Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nhạc Việt - Tứ Thơ - Tứ Phòng Trà

Chia sẻ bài viết của Nguyễn Hoàng Văn đăng trên tờ Việt Báo Online
https://vietbao.com/p301417a317379/nhac-viet-tu-tho-va-tu-phong-tra-

Nhạc Việt, “tứ thơ” và “tứ phòng trà”
04/11/2023Nguyễn Hoàng Văn





          Bị những kẻ mơ làm ca sĩ dai dẳng tra tấn trong cảnh sống chung chạ ở trại tỵ nạn nên tôi đã, như một hình thức phản vệ, tập cho mình thói quen thưởng thức bằng lỗ tai phân tích, chủ yếu trên khía cạnh ngôn từ.
        Không thể chặn ở bên ngoài lỗ tai, càng không thể để lọt vào tai này rồi tống hết ra ngoài qua lỗ tai kia, tôi chấp nhận sống chung bằng cách xem đó như là nguồn tư liệu cho cái trò chơi chữ nghĩa của mình và, dần dà, khám phá ra rằng, trừ một số đếm trên đầu ngón tay những nhạc sĩ tài hoa và thông tuệ mà tác phẩm ít được phổ biến lằm thì, đa phần, giới sáng tác trên lĩnh vực này hiếm khi có “tứ”.
        “Tứ” là yếu tố quan trọng nhất của một bài thơ và công việc đầu tiên của việc làm thơ phải là tìm “tứ”. Xuân Diệu đã đúc kết kinh nghiệm làm thơ của mình như thế: “Ngôn từ, lời, chữ, vần rất là quan trọng. 
        Tuy nhiên đó là cái quan trọng thứ hai, mà cái quan trọng thứ nhất, làm rường cột cho tất cả, là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài” [1]. Lời nhạc, trong các ca khúc, cũng vậy. Mà, phần đông, giới thưởng ngoạn của chúng ta vẫn chưa thoát nổi ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn vốn chỉ thịnh hành vào nửa đầu thế kỷ 19 nên, dẫu đã bước sang thời kỳ hậu-hiện đại, giới sáng tác nhạc của chúng ta vẫn còn bám víu vào khuynh hướng thẩm mỹ tiền-hiện đại này, luôn cố làm sao để lời ca nào cũng lãng đãng chất thơ.
        Nhưng “tứ thơ” là gì? Nhà thơ Chế Lan Viên, trên tạp chí Nghiên cứu văn học (11/1961) gọi đó là “ý lớn toàn bài” còn nhà lý luận văn học Nguyễn Xuân Nam, trong Lý luận văn học (tập 2, Nxb Giáo dục, 1987), thì là “hình tượng xuyên suốt bài thơ”, tuy nhiên cả hai cách giải thích này đều bị nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc bác bỏ, cho là “bất cập”.         Trong Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (Quê Mẹ, 1988), nhà phê bình cho rằng một bên chỉ “thiên về ý”, một bên chỉ “thiên về hình tượng”, là hai cách hiểu có thể đưa đến những mối nguy khi “đồng hóa thơ và vè”, khi xóa nhòa ranh giới giữa thơ hay với thơ dở và do đó, sẽ khiến giới mơ làm thi sĩ tưởng rằng làm thơ là chuyện dễ thôi, chỉ là “lắp ráp các hình tượng ngồ ngộ với nhau”. Theo Nguyễn Hưng Quốc thì “tứ thơ” phải bát ngát và sâu rộng hơn, như là “những suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời”.
        Trái tim thuộc về khía cạnh tình cảm, mà khi tình cảm phải đảm nhiệm phần việc của lý tính là “suy nghĩ” thì tứ thơ không phải là điều đơn giản, thành thử bao nhiêu người làm thơ – nhất là thơ tán gái “Yêu nàng, bao nhiêu người làm thơ” (“Sơn Tinh Thuỷ Tinh”, Nguyễn Nhược Pháp) – nhưng có được mấy người xứng đáng là nhà thơ?
        Nhạc cũng vậy và, hay nhất, là xét xem những ví dụ cụ thể, như bài “Lời Cuối Cho Em” của Nguyễn Vũ, chẳng hạn. Ca khúc này thường được các ca sĩ quằn quại diễn tả với vẻ mặt đớn đau, nhăn nhó, ra chiều sầu thảm lắm nhưng, khi nghe bằng lỗ tai bình thản của mình, cố tìm cho ra cái “tứ” của nó, tôi không thể nín cười:

            Nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau
            Anh chôn giấu đời ngàn năm lạnh giá
            Nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau
            Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi

        Nghĩa là tình yêu đang thắm thiết, không gì có thể cách chia và chuyện “lỡ xa nhau” chỉ là giả định, cho một tương lai rất xa. Thế nhưng chỉ sau vài câu thôi, tình ấy đã thay đổi 180 độ:
            Bây giờ chỉ còn đôi ba giây phút cuối bên nhau
            Em nói đi, em nói đi
            Dù chỉ một lời làm tan nát lòng nhau

          Thế là xa nhau thật rồi, đâu phải là giả định, đây phải là một tương lai xa, thật là… trớt quớt!
            Nếu đó là nhạc hài thì đây chính là yếu tố thành công, nói theo Mack Sennett (1880-1960) [2]. Là một tên tuổi lớn của Hollywood với danh hiệu “vua hài kịch”, từng là diễn viên rồi đạo diễn, nhà sản xuất, tham gia sản xuất hàng loạt bộ phim của Charlie Chaplin,                 Sennett đã tổng kết kinh nghiệm làm thiên hạ cười bằng một danh từ duy nhất là “inconsistency” mà chúng ta có thể dịch là “mâu thuẫn”, “bất nhất” hay nôm na hơn, như đã nói ở trên, là “trớt quớt”. Từ kịch hài đến phim hài hay đơn giản nhất là các câu chuyện tiếu lâm, điểm mấu chốt bao giờ cũng là những nút thắt “trớt quớt” để, khi mở ra được, khán giả sẽ phá ra cười.
            Nhưng nếu thế thì, với ca khúc kể trên, đâu “ý lớn của toàn bài”, đâu là “hình tượng xuyên suốt?” Chỉ vậy thôi, chấp nhận sự “bất cập” đã thấy khó, nói gì đến đòi hỏi cao vời như là “suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời”. Vân vân, có nhiều thí dụ như thế, và, để thay đổi không khí, hãy nhìn vào một chi tiết, nhỏ thôi, trong một ca khúc bình dân, “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân. Bị giới mơ làm ca sĩ nhét vào tai mãi, ngày nọ tôi phát hiện ra màn ảo thuật hoa vàng:

            Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
            khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Để rồi sau đó:
            Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
            mái tranh nghèo không người sửa sang
            khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân.

         Thế là thế nào? Thấy mai đào “nở vàng” nên mẹ biết là Xuân về và chờ trông con, nhưng con không về được nên ngày Xuân bị thiếu hoa vàng, thật là… trớt quớt!
         Cả một ca khúc mà giới sành nhạc tự phong xếp vào hạng “nhạc sang” hay “nhạc thính phòng” là “Niệm Khúc Cuối” của Ngô Thụy Miên cũng vậy. Bị một tay mơ làm ca sĩ tra tấn mãi, hết mở băng nghe đi nghe lại thì ôm cây guitar rên rỉ những âm cao âm thấp theo băng, rên đến mức nhão nhoẹt ngôn từ thì, đến một lúc nào đó, tôi ngơ ngác tự hỏi mình rằng chỉ có vậy thôi mà sao anh ta đau đớn thế: cái trán nhăn nhó, cặp lông mày nhíu lại trên đôi mắt có khi nhắm nghiền, có khi hờ khép như nhìn vào một cõi xa xăm nào đó theo tiếng hát:
            Dù cho mưa
            Tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
            Dù cho mây hay cho bão tố
            Có kéo qua đây
            Dù có gió có gió lạnh đầy
            Có tuyết bùn lầy có lá buồn gầy
            Dù sao dù sao đi nữa tôi cũng yêu em

          Lần thứ nhất nghe cũng hay hay. Lần thứ hai cũng đường được. Nhưng đến khi bị nhét vào lỗ tai thêm nữa, thêm nữa, tôi hoàn toàn ngơ ngác bởi, tất cả – mưa, mây, bão, gió, tuyết, bùn lầy, “lá buồn gầy” – có gì là to tát, kinh khủng? Không phải là “big deal” đã đành, chúng, thậm chí, còn là những hiện tượng cần thiết để làm nên cuộc sống muôn màu này, vậy mà làm như thể là trời sắp sập, như thể chiến tranh nguyên tử sắp nổ ra, một tiểu hành tinh nào đó sắp va vào trái đất: “Dù sao dù sao đi nữa…”
            Nếu mây, mưa cùng gió là những hiện tượng tối cần thiết của đời sống và bão tố là cơn trở mình khả chấp của thiên nhiên thì tôi, cá nhân tôi, như một vũ trụ của riêng mình, có thể khủng khiếp hóa những nhu cầu bình thường và cơn khó chịu của thân thể:

            Dù mỗi ngày phải ăn uống và hít thở
            Dù thỉnh thoảng bị khó tiêu, nghẹt mũi
            Dù bị ruột thừa, loét dạ dày hay sưng phổi
            Dù sao dù sao đi nữa tôi cũng yêu em
            được không?

           Chỉ khác ở tầm mức lớn nhỏ nhưng, xét về bản chất, cái “tứ” trong lời hát “nhại” này cũng chẳng khác gì nguyên mẫu? Nhưng nếu tôi là nhạc sĩ, viết ra những lời ca như thế, tất sẽ có người phản ứng bởi đã xúc phạm đến “tứ nhạc” của họ. Thứ “tứ” này, tạm gọi là “tứ phòng trà” hay, cách khác là “tứ by night”.
           Gọi thế là bởi những ca khúc phổ thông thường được giới kinh doanh ca nhạc quảng bá là “sang”, là “thính phòng” thường là những ca khúc thích hợp với không khí phòng trà, với hệ thẩm mỹ “by night”. 
            Nhạc của chúng ta, ở miền Nam thời trước, nếu có hai dòng chính là nhạc bình dân cho quần chúng giải trí mà sự phổ biến thuộc về cái máy radio thì, dòng nhạc “cao” hơn, cho giới trung lưu, lại chủ yếu phát sinh từ cái nôi phòng trà. 
            Nhạc bình dân để giải trí thì không bàn, đáng bàn hơn là nhạc của giới trung lưu, như một giá trị dẫn dắt bởi, dẫu sao, chúng cũng… tinh hoa hơn.
            Mà nói đến phòng trà có lẽ chúng ta phải lắng nghe nhà khiêu vũ học Peter Lovatt, nhà hàn lâm xuất thân vũ sư, giảng dạy môn tâm lý biểu diễn nghệ thuật tại Đại học Hertfordshire ở Anh [3]. Nổi tiếng như là “Doctor Dance” với công trình nghiên cứu công phu nhất về “tâm lý khiêu vũ”, 
            Lovatt ghi nhận rằng sinh hoạt khiêu vũ lôi cuốn con người qua hai chức năng kết giao xã hội và chọn lựa bạn tình, theo đó thì “cách hay nhất để lôi cuốn một bạn tình thích hợp là thả người một cách thoải mái và tự nhiên theo nhịp điệu”. Mà khi đã “thả” người như thế thì cũng có nghĩa là họ đang thoát đời và, do đó, cần gì đến “suy nghĩ của con tim trước cuộc đời” ngoài những ngôn từ viết sao cũng được, miễn là đèm đẹp, miễn là không lạc phách với nhịp nhảy.
            Nếu Lovatt sử dụng một thứ ngôn ngữ hàn lâm thì chúng ta, trong ý nghĩa đó nhưng nôm na hơn, có thể gọi nhạc của phòng trà, nơi để lựa chọn bạn tình, chính là một thứ… nhạc tán gái. 
            Mà cái hỏng của nhạc tán gái, xét cho cùng, cũng chính là cái hỏng của thơ tán gái đã nói ở trên. Khi làm “thơ” chỉ để xuôi tai người đẹp thôi thì cái cần thiết là những từ ngữ óng ả, đèm đẹp, cần gì đến tứ, cần gì đến “suy nghĩ của con tim trước cuộc đời”. 
            Nhạc tán gái cũng vậy nên, do đó, dẫu đã ghê gớm hóa “dù sao dù sao đi nữa / đưa em đến cuối cuộc đời” thì, cuối cùng, tác giả cũng a…trớt quớt trên khía cạnh “ý lớn toàn bài” hay “hình tượng xuyên suốt”:

            Rồi mai đây
            Ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
            Dù cho em em đang tâm xé
            Xé nát tim tôi
            Dù có ước có ước ngàn lời
            Có trách một đời cũng đã muộn rồi
            Tình ơi dù sao đi nữa
            Tôi cũng yêu em

            Nếu mây mưa bão tố là những biến dịch của không gian thì, dẫu đã kinh hoàng hóa chúng, tác giả vẫn phải buông tay bởi vì sự “muộn” nên, xem như, thời gian đã đè bẹp không gian và đây, phải chăng, là lý do để ông Vũ Thành An ra tay đảo chính?
Hãy nghe nhạc sĩ này, “Bài không tên số 8”:

            Về sau và nhiều năm sau nữa
            Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.

            Từ “chưa” là để diễn tả cái gì đó hướng tới phía trước, quá khứ xa tới quá khứ gần, quá khứ đến hiện tại, hiện tại đến tương lai hay tương lai gần đến tương lai xa: năm xưa chưa bằng năm nay và năm nay chưa bằng năm sau, năm sau chưa bằng năm sau nữa, v.v. Vậy mà ông nhạc sĩ này lại đi ngược và, suốt nửa thế kỷ qua, vẫn được để yên, chẳng mấy ai bận tâm trách ông nửa lời về cái lỗi góp phần làm hỏng tiếng Việt.
            Phải chăng là do khán giả của ông dễ tính?
Hay là họ, trong cái “tứ phòng trà”, không thèm quan tâm bởi nó không làm hỏng nhịp chân?
        Bởi thế, càng bị nghe những ca khúc như thế, tôi càng đau đáu suy nghĩ là, “về sau và bao nhiêu năm sau nữa” thì chúng ta, trong việc thưởng thức âm nhạc, mới thực sự thoát ra khỏi cái “tứ phòng trà” hay hệ thẩm mỹ “by night” hiện tại!

– Nguyễn Hoàng Văn

Chú thích:

[1] Lời của Xuân Diệu cũng như Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Nam, được dẫn theo tiểu luận “Tứ thơ” của Nguyễn Hưng Quốc trong cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (Quê Mẹ, 1988).

[2] Mack Sennett (1880-1960) người Mỹ gốc Canada, nổi tiếng như một nhà cải cách của phim hài.

[3] Lucy Tobin, “Why do people dance?”, The Guardian, Dec 15th, 2009.

Cuộc sống thi ca
Chia sẻ bài viết Theo Việt Báo online

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn (1936 - 2023)

Tưởng nhớ Nguyễn Đình Toàn



Nguyễn Đình Toàn (Sinh 6 tháng 9, 193 - Mất  28 tháng 11, 2023) là nhà văn, nhạc sĩ người Việt định cư ở Mỹ.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn sinh tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm tỉnh  Hàn Nội) và di cư vào Miền Nam 1954.
Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng:  tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, tùy bút. Tác phẩm Áo mơ phai đoạt  Giải văn học nghệ thuật của VNCH 1973. 
Ông còn có bút hiệu là Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.

Vương Trùng Dương Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn, Từ “Nhạc Chủ Đề” Đến “Áo Mơ Phai”



Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn, và chương trình ấy mang theo trong ngày tháng đời binh nghiệp.

Lời giới thiệu trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn mở đầu cho chương trình:

“Tình ca - những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta.

Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”

Tiếp đến, “Nhạc Chủ Đề” do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc, biên soạn và đọc lời giới thiệu với những tình khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng được diễn giải như những áng văn xuôi về âm nhạc… với những giọng ca đặc biệt như Anh Ngọc, Ngọc Long, Duy Trác, Sĩ Phú, Mộc Lan, Kim Tước, Thái Thanh, Lệ Thu, Lệ Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao... Chương trình nầy đã thu hút thính giả ở miền Nam Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến và đã in sâu trong tâm khảm giới thưởng ngoạn.

Theo nhà thơ Du Tử Lê: “ Nguyễn Đình Toàn di cư vào miền Nam, năm 1954, ông trở thành biên tập viên đài phát thanh Quốc Gia. (Mọi người quen gọi là đài phát thanh Sài Gòn, để phân biệt với đài phát thanh Quân Đội). Không biết có phải vì lý do công việc, hay để đánh dấu một giai đoạn khác của sự nghiệp văn chương, họ Nguyễn đã từ bỏ bút hiệu Tô Hải Vân, để dùng tên thật của mình, như bút hiệu. (Sáng tác nhạc với bút hiệu Hồng Ngọc)

Những năm đầu ở miền Nam, ngoài công việc thường lệ của một biên tập viên phát thanh, Nguyễn Đình Toàn còn cùng ký giả Phan Lạc Phúc, chủ trương một chương trình văn học, nghệ thuật cho đài phát thanh Sài Gòn...

Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông…”.

Ca sĩ Quỳnh Giao, góp mặt trong chương trình nầy viết:

Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ… Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Đình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc đó. Đáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Đình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!... Nguyễn Đình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ”.

Nhà thơ Đào Trường Phúc, có thời gian làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn ghi nhận:

“Qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Đề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng... mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau”.

Nhà văn BS Ngô Thế Vinh viết:

“Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Mỗi chương trình có một sắc thái hay riêng, nhưng có lẽ “Nhạc chủ đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy vào mỗi tối thứ Năm được chờ đợi đón nghe nhiều nhất. Những lời dẫn quen thuộc với giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn như nhập tâm vào mỗi thính giả:

Tình ca - những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…

Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.

GS Nguyễn Văn Tuấn từ Viện Nghiên Cứu Y Khoa Garvan Úc Châu trước và sau 1975 là một “fan” của chương trình Nhạc Chủ Đề. Anh Nguyễn Văn Tuấn viết:

“Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi...”. Rồi mới đây sau khi nghe lại CD Tình Ca Việt Nam Nguyễn Đình Toàn 1970, anh đã phải thốt lên: “Mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một “nhạc thoại” một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn”. Rồi cuối cùng, hai người bạn họ Nguyễn ấy như Bá Nha - Tử Kỳ cùng một kiếp tha hương, họ cũng đã gặp nhau không phải trên “một quê hương Việt Nam sợ hãi - chữ của Nguyễn Đình Toàn trong Đồng Cỏ” mà trên lục địa Mỹ Châu thênh thang tự do nhưng vẫn là lưu đầy”.

Với chương trình “Nhạc Chủ Đề” trích dẫn qua các tác giả ở trên nói lên giá trị của người thực hiện phải có tâm hồn, kiến thức về văn chương và âm nhạc… mà nay, hơn sáu thập kỷ qua vẫn được nhắc tới.




Từ “Nhạc Chủ Đề” Nguyễn Đình Toàn tiếp nối với “Tình Ca Việt Nam” từ trong nước đến hải ngoại.

Vẫn theo nhà thơ Đào Trường Phúc:

“Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Đề” - nhà văn Nguyễn Đình Toàn - thực hiện vào năm 1970. Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức “bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát... Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ tù thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố. Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Đan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Đào Duy... tiếng clarinette của Đỗ Thiều và Lê Đô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...

Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD. Nguyễn Đình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”…

Ba mươi quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu. Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Đình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau…”

Theo nhạc sĩ BS Phan Anh Dũng:

“Tình Ca Việt Nam”, chương trình nhạc do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc và ra mắt năm 1970. Sau khi tìm được cho chị (nhà văn Bích Huyền), tôi mới có dịp nghe trọn CD. Quả là một chương trình hay: toàn những bản nhạc nổi tiếng, hòa âm hay (tiêu chuẩn thời ấy) với ban nhạc Nhật Bằng, lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn ngọt ngào, kỹ lưỡng cho từng bản nhạc, với những giọng ca hàng đầu lúc ấy như Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Duy Trác… Tôi nghĩ Nguyễn Đình Toàn cố ý chọn một giọng ca “lạ”, Võ Anh Tuấn, hát với phát âm miền Nam bài “Dạ Khúc” của Nguyễn Mỹ Ca. Ông cũng tạo ngạc nhiên cho thính giả với song ca nam Sĩ Phú & Duy Trác hát “Tình Khúc Cho Em” của Lê Uyên Phương”…

Trong thời gian Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục sáng tác và nhiều lần tổ chức những buổi sinh hoạt âm nhạc, ra mắt sách của tác giả.

***




Nguyễn Đình Toàn tài hoa trong lãnh vực văn học nghệ thuật từ truyện, thơ, nhạc, kịch trong nhiều thập kỷ từ trong nước và hải ngoại.

Riêng về truyện, trước năm 1975 ở Sài Gòn đã ấn hành nhiều tác phẩm: Chị Em Hải (1962), Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964), Con Đường (1967), Ngày Tháng (1968), Phía Ngoài (1969), Giờ Ra Chơi (1970), Đêm Hè (1970), Đêm Lãng Quên (1970), Không Một Ai (1971), Đám Cháy (1971), Tro Than (1972)…

Với tác phẩm Áo Mơ Phai đã mang lại niềm vinh dự trong sự nghiệp cầm bút, đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1973 và cũng là tác phẩm, sau năm 1975 bị kết tội phản động nên bị tù! (Khi ông định cư ở Mỹ, ấn hành Tiểu Thuyết 1: Áo Mơ Phai, Con Đường, Tro Than. Tiểu Thuyết 2: Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi, Ngày Tháng – Người Việt ấn hành, hiện còn trên Amazon).

Trong quyển Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ của họa sĩ Tạ Ty, “Nguyễn Đình Toàn & Nỗi Buồn Trước Mặt” ghi:

“Nguyễn Đình Toàn mang tuổi trẻ đi vào tình yêu, như kẻ hành hương gian nan đi tìm thánh địa trong tâm tưởng. Mỗi nhân vật được nhà văn dùng tới hình như đã mang sẵn một bản án, một quyết định nên mọi diễn trình của nhân vật đều ôm theo nỗi bi đát của định mệnh. Hình ảnh cô liêu làm băng hoại suy nghĩ. Mỗi nhân vật dưới nét mực Nguyễn Đình Toàn được đẩy vào con đường không định sẵn hướng đi. Mỗi số phận cứ lần từng bước trong vũng tối của tâm linh và trở thành mù loà trước ám ảnh, dục vọng! Từng bước của nhân vật như đi vào miền lưu đày vĩnh viễn…

Nguyễn Đình Toàn, nhà văn luôn luôn khao khát hạnh phúc, nhưng tâm hồn lại trôi giạt vào vùng trời bất hạnh, ở đấy, hạnh phúc chỉ là phiền muộn! Con người đã biến thành trò chơi của Tạo hóa, nó bị lưu đày vào từng hố thẳm của ưu tư và bất lợi cho số mệnh an bài. Không một tác phẩm nào của Nguyễn Đình Toàn mở ra với ánh sáng, hầu như bao giờ nó cũng khỏa lấp vào u tối của oan trái, khắc nghiệt!”.

Áo Mơ Phai là truyện dài feuilleton thứ 13 trên nhật báo Xây Dựng năm 1971. Trước đó có những truyện dài viết feuilleton như Con Đường trên nhật báo Tự Do, Đồng Cỏ trên nhật báo Chính Luận và những truyện dài khác trên nhật báo Tiền Tuyến. Tác phẩm Áo Mơ Phai, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành năm 1972, tác phẩm với 300 trang gồm 9 Chương.

Nhân vật chính trong truyện là Lan, cô nữ sinh thơ ngây, trong trắng, nhí nhảnh với cuộc tình chớm nở với Quang. Những lần gặp nhau, đi bên nhau dạo phố phường Hà Nội rất đẹp, dễ thương thế rồi sau Hiệp Định Genève, chia đôi hai miền Nam/Bắc bao tang thương, phân ly ập đến, đứt ruột đành bỏ nơi chốn thân yêu để di cư vào Nam. Nhưng có thể hiểu “nhân vật chính” là Hà Nội trong trái tim của tác giả.



Trong bài viết của nhà văn BS Ngô Thế Vinh cho biết:

“Khi viết bài điểm sách Áo Mơ Phai, Huỳnh Phan Anh, đã nhận định: “Phải nhìn nhận rằng yếu tố 'truyện' là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm 'câu truyện' mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất ý nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn.” (Văn Học 10/02/1974).

Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai như một tác phẩm tâm đắc của mình: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Trong buổi mạn đàm với Hoàng Khởi Phong trên RFA (9/10/2006), khi được hỏi về Áo Mơ Phai, Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:

“Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”. (HKP Mạn Đàm Với NĐT, RFA 9/10/2006)

Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri” (Ngô Thế Vinh).

Mở đầu tác phẩm ghi “Hà Nội 1954

Tháng Sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều từ trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chính, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm…”.

Từ Chương Một đến Chương Chín, tác giả viết về Hà Nội trong những năm trước, mô tả từng con đường, góc phố, quán xá Hà Nội rất chi tiết, khi đọc mường tượng Hà Nội ngày tháng cũ từng thời tiết đến khung trời Hà Nội.

“Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ”

(Chương Một”)

“Hà Nội đẹp và quyến rũ nhờ ở cái khí hậu đặc biệt của nó, trong mỗi mùa người ta có thể thấy được cái giây phút đầu tiên của ngày giao mùa, mùa Hè sẽ dịu đi dần dần, cho đến một ngày người ta cảm thấy những trận gió chứ không còn là sự vận chuyển của những đám hơi nồng như ngày hôm trước, và như thế là mùa Thu đã lẩn khuất đâu đó. Nhưng khi mùa Thu thực sự trở lại thì người ta bao giờ cũng thấy như là mình đã nhận ra một cách quá muộn màng, bởi vì chỉ sau một trận heo may thổi vào giữa đêm khuya, trận gió nhiều người đã chờ đón để lắng nghe hoặc sự thay đổi đột ngột của thời tiết đã khua thức người ta trở dậy, bàng hoàng vì cái hơi lạnh đã ùa vào trong phòng, người ta có thể tự nhủ mùa Thu đã trở về, nhưng sáng hôm sau thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, ra đường người ta đã thấy mùa Thu không phải chỉ mới khởi đầu mà đã tràn vào đầy Hà Nội”.

(Chương Ba)

“Lan muốn được đi lại nhiều lần trên khắp mọi con đường, đi chẳng để làm gì cả, nhưng đối với riêng mình, Lan muốn ghi nhận lấy hình ảnh từng khu phố, từ bao nhiêu năm nay, nàng đi lại, lớn lên, trong bóng của nó, nhưng nàng lại chẳng bao giờ nhìn rõ một nơi nào cả, nàng đi lại giữa thành phố, như đi giữa một nửa có thật một nửa giả, những buổi sáng nắng chói, những buổi chiều u ám những tháng mưa giông, những ngày Đông lạnh lẽo, nhưng tất cả những sự đổi thay bên ngoài, Lan nhận ra lòng mình vẫn nguyên vẹn là tấm gương trong sáng…

Bỗng nhiên trong những ngày gần đây, Lan có cảm tưởng các bóng dáng của những hình ảnh nhìn thấy, cái lạnh lẽo ấm áp của thời tiết, cảm thấy bắt đầu báo hiệu sự đổi thay của nó, trên tấm gương lặng lẽ kia dường như chúng đang dần dần thoát ra khỏi tầm chiếu, tầm nhận ảnh của tấm gương, Lan lo sợ nghĩ rằng, một ngày nào đó, phải xa nơi này, nó sẽ chẳng còn sót lại một bóng hình nào của cái vùng trời bao la thân ái này nữa, tấm gương tự nó sẽ mờ tối, cái ánh sáng trong đáy sâu của tâm khảm nàng sẽ tắt, chẳng còn gì chiếu rọi cho nhìn thấy những hình ảnh của quá khứ, nhìn thấy bằng những lời thầm lặng ai oán”

(Chương Bốn)

Lan thường nghĩ sống ở Hà Nội là sống trong những kỷ niệm đổi thay về thời tiết. Người ta thở chung cái hơi thở của mùa màng, ấm lạnh theo từng nhịp biến chuyển của khí trời, một đời sống đầy vẻ mơ hồ đôi khi Lan có cảm tưởng huyễn hoặc chừng như nàng vươn vai cao lớn ngang với bầu trời sương muối, đôi lúc nàng thấy mình tan biến trong quãng không của khu vườn mùa Đông lạnh ngắt, có những buổi chiều Lan không biết rõ mình thức hay ngủ, bỗng nghe tiếng chuông nhà thờ rền vang từ phía xa, nàng run lật bật tưởng chừng như khắp người đang bị dư âm của những hồi chuông dội vang làm rung lên, có đêm giao thừa theo bố mẹ đi lễ trong Đền Ngọc Sơn, khói hương của những người đi lễ chen chúc trong Đền và ngay ngoài sân đến thắp lên dày đặc làm thành một màn sương bay thẳng lên các tàn cây mọc quanh sân đền, tiếng chuông trống ép trong ngực, và đám khói làm cho ngây ngất có lúc Lan tưởng không thở được, nàng chới với níu lấy tay mẹ, hai chân bước líu ríu gần như không chạm tới mặt đất nữa, Lan thấy hệt như mình đã biến thành một đám khói”

(Chương Năm)

“Tháng bẩy, rồi tháng tám qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều, Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn giống hệt như một thân thể mất dần những hồng huyết cầu. Người Hà Nội bỏ đi và Hà Nội đang ở trong tình trạng mắc chứng hoại huyết…

Hà Nội võ vàng trong cơn bệnh xâm chiếm đột ngột. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lặng lẽ, ngày ngày gồng gánh, dắt díu nhau lếch thếch kéo về Hà Nội nằm la liệt tại các công viên, các vỉa hè, đầy ắp trên sân Tòa Thị Chính, để được đưa đi tới các phi trường, bến tàu, di cư vào Nam...

Trong nhiều ngày, Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan thấy chân tay nặng nề không muốn cử động, hơi thở khó khăn.

Nàng mong đợi ngày đi để đi cho xong, cầu nguyện cho ngày khởi hành đừng đến vội, để còn được ở lại đây thêm nữa, ở lại Hà Nội, chia sẻ nỗi đau đớn của Hà Nội, sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượi với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những giọt mưa đọng trên các cành cây, những ngọn lá, chẳng khác Hà Nội khóc…

Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ”

(Chương Chín)

Tác phẩm Áo Mai Phơ, ngay cả tựa đề cũng khó hiểu về nội dung, tác giả chỉ đề cập đến vài nhân vật như ông bà Nam với cô con gái Lan vị thành niên với người tình là Quang trong những lần rong chơi để mô tả về nơi chốn Hà Nội.

Ông bà Nam xuất hiện ở Chương Ba, ông là nhà giáo, ông bà chỉ trò chuyện với con gái trong cuộc sống thường tình. Ông ưu tư trước thời thế và lo lắng những điều bất ổn xảy ra trong nay mai. Và, điều đó xảy ra trong giờ khắc nghiệt ngã khi phân chia đất nước!

Trong truyện ngắn Đêm Giã Từ Hà Nội của nhà văn Mai Thảo mô tả giờ phút cuối cùng khi rời Hà Nội nhưng trong Áo Mai Phai với câu kết: “Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nào, ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi, nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên, và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà Nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau. Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi làm Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không thể nào thở được nữa. Nhưng cái hơi thở hổn hển đó còn kéo dài mãi, dài như những trận gió heo may thổi quanh Hà Nội, thổi vào Hà Nội, trải dài hơn những hàng cây đang để trơ dần những cành gầy guộc, khẳng khiu. Tưởng tượng mạnh mẽ đến nỗi, có một lần Lan đút mấy ngón tay mình lên miệng, và nàng có cảm tưởng chúng cháy bùng như những cây nến”.

Theo ông, Áo Mai Phai coi như tác phẩm tâm đắc vì “Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi”.

Trong bài Hồi Tưởng của Nguyễn Đình Phương Uyển, con gái tác giả:

“Áo Mơ Phai, miêu tả chi tiết về quang cảnh Hà Nội. Chi tiết đến từng góc phố, từng con đường, từng mùi hương. Hà Nội qua ngòi bút của ông đẹp như tranh thế mà Cộng Sản lại bỏ tù ông vì tác phẩm nầy. Giải thưởng từ tay Tổng Thống nghĩa là bố tôi nợ máu với Việt Cộng nhiều hơn ai hết thảy”.

Ông bà Nguyễn Đình Toàn có 4 người con: Nguyễn Đình Thức, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Đình Thư. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Bà Tú Xương của Nguyễn Đình Toàn – vĩnh biệt chồng con, cháu… ngày 15 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi. Trước đó, ông bị bệnh hoạn, sức khỏe yếu kém rồi sau khi mất người bạn đời, tình trạng sức khỏe của ông rất thê thảm! Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại di sản văn học nghệ thuật quý báu cho người ở lại.





Little Saigon, November 30, 2023

Vương Trùng Dương

Long Hồ Vĩnh Long - Kính gửi quý anh chị

Long Hồ Vĩnh Long: Vương Trùng Dương Tưởng Nhớ Nguyễn Đình Toàn, Từ “Nhạc Chủ Đề” Đến “Áo Mơ Phai” (longhovinhlong.blogspot.com)

Long Hồ Vĩnh Long: Nhà Văn, Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn: Trọn Đời Mang Theo "Quê Hương Thu Nhỏ" - Kalynh Ngô/Người Việt (Hoàng Yến Sưu Tầm) (longhovinhlong.blogspot.com)

Long Hồ Vĩnh Long: Tình Khúc Thứ Nhất - Thơ: Nguyễn Đình Toàn Nhạc: Vũ Thành An Tiếng Hát: Đình Lộc (longhovinhlong.blogspot.com)

Long Hồ Vĩnh Long: Nguyễn Gia Việt Xin Cúi Đầu Tiễn Ông Nguyễn Đình Toàn (longhovinhlong.blogspot.com)

Kim Oanh

Cuộc sống thi ca

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Thơ sẽ chữa lành thế giời


Cuộc sống thi ca, chia sẻ một bài viết trên Việt Báo. Có tựa đề Thơ sẽ chữa lành thế giới.
Nhận xét của trang Cuộc Sống Thi Ca.
Thơ không lý tưởng hóa mọi suy tư, ma thơ trở nên thi vị hóa, vì tính chất lãng mạn của thơ, vì thế thơ la sứ giả dem thông điệp của chân thiện mỹ, của lòng từ bi, bác ái, đến với đời sống một cách nhẹ nhàng, êm dịu, để giải thoát tư tưởng con người ra khỏi u minh, lầm lạc.
Trích đoạn trong bài viết Thơ Và Thiền
Trong tập thơ Sen Già Nở Muộn
Louis Tuấn Lê

Từ Trang Việt Báo
Thơ sẽ chữa lành thế giới
01/12/2023Nguyễn Thị Khánh Minh


               Minh họa - Tranh Ann Phong

        Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới, https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-se-chua-lnh-the-gioi/)

        Và Pablo Neruda nói rằng: “Tôi bắt đầu cuộc sống trần trụi hơn Adam nhưng với tâm trí cương quyết duy trì sự liêm chính của thơ ca. Quan điểm không gì lung lay được này không chỉ hợp với tôi mà còn ngăn lũ ngốc cười nhạo. Và sau đó, nếu những kẻ ngốc này có trái tim và lương tâm thì họ chấp nhận, như những người tốt, những thứ cốt lõi được thơ ca tôi khuấy động lên, còn nếu chúng là kẻ ác tâm, chúng dần dần trở nên sợ tôi”. (Thái Hạo, Trích Pablo Neruda, “Thơ ca là một nghề”, dẫn từ ZZZ. Vanviet.info)

        Có phải, nếu cảm xúc bật ra từ nhịp đập cùa trái tim nhân ái thì sẽ duy trì được “sự liêm chính của thơ ca?” Và như nữ thi sĩ giải Nobel Thơ 1996 Wislawa Szymboska đã nói như tuyên ngôn rằng, Viết là Quyền lực để trường tồn.

        Xin mời bạn đọc cảm nhận những điều ấy qua các bài thơ của các tác giả: Hàn Mặc Tử, Robert Duncan, Wislawa Szymboska, Tuệ Mai, Mark Strand, Nguyễn Xuân Hoàng, Đỗ Tư Nghĩa, Phạm Phú Hải, Nguyễn Lương Vỵ, Phan Tấn Hải, Lưu Mêlan, Inrasara, Trần Hoàng Phố, Lưu Diệu Vân, Hoàng Lê, Trương Đình Phượng, Lê Vĩnh Tài, Phương Uy, Linh Văn, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trần Mộng Tú. – NTKM.

***

HÀN MẶC TỬ (1912-1940)


Mùa thương
(Trích đoạn 1)

Thơ chưa ra khỏi bút
Giọt mực đã rụng rồi
Lòng tôi chưa kịp nói
Giấy đã toát mồ hôi.

*

ROBERT DUNCAN (1919-1988)

Thơ, một điều tự nhiên

Cả thói xấu lẫn đức hạnh đều không
giúp thơ thành công. “Chúng xuất hiện
và chết như chúng hành xử mỗi năm
trên đá.”

Bài thơ
nuôi dưỡng từ ý tưởng từ cảm xúc từ xung lực
để tự sản sinh,
một thúc bách tinh thần lúc vội vượt những thang tăm tối.

Cái đẹp này là sự kiên-trì-bên-trong
hướng nguồn
gắng cự (bên trong) sự cuộn chảy của sông,
một tiếng gọi chúng ta nghe và đáp
trong sự trì chậm của thế giới
những tiếng gầm ban sơ
từ đó có thể trồi lên thế giới non trẻ nhất,

cá hồi không ở trong giếng nơi trái phỉ rơi,
cá hồi ở thác vùng quẫy ấp úng
mù quáng tạo nó.

Đây, bức hình duy nhất thích hợp cho tâm hồn.
Một thứ phù trợ: một con nai trong tranh Stubbs[1]
nơi những cái gạc kềnh càng năm trước
nằm trên đất.
Bài thơ diện-mạo-nai tuyệt vọng mang
những búp gạc mới,
cùng một thứ.
“nặng nề một chút, trù tính một chút”,
cái đẹp đáng kể nhất của hắn
toàn nai.

(Cù An Hưng dịch từ "Poetry, A Natural Thing". Trong Robert Duncan, “Selected Poems”, New Directions Publishing Corporation, 1997.)

[1] George Stubbs (1724-1806): một hoạ sĩ Anh, vẽ thú vật.

*

WISLAWA SZYMBORSKA (1923-2012)


The Joy of Writing

(Trích đoạn)

Tại sao con nai do tôi viết ra chạy qua khu rừng do tôi sáng tác?
Để uống một ngụm nước từ dòng suối do tôi viết ra
dòng nước trong veo sẽ in hình chiếc mõm nhỏ xinh của nó?

Không có chuyện gì xảy ra trừ phi tôi ra lịnh,
Không có lời chúc lành của tôi, không một ngọn lá nào rơi
Không một ngọn cỏ nào được rạp mình dưới bàn chân của một dấu chấm.

Niềm vui trong sáng tác.
Quyền lực để trường tồn.
Sự trả thù của bàn tay con người.

(Cao Thu Cúc dịch)

*

TUỆ MAI (1928-1983)


Tôi thơ mãi cho thơ tôi góp
thành số không ở cõi chon von
khi xếp cánh nghỉ dài vô hạn
tôi yêu tôi con số khoanh tròn…

*

MARK STRAND (1934-2014)


Những bài thơ không khí

Những bài thơ không khí đang dần chết;
chúng quá nhẹ cho trang viết, quá mờ nhạt, quá xa xôi,
những bài thơ mà chúng ta đã từng gọi là Trăng, là Sao, là Mặt Trời,
chìm xuống biển hay khuất sau những rặng cây lạnh lẽo
ở rìa cánh đồng này. Nấm mồ ánh sáng khắp mọi nơi.

Một ngày mùa hè hay một đêm mùa đông nào đó những bài thơ sẽ ngừng lại.
Không ai khóc, không ai ngước nhìn trời.
Một màn sương dày sẽ phủ đầy thung lũng,
một bóng tối không thể gột rửa sẽ giăng mưa trên những ngọn đồi,
và không có gì, không một bóng chim nào, đến hót.

(Linh Văn dịch từ “Poems of Air” – Tập thơ “The Late Hour”, 1978).

*

NGUYỄN XUÂN HOÀNG (1940-2014)

Gánh chữ

Kiếp tằm in hình hài chiếc lá
mỏng manh chơi vơi
gánh chữ vọng phu
chẳng mặc cả cuộc đời
chẳng đan màu thánh thiện

giấc ngủ lên men
cơn say bùa yêu hiền triết
trang sách hiện hình tương lai
hiện hình những cánh tay phù đổng vươn vai
nét vẽ đồng hồ
giấc mơ tượng đá

những lời răn phật tử
trang sách hiện hình
trái đất
vòng quay ngược.
*

ĐỖ TƯ NGHĨA (1947-2021)


Có khi viết xong một bài thơ
(Trích đoạn)

Có khi viết xong một bài thơ
hồn tôi như thân cây trụi lá
đứng chơ vơ
lạnh
dưới sương chiều.

Có khi viết xong một bài thơ
tôi như người say
như người chết đuối
như bóng ma
trở lại dương trần.

Có khi viết xong một bài thơ
tôi muốn đến ngồi im bên sóng biển
đọc thơ tôi
cho lũ dã tràng nghe

Biển sâu ơi
ai là người tri kỷ của ngươi
nếu chẳng phải
là bầu trời cao thăm thẳm?

*

PHẠM PHÚ HẢI (1950-2009)


Thi sĩ

Có bàn chân dài hơn con đường
Nên chân trời là những đốt xương
Của ai bỏ lại ngàn năm trước
Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường

Ngủ cũng có đôi khi mơ mắt
Chiêm bao thấy được vạn màu xanh
Giận quá giận đất trời vô loại
Nhẫn tâm xô chết những bình minh

Đi một mình đứng lại một mình
Dài hai bên thạch đỉnh chênh vênh
Thử buông tay thả người lơ lửng
Ở giữa thinh không lại ngủ quên

Trăng cho thi sĩ màu du tử
Đứng lại để nhìn vũ trụ đi
Cất bước mà xem khôn kìên chật
Bỏ bước về thanh trí tương tri

Nhạn gọi én xa mùa bước biệt
Có mấy già lụm cụm đi theo
Du tử cuối đường về góc núi
Bỏ lại trên sông một tiếng chèo

*

NGUYỄN LƯƠNG VỴ (1952-2021)

Thơ về thơ I


Một câu thơ đã chết
Một câu thơ hoài thai
Một câu thơ sắp chết
Gió huýt sáo dặm dài

Gió lưng ong cài lược
Chải sợi lông thời gian
Mềm dư vang sau trước
Chữ ứa một cung đàn

Chữ ứa một dung nhan
Nằm xếp hàng như mộ
Ta yêu em kiên khổ
Dẫu phí hết ngàn đời

Một câu thơ đi chơi
Một câu thơ bật khóc
Một câu thơ lăn lóc
Gió trong tờ lá non…

*

PHAN TẤN HẢI

Tay anh gõ chữ

(Trích đoạn)

Này này trang này là thơ, trang này là báo
Này này ôm từng đống giấy, ra ngồi giữa chợ,
lắp bắp bán rao, trang sách khi đầy lúc vơi, khi buồn lúc vui
Này này nước mắt, này em có thấy đây là nước mắt,
loang khắp từng trang, xin lật dịu dàng,
kẻo lời anh rơi, xin cầm thật khéo, kẻo chữ kêu đau…
… Xin dịu dàng, trang sách này còn xanh bóng đêm,
còn thoảng hơi rượu, còn vài nốt nhạc vọng về…
Một thời, một thời, một thời
Bây giờ anh gõ chữ, trang sách đầy tóc trắng, hư vô lạnh từng trang.
Bây giờ anh gõ chữ, tìm chữ bình an cho em, cho con, cho đời.

Từng trang sách một, anh
dịu dàng, thật dịu
dàng, không
để giấy kêu đau.

*

LƯU MÊLAN

1. Làm thơ

(Trích đoạn)

tôi phải làm một bài thơ mà dung lượng nó đầy lên
còn tôi:
rác.

Những lá thư
chúng đến
chậm chạp
như một tình nhân
ta bỏ quên đâu đó trong giấc mơ ta làm tình
chỉ để lại ký ức nhiều hơn gương mặt

và ta bấu víu vào trang giấy như một minh chứng của trở về hiện thực.

sự tỉnh táo của giấc mơ
làm tôi không nhận ra mình đang ở trong hiện thực
hay quá khứ
mọi thứ buồn cười
nhưng chẳng bao giờ ta cười được
sự nguy hiểm luôn bất ngờ

ta có thể chết
khi mơ.
Nhà thơ
… Bước vào, đi qua, bước chân chúng ta dù mạnh mẽ
Vẫn chỉ là những đường lằn trên óc.

2. Tên tác giả

Họ đi qua bạn, hai mươi bước
Có lẽ hơn, rồi quay lại nhìn bạn, đi tiếp, như bạn là một biển chỉ đường
Với vài chữ, tên bạn, những dấu (nếu có)

*

INRASARA

Thơ ca

Sẽ bật lên
tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng
hơi thơ dài lâu nén dồn lồng ngực
sẽ bật lên
hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất
sau trận mưa tháng năm
rì rào cho đời khúc hát xanh.

*

TRẦN HOÀNG PHỐ

Cái chết của bài thơ


Bài thơ bị cán chết hôm qua
Trên con đường đi đến giấc mơ
Với tiếng khóc của chữ
Và tiếng trời xanh rơi nức nở trong chiếc lá
vàng
tiếng khóc của âm thanh dịu dàng
đau đớn tiếng chim buổi sáng thu trong

Bài thơ bị xử bắn hôm qua
Chữ chết lặng lẽ trong giấc mơ đêm
Giấc mơ
có những vì sao rơi trong mắt giếng đêm
Chữ khóc
lặng lẽ với vầng trăng hạ tuần đang đi qua bầu trời đầy
nước mắt huyền ảo xanh
Máu
của vần điệu và hình ảnh chảy vào giấc mơ đêm trái tim tình yêu bơ vơ
Trong tiếng khóc chữ cô đơn

Bài thơ bị chôn
trong nghĩa địa trăng đêm qua
Nó lặng lẽ khóc
Chữ nằm bơ vơ
trong quan tài giấc mơ
Với hình hài của gió và ánh sao đêm
và con mắt giấc mộng

*

LƯU DIỆU VÂN

Bằng cấp chuyên gia thơ


ấy này là thời đại của các chuyên gia
huấn luyện khóa ngắn hạn
chỉ cần chiều cao và giọng vênh quả quyết
mua nhà cần chuyên viên địa ốc
giảm cân cần chuyên gia dinh dưỡng
nghệ sĩ tìm cố vấn hình tượng
thơ cũng đua đòi giám định thẩm mỹ đương đại

ngôn ngữ chuyên gia phải đầy phán quyết
lấp liếm thiển cận
có hoặc không
hay hoặc dở
chắc chắn không là có-thể, tùy theo
thái độ lưỡng lự
phản ánh
điều không đáng tin
thiếu tầm đổi mới
thơ ngập ngừng là thơ sắp lỗi thời
chuyên gia rởm thường lộ nước đôi

nhận định sai lệch không bao giờ nằm ở cổ chai
xấn xổ
biếng nhác
thâu hẹp
ảo tưởng quá đà
của ta
của người
hay của thơ người ý ta suy diễn ra
hay thơ ta tùy tiện áp đặt người

khi đối diện sức ảnh hưởng tương lai
thơ phản ánh thời đại
hay đại loại những thế lực ngược lại
các nhà tư vấn chữ nghĩa nghiệp dư
các chuyên viên thẩm định thơ tự xưng
chen lấn vào khung bình luận
công cộng cao tiếng dõng dạc
nguyên âm hóa hội chứng tự kỷ
lẽ ra
mắt nên liếc trái những bài thơ
cầu viện

*

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

Phút mong manh giữa những từ
(Trích đoạn)

1.
Tình cờ thôi, trong một chớp giao cảm
Thơ đặt vào lời tôi
ánh sáng một đôi cánh
Nó làm tất cả để cho tôi sống
Cho tôi bay cao
Chỉ riêng nỗi đau từ chính nó gây ra
Nó lại không làm gì cả
Chỉ thản nhiên bóc ra từ tôi những hạt lệ ...

Lời tôi viết
Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc,
Tôi viết nên bài thơ
Chẳng phải bằng con ruồi giả - như người ta câu cá -

2.
Khó mà thoát khỏi sự cám dỗ
Tôi mải miết
Điều gì sau khi đặt dấu chấm hết một bài thơ?

Sau vụ mùa
Tôi chỉ đem về nhà được đôi ba hạt lúa chín
Chút màu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng

Giống như tôi đã tắm, đã hưởng
Tất cả những ngọt ngào mát mẻ của con sông
Và dẫu tôi không mang về một hạt nước nào của nó
Nhưng làn da tôi thì mãi còn dư âm cái trườn mình
của dòng chảy

Bài thơ hoàn tất, dù là một điểm hẹn quyến rũ,
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Lại là lúc đoá hoa đang nở. Đang tỏa hương.
Tôi có gì đâu phải vội.

*

TRẦN MỘNG TÚ

Thế giới đã nát tan để lại vết nứt trên mình thi sĩ
(The world is broken, and a crack is left in the poet’s body – Heinrich Hein 1797-1856.)

Chiếc bình thân thể tôi
Sáng nay có một đường nứt
Trên vết nứt đó
Tôi nhặt ra được một câu Thơ

Cứ thế
Thi thoảng vết nứt
Lại cho tôi một câu Thơ

Tôi xếp những câu Thơ
Vào một cái hộp
Cái hộp có hình con Cá
Con Cá nuốt chửng câu Thơ
Không rơi ra ngoài một chữ

Vết nứt trên thân thể tôi
mỗi ngày một lớn
mỗi ngày tôi nhặt ra một câu Thơ

Tôi lấy kim chỉ khâu lại
như Bác Sĩ khâu những vết thương
nhưng tôi vụng về
tôi cựa quậy
đau đớn

Vết thương không bao giờ lành
Một vết nứt dài trên mình Thi Sĩ.


Cuộc sống thi ca

Số đặc biệt Tháng 12, 2023. Nhóm Hà Ngọc Mỹ Hân - Những sáng tác mới

NHÓM HÀ NGỌC MỸ HÂN KÍNH MỜI CHIA SẺ
SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 LỄ TẠ ƠN & SÁNG TÁC MỚI VĂN NGHỆ SĨ THỜI DANH

***
Mỹ Hân còn chút gì để nhớ để thương


https://youtu.be/eS7NfgI5rck

*KÍNH MỜI QUÝ VỊ THƯỞNG LÃM & CHUYỂN TIẾP
***
*ĐỀ MỤC CHÍNH:

*BIẾM-GIỚI THIỆU- VĂN THƠ LẠC VIỆT*TẢN MẠN-HỒI KÝ-VĂN THƠ NHẠC
***
*QUÝ VĂN NGHỆ SĨ THỜI DANH GÓP MẶT TRONG SỐ NÀY:
*PHẠM THIÊN THƯ -TRẦN QUÔC BẢO-PHẠM ĐỨC HUYẾN
*HÀ NGUYÊN DU-LÊ TUẤN-KQLÊ VĂN HẢI
*TRẦN KHÁNH-MỘNG LAN-TRẦN ĐÌNH PHƯỚC
*LÝ KIẾN TRÚC-NGHĨA LÊ-THANH THANH-NGÔ LÊ
*TÊ LUÂN-NGUYỄN HỒNG ÂN-THANH HOÀI
*VÕ TÁ HÂN-CAO NGUYÊN-DIỆU HIỀN-DU MIÊN
*TUỆ TÂM-HOÀI PHONG-QUÁCH PHỤNG ANH
*NGUYỄN NGỌC HOA-TUYẾT MAI-MAI LÊ
*NGUYỄN VĂN THƠ-GIÁNG HƯƠNG-HÀ THANH
*MINH DI-UYÊN DI-XUÂN TRƯỜNG-CÔNG HIẾU
*THIÊN DI-MINH THÚY TN-LƯƠNG THÁI SỸ
*NGUYỄN VĂN LỤC-TRẦN KHẢI THANH THỦY
*TRẦN YÊN HÒA-TRẦN XUÂN THỜI-VĨNH NGÔ-DIỄM VY
*NGUYỄN VŨ SINH-TRỊNH Y THƯ-TỊNH THANH VÂN
*SONG THAO-LÊ ĐỨC LUÂN-VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
TRẦN ĐẠI BẢN-VÂN KHÁNH-NHƯ NGUYỆT-LÊ HÀ
TRẦN NHÀN-NHƯ LOAN-SÔNG NÚI
*CHƯƠNG HÀ-TẠ DUY ANH-NGUYỄN TRƯỜNG
*ĐÌNH ĐẠI-MÊ LINH-NHƯ NGUYỆT-BÔNG HUYỀN
*KANA NGỌC THÚY-NGÔ TỊNH YÊN-NGỌC DUY
*NGUYỄN PHÚC SÔNG HƯƠNG-THANH LONG
*BÁO MAI-MẶC KHÁNH-PHAN NHƯ LIÊN-KIM NGÂN
THẢO LAN-PHÙNG VĂN PHỤNG-LÊ XUÂN MỸ-ĐẶNG QUANG CHÍNH
TRẠCH GẦM-NGUYỄN VĂN THÀNH-AN MINH
*ĐÔNG THIÊN TRIẾT-HỒ CÔNG TÂM-DUY TUẤN-DUY NAM
*SA CHI LỆ
***

*BIẾM NGÀN LỜI


***
KÍNH MỜI XEM CLIPS SỰ ĐẶC BIỆT:

Thanksgiving Special: A Virtue for Every Season of Life (11/21/21) | Music & the Spoken Word - YouTube

Thanksgiving Medley
A Soldier's Thanksgiving in Vietnam

https://youtu.be/mYH4evZMRm4?si=l-QLkbDuniyysGY7
***
BẰNG CHỨNG LỚN: Chuỗi Video InvestigateJ6 Nancy Pelosi và tướng Mỹ chỉ đạo cảnh sát Capitol nổ súng
https://youtu.be/dzWL7Dk9xgk?si=0jTVBM_EYxz5rfi9
BẰNG CHỨNG LỚN: Chuỗi Video InvestigateJ6 Nancy Pelosi và tướng Mỹ chỉ đạo cảnh sát Capitol nổ súng

https://youtu.be/dzWL7Dk9xgk?si=zl3zfMnGONgotHeP
***

Ra Mắt Sách "Đời Tù Một Thiên Nga" của tác giả Nguyễn Thanh Thủy
Mời quý vị xem những hình ảnh và video về Buổi Ra Mắt Sách "Đời Tù Một Thiên Nga" của tác giả Nguyễn Thanh Thủy chiều ngày Thứ Bảy 11 tháng 11 năm 2023 tại Thư viện VN, Thành Phố Garden Grove, California.
PGĐ
1) Link xem hình ảnh của Thiệu Võ
https://photos.app.goo.gl/98CAmSnfv8xzgcF47
2) Video của Văn Hóa NBLC (Thuong Vietnam)

https://www.youtube.com/watch?v=HTivKjp9Xp0
***
Buổi ra mắt sách Đời Tù Một Thiên Nga
NGHĨA LÊ
Kính mời quí anh , chị nghe "Thủy Thiên Nga" trong buổi giới thiệu tác phẩm Đời Tù Một Thiên Nga .
LHN
RA MẮT SÁCH "ĐO*I- TU- MỘT THIÊN NGA" (Nov.11th.2023) | By Tâm An | Facebook
https://www.facebook.com/taman.nguyen.130517CA/videos/1264636584228273/?mibextid=rS40aB7S9Ucbxw6v
Nghia Le
dondungnghia@yahoo.com
***
*KÍNH MỜI CHIA SẺ VĂN HỌC MỚI SÔ 28 VỪA PHÁT HÀNH TẠI HOA KỲ-AMAZON & KHẮP NƠI

***

Đặc San Xuân Giáp Thìn

Kính gửi quý thành viên VTLV và văn, thi, nhạc, họa sĩ thân hữu bốn phương,
Ban Điều Hành và Ban Biên Tập Văn Thơ Lạc Việt sẽ thực hiện Đặc San Xuân Giáp Thìn để chào mừng Xuân Mới 2024. Kính mời quý văn thi sĩ cùng hưởng ứng, gửi bài vở đến tham gia cho Đặc San Xuân thêm phong phú.
Với chủ trương văn thơ bốn bể đều chung một nhà, VTLV mong đón nhận tác tẩm của thành viên cũng như của các thân hữu ở khắp mọi nơi với chủ đề XUÂN, trong lĩnh vực văn, thơ, nhạc, kịch, chuyện vui... VTLV xin được từ chối các bài viết có tính cách đả kích cá nhân hoặc các bài viết về chính trị, tôn giáo đưa đến tranh cãi. Xin vui lòng giới hạn 10 trang cho mỗi tác giả.
Điều kiện ấn phí: Sau khi sách phát hành, tác giả có thể đặt mua ĐS Xuân từ VTLV và chỉ phải trả giá gốc ấn phí từ nhà xuất bản + cước phí.
Đặc san Xuân Giáp Thìn cũng sẽ được ra mắt vào đầu Xuân 2024.
Kính mong quý văn, thi, họa, nhạc sĩ tham gia để cùng VTLV chung tay bảo tồn Văn Hóa và Việt Ngữ của chúng ta nơi hải ngoại. Những tác phẩm của quý vị sẽ được lưu giữ trong website wwww.vantholacviet.com
Bài sẽ được thu nhận từ nay cho đến ngày December 31, 2023
Xin chân thành cám ơn,
Trưởng Ban Điều Hành VTLV
Lê Văn Hải
Bài vở xin gửi đến:
Ban Biên Tập VTLV:
DSXUANGIAPTHIN2024@GMAIL.COM


***
Giới thiệu trang mạng Website của Thư Viện Việt Nam

Giới thiệu trang mạng Website của Thư Viện Việt Nam, nơi chứa tất cả các sách mà đồng bào tị nạn Cộng Sản đã gởi cho Thư Viện Việt Nam lưu giữ hơn 24 năm qua.
Hơn 6 tháng ráo riết nghiên cứu và học hỏi, Thư Viện Việt Nam đã hoàn thành Website mang tên “lovelittlesaigon.org” và đã đưa lên một số bài viết và sách tuyển chọn. Đặc biệt đã, đang và sẽ tiếp tục đưa các sách Giáo khoa do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa xuất bản trước 1975.
Bước kế tiếp sẽ đưa lên những sách của người Việt tị nạn (nếu được cho phép), đặc biệt là các đặc san, báo nội bộ của các Hội đoàn, tổ chức trong cộng đồng. Đồng thời chúng tôi mời gọi các tổ chức, hội đoàn, các nhóm thực hiện nội san, đặc san, báo nội bộ v.v… chuyển cho trang mạng Thư Viện Việt Nam đưa lên “lovelittlesaigon.org” để giới thiệu đến độc giả khắp nơi trên thế giới qua mạng internet toàn cầu KHÔNG TỐN BẤT CỨ PHÍ TỔN NÀO.
Trong buổi tiếp tân chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu cũng như hướng dẫn cách xem sách qua Website (cho quý vị chưa quen với cách này) một cách chi tiết với tài liệu tóm tắt từng bước.
Chúng tôi cũng sẽ trình bày cách thức đưa sách lên Website và CẦN SỰ TIẾP TAY hỗ trợ của mọi người về nhân lực (phụ giúp scan sách) cũng như tài chánh (để sắm thêm máy scan) để cố đưa hết những sách quý của lên trang mạng chung của chúng ta.
Trân trọng kính mời
TM. Thư Viện Việt Nam
Du Miên
***

VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA DEC, 2023

www.nhatbaovanhoa.com
CỘNG ĐỒNG:
Nhạc sĩ Cao Minh Hưng kéo Thu Paris về ‘Quê Hương Thu Tình Tự’ Cali
https://www.nhatbaovanhoa.com/a12081/nhac-si-cao-minh-hung-keo-thu-paris-ve-que-huong-thu-tinh-tu-cali
Lý Kiến Trúc
VĂN HÓA ONLINE
* Chủ đề: “Quê Hương Thu Tình Tự”
* Đạo diễn: Cao Minh Hưng/Hội trưởng hội CLBTNS (1)
* Thời gian: Chủ Nhật 12/11/2023 từ 2:PM - 7:PM
* Khách vào cửa tự do / Không bán vé
* Photos by: Cơ Nguyễn, Hùng Lê và Đoàn Thanh Bùi
* Địa điểm: Clara Studios số 15138 Goldenwest Circle, CA 92683 (2)

Chiều Chủ Nhật 12/11/2023, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vừa giới thiệu với quý thân hữu yêu mến âm nhạc buổi Ca Vũ Nhạc hùng hậu nhất từ trước đến nay mang tên “Quê Hương Thu Tình Tự” – Nhìn xa hơn – có thể đó là buổi tổng dợt qui mô để chuẩn bị cho các buổi trình diễn lớn sắp tới.

Trước đây 8 năm, cố Nhạc sĩ Anh Bằng và Nhạc sĩ Cao Minh Hưng đồng sáng lập ra Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (CLBTNS). Trải qua thời gian, CLBTNS đã chứng tỏ có nhiều hoạt động mang lại hữu ích cho tập thể cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Mỹ, đặc biệt ở nam California, Quận Cam Little Saigon.
Hiện nay, Nhạc sĩ Bác sĩ Nha Khoa Cao Minh Hưng là Hội trưởng kiêm Giám đốc điều hành các sinh hoạt của CLBTNS.
Buổi Ca Vũ Nhạc được trình diễn trên sân khấu Clara Studio, một thính phòng âm nhạc chứa khoảng hơn 100 khách, nhưng studio này có một sân khấu khá rộng, trang bị âm thanh và ánh sáng lộng lẫy tuyệt đẹp.
Nhạc sĩ Cao Minh Hưng trưởng đoàn Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.
***
SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 LỄ TẠ ƠN & SÁNG TÁC MỚI VĂN NGHỆ SĨ THỜI DANH
KÍNH GIỚI THIỆU TRANG NHẠC THÁNH KINH ĐẶC BIỆT MÙA LỄ TẠ ƠN VỚI GS/NS PHẠM ĐỨC HUYẾN
***
VĂN THƠ LẠC VIỆT KQ LÊ VĂN HẢI LỜI CHÚC MỪNG & TIN VỀ LỄ TẠ ƠN
***
TIN ĐẶC BIỆT: KÍNH MỜI THAM DỰ & ỦNG HỘ NHẠC HỘI KHÔNG QUÊN ANH, GÂY QUỸ GIÚP THƯƠNG PHẾ BINH VNCH
***
KQ LÊ VĂN HẢI MỪNG LỄ TẠ ƠN & NHÓM MÕ NHÂN ÁI VỚI KHÁCH KHÔNG NHÀ
***
KÍNH GIỚI THIỆU CT NHẠC TUYỆT VỜI TÁC PHẨM TÁC GIẢ DO GS TRẦN KHÁNH BIÊN SOẠN & MỘNG LAN THỰC HIỆN
***
Trần Đình Phước Một ngày đáng nhớ với ‘Quái kiệt’ khẩu cầm Tòng Sơn & Mùa Lễ Tạ Ơn - Nhớ Ơn Người Bảo Trợ
***
TRANG ĐẶC BIỆT KÍNH GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TÁC GIẢ THI SĨ ĐA TÀI PHẠM THIÊN THƯ
***
KÍNH GIỚI THIỆU TRANG TÁC PHẨM TÁC PHẨM TÁC GIẢ THI VĂN SĨ LOUIS LÊ TUẤN ĐA TÀI & TƯỞNG NIỆM HT THÍCH TUỆ SỸ
***
KÍNH GIỚI THIỆU TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRẦN YÊN HÒA & THÂN HỮU
***
SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 TRANG NHẠC NHIỀU NHẠC SĨ THỜI DANH GÓP MẶT-KÍNH MỜI
***
KÍNH GIỚI THIỆU THƠ THI SĨ TRẦN QUỐC BẢO & DỊCH GIẢ VỚI BÀI VIẾT LỜI TIỄN BIỆT & TIỂU SỬ HT THÍCH TUỆ SỸ VỪA VIÊN TỊCH
***
SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 MỸ HÂN KÍNH GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TÁC PHẨM CỦA QUÝ THI SĨ THỜI DANH
***
SỐ ĐẶC BIỆT 12-2023 KÍNH MỜI CHIA SẺ TRANG NHẠC PHỔ THƠ SA CHI LỆ DẤU ẤN NHỮNG KỶ NIỆM BUỒN
***
NGUYỄN VĂN LỤC GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU? CÂU CHUYỆN 48 NĂM SAU
***
LƯƠNG THÁI SỸ LÀN SÓNG NGƯỜI TRUNG QUỐC VƯỢT BIÊN SANG MỸ
***
QUỐC SỰ:" QUỐC GIA HƯNG VONG, THẤT PHU HỮU TRÁCH"
***
TRẦN GIA HUẤN CHẲNG LẼ CÁC NGÀI ĐỊNH BÁN ĐỨNG HỌ?
***
MINH THÚY TN CHIỀU NHẠC MÙA THU & LỄ TẠ ƠN + HUẾ ƠI! THƯƠNG LẮM
***
TRẦN KHẢI THANH THỦY ĂN DẦU KHÍ NGOÀI BIỂN KHƠI
***
BS VĨNH NGÔ TẢN MẠN VỀ THỜI SỰ NƯỚC MỸ
***
KÍNH MỜI CHIA SẺ TRUYỆN NGẮN MỚI; ÁC MA LÀNG VĂN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC HOA
***
HỌC GIẢ MINH DI VIẾT VỀ NHỮNG ÔNG TIẾN SĨ THỜI NAY
***
SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 KÍNH GIỚI THIỆU TRANG BÁO MAI NHIỀU TÀI LIỆU HẤP DẪN, GIÁ TRỊ NÊN LƯU GIỮ
***
MỸ HÂN KÍNH MỜI QUÝ THÂN HỮU CHIA SẺ & KHÍCH LỆ
ĐỂ CÒN TÌNH THẦN ĐẤN THÂN VÁC NGÀ VOI …
MỸ HÂN



MỸ HÂN

SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 KÍNH GIỚI THIỆU TRANG BÁO MAI NHIỀU TÀI LIỆU H...

SỐ ĐẶC BIỆT THÁNG 12-2023 KÍNH GIỚI THIỆU TRANG BÁO MAI NHIỀU TÀI LIỆU HẤP DẪN, GIÁ TRỊ NÊN LƯU GIỮ Sờ cứng là s...



Cuộc sống thi ca