Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Đàn cá Hồi - Chuyện ngụ ngôn - Di cư 1954


Kỳ lạ: Đàn cá hồi bơi trước mũi ô tô qua tuyến đường ngập nước để kiếm tìm bạn tình ( chúng biết mình đang sống ở đâu...!)
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp này trong năm, đàn cá hồi lại tụ tập ở tuyến đường ngập nước, bơi trước mũi ô tô băng qua đường để kiếm tìm bạn tình.
Cảnh tượng kỳ thú của thế giới tự nhiên được các vị khách đi ngang qua ghi lại, quay cảnh đàn cá hồi thoăn thoắt vượt qua tuyến đường ngập nước, bơi ngay trước mũi ô tô để qua đường tìm kiếm bạn tình vào mùa sinh sản.
Đàn cá vượt qua đường ngay trước mũi ô tô để bước vào mùa sinh sản

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa này trong năm, du khách lại có dịp tận mắt chứng kiến khoảnh khắc ấn tượng này. Hình ảnh được ghi ở quãng đường bị ngập nước dọc theo sông Skokimish thuộc Washington, Mỹ. Các chuyên gia cho biết, những cơn mưa lớn khiến nước sông Skokomish tràn bờ. Đó cũng là thời điểm cá hồi vào mùa đẻ trứng.
Khi ấy, các tài xế lái xe qua tuyến đường ngập nước sẽ bắt gặp cảnh đàn cá hồi vượt mũi ô tô băng qua đường. Đó là đàn cá hồi từ Thái Bình Dương trở về. Chúng đang trên đường “về nhà”. Cảnh quen thuộc ấy thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12 hàng năm. Những chú cá hồi “dũng cảm” và đủ khỏe mạnh sẽ tìm kiếm bạn tình để bước vào mùa sinh sản.

"Vận động viên" kỳ cựu vượt đường

Đàn cá phải kiếm được “đối tác” và tìm nơi đẻ trứng. Quá trình đẻ trứng sẽ thất bại nếu chúng không về được dòng chảy chính. Tuy nhiên, không phải con nào cũng vượt qua quãng đường thành công. Người ta vẫn thấy những con chết giữa đường vì đuối sức, hoặc do ô tô đâm phải.


Cá hồi chùm băng qua đường để trở về nhà.


Con cá hồi chum gặp khó khăn khi băng qua đường.


Người lái xe sẽ phải hết sức chú ý để tránh cán qua cá hồi chum.


Mỗi năm một lần, những con cá hồi chum lại tập trung ven tuyến đường bị ngập nằm dọc sông Skokomish (Washington, Mỹ) và canh lúc không có ô tô để lao qua đường


Cứ vào mùa mưa, nước sông Skokomish (Washington, Mỹ) lại chảy tràn bờ khiến tuyến đường ven sông ngập úng. Các tài xế lái xe qua đoạn đường này khi ấy buộc phải di chuyển thật chậm và cẩn thận kẻo đâm trúng... cá hồi.


Hành vi bơi qua đường kì lạ này gần như không gặp ở bất kì loại cá hồi nào khác ngoài cá hồi chum. Bởi việc bơi với mực nước thấp như vậy sẽ khiến toàn bộ phần thân trên của cá nổi lên khỏi mặt nước trong một thời gian dài, đòi hỏi những chú cá phải thật khỏe nếu không sẽ thiếu oxi mà chết giữa đường.


“Kĩ năng bơi qua đường của cá hồi chum lão luyện đến mức đáng ấn tượng”, Aaron Dufault nói.


Tuy nhiên, không phải chú cá hồi bơi qua đường nào cũng may mắn. Đôi khi vẫn xảy ra trường hợp cá hồi bơi... lạc, tắc thở chết giữa đường hoặc bị ô tô cán trúng.


Cá hồi chum là một loài cá hồi đặc biệt. Khi vừa nở ra khỏi trứng, những con cá hồi chum sẽ bơi thẳng ra cửa sông thay vì ở lại trong vòng nước ngọt từ 3 đến 5 năm đợi trưởng thành như những loài cá hồi khác

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhà vua và vị đại thần thông minh

Ngày xưa, có một vương quốc nhỏ, dân số không nhiều. Cuộc sống của người dân trong vương quốc vô cùng thảnh thơi, vui vẻ. Bởi vì họ có một vị vua không thích ngồi yên một chỗ và một vị đại thần không thích làm quan.

Đặc điểm lớn nhất của vị đại thần thông minh này chính là thái độ tích cực. Bất luận gặp việc gì ông cũng đều nhìn mặt tích cực của nó, tuyệt đối từ chối quan điểm tiêu cực. Do luôn giữ thái độ tích cực nên vị đại thần đã giúp nhà vua xử lý tốt rất nhiều chuyện rắc rối. Vì thế, nhà vua rất coi trọng ông ta và thường xuyên hỏi ý kiến ông.
Ngoài thú vui săn bắn ra thì nhà vua cũng không có ham muốn xấu xa nào cả. Nhà vua thích nhất là đi vi hành cùng với vị đại thần thông minh của mình. Vị đại thần thông minh ngoài việc xử lý chính sự thì còn có nhiệm vụ cùng đi vi hành với nhà vua. Những lúc rảnh rỗi, ông ta rất thích nghiên cứu chân lý nhân sinh, vũ trụ. Câu nói cửa miệng của ông ta chính là: “Tất cả đều là sự an bài tốt nhất!”.
Có lần, nhà vua cao hứng mở cuộc đi săn. Tùy tùng đi theo có hơn mười người thợ săn. Nhà vua thân thể tráng kiện, da dẻ hồng hào, cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn săn truy đuổi con báo. Phong thái nhà vua thật uy nghi, lẫm liệt, đầy khí chất của một quân vương. Con báo ra sức chạy thoát, nhà vua đuổi sát không rời. Đến khi con báo mệt mỏi, nhà vua giương cung bắn một phát. Mũi tên lao đi như bay, trúng ngay vào cổ con báo, khiến nó ngã lăn ra đồng cỏ.

Rất đỗi vui mừng, nhà vua nhìn con báo nằm bất động dưới đất hồi lâu. Nhất thời buông lỏng cảnh giác, nhà vua xuống ngựa, đến gần để kiểm tra. Nào ngờ, chỉ chờ thời khắc đó, con báo dùng chút sức lực cuối cùng nhảy chồm lên vồ lấy nhà vua. Nhà vua lạnh người nhìn cái họng đỏ lòm đầy răng nhọn của nó, thầm nghĩ: “Tiêu rồi!”.
Cũng may đoàn tùy tùng đuổi đến kịp lúc, giương cung bắn vào cổ họng con báo. Lần này thì con báo chết thật.
Đoàn tùy tùng ùa đến hỏi han. Nhà vua nhìn xuống, thấy một ngón tay đã bị con báo cắn đứt phân nửa, máu chảy ròng ròng. Quân hầu vội vàng băng bó cho vua. Mặc dù vết thương không nặng lắm nhưng nó đủ khiến nhà vua buồn bực trong lòng. Định mắng bọn thủ hạ một trận nhưng nghĩ lại là lỗi do mình khinh suất nèn chẳng thể trách ai. Cả đoàn lẳng lặng thu xếp hành trang hồi cung.

(Ảnh minh họa/Internet)

Sau khi về cung, càng nhớ đến chuyện đó càng bực, nhà vua bèn gọi vị đại thần thông minh đến uống rượu giải sầu. Sau khi nghe chuyện, vị đại thần vừa dâng rượu cho vua vừa mỉm cười nói:
– Tâu bệ hạ! Thiếu một miếng thịt còn tốt hơn nhiều so với mất cả cái mạng! Bệ hạ hãy nghĩ thoáng một chút! Tất cả đều là sự an bài tốt nhất!
Nhà vua vừa nghe liền tuôn hết buồn bực trong lòng:
– Ngươi thật to gan! Ngón tay ta mất mà nhà ngươi còn bảo rằng đó là sự an bài tốt nhất?
Thấy nhà vua nổi trận lôi đình, vị đại thần chẳng mảy may quan tâm. Ông nói:
– Bệ hạ, thật sự là thế mà! Nếu chúng ta có thể vượt qua sự thành bại, được mất nhất thời thì quả thực tất cả đều là sự an bài tốt nhất.
Nhà vua nói:
– Thế ta nhốt ngươi vào ngục, đó cũng là sự an bài tốt nhất?
Vị đại thẳng thắn mỉm cười nói:
– Nếu đúng là vậy thì thần cũng tin rằng đó là sự an bài tốt nhất.
Nhà vua nói:
– Nếu ta gọi thị vệ mang ngươi ra chém thì ngươi cũng bảo rằng đó là sự an bài tốt nhất?
Vị đại thần vẫn mỉm cười; cứ như thể việc nhà vua nói chẳng liên quan đến ông ta:
– Nếu như thế, thần vẫn thật tâm tin rằng đó là sự an bài tốt nhất.
Nhà vua hết kìm nén được, đập tay mạnh xuống bàn. Nghe lệnh, hai thị vệ tiến lại gần. Nhà vua bảo:
– Hai ngươi lập tức mang hắn ra chém!
Hai viên thị vệ nhất thời chẳng hiểu đầu đuôi; không biết nên phản ứng ra sao. Nhà vua nói:
– Còn không mau mang đi! Các ngươi còn chờ gì nữa?
Hai viên thị vệ như bừng tỉnh giấc mộng, vội bước đến kéo vị đại thần ra cửa. Nhà vua bỗng thấy hối hận, kêu to:
– Đợi đã, hãy đem hắn giam vào ngục!
Vị đại thần quay đầu lại nhìn nhà vua và mỉm cười nói:
– Đây cũng chính là sự an bài tốt nhất!
Nhà vua phất tay. Hai viên thị vệ kéo vị đại thần đi.
Một tháng sau, vết thương đã lành, nhà vua định gọi vị đại thần đến cùng đi vi hành như trước kia. Nhưng nhớ đến việc mình đã ra lệnh bắt giam ông ta, nhất thời vì sĩ diện nên nhà vua đành đi vi hành một mình.
Đi mãi đi mãi, nhà vua đi đến một khu rừng xa. Đột nhiên, có một đám thổ dân mặt mày xanh đỏ nhảy bổ ra. Chưa đầy một phút, nhà vua đã bị đám thổ dân trói gô lại, mang lên núi. Lúc đó, nhà vua mới chợt nhớ ra hôm nay chính là ngày trăng tròn. Ở vùng này có một bộ tộc nguyên thủy; mỗi khi đến ngày rằm, họ sẽ xuống núi tìm bắt người làm vật tế nữ thần của họ. Nhà vua thở dài:“Thế này thì hết đường thoát rồi!”.
Nhà vua rất muốn nói cho đám thổ dân biết rằng: “Ta chính là vua của xứ này. Hãy thả ta ra, ta sẽ ban thưởng cho các ngươi tiền muôn bạc vạn”. Nhưng miệng đã bị nhét giẻ, nhà vua muốn nói cũng không nói được.
Nhà vua bị dẫn đến một cái chảo to cao quá đầu người, lửa đang cháy phừng phừng. Một thầy tế xuất hiện, bảo mọi người lột sạch quần áo của nhà vua, để lộ long thể khỏe mạnh, tráng kiện. Thầy tế luôn miệng khen ngợi:
– Không ngờ bây giờ còn tìm được vật tế hoàn mỹ đến vậy!
Nữ thần mà họ thờ phụng chính là nữ thần Mặt Trăng – nữ thần tượng trưng cho sự hoàn mỹ. Vì thế, vật tế có thể hơi đen, thấp, xấu nhưng tuyệt đối không được tàn tật.
Sau khi xem xét, thầy tế phát hiện nhà vua có một ngón tay bị thiếu mất một đốt. Tức giận, ông ta nghiến răng, chửi mắng một hồi rồi bảo đám thổ dân đuổi kẻ tàn tật này đi và tìm một vật tế khác.
Thoát hiểm, nhà vua vui mừng khôn xiết, chạy như bay về hoàng cung. Nhà vua ra lệnh thả vị đại thần thông minh, mở yến tiệc ở hoa viên để chúc mừng mình thoát nạn và cũng để chúc mừng vị đại thần thoát khỏi giam cầm.
Nhà vua mời rượu vị đại thần thông minh:
– Khanh nói chẳng sai, quả nhiên tất cả đều là sự an bài tốt nhất. Nếu ngày trước không bị con báo cắn mất lóng tay thì bây giờ cái mạng ta cũng chẳng còn.
VỊ đại thần mỉm cười nói với nhà vua:
– Chúc mừng bệ hạ đã thể nghiệm được cảnh giới mới của cuộc đời.
Một lúc sau, nhà vua chợt hỏi vị đại thần:
– Ta may mắn thoát hiểm, đúng là sự an bài tốt nhất. Nhưng khanh vô duyên vô cớ bị giam vào ngục cả tháng nay, chẳng lẽ đó cũng là sự an bài tốt nhất?
Vị đại thần thong thả hớp một ngụm rượu rồi nói:
– Tâu bệ hạ, người nhốt thần vào nhà lao quả thực là sự an bài tốt nhất! Bệ hạ thử nghĩ xem, nếu thần không ở trong ngục thì ai sẽ là người theo bệ hạ đi vi hành? Nếu bị thổ dân bắt đi để tế thần, bệ hạ vì thiếu mất ngón tay mà thoát nạn, vậy ai sẽ là người thay thế? Chẳng phải là thần sẽ bị bỏ vào chảo nấu sao? Vì vậy, thần xin kính bệ hạ một ly, đa tạ người đã cứu thần một mạng.

Bài học:

Một người có suy nghĩ tích cực luôn giữ thái độ lạc quan trước bất kỳ việc gì thì dù gặp khó khăn, trắc trở, người đó cũng cho rằng đó là sự khảo nghiệm cần thiết trước khi đạt đến thành công. Vì vậy mà họ luôn nghĩ đến mặt tốt đẹp của sự việc, có một tâm thái tích cực đối với cuộc đời!

(Sưu tầm)
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Rieng tang cac ban Bac Ky "Ri Cu" tren 65 tuoi...

Từ Hà Nội đến Sài Gòn: Từ di cư 1954 - Đến di tản 1975 trốn chạy cộng sản...
Tháng 6 năm 1954 đúng 50 năm về trước, là lúc mọi người trong vùng kiểm soát của chính phủ Quốc Gia ở Bắc Việt cô cùng lo lắng và hoang mang sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhiều tin đồn trái ngược càng làm cho mọi người thêm sợ hãi. Khoảng 20 tháng 6, tại Nam Định và các tỉnh phụ cận, có tin đồn được lan truyền nhanh chóng nói rằng quân đội Pháp và quân đội Quốc Gia sẽ rút khỏi Nam Định và các tỉnh phía Nam Hà Nội. Từ hôm ấy, hàng loạt doanh trại được tháo gỡ vội vàng, xe vận tải quân sự chở vật liệu nặng bắt đầu theo nhau từ Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình đổ về Nam Định cùng các xe cộ từ Nam Định nối nhau đi Hà Nội. Kho đạn Nam Định cho phá hàng loạt đạn súng cối và đạn pháo binh ở vùng đất hoang phía tây thành phố.
Bộ Tư Lệnh Pháp và chính quyền Bảo Đại không hề lên tiếng về tình hình tại Bắc Việt. Bộ Chỉ Huy Pháp tại Nam Định vẫn tiếp tục công việc chuẩn bị cuộc diễn binh hùng hậu vào ngày quốc khánh Pháp, 14 tháng 7 năm 1954 mà họ đã loan báo trước. Vào lúc này, đã có tin đồn ông Ngô Đình Diệm sẽ về nước làm thủ tướng. Những truyền đơn đầu tiên ký tên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ủng hộ ông Diệm xuất hiện lác đác ở Nam Định. 
Ba ngày cuối cùng phi cơ quân sự lên xuống liên tiếp. Khi đã chuyên chở gần hết vật dụng và người, trạm hàng không quân sự Nam Định bắt đầu cho mọi người tự do lên phi cơ C-47 còn trống nhiều chỗ để đi Hà Nội.
Nam Định bắt đầu hoảng hốt thực sự từ ngày 28 tháng 6 khi điện bị cắt. Thành phố tối mù. Nhiều người chen chúc mua vé xe hoặc thuê xe di tản về Hà Nội. Nam Định là nơi số doanh trại và binh lính dầy đặc nhất Việt Nam. Trước đó từ 9 giờ khuya là giờ giới nghiêm, thành phố vắng vẻ không một bóng người trên phố xá. Nay đột nhiên tất cả chìm trong không gian đen thui, nhưng lại cựa mình mạnh hơn trong bóng tối. Trên đường phố người ta đi lại đông đúc khác thường quá cả giờ giới nghiêm. 
Đường phố Hà Nội, hình chụp vào tháng 7 năm 1954.

Gia đình tôi lúc ấy đang ở một căn cư xá công chức nơi mẹ tôi làm việc. Lúc 7 giờ sáng, một anh lính tống thư viên người Pháp vào sở đưa một giấy báo di chuyển, ghi đúng số người thuộc quyền sở này và gia đình nhân viên kể cả 4 gia đình ở cư xá. Tất cả mau lẹ tập trung đợi xe. Sau đó chừng 15 phút, một tiểu đội Bảo Chính Đoàn dẫn 4 xe vận tải trưng dụng của tư nhân đến nơi và cho biết đúng 8 giờ kém 15 mọi người phải có mặt đầy đủ trên xe.
Việc di tản có vẻ đã được chuẩn bị nhiều tuần lễ trước đó. Số người ngồi trên xe thoải mái rộng rãi vì không ai mang theo đồ đạc gì nhiều ngoài một vài chiếc valise và túi xách tay gọn nhẹ.
Lệnh di chuyển cho biết đoàn xe này phải qua trạm kiểm soát phía bắc hướng đi Phủ Lý-Hà Nội vào khoảng giờ nhất định mà tôi nhớ là sau 8 giờ và trước 8 giờ 10 phút. Lệnh này cũng cảnh cáo nếu xe nào đến sớm quá hay muộn quá theo giờ ấn định sẽ bị ủi ra khỏi mặt đường để tránh nhiễu loạn giao thông. 
Hồi đó tôi còn là học trò. Vội vàng xếp quần áo, hình ảnh, giấy tờ cần thiết, cuống cuồng không biết phải mang theo gì và phải bỏ lại món nào. Lúc còn chừng 25 phút, tôi xin phép mẹ tôi chạy ra phố nói là để chào mấy thằng bạn. Cô ruột tôi , người nuôi nấng tôi từ nhỏ không chịu vì sợ tôi chậm trễ e sẽ kẹt lại. Nhưng mẹ tôi hiểu ý, mỉm cười can thiệp nói, “Chị cứ cho nó đi, nó không dám về muộn đâu.”
Mẹ tôi thừa biết tôi đi đâu. Tôi đạp xe với tốc độ không thua các tay đua vòng quanh Đông Dương, xẹt qua trước nhà cô bạn mà tôi thương vụng nhớ thầm từ năm 17 tuổi và chưa hề mở lời yêu đương.
Nàng đang ngồi chải tóc ở cửa sổ trên lầu. Không rõ nàng có nhìn thấy tôi hay không, nhưng tôi vội vàng đánh bạo thu hết can đảm hôn gió trên bàn tay phải ném về phía cửa sổ rồi lao xe như gió về nhà, trước giờ xe chạy khoảng 10 phút. Ở miền Bắc hồi ấy trai gái còn nhút nhát, phải can đảm lắm mới dám làm như thế vì tôi linh cảm chuyến đi này sẽ lâu lắm., có thể là cả đời. Sau này trong đời lính chưa bao giờ tôi phải vận dụng can đảm cao độ như vậy dù gặp nhiều tình thế rất khó khăn nguy hiểm. 
Quân cảnh Pháp thi hành đúng giờ giấc như quy định. Tại trạm kiểm soát Cổng Hậu, từng đoàn xe gồm năm mười chiếc có lính hộ tống được cho khởi hành. Một vài xe đến muộn phải đậu một bên đường chờ giải quyết sau. Trên đường đi, tại mỗi cây cầu đều có một toán Công Binh đặt sẵn chất nổ. Một trung sĩ Công Binh Việt Nam cho biết họ phải phá nổ các cầu này khi đơn vị cuối cùng đi qua.
Buổi trưa đoàn xe chúng tôi đi đến Hà Nội. Gia đình tôi về ở nhà người thân. Đêm hôm ấy thị xã Phủ Lý bị một sư đoàn Việt Minh tấn công. Thành phố đã hư hại sẵn nay lại chịu tàn phá gần hết những gì còn lại.
Cuộc rút lui này tuy tiêu biểu cho việc Pháp thua trận nhưng lại là cuộc rút lui thành công. Dựa vào tài liệu của Pháp và thực tế quan sát thấy tại chỗ, cho thấy Đại Tá Vanuxem chỉ huy trưởng Phân Khu Nam đã điều động cuộc rút lui mau lẹ, có trật tự với tổn thất nhẹ không đáng kể. Đoàn quân rút lui vượt qua nút Phủ Lý trước khi bị địch đánh chận. 
Kế hoạch tỉ mỉ do bộ tham mưu Pháp bí mật soạn thảo, trong đó chỉ có các sĩ quan từ đại úy mới được cho tham dự. Mọi việc đánh máy, chuyển nhận công điện, văn thư tài liệu đều do các cấp sĩ quan từ đại úy trở lên đích thân thi hành. Bí mật được giữ đến phút chót. Chỉ có một điều đáng tiếc là nhiều đội dân quân tự vệ ở nhiều làng mạc các tỉnh vùng này kể cả quanh những trung tâm chiến lược như Phát Diệm, Bùi Chu bị Pháp bỏ rơi. Nhiều dân quân chạy không kịp bị Việt Minh bắt và giết hại.
Hà Nội vốn yên tĩnh, lúc đó đang sống thanh bình không nghe tiếng súng. Những vũ trường, hàng quán sang trọng và độc đáo với những thắng cảnh nổi tiếng đầy bóng dáng người đẹp thướt tha. Cuộc di tản 4 tỉnh phía Nam làm cho đường phố Hà Nội đông người thêm nhưng vẫn không mất vẻ mỹ lệ của đất Thăng Long ngàn năm văn vật.
Lúc ấy hội nghị Geneve bắt đầu họp. Ai cũng thấy phe Cộng Sản đang nắm ưu thế. Những người có quan tâm đều lo ngại không biết sẽ đình chiến kiểu nào. Có thể là hai bên ngưng bắn xen kẽ mà sau này năm 1972-73 người ta gọi là “giải pháp da beo.” Cũng có thể là chia đôi đất nước thành hai miền Nam và Bắc. Người ta cũng bàn tán gay go về ranh giới đình chiến sẽ nằm ở vĩ tuyến nào? Vĩ tuyến 13, 16 hay 19?

Đầu tháng 7, ông Diệm ra Hà Nội. Một số đông đảo dân chúng chào đón ông, và nhiều người hy vọng vị nhân sĩ này sẽ cứu vãn tình hình. Sau đó ngày 7 tháng 7 năm 1954 ông Diệm chính thức nhậm chức thủ tướng. Ông thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt. Các đoàn thể, đảng phái chống Cộng đều ủng hộ đường lối này. Nhiều sĩ quan, binh sĩ cũng sẵn sàng tham gia việc phòng thủ lãnh thổ phe quốc gia đang nắm giữ. Một số đông đảo đặt niềm hy vọng lớn lao vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ thay thế người Pháp.

Nhóm chúng tôi là đảng viên Đại Việt và Quốc Dân Đảng đều hăng hái tham gia tuyên truyền vận động ủng hộ chủ trương giữ Bắc Việt. Đêm đêm, chúng tôi đi ném truyền đơn ở khu Hồ Tây, Cổ Ngư, Ngọc Sơn và nhiều nơi khác kể cả những nơi có lính Pháp lui tới. Hà Nội bắt đầu có không khí căng thẳng và phảng phất mùi chiến tranh.

Đường phố Hà Nội về khuya lần đầu tiên có những bóng dáng cảnh sát võ trang súng trận Mas-36 và quân phục tác chiến đi tuần tiễu. Nhưng các cơ sở dân sự cơ yếu và doanh trại quan trọng của Quân Đội Quốc Gia đều thấy có lính Maroc hoặc da đen canh gác, rõ ràng là Pháp đang phòng ngừa chính biến chống lại họ.

Ngày 14 tháng 7, quân đội Pháp tổ chức diễn binh ờ Bờ Hồ phía Tòa Thị Chính. Thông cáo và bích chương của Pháp vẽ hình nắm đấm được thấy khắp nơi. Pháp giải thích rằng rút 4 tỉnh phía Nam là bàn tay trước kia xòe ra nay nắm lại để đánh mạnh hơn. Tất nhiên ít ai tin vào luận điệu này.
Đám học sinh chúng tôi từ Nam Định chạy về nhiều đứa tình nguyện vào Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị và lục tục lên đường khoảng trước ngày 15 tháng 7 năm 1954. Phần còn lại thường tìm gặp nhau trao đổi tin tức và bàn luận về tình hình đất nước. 
Chiều 21 tháng 7 năm 1954 khi bọn tôi đang tụ họp thì có tin trên đài Con Nhạn (Hirondelle) của quân đội Pháp vang lên lời loan báo “Hiệp Định Đình Chiến đã được ký kết.” Tờ báo của quân đội Pháp cũng đăng câu ấy trên trang nhất bằng chữ lớn. Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế nào việc này cũng sẽ đến. Báo này cho hay đất nước phân chia ở sông Bến Hải, Vĩ Tuyến 17.
Tân Thủ Tướng Pháp Mendès-France nhậm chức ngày 17/6/54, đã tuyên bố rằng ông ta sẽ từ chức nếu không đạt được thỏa hiệp trước ngày 20 tháng 7 năm 1954. Vì thế hiệp định Geneve về Đông Dương được ký lúc sáng sớm ngày 21 nhưng nhà cầm quyền Pháp đã cho đồng hồ ngưng chạy từ đêm trước để làm như lúc ấy vẫn còn là ngày 20. Tại Việt Nam thời điểm này là trưa ngày 21.
Hà Nội liền thay đổi rõ rệt. Niềm hy vọng giữ Bắc Việt lịm tắt dần và dân chúng nóng lòng về tin tức sẽ có cuộc di cư. Một số bài trên báo chí đang từ thái độ chống cộng quay dần sang ủng hộ Việt Minh. Người các tỉnh đổ về Hà Nội đông đảo. Cán bộ Việt Minh cấp thấp ra vào Hà Nội dễ dàng. Đồ chơi trẻ em bày bán trước dịp Trung Thu có những chiếc máy bay, xe thiết giáp, xe chở lính, tàu thủy được sơn cờ đỏ sao vàng. Các cơ quan an ninh chẳng ai thèm để ý. 
Một số cán bộ Việt Minh quen biết gia đình tôi đến thăm và khuyên gia đình tôi nên ở lại nhưng mẹ tôi và tôi đã dứt khoát ra đi. Sau đó 4 tháng, chúng tôi gặp lại vài người trong số cán bộ này ở Sài Gòn. Chính họ cũng đã mau chóng nhận rõ thực chất của Cộng Sản và kịp thời ra đi trước khi cảng Hải Phòng đóng cửa tháng 3 năm 1955.
Những gia đình chuẩn bị di cư đem đồ đạc bày bán dọc bờ hồ Thiền Quang làm thành một thứ chợ trời. Một buổi sáng sớm khi những người đầu tiên đang lục tục khuân đồ đạc đến chợ thì thấy có một lá cờ đỏ sao vàng treo trên tàng cây cao chừng ba bốn mét. Một thanh niên nổi nóng trèo lên giật lá cờ ném xuống đất. 
Một trung tá người Pháp đi bộ ngang qua hung hăng can thiệp, lớn tiếng đại ý nói đó là quốc kỳ của một nhà nước, không được xúc phạm. Ông ta không ngờ những người bán chợ trời đều không ưa lá cờ máu ấy. Thế là xô xát xẩy ra, kết quả viên trung tá bị trọng thương vì gạch đá gậy gộc cho đến lúc xe quân cảnh Pháp cấp cứu.
Tin tức về di cư được loan báo chính thức vào đầu tháng 8. Nhiều nhà giầu đã đi vào Nam bằng phương tiện riêng. Đại đa số còn lại đợi ghi danh di cư bằng phi cơ và tàu biển. Trong nhóm chúng tôi từ Nam Định lên, phần đi Khóa 5 Thủ Đức, số còn lại một phần tham gia đoàn cán bộ xã hội được gửi vào Nam để phụ trách các trại tiếp cư do Bộ Xã Hội thiết lập. Tôi ở trong số này. Buổi chiều ngày 11 tháng 8 năm 1954 bốn đứa bọn tôi đi bộ thăm tất cả các di tích và thắng cảnh quanh Hà Nội lần cuối. 


Hình chụp vào tháng 9 năm 1954 với một số người Bắc di cư trên tàu USS Bayfield khi tàu vừa cặp bến Saigon. Sau Hiệp Định Geneve, tàu USS Bayfield là một trong những vận-chuyển hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được giao phó nhiệm vụ chở người tị nạn từ Bắc vào Nam.
Sáng sớm 12 tháng 8 khi qua cửa kiểm soát phi trường Gia Lâm, một trung úy Nhảy Dù người Pháp hỏi chuyện chúng tôi vì thấy 25 đứa trong đoàn cán bộ xã hội toàn là thanh niên còn trẻ. Sau khi nghe chúng tôi nói rõ lập trường và mục đích ra đi, ông ta nắm tay chúng tôi giọng xúc động nói rằng, “Nước Pháp đã liên tiếp sai lầm để các bạn chịu hậu quả đau đớn hôm nay.” Nói xong không ai ngờ viên trung úy trẻ dưới 30 này bật khóc, nước mắt chảy dài trên má.
Chúng tôi cũng cảm động tuy nhiên vẫn còn cầm được nước mắt. Nhưng khi phi cơ lượn một vòng lấy cao độ, tất cả đều ngó xuống. Giữa tấm thảm mây mưa xám xịt che kín bên dưới phi cơ có một khoảng trống vuông vắn hiện ra Hồ Gươm và 36 phố phường. Cảnh tượng tuy tầm thường nhưng lại gây xúc động mạnh, khiến đứa nào cũng rưng rưng nước mắt. Đây là lần chúng tôi vĩnh biệt Hà Nội. Vĩnh biệt miền Bắc. 

Sau những giờ bay dài phi cơ đến Tân Sơn Nhất, cảnh những con rạch đỏ ngầu giữa hai hàng dừa xanh làm chúng tôi tươi vui hơn. Được đưa về nhận việc tại trại Bệnh Viện Bình Dân dưới quyền Bộ Xã Hội, ngày hôm sau chúng tôi được phân phối đi các trại tiếp cư khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Đợt đầu tiên đồng bào di cư bằng cầu vận chuyển của chính phủ và các nước trợ giúp đã vào Sài Gòn từ đầu tháng 8 năm 1954.
Nhờ vào dịp hè, các trường học vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định được trưng dụng để đón nhận người di cư đến bằng phi cơ quân và dân sự, các quân vận hạm Mỹ như Marine Serpent và Marine Addler, các mẫu hạm Anh và Pháp. Trại tiếp cư lớn nhất vùng Sài Gòn là trại Phú Thọ Lều (sát trường đua Phú Thọ, gồm hàng trăm lều vải lớn mỗi lều chứa bốn năm gia đình do quân đội Mỹ dựng. Gọi là Phú Thọ Lều để phân biệt với trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ ở gần kế đó. Trại Phú Thọ Lều chứa trên 10 ngàn người. 


Trợ cấp tiền mặt một ngày cho mỗi người lớn 12 đồng, trẻ em 6 đồng, dư để ăn ba bữa tươm tất. Lúc ấy một bát phở hay một tô hủ tiếu giá 3 đồng, một bữa cơm ở quán ăn xã hội hai món canh và mặn giá 5 đồng. Chai bia 3 đồng kể cả nước đá, một gói thuốc lá Ruby 8 đồng. Lương giáo viên tiểu học khoảng hơn 4,000 đồng, lương trung sĩ 2,200 đồng, lương cán bộ ngang lương thấp là 1,500 đồng. Một căn nhà gỗ lợp tôn 4×20 mét ở mặt đường khoảng chợ Hòa Hưng giá chừng 30,000 đồng.
Đời sống trong các trại tiếp cư rất đa dạng. Sống chật chội chung đụng và ồn ào, làm nảy sinh nhiều vui buồn, đụng chạm, kết bạn, rã bạn, tạo ra những mối tình ái lăng nhăng xấu tốt đủ cỡ đủ kiểu. Những cảnh âu yếm giao tình nặng nhẹ bên bờ bụi gần trại trong đêm khuya vắng vẻ của trai gái, vợ chồng đủ lứa tuổi, là những nét sinh hoạt rất sống động có đủ vui, buồn, yêu, giận, phát khóc và nực cười.
Từ tháng 8 năm 1954, mỗi ngày có trung bình hàng ngàn người từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sài Gòn bằng đường hàng không và nhiều ngàn người mỗi tuần bằng tàu chiến. Công việc định cư được tiến hành song song và khẩn thiết. Phủ Tổng Ủy Di Cư lúc ấy đã thay thế bộ Xã Hội trong nhiệm vụ chuyên biệt này. 


Thời gian tạm cư kéo dài đến cuối năm 1954 và các trường học được trả lại cho học sinh. Trại Phú Thọ Lều giải tán. Người di cư theo nhau đi định cư khắp nơi, ở nhà tư hoặc ở các trại định cư khắp các tỉnh. Tính đến chuyến tàu sau cùng tháng 3 năm 1955 có khoảng 950,000 người từ bắc Vĩ Tuyến 17 di cư vào Nam.
Nếu tính theo giấy tờ, con số này có thể lên tới hơn 1 triệu vì có sự gian lận sổ sách của một số viên chức cán bộ lợi dụng thủ tục khai và lãnh tiền trợ cấp dễ dàng. Và không phải 90% người di cư là tín đồ Công Giáo như nhiều người nhận định. Số đồng bào Công Giáo di cư có lẽ chỉ chiếm khoảng 70% tổng số.
Một điểm đáng ghi nhận là đáng lẽ số người di cư còn cao hơn nữa nhưng vì vụ tướng Nguyễn Văn Hinh chống ông Diệm và những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng Bình Xuyên đầu năm 1955 ở Sài Gòn nên nhiều người Bắc không dám vào Nam. Tin tức về vụ này làm một số rất nhiều người đã định ra đi nhưng vì e ngại loạn lạc mà đổi ý.

Nói chung, sự xuất hiện của ông Ngô Đình Diệm và thái độ can dự của người Mỹ đã gây được tin tưởng trong một số đông đảo người miền Bắc khiến họ yên tâm vàoNam. Đại đa số thành phần trí thức, chuyên viên cao cấp như kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên trung cấp, thợ giỏi, đã rời bỏ đất Bắc khiến chính quyền ông Hồ Chí Minh gặp khó khăn lớn trong mục tiêu xây dựng một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật mà họ cho là xương sống của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật Xã Hội Chủ Nghĩa.
Cuộc di cư năm 1954 tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lịch sử Việt Nam. Xin ghi lại một vài sự kiện nổi bật xảy ra và những nét đặc biệt của cuộc di cư sau Hiệp Định Geneve 1954 điển hình tại vùng thủ đô Sài Gòn.
Trước hết phải nhìn nhận cuộc di cư đã giúp hàn gắn những chia cách đáng buồn giữa hai miền trong nước. Tình trạng chia rẽ do hậu quả của những năm dài dưới chế độ thuộc địa Pháp đã tiêu tan mau chóng. Những dị biệt về phong tục, ngôn ngữ vì ngăn cách, lâu ngày được san bằng gần hết. Những ngăn cách và hiểu lầm còn lại không gây hậu quả nào nghiêm trọng. Về mặt chính trị và xã hội, sau nhiều biến chuyển và chiến tranh, cuộc di cư vĩ đại năm 1954 đã góp phần thay đổi bộ mặt bề ngoài cũng như nếp sống của dân chúng đến chỗ tốt đẹp, phong phú hơn. 


Trước tháng 10 năm 1954, chính quyền địa phương còn gần y nguyên như thời Pháp Thuộc. Văn thư, giấy tờ, tên công sở, phố xá còn dùng tiếng Pháp. Từ khi chính phủ Ngô Đình Diệm nắm toàn quyền sau những âm mưu đảo chánh bất thành, luật lệ được thi hành nghiêm chỉnh. Nhiều cải cách hành chánh đã làm giảm hẳn nạn giấy tờ nhiêu khê. Văn thư, giấy tờ đều bắt đầu dùng tiếng Việt. Xin Tư Pháp Lý Lịch bây giờ chỉ mất một tuần thay vì đợi 3 tháng. Xin chứng nhận bản sao đợi lấy ngay hay sau vài giờ thay vì một tuần lễ. Các cuộc cải tổ mạnh mẽ được tiến hành có kết quả tốt nhờ phần nào ở sự ủng hộ tích cực của đồng bào di cư đối với chính phủ.
Cuộc đổi tiền Đông Dương thành tiền Việt Nam năm 1955 trong 3 ngày không giới hạn số lượng là một đòn bất ngờ vô hiệu hóa hàng tỷ bạc Đông Dương mà chính quyền Hồ Chí Minh thu gom được ở miền Bắc vì họ không kịp chuyển vào Nam để đổi lấy tiền miền Nam mới. Đợt đổi tiền này cũng chấm dứt luôn thói quen tiêu dùng coi nửa tờ giấy bạc 1 đồng như 5 cắc (hào). Khi cần xài hay trả lại 5 cắc, chỉ cần xé đôi tờ giấy bạc một đồng. Đành rằng tập tục này không áp dụng cho những giấy bạc mệnh giá trên một đồng. 

Lúc ấy ảnh hưởng tuyên truyền của Cộng Sản rất mạnh ở nam phần ngay tại Sài Gòn. Nhiều người mở đài Hà Nội công khai mà không ai bắt bớ. Nhiều người miền Nam ít hiểu biết về thực tế Cộng Sản đã thật thà hỏi mấy đồng bào di cư mới gặp gỡ rằng “Ngoài Bắc đã độc lập rồi, mấy thầy cô dô đây làm chi?” Do đó đã xẩy ra một số đụng chạm nhỏ trong tháng đầu. Dần dần đồng bào miền Nam mới nhìn đồng bào di cư một cách có thiện cảm hơn.
Trong bối cảnh ấy, lực lượng học sinh di cư đã dẫn đầu cuộc biểu tình vào dịp 20 tháng 7 năm 1955 đòi tống xuất các đoàn đại biểu của quân đội Cộng Sản từ Hà Nội trú đóng tại hai khách sạn Majestic và Galliéni (đường Trần Hưng Đạo). Khi bị khiêu khích, cuộc biểu tình biến thành bạo động, gây thiệt hại nặng cho hai khách sạn nhưng không có thương vong quan trọng. Những hành vi cương quyết của quần chúng khiến bọn thân Cộng Sản không còn nhởn nhơ tuyên truyền bán công khai như trước.
Người di cư tiếp xúc, trao đổi với dân chúng địa phương mau chóng tạo ra những hiểu biết và thông cảm. Về kinh tế thương mại, người Bắc vào Nam đã mở mang thương trường, ra các cửa hàng nhất là hàng ăn. Năm 1954 hầu hết cửa tiệm ăn do người Hoa kinh doanh, và họ dành độc quyền ngành lúa gạo cũng như các sạp thịt ở mọi chợ. Đời sống dễ dàng ở miền Nam khiến người Việt ít muốn cạnh tranh, ngay như ngành công chức cũng không hấp dẫn nhiều người. Bà con lao động xích lô kiếm đủ tiền tiêu trong ngày nhiều khi đẩy xe lên lề dưới bóng cây làm một giấc, khách gọi mấy cũng từ chối. Cách biệt giầu nghèo ở Nam Việt lúc ấy rất ít.
Các tầng lớp dân di cư cần cù chịu đựng tham gia thị trường lao động đã làm cho đời sống kinh tế miền Nam lên cao nhưng lại buộc mọi người phải làm ăn chăm chỉ hơn. Một số người địa phương không hài lòng vì nếp sống thong thả lè phè cũ đã mất đi không còn trở lại. 


Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư.
Trang phục phụ nữ hai miền khác nhau, nổi rõ nhất là giới nữ sinh trung học tuổi đôi tám. Nữ sinh Hà Nội làm dáng sớm hơn, quần hẹp, áo dài nở vòng số một. Nữ sinh Sài Gòn vận quần trắng rộng, áo bà ba trắng nhiều hơn áo dài được may vòng số 1 tương đối phẳng phiu có lẽ vì đó là cách tỏ ra là con nhà nghiêm túc. Sau hơn một năm các cô hai miền tự nhiên hòa hợp cách ăn mặc, bọn thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi không còn phân biệt được gốc gác các cô qua y phục nữa. Điều quan trọng và dễ thương hơn hết là những câu chuyện tình Bắc duyên Nam đã nhiều khi hóa giải rất nhiều cho những mâu thuẫn văn hóa chính trị.
Các trường phía Bắc di chuyển vào Sài Gòn giữ gần y nguyên ban giám hiệu và tổ chức riêng. Từ Hà Nội vào, Chu Văn An tiếp tục tại cơ sở cạnh Petrus Ký. Trưng Vương học chung cơ sở nhưng khác giờ với Gia Long… sau hai ba năm mới ra học ở các cơ sở riêng trước Thảo Cầm Viên. Mấy năm sau nữa thì học sinh gốc hai miền dần dần pha trộn.
Chuyện đáng nhớ là năm 1955 học sinh Bắc vào Nam và các bạn gốc miền Nam mở chiến dịch phá bỏ tên đường tiếng Pháp. Nhờ đó mà việc đặt tên đường mới, vốn là việc mất nhiều công sức, đã được Tòa Đô Chánh Sài Gòn thực hiện trong vòng khoảng một tháng. 


Về mặt văn hóa và báo chí, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ Bắc vào Nam đã hòa hợp với đồng nghiệp miền Nam tạo ra sinh khí mới, lối viết và văn phong, sắc thái trong sáng, có sức truyền đạt hơn. Sau một thời gian ngắn người đọc chỉ có thể nhận thấy một số khác biệt ít ỏi giữa bài vở sách báo do các tác giả gốc từ các miền khác nhau viết ra.
Đặc biệt là về tân nhạc, lớp nhạc sĩ và ca sĩ cũng như những người yêu nhạc từ miền Bắc vào Nam đã lôi cuốn được phong trào âm nhạc mới phát triển mạnh để tiến đến tới cao điểm nghệ thuật ca nhạc trong các thập niên sau. Và ngược lại số người Bắc di cư hâm mộ ca nhạc kịch cải lương cũng gia tăng nhiều.
Về mặt ăn chơi, sự thay đổi rõ rệt hơn. Sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới, khu mại dâm Bình Khang bị đóng cửa đầu năm 1955. Giữa năm 1954 cả Sài Gòn hình như chỉ có 2 hay 3 tiệm phở Bắc. Chỉ sau vài tháng số tiệm phở tăng đến hàng chục. Các quán cà phê cũng lục tục ra đời cùng với các ngành buôn bán khác. Các xuất gọi là phụ diễn tân nhạc trước khi chiếu phim chính ra đời dần dần tiến đến những buổi trình diễn âm nhạc chuyên nghiệp gọi là “nhạc hội” giúp vào việc phổ biến âm nhạc sâu rộng hơn. Trước đó hoạt động âm nhạc chỉ được biết qua các chương trình ca nhạc và các cuộc thi hát, tuyển lựa ca sĩ của các đài phát thanh quốc gia, đài quân đội và đài Pháp Á cùng hai đài Huế và Hà Nội.
Ngôn ngữ hai miền sau cuộc di cư cũng thay đổi và pha trộn về từ ngữ tuy vẫn giữ những nét độc đáo của từng vùng mà không lai giọng. Điểm đáng lưu ý là sau nhiều năm gia đình gốc gác miền Bắc di cư có con cái đứa thì nói giọng địa phương (Nam hay Trung), đứa thì nói giọng Bắc, đứa thì nói cả hai ba giọng tùy theo môi trưởng xóm giềng và trường học. Nhưng không mấy ai nói lẫn lộn cùng một lúc các giọng khác nhau. 

Về mặt đời sống xã hội, người di cư dần dần và chậm chạp chịu ảnh hưởng bởi lối sống phóng khoáng, chân thật, thẳng thắn của dân miền Nam. Sau một thế hệ, tính nết người Bắc di cư khác hẳn tính nết của đồng hương của họ còn ở lại quê nhà. Đến sau 30 tháng 4 năm 1975 người ta càng thấy điều này rõ rệt hơn khi gặp đợt Bắc Kỳ mới vào Nam.

CUỘC SỐNG VÀ THI CA SƯU TẦM







Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Đời sống người Việt qua ảnh


Ngây ngất với thiên nhiên và đời sống người Việt qua ảnh
TTO - Những khoảnh khắc sống động về thiên nhiên, non nước Việt cùng những khoảnh khắc đẹp về sinh hoạt đời sống của người Việt trăm miền đã được các tác giả ghi lại và đang được giới thiệu tới công chúng Hà Nội.

 



Tác phẩm Sắc màu của biển của Trần Bảo Hòa
Đây là những tác phẩm trong số 107 tác phẩm được lựa chọn tham dự triển lãm cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam - Vietnam Heritage Photo Awards 2018 tại Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm, Hà Nội, khai mạc chiều 2-11 và kéo dài đến 11-11.
Triển lãm bao gồm 100 ảnh đơn và 7 bộ ảnh của 89 tác giả. Trong đó, những bức ảnh sống động chụp thiên nhiên hoang dã, biển, rừng, địa chất... cũng như những khoảnh khắc đẹp của sinh hoạt đời thường người Việt trên khắp các vùng miền đặc biệt thu hút người xem.
Những bức ảnh này cũng được giới thiệu tới công chúng TP.HCM trong ngày 3-11 tại Sân vận động Hoa Lư, số 2 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, trong sự kiện Canon Photo Marathon 2018.
Từ 23 đến 25-11, Triển lãm tiếp tục trở lại với công chúng Hà Nội tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và công chúng TP.HCM tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Lễ trao giải dự kiến tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 11.
Cùng đắm chìm với thiên nhiên và con người đất Việt qua những bức ảnh :


Tác phẩm Ngư nghiệp của Nguyễn Thành An

Tác phẩm Lành nghề của Nguyễn Thành An


Tác phẩm Thu hoạch thanh long của Bùi Gia Phú


Vũ điệu trên đồng của Lý Việt Dũng


Tác phẩm Bữa sáng ở chợ của Nguyễn Xuân Chính


Tác phẩm Hoàng hôn trên đỉnh Sáng Nhù của Vũ Chiến


Tác phẩm Du lịch trải nghiệm ở Mù Cang Chải của Lê Trung Kiên


Tác phẩm Mùa vàng của Lê Nhật Quang


Tác phẩm Nhuộm cói của Lê Châu Đạo


Tác phẩm Pongour Nam Phương Đệ Nhất Thác của Đỗ Tuấn Ngọc


Tác phẩm Chăm con của Lâm Hữu Phúc


Tác phẩm Dữ dội và dịu êm của Nguyễn Phước Hoài


Tác phẩm Gia đình Voọc của Hà Phước Thạnh


Tác phẩm Phù sa bãi bồi của Oee LêVăn Hào


Tác phẩm Sương sớm Mộc Châu của Cao Kỳ Nhân


Hành trình vượt sông hang Sơn Đoòng của Hoàng Thu Hương

Cuộc Sống Thi Ca.

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Súng Đạn Ở Mỹ

SÚNG ĐẠN Ở MỸ
 
Tôi có hứa với bạn bè sẽ viết một bài về súng ở Mỹ. Đã có vài bạn nhắc. Đành phải giữ lời, vì sợ bị đổi họ Trần thành họ Hứa, và tên cúng cơm thành Lèo! Kêu bằng cụ Hứa Lèo, quê chết!
Tôi không phải chuyên gia súng đạn, cũng không phải “lái súng”, cho nên kiến thức có giới hạn. Biết cái gì viết cái nấy, viết về súng cá nhân, chớ không động tới vũ khí chiến lược của Mỹ. Viết để chia sẻ hơn là một bài sưu tầm. Cứ coi như tôi viết chơi, cho bạn bè đọc chơi đỡ buồn vậy.
Trước khi viết về súng ống ở Mỹ, tôi muốn đưa ra một vài thống kê, lượm từ trang americangunfacts.com, để người đọc có khái niệm tại sao dân Mỹ có quyền trang bị súng, và đó là quyền hiến định, không dễ gì có một đảng phái, hay một chính phủ nào, có thể thay đổi được:
 
+ Dân số Mỹ khoảng 300 triệu, nhưng hiện có từ 270 đến 310 triệu khẩu súng đủ loại trong nhà người dân Mỹ. Điều này không có nghĩa là mỗi người dân Mỹ từ cụ già đến bé sơ sinh, đàn ông hay đàn bà, đều có súng. Tỷ lệ dân Mỹ có súng chỉ trên dưới 30%, nghĩa là có rất nhiều người có hơn một khẩu súng trong nhà (tôi có 3 cây).
+ Người Mỹ dùng súng để bảo vệ mạng sống 80 lần nhiều hơn là để giết người.
+ Phụ nữ Mỹ dùng súng để chống lại tội phạm tấn công tình dục 200.000 lần/năm.
+ Tỉ lệ súng tính theo dân số: Mỹ 88.8%, Yemen 54.8%, Switzerland 45.7%, Finland 45.3%
+ Số người chết vì súng tính trên mỗi 100.000 người: số zách là Honduras với 91.6 người, thứ 2 là El Salvador 69.2 người, thứ 3 là Côte D’ivore 56.9 người, thứ 4 là Jamaica 52.2 người,…. USA xếp hạng thứ 103 lận, chỉ có 4.8 người chết vì súng đạn trên mỗi 100.000 dân.
 
+ Nước Anh cấm súng, nhưng có tới 2034 tội phạm hình sự trên 100.000 dân, và hơn phân nửa là dùng dao trong nhà bếp để gây án. Trong khi Mỹ cho xài súng thả dàn, chỉ có 466 trường hợp xảy ra trên 100.000 dân.. Từ khi cấm súng năm 1997, ở Anh, tội phạm tăng 77%, trung bình mỗi phút có 2 vụ tấn công.
 
+ Trong 9 nước Âu Châu cấm súng, thì tỉ lệ tội phạm cao gấp 3 lần, so với 9 nước cho xài súng.
+ FBI thống kê tội phạm giảm đáng kể khi cho xài súng: Giết người giảm 8.5%, hiếp dâm giảm 5%, tấn công giảm 7%, cướp giảm 3%.
+ Mỗi vụ nổ súng giết người hàng loạt ở Mỹ, đều xảy ra ở những địa phương cấm sử dụng súng!
+ In 1982, Kennesaw, Georgia ra luật: bắt buộc chủ gia đình phải có ít nhất một cây súng. Tội phạm đột nhập gia cư, trộm cướp, giảm 89%! Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ này vẫn là 85% thấp hơn so với trước năm 1982.
Đó là một vài thống kê đọc cho biết. Những thống kê tương tự, và những tư liệu khác, đã khiến nước Mỹ kiên quyết không huỷ bỏ Tu Chánh Án Số 2: Quyền sở hữu súng.
 
Second Amendment (Tu Chánh Án Số Hai) ban hành Dec 15, 1791, cho phép người dân sử dụng súng. Mọi công dân trưởng thành, đều có quyền mua súng (trừ những kẻ có tiền án tội phạm, hay bịnh tâm thần). Muốn mua mấy trăm cây súng cũng được! Luật lệ về súng đạn rất khác nhau, tuỳ theo từng Tiểu Bang. California tương đối gắt gao, so với Texas chẳng hạn. Alabama cho phép mang súng nơi công cộng mà không cần giấy phép. Có cả chục Tiểu Bang, như North Dakota, New Hampshire, West Virginia, Missouri, Idaho,… cũng dễ dãi như vậy, và khuynh hướng tự do mang súng ngày càng gia tăng ở Mỹ.
Một số người lo sợ là khi cho mang súng tự do, sẽ đem nước Mỹ trở lại thời kỳ các anh chàng cao bồi 3508, “ba nem không tém”: hôi ình, thúi quắc, cỡi ngựa, rút súng bằng bằng trong quán bar hay đường phố, hoặc thách đấu để thanh toán ân oán giang hồ với nhau. Quá lo xa! Luật lệ Mỹ chằng chịt như rễ của cánh rừng mắm Cà Mau, nhưng vô cùng nghiêm minh, cộng thêm trình độ dân trí rất cao, thì chuyện xã hội loạn như thời đó, là chuyện không bao giờ xảy ra.
Nếu thằng cu Ủn nổi cơn điên, dự tính đem quân “giải phóng” nước Mỹ khỏi sự kềm kẹp, bóc lột, của bọn tư bản “giãy hoài hỏng chịu chết”, thì ngoài chuyện sợ ăn bom nguyên tử, sợ Trump gởi tặng vài chục quả Tomahawk, bay là là, chui ngay vào gầm giường lãnh tụ, thì thế nào hắn cũng không khỏi lạnh cẳng, khi nghĩ đến con số 300 triệu, 300 triệu chớ hỏng phải 300 khẩu súng dài ngắn, nằm trong nhà dân. Mỗi người dân Mỹ sẽ trở thành một chiến binh mà không cần bắt “nghĩa vụ quân sự”! Anh nào cũng lái Hummer H2 (Humvee), hay Jeep mui trần, đeo kiếng râm đen đậm, loại đặc trị “nhìn lén người nghèo thiếu vải”, một tay cầm AR 16, một tay AK 47, lưng quảy thêm khẩu shotgun, lầm lầm lì lì như Arnald Schwarzenegger trong phim Terminator. Sau khi đùng, đùng, đùng, đến hết đạn, thì chào vĩnh biệt bằng một câu rất cool: “Hasta la vista, baby!” (See you later, Ủn! Hẹn gặp chú Ủn kiếp sau!)
Phe ủng hộ súng (đương nhiên dẫn đầu bởi những tên tài phiệt sản xuất súng) và phe chống xài súng, luôn cãi nhau ỏm tỏi, cả trăm năm qua, mà chưa ngả ngũ. Chuyện ban hành nhiều luật lệ để kềm chế, kiểm soát việc sử dụng súng, thì mỗi Tiểu Bang đều có, và đương nhiên là khác nhau rất xa. Nhưng chuyện cấm súng thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra.
Một lý do hiển nhiên khác mà người Mỹ quan tâm: Khi cấm dân xài súng, thì chẳng khác nào để súng lọt vào tay kẻ xấu, trong khi người lương thiện bị tước vũ khí, vì kẻ xấu sẽ có trăm ngàn cách để có súng. Người dân lương thiện chừng đó sẽ làm bia cho chúng bắn. Người dân Mỹ không đời nào chịu bị tước vũ khí. Đó là quyền hiến định.
Những năm 1990, và cao điểm là khoảng 1995, bọn choai choai tội phạm gốc Việt lộng hành. Chúng đột nhập vào nhà, cơ sở làm ăn, thậm chí những buổi tiệc tùng đông người, dùng súng huy hiếp, khảo của, tàn ác như bọn cường sơn thảo cấu Lương Sơn Bạc.
Đột nhập lúc nhà vắng, chỉ là trộm. Đột nhập khi có người ở nhà, là cướp. Bọn này rất đáng sợ. Mua súng là để trị bọn chúng.
Người Việt có thói quen xài tiền mặt, cất giữ tiền, nữ trang quí giá trong nhà, và rất thích đeo hột xoàn vàng vòng đến những nơi tiệc tùng. Người Mỹ ngược lại, gần như không xài tiền mặt, mà chỉ sử dụng chi phiếu hay thẻ tín dụng thôi. Người Mỹ cũng không cất giữ của cải trong nhà, vì sợ hoả hoạn, sợ trộm cướp. Họ thường mướn safe box ở ngân hàng để cất giữ giấy tờ quan trọng và nữ trang. Đàn bà Mỹ thích đeo nữ trang giả hơn là vàng vòng hột xoàn như đàn bà Á Châu. Cho nên người Việt là mục tiêu béo bỡ của bọn chúng thời đó. Người Việt chỉ cướp người Việt thôi.
Chúng có trăm mưu ngàn kế để đột nhập gia cư. Thí dụ, bạn đi làm về, quẹo vào garage thì thấy một cái thùng giấy hay một vật gì đó để trên driveway. Phản ứng tự nhiên là bạn ngừng xe, mở cửa bước xuống, dẹp chướng ngại vật để lái xe vào. Vừa bước xuống xe thì có đứa kè bên hong, chỉa súng vô be sườn, buộc bạn mở cửa cho đồng bọn vô nhà.
Khi đột nhập vào nhà, chúng trói gô cả nhà. Chúng dở banh thảm, cạy sàn nhà, rọc hết nệm giường, lật tung tủ lạnh,… không chừa chỗ nào! Tìm không ra của chìm, thì bắt đầu màn tra khảo. Đánh đấm nạn nhân hộc máu mồm là chuyện thường. Cắt tai, xẻo thịt cũng thường! Chúng dám đem cả con nít bỏ vào lò nướng và mở lửa. Tôi còn nghe kể, bọn nó khảo cách gì cũng không khai, chúng bèn lột quần áo bà vợ để hiếp dâm, và không quên thông báo cho hai vợ chồng biết: chúng đang mắc bệnh AIDS! Mạng quí hay của quí? Phải khai thôi! Khi nói đến sự tàn ác, người Việt cũng có hạng lắm! Gia chủ thua chúng là cái chắc!
 
Tôi có người khách Mỹ, và sau này trở thành bạn. Anh ta là cảnh sát. Tôi cũng có một người bạn Việt làm cảnh sát. Họ biết luật pháp, nên chỉ dẫn và khuyên tôi nhiều thứ:
 
+ Đầu tiên họ khuyên mua súng, và nuôi chó. Lảng vảng trước nhà, mà nghe tiếng chó sủa rân trời, nhứt định chúng lùi bước tìm mục tiêu khác dễ ăn hơn. Không có tên cướp nào dù đang cầm súng trong tay, mà không nao núng khi biết mục tiêu đột nhập cũng có đồ chơi lại. Chúng ngu gì kiếm chuyện khó, nên chúng sẽ tháo lui.
+ Chúng sợ đàn bà cầm súng, vì các bà nhát, run, bóp cò sản, đạn có khi ghim vào mình chúng như chơi! Các bà nên có súng và học bắn súng.
+ Chúng sợ nhất là shotgun. Một, khi nghe tiếng lên đạn cái rốp, dòn dã, khô khan đến lạnh xương sống, thì ba hồn chín vía chúng cũng lên mây! Hai, đạn chài shotgun gồm rất nhiều viên bi nhỏ bên trong. Khi bắn sẽ túa ra, chắc chắn chạy đàng trời cũng dính chấu. Chết chắc.
+ Handgun hay súng trường, đạn chỉ có một đầu đạn bay ra khỏi nòng. Xác suất trúng mục tiêu rất thấp, nhất là hand gun, rất khó bắn trúng mục tiêu. Trừ súng liên thanh (machine guns), xả nguyên một băng vài chục viên trong nháy mắt, thế nào cũng có vài viên trúng mục tiêu.
Nói về luật pháp, họ khuyên rất nhiều điều:
 
+ Không bắn thì thôi, hễ quyết định bắn thì phải bắn cố sát, bắn cho tử ẹo, chớ không bắn què giò. Xác chết thì câm, thằng què còn miệng, nên còn ra toà nói ngược nói ngạo. Có khi nạn nhân như mày lại thành tội phạm, còn tội phạm như nó lại thành nạn nhân! Nên nhớ, nó đáng chết, chớ mày không đáng đi tù!
+ No mercy! Just destroy him before he kills you! Nó xâm nhập vô nhà mày, nhứt là nó có vũ khí, thì cái rủi ro mày và người thân bị nó sát hại vô cùng cao. Phải tự vệ, và bảo vệ người thân. Không thương xót! Hãy tiêu diệt nó trước khi nó diệt mình!
+ Khi bắn phải bắn từ phí trước. Bắn từ lưng là tù, bởi vì toà nói rằng: Mầy cố sát chớ không phải tự vệ! Nó đã bỏ chạy, đâu còn nguy hiểm tới mày, mà mày cố tình giết nó? Cho dù nó đã đột nhập vô nhà, có vũ khí, thậm chí đã gây thương tích cho mày, một khi nó quay lưng bỏ chạy, thì không được bắn nó.
+ Sau khi hạ gục nó, mày nhớ bắn một viên lên trần nhà.Toà không biết mày bắn viên đó trước hay bắn sau đâu. Cứ nói rằng mày đã bắn một phát chỉ thiên để doạ nó trước rồi, nhưng nó vẫn nhào tới, buộc lòng mày phải hạ gục nó để tự vệ.
+ Nếu nó uy hiếp, khống chế được người thân của mày, mày có buông súng đầu hàng theo lệnh của nó không? Cái đó tuỳ theo quyết định của mày, nhưng nếu là cảnh sát, tụi tao không bao giờ buông súng đầu hàng, ngay cả khi nó chỉa súng vào đầu đồng đội. Rất dễ hiểu: Khi mày buông súng thì đồng đội mày, và chính mày sẽ bị nó giết. Chết gọn cả hai. Mày bắn giỏi, bắn chính xác, có thể mày hạ được nó mà cứu đồng đội trước khi nó bóp cò, để cả hai cùng sống. Worst case là nó nhanh tay hơn, nổ súng giết đồng đội mày, thì ít nhất mày cũng giết được nó, trừ đi một kẻ xấu cho xã hội, trả được thù cho đồng đội, và cứu được mạng mày luôn. Lời hơn, đúng không? Chọn nổ súng, chỉ có lời ít hay lời nhiều, chớ không có lỗ. Buông súng, lỗ cạn tàu ráu máng!
 
Nghe họ nói tôi mới hiểu tại sao khi cảnh sát bắn là bắn vô tử huyêt để tiêu diệt mục tiêu. Nghe họ nói mới biết thêm nhiều thứ, và tôi dạy các con tôi y như vậy. Vì tự vệ, nên buộc lòng phải bóp cò.. Không bắn nó, nó sẽ giết mình và người thân. Không tội tình gì trước pháp luật. Cũng không tội tình gì trước lương tâm và Thượng Đế.
Tôi cũng dạy các con: Nếu bị bắt cóc, nhứt định phải chống cự, vừa chạy vừa la. Chạy có thể bị nó giết, nhưng có cơ hội thoát hiểm, sống sót, dù chỉ vài phần trăm. Còn không chạy, không chống cự, để nó bắt đi, thì chết chắc 100%. Chọn vài phần trăm sống, hay chọn 100% chết? Đó là chọn lựa vô cùng khó khăn, đòi hỏi tháo vát, can trường, vì sống và chết chỉ là đường tơ kẽ tóc.
Tôi chưa từng cầm súng. Nhưng tôi có cơ sở kinh doanh, mua bán ì xèo, đương nhiên là có tiền mặt, buộc lòng tôi phải tìm cách bảo vệ gia đình và cơ sở làm ăn của mình. Mua súng, xài súng, là chuyện bất đắc dĩ, nhưng phải làm ở thời điểm đó.
Tôi sắm 3 khẩu súng, hai súng ngắn (handguns) và một khẩu súng săn shotguns (xem hình gởi kèm). Các con tôi chưa xong high school, nhưng đứa nào cũng sử dụng súng thành thạo. Tôi và cậu con trai không cần nói. Nhưng ba cô con gái ốm yếu, nhát hít, vẫn bồng shotgun lên, nạp đạn, bắn đùng đùng. Ban đầu sợ. Bắn vài phát, không những hết sợ, mà còn thấy thích. Handguns nhẹ, ít giựt, nhưng bắn khó trúng bia hơn shotgun. Hằng tuần tôi chỡ các cháu đến trường bắn. Ai không có súng thì họ cho mướn súng, chỉ cần mua đạn, mua bia, rồi bắn bao nhiêu cũng được. Ai có súng thì đem tới, chỉ cần mua đạn, bắn tới chán thì thôi.
Ở Mỹ, tiệm bán súng công khai, đầy dẫy, khắp nơi. Mua súng dễ như mua con cá, bó rau. Ở Cali, chỉ cần chọn súng, đặt cọc, điền một mẫu đơn rất ngắn gọn, để tiệm súng gởi cho chính quyền điều tra lý lịch. Nếu không có thành tích bất hão, hay bịnh tâm thần, thì từ hai tuần cho tới một tháng, bạn có thể đến trả nốt phần tiền còn lại, và mang súng về nhà.
Thời gian chờ đợi ngoài việc để chính quyền rà soát lý lịch hình sự, nó còn là thời gian giải nhiệt (cooling period). Tại sao gọi là thời gian giải nhiệt? Thí dụ, có một anh chàng bị con vợ nó cắm cho cái sừng nhọn hoắc, dài một sãi, lủng xuyên sọ đầu. Hận người tình, hận thằng tình địch, hận đời, hận lung tung,… Phen này ông sắm súng để tiễn chúng bay vô địa ngục. Trong hai tuần hay một tháng chờ đợi, anh ta suy nghĩ miên man: Nó không còn yêu thương mình, ép uổng gì? Giữ người ở, ai giữ người đi? Tại nó lăng loàn trắc nết theo trai, chớ một bàn tay làm sao vỗ thành tiếng, giết thằng kia chi cho thêm nghiệp chướng? Còn đàn con, giết vợ rồi vô tù, ai lo cho chúng?... Cooling down, đổi ý. Đem súng về cất đó phòng thân trộm cướp, chớ không phải thanh toán đôi gian phu dâm phụ nữa. Xã hội bớt đi một thãm cảnh.
Súng cũng rẻ mạt. Từ vài trăm cho tới vài ngàn đều có. Ngày xưa mua AK 47 hay AR 16 cũng được. Từ ngày có những vụ dùng súng tự động bắn giết ở trường học, sở làm, thì Cali và nhiều Tiểu bang cấm..
 
Để tôi viết sơ qua về ba cây súng tôi có, thuộc ba loại khác nhau – revolver, piston, và shotgun - cho người chưa từng đụng tới súng, biết khái quát. Ngoài ra còn nhiều loại khác như súng trường đi săn, súng liên thanh,… thuộc loại quá dữ, không cần thiết cho phòng thân, nên tôi không nghĩ tới. Chỉ viết rất khái quát, ai muốn tìm hiểu thì hỏi thằng Google nó tả tỉ mỉ hơn..
+ Cây revolver là súng có ổ đạn tròn, thường gọi trái khế, chứa 5 hay 6 viên đạn. Đây là loại súng mà các tay cao bồi Mỹ thường xài, ai coi phim cũng biết. Trong phim thường thấy cái trò chơi quay trái khế: nhét chỉ 1 viên vô trái khế, quay cái rẹt, kê súng vô màng tang, nín thở bóp cò, coi thằng nào tới số?
Revolver có hai loại. Loại single action, khi bắn phải dùng tay trái, hay ngón tay cái của tay cầm súng, bật ngược cò mổ ra sau, mới bóp cò. Double action, chỉ cần bóp cò, thì cò mổ bật ra sau, sau đó giã vô viên đạn. Loại này con cò bóp rất nặng, nhưng tiện dụng, khá nguy hiểm, và ai cũng có thể bắn mà không cần biết phải lên đạn cách nào. Cứ bóp cò là nổ. Cây tôi sở hữu là double action, của hảng Smith & Wesson, dáng rất đẹp, giá hơn $400 (năm 1996). Cây này thuộc thứ dữ, Magnum, công phá rất mạnh, mua để ở nhà.. Bắn giật khá mạnh. Chỉ sáu viên đạn. Đạn to, nhưng giá rất rẻ, khoảng 25 cents/viên. Các con tôi đều biết sử dụng thành thạo, trừ bà xã nhất định không muốn đụng tới súng đạn.
+ Cây Pistol mini, của hảng Beretta, giá cũng khoảng $400 USD. Có lẽ hảng Colt đầu tiên làm ra loại súng pistol này, nên người ta lấy tên của nó mà đặt. Colt 45 là loại trang bị cho sĩ quan VNCH. Còn phe kia thì thông dụng với K54. Khi bắn phải dùng tay kia kéo phần trên của nòng súng ra sau, rồi buông ra, để nó đẩy viên đạn lên nòng, mới bóp cò. Gọi là lên đạn. Nó có khoá an toàn, nên loại này khá an toàn nếu nhà có con nít.
Tôi chọn khẩu súng này vì nó rất nhỏ, gọn, với mục đích sẽ bỏ nó trong túi quần khi làm việc ở tiệm. Đạn bé tí tẹo, nhưng giá cả 50 cents/viên. Nó nhỏ gọn như đồ chơi con nít, bắn như không bắn, vì nó nổ nhỏ, và giựt rất nhẹ. Đàn bà Mỹ thích nó, vì nó gọn nhẹ, bỏ trong xách tay được. Cây này có 8 viên chớ không phải 6, như “súng lục” ở VN xưa kia: Một viên lên nòng, 7 viên trong băng đạn. Tôi thường nhét sẵn một viên lên nòng, và 7 viên trong băng. Như vậy khi bắn, khỏi cần lên đạn, chỉ bật khoá an toàn trong nháy mắt. Băng đạn nhỏ bằng hai ngón tay. Một băng nạp vô súng, một băng để sơ cua, thì cũng có 15 viên để ứng chiến!
Hễ gặp khách có vẻ dân chơi, nhất là buổi tối, thì tay trái tôi cầm phone, sẵn sàng ấn 911, còn tay phải thọt vô túi, ngón trỏ nằm sẵn ngay cò súng. Khi cần, không thèm móc ra, ngón cái nâng nhẹ lên mở khoá an toàn, và ngón trỏ bóp cò dễ dàng. Nếu là dân chuyên xài súng, thấy tôi thủ kiểu đó là nó biết ngay. Đương nhiên là chuồn lẹ, nếu không muốn ăn trọn 15 cục kẹo đồng!
+ Shotgun, giá chỉ trên hai trăm một chút. Dài như súng trường. Nặng. Đạn chài khoảng 70 cents/viên. Ỗ chứa được bốn viên đạn. Không tự động. Bắn một viên xong phải kéo phần tbên dưới nòng súng cho văng vỏ đạn ra, sau đó đẩy ngược lên để lên đạn viên kế tiếp.. Tiếng lên đạn rất to, nghe thót ruột. Còn một loại bẻ cúp nòng súng xuống để nhét đạn vào, không tiện dụng và có vẻ lỗi thời. Shotgun bắn cũng không giựt mạnh lắm. Súng này luôn để trong nhà. Thằng nào có gan cạy cửa, chỉ nghe lên đạn cái rốp là chạy không kịp quay đầu ngó lại.
Chính vì cướp bóc lộng hành, tui phải thủ rất kỹ. Ngoài việc mua súng, mỗi tối lái xe về, phải coi có đứa nào chạy theo không? Về tới nhà, nhìn xung quanh coi có xe lạ đậu gần nhà mình không? Coi có thằng nào lảng vảng trước cửa? Trước khi tới nhà vài block đường, phải ngừng xe lại, mở cốp xe lấy đạn nạp vào súng. Biết là trái luật, nhưng vẫn làm. Luật Cali buộc khi chuyên chỡ súng, thì súng phải bỏ trong hộp có khoá. Súng và đạn không được để gần nhau. Súng trong xe, thì đạn phải trong trunk sau xe.
 
Người Việt hải ngoại đã trãi qua một giai đoạn hãi hùng. Cảnh sát và FBI vô cùng vất vả để tiêu trừ đám cặn bã này, nhưng dường như bó tay, vì chúng quá đông, quá dữ, và quá liều mạng. Khi con ma nghiện nó hành, thì chuyện gì chúng cũng làm để có tiền đi hút. Sau cùng, chính quyền đã tìm ra giải pháp: Trục xuất!
 
Đúng vậy! Trục xuất! Họ deal với VN, mỗi thằng du đãng tội phạm, bị trục xuất, họ trả cho vài chục ngàn đô (hay cả trăm ngàn, đại khái là rất nhiều tiền).
Đối với Mỹ, điều này lợi trăm bề. Một, dẹp được tệ nạn. Hai, chỉ tốn một số tiền nhỏ, tốn một lần cho VN, hơn là nhốt bọn chúng vào tù, nuôi dai dẳng, nuôi tốn gấp nhiều lần con số tiền trả cho VN.
Đối với VN họ cũng lợi trăm bề. Nhận một thằng, họ bỏ túi bộn bạc. Bỏ gọn lỏn vào túi! Đem nhốt chúng, đâu có tốn đồng xu nào, vì bắt chúng làm khổ sai, bỏ đói xanh xương, sinh lợi nhiều gấp mấy lần tiền lẻ bỏ ra nuôi chúng.
Còn đối với mấy thằng du đãng tội phạm, sợ té đái! Trục xuất là mất cơ hội vô quốc tịch, hay bị thu hồi quốc tịch. Muôn đời trâu ngựa ở bển! Phải nói, chúng sợ tù VN hơn là sợ bị bọn tù Mỹ đen đánh đập hay hiếp dâm chúng!
Trên thế giới có lẽ chưa có tù nào khủng khiếp bằng tù VN. Hỏi mấy ông tù HO, hay những người từng ăn cơm tù thì biết. Người viết đâu có nói thêm, hay xuyên tạc chút nào. Đừng ném đá, tôi ném lại đó nghen!
Từ ngày đó, cướp có súng không phải chỉ bị phạt tù vài năm, mà là trục xuất cho nếm mùi tù thật sự của CS. Thằng nào thằng nấy sợ teo, bu gi còn bằng hột đậu phộng lép! Cướp có súng từ bọn du đãng Việt, coi như tuyệt nọc!
 
Cám ơn chánh phủ Mỹ vô cùng sáng suốt, biết đường binh! Cám ơn “đảng ta”, “chính phủ ta”, có thuốc trị được cơn bịnh hiểm nghèo, giúp cho hàng triệu khúc ruột ngàn dậm thân yêu, được an cư lạc nghiệp! Chúng tôi yên tâm kinh doanh, mới có tiền gởi về bển chớ. Cũng rất công bình. Người Việt hải ngoại thật sự có được những năm tháng bình yên từ ngày đó đến nay.
Mua súng cũng giống như bạn phải sắm bình chữa lửa và cái thang dây để trong nhà, phòng khi có hoả hoạn. Dù để hoài không xài tới, cũng đừng tiếc tiền mua. Bạn không bao giờ trông cho nhà cháy để có cơ hội dùng tới bình chữa lửa, hay dùng cái thang dây cho cả nhà leo xuống từ lầu hai, phải không? Nhưng nếu bạn không cụ bị những thứ đó, khi hữu sự, bạn chỉ có đứng nhìn thần hoả thiêu rụi cơ ngơi mồ hôi và nước mắt của mình một cách vô vọng, hay bạn và người thân phải liều mạng nhảy lầu, tránh chết cháy, vì không có thang dây.
Đâu có ai trông cho kẻ xấu đột nhập vô nhà mình để đem súng ra phơ chúng! Nhưng cũng đâu có ai muốn kẻ xấu đột nhập vô nhà mình, mà trong tay không một tấc sắt? Súng là giải pháp bảo vệ an toàn cho mình và gia đình. Dù mình không mong có dịp xài tới nó, nhưng không có thì không được. Tuy nhiên, nếu một xã hội vô pháp vô cương, và không có trình độ dân trí cao (đi đường lỡ cọ quẹt một chút cũng xách mã tấu ra thanh toán), thì súng sẽ là một hiểm hoạ không biết tới đâu mà lường!
 
Peter Chánh Trần

Thiến (Truyện ngắn)

Thiến!

Khuất Đẩu

Khi tôi còn bé, những buổi trưa ở thôn quê thật buồn. Chỉ có nắng ngùn ngụt như bốc khói.. Và gió, những cơn gió hừng hực đuổi lũ rơm rạ cuống quít chạy trốn trên đường làng. Cái tiếng gà trưa lúc này nghe ra đúng là thật não nùng. Mà cái tiếng của một ông thợ hoạn lại càng não nùng bi thiết hơn!

He…o thiến hôn?

Đỗ Mười , xuất thân nghề thiến heo
(Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rất đúng với trường hợp Đỗ Mười làm cải tạo công thương nghiệp.. Cũng đúng thôi, vì ông Mười xuất thân từ nghề hoạn lợn thiến heo sau đi theo cách mạng. Ông đâu có được học hành gì, bởi thế những suy tư và hành động của ông là suy tư và hành động của những tên lưu manh, vô lại, khi bỗng nhiên có chức, có quyền.  ) 
 Trích Nguyên Hồng , dân làm báo

Âm “he…o” kéo dài tưởng chừng lê lết bỗng đột ngột vút lên cái âm thiến sắc nhọn như lưỡi dao của ông. Lũ heo trong chuồng mà nghe và hiểu được như người chắc là sợ chết khiếp.

Thế rồi đâu đó có tiếng chủ nhà: Ông thiến ơi, vào đây!

Những con bị thiến là heo cái chừng hơn một tháng tuổi. Cô ả bị người thợ hoạn treo ngược lên, rạch một đường bên hông, đưa mấy ngón tay mò mẫm rồi lôi ra một chút thịt sống đẫm máu gọi là hoa sung. Sau đó là may với kim thiến heo thật to, không bôi thuốc đỏ mà bôi lọ nghẹ trộn với lá dâm bụt. Cô ả được thả vào chuồng, được chăm chút, chỉ ăn rồi ngủ, để rồi sáu tháng sau hoặc hơn, lại được treo ngược lên một lần nữa, lần này không phải ông thợ hoạn mà là anh đồ tể.
Cái tiếng ụt ịt nũng nịu thầm thì bấy lâu bỗng đổi thành cái tiếng ét chói tai như con tàu kéo hồi còi vĩnh biệt.

Gà, chỉ có gà trống mới thiến. Một khi hai hòn dái giấu kín trong bụng được lấy ra, anh không thèm gáy, không thèm đá lộn, đương nhiên không thèm túc túc cù rủ và nhường con trùn hay con dế cho các chị gà mái nữa, chỉ ăn toàn bắp ngâm nước cho mềm ra để tạo mỡ. Cuối tháng chạp, anh được nhốt trong một chiếc lồng hình con vịt, được các chàng trai khúm núm đem đi tết bố mẹ vợ sắp cưới. Để rồi sau đó anh nằm bảnh chọe trên một chiếc đĩa to kềnh mỡ vàng tươm ai thấy cũng thèm!
Chó bị thiến cũng là chó đực. Thiến để anh không đi tơ, để đêm ngày nằm gác mõm trên thềm nhà canh giữ sự an nguy cho chủ. Vì sợ hai hàm răng trắng nhởn có thể ngoạm vào bất cứ ai trong cơn hốt hoảng, nên người ta vuốt ve cho anh ngúc ngoắc đuôi ngoan ngoãn rồi bất ngờ úp một cái cối giã gạo lên đầu anh. Thế là hai hòn dái quý báu của anh cứ việc phơi ra cho người ta xẻo một nhát đi đứt. Khi được thả ra, anh chạy biến, trốn vào một bụi rậm, nằm liếm mãi cái vết thương cho đến khi khô máu mới dám thập thò trở về nhà. Anh được chủ yêu hơn, cưng chiều hơn, trở thành một thành viên tận tụy của gia đình, đến lúc già chết được đeo mấy đồng tiền vào cổ để đi đò qua sông Mịch La.
*
Với con người, ba tiếng “đau như hoạn” nhất định là thống thiết hơn cái tiếng ét hay tiếng ẳng. Đó là nỗi đau không được làm đàn ông. đau vì những người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.
Còn hơn đau, đó là nỗi nhục.
Trong cổ kim, chỉ có một người biến nỗi nhục đó thành vinh, là Tư Mã Thiên. Bị kết tội chết vì bênh vực Lý Lăng, không có tiền chuộc mạng, ông đành nghiến răng chịu thiến.. Không đẻ được con bằng xương bằng thịt, ông dành cả đời để đẻ ra đứa con tinh thần bất tử là bộ sử ký vĩ đại của nước Trung Hoa cổ đại.
Nhưng cũng có nhiều kẻ chịu đau chịu nhục chỉ để để trở thành hoạn quan.
Carter Stent miêu tả về việc cát thể (hoạn) ở Trung Hoa cuối đời Mãn Thanh như sau:
Trước khi cát thể, người có ý định trở thành thái giám được đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được hỏi lần cuối cùng có hối hận gì khi bị thiến hay không. Nếu người đó trả lời không thì một người sẽ giữ chặt bụng người đó, hai người khác banh hai chân ra giữ cho khỏi cục cựa. Băng vải được quấn chặt ở bụng dưới và hai đùi, và bệnh nhân được cho uống một thang thuốc mê (ma phế thang), bộ phận sinh dục của y được chà xát bằng nước ngâm ớt. Cả dương vật lẫn dịch hoàn được cắt xoẹt bằng một nhát dao sát tận đáy, một nút bằng kim loại cắm ngay vào lỗ sinh thực khí và vết thương được băng chặt bằng giấy bản, bên ngoài quấn vải thật chặt.
Người thái giám lập tức được những “đao tử tượng” dìu đi quanh phòng trong hai ba giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ. Người đó vừa đau đớn, vừa khát nước nhưng không được ăn uống và tiểu tiện trong ba ngày. Sau ba ngày, vải băng được cởi ra và cái nút được rút ra và nếu bệnh nhân có thể đi tiểu được ngay thì vụ giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Nếu người thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín và chỉ còn đường chờ chết.
Có gia đình chuẩn bị việc cho con mình tương lai sẽ làm thái giám tử khi còn nhỏ. Một bà vú (bảo mẫu) thuê để đặc biệt chăm sóc cho đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong nôi. Bà vú này có một thủ thuật riêng, mỗi ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ khiến đứa bé đau đến khóc thét lên. Lực bóp cũng tăng thêm và cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh, dáng điệu ẻo lả và trở thành “ái nam, ái nữ”.
Kinh hoàng như thế nhưng nhiều người vẫn xâm mình chịu trận, đủ biết cái bả vinh hoa nó có một hấp lực còn mạnh hơn cái bản năng gốc đã được tạo hóa cài đặt từ trong bụng mẹ.
Từ khi có chế độ cộng sản thì cái nước Tàu mênh mông không còn tiếp diễn cái cảnh man rợ đó nữa. Nhưng để được đứng dưới ngọn cờ của Đảng, có biết bao người đã tự hoạn. Hai tiếng “đồng chí” hết sức trung thành đã thay cho hai tiếng “hoạn quan”. Họ không chỉ phục dịch mỗi hoàng đế Mao Trạch Đông mà cả trăm cả ngàn ông hoàng bà chúa bé hơn ở Trung Nam Hải.
Nước Nga đâu khác gì.
Bắc Triều Tiên cũng vậy.
Thì thôi, đành một nhẽ. Dẫu sao họ cũng tự thiến chứ không phải bị đè ra thiến.
Ở xứ ta, từ khi có người gọi đích danh tự do là cái con cặc, thì cả nước bỗng ngớ ra bởi vì, sao trông nó buồn thiu ỉu xìu đến như vậy. Hóa ra nó đã bị thiến tự bao giờ! Cho dù không bị treo ngược lên như heo hay úp một cái cối giã gạo lên đầu, nhưng hơn nửa thế kỷ nay, từ khi vào mẫu giáo, nó đã bị bóp cho nát bét ra cái tư tưởng tự do như hai cái dịch hoàn, thì còn đâu khí thế mà vùng lên được.
Cho nên dẫu có muốn ngồi nhìn hòn dái đâm đinh như nghệ sĩ Pyotr Pavlensky trình diễn Fixation bằng cách đóng đinh bìu dái mình trên Quảng trường Đỏ cũng không còn dái đâu mà đóng...

Ô hô, cả nước bị thiến! Đúng là đau như hoạn! ./.