Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

Thầy Thích Minh Tuệ - Tôi Tu Mà Anh Có Tu Đâu




Nhận thấy bài viết khá hay của Kalynh Ngô đăng trên tờ Việt Báo Online, nên tôi chia sẻ. Trước khi đọc bài viết này, từ lâu tôi có viết một bài thơ gửi tặng 
Thầy Thích Minh Tuệ
Xin mời đọc.




Thầy Thích Minh Tuệ


Bước chân dẫm nắng trên đường
Trăm năm trong cõi vô thường chiếu không
Nguyên sơ là đám bụi hồng
Bỗng đâu gió thổi phiêu bồng viễn du.

Ta về chắp nối đường tu
Thân phơi muôn dặm xa mù bụi bay
Bình bát cơm ngàn mây
Đường chiều vui bước tháng ngày đi qua.

Tối nghĩa địa bãi tha ma
Bóng người cô độc mình ta ngủ ngồi
Quanh ta cây cỏ đâm chồi
Tâm hồn xao xuyến bồi hồi xót đau.

Gió lùa ngọn cỏ bông lau
Từ hồng hoang đến ở đâu bây giờ
Ngồi thiền trầm lắng trong mơ
Kiếp sau ta lại bơ vơ chốn nào.

Thân này nhận mấy cơn đau
Chiều nghiêng ngả mũ chào nhau đợi chờ
Trầm luân từ thuở ban sơ
Sau này đừng vội hững hờ bước đi.

Mảnh vải rách tà áo ni
Đầu đà khổ hạnh xá gì xác thân
Khi nào hiện hóa phù vân
Phật quang chuyển thế xoay vần đường tu.

Tế Luân
Viết Tặng Thầy Thích Minh Tuệ





‘Tôi Tu Mà Anh Đâu Có Hay’
11/01/2025Kalynh Ngô

"Vòng kim cô do chính ông mang, là để một thế lực khác khống chế sức lan tỏa quá lớn của ông đến chúng sinh."

"Ngày nay, ma quỷ nào đe dọa sư Minh Tuệ để ông phải cần hộ pháp? Họ không có cây Kim Cô Bổng quyền lực của Ngộ Không, nhưng họ sở hữu một “quyền lực mềm” bất khả chiến bại. Quyền lực đó đã đẩy những bước chân của sư Minh Tuệ và các đồng tu ra khỏi biên giới nước Việt, để gọi là “hành hương về đất Phật.”


Ảnh: Fanpage Facebook Sư Thích Minh Tuệ)

Tâm nguyện bộ hành khất thực gieo duyên của nhà sư tu hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ tưởng đâu đã sóng yên gió lặng sau khi ông buộc “điểm chỉ” nhận thẻ căn cước, một trong những cái ông không cần trong cõi ta bà này, từ chính quyền địa phương. Tưởng đâu kiếp nạn của ông đã chấm dứt kể từ ngày bị buộc ẩn tu tại quê nhà Gia Lai. Nhưng, câu chuyện kết thúc ở cánh cửa này, lại mở ra một cánh cửa khác. Phía sau cánh cửa đó, là một kiếp nạn khác, của sư Minh Tuệ, của chính dân tộc này, của một nền văn hóa Phật học đã được khai sinh từ ngàn năm trước. Sư Minh Tuệ, một trong những nhà sư chân chính phải gánh cùng kiếp nạn cho dân tộc Việt.

Nhà sư Minh Tuệ đã hành giả trên con đường của riêng ông suốt sáu năm qua từ Nam chí Bắc và ngược lại. Trời đất là nhà. Giác ngộ là sự sống. Trang phục “Tam Y Nhất Bát,” nhục thể gầy gò, đen sạm, đôi chân trần mạnh mẽ, dứt khoát, cách nói chuyện đơn giản, cởi mở với nụ cười trên gương mặt đen sạm, một ngày một bữa,…, ông đã chọn tu học theo hạnh đầu đà. Sáu năm đó, không ai biết đến ông.

Rồi “Hiện tượng Minh Tuệ” nổi lên, dù là vô tình hay từ một lý do nào đó được sắp đặt sẵn trong một “cơ đồ Phật Giáo đã mục, có thể sập” (*) , thì cũng là kiếp nạn của ông. Không trách được chúng sinh bởi họ quá khao khát một hình ảnh chân tu, như những cái cây, ngọn cỏ thèm khát ánh nắng để được vươn thẳng sinh tồn. Rồi khi họ gặp được, cả một rừng cây đang oằn mình chết khô bỗng rào rạt trỗi dậy, ngả về hướng của ánh sáng vị lai.

Ánh sáng ấy tỏa ra từ sự khổ hạnh, chân phương của vị sư tu theo hạnh đầu đà. Và cũng chính ánh sáng tối giản nhưng nhiệm mầu ấy đã hóa thành sức mạnh vô song làm cho một quyền lực khác phải sợ hãi. Một nhóm người đã bắt cóc ông và các đồng tu khác tại Huế đưa về Gia Lai vào đầu Tháng Sáu 2024, “khuyến khích” ông ẩn tu. Nhà sư chẳng nề hà. Ông an nhiên trong túp lều rách nát ở quê nhà. Chúng sinh vẫn không buông tha. Họ tìm đến bằng mọi cách để đảnh lễ. Họ dâng cho ông bát vàng. Họ nghĩ họ sẽ nhận cái mà họ muốn nếu ông nhận cái mà họ có. Nhưng ông không cần cái họ có. Điều mà ông có, ông không cho họ được. Đó là “Giác Ngộ.”

Thiền Sư Nhất Hạnh chẳng phải đã từng giảng: “Đừng đi tìm cái anh muốn thấy. Việc làm đó vô ích. Không đi tìm, nhưng cho phép cái thấy tự đến, cái thấy ấy sẽ giải phóng được cho anh.”

Vị thế và tầm ảnh hưởng của sư Minh Tuệ đánh động ra cả ngoài biên giới quốc gia. Quốc tế lên tiếng. Công luận phản ứng. Để rồi cuối cùng, quyết định cho ông “hành hương về đất Phật như nguyện vọng của ông” là giải pháp có vẻ như vẹn cả đôi đường, cho ông và cho họ.

Bước chân của sư Minh Tuệ và các đồng tu hạnh đầu đà cất bước rời lãnh thổ Việt Nam ngày 12/12/2024. Họ đã qua kiếp nạn chăng? Không. Đường Tăng thỉnh kinh phải trải qua 81 kiếp nạn. “Hộ pháp” Ngộ Không của Đường Tăng bị gắn cả vòng kim cô. Nhà sư Minh Tuệ đời nay cũng thế. Chỉ khác là, kiếp nạn của ông không phải đối diện với yêu tinh quỷ quái. Vòng kim cô do chính ông mang, là để một thế lực khác khống chế sức lan tỏa quá lớn của ông đến chúng sinh.

Thật ra, so sánh chuyến thỉnh kinh ở Tây Trúc của Đường Huyền Trang với cuộc Tây hành của sư Minh Tuệ thì quá khiêng cưỡng, nhưng cũng có phần lãng mạn, “vui vẻ” (một từ rất chân phương mà sư Minh Tuệ hay dùng khi trả lời bá tánh.) Vì sao khiêng cưỡng? Vì mấy ngàn năm trước, Đường Tăng phải sang Tây Trúc thỉnh kinh. Mấy ngàn năm sau, kinh thi có sẵn ở quê nhà, ở khắp nơi, ở bất cứ nơi nào sư Minh Tuệ muốn có. Đi viếng Phật? Chẳng phải Phật luôn ở trong tâm, trong lòng, trong nhãn quan của nhà sư hay sao? Nếu chúng sinh không thấy Phật hiện hữu quanh ông, họ sẽ không vây lấy ông để “xin” chút phần phước?

Còn vì sao “vui vẻ”? Vì đối với nhà sư Minh Tuệ, bộ hành khất thực chính là tâm nguyện của ông, dù ở cung đường nào trên đất Việt hay ngoài biên giới. Ông đã nói: “Họ hoan nghênh hay đánh đập, bắt nhốt thì con cũng thấy như nhau.” (Trích BBC)

Tâm nguyện của ông là “bộ hành khất thực gieo duyên” như ông từng trả lời chúng dân: “Nếu mà họ ‘ấy’ quá thì mình chui trong rừng mình ở… mình chả gieo duyên với ai, mình an lạc trong đó… Ăn lá cây rồi ăn trái rừng, mình chả thèm khất thực với ai nữa. Mình đi gieo duyên, mình đi khất thực nhưng mà giờ họ nói ông tu hành ra tôi cấm không cho khất thực nữa thì tôi về rừng về núi tôi ở trên đấy….”

“Dạ được về thăm Đức Phật thì đảnh lễ nơi bốn thánh địa của Đức Thế Tôn thì cũng đều tốt đẹp. Con cũng… Con ước mong…ngày xưa…con cũng nói là có một cái duyên nào đó, có một lúc nào đó mình bộ hành về Ấn Độ mình đảnh lễ nơi bốn thánh địa của Đức Thế Tôn rồi mình học tập, mình cảm ơn cái ân đức của Đức Thế Tôn, tri ân với ngài… Nhưng mà cái đấy thì con cũng cảm thấy hạnh phúc vui vẻ nếu đạt được…”

Vậy đây có phải là lúc ông đã gặp được cái duyên đó không?

Truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng, nhường chỗ cho kênh Youtube độc quyền của người tình nguyện là “hộ pháp.” Cho đến bây giờ, truyền thông dân lập không còn cơ hội làm mưa làm gió, vì bên cạnh sư Minh Tuệ là vị “hộ pháp” đầy quyền năng. Họ cho ai hỏi, mới được hỏi. Họ cho ai đến gần, mới được đến. Họ cho ai đi theo đoàn, mới được đi. Ngày xưa, Ngộ Không là do chính Quan Thế Âm Bồ Tát sắp đặt để bảo vệ Đường Tăng khỏi yêu ma quỷ dữ. Ngày nay, ma quỷ nào đe dọa sư Minh Tuệ để ông phải cần hộ pháp? Họ không có cây Kim Cô Bổng quyền lực của Ngộ Không, nhưng họ sở hữu một “quyền lực mềm” bất khả chiến bại. Quyền lực đó đã đẩy những bước chân của sư Minh Tuệ và các đồng tu ra khỏi biên giới nước Việt, để gọi là “hành hương về đất Phật.”

Chợt nhớ đến cuộc đời của Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Khi còn tại thế, có một lần ông trả lời Al Jazeera qua màn ảnh video vì bị cấm tiếp cận với báo chí: “Chúng tôi là tù nhân trên quê hương của mình, nơi mà chính quyền quyết định ai có quyền nói và ai phải ngậm miệng lại. Ngay trong lúc này, tôi vẫn còn đang bị giam giữ ở Thiền viện Thanh Minh, Sài Gòn. Cảnh sát mật đang theo dõi tôi ngày đêm, không cho tôi đi lại.”

Ngày nay, nhà sư Thích Minh Tuệ ngày nay khác gì với vị Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ?

Không còn hình ảnh trăm, ngàn, triệu người đổ ra đường níu kéo, chờ chực ở những nơi ông nghỉ đêm, thọ thực. Nhưng mỗi một ngày, các “truyền thông Youtuber” từ trong nước bay sang Thái, nơi đoàn sư đang đi qua, ngày càng nhiều. Báo chí hải ngoại cũng cử người đến tận nơi để ghi hình, phóng sự. Điều kiện đặt ra là bắt buộc phải “bước qua cửa ải của người hộ pháp.” Dù sư Minh Tuệ có nhẹ nhàng “anh cứ cho họ hỏi đi, chẳng sao đâu” thì cũng bị hộ pháp từ chối rất nhã nhặn: “Mình không kiểm soát được thông tin đó thì nó có hại cho mình, chứ không đơn giản” (Trích RFA Việt Ngữ.)

Mỗi ngày, công chúng từ khắp thế giới vẫn được dõi theo con đường đi đến Ấn của sư Minh Tuệ qua kênh Youtube độc quyền của hai vị “hộ pháp” kia. Nhất cử nhất động của ông đều phải qua cái gật đầu của “hộ pháp.” Hình ảnh truyền đi khắp thế giới. Truyền thông săn đón. Chúng sinh sung sướng vì mỗi ngày được biết “thầy vẫn bình an.”

So với sáu năm ông bộ hành từ Nam chí Bắc, con đường nào là con đường đúng tâm nguyện của ông? Ai dám khẳng định, nhà sư Minh Tuệ đang thật sự hành hương về miền đất Phật trên con đường như ông mong muốn?

Cỏ cây luôn cần ánh nắng để sinh tồn. Nhưng liệu ánh nắng ấy có thể tỏa sáng trong một xã hội đã phải chịu quá nhiều kiếp nạn hay không? Xã hội của nền Phật học một thời rực rỡ nay phải rên xiết “Tôi tu mà anh đâu có hay.”

Kalynh Ngô



(*) Năm 2007, trong một bài giảng nói về “Định hướng tương lai với thể hệ tăng sĩ trẻ ngày nay,” cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từng nói: “Về gia tài Phật giáo Việt Nam, tôi nói đó là một cơ đồ đã mục có thể sập. Nhưng vì, trong đó tôi là người đã góp công rất nhiều, nên dù biết nó có thể sập tôi cũng không đủ can đảm để phá đi. Nhưng thế hệ trẻ các anh có đủ can đảm để phá, vì các anh chưa đóng góp gì trong đó cả. Các anh có quyền phá sập đi để xây dựng lại cái mới.”



Cuộc Sống Thi Ca



Những vần thơ Xuân Ất Tỵ 2025

 

Chúc Mừng Năm Mới Xuân Ất Tỵ 2025.
Những vần thơ xuân.
Tế Luân



Tiếng Pháo Ngày Xuân

Tiếng pháo rền vang nơi đầu phố
Em ngồi vui đón Tết hôm nay
Gió lùa hơi lạnh vào da thịt
Nhớ đến tình xuân giấc mộng đầy.

Anh thấy em cười dáng thân thương
Trăm năm còn mãi bóng vô thường
Nghĩ tình thổn thức trong thơ cổ
Đậm nét phong sương lắm đoạn trường.

Anh nhớ xuân xưa thời chinh chiến
Mai vàng lấp lánh áo quân nhân
Em nhìn âu yếm trông xinh quá
Thấy cả trời xuân với tình quân.

Ngàn vạn đường mây còn xê dịch
Hàng triệu tên người tấm bia phai
Khi nghe tiếng pháo ngày xuân nổ
Nhớ lại ngày xưa tiếng thở dài.

Lê Tuấn
Đêm giao thừa nghe pháo nổ



Xuân Về Chưa

Xuân về trên phố chưa?
Em đi viếng cảnh chùa
Nụ biếc tầm xuân nở
Lòng em nhớ xuân xưa.

Áo lụa hồng trinh nguyên
Lòng em bao nỗi niềm
Ôm một trời nỗi nhớ
Vấn vương tuổi thần tiên.

Xuân chưa vào nhà em
Vừa đến bên bực thêm
Cánh mai vàng chưa nở
Đợi tình về thâu đêm.

Khoe dáng nhiều sắc hoa
Dài thêm dòng thái hoà
Nguyện ước mừng năm mới
Bình an đến mọi nhà.

Rót đầy ly rượu mừng
Xuân về chúc người thương
Đời thêm nhiều hưng phấn
Tiếng pháo vang phố phường.

Khách du xuân tìm về
Phố núi tình say mê
Khói lam chiều mây trắng
Mang theo khối tình quê.

Tế Luân
Một ngày chớm xuân.


Hương Mùa Xuân

Ngày xuân hương cỏ lạ
Hoa đào chen sắc mai
Bướm ong bay tìm mật
Ngày vui nối tình dài.

Sợi nắng xuyên lấp lánh

Khẽ điểm nhẹ trên môi
Em cười vui ngày Tết
Lòng xôn xao gọi mời.

Tháng giêng xuân vừa đến

Cho tình yêu lên ngôi
Gợi thêm từng nỗi nhớ
Thơ tràn ngập hồn tôi.

Tế Luân




Nhớ Một Chiều Xuân

Một nhánh mai vàng lên tiếng gọi

Mù sương thoáng hiện khói lam chiều
Mái ngói nhà ai làn khói xám
Nhìn về quê cũ nhớ nhung nhiều.

Một cánh chim bay nắng tháng giêng

Hoa đào chớm nở buổi chiều nghiêng
Ngày Tết đang về trên phố núi
Hồn thơ mang nặng mối tình riêng.

Đôi lúc lòng mình nghe thổn thức

Thời gian thắm thoát lắm gian truân
Xa vắng lâu rồi quên ngày tháng
Muốn về thăm lại bóng chiều xuân.

Thổn thức lòng buồn như chợt đến

Nhớ người con gái tuổi yêu thương
Đôi lúc tìm về trong trí nhớ
Hoa vàng thung lũng nhớ quê hương.

Tế Luân


Vài hình ảnh hoa xuân















Mời Xem Video VTLV họp mặt vui xuân Ất Tỵ 2025.


Xin mời thưởng thức ca khúc
Quê Hương Niềm Thương Nỗi Nhớ
Nhạc và Lời Phạm Đức Huyến
Trính bày; ca Sĩ Thanh Hoài



Cuộc Sống Thi Ca

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Bạn sẽ bật khóc khi xem Video này - Tình yêu kết hợp âm nhạc thật tuyệt vời

 Tôi xem video này làm tôi rất cảm động và rướm nước mắt. Còn bạn thì sao? 

Hãy xem một lần cho biết.

Hãy xem cặp đôi vợ chồng vô gia cư Henry và Margaret Carter, 91 và 90 tuổi, mang đến một màn trình diễn lay động tâm hồn trên America’s Got Talent khiến bạn không nói nên lời! Khoảnh khắc khó quên về sự kiên cường, tình yêu và nỗi đau này sẽ khiến bạn rùng mình.
Henry, một cựu giáo viên dạy violin và Margaret, một nghệ sĩ piano, bước lên sân khấu AGT để chia sẻ câu chuyện sâu sắc về mất mát và sự sống còn của họ. Sau khi mất con gái Emily vì bệnh bạch cầu và phải bán mọi thứ để trang trải chi phí y tế cho con, họ trở thành người vô gia cư trong hơn 25 năm. Trong suốt thời gian đó, âm nhạc vẫn là sợi dây liên kết và là sự kết nối của họ với quá khứ mà họ trân trọng.
Tác phẩm gốc của họ, "Emily’s Lullaby", được viết để tưởng nhớ người con gái quá cố của họ, đã khiến ban giám khảo và khán giả rơi nước mắt. Với cây vĩ cầm run rẩy của Henry và những phím đàn piano tinh tế của Margaret, màn trình diễn của họ tỏa ra tình yêu, ký ức và sức mạnh bền bỉ của âm nhạc để chữa lành ngay cả những vết thương sâu sắc nhất.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Câu chuyện và màn trình diễn này do AI tạo ra và không liên quan đến America’s Got Talent thực sự hoặc những người tham gia. Đây là một tác phẩm hư cấu chỉ được tạo ra nhằm mục đích giải trí và sáng tạo.

Bản tiếng Anh (English)
Watch as a homeless couple, Henry and Margaret Carter, ages 91 and 90, deliver a soul-stirring performance on America’s Got Talent that will leave you speechless! This unforgettable moment of resilience, love, and heartbreak will give you chills.

Henry, a former violin teacher, and Margaret, a pianist, step onto the AGT stage to share their deeply personal story of loss and survival. After losing their daughter Emily to leukemia and selling everything to cover her medical costs, they found themselves homeless for over 25 years. Through it all, music remained their lifeline and connection to the past they cherished.

Their original piece, "Emily’s Lullaby," written in honor of their late daughter, moves the judges and audience to tears. With Henry’s trembling violin bow and Margaret’s delicate piano keys, their performance radiates love, memory, and the enduring power of music to heal even the deepest wounds.

Disclaimer: This story and performance are AI-generated and are not associated with the real America’s Got Talent or its participants. It is a fictional representation created for entertainment and creative purposes only.



Câu Chuyện Thứ Hai 
Có chung một chủ đề

Video Clip AI thực Hiện.
Video này trình bày một hình đại diện ảo được tạo ra dành riêng cho mục đích giải trí, được mô phỏng như một người tham gia trong bối cảnh hư cấu và không liên quan đến chương trình 'Got Talent' chính thức hoặc những người tham gia hoặc sự kiện thực tế. Hình ảnh này được tạo ra hoàn toàn và không nhằm mục đích lừa dối, mà để mang đến trải nghiệm nghệ thuật và giàu trí tưởng tượng. Tất cả các nhân vật và sự kiện được trình bày đều là hư cấu. Hãy thưởng thức nội dung này như một vở kịch giải trí ảo.

Hãy chuẩn bị cho một trong những màn trình diễn ấm lòng nhất mà bạn từng chứng kiến. Cặp đôi vô gia cư 90 tuổi này đã bước lên sân khấu và khiến mọi người hoàn toàn không nói nên lời. Với sự kết hợp độc đáo và giọng hát chứa đầy những trải nghiệm của cả cuộc đời, bản song ca đầy cảm xúc của họ đã chạm đến trái tim của mọi người trong khán phòng. 😭🎶 Video này không chỉ lan truyền mà còn nhắc nhở chúng ta về phép màu của tình yêu, âm nhạc và khả năng phục hồi. Đừng bỏ lỡ khoảnh khắc khó quên này đã khiến mọi người rơi nước mắt!


Mặc dù do AI thực hiện, nhưng rất hay. Một câu chuyện thật cảm động về đời sống và tình yêu.

Cuộc sống thi ca


Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Ai cũng có thể tạo ra sản phẩm AI? Nghệ Thuật AI không phải không có hồn?

Tôi rất yêu thích Hội Họa và Nhiếp Ảnh, tình cờ đọc bài viết này trên trang Việt Báo online, nhận thấy hay nên tôi chia sẻ trên trang Blogsopt cá nhân của tôi
Trích đoạn
(Bất cứ ai cũng có thể tạo ra một sản phẩm AI? Câu trả lời là ĐÚNG. Chỉ cần một chút quan sát, một chút kiên nhẫn, một chút tò mò, bạn có thể sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm cơ bản bằng cách “gõ lệnh” hoặc kê mẫu của các tác phẩm gốc.)

(Cũng không ít người cho rằng “Nghệ thuật AI không phải là không có linh hồn.” Nhưng gọi thứ được khai sinh từ những thuật toán vô tri vô giác là linh hồn thì có lẽ đã đến lúc tự điển cần viết lại định nghĩa.)


Tranh vẽ from AI



Ô kìa ai như ‘AI’…?!
11/10/2024Kalynh Ngô






Bức tranh của Van Gogh tạo bởi sự hỗ trợ của AI Nightcafe Creator. (Ảnh: Nightcafe)

Năm 1816, khi nhà phát minh người Pháp, Joseph Nicephore Niepce thành công chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính, cũng là lúc nghề vẽ tranh truyền thần của những họa sĩ thời đó bắt đầu gặp nguy hiểm. Đến khi công nghệ chụp ảnh hoàn hảo hơn ra đời vào khoảng 1839, thì những người vẽ tranh chân dung dần dần… thất nghiệp.

Lịch sử đang lặp lại, như một bước nhảy tự tái tạo cho một thế hệ mới, lần này, bao hàm rộng hơn với sức công phá mạnh hơn.

Năm 2001, tôi về Việt Nam lần đầu tiên, với chiếc máy ảnh kỹ thuật số Canon 2.1 megapixel. Vương Cung Thánh Đường ở trung tâm Sài Gòn vẫn còn nhiều những bác “phó nháy” mang trên người từ một đến ba cái máy ảnh to kềnh - chụp bằng phim – túc trực từ sáng đến chiều tối. Dù lúc đó, máy ảnh dùng thẻ nhớ bắt đầu nhen nhúm chen chân chiếm không gian của kỹ thuật phòng tối, nhưng nghề chụp ảnh dạo vẫn còn ở “thời kỳ vàng son” của nó. Câu thần chú “ba, hai, một” vẫn nghe thấy ở khắp khuôn viên trước nhà thờ. Hình ảnh các bác “phó nháy” ngồi trên bệ cỏ, mở lon gi-go cơm mang theo để ăn trưa, hay những nhóm sinh viên Mỹ Thuật, Kiến Trúc chăm chú ký họa trước Dinh Độc Lập cũ vẫn còn là một trong những hình ảnh hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn cũ.

Khi đó, dù là nhiếp ảnh hay hội họa, thì quá trình sáng tác và thành quả vẫn là một đặc ân tạo hóa dành riêng cho con người và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mềm chỉ có ở con người. Giờ đây, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển thần tốc. Công cụ AI vẽ tranh đang được dùng phổ biến và ứng dụng nhiều vào thực tế. Chỉ vài cái nhấp chuột, một bức tranh màu sắc, có chủ đề, đúng kích thước mong muốn, hiện ra ngay. Thậm chí, nó còn được gọi là một “tác phẩm” của Van Gogh hay họa sĩ vĩ đại nào đó của thế giới.

AI vẽ tranh là công cụ tạo ra những bức tranh dựa trên yêu cầu của người dùng. Việc này thực hiện theo nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là đào tạo thuật toán AI trên một tập dữ liệu lớn về các bức tranh hiện có. Sau đó thuật toán sẽ học cách xác định các mẫu và đặc điểm tạo nên những bức tranh này và cũng có thể sử dụng kiến thức này để tạo ra những bức tranh mới có phong cách tương tự.

Vấn đề còn lại là của những ai muốn trở thành một Pablo Picasso, một Michelangelo, hay một Van Gogh… hay chí ít cũng muốn tạo ra một “tác phẩm” mang hơi hướm của những họa sĩ này… Với AI, họ có thể là một Picasso đơn giản mà phức tạp vào buổi sáng và một Dalí điên loạn và huyền bí vào buổi chiều.

Bất cứ ai cũng có thể tạo ra một sản phẩm AI? Câu trả lời là ĐÚNG. Chỉ cần một chút quan sát, một chút kiên nhẫn, một chút tò mò, bạn có thể sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm cơ bản bằng cách “gõ lệnh” hoặc kê mẫu của các tác phẩm gốc.

Khi nhà thiết kế đồ họa Eyal Carmi ở Tel Aviv, Israel, đưa vào trang Paintings những tấm ảnh chân dung lập thể với những nét cọ độc đáo, sắc đến từng mm, ngay lập tức nhiều tin nhắn để lại: “Anh đã dùng văn bản (prompts) gì? Có thể cho tôi mã của những văn bản đó được không?” Eyal hào phóng gửi cho mọi người trong nhóm những câu lệnh anh đã viết. Kết quả là hàng loạt tấm tranh mang phong cách “song sinh” ra đời.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi nghệ thuật tốt và xấu, nghệ thuật là gì và nghệ thuật này có độc đáo không?

Nếu một người nghệ sĩ sử dụng AI, toàn bộ hoặc một phần để tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình, vậy có nghĩa là nghệ sĩ ấy hoàn toàn có thể gặp “anh chị em sinh đôi” của những tác phẩm của họ bên thế giới ngoài kia. Vì sẽ có người sử dụng thuật toán y như thế để tạo ra thứ gì đó giống như vậy hoặc thậm chí tốt hơn?

Thực tế đã cho thấy, hiện nay trên những nhóm mang tên “Van Gogh” hay “Passion For Paintings” đầy rẫy những bức tranh do AI thực hiện. May mắn thay, một số không ít những thành viên trong các nhóm đó đủ kinh nghiệm để nhìn ngay ra và lên tiếng: “Thôi đi nào, đây là AI vẽ. Đừng lừa chúng tôi chứ bạn.”

Cũng không ít người cho rằng “Nghệ thuật AI không phải là không có linh hồn.” Nhưng gọi thứ được khai sinh từ những thuật toán vô tri vô giác là linh hồn thì có lẽ đã đến lúc tự điển cần viết lại định nghĩa.


Khi một người yêu tranh, hay một họa sĩ nhìn vào một tác phẩm, họ có thể nói “đây là tranh của Picasso” hoặc “đây là tranh của Van Gogh.” Đây chính là “linh hồn.” Còn với một sản phẩm của AI, câu nói sẽ là: “đây là AI” dù đó có là bức tái họa Hoa Diên Vĩ của Van Gogh hay “Lady with an Ermine” của Leonardo De Vinci.

Lướt nhanh qua để thấy, Midjourney, một công cụ vẽ AI mới được phát triển và phổ biến từ năm 2022, tích hợp trên ứng dụng Discord. Công cụ này được tạo ra nhằm mục đích giúp mọi người tạo ra những hình ảnh “nghệ thuật” đẹp và độc đáo từ các mô tả văn bản – tức các lệnh.

Kế đến là DALL-E3, một hệ thống trí tuệ nhân tạo phát triển bởi OpenAI, mang đến cho người dùng cơ hội tạo ra tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời bằng ngôn ngữ mô tả tự nhiên. DALL-E3 tạo ra các thay đổi đối với các hình ảnh gốc bằng cách lấy các nhúng clip của hình ảnh và chuyển chúng qua bộ giải mã khuyếch tán.

Chưa kể đến Microsoft copilot, Getimg.ai, Lexica Art, Deep Dream Generator, Nightcafe, Stable Diffusion, Canva… và danh sách sẽ dài thêm chỉ trong một, hai năm nữa.

Tại sao nghệ thuật AI không phải là nghệ thuật nếu như tôi, hay bạn, là người nghệ sĩ sáng tạo? Có lý do và nguyên tắc... mặc dù những nguyên tắc này được viết trong bất kỳ cuốn sách nào về nghệ thuật, ít nhất là đến thời điểm này. Và vâng, bồi thẩm đoàn chưa có luật để “xử” một sản phẩm AI như cảnh sát thổi phạt một người chạy xe với cái hình nộm bên cạnh khi chạy vào lằn đường ”carpool”.

Giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, hội họa, phim ảnh v.v, nếu người sáng tác không kết nối được tác phẩm thì đó không phải là nghệ thuật. Hoặc, ít nhất, hiệu quả họ mong muốn đã không đạt được. Thuật ngữ AI dù đã xuất hiện trong các công ty công nghệ lớn hoặc những phòng nghiên cứu thuật toán từ rất lâu, nhất là trong phim ảnh, nhưng có lẽ người ta không hình dung được nó sẽ tấn công vào một lĩnh vực dành riêng cho thị giác, xúc giác, đôi khi cả vị giác. Nó tấn công, nó xâm lấn, nó tạo ra nhiều chiến binh ngoại đạo một cách ngạo nghễ.

AI sẽ có thể tạo ra các bài thuyết trình đồ họa về vẻ đẹp và cả những hình ảnh thiên nhiên phi thường trong khung thời gian vàng, nhưng điều đó dẫn đến câu hỏi nghệ thuật là gì? Nghệ thuật có là thứ truyền đạt cảm xúc và tinh thần một cách sâu sắc? Đó là điều xảy ra khi bạn nhìn vào "Guernica" của Picasso và khiến bạn nghĩ về sự tàn ác của con người đối với con người, hoặc khi bạn nhìn vào một tác phẩm Monet, và bạn có thể thấy mình hòa lẫn vào thiên nhiên. Người thưởng lãm sẽ không có những điều đó vì AI tạo ra sản phẩm không phải từ những cái chạm, hoặc sự thấu hiểu vốn chỉ được khai sinh từ linh hồn và cảm xúc. Vòng tròn màu sắc qua bàn tay của người họa sĩ, không phải chỉ có bấy nhiêu màu.

AI có thể sáng tác một bản nhạc, nhưng liệu nó có thể tạo ra bản sonata cuối cùng của Beethoven? AI có thể bắt chước một tuyệt phẩm đã được con người sáng tác và tái sinh nó ở một định dạng khác, nhưng đó không phải là một tác phẩm gốc. Không phải là nghệ thuật.

Rõ ràng là AI đang nhanh chóng thay đổi xã hội của chúng ta và thay đổi những gì chúng ta coi là nghệ thuật. Chúng ta đều coi trọng sự tiện lợi và khả năng tiếp nhận khoa học kỹ thuật mới, nhưng chúng ta cũng cần nhận ra những tổn hại, nhất là về mặt giá trị và tinh thần. Một điều chắc chắn là không có gì thay thế được khi chúng ta dành thời gian ngồi xuống và vẽ, viết, hát và tạo ra một cái gì đó mà bạn có thể nhìn lại và tự hào nhận ra một phần vóc dáng của chính tâm hồn mình.

Sống trong thời đại AI, chúng ta được dự phần sử dụng nó như một phương tiện nâng cao phẩm chất đời sống ở bất kỳ lãnh vực nào, trong đó có nghệ thuật. Chúng ta chỉ cần bén nhạy với khả năng đánh giá nghệ thuật thực sự và suy nghĩ tri ân thời gian và nỗ lực mà các nghệ sĩ thực sự đã bỏ ra để sáng tác tác phẩm của họ. Đi đến một bảo tàng hoặc một phòng trưng bày nghệ thuật, nghe nhạc của các nghệ sĩ yêu thích, đọc một áng văn học cổ điển, chiêm ngưỡng một họa phẩm tuyệt tác và nhắc bản thân rằng “nghệ thuật thực sự là một ngôn ngữ mà chỉ trái tim hiểu.” (Rabindranath Tagore).

Chứ không phải “Ồ, ai kia như ‘AI’!!!

Kalynh Ngô

Cuộc Sống Thi Ca - Tiếp nối chia sẻ

Những bức tranh AI vẽ




















Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Tam Cá Nguyệt San VBVNHN 2025 - Những vần thơ Tế Luân



Chúc mừng năm mới Xuân Ất Tỵ 2025.




Chân thành cảm ơn văn thi sĩ Tế Luân. Cung Lan đã đăng.

Xin mời bấm vào đường link AnyFlip book để đọc tác phẩm
Tam Cá Nguyệt San VBVNHN 2025


 https://anyflip.com/almib/zltb/

Xin bấm vào đường link để đọc Nguyệt San 2025







Hãy Bước Vào
Cánh Cửa Nghệ Thuật


Có những cánh cửa khép kín
Những con mắt tò mò
Thích nhìn qua kẽ hở
Để thấy những điều cấm kị
Hay thỏa mãn cơn thèm muốn
khám phá.

Có những khe cửa kín đáo
Muốn được phóng thích khỏi giam cầm
Để vui đùa cùng ánh sáng
Mà sự thật thường làm như thế
Thẳng thắn không che đậy.

Có những hình vẽ
muốn phá bỏ khung treo
Để tung tắng chạy nhảy
trên ngọn đồi hoa vàng
Như loài thú đi hoang
Phóng thích khỏi khu rừng.

Có những bức tường
Muốn phá bỏ vây hãm
Hòa mình vào cỏ cây
Gửi lời chào bình minh
vào một buổi sớm mai.

Có những căn phòng khép kín
Muốn xóa bỏ bóng tối
Muốn tiêu hóa hết muộn phiền
Với những nàng tiên
Bước qua chu kỳ u ám.

Có những tâm hồn hào hoa
Muốn lên đường cùng các vì sao
Lang thang trong giải ngân hà
Vào thế giới mộng mơ
Đầy thơ ca và tiếng nhạc.

Tế Luân

Ngưới Bạn Đồng Hành

Tôi yêu người bạn đồng hành với linh hồn tôi
Người đó không ai ngoài thân xác tôi
Chúng tôi gắn bó bên nhau từ khi
Còn là một phôi thai nhỏ bé nằm trong bụng mẹ.
Bên trong những tế bào mạnh mẽ trưởng thành
Cùng run rẩy yêu thương và gắn bó chặt chẽ
Cho đến khi tôi chào đời
Một đứa trẻ thơ ngây và trong sáng
Như một thiên thần.

Chúng tôi cùng lên đường
Chúng tôi tự do
Cùng mơ về một tương lai rực rỡ
Một vùng đất xanh tươi vui vẻ
Bàn tay của chiến tranh còn chưa chạm đến.

Hãy tiếp tục lên đường
Người bạn đồng hành của tôi đang nghĩ gì thế?
Đang hướng về những ký ức ham muốn của thể xác
Một thực thể trần chuồng nhảy múa
Ở nơi đó tôi nhìn thấy ngôi nhà mồ
Tối tăm của ánh sáng u mê dục vọng.

Bầu trời màu xanh
Có những con chim tung cánh bay xa
Bay lên thật cao như trút bỏ sức nặng cơ thể
Như muốn xa rời bản ngã của thân xác
Đó chính là linh hồn tôi
Linh hồn muốn khuyên nhủ
với người bạn đồng hành thể xác.

Giấc mơ nào tuyệt vời đến thế
Rực rỡ ánh hào quang đến thế
Linh hồn đang muốn thoát khỏi thể xác
Như tìm cách bỏ trốn nhà tù giam hãm
Để linh hồn bay bổng như cánh chim trời.

Mùa thu những chiếc lá vàng nhẹ rơi
Như nhắc khẽ thân phận người
Cũng có lúc chia tay
Bóng sương mù che khuất
Sương tuyết vỗ vào mặt lạnh cóng
Vừa chạm vào chỗ đau
Nức nở theo từng giọt lệ.

Người bạn đồng hành của tôi ơi!
Hãy cùng tôi trở lại.

Tế Luân
Bài thơ tự do





Tách Trà Hương Thu


Trên tay tách trà nóng
Thấy vầng trăng hiện hình
Tôi nhắp môi nếm thử
Vầng trăng đêm lung linh.

Tôi ôm giữ vầng trăng
Thấy em đứng một mình
Màu áo nâu bịn rịn
Sâu chuỗi hạt lần kinh.

Trà uống xong vừa cạn
Em và trăng hư vô
Cả hai đang chờ đợi
Thu rơi đầy lá khô.

Giọt lệ rơi tan vỡ
Trà rót hoài chưa vơi
Hư vô lên tiếng gọi
Thu còn ta trong đời.


Tế Luân



Tình Xám Hối



Gởi buồn lên thánh giá
Lời kinh vang từng hồi
Hồn hân hoan nhận tội
Tình yêu vừa lên ngôi.

Dòng máu chảy im lìm
Đốt cháy tình trong tim
Tôi quỳ bên thánh giá
Tình yêu mãi đi tìm.

Em ẩn trốn, hay chờ
Tôi tìm hoài trong mơ
Tìm trong từng hơi thở
Để viết một bài thơ.

Tình thấp thoáng đôi khi
Lời yêu vẫn rù ri
Cơn ghen còn hờn dỗi
Tình yêu có lỗi gì?

Tế Luân





Đoạn Cuối


Tuổi già là bước chân
Đi về cõi mong manh
Mây xám về ngưng tụ
Đậm đặc cả men xanh.

Tình như cơn mưa lũ
Cuốn trôi bờ môi xinh
Nụ hôn dù khô héo
Hãy bên nhau tận tình.

Chầm chậm từng bước chân
Xóa tan những buồn phiền
Cho đời thêm nhung nhớ
Nụ hôn còn thôi miên.

Tan loãng vào hư vô
Tình than khóc rù rì
Đem nhau vào đoạn cuối
Tiếc chi lời phân ly.

Đại dương trong hồn tôi
Sóng cuồn cuộn không thôi
Vỗ vào bờ nỗi nhớ
Tình yêu vẫn bồi hồi.


Tế Luân
Cảm nhận về tuổi già

 



Ca khúc Nỗi Lòng 
Sáng Tác Nguyễn Văn Khánh 
Ca sĩ Lê thu











Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Nghe tiếng xuân về bỗng xôn xao - Chúc mừng Xuân Ất Tỵ 2025

Chúc Mừng Năm Mới Xuân Ất Tỵ 2025

Năm mới dương lịch (2025) vừa bước qua, không khí vui tươi của ngày đầu năm như gợi nhớ cho mùa xuân sắp trở về và trong mỗi tâm hồn người Việt, dường như bỗng xôn xao vì ngày TẾT (Ất Tỵ 2025) sắp đến. Người Việt Nam có duyên may là vui hưởng hai cái tết gần kề nhau, điều này cũng mang đến cho tâm hồn người Việt nét phóng khoáng vui tươi, bớt đi nỗi âu lo phiền muộn của đời sống hiện tại.
Chúng ta hãy mở rộng cửa tâm hồn của chính mình để đón nhận một luồng gió mới của mùa xuân đang trở về.
Tết sắp đến. Gửi tặng quý vị 3 bài thơ, để tạo cho diễn đàn một nét lãng mạn nên thơ.
Thân chúc toàn thể quý vị có thật nhiều niềm vui đề chuẩn bị vui đón
Tết Ất Tỵ 2025
Lê Tuấn




Nghe Tiếng Xuân Về
Bỗng Xôn Xao

Tháng giêng em đến thăm tình cũ
Đời vẫn còn dư đoạn biệt ly
Mắt môi quyến luyến lần từ biệt
Cho nỗi u buồn trải lối đi.

Tháng giêng nao nức ngày vui Tết
Hoa nở ngoài sân chim én bay
Bước chân em đến chiều chưa tắt
Làm cánh hoa rơi nhẹ gió bay.

Tháng giêng em đến, đêm trừ tịch
Tôi với em ngồi ánh lửa khơi
Nồi bánh lá xanh mùi nếp chín
Và tiếng em cười đỏ dấu môi.

Tháng giêng huyền diệu xuân vừa đến
Chiếm cả hồn tôi bao khát khao
Nỗi nhớ ùa vào hồn mở cửa
Nghe tiếng xuân về lòng xốn xao.

Tháng giêng.
Tế Luân



Nhớ Ngày Xuân

Nỗi buồn
níu bước chân ai
hư vô bỏ trống
nối dài mộng du
hồn đi xuyên thấu sương mù
qua thu gió thổi
lạnh từ đông sang.

một mình
vẫn bước lang thang
nhờ em săn sóc
mùa màng nở hoa
lửa cuồng nhiệt muốn bôn ba
đường chiều xa tít
mù sa ngại ngần.

dính vào nhau hết mùa xuân
theo cơn đồng thiếp
bước chân nhịp nhàng
trời xuân vàng cội gốc xanh
môi son đỏ thắm
một vành đôi mươi
nhớ về em
mím môi cười
da thơm lụa mỏng
bước dời gót xuân.

Tế Luân
01-11-25




Đợi Mùa Xuân Đến

Tôi cầm một nhánh hoa mai
cầm mùa xuân đến
cho dài ước mơ
báo xuân ai viết bài thơ
tương tư giây phút
sợi tơ vướng tình.

Tháng 12 trời lặng thinh
nghe trời đất thở
tâm tình ngày xuân
đợi nắng lên
đất xoay vần
hương đêm còn lạnh
ngại ngần bước đi.

Chờ nhau mấy độ xuân thì
hương nồng gối mộng
ngại gì trời xa
tình còn thêu dệt gấm hoa
nhìn con bướm lượn
bóng tà huy bay.
Nghe xuân vừa đến nơi này
như thôi thúc dục
lòng đầy đam mê
gối trăng đánh giấc thỏa thê
hương xuân như mới
thổi về đêm qua.

Tiếng ngân như chạm phím ngà
du dương giai điệu
mặn mà tình xuân
thôi nhé đừng quá ngại ngần
để cho hai đứa
thật gần bên nhau.

Tế Luân






Cuộc Sống Thi Ca
Chúc Mừng Năm Mới 2025