Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Những khoảng khắc siêu hình trong thơ


Suối nguồn AET 
Chia sẻ bài viết "Những khoảng khắc siêu hình trong thơ.."
Tôi xin góp tiếng thêm cho bài viết này bằng một ý thơ vừa chợt đến.

Đời quanh ta nước mắt chan tình nghĩa
Làm sao quên lời hẹn lúc phân chia
Như giọt nước trên bờ môi mặn đắng
Nụ hôn nào làm ngọt lúc chia ly.

Aet.Lê Tuấn

Nhà thơ người đi lượm nhặt những mảnh vỡ trong nhận thức và trong cảm xúc để lắp ghép, tô bồi lại thành một tác phẩm nghệ thuật

Những khắc khoải siêu hình trong thơ miền Nam 1954-75

Thời 1954-75, các nhà thơ ở miền Nam, với những mức độ khác nhau, đều hoài nghi, hơn nữa, phủ nhận toàn bộ những nền tảng ý thức hệ và thẩm mỹ trên đó Thơ Mới thời 1932-45 được xây dựng.

Trước hết là hình ảnh nhà thơ như một cái tôi cá thể.

Không còn nghi ngờ gì nữa, khí quyển văn hoá của thơ miền Nam vẫn là bầu khí quyển của chủ nghĩa cá nhân. Có điều, nếu chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn 1932-45 là một thứ chủ nghĩa cá nhân đầy tự tin và tự hào một cách ngây thơ thì chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn 1954-75, sau những năm kháng chiến hào hùng, khốc liệt, đầy ngang trái và đầy cay đắng, trở thành “phải chăng” hơn: cái “tôi” cá thể được hiểu như một cái riêng chứ không phải là một cái khác, càng không phải là một cái gì lớn lao, tuyệt đối. Nhà thơ không còn là “con chim đến từ núi lạ” (Xuân Diệu) mà chỉ là “một con chim bói cá / lặn tìm vuông đời mình” (Du Tử Lê), không còn đi những bước đi đặc dị: “Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân” (Trần Huyền Trân) mà chỉ muốn hoà hoãn với cuộc đời: “Tôi bây giờ sống thu thân / Sống cam phận nhỏ chia phần an vui” (Nhã Ca); không còn khệnh khạng: “Tôi: thù nhân của Số Nhiều” (Vũ Hoàng Chương) mà ý thức rất rõ trong cái riêng của mình có cái chung của nhân loại: “Tôi là một người là một đám đông”(Tô Thuỳ Yên).

Trước, nhà thơ tự coi mình như một kẻ có phẩm chất đặc biệt và cao cả, khác hẳn phàm trần, không thể có tri âm giữa trần, nên chỉ trò chuyện với vũ trụ, với trăng sao. Nay, ngược lại, nói như Thanh Tâm Tuyền, “người làm thơ... chỉ là tên ăn mày lẩn giữa đám đông khốn cùng với một mẩu tự do còn sót lại” (1) Chỗ đứng của nhà thơ là ở “giữa lòng cuộc đời”, như nhan đề một tập thơ của Quách Thoại. Thơ Thanh Tâm Tuyền: “Mỗi hoàng hôn tôi bước cùng đám đông / lòng khẩn cầu cách mạng”; thơ Tô Thuỳ Yên: “Tôi ra giữa công trường cất tiếng kêu oan”.

Thấp thoáng đâu đó, trong những câu thơ vừa dẫn, có chút ảnh hưởng của thơ thời kháng chiến chống Pháp chăng? Có thể. Chỉ có điều khác là: các nhà thơ kháng chiến, ngay cả trong những năm đầu, thường chỉ đứng trong đội ngũ. Còn các nhà thơ sau này lại đứng giữa cuộc đời, cái cuộc đời được thu gọn lại vào một biểu tượng: đám đông. Ở trong đội ngũ thì cần đồng phục. Ở giữa cuộc đời thì không.

Hơn nữa, cái tôi cảm xúc cũng không còn giữ được vị thế uy nghi như trước. Trong phong trào Thơ Mới, các nhà thơ coi sự đa cảm và nhạy cảm là đặc sản của những thiên tài nên cố sức phô bày cảm xúc trong thơ. Ai cũng muốn khoe khoang, như Tế Hanh: “Tôi là triệu phú rất nhiều yêu”, như Nguyễn Bính: “Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”, như Xuân Diệu: “Tôi không biết, không biết gì nữa cả / Chỉ yêu nhiều là tôi biết mà thôi”. Có điều, bị chi phối bởi quan điểm thẩm mỹ chỉ coi là đẹp những gì nhẹ nhàng thơ mộng, cảm xúc của họ, do đó, cũng dừng lại ở mức độ nhẹ nhàng và thơ mộng. Yêu, thường chỉ là yêu thầm. Nhớ, thường chỉ là nhớ xa xôi. Buồn, thường chỉ là buồn vô cớ. Cái dằn vặt của Vũ Hoàng Chương, cái khắc khoải của Thâm Tâm, của Trần Huyền Trân, cái phẫn uất của Nguyễn Vỹ, cái thống thiết của Chế Lan Viên, của Hàn Mặc Tử, một phần không nhiều so với toàn cảnh Thơ Mới, phần khác, quan trọng hơn, tất cả đều bị dịu lại, đằm xuống vì những điệu thơ có vần, có nhịp, mềm mại và ngân nga. Cảm xúc trong Thơ Mới, do đó, dần dần bộc lộ nhiều khuyết điểm rõ rệt: trước hết là đơn điệu, sau nữa, cùng với những cơn địa chấn dữ dội của đất nước, của lịch sử, trở thành giả tạo. Tâm hồn con người không còn thanh bình và êm ả như xưa. Trên khắp đất nước đang ầm ầm lửa đạn, trong khắp thành phố đang ầm ầm những tiếng động cơ: chiến tranh và xu hướng đô thị hoá gấp gáp khiến cho tâm hồn con người cũng nổi gió, nổi bão. Ý thức thẩm mỹ ở cả hai miền đều đổi khác. Nói như Bùi Giáng, “chúng ta đứng trước những phong ba, linh hồn chúng ta mang những ưu tư khắc khoải. Thơ trữ tình, thơ yêu đương vớ vẩn nhớ nhung kia [tức Thơ Mới], chúng ta bỏ trôi mất hút, không một chút bận tâm.” (2)

image
Gắn liền với sự khắc khoải, cảm xúc thường bị đẩy đến mức cực đoan. Người ta không còn thầm thì than thở nữa. Hoặc người ta chịu đựng hoặc người ta gào thét. Chịu đựng thì như trường hợp của Quách Tấn: đối diện với sự bất hạnh, ông không khóc, ông không nói; mọi cảm xúc đều bị ghìm nén lại; “nhất nhất cái gì cũng quạnh quẽ, hiu hắt, tịch mịch” (3). Gào thét thì như trường hợp Thanh Tâm Tuyền: “Tôi không ca ngợi tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu. Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, tàn bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc nghĩa là tất cả những thứ mà tình yêu loại trừ.” (4)

Đằng sau những lời lẽ ít nhiều có tính cường điệu ấy, có một sự thật mà Thanh Tâm Tuyền đã nhạy bén phát hiện ra được: tâm hồn con người đã thay đổi hẳn. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, Võ Phiến đã phân tích những sự thay đổi ấy. Ông gọi thế hệ 1954-75 ở miền Nam là “thế hệ sỗ sàng”: “sỗ sàng, thẳng thừng, cynique, khinh mạn, phũ phàng v.v..., hàng loạt những tiếng như thế thường được dùng để chỉ định thái độ của thế hệ này” (5). Bất cứ thái độ nào được miêu tả ở trên cũng đều xuất phát từ ý thức hơn là từ cảm xúc.

Ở miền Nam, trong bài “Nhân nghĩ về hội hoạ”, viết năm 1956, Thanh Tâm Tuyền lên tiếng chống lại chủ nghĩa tình cảm trong văn học nghệ thuật:
“Tôi cho không có cái định nghĩa văn chương nghệ thuật nào ấu trĩ hơn là cái định nghĩa này: văn chương nghệ thuật là sự phô diễn những xúc động ở trong lòng của con người. Định nghĩa ấy dẫn đến trong hội hoạ, hoạ phái trừu tượng vô hình dung, trong văn chương, một thứ văn chương lải nhải tình cảm (sentimentalisme) - dù là tình cảm lành mạnh đi lên và gì gì nữa - Nghệ thuật là hành động siêu việt hoá con người trong chính đời sống thực của nhân loại. Những tác phẩm tầm thường là những tác phẩm chịu trói trong những cái vụn vặt tủn mủn hời hợt của đời sống.” (6)

Trước đó một năm, năm 1955, trong bài “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, Thanh Tâm Tuyền miêu tả chân dung nhà thơ mới: “hắn bước sâu vào ý thức thăm thẳm muốn xô động tới những giới hạn siêu hình.” (7)

Có thể nói: trung tâm của Thơ Mới là cái tôi cảm xúc; trung tâm của thơ sau 1954, đặc biệt ở miền Nam, là cái tôi ý thức. Nếu Thơ Mới được xây dựng trên sự dào dạt của cảm xúc thì thơ sau 1954 được xây dựng trên sự khắc khoải, sự dằn vặt của ý thức. Các nhà Thơ Mới đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với thiên nhiên, với gia đình, bạn bè, người yêu để lắng nghe và ghi nhận những tiếng động khẽ khàng trong hồn mình; các nhà thơ sau 1954 đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với lịch sử, với thân phận con người nói chung để nhận diện những cơn lốc khốc liệt trong hồn mình và trong đời mình. Các nhà Thơ Mới nỗ lực tạo dựng, bằng hoài niệm hoặc bằng mơ ước, một thế giới khác lúc nào cũng bềnh bồng trong sương khói và thoang thoảng chút hương hoa; các nhà thơ sau 1954 chỉ bận tâm với việc thám hiểm vào chính cái cuộc đời họ đang sống, cái núi lửa đang thiêu đốt họ.

Các nhà Thơ Mới chấp nhận cuộc đời bằng thái độ ung dung tự tại và phần nào thoả mãn của họ nhưng quay lưng lại với cuộc đời bằng những giấc mộng miên man về một cõi vô biên nào đó; các nhà thơ sau 1954 từ chối tính chất đương nhiên của cuộc đời bằng những phản kháng, những giãy giụa gào thét nhưng lại chấp nhận đối diện cuộc đời như một thực tại không thể tránh khỏi và như một đối tượng cần đào sâu của ý thức, từ đó, của chính thơ ca.

Những sự khác biệt trên dẫn đến những sự khác biệt khác có ý nghĩa quyết định: trong khi các nhà Thơ Mới làm thơ như những thi sĩ, nghĩa là những kẻ đang sống trong thế giới của cái đẹp, của mộng mơ, các nhà thơ sau 1954 làm thơ như những người thường không phải là thi sĩ, nghĩa là những kẻ đang sống giữa thế giới đầy bão bùng, đầy bụi bặm của hiện thực. Các nhà Thơ Mới quan niệm nhà thơ là những kẻ sáng tạo, một thứ tạo hoá con con; các nhà thơ sau 1954 quan niệm nhà thơ chỉ là người hục hặc tra vấn cuộc đời và tâm hồn mình, người đi lượm nhặt những mảnh vỡ trong nhận thức và trong cảm xúc để lắp ghép, tô bồi lại thành một tác phẩm nghệ thuật.

Các nhà Thơ Mới luôn luôn cô độc; các nhà thơ sau 1954, như Thanh Tâm Tuyền khẳng định, “[Tôi] không còn cô độc” nữa. Họ đồng nhất họ với thân phận con người nói chung, do đó, họ đỡ bơ vơ hơn, đỡ lạc loài hơn, nhưng ngược lại, họ lại bị dày vò hơn và nhiều đau đớn hơn: họ phải gánh cái gánh nặng của cả nhân loại. Nhã Ca buồn, trước hết, cũng buồn vì là... con gái: “Tôi làm con gái / Buồn như lá cây”; tự hào, trước hết, cũng tự hào vì là... đàn bà: “Tôi sẽ mát như trăng nhưng cũng nóng hơn lửa /... Bởi tôi là đàn bà”. Vũ Hoàng Chương không còn cay đắng vì, cùng với một ít người khác, do tài hoa cao ngất, độc đáo, không ai hiểu được, “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” mà não nề vì sự bế tắc trong khả năng nhận thức của con người: “Dấu hỏi (?) vây quanh trọn kiếp người / Sên bò nát óc máu thầm rơi”. Quách Thoại làm thơ là để “nói lời thơ đời nhân loại đau thương”. Nguyên Sa mang trong lòng cả nỗi buồn của thế kỷ: “Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt / Dăm bảy nụ cười không đủ xoá ưu tư”. Bùi Giáng mang trong lòng cả cái lạnh của kiếp nhân sinh: “Phiêu bồng sáu cõi thu trôi / Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê”. Việc dẫn chứng có thể kéo dài vô tận. Dĩ nhiên người ta có thể nêu ra một số nhà thơ khác, ở miền Nam, không bị quằn quại về vấn đề số phận. Như trường hợp của Phạm Thiên Thư, người được Võ Phiến nhận xét là “giữa một thời ác liệt đầy âm thanh và cuồng nộ, ông giữ được quân bình an lạc trong tâm hồn” (8). Có thể. Nhưng chỉ trong vài bài thơ của Phạm Thiên Thư được Võ Phiến tuyển, tôi ngạc nhiên bắt gặp hai câu này:

nay áo đã cuốn về thiên cổ
lá vàng bay lạnh nỗi niềm không

(Áo thu)

image
Lạnh. Nỗi niềm không. Chiếc lá như một kiếp người. Nó khác biết bao với chiếc “lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” trong thơ Nguyễn Khuyến, những chiếc lá vàng, lá hồng từ tường bắc sang tường đông trong thơ Tản Đà, chiếc lá mơ rơi giữa rừng mơ trong thơ Nguyễn Bính. Tất cả những chiếc lá ấy, buồn có buồn, nhưng chỉ là nỗi buồn hiu hắt. Như một nỗi ngẩn ngơ. Thế thôi.
Cho nên, có thể nói, ở miền Nam, nhà thơ có tài nào, không nhiều thì ít, cũng bị ảnh hưởng bởi những băn khoăn, những khắc khoải siêu hình.

***

Chú thich:
Thanh Tâm Tuyền (1955), “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, in trên Sáng Tạo số 31 (9.1959), tr. 1-6; sau, in lại trên Giai phẩm Văn (Saigon) số tháng 11.1973 (số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền), tr. 64-71; in lại trongBốn mươi năm thơ Việt Nam 1945-1985 của Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, 1993, tr. 274-280.
Bùi Giáng (1969), Thi ca tư tưởng, Ca Dao, Saigon, tr. 33.
Võ Phiến (1990), “Thế cuộc”, Làng Văn số 71 (7.90), tr. 41.
Thanh Tâm Tuyền (1955), bđd.
Võ Phiến (1994), “Thơ tình Trần Dạ Từ”, Thế Kỷ 21 số 61 (5.94), tr. 59.
Thanh Tâm Tuyền (1956), “Nhân nghĩ về hội hoạ”, in lại trên Giai phẩm Văn số tháng 11.1973, tr. 74.
Thanh Tâm Tuyền (1955), bđd.
Võ Phiến (1991), Thơ miền Nam, tập 1, Văn Nghệ, California, tr. 60.





Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc
__._,_.___

Posted by: Louis Le <louistuanle@gmail.com>

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Hai mẹ con Mùi và Phả


Suối nguồn AET
Chia sẻ với các bạn một câu chuyện rất xúc động, do một người Mỹ 
Justin Maxon(còn gọi là Max Điên) Sinh viên khoa Nhiếp ảnh ĐH San Francisco, California, Hoa Kỳ.
Khám phá ra hình ảnh rất xúc động của hai mẹ con Mùi và Phả sống lang thang không nhà nhưng tràn đầy lòng nhân ái, và lúc nào cũng vang lên tiếng cười hồn nhiên của hai mẹ con.
Thế rồi tôi đâm ra ngưỡng mộ cái tình mẫu tử ấy. Tôi lang thang theo họ suốt 2 tuần liên tục, cảm nhận mối liên kết giữa hai người, về ước mơ giản dị và tâm trạng ngập tràn niềm hy vọng của mẹ con chị.
Một câu chuyện kết thúc rất có hậu, cũng nhờ vào lòng nhân aí của một người Mỹ hoàn toàn xa lạ với VN. Thế mà những con gnười Cộng Sản luôn luôn khóac lác vì nhân dân, hy sinh cho dân cho nước, lại chính là những kẻ lòng dạ vô cảm hẹp hòi, và tâm điạ đen tối bẩn thỉu như loài ma vương quỷ đói, Đấy chính là những tên cộng sản (tư bản đỏ) hút rỉa xương máu đồng loại.

Xin mời các bạn cùng đọc câu chuyện thương tâm này.

Hai mẹ con Mùi và Phả

image
Tôi không biết bắt đầu entry này từ đâu. Quả thực trong lúc nhàn rỗi, tôi tình cờ lướt qua blog của ai đó, và bắt gặp hai con người, một số phận trong lăng kính của một sinh viên nước ngoài. Tôi dám chắc còn nhiều số phận như vậy, nhưng chúng ta không bao giờ nhận ra cho tới khi có ai đó đến và thức tỉnh chúng ta. Tò mò, tôi tìm kiếm trên google và có rất nhiều thông tin về câu chuyện này, câu chuyện của chàng sinh viên 23 tuổi cách chúng ta cả nửa vòng trái đất kể về cuộc đời hai mẹ con chị Mùi. Không nhiều lời lẽ nhưng những hình ảnh thực sự sống động khiến chúng ta phải chú ý, khiến chúng ta phải nhìn lại mình. Con mắt là để nhìn thật đấy, nhưng cậu sinh viên kia không chỉ nhìn bằng con mắt mà còn nhìn bằng cả tâm hồn và lòng trắc ẩn. Cảm ơn Justin Maxon vì một câu chuyện hay và nhiều ý nghĩa. Tôi xin phép được mượn những thông tin này để chia sẻ với mọi người.
(Khuyết danh)

image
Justin Maxon(còn gọi là Max Điên)
Sinh viên khoa Nhiếp ảnh ĐH San Francisco, California, Hoa Kỳ.
Tôi gặp chị Lê Thị Mùi và đứa con trai chị lang thang trên cầu Long Biên vào một chiều nọ. Tôi theo dõi họ từ rất xa, chị Mùi khoác tay nải trên vai, chẳng mặc gì ngoài một chiếc quần cộc, phía trước, thằng con trai chị đang lon ton chạy chân trần.

Tôi đã đi theo hai mẹ con chị cả ngày hôm đó, từ lúc trên cầu đến khi hai người tới một bãi tắm ven sông Hồng, và đã chứng kiến tình mẫu tử tuyệt vời của họ.
Tối hôm đó, sau khi lang thang cả ngày cùng mẹ con chị Mùi, tôi cảm thấy trong mình có cái gì đó thật khác lạ. Niềm hạnh phúc đơn giản của họ cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi và thôi thúc tôi tiếp tục tìm hiểu và cảm nhận cuộc sống của mẹ con chị.
Thế rồi tôi đâm ra ngưỡng mộ cái tình mẫu tử ấy. Tôi lang thang theo họ suốt 2 tuần liên tục, cảm nhận mối liên kết giữa hai người, về ước mơ giản dị và tâm trạng ngập tràn niềm hy vọng của mẹ con chị.

image
Chị Lê Thị Mùi, 42 tuổi, ôm hai chân đứa con trai 5 tuổi, Trần Văn Phả, đang cười như nắc nẻ đi lên từ một bãi tắm ven sông Hồng, sau khi hai mẹ con đã chơi đùa thỏa thích.
Chị Mùi tâm sự, chị thích chơi với Phả bất cứ lúc nào có thể để giữ cho tâm hồn nó được thuần khiết; bởi vì hơn ai hết chị hiểu rằng cuộc sống không nhà cửa khó khăn như thế nào đối với thằng bé.
Cuộc sống lang thang vô gia cư đã theo chị và đứa con trai suốt 5 năm nay vì chồng chị đã từ bỏ gia đình để chọn con đường hủy hoại mình bằng heroin để rồi chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS 3 năm trước. Chị Mùi phải cùng lúc đấu tranh với cả căn bệnh tâm thần và HIV. Dù phải đối mặt với bao nhiêu thử thách hàng ngày, sợ công an bắt, sợ không thể tồn tại, chị và đứa con trai vẫn tràn ngập niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.

image
Hằng ngày, chị Mùi và con trai đi dạo trên cầu Long Biên và luôn dừng lại ở điểm này sau khi kết thúc bài thể dục buổi sáng. Chị thường ngồi ngắm nhìn dòng sông Hồng trong khi thằng Phả đưa bàn tay đẩy đẩy lưng mẹ. Chị Mùi có tiền sử bệnh tâm thần nên thỉnh thoảng có những hành động khá nguy hiểm như ngồi trên thành cầu.

image
Tối tối, hai mẹ con ngủ trên con phố gần Ga Long Biên. Khi đứa con đã yên giấc, chị vẫn còn thức rất khuya, thường là đến 12 giờ đêm để thu dọn đống giấy báo dùng làm mâm cho bữa tối.

image
Chị Mùi lôi túi hoa quả xin được đêm trước, loại ra những trái hỏng, trong khi Phả dựa người vào lưng mẹ. Chị có rất ít của cải và luôn lôi ra khỏi cái chiếu cói để sắp xếp lại trước khi ra bờ sông. Nơi mẹ con chị Mùi sinh sống có hàng trăm người qua lại, vào ra ga. Chị không muốn lại bị bắt vì để đồ đạc lung tung ở khu vực này.

image
Chị Mùi cầm trên tay 4 ống kim tiêm vừa nhặt được. Thằng Phả đứng cạnh mẹ. Sau ngày Hà Nội mừng Tết Nguyên Đán, hàng ngày mẹ con chị Mùi đi giữa đống kim tiêm cứ tăng dần lên dưới gầm cầu Long Biên. Chị bỏ hàng giờ nhặt cả trăm ống kim tiêm ra khỏi lối đi và xếp lại thành đống. Chị thường có thói quen nhặt rác xung quanh nơi chị đi qua. Chị là người đạo Phật và tin rằng chị đang giúp mọi người xung quanh bằng cách đó.

image
Chị nắm tay con trai khi đi dạo trên đường cao tốc ở Hà Nội. Phả rất thích nắm tay mẹ, không lúc nào rời. Ngày ngày, hai mẹ con đi bộ gần 2 cây số quanh thành phố, thường thì ven bờ sông, nhưng đôi lúc Phả lại thích khám phá những con phố.

image
Chị Mùi đem theo tất cả gia tài chị có trong một chiếc túi rảo bước phía trước cậu con trai trong khi thằng bé đang chạy theo để bắt kịp mẹ. Chị luôn để mắt tới Phả nhưng chị muốn để con trai được tự do chạy nhảy tới nơi nó muốn. Và thằng bé cứ hay phải chạy để đuổi kịp nhịp bước nhanh của mẹ như thế.

image
Ngày nào cũng vậy, mẹ con chị Mùi lại kỳ cọ cho nhau dưới sông. Chị biết cuộc sống lang thang đường phố thật khó khăn với Phả, và chị muốn thằng bé được sạch sẽ để nó cảm thấy dễ chịu hơn.

image
Chị đứng bên bờ sông gọi thằng Phả đang còn nghịch nước, trong khi nó còn chưa muốn về. Ngày nào cũng vậy, hai mẹ con đùa nghịch cả 8 giờ đồng hồ bên khúc sông đã bị ô nhiễm nặng do rác thải từ thành phố.

image
Hai mẹ con ngồi trên bãi cỏ ven sông Hồng ngắm trời mây bao la. Chị nói con trai chị là nguồn vui của chị, và hai mẹ con rất yêu thương nhau. Và họ vẫn là chỗ dựa cho nhau ngay cả khi phải sống trong thiếu thốn giữa những con đường, góc phố.

Thêm một vài bức ảnh nữa của Maxon về mẹ con chị Mùi :

image
Đánh răng bên sông

image
Cắt tóc

image
Tè nào con trai

image
Liêu xiêu bóng nhỏ

image
Xin hoa quả ở chợ

image
Vui con nhé !

image
Chăm con

image
Người mẹ

image
Viên gạch vỡ

image
Hạnh phúc thật đơn giản

image
Mẹ và con

image
Hờn dỗi

image
Gột rửa bụi đời

Dưới đây là một đoạn trong câu chuyện của chị Mùi mà Justin thu âm được, phóng viên đã chép lại bằng văn bản, trung thực với cách phát âm của chị:
“đến khi có cháu Phả thì tôi quyết tâm nà không có tiền chồng cho, nhà chồng không cưu mang giúp đỡ, tôi cũng quyết tâm đẻ cho chồng tôi một cháu trai nữa, và tất cả đã được như ý nguyện. Thế nhưng mà nói chung nà mẹ con để dành dụm được một triệu bạc thì đi thuê nhà ở Quảng Ninh nghỉ đẻ đấy, thuê nhà thì bà cụ cũng nấy rẻ, bốn chục nghìn một tháng thôi, thế nhưng mà đến khi vừa tiền đi đẻ ở bệnh viện này, vừa tiền ăn, tiền trọ các thứ, đến được hai tháng rưỡi nà hết sạch. Anh chồng chết rồi chứ, anh chồng bố thằng Phả đấy, nghiện...”

Chị Mùi trông hệt như những người điên vẫn thường lang thang không áo quần. Chị cùng con trai lững thững trên cầu, cúi nhặt rác rưởi, vừa để dọn sạch lối đi, vừa tập thể dục. Đến bữa, họ đi xin ăn. Đêm tối, họ ngủ trên manh chiếu ở một góc cầu Long Biên. Hãy nghe câu chuyện của họ:

“Hàng ngày cuộc sống của hai mẹ con thì mẹ ăn thế nào cũng được, còn cháu thì có khi nà cũng phải đi xin cho cháu ăn. Cháu ăn sạch hơn mẹ một tí. Bây giờ hàng ngày đi xin thì cũng muốn dạy cho cháu một cái nễ phép, để cho cháu sau này được ngoan ngoãn hơn. Hàng ngày muốn cháu được ngoan ngoãn thì mẹ không được nói năng những câu thô tục quá để cháu tự hấp thụ vào. Mẹ cũng phải tự rèn mẹ để cho con nó học tập thôi chứ còn không bắt buộc cháu điều gì cả. Cháu rất yêu và quí mẹ”.
"Cháu bây giờ nhé, từ lúc mụ dạy đã cười rất sảng khoái ở giấc mơ đấy, giấc ngủ ý. Tôi để ý như thế. Và trong cái tình cảm mẹ con nà có một núc ôm con mà cảm thấy thương con đến lồng làn, có một núc như thế đấy. Phả nà nhất. Từ bé đến giờ chưa bao giờ xa. Có một nần cai sữa để gửi ở nhà dì thôi, mà suốt đêm cháu cứ ra sân ngồi. Đêm tối như thế cháu không sợ, cháu cứ một mực đòi dì nà đi tìm mẹ" (chị Mùi kể - ghi lại từ băng thu âm của Justin Maxon).

"Mẹ con chị Mùi đã làm tôi thay đổi"

Justin Maxon đến VN cách đây ba tháng bằng số tiền tiết kiệm được sau khi thực hiện một số dự án ảnh ở quê nhà về người vô gia cư và cuộc sống ở New Orleans một năm sau cơn bão Katrina. Anh còn là thành viên của photoworld.com.vn, một website nhiếp ảnh qui tụ nhiều phóng viên ảnh VN dưới cái tên MadMax(tức Max “điên”).

Anh đi lang thang khắp Hà Nội để tìm kiếm đề tài chụp ảnh, rồi bất chợt nhìn thấy mẹ con chị Mùi.
Max, 24 tuổi, kể: “Tôi trông thấy một người phụ nữ và đứa trẻ trên cầu Long Biên. Chị mặc độc chiếc quần soọc. Trong vòng hai tuần ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì giống thế. Đó là điều vô cùng lạ lẫm ở đất nước tôi. Tôi bắt đầu đi theo họ và khám phá mối liên hệ mẫu tử giữa họ. Từ đó, có một điều gì đó thẳm sâu trong tâm hồn cứ kéo tôi đi theo hai mẹ con.

image
Tôi từng cảm thấy lạc lõng khi phải sống ở một đất nước mới với những trải nghiệm mới. Hai mẹ con chị có vẻ lẻ loi giống tôi. Có một điều kỳ lạ ở họ đã làm tôi thay đổi, đó là việc tìm thấy hạnh phúc từ nội tại. Ở Mỹ, bạn được cho là hạnh phúc khi bạn sở hữu một tài sản. Nhưng ở đây, hai mẹ con chị hoàn toàn tay trắng. Chị ấy thậm chí còn thích cuộc sống không nhà cửa hơn là bị nhốt trong một trung tâm xã hội. Chị ấy theo đạo Phật. Chị ấy bị đặt bên lề xã hội. Chị ấy cho tôi thấy tất cả chúng ta đều là con người với tất cả ý nghĩa nhân bản của từ này”.

Max đã chụp ảnh mẹ con chị Mùi trong cuộc sống hằng ngày, những tấm ảnh chân thực, tự nhiên và tình cảm, đúng như những gì anh cảm thấy. Max đi theo hai mẹ con từ sáng tới đêm trong mười ngày đầu tiên. Trong những ngày đó, luôn có một đám đông đi theo anh, người tò mò, người chê cười, người dọa nạt anh không được ghi lại “hình ảnh xấu của VN”, người can ngăn anh vì cho đó là một việc vô tích sự.

image
Đăm chiêu
Max cảm thấy khó khăn khi mình và mẹ con chị Mùi bị bao vây hằng ngày như vậy. Anh giả vờ lảng đi, rồi quay lại với mẹ con chị Mùi cứ ba ngày một lần để hoàn thành những tấm ảnh cuối cùng trong dự án. Cứ như vậy sau ba tuần, 24 bức ảnh đẹp nhất về cuộc sống hằng ngày của mẹ con chị Mùi ra đời.

Tạm biệt chị Mùi và bé Phả, Max “điên” vào Quảng Trị, Đà Nẵng để chụp ảnh về những nạn nhân bị nghi nhiễm chất độc da cam. Sau ba tuần cùng sống, cùng ăn, cùng ở với một gia đình ở Đông Hà, Quảng Trị, Max đã hoàn tất dự án ảnh thứ hai ở VN. Trước khi lên đường về Mỹ, Max nói: “Tôi sẽ tìm cách quay trở lại đây trong khoảng một năm tới, sau khi tốt nghiệp”.



"Mùi và Phả" đã được mang đi trưng bày tại triển lãm Chobi Mela ở Bangladesh, Lodz tại Ba Lan, New York, Dumbo và Slovenia. Sau đó bộ ảnh còn được trình chiếu tại Liên ha LookBetween ở Charlottesville, Ngày nhiếp ảnh ở Istanbul và Liên hoan Ảnh Bursa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

image
Cũng nhờ "Mùi và Phả" mà sự nghiệp chụp ảnh của Justin ngày càng phát triển, thậm chí còn thành công vang dội. Anh bắt đầu trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, các bức ảnh của anh chụp được nhiều chuyên gia tại Mỹ đánh giá rất cao và thường xuyên nhận được các giải thưởng về nhiếp ảnh lớn của thế giới.


image
Vài năm sau, nhờ sự ảnh hưởng từ bài viết của Justin mà cuộc sống của "Mùi và Phả" đã cải thiện hơn. Cô đã có một người chồng thật sự yêu thương mình, và sinh một cô con gái kháu khỉnh. Đây có thể xem là một kết cục đẹp cho tình mẫu tử thiêng liêng.
__._,_.___

Rượu ngon loại đắt tiền và rẻ tiền và bài thơ "Ta biết về đâu"

Suối nguồn AET xin chia sẻ một bài thơ mới viết xong
Trời San Jose hôm nay âm u và mưa lất phất có lúc mưa nặng hạt và có lúc lất phất như mưa xuân, tôi ngồi một mình nhìn ra bầu trời mưa bay. Tôi liên tưởng đến những ngày cuối năm sắp bước sang tháng giêng, một tháng của rong chơi với bạn bè và dĩ nhiên với em bên tiệc rượu chúng ta cùng nâng ly uống cho say để tận hưởng một mùa xuân.

Tôi đã viết một bài thơ với tựa đề (Ta biết về đâu) qua thể thơ lục bát mà tôi rất thích, khi chúng ta đọc lên một câu thơ lục bát thật hay dường như ta đang cảm nhận được cả hồn Việt Nam một vùng quê bao la và yên bình, thật nên thơ và lãng mạn.

Tôi cũng xin được chia sẻ với các bạn một bài tham khảo rất hay về rượu.
Sau đây là một bài viết phân tách về rượu nho rất hay. Nên đọc qua để mở rộng hiểu biết về rượu.
Mời các bạn đọc qua bài thơ tôi đã viết có liên quan đến rượu

"Bầu nghiêng rượu cạn thêm sấu - Ngày mai tỉnh giấc về đâu ý trời"

Thân chào
Aet lê tuấn







Ta biết về đâu


Bầu nghiêng rượu cạn thêm sầu
Ngày mai tỉnh giấc về đâu ý trời
Tháng giêng cỏ biếc rong chơi
Xuân về gợi ý rượu mời còn say.

Em dang tay rộng áo bay
Đôi bờ ngực ấm, căng đầy hư mê 
Tháng giêng thơm ngát đường quê
Ta ham chơi lạc đường về còn xa.

Nửa tình tự, nửa cuồng ca
Giữa trời xuân mộng vướng tà áo nhau
Bên em ta biết về đâu
Hương mê níu bước, tình sầu ngủ quên.

Gió trong đêm thoảng mùi thiền
Lòng ta cát bụi lụy phiền trần ai
Cõi mê vỡ vụn thiên tài
Đời huyên náo gọi, ngày mai xuân về.


Aet. lê tuấn









Rượu ngon, đắt tiền, rẻ tiền và khom lưng


Kết quả công bố của cuộc thi rượu chát quốc tế " Sydney International Wine Competition" tuần qua (26/11/2014) đã khiến cho cả giám khảo cũng phải ngạc nhiên :"Ngon dzậy mà sao rẻ dzậy !!!"
Trong danh sách top-100 của 2000 chai rượu dự thi, có đến 6 chai rượu rẻ tiền của Aldi lọt vào mắt xanh của 14 giám khảo uy tín của Úc và quốc tế. Đó là các chai rượu Cabernet Sauvignon (của vùng South East Australia- $6.99), Semillon($9.99), El Toro Macho Tempranillo($4.99), Byrne & Co Semillon.



Đặc biệt chai Tudor Central Victorian Shiraz 2013 mà Aldi bán với giá $12.99 vượt qua 1000 đối thủ , nhận hai giải "Best red table wine" và " Best lighter-bodied dry red table wine", cùng hạng với Wynns Coonawarra Estate C.E. Black Label Shiraz và Yalumba Paradox Barossa Shiraz, cả hai chai này có giá $45.
Trong khi đó chai Musigny Premier Cru Champagne mà Aldi bán với giá $29.99 là loại chát trắng ngon nhất.
Như vậy thì những kẻ thừa tiền, thường khoe đẳng cấp lịch lãm của mình qua việc "chỉ uống rượu đắt tiền", chưa hẳn là tay sành rượu.



Trong các cuộc thi rượu, các giám khảo nếm rượu theo kiểu "blind testing", tức là các nhãn hiệu trên chai đều bịt kín, những ly rượu trước mặt họ chỉ được đánh dấu bằng mã số, do đó việc thẩm định phẩm chất từng loại rượu chỉ căn cứ vào con mắt, lỗ mủi và cái lưỡi của họ, từ màu sắc của rượu đến hương, vị ở đầu lưỡi, dư vị đọng lại trong cuống họng và cho điểm theo mỗi thứ hạng này. Mỗi giám khảo có thể có cách thưởng thức khác nhau và cuối cùng điểm số cho từng loại rượu sẽ tổng kết lại và đó là sự đánh giá công bằng nhất.


Thực ra những kết quả chưng hửng trong cuộc thi tại Sydney tuần qua không lạ. Năm 1976, thế giới ngạc nhiên và cả trưởng ban tổ chức cuộc thi cũng đã chưng hửng. Đó là cuộc thi The Paris Wine Testing hay còn gọi là Judgment of Paris do nhà buôn rượu người Anh tên Steven Spurrier tổ chức.
Cuối cùng, khi các kết quả công bố ai cũng bật ngửa vì chai rượu được nhiều điểm nhất , được huy chương vàng, lại không phải là một loại rượu lẫy lừng nào của Pháp, mà là một chai rượu Mỹ-của nhà sản xuất Stags' Leap Wine Cellars ở Napa Valley, tiểu bang California. Rượu này được ủ năm 1973, rồi 2 năm sau ngâm trong thùng gỗ sồi và một năm đóng trong chai đặt dưới hầm, nó được đưa sang Pháp và đã qua mặt các chai Chardonnay và Cabernet Sauvignon thượng hạng ở vùng Bordeaux của Pháp.



Điều này gây ngạc nhiên cho nhà tổ chức Spurrier, vốn chỉ kinh doanh rượu Pháp và tin rằng vang California chẳng thể nào qua mặt được. Từ khởi điểm này mà kỹ nghệ rượu vang California vươn lên và đến nay có hơn 1200 xưởng chế biến rượu chát tại California, từ các cơ sở nhỏ đến các đại công ty như E & J Gallo Winery có mức phân phối toàn cầu.


Rượu đắt tiền


Rượu đắt tiền chưa chắc đã ngon và rượu ngon không nhất thiết phải đắt. Tuy nhiên phải thừa nhận là những chai rượu rất đắt tiền thì phải ngon. Thí dụ chai Penfolds Grange sản xuất năm 1959 khiến ông Barry O'Farrell mất chức thủ hiến tiểu bang Victoria, chai này trị giá 3000 Úc kim vào tháng 4/2011 và hiện được bán tại tiệm Dan Murphy với giá 4,850 Úc kim.



Chắc chắn chai này phải ngon, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao rượu này lại đắt như vậy? Cũng như bao sản phẩm khác, rượu đắt tiền xuất phát từ hai yếu tố chính : chi phí sản xuất và yếu tố tâm lý.
Muốn làm một chai rượu ngon, người ta phải chi phí nhiều hơn cho mỗi giai đoạn, trước cả khi hái nho trên cây.
Đầu tiên là phải đầu tư vào những thửa đất trồng nho, phải có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tốt, có độ cao, độ ẩm, độ dốc và chiều ánh nắng thích hợp. Chỉ những ruộng nho như vậy mới cho ra những chùm nho chứa đầy đủ các hợp chất, khoáng chất cần thiết để rượu được đậm đà thơm ngon. Dĩ nhiên những ruộng nho loại này thì giá tiền cao.



Thứ hai là phải hạn chế sản lượng nho vì "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Để có rượu ngon thì chủ nhân phải hạn chế số lượng nho hái được trên cánh đồng của mình và phải cắt bỏ rất nhiều chùm nho xanh mới nở, chỉ để lại một số chùm khỏe nhất. Lý do là vì cây nho chỉ có thể hút lên từ lòng đất một số hạn chế các khoáng chất để nuôi dưỡng trái nho. Nếu nó phải nuôi trên 30 chùm nho, các khoáng chất bị phân tán mỏng, phẩm lượng của trái nho sẽ giảm xuống... Nhưng nếu nó chỉ nuôi 10 chùm nho thôi, chất bổ sẽ tập trung lại làm cho nước nho đậm đặc vì có đầy đủ chất khoáng, chất đường, chất chua, chất đạm.


Nhưng làm như vậy số nho thu hoạch được sẽ chỉ còn một nửa và giá thành sẽ cao hơn nữa.


Thứ ba là nhân công : nho tốt thì phải có chuyên viên lành nghề chế biến. Viên kim cương to thì phải giao cho thợ lành nghề mài, nho ngon mà đưa tay lơ tơ mơ thì chẳng khác nào dùi đục chấm nước cáy. Do đó nhà sản xuất phải chi tiền thật nhiều để thuê mướn những thợ làm rượu (winemakers) giàu kinh nghiệm và sáng tạo.


Ngoài ra nho ngon thì phải hái bằng tay, phải đến từng dây nho để lựa chọn chùm nho nào chín mọng mới hái, chùm nào còn xanh phải để chờ đủ chín rồi mới hái một đợt thứ nhì. Hái bằng máy thì rất nhanh nhưng lẫn lộn nho xanh, nho chín, và rượu làm ra sẽ không có hương vị thuần nhất được.



Thứ tư là chi phí ứng biến với thời tiết. Khi hái nho ở những nông trại trong mùa nắng gắt thì phải tránh lúc mặt trời phả hơi nóng, do đó phải hái từ sáng sớm khi mặt trời chưa mọc hay vào ban đêm , khi mặt trời đã lặn và trái nho đã mát dịu. Nếu hái ban ngày, trái nho bị ánh sáng thiêu đốt làm nóng chất nước ở bên trong, rượu sẽ có vị gắt, khó uống. Nhưng thuê nhân công làm việc sáng sớm hay ban đêm thì phải trả công cao hơn, chưa kể phải bố trí đèn điện và nghĩa là phải thêm chi phí. Tại vùng Bordeaux, khi nho đang nở hoa, kết trái hoặc gần chín mà gặp thời tiết băng giá thì phải đốt lửa suốt đêm trong vườn để sưởi ấm cho nho. Có khi chủ nông trại còn thuê trực thăng bay qua bay lại bên trên các vườn nho để quạt hơi ấm xuống cho tan băng giá.


Thứ sáu là tiền tồn kho, tiền lãi ngân hàng. Sau khi lên men thì rượu bình thường chỉ cần trữ vài tháng là đã có thể mang ra tiêu thụ, nhưng còn rượu thượng hạng phải được ủ trong thùng gỗ sồi vài ba năm rồi mới vô chai, sau đó phải trữ trong hầm mát một hai năm nữa để chất tanning dịu đi, lắng xuống, các thành tố trong rượu có đủ thời giờ hòa lẫn và kết chặt lại với nhau tạo nên những hương vị đặt biệt rồi mới có thể đưa ra thị trường .Dĩ nhiên giá thành sẽ tính thêm tiền tồn kho và tiền lãi từ số vốn đã đầu tư.


Thứ bảy là quy luật cung cầu. Rượu sản xuất như vậy thì rất hiếm, mà của hiếm là của đắt.


Thứ tám là yếu tố tâm lý. Khi giới trọc phú ngày càng mọc ra nhiều thì càng đua chen để "hơn nhau tiếng gáy", như kiểu các "đại gia" mới nổi tại Trung Quốc hay Việt Nam, không tiếc tiền để chứng tỏ bản lĩnh và sự sành điệu của mình. Trước các khách hàng như vậy thì các nhà sản xuất và phân phối dại gì mà không nâng giá : chúng mày thừa tiền, muốn khoe giàu thì ông chém !
Và đây chính là "Hiệu ứng Ernest Gallo" : uống rượu thật đắt tiền mới đúng là dân sành điệu ".


Hiệu ứng Ernest Gallo



Nhà tài phiệt rượu chát Ernest Gallo (1090-2007), sáng lập công ty E &J Gallo Winery, đã phát triển công ty từ nguyên lý nói trên, được giới phê bình gọi là "Hiệu ứng Ernest Gallo": cùng thứ rượu, khách bao giờ cũng chọn rượu đắt tiền .


Chính ông này đã cùng người em Julio Gallo thành lập hãng rượu chát E & J Gallo Winery nói trên, hiện đứng thứ nhì nước Mỹ, nổi tiếng với nhãn rượu Thunderfire và riêng ông ta năm 2006 được tạp chí Forbes xếp hạng 297 trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ.
Ernest Gallo sinh năm 1909 tại nông trại nho của cha mình ở thung lũng San Joaquin, cách San Francisco khoảng 80 dặm về phía Đông.


Bố của Ernest Gallo là một di dân gốc Ý, sinh sống bằng nghề lấy rượu từ các lò sản xuất giao bán tại các bar ở Oakland và San Francisco. Trong khi gia đình bên ngoại của ông có nghề sản xuất rượu chát đỏ và đến khi ông ngoại của Ernest Gallo qua đời năm 1916, xưởng rượu của gia đình đã sản xuất và bán được tổng cộng 9,000 gallon(1 gallon tương đương với 3,7 lít) rượu chát đỏ.


Năm 1920, bố mẹ Ernest Gallo mua một nông trại để trồng nho cung cấp cho các nhà sản xuất rượu chát. Từ nhỏ, Ernest Gallo đã cùng các em làm quen với công việc trồng nho của gia đình, tới năm 17 tuổi, Ernest Gallo được bố giao cho công việc chở nho của gia đình tới các lò rượu.



Năm 1919 Mỹ áp dụng luật cấm rượu, tuy nhiên vẫn cho phép sản xuất rượu chát với tính cách cá nhân, và luật cấm này có vẻ như giúp đỡ công việc của gia đình họ. Đơn giản vì chính phủ cấm rượu mạnh và bia thì người ta trông cậy vào rượu chát tự cất, do đó càng tiêu thụ nho nhiều hơn.
Công việc tại nông trại của gia đình Gallo đang hoạt động bình thường thì xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Nông trại của gia đình Ernest Gallo cũng mất dần nguồn tiêu thụ nho nên lâm cảnh thua lỗ và nợ nần chồng chất. Sáng ngày 21/6/1933, Joseph Gallo- bố của Ernest Gallo- đã bắn chết vợ tại nhà và sau đó ông dùng súng tự sát, bỏ lại ba người con.


Ernest Gallo đã trở thành cột trụ trong gia đình và hai tháng sau, chính phủ liên bang hủy lệnh cấm rượu. Ernest Gallo đã quyết định đưa gia đình đi theo con đường sản xuất và kinh doanh rượu chát với quy mô lớn. Ông và em trai mình thành lập hãng rượu E & J Gallo Winery bằng nguồn vốn vay ban đầu là 5,900 Mỹ kim và một công thức nấu rượu từ thư viện công cộng Modesto. Hai anh em đã dựng nghiệp bằng cách phân công : Julio chuyên tâm vào việc nấu rượu, còn Ernest chuyên tâm vào việc giới thiệu sản phẩm.



Ngay từ khi bước vào hoạt động, các sản phẩm của họ chưa có được một nhãn hiệu riêng và chưa được nhiều người biết đến, trong khi gặp sức cạnh tranh của các nhãn rượu đã thành danh như Petri, Cribari hay các nhãn hiệu rượu chát nổi tiếng của Ý và Thụy Sĩ tại thị trường địa phượng.Vì vậy Ernest Gallo đã tập trung vào chương trình quảng cáo các sản phẩm của mình, chủ yếu là loại rượu không đóng chai.


Ernest Gallo đã phát triển công ty với mánh lới đã chứng minh qua các thí nghiệm nói trên : cùng thứ rượu, khách bao giờ cũng chọn rượu đắt tiền. Giai thoại kể rằng một lần khi đến New York, Ernest Gallo rót cùng một bình rượu ra hai ly, một ly hô giá 5 xu, một ly hô giá 10 xu và người khách đã chọn ngay ly 10 xu.


Rượu rẻ tiền và rượu khom lưng



Năm 2001, nhà nghiên cứu Frederic Brochet của Đại học Bordeaux thực hiện hai cuộc khảo sát về rượu và có kết quả thu được khá buồn cười.
Đầu tiên Brochet lấy cùng một thứ rượu Bordeaux đỏ đổ nó vào hai chai khác nhau, một chai trang trí màu mè như bất cứ loại rượu "sang" nào khác, trong khi chai kia chỉ là một chai trần trụi, thứ rượu bình dân rẻ tiền. Kết quả từ các vị khách thưởng lãm khác nhau một trời một vực. Chai "sang" được khen tấm tắc với "vị rượu dễ chịu, đậm mùi gỗ, vị phức tạp, cân bằng và êm dịu", còn chai "bình dân" thì bị cho là "nhạt, êm dịu nhưng không thơm, không đủ chua, không hoàn hảo". Tổng cộng có 40 khách thưởng lãm cho rằng chai rượu có nhãn "sang" đáng uống, đáng thưởng thức, trong khi chỉ có 12 vị khách cho rằng chai "bình dân" ngon.


Sau đó Brochet đề nghị 54 thiện nguyện viên đánh giá 2 cốc rượu đỏ. Thực chất đây là rượu trắng đã được "nhuộm" đỏ bởi màu của thức ăn. Nhưng các thiện nguyện viên tham gia cuộc khảo sát này đã diễn tả sắc "đỏ" đấy theo thứ ngôn ngữ đặc trưng dành cho rượu chát đỏ. Một người ca ngợi vị "ngọt hoa quả" của thứ rượu đỏ , trong khi một "chuyên gia" khác lại thưởng thức nó và trầm trồ " choáng ngợp bởi vị của một thứ quả đỏ". Không một ai để ý rằng nó thực ra là một chai rượu trắng.
Brochet kết luận :"Đó là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến-quí vị nếm thứ quí vị muốn được nếm. Họ mong được thử rượu đỏ và họ đã làm đúng như thế. Những gì họ ghi nhận, thực ra chỉ là một dạng kết quả hỗn hợp của các ý nghĩ, ảo tưởng và vị giác ".



Có thể nói rằng ai cũng muốn làm dân phong lưu lịch lãm , do đó muốn nếm rượu phong lưu lịch lạm, mà đã nói đến phong cách này thì phải nói đến tiền : càng lắm tiền, càng dễ phong lưu. Do đó khi nếm rượu chúng ta dễ bị "mù" vì giá tiền : hễ thấy giá tiền cao là cảm thấy ngon !
Davis Wilson dẫn trang blog The Wine Economist, nói về một mánh lới nhỏ của ngành bán lẻ rượu chát. Khi mua rượu, không ai thích mua thứ rượu dỏm, rượu đáng vứt đi. Khai thác tâm lý này các tiệm rượu dồn những thứ rượu có nhãn hiệu kém nhất xuống các kệ dưới, gần sàn nhà, lên cao dần là các nhãn hiệu bậc trung , bậc cao.


Mà thiên hạ càng tiêu thụ sản phẩm rẻ tiền , chủ tiệm càng ít lời. Và khi làm như vậy, họ bắt những kẻ mua rượu rẻ tiền phải khom lưng xuống : loại ít tiền thì phải chịu khom lưng, phải chịu hạ mình xuống.




Rõ ràng trên đời này không ai muốn tự hạ thấp mình. Khi mua một ly rượu để uống, không ai muốn thiên hạ đánh giá mình là "hạng người uống rượu 5 xu". Khi đến tiệm mua một vài chai rượu, không ai muốn bị đánh giá là " đi mua rượu mà phải khom lưng xuống ".
Và đó là cái cách mà những tiệm rươu sắp xếp kệ hàng. Theo họ thì hoạt động thể chất trong việc lấy chai rượu, thể hiện chọn lựa tâm lý mà chúng ta đưa ra : với lên cao để lấy các chai rượu đắt tiền hay hạ mình xuống như một kẻ bần tiện để nếm rượu vứt đi.
Nguyên tắc này được áp dụng tại cả những siêu thị lớn lẫn những tiệm tạp hóa rẻ tiền với những biến thể khác nhau.


Các nhà bán lẻ đã áp dụng nguyên tắc "khu vực tiện thể về già cả" (wine price comfort zone) tương ứng với từng kệ hàng . Họ không xếp các chai rượu theo vị (ngọt hay chát), theo xuất xứ (Pháp, Ý hay Bồ Đào Nha..) mà trộn lẫn với nhau theo giá tiền.


Giống như khẩu hiệu : "vô sản thế giới liên hiệp lại", rượu rẻ tiền thì bị tống hết xuống dưới, càng rẻ tiền thì càng bị vùi xuống tận đáy của cửa tiệm, bất kể xuất xứ và phân loại. Kệ này giá rượu từ 3 dô đến 5 đô, kệ trên từ 6 đô đến 8 đô...




"Tiền nào của đó" nhưng có khi đó là "của nào, người đó". The Wine Economist nhận định :"Rõ ràng, khách hàng muốn mua một thứ thể diện, mua hình ảnh của một người không hạ mình uống ly rượu 5 xu mà có khi anh ta không thể nói lên sự khác biệt".


*****


Mời vợ uống rượu


“Mỗi năm tết có một lần
Mời em ly rượu tay nâng ngang mày
Vợ cười chưa uống đã say
Ngọt bùi thì nổi, đắng cay thì chìm
Gót chân ăn vẹt bậc thềm
Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân
Tóc loang loang bạc, bạc dần
Mỗi năm tết có một lần thôi em…


Nguyễn Duy

Cuộc sống thi ca - Sưu tầm