…
Đó là điệp khúc tôi nghe quen thuộc thuở bé, như thể bao giờ bà cũng chê quả xoài, quả mận trong Nam trông thì to, đẹp nhưng nhất định không bao giờ ngon bằng quả muỗm, quả roi ở quê hương miền Bắc đã xa mù mịt của bà.
Khi đã đủ lớn, có lần nghe bà nhắc lại câu nói quen thuộc ấy tôi nói với bà:
– Cháu nghĩ có lẽ tại ngày xưa như bà kể ở làng mình nhà nghèo, ít khi được ăn thịt nên mỗi lần ăn mới thấy ngon, chứ bây giờ mình ăn lúc nào cũng được nên thấy chán …
Bà nghiêm mặt mắng:
– Cha tiên nhân nhà mày, mày chửi khéo bà đấy à …
Mãi sau này tôi mới nhớ ra hình như lúc mắng cháu như vậy mắt bà có hơi rơm rớm …
*** Như tất cả mọi đứa cháu trên đời, tôi thích nhất là nằm nghe bà tôi kể chuyện xưa tích cũ ở làng ngoài Bắc và chuyện xưa, chuyện cổ tích (như chuyện Phạm Công Cúc Hoa, chuyện Cây tre trăm đốt, chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu…) Tôi hỏi bà sao bà hay thế, không biết chữ Quốc ngữ mà lại thuộc làu nhiều chuyện như vậy, bà tôi cười bảo hồi bé bà cũng được nghe, cứ nghe mãi thì thuộc chứ có gì là hay…
Tôi thích nghe nhất là những chuyện bà kể về quê. Bà kể tỉ mẩn, từ bụi tre đầu ngõ, cái ao cạnh nhà, con ngõ dẫn lên đê mà cô tôi hay bế thằng cháu ra xem thả diều khi bố mẹ tôi đưa con về thăm bà… rồi đến họ hàng làng mạc, những ông Tham bà Lý mà Tết năm nào bà cũng dắt tôi đi thăm ở xóm Sáu Lèo gần chợ Thái Bình.
Bà tôi hay kể về nạn đói năm 1945 ở làng. Bao giờ kể xong bà cũng nhắc đừng bao giờ phí phạm hột cơm, vì đấy là hột ngọc của Giời… ăn cơm phải chậm rãi, từ tốn, ăn cho kéo, đừng để rơi vãi, ăn phải vét bát cho thật sạch , trước khi rửa nồi phải chịu khó nhặt từng hột cơm sót, đừng vứt bỏ phải tội… mai sau chết thế nào cũng sa địa ngục, bị Diêm vương trừng phạt, đói mà không được chết, cứ lây lất như những người đói kém ở làng quê năm Ất Dậu, bò ra nằm la liệt khắp nơi…
Bà tôi kể chuyện làng quê rất nghèo, cả làng, cả họ chỉ có vài nhà giàu, hoặc có ruộng vườn, đất đai, hoặc có con cái, anh em sống ngoài Hà Nội. Gia đình tôi thì chẳng có gì, vì bà nội Cả của tôi mất sớm, bỏ 3 con thơ cho ông nội xoay sở, khiến bà động lòng thương cháu, chấp nhận về nhà ông để nuôi nấng các cháu, con chị mình.
Tuy nhiên mãi cho đến khi đã lớn khôn, chưa bao giờ tôi dám hỏi bà chuyện có lần nghe lóm từ mấy ông bà người làng rằng ngày bà bước chân vào nhà, bà bảo thẳng cùng ông tôi rằng “Tôi xin nói cho rõ là tôi về đây vì thương 3 đứa cháu con chị tôi mồ côi mẹ, không ai nuôi nấng, chứ không phải tôi về đây để làm vợ lẽ vợ mọn cho ông đâu nhá. Ông đừng có mơ tưởng mà hòng lem nhem, đừng để đến lúc ấy có gì rồi trách sao tôi không nói trước.” Nói xong bà cầm con dao quắm phập một nhát vào cạnh bàn rồi đứng dậy…
Bà kể chuyện khi bố tôi ra Hà Nội đi lính, gặp mẹ tôi theo chị ra buôn bán ở phố, phải lòng mẹ tôi rồi tự nhờ anh em bạn bè đơn vị về quê của mẹ tôi hỏi cưới rồi 2 người đưa nhau đi cùng đơn vị lên đóng ở Hưng Yên, mãi đến khi sinh con đầu lòng là anh tôi mới đưa nhau về chào bà. Rồi chuyện anh tôi bị sài qua đời lúc chỉ mới hơn 1 tuổi, khi tôi vừa sinh … Rồi chuyện bà cho người tìm nhắn bố tôi phải đưa mẹ con tôi về quê sống với bà nhưng bố tôi không chịu, vì muốn có vợ con đi cùng, vả lại còn sợ bà ghét mẹ tôi thì khổ…
Bà kể những ngày ấy, trong làng chỉ có mỗi bố tôi đi lính Quốc gia, còn người làng, và cả nhiều họ hàng đều theo Việt Minh. Hết người này đến kẻ khác nhắn nhe, khuyên dỗ bà nên gọi bố tôi bỏ lính về quê, không cần phải theo Việt Minh cũng được. Không có hiệu quả, có lúc bọn họ còn tìm trò này cách khác ngầm dọa bà…
Tôi hỏi,
– Thế bà làm sao, bà có sợ không?
Bà bảo:
– Bà sợ gì chúng nó, đứa nào theo Việt Minh mà chỉ lẩn quẩn ở làng mà bà không biết… Ngữ chúng nó thì như cáy ấy, dọa ai chứ dọa bà sao được. Bà bảo với mấy kẻ nhắn nhe kia rằng,
“Anh ấy là con tôi nhưng nay khôn lớn, ra đời rồi thì tự lo tự lập, tôi chỉ quanh quẩn ở xó làng này biết gì mà bảo ban, kêu gọi… Tôi chỉ biết nói vậy đấy, ông nào không chịu, đòi thế này thế khác thì mời về hẳn đây nói chuyện tận mặt với gái già này, chứ nhắn nhe bâng quơ thế kia thì chịu, chả biết phải nói thế nào …”
Ấy thế mà rồi họ cũng đành kệ bà. Cho đến khi có hiệp định Genève.
Lúc bấy giờ bố tôi đang học dở khóa Sĩ quan ở Bính Động, Hải Phòng và mẹ con tôi cũng ở ngay đấy nên ông chỉ kịp đưa vợ con xuống tàu theo đơn vị di cư sau khi đã gấp rút nhắn được chú tôi – bấy giờ đang học may ở Hà Nội – là phải về làng đưa ngay bà nội và cô tôi lên phố, rồi bằng mọi cách phải theo đoàn di cư, dù thế nào cũng không được nản lòng, bỏ cuộc mà ở lại.
Bà tôi kể chú tôi lẻn về thế nào, rồi ông trốn đi ngay kẻo bị Việt Cộng bắt, còn bà đã phải thu xếp tính toán thật chi ly rồi nửa khuya về sáng lén dắt cô tôi, băng đồng, vừa đi vừa chạy không kịp thở, toàn bộ tế nhuyễn chỉ có 2 tay nải quần áo đeo vai… Và cuối cùng thì bà, chú và cô tôi cũng kịp theo 1 chuyến bay di cư vào đến Tân Sơn Nhất, được bố tôi đã vào trước, đi tìm, đón đưa về ở trại tiếp cư Bình Đông.
Bao giờ kể chuyện quê xong bà cũng chép miệng:
– Chả biết đến bao giờ mới lại về được quê mình, ngữ này thì bà đành bỏ xương nơi đất khách thôi, buồn lắm con ạ…
Tôi nhớ, năm 7, 8 tuổi, có lần nghe chuyện di cư xong tôi đã hỏi bà:
– Tại sao nhà mình phải di cư hở bà?
– Tại vì không thể sống được với lũ Việt Minh con ạ (đối với bà thì mang tên gì thì chúng nó cũng vẫn là bọn Việt Minh, dối như Vẹm)
– Tại sao không sống được với Việt Minh hở bà?
– Tại vì chúng nó tàn ác lắm, mang máu chó chứ không phải máu người con ạ.
– Như thế thì đi là phải rồi, tại sao bà lại buồn?
– Tiên nhân nhà mày, bà buồn vì nghĩ đến mồ mả tổ tiên, ông bà bỏ lại bây giờ biết thế nào, có ai hương khói không. Mai này bà chết thì ước gì được chết ở quê hương làng nước cho khỏi phải xa cách ông bà, tổ tiên.
Lúc bấy giờ thằng nhóc tì tôi chịu không thể nào hiểu được tâm trạng của bà nội, mà theo tôi thật là mâu thuẫn như thế, để mãi đến bây giờ 60 tuổi đầu tôi mới lờ mờ hiểu được tâm trạng của cụ, đi thì phải đi, mà cái buồn vẫn cứ bám mãi cho đến ngày nhắm mắt…
***
Gia đình tôi gốc không hẳn là theo đạo Phật, mà đúng hơn là thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng bà nội và mẹ tôi đều có lên chùa quy y. Tôi nhớ hồi bé giao thừa năm nào cũng được theo bà đi lễ chùa đầu năm, hoặc là chùa Từ Quang ở đường Phan Thanh Giản (của cụ Tâm Châu), hoặc chùa Phước Hòa cạnh trường tiểu học Phan Đình Phùng. Đó là các chùa Bắc tông, tuy thỉnh thoảng thấy bà tôi cũng dắt đi lễ ở chùa Kỳ Viên, ngã tư Phan Đình Phùng – Bàn Cờ, là chùa theo hệ phái Nguyên thủy, Theravada… Tính bà tôi về chuyện lễ bái cũng không giống các cụ khác. Bà đến chùa là để lễ Phật, có cúng gì thì cúng, xong là về ngay, không la cà. Bà bảo chùa là để các Sư tu niệm, người thường đến lễ xong thì phải đi về, chớ có lẩn quẩn làm ô nhiễm không khí thanh tịnh thì phải tội…
Năm 1963 khi nổ ra cuộc tranh đấu của giới Phật giáo chống ông Diệm, với kết cục anh em ông bị các Tướng lãnh đảo chính và sát hại, bà tôi chép miệng:
– Cơ mầu này thì chẳng mấy chốc lại tan nát hết, lại chạy thôi con ơi…
Tiếp theo sau đó là những năm biến động liên tục, hết chỉnh lý đến biểu dương lực lượng, hết sư sãi đến sinh viên học sinh xuống đường đòi hòa giải, hòa bình… Mỗi khi có biến động, có thiết quân luật, giới nghiêm, bà tôi lại chửi đổng:
– Chém cha những quân cơm không ăn chỉ muốn ăn c… Làm người không muốn chỉ muốn làm chó…
Ở cùng bà nội một thời gian, bố mẹ tôi lúc ấy đã thêm con, đến năm 1959 tổng cộng anh em tôi đã 5 đứa, nên không thể tiếp tục chen chúc trong căn nhà gỗ có 1 gác với bà. Bố mẹ tôi dành dụm, vay mượn thêm đi mua 1 căn nhà nhỏ cũng ở cùng khu chợ Bàn Cờ, ở một hẻm kế cách bà vài chục thước.
Ngày 2 bữa tôi có nhiệm vụ xách cặp lồng đem cơm trưa và chiều mẹ tôi nấu nướng cho bà. Bà ăn một mình nhưng bao giờ cũng cho tôi ăn cùng. Mẹ tôi thì dặn, bà có cho con cũng không được ăn, để mình bà ăn cho đủ no… còn bà thì bảo, ngồi ăn một tí cho bà vui, ăn một mình bà buồn… Tôi bảo mẹ con dặn rồi, không nghe về bị đòn thì bà bảo bà là bà, thế mày nghe bà hay nghe mẹ …
Mãi đến lớn tôi mới hiểu, bà biết mẹ tôi khi bới cơm, có tí thịt cá thường dọn phần hơn cho bà, còn mấy mẹ con còn gì ăn nấy nên bà cố tình ép tôi phải ngồi ăn, để có được tí thịt tí cá…
***
Tết năm Mậu Thân cả bố tôi lần chú tôi đều có nhà trong đêm giao thừa. Năm ấy tôi cũng đã lớn (!) Đã biết thuốc lá cà phê, và cũng biết uống bia lai rai … Đêm giao thừa năm ấy cả nhà tôi quây quần, ăn tết lớn … nghe pháo nổ dòn suốt đêm, bà tôi bảo, “Quái, pháo gì mà nghe như tiếng súng ấy nhỉ…” Để đến sáng mùng Một khi mọi người sửng sốt với tin Việt Cộng vi phạm hưu chiến, tổng tấn công khắp nơi, bà tôi chẳng kiêng cữ gì cả mà chửi toáng:– Tiên nhân bọn Việt Minh khốn nạn, bà đã bảo, làm sao mà tin được chúng nó…
Chiến sự lan đến khu Bàn Cờ, lửa cháy mù mịt trong khu Vườn Bà Lớn, bên kia đường Nguyễn Thiện Thuật, bố và chú tôi đều đã gấp rút vào trại, nhà chỉ còn mẹ con tôi và bà. Bà bảo mẹ tôi chuẩn bị sẵn mỗi đứa 1 chiếc tay nải, trong đó gói sẵn mấy bộ quần áo tốt, hễ có chuyện gì là của đứa nào đứa ấy đeo lên vai, quàng qua cổ cho chắc. Riêng tôi bà dặn:
– Riêng con hễ thấy chúng nó là mọi cách phải chạy con nhé, kẻo nó bắt mày đi làm bia đỡ đạn đấy con ạ…
Sau đó khi có tin tức về chiến sự ở mọi nơi, nhất là chuyện tìm thấy những nấm mồ tập thể ở Huế, bà tôi bảo:
– Bao giờ thì người trong này họ mới hiểu được Việt Minh, Việt Cộng nó tàn ác dã man thế nào?
***
Năm 1972, khi chiến sự sôi động, đến lượt tôi nhận lệnh động viên nhập ngũ, dĩ nhiên bà tôi cũng buồn. Nhưng bà tôi buồn theo cách của bà, buồn mà không thở than, không rên rỉ. Khi tôi mãn khóa Thủ Đức, tình nguyện về Thủy Quân Lục Chiến, thấy mẹ tôi có vẻ lo lắng bà bảo:
– Không việc gì chị phải lo. Sống chết có số cả. Con người ta bao người cũng phải đi lính, cũng phải trận mạc thì sao… Tới số thì ở đâu cũng chết. Có thương thì thắp hương cầu xin Giời Phật, ông bà tổ tiên phù hộ cho nó…
Thỉnh thoảng về phép, thật sự tôi chỉ ghé về chào, thăm bà một chốc rồi đi ngay, vì tuổi trẻ cón lắm trò vui thú với bạn bè, bia rượu, gái gủng linh tinh chờ đợi… Rồi đến đêm trước ngày lên hậu cứ ra hành quân tôi mới lại ghé lần nữa chào bà. Lần nào bà cũng vừa mắng yêu, vừa chậm nước mắt:
– Cha tiên nhân mày, cứ về là đi biệt, bây giờ mới lại thấy mặt…
Và bà dúi vào tay tôi nắm tiền, bảo để uống cà phê, chứ đừng uống rượu lắm nó háo người…
Lần cuối cùng tôi về phép là tháng Mười 1974 khi được đi phép thưởng đặc biệt 5 ngày. Và vẫn không có gì thay đổi, nghĩa là bà nội tôi cũng chỉ gặp mặt thằng cháu đít tôm 2 lần, lúc mới về và khi hết phép. Cả cụ và tôi – như bao nhiêu triệu dân và quân miền Nam – đều không ngờ mấy tháng sau tình hình đột nhiên biến chuyển ngoài trí tưởng tượng.
Đầu tháng Tư 1975, khi về đến Vũng Tàu, mẹ tôi đi với Liêm và Nguyên -2 thằng bạn cùng Đại đội, cả 2 đều đang dưỡng thương ở Lê Hữu Sanh sau khi bị thương nặng trong trận Phong Điền mầy tháng trước đó, Liêm thì gãy tay, Nguyên thì mất một mắt – ra thăm con. Mẹ tôi kể, mấy ngày liền, từ khi nghe tin bỏ Huế, bỏ Đà Nẵng, bà nội tôi ăn uống thất thường, như người mất hồn, ngóng tin cháu. Đến khi Hạ sĩ Thanh, hậu cứ Đại đội, chạy về báo tin cho nhà biết tôi và đơn vị về đến Vũng Tàu bình an rồi, mới thấy cụ vui được một chút. Tôi chỉ nhắn mẹ về thưa với bà nội là khi nào được tôi sẽ cố xin phép về thăm bà, chứ bây giờ tình hình nhốn nháo thế này không thể đi đâu hết.
Sau ngày có tin đồn có thể đảo chánh, rồi vụ mấy phi công phản loạn trở cờ lái A 37 ném bom Dinh Độc Lập, TĐ 8 theo Lữ đoàn 258 về vùng Long Thành, nhận trách nhiệm hành quân mở rộng vòng đai an toàn từ huấn khu Long Thành về hướng Đông Bắc… Lúc bấy giờ, mặt trận Long Khánh, Xuân Lộc càng lúc càng căng thẳng. Áp lực mỗi lúc mỗi bắt đầu lan xuống vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 258 và của TĐ 8.
Đại đội 2 của tôi, nói riêng và cánh B Tiểu đoàn 8 nói chung, những ngày này thường xuyên phải tuần tiễu, tảo thanh, lội qua lội lại liên tục.
Không nhớ rõ chính xác ngày nào, nhưng tôi biết chắc là trước khi mặt trận Long Khánh của Sư đoàn 18 BB vỡ 2 ngày, buổi chiều khi Đại đội tôi kéo sát 1 đường mòn chờ nhận tiếp tế, tôi ngẩn người khi nhận máy từ Tiểu đoàn báo ra điểm tiếp tế gặp thân nhân.
Tôi hỏi Tánh, âm thoại TĐ có biết ai không, thì Tánh cho hay:
– Thằng Đình nhờ tôi báo là nó đưa bà nội lên thăm ông. Ông ráng ra gặp bà cụ rồi cụ theo xe tiếp tế về hậu cứ lại.
(Đình là Hạ sĩ Tiểu đội trưởng tín cẩn của tôi, từng theo tôi từ ngay tôi mới về đơn vị đến nay, bị thương trúng đạn vỡ bả vai sáng sớm 27/3 trong trận đánh lấy lại chiếc cầu Lăng Cô bị rơi vào tay đặc công VC hôm trước, nhưng không kịp tải thương thì đêm đến Đại đội tôi đã nhận lệnh triệt thoái, bỏ Lăng Cô đi bộ về Nam Ô xuống tàu xuôi Nam. Về đến Vũng Tàu bấy giờ Đình mới được về Lê Hữu Sanh điều trị và đang trong thời gian dưỡng thương.)
Trời đất, tôi không thể ngờ bà nội lặn lội tìm đủ cách để đến thăm tôi như vậy. Thế là vừa đi vừa chạy, tôi đến được bãi tiếp tế thì thấy trong đám lính tráng súng đạn có bóng 2 phụ nữ áo dài, vấn tóc. Đích thị đó là bà nội cùng đi với cô tôi.
Tôi la lớn:
– Trời ơi bà đi đâu đây?
– Bà đi thăm mày chứ đi đâu…
Vừa nói bà vừa bảo cô tôi đưa cho cái túi, mở ra trong đó có chai rượu, cây thuốc Capstan và gói cà phê bột. Xong bà hỏi tôi chậm rãi:
– Mày nói thật cho bà biết, tình hình liệu thế nào? Có chạy nữa không con? Bỏ hết cả ngoài kia rồi…
Đám lính tôi đứng quanh nhao nhao:
– Tụi con về đây rồi không chạy đi đâu nữa nội ơi…
Bà tôi nói rất từ tốn:
– Ừ, mấy hôm nay thiên hạ ở Sài Gòn nhốn nháo ra đi nhiều lắm rồi con ơi… người ta theo ông Thiệu, ông Khiêm đi cả rồi… bà tin là con không chạy đi đâu nữa hết. Nhưng bà dặn con điều này, phải nhớ cho kỹ nhé con, đánh không nổi nữa thì thà tự tử mà chết chứ không để cho chúng nó bắt… nhớ nhé, nhớ bà dặn nhé, thà tự tử hơn là để chúng nó bắt, nó làm nhục rồi cũng chết đau chết đớn con nhé…
Tôi và cả đám lính chẳng biết nói gì, ngay những thằng lính dày dạn, ngổ ngáo của tôi, nghe bà nói thế cũng đứng ngẩn người im lặng. Tôi phải giả lả trấn an bà, cố phá đi không khí nặng nề:
– Đừng lo bà ơi, chúng con về đến đây thì chỉ sống mái với chúng nó thôi bà ạ. Bà cứ yên tâm đi về đi kẻo tối.
Tiếp tế đã xong, tôi thúc Đình đưa bà và cô tôi lên xe về lại hậu cứ và dặn Đình nhớ đi theo bà về đến nhà.
***
Trong khi tôi, thằng cháu nội đít tôm của bà cùng đơn vị quần thảo với Cộng quân cho mãi đến đêm 29/4 mới được lệnh mò mẫm cắt hàng rào vòng đai căn cứ Long Bình, tìm cách ra cổng Tam Hiệp để về Sóng Thần vì đường qua ngã 3 Long Thành đã bị cắt … và khi về đến hậu cứ sáng ngày 30 tháng 4 thì vừa lúc nghe lệnh của Tổng thống vài ngày buông súng ở đâu ở đó chờ bàn giao… thì bà nội tôi đêm 27/4 rạng ngày 28/4 đã uống 2 chai dầu nóng quyên sinh, sau khi nhắn nhủ với bố mẹ tôi…
“Tôi không thể nào sống được với chúng nó, mà tôi cũng chẳng muốn chạy đi đâu nữa. Năm 54 bỏ làng, bỏ quê chạy 1 lần rồi, tưởng sẽ có ngày trở về, nào ngờ số giời đã định thế này thì thôi tôi không thiết sống nữa… Tôi đã gặp được nó rồi, nhìn được nó còn sống, trông khỏe mạnh như thế là tôi vui… Thôi mọi sự còn lại thì xin phó thác cho Giời đất…”
Sáng ngày 28/4 bố mẹ tôi bấy giờ cũng cố chạy lo được nhà đòn để cố đưa bà đi chôn ở nghĩa địa Phú Bình nhưng đến gần khu vực giữa Chợ cá Trần Quốc Toản và trường đua Phú Thọ thì đường bị chặn lại phải quay về. Quan tài bà phải đem gửi ở chùa Trấn Quốc nằm trên đường Minh Mạng. Qua sáng ngày 29/4, bố mẹ tôi cùng chú và cô tôi theo quan tài bà trên chiếc xe Lam cuối cùng len lỏi cũng đưa được bà đến nơi an nghỉ ở nghĩa địa Phú Bình.
Chiều 30/4 về đến nhà, bước qua ngạch cửa, tôi ngỡ ngàng nhìn bố đầu chít khăn tang đang ngồi gục trên bàn Thấy tôi vào, ông chỉ nấc được 1 tiếng, “Bà đi rồi con ơi…”
Từ đó, kể từ lúc bắt đầu cuộc đời tù đày, cho đến những lần vượt biên bất thành sau đó, cứ mỗi khi gặp nguy khốn, bao giờ tôi cũng lâm râm khấn bà, và chỉ biết kêu bà ơi cứu con… vì tôi vững tin bà rất linh thiêng, lúc nào cũng nghe được tiếng kêu cứu của thằng cháu đít tôm…
Và cũng như tất cả những đứa cháu vô ơn đáng ghét khác trên cõi đời này thằng cháu này của bà tôi cũng chỉ nhớ bà nó mỗi khi gặp chuyện khó khăn cần kêu cứu, còn thì hầu như nó quên tuốt cả bà (như quên lắm điều mà chính nó đã tự hứa với lòng từ ngày định mệnh 36 năm xưa).
Tuy nhiên, nói thành thật, thằng cháu bà cũng có thể đáng được châm chế đôi chút để tạm tha thứ cho cái tội ấy, vì hàng năm vào ngày 28/4 nó vẫn còn biết ngậm ngùi nhớ câu dặn dò của bà nội, bà cụ quê mùa răng đen tóc vấn Bắc kỳ, không biết chữ,
“Bà dặn con điều này, phải nhớ cho kỹ nhé con, đánh không nổi nữa thì thà tự tử mà chết chứ không để cho chúng nó bắt… Nhớ nhé, nhớ bà dặn nhé, thà tự tử hơn là để chúng nó bắt, nó làm nhục rồi cũng chết đau chết đớn con nhé…”
Và nó vẫn cố, chưa đến nỗi làm phụ lòng bà!
Tháng Tư 2011 – 36 năm dâu bể
© 2015 DCVOnline
Xin quy ban bam vao link duoi day de xem them nhieu hinh anh ve cuoc di cu nam 1954 :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét