Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa

Chính tên cáo già Henry Kissinger "cây gỗ mục không cần tưới thêm nước" tôi thích câu nói này của Tổng Thống Trump. 
Tên Kissinger đã dâng tặng Hoàng Sa cho Trung Cộng để đổi lấy việc rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam VN, và cũng chính tên này đã điều đình
bán đứng chính quyền VNCH cho cộng sản Bắc Việt mà thế lực sau lưng chính là Trung Cộng.

Chứng minh rõ nhất đó là trận chiến đảo Gc Ma năm 1988 khi Trung cộng đánh chiếm, bộ chính trị của cộng sản bắc Việt ra lệnh "không được nổ súng" đứng im làm bia đỡ đạn cho Tầu cộng bắn chết hết những chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma. (đây chính là lũ bán nước hại dân)


Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa

image
Henry Kissinger với Phó Tổng thống Nelson Rockerfeller và Tổng thống Gerald Ford năm 1974

Người dân chài làm ăn thường là cần cù, lương thiện nhưng khi người lính đội lốt dân chài đi đánh cá thì thật là nguy hiểm, dù đánh cá ở Scarborough, Kinsaku hay Hoàng Sa.

Vào tháng 2 năm 1959 ngư thuyền Trung Cộng đưa người vào đánh cá trên Hoàng Sa. Không biết là dân chài thật hay dân chài giả, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho lệnh bắt giữ rồi trục xuất ra ngay.

Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Foster Dulles không e ngại TC trả đũa, cũng không ngăn chặn Tổng thống Diệm.

Tới năm 1974, ngư thuyền Trung Cộng lại quay về Hoàng Sa, nhưng lần này có chiến hạm đi theo. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh 'mời' những tàu này ra.

Khi chiến hạm cứ tiến vào, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã khai hỏa. Trận chiến kéo dài một ngày. Lập tức Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Kissinger liền khẩn cấp can ngăn Tổng thống Thiệu hãy ngừng lại, đừng đụng độ với Trung Cộng thêm nữa!

Ý nghĩa của trận Hoàng Sa

Quân đội Mỹ vừa rút đi xong, Trung Cộng đã muốn tìm hiểu xem thực sự Mỹ có can thiệp trở lại hay không, Washington có thay đổi lập trường "ngăn chặn Trung Cộng'" hay không? Đó là lý do dẫn đến biến cố Hoàng Sa ngay đầu năm 1974.

Đây là cảm tưởng chúng tôi có được sau khi hàn huyên với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về biến cố này.

Một buổi chiều mùa Thu năm 1976 tại ngôi nhà bé nhỏ của gia đình ông ở vùng Surrey ngoại ô thành phố Luân Đôn, sau bữa cơm tối tôi ngồi nhâm nhi ly rượu và tâm sự với ông về những diễn biến trước khi sụp đổ.

Khi tôi hỏi ông về trận Hoàng Sa và nhắc lại là đầu năm 1974 ông có chỉ thị cho chúng tôi phải báo cáo cho thật trung thực về tình hình viện trợ, chúng tôi đã trình bày là về tiếp liệu, quân nhu và quân cụ thì chúng tôi không biết rõ, nhưng về ngân sách dành cho Việt Nam thì sắp hết rồi vì Quốc hội Mỹ đang cắt xén rất mạnh tay.

Tôi hỏi ông là tại sao ông biết đã đến lúc cạn kiệt rồi mà vẫn còn chống cự cả Trung Cộng.

Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCHQuân lệnh của Tổng thống Thiệu

Ông không trả lời thẳng nhưng suy nghĩ giây lát rồi lẩm bẩm - chúng tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng đại khái ông nói: "Tôi còn định đi thêm bước nữa," rồi nhìn tôi và lắc đầu.

Tôi muốn hỏi thêm 'đi bước nữa là thế nào,' nhưng thấy ông tỏ vẻ lơ đãng, ưu phiền nên nói lảng sang chuyện khác. Các bạn có thể xem thêm trong cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 25.

Ngày nay, với những tiết lộ mới đây về mật điện của Bộ Ngoại Giao Mỹ vào chính ngày có hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974) và tìm hiểu thêm qua nhân chứng thì chúng tôi đã có thể giải mã về biến cố này.

Phân tích cho kỹ thì thấy ý nghĩa của trận Hoàng Sa thật là sâu xa: về thực tế, là để bảo tồn lãnh thổ, nhưng về mặt nguyên tắc, nó phản ảnh một cố gắng - hoàn toàn ngoài sức mạnh của VNCH - để ngăn chặn Trung Cộng khỏi tràn xuống Biển Đông.

Bối cảnh dẫn tới trận Hoàng Sa

Ngày 22 tháng 6, 1972 trong một buổi mật đàm với Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai ở Bắc Kinh, Cố vấn Mỹ Henry Kissinger đã cho ông Chu biết rằng:

image
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong lễ khai trương một bệnh viện ở Sài Gòn

"Nếu có một thời gian vừa đủ giữa lúc chúng tôi rút quân và những gì xẩy ra sau đó thì vấn đề gần như chắc chắn rằng có thể khoanh gọn, như chuyện nội bộ của Đông Dương" và "sau khi chúng tôi đã không còn can dự nữa thì …rất ít khả năng chúng tôi sẽ quay trở lại, rất ít khả năng."

Cuối tháng 3/1975, toàn bộ quân lực Mỹ đã rút khỏi Miền Nam. Sau đó Quốc Hội Mỹ lấy cớ "Miền Nam đã có cả hòa bình lẫn danh dự" để cắt giảm viện trợ thật nhanh.

Như vậy là ván bài Việt Nam đã được khoanh gọn, và tới đầu năm 1974 thì chắc TC cho rằng "khoảng thời gian vừa đủ" đã chấm dứt: Bắc Kinh muốn trắc nghiệm xem Mỹ có quay trở lại hay không.

Cho nên, ngay đầu năm, Trung Cộng đã lấn chiếm Hoàng Sa.

Dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, Hải quân VNCH vẫn chống trả. Ngày 18 tháng 1, Tổng thống Thiệu bay ra tận Đà Nẵng, lấy giấy ra viết tay thẳng cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải.

Trên đầu trang ông viết: 'Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải':
"Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH."

Viết lệnh xong, ông Thiệu cất giọng: "Anh Thoại, đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng thì cho tôi biết ngay từ bây giờ."

Dù bị mất Hoàng Sa và chịu nhiều tổn thất và thương vong, Hải quân VNCH đã gây tổn thất lớn cho đối phương như nhiều nguồn đã đề cập.

Theo ông Thoại thì Hộ tống hạm lớp Kronshtadt 274 của Trung Cộng bị bắn chìm.

Vì tàu này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu đều tử trận gồm cả Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh Phó của Hạm đội Nam Hải, bốn đại tá, sáu trung tá, hai thiếu tá, bảy sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên.

Ngoài ra, Trục lôi hạm số 389 và số 396 bị hư hại nặng.

Dĩ nhiên phải "cẩn tắc" để "vô ưu" nên Trung Cộng đã chuẩn bị cho những bất trắc có thể xảy ra.

Những tiết lộ mới đây cho biết Chủ tịch Mao đã sắp xếp để đưa một lực lượng quân sự lớn lao gồm hơn 40 chiến hạm để làm lá chắn cho Hoàng sa, phòng hờ Đệ Thất Hạm Đội can thiệp.

Sau hải chiến, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Không quân oanh kích để phản công
Bây giờ thì chúng tôi lại cũng hiểu rõ về câu Tổng thống Thiệu nói "Tôi còn định đi thêm bước nữa."

image
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đón đoàn Quốc hội Mỹ, mùa hè 1974. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng ngồi ở bìa trái hình.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết rằng sau trận hải chiến, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh cho Không Quân VNCH bay ra Hoàng Sa oanh kích để phản công, nhưng rồi lệnh được rút lại.

Tại sao như vậy? Ngày nay thì ta đã có chứng cớ và văn bản để trả lời.

Trước hết về lệnh cho Không Quân ra khơi để phản công, chúng tôi phối kiểm với Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, (Phụ Tá Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư lệnh Không quân, phụ trách toàn bộ 19 phi đoàn khu trục của VNCH) thì ông đã xác nhận là đúng.

Ông kể lại nhiều chi tiết, tóm tắt như sau: vào 8 giờ tối ngày 19 tháng 1/1974, Tư lệnh Không quân nhận được mật lệnh của Tổng thống phải dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để oanh kích phản công địch trên đảo Hoàng Sa.

Ngày hôm sau đoàn phi công đã cất cánh hai lần để ra khơi, một lần vào buổi trưa và một lần buổi chiều, mỗi lần gồm hai phi tuần.

Nhưng vừa bay được khoảng trên một trăm dặm thì nhận được đặc lệnh phải quay trở về đáp và hủy bỏ ngay các phi vụ không kích này.

Lý do là Đệ Thất Hạm Đội yêu cầu ngừng kế hoạch oanh tạc và nhấn mạnh rằng sẽ không có "top cover" (yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ của Trung Cộng từ Hải Nam lên không chiến) và cũng không có "rescue" (cứu vớt nếu bị bắn rơi).

image
Tàu Hải quân VNCH trong Hải chiến Hoàng Sa 1974

Trong số những quân nhân tham gia phi vụ không kích này, số nhân chứng còn sống hiện nay thì ngoài ông Quốc Hưng (hiện ở Salem, Oregon) còn có các Thiếu tá Phạm Đình Anh (California), Đàm Tường Vũ (Arizona), Vũ Viết Quý (California), và Hồ Văn Giầu (Las Vegas).

Mật điện Bộ Ngoại Giao Mỹ (19 /1/1974): Can ngăn Tổng thống Thiệu

Một chuyện thật lạ lùng: vào ngày 17 tháng 1/1974 (ngày 18 tháng 1 - giờ Sài Gòn) Bộ Ngoại Giao Mỹ do Ngoại trưởng Henry Kissinger lãnh đạo đã gọi điện thoại cho Đại sứ Martin ở Sàigòn và nhấn mạnh ý muốn của Bộ là "tình hình phải được hạ nhiệt" (cooling the situation).

Tài liệu này được giải mật ngày 30 tháng 6, 2005. Dĩ nhiên là ông Martin phải thi hành ngay và đã cố vấn ông Thiệu. Ngày hôm ấy chính là ngày Tổng thống Thiệu bay ra Đà Nẵng để ra lệnh chống cự Hải quân Trung Cộng.

Cùng ngày, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân VNCH bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để chỉ huy lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 1 là ngày có trận hải chiến, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại gửi mật điện can ngăn Tổng thống Thiệu đừng đi thêm bước nữa.

Bức điện đó như sau:
Ngày 19 tháng 1/1974
Người gửi: Ngoại Trưởng - Washington DC
Nơi nhận: Tòa Đại sứ Sài Gòn

Mật điện Bộ Ngoại Giao 012641

1. Xung đột quân sự tại Hoàng Sa đã đưa đến thương vong cho VNCH với hai chiến hạm bị tên lửa STYX của Trung Cộng bắn chìm. Chính phủ VNCH có yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân. Tình hình thêm phức tạp vì báo cáo là trên đảo Pattle (do VNCH đóng quân) lại có một nhân viên dân sự Mỹ làm việc cho Văn phòng Tùy viên ở Đà Nẵng. Chúng tôi không hiểu tại sao người này lại có mặt ở đó.

2. Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ tránh khỏi khu vực này .
Hai ngày trước đây (17 tháng 1) chúng tôi có bàn luận với Đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ ý muốn của chúng tôi là tình hình phải được hạ nhiệt…

3. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao gửi cho báo chí về vụ này sẽ nói theo những điểm như sau:
-- Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa nhưng hết sức mong muốn là sự tranh chấp được giải quyết trong hòa bình.
-- Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.

4. Chúng tôi đang yêu cầu Tòa Đại sứ ở Sàigòn cố vấn chính phủ VNCH chỉ nên có những hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân (và người nhân viên Mỹ ở trên đảo) nhưng làm tất cả những gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với lực lượng Trung Quốc. Việc mà VNCH hay chúng ta không cần chút nào trong lúc này là đụng độ giữa Trung Cộng và Chính phủ Việt Nam về mấy hòn đảo, dẫn tới vai trò bất chấp của Trung Cộng trong cuộc chiến Việt Nam.

KHẨN - MẬT

Về phản ứng của Mỹ và mật điện ngày 19 tháng 1, 1974, ta có thể nhận xét như sau:

Vừa biết tin rục rịch là TT Thiệu đang sửa soạn ra lệnh chống trả chiến hạm

Trung Cộng là Bộ Ngoại Giao đã can ngăn ngay.

Chính phủ VNCH yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân (ngoài số tử thương còn 68 binh sĩ VNCH bị mất tích và bắt làm tù binh) nhưng bị từ chối.

Đã không yểm trợ chiến đấu, đã ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ tránh né khỏi khu vực giao tranh, lại còn tuyên bố cho rõ ràng là "Chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa" và xác định (cho Bắc Kinh biết) là "Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào vụ xung đột này."

Không đứng về phe nào thì tại sao lại khuyên can chính phủ VNCH "hãy hạ nhiệt," chỉ hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân thôi, nhưng làm bất cứ những gì để tránh đụng độ thêm nữa với lực lượng Trung Cộng về mấy hòn đảo? Ông Kissinger đã quên rằng chính ông đã từng soạn thảo lá thư để TT Nixon gửi TT Thiệu ngay trước khi ký kết Hiệp Định Paris nói đến lập trường vẹn toàn lãnh thổ của VNCH: "Nền tự do và độc lập của VNCH vẫn còn là mục tiêu tối cao của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ" (thư ngày 17 tháng 1, 1973).

Như vậy là một cửa vào Biển Đông đã bắt đầu được mở rộng. Trước đó, từ 1960 tới 1973, Trung Cộng chỉ cho tầu đi tuần tiễu vùng biển giữa quần đảo Hải Nam và Hoàng Sa trung bình khoảng năm lần một năm.

Qua eo biển Đài Loan

Trước Hoàng Sa, Mỹ đã mở một cửa nữa vào Biển Đông, đó là qua eo biển Đài Loan ở phía trên. Sau khi ông Mao Trạch Đông chiếm được Trung Hoa Lục Địa vào tháng 10/1949, Hoa Kỳ nhất quyết bảo vệ độc lập của Đài Loan hay nước 'Trung Hoa Dân Quốc.'

Bởi vậy mỗi lần Bắc Kinh đe dọa eo biển Đài Loan như vào năm 1954-1955 và 1958 thì Mỹ phản ứng rất mạnh (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 28). Nhưng từ 1971 thì khác.

Ngày 29 tháng 7/1971: Kissinger bí mật đi Bắc Kinh và trong dịp này đã cho Trung Cộng biết là Mỹ không còn ủng hộ một Đài Loan độc lập nữa, có nghĩa là Đài Loan sẽ chỉ là một khu vực của Trung Quốc, và như vậy Mỹ sẽ hết bảo vệ khu này và sẽ rút hạm đội và phi đội ra khỏi nơi đây.

Tháng 8/1971: sau cuộc họp, Mỹ tuyên bố hủy bỏ việc chống Trung Cộng gia nhập Liên Hiệp Quốc. Tháng 10, Liên hiệp Quốc bỏ phiếu 76 thuận, 35 chống (và 17 không bỏ phiếu) việc đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc và chấp nhận chính quyền Bắc Kinh là chính phủ đại diện Trung Cộng.

Tháng 10/1971: Mỹ rút khu trục hạm của Đệ Thất Hạm Đội ra khỏi eo biển Đài Loan.

Tháng 2/ 1972: TT Nixon thăm viếng Bắc Kinh. Sau cuộc họp Nixon - Mao tại Bắc Kinh, một thông cáo chung gọi là 'Thông Cáo Thượng Hải' (Shanghai Communique) được tuyên bố, gián tiếp quy định "Việc Mỹ rút toàn bộ khỏi Đài Loan là mục tiêu cuối cùng," và sẽ "từng bước giảm cả quân đội, cả những căn cứ Mỹ tại Đài Loan khi sự căng thẳng trong vùng bớt đi."

Trấn an Trung Cộng sau khi Miền Nam sụp đổ

image
Khu trục hạm Trường Sa (phải) của TC về cảng Tam Á trên đảo Hải Nam sau chuyến diễn tập tháng 2-3/2017

Ngày 1 tháng 12 năm 1975: ông Henry Kissinger đã sắp xếp để người kế vị Tổng thống Richard Nixon là Tổng thống Gerald Ford đi Bắc Kinh năm ngày và gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Trước chuyến đi, ông Kissinger đã cố vấn Tổng thống Ford thật kỹ: "Ngài sẽ cố gắng hết sức để tăng cường giây liên lạc với Trung Quốc. Ngài (nên cho họ biết rằng) Ngài tin việc phát triển mối bang giao Mỹ - Trung là quyền lợi căn bản của chúng ta và Ngài sẽ theo đuổi việc này một cách mạnh mẽ trong những năm tới."

Ngày 7 tháng 12/1975: Vừa từ Bắc Kinh về, TT Ford tuyên bố 'Học thuyết Thái Bình Dương' (Pacific Doctrine) kêu gọi bình thường hóa toàn diện quan hệ với Trung Cộng và cộng tác kinh tế trong toàn thể Á Châu.

Dĩ nhiên, điều kiện để bình thường hóa toàn diện với Trung Cộng là việc Mỹ rút khỏi eo biển Đài Loan.

Cuối tháng 5 năm 1975: chỉ một tháng sau khi Miền nam sụp đổ, Hoa Kỳ đã rút đội phi cơ chiến đấu cuối cùng ra khỏi Đài Loan. Có nghĩa là từ đó những hạm đội Đông Hải của TC từ phía bắc có thể theo con đường nhanh nhất tràn xuống phía Nam.

Và từ phía nam những hạm đội Nam Hải có thể tiến thẳng vào Biển Đông qua ngả Hoàng Sa.

Cùng tác giả: "Năm năm vàng son" của Việt Nam Cộng Hòa

Tương lai của vùng này trở nên đen tối. Trung Cộng chỉ cần mua thời gian để chuẩn bị, chờ cho tới khi có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ra tay: ba yếu tố này đã hội đủ vào năm 2008 (Các bạn xem thêm cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 26).

Như vậy lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng chính hai ông Nixon và Kissinger đã đơn phương và trong vòng bí mật, mở cả hai cửa vào Biển Đông cho Trung Cộng từ trên 40 năm trước đây.

Hậu quả của mật điện Hoàng Sa ngày 19/1/1974 thật là lớn lao, nó dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại Biển Đông ngày nay. Để mất Hoàng Sa và còn nhắn nhủ Trung Cộng rằng Mỹ không có dính líu gì vào tranh chấp hải đảo, rằng quân lực Mỹ đã được lệnh rút ra khỏi vùng này.

Như vậy là Trung Cộng được tự do tung hoành. Từ tung hoành tới lộng hành. Cái kẹt là sau khi lộng hành với các quốc gia sở tại, Trung Cộng lộng hành với chính Mỹ. Cho nên Mỹ phải xoay trục để trở về với Biển Đông, nơi đó có tới bảy quyền lợi của Mỹ như đã được xác định bằng văn bản (Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 26).

Trung Cộng lại là đối tác ngoại thương lớn nhất - tổng số xuất-nhập Trung-Mỹ lên tới $579 tỷ vào năm 2016. Mặt khác Mỹ phải cố gắng để thắt cho thật chặt quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong vùng, nhất là với Việt Nam.

image
Chiến hạm USS John S. McCain thăm Đà Nẵng năm 2010: Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á và Việt Nam

Tại sao như vậy? Đó là một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.

Bây giờ, muốn trở về với Biển Đông Mỹ đi hàng đôi: một mặt thì tỏ ra mềm dẻo với Trung Cộng nhưng mặt khác lại luôn luôn chuẩn bị để đối phó bằng quân sự với Trung Quốc, dù dưới thời Tổng thống Obama hay Tổng thống Trump.

Để đối phó, Mỹ đang tăng cường liên minh quân sự với một số quốc gia trong vùng, kể cả tiến tới đối tác chiến lược với Việt Nam. Tại sao như vậy? Đó là một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.



Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng


Cấm lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975

Nhạc Sĩ Lam Phương

“Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn cả mấy trăm bài, cấm có hai bài đâu có ăn thua gì"


Tác giả, nhạc sĩ nói về vụ cấm ca khúc trước 1975

image

Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ra thông báo tạm thời dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước 1975 để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu về ca từ với bản nhạc gốc. Đó là các ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An, và Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.

image

Từ California, nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của hai bài hát vừa bị chính quyền Việt Nam đình chỉ lưu hành cho biết ông không cảm thấy buồn vì lệnh đình chỉ này. Nhạc sĩ Lam Phương năm nay 80 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, giọng nói thay đổi vì bị đột quỵ. Ông nói như sau:

image

“Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn cả mấy trăm bài, cấm có hai bài đâu có ăn thua gì. Chuyện này mình biết trước rồi. Tôi biết thế nào họ cũng cấm nhiều bài nữa. Mình viết tân nhạc mà trái với đường lối thì họ cấm. Chuyện dĩ nhiên mà. Hổng có chuyện gì buồn hết. Nghịch với đường lối của họ thì họ làm. Còn tình cảm sáng tác thì mình vẫn giữ thôi. Họ để thì để, họ không để thì cấm thôi. Đường của mình thì mình đi, đường của họ thì họ đi.”

image

Cũng như nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Lê Dinh, đồng tác giả của bài hát quen thuộc Cánh thiệp đầu xuân, hiện đang sốngt tại Montreal, Canada, không bận tâm lắm về lệnh hoãn lưu hành này. Nhạc sĩ Lê Dinh chia sẻ:

“Trước năm 1975 thì là của mình. Mình viết theo sự tự do của mình. Còn bây giờ thì họ muốn làm gì thì làm. Tôi không để ý tới. Lời ca thì viết theo chánh phủ của mình, Việt Nam Cộng Hòa. Họ muốn đổi thì đổi, muốn không hát thì không hát. Tôi không để ý tới. Đới với tôi là tác giả, không thành vấn đề.”

image

Theo Báo Pháp luật, tác phẩm Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép vào năm 2011, còn lại hai ca khúc Con đường xưa em đi và Đừng gọi anh bằng chú đều cấp phép vào năm 2014.

image

Báo Pháp Luật trích lời ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói rằng: “Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ gửi văn bản đến các trang mạng nghe nhạc trực tuyến, hãng băng đĩa... để tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc này. Bởi nếu tiếp tục lưu hành việc sai lời, sai tác giả… sẽ còn ảnh hưởng đến quyền tác giả và các quyền liên quan.”

Ngoài ra, khi trao đổi với Báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho biết 5 ca khúc bị dừng lưu hành như nêu trên “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị.”

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, hơn 40 năm qua, Cục đã cấp phép phổ biến hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhiều bài hát do thất lạc bản nhạc gốc, các đơn vị đề nghị xin cấp phép sử dụng đều ký âm lại và cam kết tính chính xác của tác phẩm, việc làm này dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc.

Từ thành phố HCM, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết nhận xét của ông về lệnh hoãn lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước 1975:

image

“Vấn đề này là cái tào lao của bên Sở Văn Hóa. Nếu mà trong bài mà mình chỉnh “lính” thành lại “bộ đội” thì không cho phép, bởi vì khi ca lên sửa cái lời dù liên quan đến bộ đội nhưng người ta vẫn hiểu là Việt Nam Cộng Hòa rồi. Cái này không cho là đúng. Các sáng tác cá nhân, nếu đứa con của mình không hoàn hảo thì có thể sửa cho hoàn hảo đứa con này, đó là quyền của tác giả.”

Nhạc sĩ Lê Minh, cũng ở thành phố HCM, cho biết ông khá bất ngờ về lệnh hoãn này:

image

“Riêng Chuyện buồn ngày xuân thì mới gần đây ca từ do ảnh hưởng sau năm 1975 thì ít nghe phổ biến, còn bài Con đường xưa em đi thì người vẫn hát. Không biết lý do gì mà bên Cục lại không cho hát?”

Nhạc sĩ Lê Minh nói rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn chấp nhận việc sửa lời bài hát, và một số ca khúc sửa lời đang được lưu hành. Nhạc sĩ Lê Minh cho biết thêm nhận xét của ông về việc kiểm duyệt âm nhạc của chính quyền Việt Nam:

“Thật ra một bài hát có xuất xứ ra đời thì nó gắn liền với thời gian, gắn liền với một cột mốc nào đó. Thành ra những người yêu nhạc, người ta sống theo ký ước thì người phản ứng là đúng. Còn một số ca sĩ mình vì muốn được cấp phép mà trong khi Cục chưa ra thông báo cho phổ biến những bà đó thì họ có thay đổi ca từ. Trường hợp đó cũng rất nhiều, nhưng có những bài nó vượt qua luôn, chẳng hạn như bài Tôi đưa em sang sông, vì đời tôi là chiến binh thì người ta sửa lại là vì đời tôi là cánh chim bay khắp phương trời thì được lọt lưới luôn cho tới bây giờ vẫn còn hát. Hay là Trên đường đi lễ xuân đầu năm của Hoài An, đón xuân nơi trận tiền thì đổi thành Đón xuân qua mọi miền thì cũng được cho hát tới bây giờ. Không nghe nói vấn đề cấm phổ biến. Riêng bài Con đường xưa em đi, theo tôi biết, lời của nó là Chiến trường anh bước đi, thì có ca sĩ đổi lại là Lối mòn anh bước đi, nhưng có ca sĩ vẫn để Chiến trường anh bước đi, vẫn phổ biến trên mạng, trên Youtube hay trên các MV.”

“Còn người nghe người ta phản ứng là đúng. Vì vào thời điểm người nghe những bài hát này là những thời điểm ký ước họ quay về, gợi về những kỷ niệm đó. Bây giờ anh sửa lại thì người phản kháng. Từ đó mới túng ta lúng túng trong vấn đề quản lý.”

Báo Người Lao Động viết rằng “Không ít ca khúc dòng nhạc này có nội dung liên quan đến lính chế độ Sài Gòn. Vì thế, để được sử dụng, nhà sản xuất và ca sĩ thường sửa những ca từ liên quan đến nội dung này khi gửi văn bản ra Cục Nghệ thuật Biểu diễn xin phép. Tuy nhiên, dù có sửa ca từ thì những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975 nghe là nhận ra ngay.”

image

Nhạc sĩ Lê Minh nói rằng việc sửa lời ca khúc là không thể chấp nhận vì như vậy là “không tôn trọng người sáng tác”:

“Sống lại trong lòng người ta không vì ca từ không thôi, mà còn còn giai điệu nữa. Nếu mà chúng ta xét nét từ câu từ chữ thì cũng dễ thôi. Nó là một sản phẩm văn hóa, tinh thần thì không có vấn đề gì hết. Cứ cho hát, ai thích cái gì thì chọn cái nấy. Có khi mình làm như vậy thì người ta tò mò thêm. Nói thật ra cái đó là sự xúc phạm đến người sáng tác. Một số hãng băng hay một số ca sĩ tự ý làm thì cái đó thì cái đó không tôn trọng tác giả. Hai là nếu người nghe đã in hình bài đó rồi thì coi như không tôn trọng người nghe thì những việc làm đó, tôi cho là không đúng. Chúng ta nên giữ nguyên hiện trạng. Anh cảm thấy anh cho thì tôi hát, chứ không sửa. Giống như mới đây bài Ly rượu được cho phép cho hát sau 40 năm không được phép hát. Người ta vẫn không sửa. Trên tinh thần đó thì chúng ta nên sử dụng những tác phẩm hay, có giá trị, chứ không gì một chính kiến gì đó mà chúng ta cất nó đi hay không cho phép nó tồn tại. Điều đó không nên.”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định với báo VNExpress rằng “năm ca khúc bị tạm dừng lưu hành không gặp vấn đề nghiêm trọng về nội dung. Sau khi quá trình thẩm định kết thúc, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ cấp phép trở lại.”

Trước tình hình các ca khúc bị hoãn lưu hành, gây thiệt hại cho các công ty phát hành băng đĩa và ảnh hưởng đến công chúng yêu nhạc trước năm 1975, báo Người Lao Động đưa ra kiến nghị: “Thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc xưa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc loại nào không được phép phổ biến.”

“Về mặt quản lý nhà nước, cần đơn giản hóa những thủ tục hành chính, loại bỏ triệt để các loại giấy phép con mà những quyết định cho phép phổ biến các sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hay sáng tác của người Việt Nam sinh sống và định cư ở nước ngoài là một loại giấy phép con cần bỏ.”

image

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Chất độc giết Kim Jong-nam là gì?

Tìm hiểu về chất độc VX " là chất lỏng nhờn, không mùi, không vị, có màu hổ phách và “bay hơi rất chậm”

Nhớ lại truyện chưởng (kiếm hiệm) của Kim Dung, những nhận vật chuyên sử dụng độc dược, đã sữ dụng loại độc (không mùi, không vị) khiến cho các cao thủ võ lâm không thể phát hiện. 
Nếu thật sự cái chết của Kim Jong Nam có liên quan đến (Bắc Hàn) thì điều này chứng tỏ Bắc Hàn cũng sở hữu rất nhiều loại bom bẩn giết người hàng loạt.

Chất độc giết Kim Jong-nam là gì?

image
Tư liệu- Chất độc thần kinh VX được bảo quản trong 1,269 thùng chứa bằng thép tại Ấn Độ, ngày 18 tháng 11 năm 1997.

Ngày 24/2, cảnh sát Malaysia công bố chất hóa học giết chết ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, là chất độc thần kinh VX. Vậy VX là gì? Nó được sử dụng ở đâu?

Khi bị nhiễm VX thì phải làm sao? VOA tổng hợp các thông tin liên quan đến chất độc này.

VX là gì?

image

VX là chất lỏng nhờn, không mùi, không vị, có màu hổ phách và “bay hơi rất chậm”. V trong VX là ký tự đầu của từ tiếng Anh “venom” (từ gốc La Tinh “venenum”), có nghĩa tiếng Việt là nọc độc hay chất độc. Chỉ cần một lượng 10 mg VX là đủ để giết chết một người khi độc chất này làm tê liệt hệ thần kinh của nạn nhân. Chất độc này có thể tác động vào người bằng tiếp xúc qua da, mắt hoặc do hít vào. Trong vụ giết ông Kim Jong-nam, giới hữu trách Malaysia nói chất độc này đã được tìm thấy trên mắt và mặt của nạn nhân.

VX được coi là một trong những hóa chất nguy hiểm nhất trên thế giới. Liên Hiệp Quốc đã liệt VX là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ai tạo ra và ai sở hữu VX?

image 

Đầu thập niên 1950, nhà hóa học Ranaji Ghosh làm việc cho công ty hóa chất Imperial Chemical Industries (ICI) của Anh quốc đã tìm ra hợp chất organophosphates có thể sử dụng làm thuốc trừ sâu rất hiệu quả. Năm 1954, ICI đã tung ra một trong số các hợp chất này dưới tên thương mại là Amiton. Nhưng loại hóa chất này đã bị thu hồi ngay sau đó vì nó quá độc, không an toàn để sử dụng. Tuy nhiên độc tính của nó lại không được chú ý mấy. 

Một số mẫu hợp chất đã được gửi đến các cơ sở nghiên cứu của quân đội Anh để đánh giá. Sau khi đánh giá xong, một số trong nhóm hợp chất này đã trở thành một nhóm mới được gọi là các chất V.

Nổi bật nhất là VX.

image

VX không có trong tự nhiên, nó chỉ được biết đến trong chiến tranh hóa học. VX rất có thể đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Tin từ AP nói các lực lượng của ông Saddam Hussein đã sử dụng VX trong cuộc tấn công bằng khí độc vào thành phố Halabja của người Kurd tại miền bắc Iraq vào năm 1988, giết chết hàng ngàn người.

Thập niên 1960, Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất VX. Chỉ có Hoa Kỳ và Nga thừa nhận có trữ VX nhưng nhiều quốc gia khác như Iraq và Syria cũng được cho là đang trữ nhiều tấn hóa chất này.

image

Nếu Bắc Triều Tiên thực sự sử dụng VX để ám sát ông Kim Jong-nam, thì sự kiện này sẽ cho thấy một bước tiến mới của quốc gia Cộng sản về khả năng sử dụng vũ khí hóa học, chuyên gia quân sự Hàn Quốc Kim Dae Young nhận xét với AP. Ông nói: “Họ có thể đã thực hiện rất nhiều thử nghiệm để có được một lượng chuẩn để giết ông Kim Jong-nam, nhưng lại không làm hại các sát thủ hay những người đứng gần đó tại một phi trường đông đúc”.

image

Bắc Triều Tiên đã sản xuất vũ khí hóa học từ thập niên 1980 và ước tính hiện nước này đang trữ khoảng 5.000 tấn vũ khí hóa học. Quốc gia bị cô lập này được xem là một trong những kho trữ vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng có khoảng 12-13 loại vũ khí sinh học, AP dẫn lời nhà bình luận quân sự ở Seoul, ông Lee Illwoo, cho biết.

Nguy cơ phơi nhiễm

VX có thể tác dụng lên người qua tiếp xúc da, mắt, hoặc hít phải.

Người bị dính VX lên quần áo có thể khiến người khác bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với họ. Chính vì điều này mà xác suất phơi nhiễm qua không khí và quần áo tại phi trường Kuala Lumpur sẽ khá cao nếu thực sự hai nữ nghi phạm đã sử dụng VX để giết ông Kim Jong-nam.

Cảnh sát Malaysia hôm 24/2 cho biết nước này sẽ tiến hành tẩy rửa phi trường quốc tế Kuala Lumpur, nơi ông Kim Jong-nam bị sát hại hôm 13/2, để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Triệu chứng sau khi phơi nhiễm VX

image

Các triệu chứng xảy ra cho người tiếp xúc với VX tùy thuộc vào khoảng thời gian và mức độ phơi nhiễm với chất độc thần kinh này.

Nếu tiếp xúc với VX ở dạng hơi, các triệu chứng thường xuất hiện trong một vài giây đến tối đa là 18 giờ. Còn nếu tiếp xúc ở dạng chất lỏng mà mắt người có thể nhìn thấy được thì có thể dẫn đến tử vong.

Tác dụng gây giết người của VX là nó vô hiệu hóa một loại enzyme có tác dụng như một công tắc tắt mở các cơ và các tuyến trong cơ thể. Nếu không có công tắc này, các cơ và các tuyến trong cơ thể sẽ làm việc liên tục và kiệt quệ, không thể duy trì nổi ngay cả chức năng thở.

Phơi nhiễm VX ở liều lượng thấp đến trung bình có thể dẫn đến tăng huyết áp, ho, tiêu chảy, đổ mồ hôi và buồn nôn. Chỉ một giọt VX trên da có thể gây co giật và rối loạn nhịp tim.

Phơi nhiễm cao có thể gây bất tỉnh, tê liệt và suy hô hấp.

image

Cảnh sát Malaysia hôm 24/2 nói một trong hai nữ nghi phạm vụ ám sát ông Kim Jong-nam (một người Việt và một người Indonesia) có biểu hiện bị phơi nhiễm chất độc thần kinh VX, “bị nôn vài lần do tiếp xúc với nó (chất độc)”, nhưng từ chối tiết lộ người đó là ai trong hai nữ nghi phạm.

Cấp cứu cách nào?

image

Cách tốt nhất để cứu người bị phơi nhiễm VX ở mức độ thấp đến trung bình là tiêm thuốc giải độc ngay lập tức. Tại một số quốc gia như Mỹ, chất giải độc VX được cung cấp cho quân đội dưới dạng có thể tự tiêm ngay được.

Ngoài ra, cần phải cởi bỏ quần áo của người bị phơi nhiễm VX, đưa họ ra nơi thoáng khí, nhanh chóng tắm rửa toàn thân bằng xà phòng và chăm sóc y tế

Suối nguồn AET sưu tầm