Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Huynh đệ chi binh


HUYNH ĐỆ CHI BINH



Nguợc về thời gian trước năm 1975. Khi chính quyền VNCH còn làm chủ vận mệnh đất nước dưới lá cớ vàng ba sọc đỏ còn tung bay trên bầu trời trong xanh của Miền Nam tự do. Ngoài chiến trường Quân lực VNCH vẫn làm chủ mọi tình hình chiến sự, vẫn bảo vệ từng tấc đất trước làn xóng xâm lăng của Cộng quân.
Người lính chiến xa nhà với cái radio bé nhỏ mang theo, bật hết volume để nghe đài phát thanh Quân Đội, qua chương trình “Binh Méo – Cai Tròn” một chương trình phát thanh thật vui nhộn, nhưng luôn luôn đề cao tinh thần Huyn Đệ Chi Binh.
Mở đầu cho tiết mục này đó là bài hát “Huynh đệ chi binh” của nhạc sĩ Anh Bằng.
-Huynh đệ chi binh là gì đó anh hai ?
Một câu hỏi được đặt ra, rồi những câu trả lời tiếp theo.
-Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình.
-Từ người Đơ zem cùi bắp rồi thì đi lên Đại tương đều là huynh đệ chi binh.
-Lúc sướng co nhau là HĐCB
-Lúc khó có nhau là HĐCB.
Ý tưởng này không phải dừng lại ở mức độ sướng và khổ, mà nó còn đi xa hơn nữa cho đến tận cùng sự sống chết của người chiến sĩ đó là sự hy sinh ngoài chiến trường.
-Lúc sống có nhau là HĐCB
-Lúc chết có nhau là HĐCB.
Sự sống chết luôn cận kề với người lính nơi chiến trường, tôi đã chứng kiến rất nhiều những trường hợp, những bối cảnh xẩy ra trong lúc giao tranh với địch quân, những người lính gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, họ đã thật sự hy sinh cho nhau tại mặt trận, người lính chiến đã quên đi sự nguy hiểm của chính bản thân mình, nhào người lên phòng tuyến phía trước, vượt qua những lằn đạn của địch quân để giải vây cho đồng đội, đôi khi họ đã phải hy sinh chính sương máu của mình hay nhận lấy những thương tích trên da thịt, nhưng họ đã không màng nghĩ đến vấn đề này, bởi vì tình “Huynh Đệ Chi Binh” qúa vĩ đại nó chính là động lực gắn bó những người lính cùng đơn vị liên kết với nhau như anh em ruột thịt.
Có biết bao những tình huống rất cảm động rất thật đã xẩy ra trong chiến tranh, tình huynh đệ chi binh được đặt lên hàng đầu bởi vì tính thiên liêng và sự vĩ đại, nó đã hiện diện trong đời lính bất kể ở bên chiến tuyến nào, hay thuộc quân đội của quốc gia nào. Huynh đệ chi binh chính là tinh thần của quân đội và chỉ có đời lính chiến mới thể hiện hết được tính chất của tình cảm thiêng liêng và cao thượng này. Trong chiến tranh càng khốc liệt bao nhiêu thì tình huynh đệ chi binh càng cao cả bấy nhiêu, bởi vì huynh đệ chi binh là một tình cảm tự nhiên, nó tự sinh trưởng và nẩy mầm trong tâm trí của mọi người lính chiến, nó trở nên thân thiết và gắn bó với nhau, sự gắn bó này sẽ được cộng hưởng thêm lên đối với những người bạn ở cùng chung một tiểu đội hay một đơn vị.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là một quân đội chính quy, quân đội này đã được thành lập theo tiêu chuẩn quốc tế, bởi vì lịch sử của QLVNCH được bắt đầu bởi hai cường quốc số một thế giới đó là Nuớc Phát “French”  và Hoa Kỳ “USA”. Một ưu điểm mà ít ai để ý đến:
QLVNCH chúng ta đã thừa hưởng một nền văn minh qúa lớn của hai cường quốc Pháp và Hoa Kỳ. QLVNCH có đầy đủ các quân binh chủng “ Hải - Lục – Không Quân “ ngoài ra chúng ta còn sáng tạo thêm những binh chủng đặc biệt cho phù hợp với tình huống của chiến trường như:
Biệt Động Quân - Nhảy Dù - Thủy quân lục chiến - Thiết giáp - Lực Lượng Đặc Biệt - Biệt Kích Dù – Lôi Hổ - Người Nhái - Địa Phương Quân , Nghĩa Quân và còn nhiều nữa…. ngoài ra chúng ta còn thành lập những đơn vị bán quân sự như: Lực Luơng Cảnh Sát Quốc Gia – Xây Dựng Nông Thôn vân vân.
Hầu hết quân nhân các cấp đều được đào tạo từ những quân trường theo tiêu chuẩn quốc tế như: Trung tâm huấn luyện Quang Trung - Hạ sĩ Quan Đồng Đế - Sĩ Quan Thủ Đức - Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt – Không Quân - Hải Quân - Chiến Tranh Chính Trị - Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát -Trường Thiếu Sinh Quân. Và còn nhiều nữa.
Mỗi trung tâm huấn luyện chúng ta đều trải nghiệm qua tình đồng đội đó chính là HĐCB.
Mỗi binh chủng chúng ta đều thể hiện một tinh thần đồng đội đó cũng là HĐCB.
Bởi  vì: Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình.



Sau ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975. Anh em chúng ta những người lính QLVNCH chúng ta đã bị bức tử bởi bàn cờ chính trị, miền Nam VN đã rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, cả một quân đội đã bị phân rã, một số lớn thành phần sĩ quan”những người lính ưu tú của quân lực đã phải vào tù, đã phải lưu đầy biệt xứ” một số ít chạy thoát ra hải ngoại. Tình HĐCB đã bị quên lãng theo thời gian, cho đến khi chúng ta bắt đầu hội tụ lại trên vùng đất tự do, điển hình nhất là tại Hoa Kỳ, chúng ta bắt đầu tổ chức lại thành hội đoàn, chúng ta bắt đầu thành lập Hội để gợi nhớ lại những binh chủng từng vang bóng một thời, hay để gợi nhớ lại quân trường xưa nơi chúng ta đã từng thụ huấn. Cũng bắt đầu từ đó Tình Huynh Đệ Chi Binh như đang  hồi sinh trở lại, tình cảm thiêng liêng này lại có dịp len lỏi vào tâm hồn chúng ta (Những người lính chưa có lệnh giải ngũ)
Mỗi lần chúng ta tham dự họp mặt, gặp lại những người bạn cùng khoá, cùng lớp, cùng đơn vị và ngày nay chúng ta còn có thêm một điểm đồng thuận nữa đó là cùng chung một trại tù, cùng ở chung với nhau trong trại tù cải tạo (đây cũng là một loại tình cảm rất đặc biệt và đôi khi rất mật thiết không thua gì tình HĐCB)  
Thật tình cờ tôi có đọc qua một bài viết ngắn của anh Tôn Thất Đàn, anh kể lại một sự kiện chính anh đã chứng kiến một biểu tượng của tình Huynh đệ chi binh và anh đã viết:

“Thế rồi trong một lần tham dự ngày “Diễn hành văn hóa quốc tế” 2012 tại New York  do “Cộng Đồng người Việt Quốc gia” tổ chức, tôi đã mục kích một cảnh rất cảm động giữa hai người cựu TSQ gặp nhau trên Đại lộ 5 của thành phố hoa lệ Nữu Ước. Đó là một cựu TSQ già tàn phế ngồi trên chiếc xe lăn, trên ngực mang phù hiệu TSQ, đang lăn theo đoàn diễn hành. Trong lúc đó có một cựu TSQ khác cũng mang phù hiệu TSQ trường Mẹ Vũng Tàu, hai người  không quen biết nhau, thế mà  khi  nhận ra nhau qua phù hiệu TSQ thôi, anh bạn kia đã chạy đến ôm chầm cả người lẫn xe lăn của ông ta mà khóc trong sự vui mừng, mặc dầu hai người không cùng một lớp, không chung một đại đội, chỉ biết xuất thân từ trường  mẹ TSQ/VN thì đó là anh em một nhà rồi!”
Tôi cũng được nghe kể lại một câu chuyện như sau, trong một nhóm người vượt biên bằng đường bộ đi từ Tây Ninh VN qua biên giới Miên (Kampuchia) nhóm người này dự định vượt qua biên giới Thái Lan thì không may bị lính Khờ Me Đỏ (thời Ponpot) bắt giữ khoảng 4 người VN trong đó có một người  Việt đeo một phù hiệu AET (trường TSQ) trên ngực áo, thật bất ngờ từ trong nhóm lính Khờ Me đỏ có một người dường như anh ta là cấp bậc chỉ huy tiến đến bên nhóm người Việt mới bị bắt, anh ta nhìn một cách chăm chú vào phù hiệu AET đeo trên ngực áo của tù nhân người Việt. 
-Anh ta chỉ vào phù hiệu đeo trên ngực áo tù nhân người Việt, rồi hỏi một cách rất cộc lốc AET.
-Tù nhân Việt gật đầu.
-Đi theo tôi người lính Khờ Me đỏ ra lệnh
-Hai người đi đến một chỗ khuất, người lính Khờ Me dừng lại, một lời nói có vẻ thân thiện hơn phát ra từ bộ mặt lạnh lùng của người lính Khờ Me đỏ.
-Anh xem này, người lính Khờ Me vừa nói vừa mở ngực áo ra, trên ngực anh có xâm một biểu tượng đó là phù hiệu AET. Anh ta vỗ vai người tù Việt và nói
-Anh trốn ngay đi, nếu không sẽ bị bắn chết.
Người tù Việt Nam vội bỏ trốn trong nỗi sợ hãi mà quên cả lời cám ơn.
Họ là hai kẻ hoàn toàn xa lạ không hề quen biết nhau và chắc chắn chưa một lần gặp gỡ, thế nhưng điều gí đã gắn bó họ với nhau, đó chính là tình (Huynh Đệ Chi Binh) họ đã nhận ra nhau qua phù hiện AET, một phù hiệu trường Thiếu Sinh Quân của người Pháp, nhưng nó cũng chính là phù hiệu mang tính chất Quốc tế cho toàn thể anh em  cựu TSQ trên toàn thế giới nhận ra nhau.


Người viết bài này không có ý định so sánh hay đo lường mức độ tình cảm HĐCB giữa các quân binh chủng hay các quân trường, bởi vì mỗi tổ chức, mỗi quân trường đều có cái hay cái đẹp riêng biệt, tất cả đều có mặt sấu và mặt tốt, sự đối nghịch giữa cái tốt và cái sấu nó cũng như hai mặt của một đồng tiền, nếu thiếu đi hai mặt thì đồng tiền sẽ trở nên vô giá trị. 
Qua bài viết thật ngắn gọn này tôi nêu ra hai trường hợp tiêu biểu cho tinh thần huynh đệ chi binh, tôi thiết nghĩ trong quân lực VNCH không có một đơn vị nào hay một quân trường nào lại thể hiện tình cảm anh em “huynh đệ chi binh” một cách mạnh mẽ và thân tình như anh em cưu TSQ, khi họ gặp nhau ở bất cứ nơi đâu, mặc dù không cùng chung một lớp, một đội hay cùng năm học với nhau, thậm chí có những anh em cựu TSQ dù đã theo học tại các trường TSQ khác nhau, nhưng khi đã nhận ra nhau là một cựu TSQ thì họ đều xem nhau như anh em một nhà.
Tình cảm huynh đệ chi binh của anh em cựu TSQ/VNCH đã trở nên một truyền thống (Traditional) bất khuất, truyền thống này sẽ không bao giời thay đổi.
Trong QLVNCH chúng ta có rất nhiều những truyền thống tốt đẹp, như truyền thống của trường  Võ Bị Thủ Đức – Không Quân -  Hải Quân hay Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và còn nhiều nữa. Tuy nhiên cách thể hiện tình huynh đệ chi binh của các quân trường này mang tính chất cá biệt cho từng khoá hay từng đội, anh em cùng khoá với nhau họ có thể thành lập hội ái hựu riêng để tạo một sự liên hệ trong tình HĐCB, nó không mang tính chất đồng bộ thành một khối như cách thức thể hiện tình cảm của anh em Cựu TSQ.
Đối với anh em CTSQ dù là binh nhì hay Đại Tướng một khi đã xuất thân từ trường TSQ thì đều là anh em, được phân định (niên trưởng) theo năm ra trường, anh em CTSQ luôn luôn chân quý tình cảm thiêng liêng này. Đúng như lời bài hát HĐCB.
-Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình.
-Từ người Đơ zem cùi bắp rồi thì đi lên Đại tương đều là huynh đệ chi binh.

Tôi kết thúc bài viết này ở đây xin gửi đến cùng toàn thể quý vị Cựu chiến sĩ QLVNCH.
Mắc dù chúng ta đã trải qua 40 năm kể từ ngày đau thương 30/4/1975. Chúng ta đã già đi theo năm tháng, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn còn xanh như mầu lá mạ non. Tóc chúng ta đã bạc trắng như vôi, nhưng Tình Huynh Đệ Chi Binh của chúng ta sẽ không bao giờ bạc, khối tình vĩ đại này sẽ trường tồn mãi mãi trong tinh thần đoàn kết của tập thể
Cựu Thiếu Sinh Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Califronia, Mùa đông năm 2014
Trân trọng kính chào

CTSQ Lê Tuấn

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Ăn Chay

Đi nghe buổi thuyết trình về ăn chay

Jérôme Bernard-Pellet là một bác sĩ người Pháp được một hội tâm linh Ấn Độ mời thuyết trình về chủ đề ăn chay tại Hội trường số 104 đường Vaugirard - Paris, ngày 2 tháng 10 năm 2009. Là một bác sĩ và đồng thời cũng là một khoa học gia nghiên cứu về ăn chay, ông được nhiều người biết đến vì sự nhiệt tâm của ông trong các buổi thuyết trình được tổ chức khắp nơi. Ông sẵn sàng đi thuyết giảng bất cứ nơi đâu nếu có một tổ chức nào mời.

image
Bác sĩ Jérôme Bernard-Pellet
Bài viết này không có chủ đích lập lại toàn thể nội dung của buổi nói chuyện vì thật ra những lợi điểm của việc ăn chay đã từng được nhiều sách báo nói đến. Mục đích của người viết khi đi nghe là cố gắng ức đoán xem động cơ nào đã thúc đẩy Bác sĩ J. Bernard-Pellet khuyến khích việc ăn chay, đồng thời để tìm hiểu xem cử tọa đến nghe thuộc tầng lớp nào trong xã hội và họ mong đợi những gì ở buổi thuyết trình?
Trước hết người viết xin tóm lược một vài nét chính trong nội dung của bài thuyết trình và sau đó sẽ tường thuật sơ lược diễn tiến của buổi nói chuyện để làm đề tài suy tư.

1- Sơ lược nội dung buổi thuyết trình

* Định nghĩa về ăn chay

Bác sĩ J. Bernard-Pellet bắt đầu buổi nói chuyện bằng cách định nghĩa thế nào là ăn chay. Theo ông thì ẩm thực của con người gồm có ba loại :

- Ăn tạp (omnivore, omnivorous) : ăn thức ăn có nguồn gốc thực vật và động vật

- Ăn chay (végétarien, végétarisme, vegetarian, vegetarianism)   không ăn « thịt » của bất cứ một động vật nào (bất kể là heo, bò, gà, cá, sò ốc, rắn rết, côn trùng...)

- Ăn toàn chay (végétalien, végétalisme, vegan, veganism) : ăn toàn thực vật, chẳng những không ăn « thịt » của bất cứ động vật nào mà còn tránh hết các thực phẩm có nguồn gốc động vật như sữa, trứng, chất keo gelatin (trong bánh, kẹo...).

* Động cơ thúc đẩy việc ăn chay

Bác sĩ J. Bernard-Pellet liệt kê các động cơ thúc đẩy việc ăn chay như sau :
- Ăn chay vì sự sống của sinh vật : Mỗi năm có khoảng 55 tỉ sinh vật sống trên trái đất bị giết hại để ăn thịt. Cá trong ao hồ, sông ngòi và đại dương bị giết khoảng 1000 tỉ con vừa lớn vừa nhỏ mỗi năm. [Có lẽ cũng cần nhắc thêm là dân số địa cầu gồm khoảng 6 tỉ người].

- Ăn chay vì môi sinh : Chăn nuôi là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm ô nhiễm địa cầu. Một phần tư tổng số khí CO² thải ra trong bầu khí quyển là do gia súc chăn nuôi. Các chất phóng uế của súc vật trên đất và trong nước làm cho địa cầu trở nên ô nhiễm. Chẳng hạn như chất nitrat từ phân của súc vật và cá thải ra từ các nơi chăn nuôi kỹ nghệ đang làm cho các quốc gia Tây phương điên đầu vì không tìm được giải pháp nào hữu hiệu và quy mô để trừ khử.

- Ăn chay để chống lại nạn đói : Ăn thịt là một sự phí phạm lớn lao vì phải cần đến 10 gam chất đạm thực vật mới tạo được 1 gam chất đạm trong thịt cá.

- Ăn chay vì kinh tế và Ăn chay trong mục đích tu tập tinh thần : Bác sĩ J. Bernard-Pellet nêu lên hai lý do này nhưng không giải thích. Ông cho biết là vấn đề kinh tế không thuộc lãnh vực hiểu biết của ông, còn vấn đề tâm linh thì mang tính cách cá nhân.

* Lợi ích của việc ăn chay

image
Có lẽ cũng không cần phải dài dòng về mục này vì phần đông ai cũng biết và hơn nữa đã có nhiều sách vở quảng bá những lợi ích thiết thực của việc ăn chay. Sau đây là một vài lợi ích của ăn chay liên quan đến sức khoẻ do Bác sĩ J. Bernard-Pellet nêu lên :

- Ăn chay làm giảm tỷ lệ tử vong (mortalité) và tỷ lệ mắc bệnh (morbilité) một cách rõ rệt. Tỷ lệ tử vong và mắc bệnh giảm xuống từ 10% đến 15% đối với người ăn chay.

- Cải thiện sự thoải mái và mang lại cảm giác khoan khoái cho người ăn chay.

- Làm chậm lại hiện tượng lão hóa của các tế bào cơ thể.

- Làm giảm xuống từ 20% đến 50% các chứng bệnh sau đây : phì nộm, các bệnh tim-mạch (chứng nhói tim, nhồi máu cơ tim), huyết áp cao, tiểu đường, ung thư, các bệnh về thận, sa sút trí nhớ và giảm trí thông minh (démence), sạn thận, viêm khớp vì phong thấp, bệnh trĩ, ruột thừa...(maladies diverticulaires), bệnh thoát vị của một số cơ quan (hernie)...

* Nên ăn chay như thế nào ?

image
Bác sĩ J. Bernard-Pellet khẳng định là cách ăn chay tốt nhất và lý tưởng nhất là cách ăn toàn chay. Ông nêu lên nhiều kết quả không chối cãi được do các khảo cứu khoa học mang lại liên quan đến sức khoẻ và sự ngăn ngừa và chữa trị đối với nhiều loại bệnh tật. Một số các kết quả ấy có thể liệt kê ra như sau :

- Tăng cường sự miễn dịch (immunité) của cơ thể và nhất là làm gia tăng sự hoạt động hữu hiệu của tuyến tụy hay tụy trạng (còn gọi là lá lách). Các khoa học gia theo dõi một số mẫu người bị bệnh tiểu đường loại 2, tức loại tiểu đường thông thường nhất nơi những người lớn tuôi, số người này chỉ cần ăn toàn chay trong một thời gian ngắn thì tình trạng bệnh lý sẽ được cải thiện một cách nhanh chóng, mặc dù phần lớn bệnh tiểu đường mang tính cách di truyền.

- Các khoa học gia còn quan sát, phân loại và so sánh ảnh hưởng của việc ăn chay tùy theo các nhóm người được đem ra thử nghiệm : nhóm không ăn chay, nhóm ăn chay, nhóm ăn toàn chay..., các nhóm người này còn được phân chia theo tuổi tác, nghề nghiệp, địa lý, chủng tộc, môi trường (sống ở thành thị hay thôn quê)... Thí dụ như ở Mỹ, trẻ con mới tám tuổi đã bị bệnh tiểu đường loại 2 vì ăn quá nhiều bánh mì và thịt bò xay (hamburger), bánh ngọt (trứng, đường, bơ) và uống quá nhiều coca-cola (đường). Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy các mẫu người thuộc nhóm ăn toàn chay có sức khoẻ tốt hơn hết, trong số những người này nếu có ai mang sẵn các chứng bệnh như tiểu đường, áp huyết cao... thì bệnh tình của họ cũng thuyên giảm một cách rõ rệt.

* Các thức ăn chay có thiếu chất đạm (protein) và chất sắt hay không?

image
Theo bác sĩ J. Bernard-Pellet thì người ăn chay ăn nhiều chất đạm (protein) hơn sự cần thiết của cơ thể rất nhiều. Ngay cả súc vật chăn nuôi nói chung cũng hấp thụ chất đạm ba lần nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Chất đạm là các phân tử amino axit kết hợp lại và tạo ra cấu trúc của các tế bào. Thông thường có khoảng 20 loại protein khác nhau trong thực phẩm, nhưng thật sự cơ thể chỉ cần đến 8 loại protein chính. Một phụ nữ cân nặng 50 kg chỉ cần hấp thụ mỗi ngày 40 gam protein là đủ. Các loại protein có thể tìm thấy trong rau đậu và ngũ cốc.

Bác sĩ J. Bernard-Pellet không tiếc lời tán dương phẩm tính của đậu nành. Theo ông thì đậu nành là một thứ thực phẩm rất giàu các loại protein và có khả năng chống lại các độc tố histamin. Đậu nành hàm chứa tất cả tám thứ protéin cần thiết và được xếp vào loại thực phẩm lý tưởng nhất cho người ăn chay, nhất là ăn toàn chay vì đậu nành có thể thay thế sữa và các thực phẩm biến chế từ sữa. Đậu nành ngăn ngừa rất hiệu quả nhiều chứng bệnh mãn tính chẳng hạn như các bệnh ung bướu, nhất là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt... Đậu nành còn làm chắc xương và tránh được bệnh xốp xương của phụ nữ khi mãn kinh...

image
Ngoài các đặc tính ngừa bệnh trên đây nhờ vào các chất protein (36%), gluxit (30%) và lipit (18%) trong hạt đậu khô, thì đậu nành còn chứa nhiều loại hormon có cấu trúc rất gần với hormon oestrogen, tức là loại hormon gây động dục nơi con người. Các nguyên tố này gọi là isoflavon, chúng tác động giống như hormon oestrogen trong việc ngăn ngừa và chữa trị ung thư vú, tử cung, tiền liệt tuyến và đại tràng.

Đối với chất sắt thì Bác sĩ J. Bernard-Pellet cho biết là các loại đậu khô và đậu nành, hạnh nhân... đều chứa chất sắt, các loại rau như cải bắp, rau dền, cải hoa (brocoli)... cũng rất giàu chất sắt.

* Một vài điều cần lưu ý cho người ăn chay :

Theo Bác sĩ J. Bernard-Pellet trên thực tế ăn chay không có trở ngại hay khó khăn gì cả vì ăn chay đơn giản hơn lối ăn tạp rất nhiều. Không cần phải là chuyên gia về ăn chay mới biết cách ăn chay. Tuy nhiên trong phần này Bác sĩ J. Bernard-Pellet cũng nêu lên tất cả các loại thuốc cần thiết bổ khuyết thêm cho người ăn chay cũng như người ăn tạp, chẳng hạn như các loại vitamin B12, vitamin D, Omega-3... Ông cũng nêu lên các tên thuốc liên quan đến các loại vitamin ấy và cho biết cả phân lượng cần thiết, cách dùng v.v. Ông còn cho biết thêm có hai loại thuốc Omega-3 khác nhau, một thứ được bào chế hoàn toàn từ dầu thực vật, một thứ khác lấy từ dầu cá.

* Các vấn đề khó khăn liên hệ đến việc ăn chay :

Các khó khăn chính trong việc ăn chay :
- Thay đổi thói quen của chính mình khi phải chuyển từ lối ăn tạp sang lối ăn chay
- Giải thích với những người chung quanh tại sao mình lại quyết định ăn chay
- Tìm thức ăn chay khi ra khỏi nhà hoặc khi đi xa

Bác sĩ J. Bernard-Pellet còn cho biết qua kinh nghiệm của ông thì số bác sĩ hiểu biết tường tận về ăn chay và ăn toàn chay rất hiếm. Một số lớn các bác sĩ vì không nắm vững về vấn đề ăn chay nên thường hay khuyên mọi người không nên chọn lối ẩm thực này. Bất cứ vấn đề gì không hiểu biết tường tận thì thường làm cho người ta sợ hãi. Y khoa là một ngành học mênh mông vì thế không phải bất cứ vị bác sĩ nào cũng đủ sức hiểu biết tất cả. Các công cuộc khảo cứu y khoa quốc tế đều công nhận những lợi điểm về ăn chay, và sau đây là câu tuyên bố chung của các hiệp hội Hoa kỳ, Gia nã đại và Pháp (APSARES) về dinh dưỡng :

image
“ Các lối ăn chay (kể cả ăn toàn chay) nếu được thực hiện đúng đắn sẽ rất tốt cho sức khoẻ, thích hợp trên phương diện dinh dưỡng và hiệu quả trên phương diện phòng ngừa và trị liệu một số bệnh tật ” (Les régimes végétariens (y compris le végétalisme) menés de façon appropriée sont bons pour la santé, adéquats sur le plan nutritionnel et bénéfiques pour la prévention et le traitement de certaines maladies)
Bác sĩ J. Bernard-Pellet còn cho biết thêm một số các trang trên mạng Internet chỉ dẫn về việc ăn chay, cách nấu ăn các món chay và cách chọn lựa các thực phẩm chay.

* Tóm lược phần kết luận của Bác sĩ J. Bernard-Pellet :

Các dữ kiện và những điều khẳng định do ông nêu lên trong buổi thuyết trình đều được căn cứ vào các tài liệu y khoa quốc tế. Riêng ông thì ngoài các công cuộc khảo cứu, ông còn mổ xẻ hơn 2000 tài liệu khoa học liên quan đến vấn đề ăn chay và một số lớn các tài liệu này được lưu trữ trong Thư viện quốc gia Hoa kỳ về Y khoa, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy các tài liệu ấy trên mạng Internet www.pubmed.org. của thư viện khổng lồ này. Vì thế nếu có ai muốn kiểm chứng những điều ông nói hoặc muốn tìm hiểu thêm về ăn chay thì có thể truy lùng các nguồn tư liệu trên đây.
Tóm lại theo ông thì quan điểm của hiệp hội dinh dưỡng Hoa kỳ về ăn chay là quan điểm có giá trị toàn cầu mà chúng ta có thể tin tưởng được. Công việc nghiên cứu của hiệp hội này rất khoa học và các kết quả mang lại có thể sử dụng như những tài liệu dẫn chứng đứng đắn và hùng hồn nhất.

2- Một vài cảm nghĩ sau khi tham dự buổi thuyết trình

* Diễn tiến của buổi thuyết trình :

Buổi thuyết trình khởi sự lúc 14 giờ 15 phút, cử tọa khoảng 40 người. Con số cử tọa như thế cũng tương đối khá đông so với chủ đề thuyết trình và nhất là buổi nói chuyện do một hội tâm linh ít người biết đến đứng ra tổ chức. Phần lớn người đến nghe thuộc vào lứa tuổi khoảng từ 40 đến 60 và hầu hết là phụ nữ, chiếm khoảng ¾ cử tọa. Những người đến nghe tỏ ra là những người thuộc tầng lớp trung lưu và có trình độ kiến thức khá cao.

Buổi thuyết trình được diễn ra gần như dưới hình thức bàn tròn vì người tham dự đặt nhiều câu hỏi và nêu lên những thắc mắc của mình trong khi Bác sĩ Bernard-Pellet đang thuyết trình. Bầu không khí rất cởi mở, Bác sĩ J. Bernard-Pellet tỏ ra rất kiên nhẫn, từ tốn và trả lời tất cả các câu hỏi mặc dù có nhiều câu khá lạc đề.
Bác sĩ J. Bernard-Pellet chấm dứt phần thuyết vào lúc 15 giờ 45 phút và sau đó thì cử tọa tranh nhau nêu lên đủ mọi thứ câu hỏi. Buổi thuyết trình chấm dứt vào lúc 18 giờ. Bác sĩ J. Bernard-Pellet lúc nào cũng tỏ ra điềm đạm và không nóng nảy, mặc dù buổi thuyết trình kéo dài gần 4 giờ liên tiếp.

* Các chủ đề không được khai triển :

image
Trong số các lý do thúc đẩy việc ăn chay thì Bác sĩ J. Bernard-Pellet có nêu lên hai lý do khá quan trọng nhưng ông lại không khai triển, lý do thứ nhất là ăn chay vì kinh tế và lý do thứ hai là ăn chay vì tu tập tâm linh. Quả thật đây là hai lý do rất tế nhị.
Tại sao kinh tế lại là một lý do liên hệ đến việc ăn chay ? Chúng ta đều hiểu rằng một phần kinh tế của các nước tân tiến ngày nay dựa vào việc chăn nuôi kỹ nghệ và sản xuất thực phẩm biến chế từ gia súc. Hình ảnh người nông dân chăn nuôi với tính cách gia đình trong nông trại của mình là một hình ảnh lỗi thời đối với các nước tân tiến ngày nay. Người nông dân phải sản xuất thật quy mô theo lối kỹ nghệ mới đủ sống. Sự lệ thuộc vào kỹ thuật bắt buộc họ phải vay mượn ngân hàng để trang bị và cải tiến. Nợ nần là một áp lực bắt họ phải liên tục gia tăng sản xuất đưa đến tình trạng dư thừa thực phẩm. Dư thừa làm giá cả hạ thấp, giá cả càng xuống thấp thì người nông dân và các tổ hợp chăn nuôi lại càng phải gia tăng sản xuất nhiều hơn nữa để trả nợ ngân hàng và giữ mức lời tạm gọi là tương xứng với sự đầu tư của họ.

image
Cái vòng luẩn quẩn đó đã nô lệ hóa người nông dân và đồng thời cũng tạo ra một vấn đề nan giải cho các quốc gia tân tiến, vì chính phủ phải trợ cấp thường xuyên cho họ. Trợ cấp chỉ là một giải pháp vá víu, kết quả là người nông dân vẫn tiếp tục biểu tình đòi hỏi chính phủ phải giải quyết sự thua lỗ của họ. Họ kéo nhau lái máy kéo, máy cày nghênh ngang giữa đường phố làm tắc nghẽn lưu thông, hoặc ủi sập các tòa nhà hành chính địa phương, và gần đây họ đã đổ hàng triệu lít sữa ra đường cái, trong ruộng đồng để bày tỏ sự phẫn nộ của họ.

Trong khi đó thì hàng triệu gia súc bị cắt cổ, thọc huyết, hoặc bị bắn vào đầu bằng những súng sáng chế riêng để giết chúng... Chúng giẫy chết trong yên lặng trước khi được đưa vào các dây chuyền xẻ thịt và biến chế thực phẩm. Những con thú bị giết không có một hy vọng nào có thể trốn thoát và cũng không đủ trí thông minh để bày tỏ sự phẫn nộ của mình như những người chăn nuôi chúng. Đấy là chưa kể những khổ đau mà chúng phải gánh chịu do các kỹ thuật chăn nuôi kỹ nghệ ngày nay.

Có thể trên đây là lý do ăn chay vì kinh tế mà Bác sĩ J. Bernard-Pellet đã nêu lên mà ông không giải thích (?). Sự yên lặng của ông có lẽ cũng dễ hiểu vì ăn chay để chống lại một xã hội tiêu thụ và biến cải một nền kinh tế điên rồ chỉ biết dựa vào sự gia tăng sản xuất như một phương tiện sống còn thì quả thật việc ăn chay sẽ là một lý do quá yếu ớt không hội đủ sức mạnh tương xứng.

image
Mặt khác, ăn chay vì lý do tu tập tâm linh lại mang tính cách nội tâm và cá nhân nhiều hơn, và cái lý do đó chỉ có thể phát sinh từ một hạt giống trong lòng mỗi người. Vì thế cũng có thể giải thích phần nào sự yên lặng của Bác sĩ J. Bernard-Pellet, nếu ông mang cái lý do đó để thuyết phục mọi người thì có thể chỉ làm trò cười cho thiên hạ và chưa chắc đã có ai đến dự những buổi thuyết trình của ông. Trong các xã hội Tây phương con người thường bị chi phối bởi sự ích kỷ và những giá trị bên ngoài, mà có rất ít người biết khơi động những xúc cảm từ bi trong lòng mình. Đấy là chưa kể đến ảnh hưởng giáo dục và truyền thống tín ngưỡng lâu đời của họ. Đối với họ, con người là trung tâm của vũ trụ, và sự hiện hữu của tất cả các sinh vật khác chỉ có mục đích phục vụ cho họ mà thôi.

* Nội dung các câu hỏi :

Trong suốt phần trình bày và trong hơn hai giờ thảo luận, không thấy có một câu hỏi nào liên quan đến những động cơ thúc đẩy việc ăn chay khác hơn động cơ tìm kiếm sức khoẻ riêng cho cá nhân mỗi người. Chẳng hạn như các câu hỏi : tôi bị dị ứng bởi loại rau đậu này hay loại rau đậu khác, phải nấu ăn như thế nào để giữ được chất bổ dưỡng trong rau đậu, loại thuốc nào tốt nhất để có thêm chất vôi, phân lượng phải như thế nào, có thể dùng liên tục hay không, uống dư thừa vitamin có hại hay không...v.v. Chưa kể rất nhiều câu hỏi lạc đề hay bên cạnh vấn đề, chẳng hạn như : có nên chích ngừa cúm heo A H1N1 hay không, đậu nành được xếp vào loại rau đậu (légumineux) hay ngũ cốc (céréale)...

image
Tóm lại tất cả các câu hỏi của cử tọa đều hướng vào sự duy trì và cải thiện sức khoẻ của cá nhân mình. Tuy thế bác sĩ J. Bernard-Pellet vẫn trả lời tất cả các câu hỏi ấy một cách rất vui vẻ, tôi hết sức khâm phục sự kiên nhẫn của ông.

Trong khi đó có những thắc mắc trong lòng tôi và biết đâu có thể đấy cũng là những những thắc mắc trong lòng ông nữa, nhưng kể cả ông và tôi không có ai có thể trình bày ra được, vì lý do là những thắc mắc đó rất sâu xa, vượt lên trên cả cái sức khoẻ và sự an lành của cá nhân mỗi người. Tôi mạn phép được ước đoán những thắc mắc trên đây trong lòng của bác sĩ J. Bernard-Pellet dựa vào vào những hoạt động hăng say của ông trong công tác quảng bá việc ăn chay.

* Một câu hỏi thích đáng :

Gần sáu giờ chiều bỗng có một bà khá lớn tuổi nêu lên câu hỏi như sau : « Ông là một bác sĩ, vậy vì lý do gì mà ông ăn chay ? ». Câu hỏi không được rõ ràng lắm, theo tôi hiểu có lẽ bà ấy muốn nói : « Ngoài lý do sức khoẻ như ông vừa trình bày thì còn có lý do nào khác thúc đẩy ông ăn chay ? ». Dù sao thì sau khi nghe câu hỏi ấy, những nét vui vẻ hiện lên trên nét mặt của ông. Hai mắt ông sáng hẳn lên và ông đã trả lời một cách thật trịnh trọng như sau :
«- Bà có biết không, gia đình cha mẹ tôi làm nghề chăn nuôi súc vật để giết thịt. Tôi đã thấy quá nhiều máu chảy và sự đau đớn. Tôi không còn ăn thịt được nữa ».

image
Lúc đó tôi mới đưa tay và xin phát biểu như sau :
- Thưa bác sĩ và tất cả quý vị, có ai trong số quý vị biết Lamartine là người ăn chay hay không ? ».
Tất cả mọi người đều ngạc nhiên trước câu hỏi khá bất ngờ của tôi, họ giữ yên lặng và có vẻ chờ đợi. 

Bổng bác sĩ J. Bernard-Pellet cất lời hỏi tôi :
- Có phải ông muốn nói đến thi sĩ Lamartine hay không ?
- Đúng như thế, đó là văn sĩ và thi hào Lamartine thuộc cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Có một lần khi ông còn bé, mẹ ông đã dắt ông ra phố và khi hai mẹ con đi ngang một lò sát sinh, ông thấy những người đồ tể hai tay đầy máu đang giết những con vật trong nhà, máu me chảy ra lênh láng tận ngoài sân. Hình ảnh đó đã làm cho ông khiếp sợ vô cùng ».
Bác sĩ J. Bernard-Pellet tỏ vẻ chú tâm đặc biệt vào câu chuyện tôi vừa kể, và ông đã nói với tôi như sau :
- Cám ơn ông thật nhiều, tôi không hề được biết về câu chuyện này.
Hóa ra động cơ thúc đẩy việc ăn chay của bác sĩ J. Bernard-Pellet cũng khá giống với trường hợp của thi hào Lamartine.

* Lời kết :

image
Thật sự thì cũng ít có ai biết câu chuyện trên đây. Sở dĩ tôi biết được chuyện ăn chay của thi hào Lamartine là vì tình cờ mua được một quyển sách khá xưa trong một dịp hội chợ bán đồ cũ tổ chức trong vùng tôi cư trú. Tựa quyển sách là « Những bà mẹ của các danh nhân » (Les mères des Grands hommes), tác giả là Maurice Bloch, do nhà xuất bản Ch. Delagrave Paris phát hành năm 1885.
Trong quyển sách ấy có kể chuyện về cậu bé Lamartine và mẹ của cậu. Tôi xin dịch và tóm lược ra đây vài đoạn thuộc các trang 158 và 159 như sau :
[... ] Bà [ tức là mẹ của Lamartine] nuôi con bằng lối ăn chay cho đến khi ông lên 12 tuổi, bà chỉ cho ông ăn bánh mì, sữa, rau và hoa quả. Tuyệt đối không một miếng thịt nào.

image
Và tiếp theo đây là lời kể chuyện của cậu bé Lamartine :
Một hôm mẹ tôi tình cờ dẫn tôi đi ngang một lò sát sinh. Tôi trông thấy những người đồ tể hai cánh tay để trần nhuộm đầy máu đang đập chết một con bò, các người khác thì đang giết bê và cừu. Những suối máu bốc khói chảy lênh láng khắp nơi. Tôi kéo tay mẹ tôi đi cho nhanh để tránh xa nơi này.
Tác giả quyển sách còn cho biết là sau đó thì cậu hết sức sợ hãi và ghê tởm mỗi khi trông thấy thịt nấu chín.

Ít lâu sau thì gia đình cậu gởi cậu vào trường nội trú, cậu hết sức khổ sở vì phải ăn những thức ăn giống như các đứa trẻ khác dưới sự canh chừng của các thấy giáo mà cậu gọi họ là những tên cai ngục. Cũng cần nói thêm là vào thời bấy giờ trường học và việc giáo dục rất nghiêm khắc vì được đặt dưới sự quản lý của những người tu hành.
Một hôm cậu bỏ trốn. Sau khi phát giác ra sự vắng mặt của cậu thì nhà trường sai người đổ đi tìm. Người ta tìm được cậu đang đói lả và đang ngồi trong một quán ăn trước một đĩa trứng chiên mà cậu chưa kịp ăn. Người ta lại lôi cậu về trường và giam cậu vào một nơi riêng.
Nhưng hai tháng sau thì nhà trường chịu không nổi trước thái độ của cậu và đành dẫn giao trả cậu cho cha mẹ.

image
Trước cảnh tượng khổ đau, có những người xúc động không chịu nổi, tuy nhiên cũng có những người thản nhiên, chẳng hạn như những người đồ tể. Thật ra thì tất cả chúng ta đều hàm chứa những xúc cảm từ bi, nhưng những xúc cảm đó lại bị che lấp quá sâu kín trong lòng một số người. Tu tập có nghĩa là khơi động những xúc cảm đó trong lòng mình để không khiến mình giống như những người đồ tể đáng thương. Những xúc cảm ấy có thể sẽ giúp cho mỗi người trong chúng ta cảm nhận được những rung cảm của thi hào Lamartine đã từ hai trăm năm trước nhưng đến nay vẫn còn bàng bạc qua những trang sách và những vần thơ của ông. Những xúc cảm ấy trong lòng chúng ta biết đâu cũng có thể đã khiến chúng ta đi nghe một buổi thuyết trình của bác sĩ J. Bernard-Pellet được tổ chức ở một nơi nào đó. Thương lắm thay cho những người đồ tể, vì họ vẫn là những người đồ tể suốt đời.



Bures-Sur-Yvette ( France ), 14.11.09 
Hoang Phong

Phải chăng nghề đi tu là sướng nhất ???

Phải chăng nghề đi tu là sướng nhất ??? Tuỳ nhận xét của mỗi người, nhưng nhìn chung vào thời đại ngày nay chính những tín đồ cuồng tín đã làm các đấng tu hành bị xa đoạ.
 "Nhưng hành động trọng cha, kính thầy một cách quá đáng, có thể nói rằng đi đến lố bịch của một số con chiên, Phật tử đã làm hư các thầy các cha đồng thời biến các vị tu hành trở thành Phật, thành Chúa, là thần thánh oai nghiêm và quyền uy vô lượng chứ không còn là những kẻ tu hành hèn mọn mà những vị nầy đã tâm nguyện dâng hiến để trọn đời phục vụ Phật tử, tín đồ cũng như con chiên"

Nghề đi tu

image
Văn hóa truyền thống dạy cho người Việt chúng ta kính trọng các bậc tu hành, vì những vị tu hành là những người đã dứt khoát trần tục, từ bỏ giàu sang danh vọng phú quý để tìm con đường tu thân, và từ đó, dẫn dắt người đời đến một cuộc sống thánh thiện, chân thiện mỹ…

Sở dĩ chúng ta trọng những người tu hành vì những vị nầy đã trở thành những kẻ hơn người. Họ đã từ bỏ được ba cái tầm thường ‘Tham Sân Si’ của giới phàm tục. Như vậy, những ai một khi quyết định xa gia đình, dứt bỏ phú quý danh vọng để tự nguyện trở thành kẻ phục vụ chúng sinh, lấy đức bác ái, tinh thần từ bi hỷ xả làm lý tưởng để lo cho đời sống tâm linh con người, đồng thời chấp nhận làm kẻ thấp hèn trong xã hội cũng như quên mình để hiến dâng cho lý tưởng, thì đều được xã hội quý trọng. Người Việt chúng ta rất sùng đạo, đó là vấn đề rất tốt phía tôn giáo.

image
Note: hình trong bài này là minh họa

Nhưng hành động trọng cha, kính thầy một cách quá đáng, có thể nói rằng đi đến lố bịch của một số con chiên, Phật tử đã làm hư các thầy các cha đồng thời biến các vị tu hành trở thành Phật, thành Chúa, là thần thánh oai nghiêm và quyền uy vô lượng chứ không còn là những kẻ tu hành hèn mọn mà những vị nầy đã tâm nguyện dâng hiến để trọn đời phục vụ Phật tử, tín đồ cũng như con chiên! Những hình ảnh chấp tay cúi đầu ‘con lạy thầy, con lạy cha’ làm cho các nhà tu hành quên hẳn vai trò một người tu hành để rồi những vị nầy tự ban cho mình cái quyền linh thiêng, đại diện cõi trên ban phát ân huệ cho chúng sanh và bắt người phàm tục phục dịch cho mình.

Hình ảnh và thái độ của thầy cha ngày nay thường bị hư hỏng và đôi lúc trịch trượng bởi hai  lý do.

Trước hết là số người người sùng đạo có thái độ tôn trọng cha thầy một cách quá đáng: việc gì của thầy của cha làm đều tốt đều đẹp, lời thầy lời cha nói gì nghe cũng hay cũng phải.

image
Thứ đến là một số tín đồ, giáo hữu cò mồi dựa vào tôn giáo để làm chính trị cũng như kinh doanh, họ bám vào thầy cha, nhà chùa, nhà thờ, theo sát thầy cha đánh trống thổi kèn, chấp tay lạy sống và khúm núm trình thưa như đang đứng trước mặt quan quyền vua chúa ngày xưa.
Hành động nầy chẳng những đưa ‘cái tôi’ của thầy cha lên tận mây xanh, do đó, những cái tầm thường xấu xa trong lòng các vị tu hành đã không diệt được mà còn được thường xuyên bơm lên thì Tham Sân Si trong lòng các vị tu hành càng ngày càng lớn hơn những người phàm tục nữa ! Như vậy tu hành đã không đạt được kết quả…mà một khi cái Tham Sân Si trong các vị tu hành thường xuyên bị dồn nén thì sẽ bộc phát dữ dội.
Nên nhớ rằng, các nhà tu hành một khi đã đi lạc đường, thì cái Tham Sân Si sẽ quậy tới bến còn hơn những người phàm tục !!!

Cá nhân tôi là người trong cuộc và đã chứng kiến tận mắt hai trường hợp, từ đó lòng tôi mất đi rất nhiều kính trọng đối với một số vị tu hành :

image
1. Trong một cuộc biểu tình, tôi được giới thiệu với một vị linh mục còn trẻ hơn tôi. Sau câu chào hỏi thân mật xong thì vị linh mục quay mặt đi nơi khác, hình như có thái độ không muốn nói chuyện với tôi nữa vì tôi đã thẳng thắng kêu bằng cha và xưng tôi. Có lẽ chữ tôi trong cách xưng hô không thích hợp giữa một giáo dân với một vị linh mục nơi đông người đã làm giảm giá trị một vị tu hành nên vị nầy đã quay mặt đi giã vờ nói chuyện với những người chung quanh.

Nếu tôi trịnh trọng gọi bằng cha thì phải xưng con như những người khác thì câu chuyện sẽ được tiếp tục trong tình thân mật ! Tôi có thể gọi cha và xưng con trong nhà thờ, lúc xem lễ hay vào tòa xưng tội theo con người Kytô hữu của tôi. Nhưng ngoài đời, trong một buổi biểu tình chính trị, thì giữa hai người tu hành và giáo dân cũng đều là những người dân tỵ nạn Việt Nam. Tôi nghĩ rằng một người già trên 70 xưng con với một vị linh mục còn trẻ giữa nơi công cộng thì cũng khó nghe ! Như vậy trong bộ áo màu đen quý trọng đang mặc trên linh mục nầy, cái sân si vẫn còn quá nặng mùi trần tục trong một vị tu hành.

2. Dịp cúng thất cho một người trong gia đình, nhằm buổi cơm chay, tôi có dịp phải đi ngang qua phòng ăn - nối liền từ chân cầu thang đến chánh điện – trong lúc các vị sư đang dùng bữa. Chuyện đập vào mắt tôi, vị trụ trì ngồi đầu bàn, sau khi ăn hết chén cơm vị nầy ngồi yên, không quay lại, đưa cái chén ra phía sau…thì một Phật tử chấp tay vái lạy ba cái, cúi mình xuống và đưa hai tay lên khỏi đầu đở lấy cái chén, lấy cơm xong lại cung kính dâng lên vị trụ trì như lúc đầu…trong lúc tô cơm đang nằm ngay trước mặt và trong tầm tay của vị trụ trì ! Phía bên kia, một Phật tử cầm quạt đang phe phẩy để cho thầy dùng cơm mặc dù Paris lúc đó đang mát trời ! Tôi thấy vị trụ trì nầy đã quên hẳn mình là kẻ tu hành mà có thái độ trịch trượng như một vị vua chúa ngày trước.

image
Trở về với đề tài, nhiều người hỏi tôi thời đại nầy làm nghề gì sướng nhất, tôi có thể trả lời tức khắc không cần đắn đo suy nghĩ rằng : ‘Nghề Đi Tu’ ! Một nghề không đòi hỏi vốn kiến thức, không cần đầu tư tài chánh mà chỉ cần thuộc vài ba kinh – như loại tu hành quốc doanh - là có thể hành nghề một cách dễ dàng.
Khi hành đạo, không cần làm việc, nhưng tài sản đất đai, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc do con chiên thiện nam tín nữ cung hiến cũng quá dư thừa cho phép những vị nầy ăn uống no say, vợ con đầy đủ và nếu muốn thì tình nhân cũng sẵn sàng có  ngay !
Nhà cửa được giảm hoặc miễn thuế, ăn khỏi tốn tiền, có người hầu hạ, có kẻ làm bếp dâng lên tận miệng. Có vị còn biến từ nhà ở cho đến nơi thờ phượng thành cơ sở kinh doanh với giá bán cắt cổ từ cuốn sách cho đến gói thực phẩm. Tất cả hoạt động kinh tế đều theo hình thức chui và chỉ thu tiền mặt.

Các lễ lộc phục vụ tôn giáo không có tình trạng miễn phí hoặc giảm giá cho nhà nghèo mà phải tuân theo theo từng bậc giá cả khác nhau. Cước phí xin lễ, cầu nguyện đối với các vị tu hành người nước ngoài hoàn toàn do tín hữu tự nguyện không bắt buộc theo một hình thức khuôn mẫu nào.

image
Tôi chứng kiến một cha người Pháp đã từ chối số tiền lớn do một tín hữu người Việt Nam đến nhà thờ Tây xin lễ bình an cho gia đình. Chẳng những thế, nhà thờ còn làm hóa đơn chính thức để ghi vào sổ của nhà thờ.

Nhưng trái lại, trong một dịp gặp một cha người Việt Nam để xin lễ, vị linh mục nầy cho giá đàng hoàng và tỏ vẽ không hài lòng khi tôi đề cập đến giá cả của nhà thờ !

Từ chỗ nầy người ta xem các vị tu hành từ trong nước ra đến hải ngoại hành nghề tôn giáo với giá cả cắt cổ tín hữu và Phật tử một cách vô tội vạ.

Riêng việc tang chế, giá cả được ấn định bao nhiêu tiền cho cha thầy đến tư gia, đến nhà xác để tụng niệm. Bao nhiêu tiền để tổ chức theo hình thức lớn, trung bình, nhỏ đối với một lễ tiễn đưa người quá cố, bao nhiêu tiền để mang cốt tro về chùa, nhà thờ… và bao nhiêu tiền theo đẳng cấp giàu sang hay bình dân để thuê một cái hộc để đựng hũ cốt người chết !

image
Tiền nhiều thì nhà chùa nhà thờ tổ chức lớn, với nhiều cha nhiều thầy làm lễ. Nhiều tiền thì tổ chức lễ riêng rẽ một cách trang trọng vào cuối tuần.
Ít tiền thì tổ chức cầu siêu tập thể và vào những ngày giờ làm việc.
Chính các thầy các cha đòi hỏi giá cả để tổ chức những buổi lễ đình đám cho hôn nhân, cầu siêu, án táng, đưa hài cốt về chùa, về nhà thờ.


Những tiền lệ nầy đã tập cho tín đố Phật tử những tính xấu, xem thường việc linh thiêng tôn giáo đồng thời tạo cho những gia đình nghèo, thiếu phương tiện bị mặc cảm và đau lòng mỗi khi có người thân vừa nằm xuống.
Chắc tất cả mọi người đều công nhận rằng nghề đi tu chẳng những là một nghề ấm thân cho kẻ tu hành mà còn giúp họ trở thành triệu phú một sớm một chiều. Chẳng mất một giọt mồ hôi, suốt đời không đóng thuế, nhà cửa được giảm tiền điện nước lại còn hưởng trợ cấp đặc biệt của xã hội.

Cuộc đời tu hành thật đáng giá ngàn vàng, chỉ một sáng một chiều trở thành triệu phú, trở nên kẻ ăn trên ngồi trước và được trọng vọng nhất trong thiên hạ : Nhà cao cửa rộng, đi Mercedes, BMW… có tài xế, ngày ăn no, đêm ngủ với vợ, ngày thì đệ tử tự nguyện ( !) thời gian rỗi rảnh thì đếm bạc giấy rồi đem cất vào tủ sắt…Như vậy nghề tu hành thời nay của người Việt quả thật là tuyệt hảo và độc nhất vô nhị của thế giới tính, từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đến nay.
image
Nhà thờ nhà chùa đã biến thành cái chợ và hơn nữa các nơi nầy còn cạnh tranh tổ chức văn nghệ mừng Xuân, ca hát ăn uống…thì chắc Chúa và Phật cũng phải quay mặt trước tình trạng tu hành thời nay.
Bây giờ giới trẻ ai cũng muốn đi tu, một nghề ngồi mát ăn bát vàng mà được thiên hạ đội lên đầu, chắp tay vái lạy thì còn gì quý hơn khi phải phí cuộc đời gần hai chục năm trong các nhà trường để rồi vác bằng chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cái thiên đường ‘đỉnh cao trí tuệ’ và ‘cái nôi nhân loại’ của chế độ cộng sản đã đẻ ra nhiều nghề quái gở : Từ nghề ăn xin, mai mối, bịp bợm, nô lệ…đã nổi tiếng trên thế giới và bây giờ còn thêm nghề đi tu thật độc đáo vô cùng ‘hoành tráng’ không có một quốc gia nào bắt kịp… Chính cộng sản đã dàn dựng lên hình thức tu hành trưởng giả nầy từ ngay từ trong nước để chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam hòa toàn có tự do tôn giáo.
Thật vậy, cần phải ghi nhận, trong nước đi đến đâu cũng gặp đầy dẫy nhà thờ, nhà chùa…là những khu vực nguy nga to lớn bên cạnh những ngôi nhà của con chiên, Phật tử vẫn còn nghèo nàn đói rách.
Các thầy các cha thì đua nhau xin tiền để sửa sang cơ sở tôn giáo của mình càng lớn càng đẹp để tranh với  chùa, nhà thờ bên cạnh !!!

image
Đi đâu các vị tu hành cũng hân hạnh khoe rằng, ông nầy bà nọ là Phật tử hoặc con chiên nằm trong khuôn hội hay họ đạo dưới quyền ! Các vị tu hành đâu có hay rằng dưới mắt Chúa và Phật những ông bà nầy là những tay ăn hối lộ, cướp của, giật vợ cướp chồng người ta, buôn bán cần sa, rửa tiền dơ mà các vị tu hành cứ đội lên đầu những người núp bóng tôn giáo cho mưu đồ chính trị, xem họ như một vinh hạnh của nhà chùa, nhà thờ.

Các vị tu hành cứ giành nhau ôm chân các ông bà nầy và ca tụng hết mình…thì thật tội nghiệp cho Chúa và Phật quá ! Việc tu hành không màng nghĩ đến, kinh kệ hằng ngày không quan tâm mà thầy cha chỉ chú trọng đến các hình thức phô trương bên ngoài. Đó là cái nghiệp tham sân si đang lấn át các đức tính bình dị, liêm khiết, vị tha, bác ái trong con người các vị tu hành hiện nay.
Tình trạng thầy cha mượn Phật-Chúa để phục vụ cho cái tham sân si vô đáy cá nhân đang thịnh hành đầy dẫy từ trong nước ra đến hải ngoại!.


Cộng sản đố kỵ tôn giáo nhưng chúng lại xây dựng một số giáo hội gọi là quốc doanh nhằm thu nạp những vị tu hành mà tâm vẫn còn nặng nợ trần gian đồng thời cộng sản còn ‘sản xuất’ ra một số sư đỏ, cha đỏ để phân hóa các giáo hội chính thống, đồng thời chia đôi khối giáo dân cũng như Phật tử làm nhiều phe phái nhằm phá hoại tôn giáo.
Âm mưu của cộng sản là chúng tạo ra một lớp tu hành gồm thầy, cha quốc doanh với tất cả những cái xấu xa hơn những người trần tục, không ngoài mục đích để cho giáo dân, Phật tử nhìn thấy tư cách các vị lãnh đạo tinh thần để rồi từ đó họ sẽ xa dần Chúa và Phật…

image
Trong nước chính cộng sản bỏ tiền xây dựng chùa, nhà thờ để đưa vào đó những cha thầy quốc doanh với hai mục đích. Một là chứng minh với thế giới rằng Việt Nam là nơi mà các tôn giáo đều được phát triển tối đa, và hai là, chùa nhà thờ là những cái ổ trú ẩn của những tên cộng sản đội lốt tôn giáo.
Tình hình ở hải ngoai cũng vậy, chùa và nhà thờ mọc lên như nấm, nguy nga đồ sộ, nhưng thử tìm hiểu tiền ở đâu để các thầy cha vừa mua đất vừa xây những cơ sở tôn giáo vượt quá khả năng ? Đồng ý rằng tiền của do tín đồ Phật tử đóng góp, nhưng đó chỉ là số nhỏ nhằm che đậy bên ngoài, phần tài chính quan trọng là do cộng sản cung cấp để thành lập những động ổ an toàn cho bọn cộng sản mặc áo nâu, áo đen từ trong nước ra trú ẩn.

Trong nước thì giáo gian Huỳnh công Minh, tổng thư ký tòa Tổng Giám Mục Sàigòn và cũng là ‘tổng tư lệnh’ giáo hội công giáo quốc doanh. Giáo gian nầy đang tận tình ‘điều khiển’ ngài Hồng Y Tổng Giám Mục ‘dính chàm’ Phạm Minh Mẫn. Do đó tín đồ không lạ gì khi ngài Hồng Y thi hành lệnh một cách tích cực, từ vụ Cờ Vàng cho đến ‘tống khứ’ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đi Vatican chữa bệnh theo yêu cầu của cộng sản Hà Nội.

image
Các linh mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích Những kẻ đã hô hào trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre.

Ngoài ra, linh mục nào muốn ăn ngon mặc đẹp, tiền bạc đầy túi, muốn được lấy vợ đẻ con chính thức công khai, muốn có nhà thờ to lớn và đông giáo dân (như Phan Khắc Từ) thì đến cúi mình trước mặt giáo gian Huỳnh Công Minh, ký giấy tờ cam kết rồi lãnh vài ba trăm triệu để xây nhà thờ và xây tổ ấm !     

Trước năm 1975 tôi thường đến thăm và dùng cơm chay với nhiều vị Thượng Tọa trụ trì tại các chùa nhỏ (chùa nghèo) trong vùng Gia Định cũng như với những vị linh mục dòng Phanxicô  hoặc dòng Vinh Sơn. Các vị nầy sống bình dị, mặc thô sơ, ăn uống thanh đạm. Khi tiếp xúc với những vị nầy tôi cảm nhận được Phật tính cũng như tinh thần Kytô thoát ra từ lời nói, cách cư xử đến cử chỉ và ánh mắt bao dung…Thâm tâm tôi lúc nào cũng quý trọng những vị chân tu nầy…

image
Nhưng ngày nay, với chủ trương diệt tôn giáo, cộng sản đã sản xuất ra một số quốc doanh để mưu đồ phá hoại các tôn giáo chân chính và thành phần nầy hiện đang đầy dẫy từ trong nước ra đến hải ngoại. Các chất bổ béo trong cơ thể các vị tu hành ngày nay quá dư thừa, thân hình các vị tu hành phì nộn và đa số mang bệnh nhà giàu (tiểu đường, cao huyết áp…) vì các cha cai quản họ đạo được con chiên mời dùng bữa luân phiên từ nhà nầy qua nhà khác. Các thầy thì được Phật tử làm các món chay dưới dạng tôm rim, cá chiên, cua lột, thịt kho tàu…giúp cho các thầy tự đánh lừa cả thị, xúc, vị giác của mình để được ngon miệng. Như vậy cái si vẫn còn  quá lớn, làm sao cho trọn kiếp tu  !!!

image
Xin kết thúc bài viết : Chống cộng sản thì phải chú tâm đến vấn đề tôn giáo vận. Địch đã gài sẵn cha thầy quốc doanh vào nhà thờ, vào chùa… nếu chúng ta vô tình hay thiển cận, vẫn tôn vinh, nuôi dưỡng và đùm bọc thành phần nầy thì Phật tử, con chiên đã tự chính mình ra tay diệt tôn giáo của mình.



Đinh Lâm Thanh