Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Những tháng cuối năm 1972. Chiến dịch: Dành Dân Lấn Đất.

Những tháng cuối năm 1972.
Chiến dịch: Dành Dân Lấn Đất.

AET. Lê Tuấn

      Những tháng cuối năm 1972. Tình hình chiến sự trở nên rất sôi động. Cả hai bên tham chiến              đang chuẩn bị cho một chiến dịch Dành Dân Lấn Đất. Trên những trang báo hàng ngày, những            bản tin thời sự nóng bỏng nhất vẫn là những gì liên quan đến Hiệp Định Paris. Một hiệp định 4            bên, nhưng trên thực tế đó chỉ là một hiệp định hai bên, đang bàn thảo gay go giữa Mỹ và Cộng          Sản Bắc Việt.
Theo tinh thần căn bản của Hiệp Định Paris là chấp nhận một giải pháp da beo, bằng những vùng đất trái độn, vùng đất nào được cắm cờ đại diện của phe nào thì vùng đất đó thuộc quyền của bên đó chiếm đóng.
Cuối cùng thì Hiệp Định Paris đã được ký kết vào tháng 1 năm 1973. Đây cũng chính là một cơ hội để người Mỹ tháo chạy khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chính vì giải pháp da beo của hiệp định Paris, cho nên những tháng cuối năm 1972 tình hình chiến sự đã trở nên rất sôi động. Trong địa bàn hoạt động của Đại đội 3, Tiểu đoàn 338 Địa phương Quân, trực thuộc Tiểu Khu Hậu Nghĩa, bao gồm 4 Chi Khu rất nổi tiếng đó là Trảng Bàng, Củ Chi, Đức Hòa và Đức Huệ.
Tháng 6 năm 1972, Đại đội 3/338 ĐPQ, do Trung úy Phi làm đại đội trưởng và tôi đại đội phó. Đơn vị chúng tôi được tiểu đoàn điều động đến đóng quân tại Ấp Bình Thủy 1, nhầm bảo vệ vành đai cho Chi Khu Đức Hòa. Trên con đường Hương lộ nối dài từ Đức Hòa đến Hốc Môn, con đường này chạy xuyên qua một địa danh cũng khá nổi tiếng trong sử học, đó là khu vực (Mười Tám Thôn Vườn Trầu), và con đường này cũng chạy ngang qua một vùng rộng lớn đó là bưng Mũi lớn (vùng nước ngập hoang dại, đầy cỏ năng, một loại cỏ ống thân tròn, rất thích nghi trong vùng đầm lầy ngập nước. Cỏ năng thường được người dân gặt hái bằng ghe xuồng, đem về phơi khô đập dập để đan thành những tấm đệm cói, hình thức như chiếc chiếu, hay những túi xách, những bao tải, đây là một việc làm rất phổ biến của người dân địa phương).
        Địa danh Mũi Lớn đã gợi nhớ lại trong tôi một trận chiến mà chính tôi đã tham dự. Vào cuối               năm 1969 hay đầu năm 1970, lâu ngày tôi đã quên mất. Một hôm tôi được lệnh cùng với hai               trung đội nằm ứng chiến tại một bãi đáp trực thăng trong Chi Khu, anh em chúng tôi đang nằm          dài trên bãi cỏ nghỉ ngơi, vừa hút thuốc lá vừa nói chuyện tếu, nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ chiều,           tôi nghĩ chắc không có chuyện gì xẩy ra, lâu lâu có một ngày nghỉ thoải mái. Gần 2 giờ trưa tôi          đang nằm mở màng vừa định chợp mắt một chút, thì tôi chợt nghe Trung Sĩ Tốt truyền tin gọi tôi.

-Ông thầy có lệnh chuẩn bị hành quân.
Tôi cầm lấy ống nghe và được biết đây là lệnh của BCH Tiểu Đoàn.
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đơn vị tôi sẽ dưới quyền điều động của Phòng 3 Tiểu Khu, người trực tiếp ra lệnh cho tôi chính là Thiếu Tá trưởng phòng 3 Tiểu Khu.
Ông ra lệnh cho đơn vị tôi phải sẵn sàng, sẽ có trực thăng đến bốc.
Tôi ra lệnh cho 2 trung đội trưởng chuẩn bị hành quân trực thăng.
Khoảng 15 phút sau, hai chiếc trực thăng đáp xuồng sân Chi Khu Đức Hòa.
Trực thăng đã bốc đơn vị tôi, bay thẳng đến bưng Mũi Lớn.
Từ trên cao chúng tôi đã nhìn thấy một vùng nước bao la và những đám cỏ năng mọc
um tùm từng khu vực. Trực thăng hạ xuống thấp dần, sức mạnh của cánh quạt đã hất tung mặt nước và làm cho đám cỏ năng nằm rạp xuống.
Tiếng của Thiếu tá trưởng phòng 3 từ trên trực thăng quan sát.
Ông ra lệnh như hét vào trong máy.
-Anh có thấy VC đang nhảy xuống nước.
Tiếng súng bắt đầu nổ, tiếng cánh quát của trực thăng vần vũ, viên phi công cho trực thăng hạ thấp xuống sát mặt nước đổ quân.
Tôi và tất cả anh em đều nhảy ra khỏi trực thăng.
Vừa nhảy xuống, nước đã ngập lên tới ngực. Chúng tôi đã xác định mục tiêu phía trước. Vì tiếng ồn của trực thăng, tôi phải hét lên ra lệnh cho tất cả lính giàn thành hàng ngang. Tất cả đơn vị đã tản ra thánh một hàng ngang, trườn người trên cỏ năng và tiến lên.
Những tràng đạn M16 đã nổ liên tục, cánh quạt của trực thăng bay vần vũ trên đầu, sức mạnh của nó đã thổi tung mặt nước và những ngọn cỏ năng nằm rạp theo.
Những tên du kích VC lặn dưới nước không chịu được lâu đã vội ngoi đầu lên, họ chưa kịp lên tiếng đầu hàng thì đã gục ngã trước lằn đạn M16.
Tiếng của Thiếu tá trưởng phòng 3 từ trên trực thăng quan sát.
Ông hét lên trong máy truyền tin ra lệnh cho tôi phải bắt sống
Tôi một tay cầm ống nghe truyền tin, một tay cầm súng.
Tôi đã hét muốn bể cả cuống họng, ra lệnh bắt sống nhưng không một người lính nào nghe theo, vì tiếng ồn của trực thăng vì tiếng súng, tất cả đã tạo thành một âm thanh hỗn loạn, tiếng nói của tôi không đủ sức, chỉ một số anh em đứng gần tôi nghe lệnh, họ đã cùng tôi hét to lên, lệnh bắt sống.
Tiếng trực thăng, tiếng súng và mùi khói của thuốc súng đã tạo thành một tình huống thật phấn kích. Người lính chỉ còn biết tuân theo một phản xạ tự nhiên đó là bóp cò súng, khi bất ngờ nhìn thấy đối phương vừa chồm lên khỏi mặt nước.
Tất cả đã quá muộn, một trận chiến xẩy ra quá bất ngờ, quá nhanh gọn, không đầy một tiếng đồng hồ. Tổng số có 8 du kích bị thiệt mạng, một vùng nước trong xanh mầu da trời, bây giờ đã nhuộm đỏ mầu máu.
Đó cũng là quy luật rất vô tình của chiến tranh.
Tiểu đội du kích này đã thiết lập một căn cứ trú ẩn tại nơi đây từ lâu. Họ đã khéo léo chui vào giữa bụi cỏ năng (một bụi năng có một chu vi rất lớn, đôi khi 4 người vòng tay nhau mới ôm hết một bụi năng). Từ giữa đám cỏ năng, họ đã cắt sát mặt nước tạo thành một khoảng trống, họ sử dụng cây chàm cắm xuống nước và phía trên làm thành một cái xạp có thể nằm ngủ từ 2 dến 3 người, trên xạp cũng là nơi để nấu ăn.
Những cọng cỏ năng ở chung quanh còn xanh tươi, họ khéo léo kéo hai bên vào nhau
rồi đan bện lại, tạo thành một mái che mưa che nắng, hình thức như một tổ chim.
Nhìn từ phía ngoài thì bụi năng vẫn xanh tươi, rất khó phát hiện ra bên trong là nơi chú ẩn. Thật là không may cho họ lần này vì máy bay trực thăng bay thấp, sức gió của cánh quạt đã làm lộ rõ nơi trú đóng, vì vậy đơn vị du kích này đã bị xóa sổ.
         Thiếu Tá trưởng phòng 3 Tiểu Khu tỏ ra bực bội vì đơn vị tôi không bắt sống được du kích nào,          ông ra lệnh cho trực thăng bay về Tiểu Khu.
Bỏ lại tôi và 2 trung đội ở lại thu dọn chiến trường, chúng tôi lục lạo mọi nơi, lặn cả xuống nước mò tìm súng AK47 và B40. Tổng kết lại trận chiến, đơn vị tôi đã tịch thu được 6 khẩu AK47 và 2 khẩu B40, một số đạn và tài liệu, ngoài ra còn hai chiếc ghe nhỏ, mà toán du kích này sử dụng làm phương tiện di chuyển, đã bị bắn gần bể nát không sử dụng đươc.
Phải lội nước tìm đường trở vế đơn vị. Để tránh bị địch tấn công bất ngờ và cũng để giữ an toàn cho đơn vị, tôi ra lệnh cho anh em đi hàng một, chọn ra hai người lính bơi lội giỏi đi trước dẫn đường.
Sự im lặng lại trở về giữa đất trời bao la, mênh mông một vùng nước trong xanh, chúng tôi mò mẫm trong vùng nước ngập và cỏ năng mọc qua đầu, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng người lính dẫn đầu nói: “coi chừng có hố bom rất sâu”, chúng tôi lại phải đi vòng theo miệng hố bom. Vùng đất này là vùng oanh kích tự do, đôi khi đã bị B52 trải thảm, vì vậy nơi đây có nhiều hố bom rộng lớn và khá sâu, nếu sơ ý có thể lọt xuống hố bom, vướng rễ cây và cỏ năng, rất khó bơi thoát thân.
Trời càng về chiều ánh nắng càng dịu đi, tạo thành một bầu không khí rất thoáng mát, và thật thanh bình. Những âm thanh hỗn loạn và mùi thuốc súng của trận chiến vừa qua gần như tan biến mất, không còn để lại dấu vết nào, chỉ còn nghe tiếng lội nước bì bõm, và thỉnh thoảng nghe tiếng chim le le và tiếng vịt trời vỗ cánh bay, bầu trời càng lúc càng mờ dần, anh em chúng tôi đã nhìn thấy mập mờ, một gò đất và thấp thoáng những ngọn tre xanh.
Cuối cùng chúng tôi đã lội bộ về tới đơn vị. Sau khi kiểm tra lại quân số tôi bàng hoàng đau sót vì thiếu mất một người lính.
Tôi hỏi Chuẩn úy Tính trung đội trưởng
-Anh biết tên ai không, Chuẩn úy Tính cho tôi biết người lính mất tích là binh nhất Vận (biệt danh Hai đen). Vận là người dân địa phương rất quen thuộc với đồng ruộng và bơi lội giỏi, thường hay lội theo những con rạch để bắt cá bằng tay không.
Sáng hôm sau tôi cho người, mượn ghe của dân trở lại vị trí hôm qua để tìm.
Trong thời gian này người dân trong Ấp cũng biết tin về trận chiến hôm qua.
Chính quyền Ấp đã thông báo cho dân đi lấy xác các du kích, đem về cho thân nhân nhận dạng và chôn cất. Thật là đau buồn khi anh em đã phát hiện dưới hố bom nơi binh nhất Vận đã tử trận. Hai Đen đã chết ngồi dưới hố bom sâu, chân và ba lô sau lưng bị vướng chằng chịt cỏ năng và rễ cây, chính những bụi cỏ này đã giữ chặt thân xác anh ở lại để cùng chết với 8 người du kích Việt Cộng.
Sau này anh em còn cho tôi biết thêm một chi tiết về cái chết của Hai Đen. Lý do chính là Hai Đen quá tự tin vào khả năng bợi lội của mình, nên đã tự ý tách ra đi riêng một bên không theo hàng một,  cho nên khi bị sụp xuống hố bom, không ai nhìn thấy vì khi ấy trời qúa tối.
Vào khoảng xế trưa người dân dã đem tất cả 8 du kích về Ấp Bình Thủy cho thân nhân nhận dạng và chôn cất.
Kể từ hôm ấy, tôi không có cảm tình với Thiếu tá trưởng phòng 3 Tiểu Khu, lâu ngày tôi đã quên tên ông. Tôi biết sau trận chiến này, ông đã được gắn những huy chương danh dự. Riêng cá nhân tôi cũng được Tiểu Khu ban thưởng một Anh Dũng Bội Tinh, cái huy chương này tôi đã quên nó từ lâu, sau cái chết của người lính ngồi dưới hố bom.
Tôi nghĩ nếu huy chương này mang một ý nghĩa thật sự của nó, thì nó phải được gắn một cách long trọng trên nắp quan tài của người lính chết trận.
Đó cũng chính là quy luật của chiến tranh, mà cả hai bên tham chiến đều phải tuân theo. Súng đạn thì vô tình, chỉ có những chủ thuyết, những ý thức hệ lệch lạc mới đem con người đến chiến tranh để rồi tàn sát lẫn nhau.
Như tôi đã viết ở phần đầu câu chuyện. Những ngày tháng cuối năm 1972,tình hình chiến sự rất sôi động. Ban đêm đơn vị tôi phải đi phục kích, nằm bờ ngủ bụi canh phòng cho người dân được một giấc ngủ bình yên không bom đạn. Ban ngày đơn vị tôi phải đi phá mô, do VC ban đêm lén lút đắp mô ngăn chận giao thông, gây tâm lý bất ổn trong dân, công việc thường làm nhất trong giai đoạn này là đi tháo gỡ cờ của Việt Cộng. Trong giai đoạn dành dân lấn đất, VC thường lén lút cắm cờ trên các vị trí cao nhất trong khu vực, chúng thường cắm cờ trên ngọn cây Cau và trên những ngọn Tre.
Với mục đích tranh dành lãnh thổ, để hy vọng rằng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, chúng sẽ nhận đây là vùng đất của Cộng Sản. Ngoài việc cắm cờ chúng còn thường  xuyên đắp mô trên Hương Lộ, ngay cả những con đường đất trong Ấp, nhầm mục đích gây hoang mang trong dân.

Mỗi khi phát hiện khu vực bị cắm cờ, tôi thường đem một đơn vị nhỏ đến tháo gỡ, cách thức thường làm nhất của tôi là nhắm bắn từng phát cho lá cờ gẫy đổ rơi xuống đất.
VC thường gài lựu đạn và mìn bẫy dưới lá cờ, và cả gốc cây chung quanh khu vực, tốt nhất là phải bắn thăm dò trước khi bước đến, đây cũng là biện pháp bảo vệ an toàn cho lính và cho dân chúng.   
Âm mưu dành Dân Lấn Đất mà VC đang thực hiện trong thời gian chuẩn bị ký kết
Hiệp Địng Paris, đã bị lực lượng ĐPQ và Nghĩa Quấn dẹp tan.
Tôi chợt nghĩ vào thời điểm năm 2013. Nếu như Việt Nam có một hiệp địng nào tương tự như Hiệp Định Paris 1973. Chấp nhận một giải pháp trái độn, một hình thức da beo. Phía bên nào cắm lá cờ của mình, thì vùng đất đó sẽ được thừa nhận là vùng đất của bên có lá cờ làm biểu tượng. Tôi nghĩ tất cả người dân Việt Nam, sẽ đồng loạt cắm cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, khi đó lá cờ VNCH sẽ tung bay trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Để nói cho Cộng Sản biết rằng.
Nơi đây chính là vùng đất Tự Do.
         Một buổi sáng sớm tôi đang ngồi trên bao cát của bờ thành hút thuốc lá, nhìn làn khói thuốc bay          tỏa vào không gian, một làn gió lành lạnh nhẹ lướt qua, thời tiết tháng 12 trời sẽ lạnh nhiều hơn          vào ban đêm và buổi sáng. Tôi nhìn xa về cuối thôn, những khoảng ruộng đã gặt hái xong, bây            giờ chỉ còn lại những gốc rạ vàng khô, và phía xa kia là những hàng tre xanh thắm, cả một vùng          rộng lớn không một bóng người dân.
Chiến tranh đã cướp mất, sự thanh bình yên ấm của một vùng thôn quê hiền hòa.
Tôi đang suy nghĩ miên man, thì người lính gác cổng chạy vào báo tin.
-Ông thầy có người đẹp đến thăm.
Tôi hỏi ai vậy. Người lính trả lời:
-Em gái hậu phương, ông cứ ra ngoài sẽ biết.
Tôi bước ra ngoài phía cổng.
Thấp thoáng một bóng dáng thôn nữ, tay cầm nón lá đang tiến về phía đơn vị.
Bóng dáng người con gái đi dần về phía cổng, tôi đã nhận ra hình bóng đó là ai. Lan thường mặc bộ áo bà ba, hôm nay nàng mặc một chiếc áo bà ba mầu mạ non, hai bên hông xẻ hơi cao để lộ một làn da trắng mịn, cái quần đen bóng láng, ôm sát đôi mông căng tròn, biểu lộ một sức sống mãnh liệt của tuổi con gái dậy thì. Hôm nay nàng rất đẹp, cái đẹp tự nhiên của một thôn nữ, chen lẫn với cái đẹp xuân thì rất gợi tình, đầy nữ tính của con gái.

Đã gần 2 tháng nay Lan không đến thăm tôi, hôm nay không hẹn trước Lan bất ngờ đến thăm. Cứ mỗi lần đến thăm Lan thường ở lại với tôi vài ngày, và cả hai chúng tôi lại có dịp quấn quít bên nhau.
Tôi đón Lan từ cổng đi vào trong đồn, ngang qua hầm chỉ huy đại đội.
Lan mỉn cười và gật đầu chào mọi người.
Trung úy Phi đang ngồi chơi Domino với 2 Chuẩn úy trung đội trưởng.
Phi vừa nói vừa cười.
-Tối nay thằng Tuấn nó sẽ pháo kích, tụi mình phải chui vô hầm né đạn.
 Mọi người cùng cười.
Tôi và Phi là hai người bạn, chúng tôi quen thân nhau từ những ngày đầu, khi cả hai vữa thuyên chuyển về Tiểu Khu Hậu Nghĩa, và cả hai cùng về Tiểu Đoàn 338, khi ấy BCH Tiểu Đoàn 338,  đang đóng quân tại Chi Khu Đức Huệ. Nằm ngay trong khu vực của nhà máy đường Hiệp Hòa, một nhà máy rất lớn từ thời Pháp để lại, nhưng đã ngưng hoạt động từ lâu.
Tôi đưa Lan vào trong căn hầm trúng ẩn của tôi, vừa bước qua cửa hầm tôi đã vòng tay qua lưng nàng, ôm chặt vòng eo thon gọn và quay người Lan về phía mính, tôi ôm chặt Lan và đặt lên mồi nàng một nụ hôn thật say đắm.
Lan đẩy nhẹ tôi ra và nói:
-Làm gì gấp vậy anh.
Tôi vừa cười vừa trả lời:
-Lính mà em.
Buổi chiều tối hôm đó, chúng tôi có một bữa nhậu thật ngon, một nồi cháo gà do Lan nấu và mấy xị rượu đế loại ngon. Và dĩ nhiên tối hôm đó chúng tôi lại nằm bên nhau như một đêm tân hôn.
Qua câu chuyện tâm tình, Lan cho biết gần hai tháng qua, nàng phải lên Tây Ninh ở nhà người bà con. Vì tình hình chiến sự càng ngày càng gay go hơn. Lan cho tôi biết 3 ngày nữa Lan phải rời xa tôi không biết bao giờ mới gặp lại. Tôi hỏi tại sao nhưng Lan không trả lời câu hỏi. Lan chỉ nói:
-Thôi đừng nhắc đến, chúng ta cứ vui như không có chuyện gì xẩy ra, em sẽ ở lại bên anh 2 ngày, đến ngày thứ 3 thì em phải về nhà.
Trong đêm cuối cùng nằm bên tôi, hình như Lan ôm tôi chặt hơn, nàng đòi hỏi nhiều hơn, như cố níu kéo một điều gì đó sắp tan biến đi. Tôi có một linh tính như, đây là lần cuối chúng tôi được nằm bên nhau.
Tiếng con gà trống nuôi trong đồn cất tiếng gáy vang, hình như nó đã gân cả cổ, để cất lên một tiếng gáy nghe rất oai hùng. Từ những bụi tre xanh thẳm trong thôn xóm, tiếng gà gáy vang vọng đáp lại.
Chúng tôi cùng thức dậy, đun nước sôi pha café. Trời còn mờ sáng, tôi ngồi trên cái thùng đạn pháo binh cũ, đốt một điếu thuốc đầu tiên trong ngày, trên tay là ly café còn bốc khói, lan tỏa một hương vị thơm phức, mặc dù đây chỉ là loại café hạng bét.
Lan nhìn tôi, rồi lên tiếng:
-Hôm nay em phải về nhà vì tối mai. Nàng bỏ lửng câu nói.
Tôi vội hỏi:
-Tối mai làm sao?
Lan bưng ly café bước đến ngồi cạnh bên tôi, nàng ngồi im lặng nhìn xa xăm, một lúc sau Lan nói thật khẽ vào tai tôi:
-Tối mai ba em cho người về nhà bắt em phải ra mật khu. Em không muốn, nhất là em không muốn xa anh, nhưng cả gia đình em đếu muốn như vậy.
Nghe đến đây tôi thật bàng hoàng, tự nhiện nỗi buồn lại chợt đến.
Nhà Lan không đâu xa, chỉ cách nơi tôi và Lan đang ngồi vài thửa ruộng. Tôi nhớ lại những ngày đầu chúng tôi mới quen nhau. Một buổi sáng tôi cùng đơn vị, sau một đêm đi phục kích, trên đường trở về đồn, chúng tôi dừng chân bên Hương Lộ, nơi đây dân địa phương gọi là Quán Đôi, bởi vì tại ngã 4 này có hai quan lợp tôn nằm gần nhau, cả hai đều bán tạp hóa và dĩ nhiên có bán rượu đế, beer, nước giải khát và café .
Tôi đang ngồi hút thuốc uống café bên trong quán, thi một chiếc xe lôi (loại xe Honda, hay xe đạp, có kéo theo một cái thùng xe phía sau, có thể chở được nhiếu người) Chiếc xe lôi dừng lại trước quán, cho vài người bước xuống xe, trong đó có bóng dáng một thiếu nữ, mặc bộ bà ba mầu xanh da trời, nhìn thoáng qua tôi đã nhận ra một cô thôn nữ còn quá trẻ, đang ở tuổi dậy thì, đôi tám trăng tròn. Dáng người hơi thấp, mái tóc đen óng xõa ngang vai, thân hình đẫy đà cân đối, nét mặt thật tươi với ánh mắt trong sáng và nụ cười luôn nở trên môi. Cô gái bước vào quán, một vài người lính trầm trồ nhìn theo, cô gái hình như quá quen thuộc với chủ quán, nên hai người nói chuyện với nhau.
Tôi đưa mắt nhìn Tư người lính mang máy truyền tin ngồi cạnh tôi, ngụ ý như hỏi ai đó?
Tư cho tôi biết đó lá cô Lan, nhà ở gần đồn của mình, Tư còn nói nhỏ với tôi.
-Cô Lan chưa có thẻ căn cước nghe ông thầy
Tôi hỏi:
-Nghĩa là sao Tư.
Tư cười nhìn tôi rồi trả lời, cổ mới 16 tuổi, chưa đến 18 làm sao có căn cước.
Tôi chợt hiểu ý ghĩa mà Tư muốn nhắc cho tôi biết, nên thận trọng.
Tôi vừa nhìn về phía Lan thì bất chợt Lan cũng đang nhìn tôi.

Tôi mỉm cười và gật đầu chào. Cô gái bẽn lẽn quay đi nơi khác.
Kể từ hôm đó mỗi lần có dịp ghé Quán Đôi, tôi thường hỏi thăm về Lan.
Rồi từ đó chúng tôi quen nhau. Tôi đến với Lan thật tình cờ và Lan đã đón nhận tình yêu này cũng thật tình cờ. Như một tiếng xét ái tình, hay một trận cuồng phong của dục vọng mà cả hai đều trong giai đoạn hưng phấn nhất của tuổi trẻ.
Em là bóng đổ chiều rơi
Là chai rượu cạn chơi vơi lối về.
Tôi đã đến với Lan thật nhẹ nhàng, như một cơn say đầy cảm hứng vào một buổi chiều mưa, tại một vùng thôn quê thật thanh bình.
Tôi đang suy nghĩ miên man về những ngày đầu mới quen biết Lan.
Lan đứng lên cầm lấy chiếc nón lá và nói:
-Thôi em phải đi về.
Tôi chợt giật mình nhìn Lan. Tôi cầm lấy tay Lan, như muốn níu kéo, như muốn cố giữ lấy một cái gì đó sắp tuột khỏi tầm tay.
Tôi đưa Lan ra cổng. Bóng Lan đi, mờ khuất dần như tan biến vào hàng tre xanh thẫm cuối thôn.
Tình hình hành quân lại sôi động, những tin tức VC đắp mô, cắm cờ đang liên tục xẩy ra. Càng về cuối năm Cộng quân lại càng đẩy mạnh chiến dịch Dành Dân Lấn Đất mạnh mẽ hơn. Hôm nay Đại Đội tôi nhận lệnh từ BCH Tiểu Đoàn cho biết, theo như tin tình báo của Chi Khu. Đêm nay sẽ có khoảng một trung đội Chính quy của VC, sẽ phối hợp với du kích địa phương, về hoạt động trên Hương Lộ, rất gần với vị trí Quán Đôi. Chúng sẽ đào đường đắp mô và cắm cờ, mục đích ngăn chận giao thông trên con đường huyết mạch này, đó là Hương Lộ nối liền từ Đức Hòa với quận lỵ Hốc Môn. Chúng muốn tạo  tiếng vang trong dân.
Đêm nay, tất cả Đại Đội sẽ hành quân từ đồn Bình Thủy tiến về vị trí Quán Đôi , bố trí nằm phục kích trên đoạn đường này. Chúng tôi chỉ để một trung đội ở lại giữ đồn, cùng với khẩu súng cối 60 ly và khẩu đại liên M60.
Trời vừa chạng vạng tối đại đội chia làm 3 cánh quân tiến về hướng Quán Đôi.
Chúng tôi cố gắng di chuyển một cách bí mật, nhưng tôi tin chắc, không thể nào qua được mắt người dân và nhất là bọn nằm vùng. Bọn du kích địa phương biết chắc là đêm nay, ở quanh khu vực đồn Bình Thủy sẽ không còn người lính nào. Có nghĩa là bọn du kích đã nắm vững được tình hình trong đêm nay.
Khi ra đến vị trí phục kích nằm dọc theo Hương Lộ (con đường từ Đức Hòa chạy về Quận Hốc Môn) . Chúng tôi vừa ngồi nép mình vào một bụi tre bên vệ đường.
Bảy Lì đem ra một bi-đông rượu đế, rót một ly. Bảy vừa nói vừa đưa cho tôi.
-Uống một ly cho ấm bụng ông thầy ơi!
Tôi nhìn Bảy nói:
-Mày lúc nào cũng rượu.
Nói vậy nhưng tôi cũng cầm ly rượu uống một hơi. Chất rượu hình như đã làm dòng máu trong tôi bừng cháy lên, tôi và Bảy Lì cùng với Tư truyền tin, người mang máy cho tôi đêm nay, cả 3 chúng tôi uống thêm vài ly rượu.
Tôi chợt nhớ đến Lan, người bạn gái đã đến và thông báo cho tôi biết.
Đêm nay VC, sẽ cho người về bắt Lan đem ra vùng mật khu. Họ bắt Lan phải từ bỏ vùng đất tự do. Mặc dù Lan không thích.
Tôi nghĩ tại sao mình lại hèn nhát, không dám đứng ra ngăn chận hành động này. Tại sao những người lính Quốc Gia, lại không dám đương đầu với Cộng Sản, để dành lại những người dân yêu chuộng tự do.
Tôi càng nghĩ đến điều này, thì dòng máu nóng của một sĩ quan, dòng máu hào hùng của một Thiếu Sinh Quân trong QLVNCH, càng sôi sục bởi ngọn lửa căm hờn.
Không cho phép tôi hèn nhát, tôi phải làm một điều gì đó để ngăn chận hành động này của VC, không cho phép họ bước chân đến vùng đất Tự Do, để dành dân lấn đất.
Tôi đứng dậy hỏi:
-Ê hai đứa có chịu chơi không, cùng đi với anh trở về nhà cô Lan.
Bảy Lì nói:
-Sợ gì ai.
-Tôi sẽ đi với ông
Cả Tư cũng lên tiếng.
Từ suy nghĩ này, tôi đã trình bày hết mọi sự việc cho Trung Úy Phi.
Tôi không ngờ là Phi đã đồng ý với kế hoạch này của tôi. Phi hứa với tôi là sẽ yểm trợ hết mình nếu có gì xẩy ra.
Kế hoạch của tôi rất táo bạo, tôi sẽ về lại nhà Lan. Nghĩa là tôi phải lội bộ hơn 3 cây số, đi trong đêm nay để trở lại gần đồn Bình Thủy.
Cùng đi với tôi chỉ có hai người lính. Tư mang máy truyền tin và Bảy Lì, cả hai người lính này đều gan dạ và liều lĩnh.
Tôi căn dặn cả hai đứa, mang thêm lựu đạn và thêm băng đạn M.16.
Tôi cũng mang theo cây súng M16 ngoài cây súng Cold 45 lúc nào cũng mang bên hông
Tôi kiểm tra lại hệ thống truyền tin, liên lạc với BCH và Trung đội trừ bị đang phòng thủ trong đồn.
Ánh trăng khuyết, đang tỏa sáng mập mờ trong đêm. Ba người chúng tôi hiên ngang tiến bước, len lỏi trong các bụi tre trong thôn. Tiếng chó sủa nối tiếp nhau vì bóng dáng chúng tôi xuất hiện trong đêm.
Trời càng về đêm ánh trăng càng tỏa sáng hơn, mặc dù đêm này không phải ngày trăng rằm, nhưng ánh sáng của nó cũng đủ soi rọi một vùng thôn dã, đang chìm lắng trong giấc ngủ bình yên.
Tôi liên lạc trung đội trưởng ở trong đồn, thông báo cho Chuẩn úy Hào biết, 3 người chúng tôi đang tiến gần vế hướng đồn và gần nhà cô Lan.
Chuẩn úy Hào trả lời:
-Anh yên tâm tụi này sẵn sàng yểm trợ khi cần.
Tôi nhắc lại:
-Anh biết vị trí nhà cô Lan.
Hào trả lời tôi:
-Mọi người đều biết 5/5.
Bảy Lì vẫn lầm lũi, tay cầm khẩu M16 đi trước, tôi và Tư theo sát phía sau.
Đôi lúc 3 người chúng tôi, phải chui qua những bụi tre rậm rạp, mà tàn lá của nó đã che khuất cả ánh trăng, tạo thành một khoảng tối không nhìn thấy gì. Tôi chợt nghĩ nếu ngay lúc này. VC tấn công thì chúng tôi không thể nào trở tay kịp.
Chúng tôi vừa đến vuông tre trong khu đất nhà Lan.
Tôi ra hiệu dừng lại, nói nhỏ với Bảy:
-Em quan sát thật kỹ trước khi đột nhập vào trong. Coi chừng tụi nó đã có mặt bên trong nhà.
Nhà của Lan, là một căn nhà mái ngói lâu đời. Nằm giữa một vuông dất hơi cao hơn những thửa ruộng quanh nhà.
Chung quanh vuông đất, trồng cây tre làm hàng rào, những bụi tre già này, đã mọc ở đây từ bao đời, nên gốc tre rất lớn và rất rậm rạp. Nó tạo thành một bức tường thành bằng tre khà vững chắc.
Bên hông nhà là cổng ra vào, đi thẳng ra là mấy thửa ruộng khô, Phía bên phải lối ra vào   là một cây rơm lớn, và một chuồng trâu. Phía sau nhà là chuồng heo và gà, vịt.
Tôi ra lệnh cho Bảy ra phía cổng, đứng ở vị trí đó quan sát và canh gác.
Tôi nói với Tư truyền tin án ngữ phía sau. Còn tôi sẽ vào trong nhà.
Từ phía sau bước vào trong nhà, ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, cũng đủ soi sáng cảnh vật trong phòng. Sự xuất hiện bất ngờ của tôi, đã làm cho hai Mẹ con Lan thật sự hốt hoảng.  Chỉ một thoáng qua Lan nhận ra tôi, nàng nở một nụ cười và trong ánh mắt của Lan, tôi đã nhận ra một niềm vui bất ngờ. Riêng bà Má của Lan, bà đang tròn xoe đôi mắt nhìn tôi, với ánh mắt thật sự hốt hoảng và đầy lo sợ, bởi vì hơn ai hết, bà đã biết chỉ một thoáng chốc nữa thôi. Chồng bà hay con trai của bà sẽ trở về, gia đình bà sẽ tràn ngập niềm vui đoàn tụ, bà sẽ thật sự hạnh phúc.
Bà không ngờ rằng làm sao tôi có thể biết được tin tức này, để rồi xuất hiện đúng vào giờ phút này. Bà cũng không thể biết được, chính cô con gái của bà, đã thông báo cho tôi. Bà rất lo sợ, vì Bà biết chắc rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi.
Một trận chiến sẽ nổ ra ngay tại nơi đây, máu sẽ tuôn chảy trong căn nhà này, dòng máu đó không biết là của bên nào. Có thể là của người Chồng hay con Trai của bà, hay dòng máu này là của chính tôi.
Bà ngồi sững sờ trên bộ ván gỗ, bộ ván có một bề dầy, gần cả gang tay, bộ ván này cũng chính là nắp căn hầm trú ẩn của gia đình. Ở vùng này mỗi nhà dân đều có một căn hầm trú bom đạn. Bà ngồi trên bộ ván, hai chân buông thòng xuống trước cửa hầm, như một tư thế sẵn sàng chui xuống hầm bất cứ lúc nào.
Tôi lên tiếng chào Bà, với lời hỏi thăm, coi như không có truyện gì xẩy ra.
Bà không trả lời, vẫn im lặng nhìn tôi, và nhìn chung quanh như quan sát xem, tôi đến đây với bao nhiêu người lính. Tôi nghĩ chắc là bà rất ngạc nhiên, vì không thấy người lính nào ngoài tôi, tôi mặc kệ Bà với những âu lo riêng tư.
Tôi và Lan bược ra trước cửa chính, chúng tôi ngồi trên bực thềm nhà.
Lan khẽ nói:
-Sao anh liều quá vậy.
Tôi mỉm cười trả lời:
-Anh không sợ, vì dù sao cũng có em bên cạnh.
Mặt trăng đêm nay chỉ là vầng trăng khuyết trên bầu trời, nhưng ánh trăng cũng đủ soi sáng cảnh vật.
Tôi nhìn Lan, nàng ngồi dựa sát bên vai tôi.
Tôi nói với Lan:
-Phải chi đừng có chiến tranh.
Nhũng buổi tối trăng sáng như thế này chắc là vui lắm. Những đôi tình nhân, có thể đi dạo dưới ánh trăng thật đẹp, và thật nên thơ như đêm nay.
Bất ngờ một tràng đạn M.16 nổ vang, xé tan màn đêm yên tĩnh.
Tiếp theo là một loạt đạn AK.47. Tiếng súng nổ vang trời.
Lan băng mình qua cửa ra vào, chui ngay xuống hầm trú ẩn cùng với bà Mẹ.
Tôi vụt đứng lên, nấp bên cây cột nhà.
Tôi đưa khẩu M.16 về hướng bụi tre, bắn một tràng đạn, yểm trợ cho Bảy.
Tôi nhìn thấy Bảy chạy về hướng tôi. Bảy nói thật nhanh:
-Tôi bị thương rồi.
Tôi nói:
- Đưa súng đây Bảy, chạy rút về đồn ngay.
Bảy phóng mình qua bụi tre, chạy trên thửa ruộng khô phí sau, vế hướng đồn.
Tôi cầm hai khẩu M.16 kẹp vào hai bên hông, lia một tràng đạn về phía cổng.
Tôi vừa bắn vừa rút lui. Lúc đó Tư truyền tin cũng theo sát bên tôi.
Cả hai chúng tôi cùng chui qua bụi tre phóng ra phía thửa ruộng khô.
Tôi và Tư chạy băng qua một thửa ruộng, phóng người qua một bờ ruộng khá cao.
Tôi và Tư truyền tin nằm lại, tiếp tục bắn yểm trợ cho Bảy rút về đồn.
Một loạt đạn AK.47 bắn về hướng chúng tôi.
Tôi cầm ống nghe truyền tin, thông báo cho BCH Đại Đội là tôi đang chạm địch.
Tôi ra lệnh cho khẩu súng cối 60 ly, trong đồn bắn cho tôi vài trái sáng.
Đồng thời ra lệnh cho khẩu Đại Liên trong đồn bắn một tràng về phía bưng.
Cánh dù hỏa châu của súng cối vừa bung ra, ánh sáng soi rõ mọi cảnh vật.
Tôi không thấy bóng dáng một tên VC nào.
Tôi bắn thêm vài tràng đạn về hướng bụi tre nhà Lan.
Tôi và Tư truyền tin rút quân về đến đồn.
Trong lúc vừa chạy, tôi vừa phải trả lời những câu hỏi liên tiếp từ BCH Đại Đội và
BCH Chi Khu Đức Hòa. Tất cả đã vào chung một tần số liên lạc với tôi.
Tôi thông báo là không cần tăng viện, chúng tôi đã rút về đồn an toàn.
Trung úy Phi có ý định xin lệnh Chi Khu, cho rút quân vế yểm trợ, nhưng tôi trả lời là không cần, vì chúng tôi đã vào trong đồn an toàn.
Do đó Đại Đội 3/338 vẫn nằm im tại vị trí phục kích.
Tôi xin pháo binh Chi Khu, bắn yểm trợ cho tôi vài trái hỏa châu.
Bảy Lì đã chạy về đồn trước tôi, Bảy đang được Y Tá Hội băng bó vết thương.
Một viên đạn AK47 đã xuyên qua bàn chân của Bảy Lì, vết thương đã được cầm máu
và băng bó.
Tôi hỏi Bảy:
-Có sao không?
Bảy rít một hơi thuốc lá, vừa cười vừa nói:
-Không sao đâu ông thầy. Sáng mai em đi bệnh viện là ổn thôi. Tôi nghe Bảy nói như vậy thì cũng yên tâm. 
Tôi trình bày qua tình hình địch, và đề nghị pháo binh Chi Khu bắn chận, vài trái
105 ly, loại đạn nổ chụp về hướng bưng Mũi Lớn. Vì tôi nghi ngờ là VC sẽ rút quân chạy vế hướng này.
Hai trái hỏa châu 105 ly của pháo binh Chi Khu vừa thắp sáng trên khu vực đồn.
Chúng tôi có thể quan sát rất rõ tình hình địch quân, tất cả rất im lìm không một động tĩnh nào. Tôi nghe từ hưởng bưng tiếng nổ của pháo 105 ly vọng về.
Trời sáng dần, tiếng con gà trống nuôi trong đồn lại gân cổ gay một tiếng rất hùng dũng.
Xa xa từ những rặng tre già trong thôn, tiếng gà gáy vang lên nối tiếp nhau.
Một làn sương mù, xuống thấp là đà trên mặt ruộng khô, làn gió hơi lạnh thổi về, thời tiết vào những ngày cuối năm, cũng khá lạnh vào buổi sáng sớm. Tôi khoác thêm một chiếc áo trận, châm lửa đốt điếu thuốc RuBy quân tiếp vụ, một làn khói thơm phức lan tỏa vào không gian.
Trung sĩ Hội, ý tá đại đội, lấy xe Honda 67, chở Bảy Lì vô bệnh viện.
Sau này Bảy đã tường thuật lại đầu đuôi câu truyện cho tôi nghe.
Bảy nói:
-Em đứng núp trong bóng tối của bụi tre ngay cổng ra vào. Từ trong bóng tối em quan sát phía ngoài rất rõ, trên tay là khẩu M16, choàng dây ngang vai, mũi súng luôn hướng vế trươc, và ngón tay luôn đặt trên có súng.
Không ngờ VC, nó di chuyển rất êm, nó cũng men theo khoảng tối dọc theo bụi tre.
Bất ngờ VC xuất hiện ngay trước mặt, một phản ứng tự nhiên là bóp cò súng.
Tên VC cũng bóp có súng, nhưng rất may, là mũi súng của nó đang chúi xuống đất.
Cả hai làn đạn đều bắn ra cùng một lúc.
Tên VC này chắc đã lãnh đủ những viên đạn M.16 gim vào người. Còn Bảy Lì, bị đạn AK47 gim vào chân.  
Tôi đã hiểu tại sao, toán du kích này khi đến nhà Lan, họ lại thiếu đi cảnh giác. Bởi vì họ đã tin vào tình hình khu vực, chính họ cũng nhìn thấy tất cả đại đội của tôi đã đi xa.
Họ yên trí rằng, không còn một người lính nào trong khu vực này.
Họ không thể hiểu được, chính tôi là một yếu tố bất ngờ, đã đem họ đến một tình huống bất lợi. Họ đã không thực hiện đươc ý định ban đầu, mà còn nếm thêm mùi thất bại.
Theo tin tình báo của Chi Khu, đơn vị du kích này đã bị tổn thất nặng. Một chết tại chỗ đươc đồng bọn mang đi, một chết trên đường rút lui và một số bị thương, có thể do đạn pháo binh của Chi Khu bắn nổ chụp.
Sau này tôi còn biết thêm chi tiết nữa: Căn nhà ngói cổ của gia đình Lan, đã không bị thiệt hại nào, do cả hai phía tham chiến đều không muốn gây ra.
Vài tháng sau đó BCH/Tiểu Đoàn thuyên chuyển tôi về đóng quân tại Chi Khu Đức Huệ. Trong thời gian này, tôi nhận được tin Lan đã theo gia đình vào mật khu.

         Hiệp Định Paris đã được ký kết vào tháng 1 năm 1973. Mấy tháng đầu tình hình chiến sự có vẻ          lắng động đôi chút. Nhưng sau đó bản Hiếp Định này gần như đã bị xé bỏ, tình hình chiến sự              càng ngày càng gay go hơn.
Tôi đã được BCH Tiểu Đoàn 338/ ĐPQ. Thuyên chuyển về làm Đại Đội trưởng ĐĐ.4/338. Bảo vệ vòng đai cho Chi Khu Đức Huệ. ĐĐ.4 do tôi chỉ huy, đóng quân tại một tiền đồn hẻo lánh, nằm về phía bên kia sông Vàm Cỏ Đông, một vùng đất hoang vu không một bóng người.

Hết.

     
Hậu Nghĩa


                                              
       Tôi viết câu chuyện ngắn này, như một kỷ niệm khó quên trong đời lính.
Một người lính Địa Phương Quân. Không phải là những đơn vị hào hùng trong QLVNCH. Tuy nhiên người lính ĐPQ, luôn gắn bó rất chân tình với người dân.

Trăm năm trong cõi vô thường.
Ta ngồi viết lại đoạn trường vô thanh.
Cho người chiến sĩ vô danh
Bước vào huyền thoại, hóa thành vĩ nhân.
Vòng quay Nhật, Nguyệt xoay vần.
Ta đem viết lại, bao thân phận người.

Tôi xin mượn ý tưởng của bài thơ này, để nói lên ý nghĩa vô thường của đời sống. Đời nhà binh sớm họp tối tan. Chiến tranh thật là vô nghĩa, chỉ vì những chủ thuyết lệch lạc, vô thần mà Cộng Sản đã đem đến, gây chia rẽ, huynh đệ tương tàn, cho dân tộc Việt Nam. Có biết bao chiến sĩ vô danh, họ đã phải hy sinh, để rồi họ bị quên lãng, không để lại một âm vang nào trong chiến sử. Đây chính là đoạn trường vô thanh, không ngôn từ diễn đạt. Tôi muốn cùng các bạn, chúng ta hãy viết ra những cảm nghĩ của mình, để đem người chiến sĩ vô danh, vào trong huyền thoại của lịch sử. Cho những thế hệ mai sau, còn tìm lại niềm tự hào của người lính QLVNCH.

CTSQ. Lê Tuấn.

                  
                                       AET. Lê Tuấn ĐĐ/Trưởng/ĐĐ 4/TĐ 338 ĐPQ/Hậu Nghĩa                 

                                                                             Mùa hè đỏ lửa 1972

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét